Lịch sử những đường phố Sài Gòn xưa: Đường Hai Bà Trưng và lịch sử hơn 150 năm

Đường Hai Bà Trưng là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn, đã có từ trước khi người Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn vào năm 1862. Đây là một trong những con đường quen thuộc nhất đối với Sài Gòn cả xưa và nay, hầu như tất cả các hướng đi trong nội thành đều đi ngang qua hoặc đi trên con đường này.

Đường Hai Bà Trưng hơn 100 năm trước

Ngoài ra, đây là con đường lớn nhất nối xuyên suốt từ sông Sài Gòn, băng qua trung tâm đô thành Sài Gòn để đi thẳng tắp tới tỉnh Gia Định xưa (ở bên kia cầu Kiệu). Cho đến tận ngày nay, đây vẫn là con đường ngắn nhất nối trung tâm Sài Gòn với các quận Phú Nhuận, Gò Vấp.

Ban đầu, con đường nối từ sông Sài Gòn đến rạch Nhiêu Lộc này được người Pháp đánh số 14, rồi sau đó mới đặt tên là Impériale (Hoàng Đế). Đến năm 1870, đường đổi tên thành Nationale (Quốc Gia). Đây chính là một trong những con đường quan trong bậc nhất Sài Gòn thời kỳ Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn.

Trong đồ án quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn do trung tá công binh Coffin thực hiện, thành phố được chia thành hai khu vực rõ rệt, lấy con đường số 14 (tức là Hai Bà Trưng ngày nay) làm ranh giới. Khu vực phía Đông của đường 14 trải dài đến rạch Thị Nghè, rộng khoảng 200 ha, là khu hành chánh và quân sự, tập trung bộ máy đầu não; khu phía Tây từ đường 14 chạy về hướng Chợ Lớn ngày nay, rộng khoảng 2.300 ha, là khu thương mại và dân cư. Ngay trên trục đường 14 này có những công trình quan trọng đầu tiên của Sài Gòn từ thập niên 1860s là Bịnh viện Quân Y, dinh Thủy sư Đô đốc (dinh Thống đốc Nam kỳ đầu tiên). Tuy đề án Coffyn chưa từng được thực hiện tại Sài Gòn, song sự phân định hai khu vực hành chánh-quân sự với khu dân cư vẫn được chính quyền thực dân Pháp mặc nhiên thực hiện.

Từ ngày 4 tháng 4 năm 1902, đường này  được đổi tên lại từ Nationale thành Paul Blanchy, là tên của chủ tịch của Hội đồng thuộc địa của Nam Kỳ năm 1873. Ông cũng là thị trưởng đầu tiên của Sài Gòn, bắt đầu từ 1895 cho đến khi qua đời năm 1901. Đây chính là cái tên quen thuộc nhất của đường này thời Pháp thuộc, trước khi đổi thành Trưng Nữ Vương năm 1952, rồi tên Hai Bà Trưng từ năm 1955.

Xe lửa đang chạy trên đường ray dọc theo đường Paul Blanchy

Ngày 28 tháng 11 năm 1952, con đường này được cắt đoạn từ đại lộ Norodom (tức đại lộ Thống Nhứt, nay là Lê Duẩn) đến cầu Kiệu và đặt tên là đường Trưng Nữ Vương, đoạn còn lại từ Norodom đến công trường Rigault de Genouilly (là công trường Mê Linh sau này) vẫn giữ tên cũ Paul Blanchy.

Đường Paul Blanchy xưa. Lúc này có đường ray xe lửa tuyến Sài Gòn đi Gò Vấp – Hóc Môn

Ngày 22 tháng 3 năm 1955, hai đường Paul Blanchy và Trưng Nữ Vương nhập thành một và đặt tên là đường Hai Bà Trưng cho đến ngày nay.

Sau đây là những hình ảnh xưa của con đường Hai Bà Trưng tính từ đoạn sông Sài Gòn (Công trường Mê Linh) cho tới Rạch Nhiêu Lộc (cầu Kiệu):

Toàn cảnh công trường Mê Linh thập niên 1950.

Trong tấm hình toàn cảnh công trường Mê Linh bên trên, đường dọc sông là Bến Bạch Đằng, phía trên là 2 đường Hai Bà Trưng – Thi Sách (đường Hai Bà Trưng bên trái, đường Thi Sách ở chính diện, lệch phải). Đó đều là những nhân vật lịch sử gắn liền với địa danh Mê Linh từ thế kỷ 1 trong công nguyên.

Ở chính giữa công trường Mê Linh mà chúng ta thấy trong hình là phần đế của một tượng đài. Từ năm 1877 cho đến năm 1954, vị trí này là tượng đài Rigault de Genouilly, và công trường này cũng mang tên là công trường Rigault de Genouilly. Tên này được đặt theo tên của một viên thủy sư đề đốc Pháp mang tên Charles Rigault de Genouilly. Năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa dỡ bỏ tượng Genouilly, chỉ còn lại phần đế, đồng thời đổi tên công trường Rigault de Genouilly thành Công trường Mê Linh. Năm 1962, tại phần đế tượng cũ này, chính quyền đệ nhất cộng hòa xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng, tuy nhiên bức tượng chỉ tồn tại được hơn 1 năm thì bị dỡ bỏ, thay vào đó là tượng đài Trần Hưng Đạo từ năm 1967 cho đến tận ngày nay.

Công trường Mê Linh lúc tượng Hai Bà Trưng không còn.

Trong hình bên trên, đường thẳng xuống dưới là đường Hai Bà Trưng, ngay đầu đường là tòa nhà BGI quen thuộc.

Trước khi là nhà máy bia BGI, nơi này từng là nhà máy nước đá đầu tiên của Việt Nam. Sau 1975, khu đất địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng này thuộc Sabeco quản lý. Hiện nay khu nhà này đã bị giải tỏa, và liên quan đến 1 đại án “khu đất vàng” nên vẫn còn đang bị để trống.

Ảnh này cùng 1 vị trí với ảnh trên, có thể nhìn thấy rõ hơn bên trên nhà máy BGI

Nhà máy BGI đường Hai Bà Trưng, cạnh Công trường Mê Linh

Hình ảnh quen thuộc với người Sài Gòn xưa khi đến công trường Mê Linh

Nhà máy BGI

Từ công trường Mê Linh – Đầu đường Hai Bà Trưng đi vô chỉ 1 chút sẽ gặp 2 giao lộ Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi) và Hai Bà Trưng – Thái Lập Thành (nay là Đông Du). Bên dưới là 1 số hình ảnh ở đoạn này:

Ngã tư Hai Bà Trưng – Thái Lập Thành, bên trái là tòa nhà BGI, qua khỏi ngã tư này là ngã ba Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Thinh. Bên phải hình này là tiệm thực phẩm Khinh Ký, chuyên bán đồ ngoại nhập

Hình ảnh tiệm thực phẩm Khinh Ký nằm ở góc đường Paul Blanchy – Admiral Dupre (đường Thái Lập Thành, nay là Đông Du)

Tòa nhà BGI hay góc Hai Bà Trưng – Thái Lập Thành

Đường Thái Lập Thành (nay là Đông Du) ngay góc ngã tư với đường Hai Bà Trưng, bên phải là tòa nhà BGI

Từ ngã tư với đường Thái Lập Thành, đi đường Hai Bà Trưng sâu vô trong một chút nữa sẽ là một đoạn đường khá sôi động của Quận 1.

Đường Hai Bà Trưng đoạn giữa Thái Lập Thành và Nguyễn Siêu (hướng từ Thái Lập Thành tới Nguyễn Siêu). Xa xa có thể thấy Sở Điện Lực ở góc đường Nguyễn Siêu

Đường Hai Bà Trưng, đoạn giữa Thái Lập Thành và Nguyễn Siêu (ngay sở Điện Lực CEE), có một dãy nhà mà từ sau năm 1965 mọc lên rất nhiều quán bar dành cho lính Mỹ. Nguyên do là ngay cách đó không xa là cư xá sĩ quan Mỹ (còn được gọi là khách sạn Brinks), nơi ở của những sĩ quan cao cấp Mỹ. Khách sạn Brinks từng bị biệt động SG tấn công, vị trí Brinks ngày nay là khách sạn 5 sao Park Hyatt.

Sau đây là khu hàng quán, bar ở đoạn đường này:

Đường Hai Bà Trưng đoạn trước nhà hàng Cheong-Nam (góc Hai Bà Trưng – Nguyễn Siêu), đối diện bên kia nhà hàng là công trường Lam Sơn (phía sau Opera House). Góc ảnh này có thể thấy các bar Kim Thanh, Ánh Sao. Phía bên kia là khách sạn Ritz

Bên phải là bảng tên đường Hai Bà Trưng – Công trường Lam Sơn

Nhà hàng Cheong-Nam rất nổi tiếng tại góc Hai Bà Trưng – Nguyễn Siêu (đường bên trái hình)

Góc Hai Bà Trưng – Nguyễn Siêu, nhìn từ trên khách sạn Brinks. Lúc này nhà hàng Cheong-Nam xây thêm một tòa nhà màu trắng bên trong đường Nguyễn Siêu (góc trái hình)

Cận cảnh đường Nguyễn Siêu nhìn từ đường Hai Bà Trưng. Bên trái là CEE, bên phải là nhà hàng Cheong-nam
Từ khu vực trước nhà hàng Cheong-Nam nhìn ngược về phía công trường Mê Linh

Từ góc đường Hai Bà Trưng – Nguyễn Siêu nhìn về phía công trường Mê Linh ở xa xa. Có thể thấy phần chân của tượng đài ở công trường Mê Linh vẫn còn trống, lúc này chưa xây tượng Trần Hưng Đạo

Ngay góc Nguyễn Siêu còn có một tòa nhà nổi tiếng, đó chính là Sở điện lực, thời Pháp là Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon (Công ty điện nước Sài Gòn), viết tắt là CEE.

Đường Hai Bà Trưng và Sở Điện Lực

Tòa nhà này được xây từ năm 1896, là nhà máy điện đầu tiên ở Nam kỳ, cung cấp điện cho toàn thành phố cho đến những năm đầu thế kỷ 20. Sau khi nhà máy điện Chợ Quán được xây dựng bên kênh Tàu Hủ (Arroyo Chinois) thì nơi này trở thành trụ sở công ty điện nước CEE.

Đường Hai Bà Trưng nhìn về phía Tân Định. Bên phải là sở điện lực CEE

Ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là trụ sở của tổng công ty điện lực Miền Nam ở số 72 Hai Bà Trưng.

Sở điện lực (bên trái hình), nhìn từ trên tòa nhà sau này trở thành khách sạn Brinks, thường được gọi là cư xá sĩ quan Mỹ

Hình ảnh đường Hai Bà Trưng và bãi đậu xe phía sau Opera House. Phía bên trái hình là CEE ngay góc Hai Bà Trưng – Nguyễn Siêu

Đường Hai Bà Trưng đoạn trước Sở điện lực CEE. Bên phải hình là sân sau của Opera House

Đoạn Hai Bà Trưng – Nguyễn Siêu bị chặn trong một sự kiện ngoại giao/chính trị

Sở điện lực (CEE) nằm ở một một vị trí đặc biệt, nằm gọn trong 4 con đường, trước mặt là Hai Bà Trưng và công trường Lam Sơn, sau lưng là Thi Sách, hai bên là Nguyễn Siêu và Cao Bá Quát. Những tên đường này được đặt từ năm 1955 và vẫn còn được giữ nguyên cho đến ngày nay. Cách đặt tên như vậy cũng thật ý nghĩa: Thi Sách là chồng của Hai Bà Trưng, và Cao Bá Quát – Nguyễn Siêu (tức Nguyễn Văn Siêu) là 2 người bạn thân với nhau, là nhà văn nổi tiếng triều Nguyễn, từng được vua Tự Đức ca tụng: Văn như Siêu – Quát vô tiền Hán.

Sở điện lực CEE nhìn từ trên khách sạn Brinks. Hai bên CEE là 2 con đường mang tên Nguyễn Siêu – Cao Bá Quát

Góc giao lộ Hai Bà Trưng – Cao Bá Quát nhìn từ trên Caravelle Hotel năm 1962

Góc trên bên trái là khách sạn Brinks, bên phải là CEE

Đường Hai Bà Trưng nhìn từ trên khách sạn Brinks về phía công trường Mê Linh. Bìa phải là khách sạn Ambassador ở sau lưng Opera House. Góc trái là CEE

Góc trên bên trái là khách sạn Brinks, bên phải là sở điện lực. Bên trái có thể thấy bảng hiệu của cafe J Martin

Cùng một góc với ảnh bên trên, nhưng cận cảnh hơn. Đường Hai Bà Trưng nhìn về hướng đi Tân Định

Từ CEE đi tới một chút sẽ gặp 1 căn nhà cổ có từ thế kỷ 19, thời Pháp là xưởng chế biến nhɑ ρhiến, sau đó là một cơ sở thuộc Hải Quan. Từ sau 1955 trở thành là phòng thí nghiệm của Tổng Nha Quan thuế:

Phòng thí nghiệm của Tổng Nha Quan thuế trên đường Hai Bà Trưng nhìn từ Brinks Hotel. Khu nhà này đến nay vẫn còn, là cổng vào một khu dân cư

Nơi này thời Pháp là xưởng chế biến

Sau đó trở thành Douanes & Regies (Hải Quan)

Hình ảnh cuối thập niên 1960

Ngay đối diện khu nhà đó là một tòa nhà nổi tiếng đã nhắc đến nhiều lần bên trên, là nơi mà các quân nhân Mỹ thực hiện nhiều bức hình chụp xuống đường Hai Bà Trưng, đó chính là khách sạn Brinks, được chính phủ Mỹ thuê lại nguyên tòa nhà để làm nơi ở cho sĩ quan Mỹ, nên thường được gọi là cư xá sĩ quan Mỹ. Vị trí này ngày nay là khách sạn 5 sao nổi tiếng Park Hyatt, là nơi cặp đôi Brad Pitt và Angelina Jolie chọn ở trong lần đầu tiên ghé Việt Nam năm 2006. Sau đây là một số hình ảnh của Brinks:

Khách sạn Brinks. Ảnh chụp từ vị trí CEE

Đường Hai Bà Trưng nhìn từ Saigon Hotel sang Brinks Hotel

Lề đường Hai Bà Trưng, ngay đằng trước Brinks

Lề đường Hai Bà Trưng đoạn Brinks Hotel

Từ khách sạn Brinks đi một đoạn ngắn là đến ngã tư Hai Bà Trưng – Lê Thánh Tôn:

Đường Hai Bà Trưng hướng nhìn từ đường Lê Thánh Tôn về phía sở điện lực. Bên phải là khách sạn Brinks

Đi tiếp một đoạn nữa sẽ đến ngã tư Hai Bà Trưng – Gia Long (nay là Lý Tự Trọng):

Ngã tư Hai Bà Trưng – Gia Long

Ngay ngã tư này có 1 tòa nhà màu trắng ở địa chỉ số 37 – Gia Long. Từ năm 1956, nơi này là trụ sở của Thư Viện Abraham Lincoln

Năm 1962, Thư Viện Abraham Lincoln dời về khách sạn REX, tòa nhà này trở thành cơ quan phụ. Năm 1965, tòa nhà này sáp nhập với US Public Affairs Office (JUSPAO) và thường được gọi là JUSPAO 2. Ngày nay tòa nhà này vẫn còn

Từ Hai Bà Trưng – Gia Long đi một đoạn nữa là sẽ tới ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Du. Đoạn này có 2 địa điểm quen thuộc, một bên là bệnh viện Grall (thường được gọi là nhà thương Đồn Đất, nay là bệnh viện Nhi Đồng 2), một bên là trường Lasan Taberd (nay là trường chuyên Trần Đại Nghĩa).

Bên phải hình là bệnh viện Đồn Đất (Grall)

Hình ngược chiều với hình trên. Bên trái hình này là nhà thương Grall, còn bên phải là trường Lasan Taberd

Từ ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Du nhìn ngược lại ngã tư Hai Bà Trưng – Gia Long. Bên trái là bệnh viện Đồn Đất, bên phải là trường Taberd

Từ ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Du đi một đoạn ngắn nữa sẽ đến ngã 3 Hai Bà Trưng – Nguyễn Hậu (nay là đường Nguyễn Văn Bình), nay là đầu đường sách Sài Gòn, nơi quen thuộc của những người yêu sách. Nguyễn Hậu là một con đường rất ngắn đâm từ bên hông Nhà Thờ sang đường Hai Bà Trưng.

Từ thế kỷ 19, từ khi chưa có Nhà Thờ thì đường Nguyễn Hậu và đường Hàn Thuyên vốn cùng là một con đường mang tên là rue de Hongkong. Sau khi Nhà Thờ Đức Bà được xây dựng năm 1880 thì đường Hongkong bị chia đôi thành 2, một đoạn mang tên Amiral Page, một đoạn mang tên Cardi, Nhà Thờ ở giữa 2 đường này. Sau năm 1955, đường Amiral Page đổi tên thành Hàn Thuyên, đường Cardi mang tên Nguyễn Hậu. Năm 2000, đường Nguyễn Hậu mang tên vị linh mục Nguyễn Văn Bình, là Tổng giám mục Tiên khởi của Tổng giáo phận Sài Gòn từ năm 1960 đến năm 1995.

Đường Cardi 100 năm trước (nay là đường sách Nguyễn Văn Bình)

Từ ngã 3 Hai Bà Trưng – Nguyễn Hậu đi một đoạn ngắn nữa là đến ngã 4 Hai Bà Trưng – Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn). Lúc sắp gần tới ngã tư này, có một địa điểm nhận diện quen thuộc là cây xăng SHELL bên cạnh một căn biệt thự xinh xắn, có biển quảng cáo “Yêu XE là yêu SHELL”:

Căn biệt thự này nằm ngay ngã tư Hai Bà Trưng – Thống Nhứt
Đường Hai Bà Trưng đoạn gần với ngã tư với Thống Nhứt, với căn biệt thự ngay ngã tư. Trong hình này, chiếc xe bus đang đi qua chính giữa ngã tư. Đằng sau đó là trụ sở công ty ESSO

Trụ sở công ty xăng ESSO nằm ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng – Thống Nhứt. Trong hình bên trên, chiếc xích lô máy đang lưu thông trên đường Hai Bà Trưng hướng về phía Tân Định

Vào năm 2011, tòa nhà này cùng với khu nhà liền kề bên kia đường bị đập bỏ, dự định sẽ xây khách sạn 5 sao. Tuy nhiên khu đất này vẫn để trống suốt 10 năm qua và vào diện bị thu hồi

Góc Hai Bà Trưng – Thống Nhứt. Người đi velosolex bên trái hình đang lưu thông trên đường Hai Bà Trưng tới giữa ngã tư. Tòa nhà ngay góc ngã tư là trụ sở của Khối Thanh Tra của Bộ Nội Vụ (đã bị đập bỏ năm 2011)

Từ ngã tư này, đi một đoạn nữa, qua ngã 3 Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Chiêm sẽ tới ngã tư Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Nơi này có đại sứ quán Pháp suốt từ thời Pháp thuộc đến nay.

Tòa đại sứ Pháp, số 27 Hồng Thập Tự, ngay góc ngã 4 Hồng Thập Tự – Hai Bà Trưng, ngày nay vẫn là tòa đại sứ Pháp, ở số 27 Nguyễn Thị Minh Khai

Đi về phía trước là ngã tư Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự. Bên phải là khu vực Toà Đại sứ Pháp ở ngay góc ngã 4. Trên mặt đường là dấu tích còn lại của đường rày tuyến xe điện Saigon – Gò Vấp thời Pháp

Đường Hai Bà Trưng, lề đường bên hông Tòa đại sứ Pháp. Phía xa là ngã tư Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự

Saigon năm 1951 trên đường Paul Blanchy. Bên trái là chỗ khu vực ngày này là NVH Thanh Niên, bên phải là khu vực Tòa sứ quán Pháp

Ngã tư Hai Bà Trưng –  Hồng Thập Tự. Tòa nhà chỗ này một thời gian là Café TRUNG NGUYÊN ở số 104 Hai Bà Trưng. Ngày nay (2021) là nhà hàng Sushi Saiko

Một góc ảnh tương tự hình bên trên

Đi một đoạn nữa sẽ đến ngã tư Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân.

Đường Hai Bà Trưng đoạn giữa Hồng Thập Tự và Trần Cao Vân

Đường Hai Bà Trưng, phía xa xa là cây xăng ở góc Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân

Cây xăng ở góc ngã tư Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân vào thập niên 1950. Ngày nay vị trí này vẫn là cây xăng

Tiệm thuốc tây ngay ngã tư Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân. Cậu bé đang chơi trò đẩy vỏ xe máy, trò chơi quen thuộc với tuổi thơ xưa

Từ góc Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân, hướng về phía Tân Định sẽ đi qua ngã tư Hai Bà Trưng – Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), đến ngã 3 Hai Bà Trưng – Tự Đức (nay là đường Nguyễn Văn Thủ).

Đường Hai Bà Trưng ngay đoạn ngã 3 với đường Tự Đức (nay là Nguyễn Văn Thủ). Bên trái hình là hướng đi về phía đường Phan Thanh Giản, nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi (nay là đường Điện Biên Phủ, công viên Lê Văn Tám). Chiếc xe taxi bên phải hình đang ở ngay ngã 3 đường Hai Bà Trưng – Tự Đức

Một góc ảnh khác của ngã 3 Hai Bà Trưng – Tự Đức. Tòa nhà bên phải hình nằm ở ngay ngã 3, ngày nay vẫn còn, ở số 176 Hai Bà Trưng

Xe xích lô đang đi qua chính giữa ngã 3 Hai Bà Trưng – Tự Đức

Đi một đoạn ngắn nữa sẽ tới ngã tư Hai Bà Trưng – Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ)

Ngã 4 Hai Bà Trưng – Phan Thanh Giản, đoạn hướng ngược về phía ngã 3 Hai Bà Trưng – Tự Đức

Hình này cùng góc ảnh với hình bên trên. Đây là đường Hai Bà Trưng đoạn ngã tư với Phan Thanh Giản, hướng về phía trung tâm Q1. Có thể thấy biển báo ngay đèn giao thông cấm quẹo phải, vì đường Phan Thanh Giản lúc này đã là đường 1 chiều

Ngã tư Phan Thanh Giản – Hai Bà Trưng. Bên trái hình là tường rào Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám). Hình chụp xe cộ trên đường Phan Thanh Giản (vẫn còn chạy hai chiều) nhìn về hướng cầu Phan Thanh Giản. Chiếc xe con bên trái đang rẽ qua đường Hai Bà Trưng đi về phía nhà thờ Tân Định. Bên phải hình là tòa nhà ngay góc đường Hai Bà Trưng

Vừa qua ngã tư này sẽ đến nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi:

Đường Hai Bà Trưng đoạn giữa Hiền Vương – Phan Thanh Giản. Tường rào của Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi

Bên phải là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám). Đây là đường Hai Bà Trưng đoạn giữa Phan Thanh Giản và Hiền Vương (nay là Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu), hướng về phía Tân Định. Đi một đoạn ngắn sẽ đến ngã tư Hai Bà Trưng – Hiền Vương

Ngã tư Hai Bà Trưng – Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu), phía trước là chóp nhà thờ Tân Định
Ngã tư Hiền Vương – Hai Bà Trưng

Đường Hiền Vương đoạn cắt đường Hai Bà Trưng. Quẹo phải là đi Hai Bà Trưng hướng về Tân Định

Phía trước là ngã tư Hai Bà Trưng – Hiền Vương, hướng từ Tân Định ngược về trung tâm Q1. Biển cấm quẹo trái qua hướng ngược chiều của đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu)

Từ ngã 4 Hai Bà Trưng – Hiền Vương đến cầu Kiệu là khoảng 500m nữa là hết đường Hai Bà Trưng. Đoạn đường này là khu vực trung tâm Tân Định, có chợ Tân Định và nhà thờ Tân Định. Mời các bạn xem những hình ảnh ở đoạn đường này:

Dãy hàng quán gần trước chợ Tân Định

Góc đường Hai Bà Trưng – Nguyễn Đình Chiểu (nay là đường Trần Quốc Toản, gần chợ Tân Định)

Bên trái là chợ Tân Định, bên phải là nhà thờ Tân Định

Hình ảnh khác tại cùng một vị trí, nhưng đã được chụp trước đó rất lâu, có lẽ là từ cuối thế kỷ 19. Trong hình này nhà thờ Tân Định nằm bên phải, lúc này vẫn chưa xây tháp chuông

Chợ Tân Định, một trong những ngôi chợ lớn nhất Quận 1

Nhà thờ Tân Định là một trong những nhà thờ lâu đời nhất Sài Gòn

Nhà thờ Tân Định cùng với Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là hai nhà thờ được xây dựng từ rất sớm và có quy mô lớn nhất Sài Gòn.

Đường Paul Blanchy năm 1947, hướng về Tân Định lúc nãy vẫn còn hoang vắng. Trong hình này có thể thấy tháp nhọn của nhà thờ Tân Định

Nhà thờ này được khởi công vào năm 1870 và khánh thành vào ngày 16 tháng 12 năm 1876. Tổng thể mang phong cách kiến trúc Gothic, nhưng các chi tiết trang trí lại mang chút Roman và Baroque. Nhà thờ được sơn màu hồng phấn cả bên ngoài và bên trong từ năm 1957, khiến nhà thờ có biệt danh là “nhà thờ màu hồng” (nhà thờ màu hồng).

Nhà thờ Tân Định đã trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng trong nhiều sự kiện khác nhau, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.

Từ cầu Kiệu nhìn về phía nhà thờ Tân Định

Bài: Đông Kha, chuyenxua.net biên soạn
Hình ảnh từ manhhai flickr

0 bình luận về “Lịch sử những đường phố Sài Gòn xưa: Đường Hai Bà Trưng và lịch sử hơn 150 năm”

Viết một bình luận