Lịch sử hình thành và hình ảnh xưa của Quảng trường Ba Đình

Quảng trường Ba Đình ngay nay từng mang tên chính thức là Quảng trường Puginier, nhưng ở đây được người Pháp quy hoạch xây dựng một quảng trường có vòng tròn lớn, nên người dân thường gọi là Quảng Trường Tròn. Quảng trường này nằm ngay cổng vào vườn Bách thảo, phía Tây thành Hà Nội cũ (thành này đã bị Pháp phá hủy trong quá trình quy hoạch xây dựng Hà Nội).

Đầu tháng 8 năm 1945, thị trưởng Trần Văn Lai của chính quyền Trần Trọng Kim đã đổi tên Quảng trường Puginier thành Vườn hoa Ba Đình, và cái tên này đã trở thành lịch sử, vì chỉ tròn 1 tháng sau khi mang tên Ba Đình, quảng trường này là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước VNDCCH.

Bài báo ra ngày 2/8/1945, ghi rõ việc đổi tên vườn hoa trước Phủ Toàn quyền (nay là Phủ chủ tịch nước) thành Ba Đình

Thị trưởng Trần Văn Lai làm việc cho một chính phủ thân Nhật nhưng ông có tinh thần dân tộc rất cao. Giữ chức Đốc lý chỉ trong vỏn vẹn 1 tháng, ông đã cho đổi tên hầu hết các con đường mang tên Pháp sang tên các danh nhân, anh hùng dân tộc, trong đó có nhiều lãnh tụ chống Pháp, các địa danh liên quan tới khởi nghĩa và phong trào chống Pháp như Đông Du, Bãi Sậy, đặc biệt là Ba Đình – tên của cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương.

Ba Đình là nơi đặt căn cứ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Đinh Công Tráng lãnh đạo ở Nga Sơn, Thanh Hóa năm 1886, chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp.

Còn tên trước đó của Quảng trường là Puginier, tên của giáo sĩ người Pháp – giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài và cũng là thành viên của Hội Thừa sai Paris.

Quảng trường Puginier lcú chưa xây dựng quảng trường hình tròn. Bên phải là Dinh toàn quyền

Sau năm 1946, khi thực dân Pháp quay lại chiếm Đông Dương lần 2 (sử gọi là thời tạm chiếm), quảng trường Ba Đình từng được gọi bằng cái tên khác là Vườn hoa Hồng Bàng – Cái tên tương xứng với tên đường Hùng Vương đi ngang qua quảng trường.

Quảng trường Tròn nằm ở góc trên bên phải hình này

Xung quanh Quảng trường Tròn là những công trình được quy hoạch và xây dựng trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, mà đầu tiên phải kể tới là Vườn bách thảo (năm 1890), sau đó một phần của Vườn bách thảo được cắt ra để xây Dinh Toàn quyền năm 1902, hoàn thành năm 1906.

Đây là nơi sống và làm việc của Toàn quyền Đông Dương, khi Hà Nội thay thế Sài Gòn trở thành thủ đô của liên bang Đông Dương.

Trước Dinh Toàn quyền là Quảng trường Tròn
Từ Quảng trường Tròn nhòn vào Dinh Toàn quyền

Phía trước Dinh Toàn quyền có tượng đài “Vì nước Pháp” (À la France), xây năm 1907. Tượng thể hiện hình ảnh một người phụ nữ biểu trưng cho nước Pháp ngồi trên một cái ngai trang trí các họa tiết Angkor và rồng phượng An Nam, xung quanh có binh lính và phụ nữ bản xứ vây quanh.

Hình bên dưới là cổng Dinh Toàn quyền, có phong cách trang trí thời Phục Hưng. Cánh cổng này nằm ngay chính diện của Quảng trường Tròn, tức Quảng trường Ba Đình sau đó.

Cổng được xây dựng to lớn, khá bề thế với hai tầng, ba vòm cổng chính và nhiều vòm cổng phụ nằm hai bên.

Cách cổng dinh Toàn quyền là cổng vào Vườn Bách Thảo, được xây nhỏ và thanh thoát hơn, như hình bên dưới:

Vì cổng Dinh Toàn Quyền với cổng vào vườn Bách Thảo khá giống nhau nên nhiều người tưởng đó là một. Tuy nhiên đây là 2 cổng riêng biệt, nằm cách nhau khoảng vài chục met, có thể hình dung rõ điều đó qua đoạn video sau đây:


Video quay cổng Dinh Toàn Quyền và cổng Vườn bách thú năm 1952

Hình bên trên là Quang cảnh Quảng trường Tròn (lúc này vừa mang tên mới là Vườn hoa Ba Đình được tròn 1 tháng), với cổng Dinh Toàn Quyền nằm ở gần đó (cổng đã bị tháo phần mái), trong ngày thành lập nước VNDCCH 2/9/1945. Sau sự kiện này, Vườn hoa Ba Đình được gọi là Quảng trường Ba Đình.

Hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập trên một lễ đài dựng tạm ngay chính giữa Quảng trường Ba Đình, phía sau là cánh cổng Dinh Toàn Quyền.

Quảng trường Ba Đình được chọn để trở thành nơi “Tuyên bố độc lập” vì nó rộng đủ lớn cho một buổi mít tinh có hàng trăm ngàn người.

Ra mắt chính phủ VNDCCH trên lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình

Lễ đài làm bằng gỗ này được gọi là lễ đài Độc Lập, do KTS Ngô Huy Quỳnh (tốt nghiệp khoa Kiến trúc trường Mỹ Thuật Đông Dương) thiết kế và thi công trong chưa đầy 1 ngày, bắt đầu xây dựng lúc 12:30 ngày 1/9/1945, xong lúc rạng sáng 2/9/1945, kịp để chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước VNDCCH.

Tờ báo Dân Thanh số ra ngày 4/9/1945

Ra mắt chính phủ được không lâu, tình hình Đông Dương thay đổi nhanh chóng, Pháp tái chiếm Đông Dương. Để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị cho trường kỳ kháng chiến, tất cả các cơ quan chính phủ VNDCCH rút khỏi Hà Nội để xây dựng căn cứ địa ở Việt Bắc. Thời gian sau đó (1948-1954), Dinh Toàn quyền trở thành Dinh Quốc trưởng, nơi làm việc của Quốc trưởng Bảo Đại của chính quyền Quốc Gia Việt Nam, ngày nay là Phủ Chủ tịch nước.

Sau 9 năm “trường kỳ kháng chiến” và giành được thắng lợi lớn ở Điện Biên Phủ, Pháp rút khỏi Đông Dương sau hiệp định Geneve năm 1954, chính phủ VNDCCH trở lại tiếp quản thủ đô, và sau đó đã có 1 sự kiện đặc biệt diễn ra trên Quảng trường Ba Đình: lễ duyệt binh đầu tiên của QĐNDVN, diễn ra vào ngày 1/1/1955 để đón Trung ương Đảng và chính phủ VNDCCH trở về Hà Nội:

Lúc đó, cánh cổng cũ của Dinh Toàn Quyền được phá đi một phần và cải tạo để thành lễ đài Quảng trường Ba Đình:

Diện mạo lễ đài lúc này có phong cách Á Đông, với mái cong 4 phía.

Vào năm 1958, lễ đài này được xây lại bề thế hơn để phục vụ cho các ngày lễ trọng đại. Lễ đài mới được xây cao tới 18m, kiểu mái vuông và bằng, bên dưới vẫn là 3 vòm cửa giống với cổng ban đầu. Hai bên lễ đài chính là lễ đài phụ, với hàng bậc ngồi phân tầng, là chỗ khách mời và những đại biểu dự lễ.

Hình ảnh lễ đài Quảng trường Ba Đình năm 1960

Năm 1969, chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thi hài được quàn trong nhà Quốc hội ngay bên cạnh Quảng trường Ba Đình để nhân dân tới viếng.

Hình ảnh ngày quốc tang

Năm 1972, vị trí lễ đài (tức cổng Dinh Toàn Quyền cũ) được chọn để xây lăng Hồ chủ tịch, công trình hoàn thành năm 1976.

chuyenxua.net biên soạn

 

Viết một bình luận