Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của tỉnh Trà Vinh

Vùng đất Trà Vinh nằm ở phần cuối cù lao lớn, kẹp giữa sông Cổ Chiên và sông Hậu. Tỉnh Trà Vinh đã được người Pháp thành lập trên cơ sở tách từ tỉnh Vĩnh Long cũ (Vĩnh Long là 1 trong 6 tỉnh Nam kỳ thời nhà Nguyễn). Từ năm 1956-1975, chính quyền VNCH đổi tên tỉnh Trà Vinh thành Vĩnh Bình, với tỉnh lỵ là Phú Vinh.

Trà Vinh năm 1925

Vùng đất Trà Vinh trước khi thuộc về người Việt vốn là lãnh thổ của nước Chân Lạp (nhà nước của người Khmer). Xứ này chính thức thuộc về quản lý của người Việt là vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát làm chủ ở Đàng Trong, đó là thời kỳ tình hình nội bộ của vương quốc Chân Lạp rối ren, hoàng gia tranh giành ngôi báu. Trong hoàn cảnh đó, Nặc Thuận (chú họ của vua Chân Lạp là Nặc Nguyên) đã dâng hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc (Sóc Trăng) cho chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Nguồn gốc của tên gọi Trà Vinh, ban đầu vốn tên là Trà Vang, là từ tiếng Khmer, đọc trại từ chữ Prăc Prâbăng, có nghĩa là “hồ Phật”. Hồ này nằm trong làng Đồn Hoa, thuộc tổng Trà Phú, cách trung tâm tỉnh lỵ 9km, bên cạnh hồ có ngôi chùa Khmer do vua Chân Lạp xây dựng.

Vì không có chữ Hán nào tương đương với cách đọc Prăc Prâbăng của người Khmer nên người Việt sử dụng chữ Trà thay cho Prâ, và Vang để đọc từ Băng, do đó tên gọi thành Trà Vang, sau đó thành Trà Vinh.

Ao voi (ao Bà Om)

Thời nhà Nguyễn, Trà Vinh là tên 1 huyện (trước đó là phủ) thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long được lập ra năm 1832.

Năm 1867, quân Pháp chiếm được toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ, trong đó có tỉnh Vĩnh Long, bao gồm cả phủ Lạc Hóa. Cùng trong năm này, thực dân Pháp chia địa bàn toàn cõi Nam kỳ thành 25 hạt thanh tra, lúc này xứ Trà Vinh trực thuộc hạt thanh tra Lạc Hóa.

Trụ sở Hội đồng xã ở Trà Vinh

Quyết định ngày 15/7/1867 ấn định trụ sở chính thức của hạt Lạc Hóa tại Trà Vinh thay cho An Thiêm, đồng thời đổi tên hạt thanh tra Lạc Hóa thành hạt thanh tra Trà Vinh.

Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực có các hạt tham biện, từ đó hạt thanh tra Trà Vinh đổi thành hạt tham biện Trà Vinh, thuộc khu vực hành chính thứ 3.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các hạt tham biện ở Nam kỳ thành Tỉnh (province). Từ đó hạt tham biện Trà Vinh đổi tên gọi thành tỉnh Trà Vinh suốt từ đó cho đến nay (chỉ trừ giai đoạn 1956-1975 tên gọi chính thức là tỉnh Vĩnh Bình).

Khi người Pháp bắt đầu cai trị Trà Vinh thì xứ này hoàn toàn chưa có đường giao thông. Vùng có nhiều con rạch nhỏ chảy qua, nhưng ghe thuyền không đi lại được. Từ thời kỳ này, các công trình đào kênh được khởi sự và góp phần quan trọng vào việc phát triển vùng đất này. Các con đường nối từ Trà Vinh với các tỉnh lân cận là Bến Tre, Vĩnh Long, Sốc Trăng cũng được mở ra. Ngoài ra tất cả các tổng trong tỉnh cũng bắt đầu có đường nối liền các tổng với nhau, bên trong làng cũng có đường nhỏ, thông với nhau.

Đường ở Trà Vinh 100 năm trước

Tỉnh Trà Vinh xưa và nay có hình chữ nhật, ranh giới tự nhiên tại 3 cạnh là sông Cổ Chiên ở phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre, phía Nam có sông Hậu giáp tỉnh Sóc Trăng (xưa gọi là Sốc Trăng), phía còn lại giáp biển Đông.

Chợ Trà Vinh thập niên 1920

Trong chuyên khảo về tỉnh Trà Vinh được Hội Nghiên Cứu Đông Dương thực hiện hồi đầu thế kỷ 20, tỉnh Trà Vinh được nhận xét là được thiên nhiên dành cho những tính chất cần thiết để trở thành một xứ sở đồng ruộng phì nhiêu, gần như trọn diện tích của tỉnh là cánh đồng bằng phẳng với một số giồng, những dải đất cát dài có pha trộn đất màu mỡ, đặc biệt là thích hợp với các loại canh tác khác nhau.

Một nhà vườn ở Mặc Bắc

Một số hình ảnh bệnh viện Trà Vinh 100 năm trước:

Khu nhà chính của bệnh viện Trà Vinh 100 năm trước

Bệnh viện tỉnh Trà Vinh xưa

Sân trong của bệnh viện Trà Vinh
Bệnh viện tỉnh Trà Vinh thập niên 1920

Phòng bệnh nhân trong bệnh viện

Phòng phẫu thuật bệnh viện

Phòng hộ sinh bên trong bệnh viện

Phòng phụ sản

Chợ ở Trà Vinh xưa:

Chợ Trà Vinh

Chợ Tiểu Cần ở Trà Vinh xưa

Chợ Cầu Ngang

Cầu Ngang

Chợ Cầu Ngang nhìn từ trên Cầu Ngang

Chùa ở Trà Vinh xưa:

Chùa Bodhisalaraja – Kompong (chùa Ông Mẹt) của người Khmer

Chùa Khmer

Chùa Khmer

Một ngôi chùa ở Tiểu Cần

Nhà thờ ở Trà Vinh:

Nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Kim, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh

Nhà thờ Mặc Bắc

Nhà thờ Mặc Bắc, hiện nay vẫn còn ở địa chỉ Quốc lộ 60, Cầu Quan, Tiểu Cần, Trà Vinh

Bên trong nhà thờ Mặc Bắc năm 1948

Nhà cha sở nhà thờ Mặc Bắc

Trường học ở Trà Vinh xưa:

Trường nam sinh

Trường nữ sinh

Một số hình ảnh khác của Trà Vinh xưa:

Lăng mộ một người người Việt giàu có ở Cầu Ngang

Rạch Cần Chông ở quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh

Cầu Cần Chông ở quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh

Lăng mộ Ông Xuyên, một phú ông ở Cầu Ngang
Rạch Cần Chông (tên khác là Can Chồng) ở quận Tiểu Cần

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống VNCH ra Sắc lệnh đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình, đổi tên xã Long Đức thành xã Phú Vinh, đồng thời Phú Vinh cũng là lỵ sở của quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Bình. Khi đó, Vĩnh Bình là một trong 43 tỉnh của VNCH và là một trong 22 tỉnh của Nam phần Việt Nam Cộng hòa. Lúc này, tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Bình cũng bị đổi tên tên là “Phú Vinh”, do lấy theo tên xã Phú Vinh thuộc quận Châu Thành là nơi đặt tỉnh lỵ. Địa phận của Phú Vinh chính là thành phố Trà Vinh ngày nay.

Chợ Phú Vinh năm 1971

Phi trường Phú Vinh (nay là TP Trà Vinh). Thị xã Phú Vinh là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Bình xưa, nay là thành phố Trà Vinh trực thuộc tỉnh Trà Vinh

Phi trường Phú Vinh

Chợ Phú Vinh năm 1971

Không ảnh tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh)

Tuy thời VNCH, tỉnh Trà Vinh được gọi là tỉnh Vĩnh Bình, nhưng trong suốt thời kỳ 1956-1975, Mặt trận DTGPMNVN (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Vĩnh Bình mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Trà Vinh. Sau năm 1975, tên gọi tỉnh Trà Vinh vẫn được duy trì cho đến đầu năm 1976 thì chính quyền cho hợp nhất tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Cửu Long, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Vĩnh Long.

Ngày 5/5/1992, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết giải thể tỉnh Cửu Long để tái lập tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh như cũ.

Ngày 4 tháng 3 năm 2010, thị xã Trà Vinh (Phú Vinh cũ) trở thành thành phố Trà Vinh trực thuộc tỉnh Trà Vinh.

Đông Kha (chuyenxua.net) biên soạn
Hình ảnh: manhhai flickr

Viết một bình luận