Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của tỉnh Mỹ Tho/Định Tường

Mỹ Tho là một trong những đô thị lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ hiện nay, là trung tâm của tỉnh Tiền Giang, cách Sài Gòn chỉ 70km.

Mỹ Tho có địa thế thuận lợi, là trạm trung chuyển lớn nhất để chuyển hàng hóa từ các ghe chài lớn ở vùng Mekong lên Sài Gòn – Chợ Lớn qua con kinh Bảo Định và kinh Chợ Gạo. Mỹ Tho có thể phát triển đa dạng các nền sản xuất nông – ngư nghiệp và kinh tế hàng hóa, cho nên từ thế kỷ 17, nơi này đã là một trong 2 trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ (cùng với Cù Lao Phố ở Biên Hòa).

Mỹ Tho đầu thế kỷ 20, hình ảnh Rạch Bảo Định

Trong cuốn du ký Ở Đông Dương viết đầu thế kỷ 20, tác giả Gaston Donnet đã mô tả về Mỹ Tho như sau:

Mỹ Tho là điểm trung gian giữa các tỉnh hạ Nam Kỳ và vùng thượng Cao Miên. Mỹ Tho cũng là điểm cuối của các tuyến đường sắt Nam Kỳ, là thành phố lớn thứ 3 sau Sài Gòn và Chợ Lớn. Mỹ Tho chỉ có một con đường nằm dọc theo con kênh lầy lội, nhưng là con đường thật đẹp, đầy các cửa hiệu với đàn heo con lổn nhổn trước cửa. Mỹ Tho có chợ riêng, có tăng viện để thờ Phật Bà nổi tiếng của Trung Hoa – người ngồi trên một tòa sen nở. Mỹ Tho có trường học, bệnh viện, thành quách, có di tích lịch sử…

Trường trung học ở Mỹ Tho thập niên 1920

Bệnh viện Mỹ Tho thập niên 1920

Tầm quan trọng của Mỹ Tho còn được thể hiện ở việc người Pháp đã đặt tên một con đường mang tên quai de Mytho (Bến Mỹ Tho) cho con đường dọc rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ, sau này là Bến Lê Quang Liêm, ngày nay là một phần của đại lộ Võ Văn Kiệt.

Mỹ Tho thập niên 1920

Nguồn gốc của tên gọi Mỹ Tho được cho là bắt nguồn từ tiếng Khmer, đó là chữ Mi Sâr, nghĩa là xứ có người con gái da trắng đẹp.

Từ năm 1832, Mỹ Tho đã là trung tâm của tỉnh Định Tường – là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của xứ Nam kỳ, thường gọi là Nam kỳ lục tỉnh. Khi đó Định Tường là tỉnh có địa giới rộng lớn, nếu tính so với thời điểm hiện tại thì nó bao gồm hầu hết tỉnh Đồng Tháp, phần lớn tỉnh Tiền Giang và 1/3 diện tích tỉnh Long An hiện nay. Khi kiểm soát được 3 tỉnh Gia Định, Định Tường (Mỹ Tho) và Biên Hòa bằng hiệp ước Nhâm Tuất 1862, rồi sau đó chiếm được cả Nam kỳ lục tỉnh từ năm 1867, người Pháp nhanh chóng nhận thấy địa thế quan trọng của vùng đất Mỹ Tho nên đã xây dựng tuyến đường xe lửa liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam, cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương vào năm 1881 và đi vào hoạt động từ năm 1889.

Để phục vụ cho tuyến xe lửa quan trọng này, nhiều công trình cầu và đường đã được xây dựng từ Sài Gòn cho đến Mỹ Tho, từ đó giao thông thuận lợi hơn, Mỹ Tho trở thành một đô thị quan trọng của Nam Kỳ.

Ga Mỹ Tho đầu thế kỷ 20

Trái phiếu xây dựng đường sắt Saigon-Mỹ Tho phát hành năm 1884, trị giá 500 quan Pháp. Đường sắt lúc này được gọi tiếng Việt là “cái đường lửa”

Ít người biết rằng về mặt hành chánh thì từ cuối thế kỷ 19, thời của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thì Mỹ Tho đã là một “thành phố”. Tuy nhiên đây chỉ là tên gọi mang tính cường điệu, vì quy mô thực tế thì nơi này không thể sánh bằng 2 thành phố đích thực là Sài Gòn và Chợ Lớn. Điều này được nhắc đến trong hồi ký của ông Doumer xin trích nguyên văn sau đây:

Theo quyền hạn của mình, tôi đã đặt tên thành phố cho một số trung tâm dân cư, lỵ sở của các tỉnh, chẳng hạn như thành phố Mỹ Tho, thành phố Biên Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Sa Đéc. Gọi như thế là cường điệu lên rất nhiều đối với các thị trấn nhỏ đó và không chứng tỏ được chút nào bằng quy mô xây dựng cũng như dân số. Trong thực tế, chỉ có 2 thành phố ở Nam kỳ xứng với tên thành phố: Sài Gòn – thành phố hành chính, hàng hải và quân sự do người Pháp tạo lập, và Chợ Lớn – thành phố thương mại và công nghiệp đã tồn tại trước khi chúng ta tới và có thể nói mang đặc trưng châu Á hơn đặc trưng An Nam.

Mỹ Tho năm 1907

Quá trình thành lập tỉnh Mỹ Tho và thị xã/thành phố Mỹ Tho:

Ngày 3/6/1865, Soái phủ Sài Gòn ban hành quyết định chia địa bàn tỉnh Định Tường cũ thành 4 hạt thanh tra hành chính, đó là Hạt thanh tra Mỹ Tho, Hạt thanh tra Kiến Hòa (sau đổi thành Hạt thanh tra Chợ Gạo), Hạt thanh tra Kiến Đăng (sau đổi thành Hạt thanh tra Cai Lậy) và Hạt thanh tra Cần Lố.

Mỹ Tho thập niên 1920

Năm 1871, chính quyền quyết định hạ số lượng 25 Hạt thanh tra toàn xứ Nam Kỳ xuống 18 hạt, các Hạt bị giải thể sẽ nhập vào các Hạt lớn hơn, Hạt thanh tra Mỹ Tho vẫn được duy trì, nhập thêm Hạt thanh tra Cái Bè (Kiến Đăng cũ) vào. Trước đó, Hạt thanh tra Chợ Gạo cũng đã được nhập vào Mỹ Tho từ năm 1869).

Sông ở Mỹ Tho

Năm 1876, Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chánh, mỗi khu vực có một số tiểu khu hay hạt tham biện, từ đó Hạt thanh tra Mỹ Tho trở thành Hạt tham biện Mỹ Tho, thuộc khu vực hành chánh thứ 2.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ thành Tỉnh (Province) kể từ ngày đầu tiên của thế kỷ 20 (1/1/1900), từ đó Hạt tham biện Mỹ Tho được gọi là tỉnh Mỹ Tho tồn tại suốt thời kỳ Pháp thuộc.

Một số hình ảnh trắng đen Mỹ Tho đầu thế kỷ 20, thời kỳ Pháp thuộc:

Ga Mỹ Tho và khách sạn Mỹ Tho

Xe lửa ở ga Mỹ Tho

Nhà ga Mỹ Tho

Trại lính Annam

Chợ Mỹ Tho thập niên 1920

Trường trung học Mỹ Tho, ngôi trường nổi tiếng toàn cõi Nam kỳ. Ảnh chụp thập niên 1930

Bệnh viện Mỹ Tho

Nhà của các bác sĩ bệnh viện Mỹ Tho

Bệnh viện Mỹ Tho

Bệnh viện Mỹ Tho

Cầu Cái Côi tỉnh Mỹ Tho

Bến tàu trên Rạch Bảo Định

Dãy phố phía trước chợ Mỹ Tho thập niên 1920

Mộ của Tổng đốc Trần Bá Lộc (1839-1899) ở trong khu đất Thánh tại thị trấn Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho

Nhà thờ mới ở Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, thập niên 1920

Cầu quay qua sông Bảo Định

Cầu quay qua sông Bảo Định thập niên 1920

Ga xe lửa ở Mỹ Tho

Tòa tỉnh trưởng Mỹ Tho 100 năm trước

Nhà thờ ở Mỹ Tho cuối thế kỷ 19

Nhà tế bần Mỹ Tho thập niên 1920

Nhà tế bần Mỹ Tho, thập niên 1920

Trường tiểu học nữ sinh bản xứ ở Mỹ Tho thập niên 1920

Trường tiểu học nữ sinh bản xứ ở Mỹ Tho thập niên 1920

Nhà phong Cù lao Rồng ở Mỹ Tho, thành lập từ năm 1903, là nơi sống tập trung và chữa trị cho những người bệnh phong ở Nam Kỳ

Trại lính ở Mỹ Tho

Bảo sanh viện Mỹ Tho

Bảo sanh viện Mỹ Tho thập niên 1920


Nhắc đến Mỹ Tho, không thể không nhắc đến chùa Vĩnh Tràng, ngôi chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, và kiến trúc hiện nay là có từ đầu thế kỷ 20.

Chùa Vĩnh Tràng thập niên 1920:

Chùa Vĩnh Tràng năm 1947:

Năm 1956, thời đệ nhất cộng hòa, tỉnh Định Tường được tái lập trên phần đất tỉnh Mỹ Tho (trừ vùng nằm phía nam sông Tiền Giang là quận An Hóa thì đổi tên thành quận Bình Đại và nhập vào tỉnh Kiến Hòa) và tỉnh Gò Công cũ. Tỉnh lỵ của tỉnh Định Tường đặt tại Mỹ Tho và vẫn giữ nguyên tên là “Mỹ Tho”, về mặt hành chánh thì Mỹ Tho thuộc xã Điều Hòa, quận Châu Thành.

Khi đó, tỉnh Định Tường là một trong 22 tỉnh của Nam Phần lúc đó. Tỉnh Định Tường bắc giáp tỉnh Kiến Tường, đông bắc giáp tỉnh Long An, đông giáp tỉnh Gò Công, tây nam và nam giáp hai tỉnh Vĩnh Long và Kiến Hòa, tây giáp tỉnh và Kiến Phong, tây nam giáp tỉnh Sa Đéc khi tỉnh này được tái lập. Ranh giới phía nam của tỉnh Định Tường là sông Tiền Giang (đoạn này còn gọi là sông Mỹ Tho). Định Tường có diện tích khoảng 1.900 km². Dân số năm 1965 là 514.146 người.

Thời gian sau đó thị xã Mỹ Tho bị giải thể, nhập vào xã Điều Hòa thuộc quận Châu Thành, từ đó Điều Hòa là tỉnh lỵ của tỉnh Định Tường.

Năm 1970, thị xã Mỹ Tho lại được tái lập từ xã Điều Hòa thuộc quận Châu Thành, Mỹ Tho trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Định Tường, kiêm thị xã trực thuộc chính quyền trung ương. Từ đó cho đến năm 1975, thị xã Mỹ Tho, tỉnh Định Tường và tỉnh Gò Công là ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau theo sự phân chia sắp xếp hành chính

Sau năm 1975, tỉnh Định Tường đổi tên thành tỉnh Tiền Giang, tỉnh lỵ đặt tại thành phố Mỹ Tho.

Một số hình ảnh ở trung tâm Mỹ Tho trước 1975:

Đại lộ Hùng Vương – trục đường trung tâm của Mỹ Tho cả xưa và nay. Thời Pháp thuộc, đường này mang tên Bourdais

Đại lộ Hùng Vương

Bảo Sanh Viện Mỹ Tho, bay là BV Phụ Sản Mỹ Tho ở đường Hùng Vương

Nhà thờ chánh toà Mỹ Tho ở góc đường Nguyễn Trãi – Hùng Vương. Thời Phâp thuộc, 2 con đường này mang tên Francis Garnier và Bourdais

Dinh tỉnh trưởng tỉnh Định Tường trên đại lộ Gia Long (đường dọc sông), nay là đường 30/4. Thời Pháp thuộc, đường này mang tên Clémenceau

Quán cơm Việt Hải trên đường Trưng Trắc – Mỹ Tho, dọc bờ sông Bảo Định

Đường Ngô Quyền, phía trước là đường Lê Lợi. Thời Pháp thuộc, 2 con đường này mang tên Colmbert và d’Ariès
Ngày Tết ở bến phà Rạch Miễu

Nhà thờ Chánh Tòa thập niên 1920, lúc này chưa xây thêm tháp chuông

Nhà Công tử Mỹ Tho – Bạch công tử, tên thật là Lê Công Phước, thường gọi là Tư Phước hay George Phước (1895-1950), là chồng của nghệ sĩ Phùng Há

Công viên bờ sông ở Mỹ Tho, nơi nhạc sĩ Trường Sa ghé đến 1 chiều mưa năm 1968 và có cảm hứng sáng tác bài hát Mùa Thu Trong Mưa

Hình ảnh khác ở Công viên bờ sông Mỹ Tho

Bến xe Mỹ Tho

Bán bánh mì dạo trên đường Nguyễn Trung Long (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa)

Đình Điều Hòa trên đường Trịnh Hoài Đức. Chữ trên công ghi là Điều Hòa Miếu, nhưng dân gian quen gọi là Đình. Cũng vì ngôi đình lâu đời này mà tên chính thức của con đường này thời Pháp là Rue de la Pagode (đường Chùa)

Một số hình ảnh Mỹ Tho chụp từ máy bay:

Bên trái là Hồ Nước Ngọt, nay gọi là Giếng Nước Lớn

Trung tâm Mỹ Tho, chính giữa là Hồ Nước Ngọt. Ngày nay được gọi là Giếng Nước Lớn và Giếng Nước Nhỏ

Trung tâm Mỹ Tho nhìn từ trên cao. Bên phải là cồn Tân Long, xa xa là cồn Phụng và cồn Thới Sơn. Hồ nước giữa trung tâm là Hồ Nước Ngọt có đường Lý Thường Kiệt băng ngang. Thời Pháp thuộc, đường Lý Thường Kiệt tên là Delfosse

Bên trái là Rạch Bảo Định có cầu Quay băng ngang

Rạch Bảo Định đổ ra sông Mekong

Đường Nguyễn Tri Phương nhìn từ trên cao. Nay đường này mang tên Ấp Bắc

Khuôn viên giữa hình là khu vực Nhà thờ chánh toà Mỹ Tho. Đường dọc bên trái hình là Nguyễn Trãi, đường dọc bên phải là Phan Hiển Đạo. Đường ngang trên là Hùng Vương, đường ngang dưới là Huỳnh Tịnh Của. Những tên đường này được giữ nguyên từ năm 1955 đến nay

Góc dưới bên trái hình là chợ Mỹ Tho, đường ngang trước chợ là đường Lê Lợi, đường đâm thẳng vô chợ là Lê Văn Duyệt, đường bên hông chợ là Võ Tánh. Những tên đường lớn ở trung tâm Mỹ Tho phần lớn là được giữ nguyên từ năm 1955 đến nay

Quốc lộ 4 đi Cái Bè

Đường từ Mỹ Tho đi quận Sầm Giang (quê hương của Trần Văn Khê & Trần Văn Trạch)

Chợ Tân Hiệp ở quận Bến Tranh của tỉnh Định Tường, phía Bắc Mỹ Tho

Chợ xã Dưỡng Điềm, quận Sầm Giang

Một ngôi nhà quê ở Sầm Giang

Hình ảnh phà qua sông Mekong từ tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) qua tỉnh Kiến Hòa (nay là Bến Tre:

Một số hình ảnh làng quê của tỉnh Định Tường xưa (nay là tỉnh Tiền Giang):

Đông Kha – chuyenxua.net
Nguồn ảnh: manhhai flickr

4 bình luận về “Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của tỉnh Mỹ Tho/Định Tường”

  1. Những hình ảnh và lời giới thiệu rõ ràng, nhưng nên thêm phần địa lý, hành chánh của tỉnh Định tường như các Quận, xã lớn … có địa danh nổi tiếng của Tỉnh

    Trả lời
    • Chào tác giả,
      Bài viết cùng tư liệu cũ rất hay về Mỹ Tho. Em là người Mỹ Tho, xin được liên hệ để nghiên cứu và tìm hiểu thêm về văn hoá, lịch sử và con người ở đây.
      Mong nhận được phản hồi
      Cám ơn tác giả

      Trả lời
  2. Tác giả sưu tầm hay quá. Xin thêm ảnh Chợ Vòng nhỏ hồi xưa, nay là nhà dân đông đúc. Ảnh đường Trịnh Hoài Đức, bến phà Cũ…

    Trả lời
  3. “Ranh giới phía nam của tỉnh Định Tường là sông Tiền Giang (đoạn này còn gọi là sông Mỹ Tho)”
    => “giang” la` “sông”, nên chỉ gọi là “Tiền Giang” hay “sông Tiền”

    Trả lời

Viết một bình luận