Lịch sử hình thành và bộ ảnh xưa tuyệt đẹp của khu Hòa Bình ở trung tâm Đà Lạt

Nếu nói về vị trí trung tâm của toàn thành phố Đà Lạt hiện nay, người ta sẽ nghĩ tới khu Hòa Bình, nằm trên một ngọn đồi cao. Khu Hòa Bình xưa kia vốn là khu chợ chính của Đà Lạt, trước khi chợ mới (chợ Đà Lạt ngày nay) được xây ở bên cạnh, phía dưới dốc cao và nối với chợ cũ bằng một dãy bậc thang.

Cùng tìm hiểu về lịch sử hình thành khu Hòa Bình ở Đà Lạt và những hình ảnh hiếm ngày xưa:

Vào thời kỳ sơ khai của Đà Lạt, có một khu chợ tự phát nằm ở vị trí sau này là Ấp Ánh Sáng.

Khu chợ tự phát của người Việt ở vị trí sau này là Ấp Ánh Sáng. Dù là chợ tự phát nhưng có thể thấy có một dãy thùng rác đặt ngay chợ, ảnh được chụp khoảng 100 năm trước

Đến năm 1929, khi dân số Đà Lạt tăng lên được 2000 người, công sứ Pháp đặc trách Đà Lạt là Chassaing cho dời ngôi chợ nhỏ này lên đỉnh cao nhất của một ngọn đồi mà ngày nay gọi là khu Hòa Bình.

Nơi đó dựng nên một ngôi chợ bằng cây rừng ván gỗ, lợp tôn, nên còn được gọi là “Chợ Cây”. Vì làm bằng cây nên chợ hoạt động không bao lâu thì bị 1 trận hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 1931.

Chợ Cây
Chợ Đà Lạt cũ, lúc này chưa xây chợ Hòa Bình

Đến năm 1937, khi dân số Đà Lạt tăng lên 6500 người, chính quyền đã cho xây dựng ngay tại vị trí chợ cũ bị cháy một khu chợ xây bằng gạch khang trang để thay thế Chợ Cây, chính là ngôi chợ trong hình bên dưới. Dù không còn làm bằng cây nhưng người Đà Lạt vẫn quen gọi là Chợ Cây.

chợ Hòa Bình lúc đang xây dựng năm 1937

Biểu tượng của Đà Lạt (thị huy) được gắn trên chợ Đà Lạt năm 1937 (nay là Hội trường Hòa Bình)

Khi xây dựng chợ Đà Lạt mới này, người ta đã đề dòng chữ Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem trên tường đầu hồi của công trình, phía trên là huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc cùng với hình núi đồi nhấp nhô và hình hiệu một con cọp.

Đến cuối thập niên 1950, chợ cũ trở nên chật chội trước sự tăng dân số nhanh chóng của Đà Lạt, đặc biệt là sau làn sóng di cư, chợ cũ không thể phục vụ cho số dân đã tăng lên hơn 8 lần so với khi nó được xây dựng. Lúc đó chính quyền thị xã Đà Lạt thuộc tỉnh Tuyên Đức quyết định đầu tư xây dựng một ngôi chợ lớn hơn, hiện đại hơn, đồng thời chỉnh trang lại khu vực Chợ Cây cũ (tức khu Hòa Bình hiện nay).

Khu chợ cũ đã được các kiến trúc sư thiết kế cải tạo thành rạp chiếu bóng Hòa Bình, với điều kiện của chính quyền đưa ra là phải giữ nguyên kiến trúc cũ để bảo tồn di tích. Rạp cine này có 800 chỗ ngồi khá hiện đại và sân khấu khá rộng.

Ban đầu cái tên Hòa Bình chỉ dùng cho rạp chiếu phim (rạp Hòa Bình) nằm trong Hội Trường Hòa Bình, dần dần sau đó gọi chung cho khu vực lân cận, được gọi là khu Hòa Bình.

Toàn cảnh khu Hòa Bình

Sở dĩ có cái tên này là vì công ty nhận cải tạo rạp mang tên là Hòa Bình do một số người Hoa cùng đứng ra thành lập, được chính quyền cấp phép khai thác kinh doanh rạp Hòa Bình trong 25 năm.

Để bù đắp một phần chi phí đầu tư vào rạp chiếu bóng, chính quyền còn cho phép công ty Hòa Bình xây dựng dãy ki ốt dọc hai bên rạp để cho thuê bán đồng hồ, mắt kính, các quầy bán hàng mỹ phẩm… tạo thành một khu thương mại sầm uất.

Chợ Cũ và Chợ Mới, một bên là trên đỉnh đồi cao, một bên là dưới thung lũng, kết nối với nhau bằng dãy bậc thang rộng và rất cao, tạo thành một nét độc đáo của khu vực trung tâm Đà Lạt.

Dọc cầu thang là những gánh hàng rong được bày bán
Cây cầu nổi được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thêm vào trong đồ án sửa chữa, nối liền Chợ Cũ với Chợ Mới vào đầu thập niên 1960.

Hình ảnh toàn cảnh khu Hòa Bình và Chợ Đà Lạt mới:

Chung quanh khu Hòa Bình xưa, thời vẫn còn là Chợ Cây, có các nhà phú hộ như Đội Có, xây một dãy phía sau 10 căn để cho thuê, mang kiến trúc cũ, như trong hình bên dưới:

Nhà 2 tầng, tầng trên ban công, lan can nhìn ra chợ.

Bên mé trái về phía trước, công ty Hòa Bình và các nhà thầu Võ Đỉnh Dung, Võ Quang Tiềm, Võ Quang Hàm cũng xây phố cho thuê và bán lại. Kiểu phố này đẹp hơn và cũng gần như một loại kiến trúc. Trên lầu nào cũng có một bao lơn đúc (dạng ban công nhô ra) nhìn ra phố, vừa để treo bảng hiệu, dãy nhà đó nằm bên phải hình bên dưới:

Hai dãy nhà đó quay mặt về phía khu Hòa Bình và xoay lưng lại với đầu đường Hàm Nghi (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi). Từ đường Hàm Nghi đi xuống dốc về phía chùa Linh Sơn là là một dãy phố cổ. Thời Pháp thuộc đây chỉ là con đường hẹp và mặt đường lát đá (chứ không rải nhựa), tên thời Pháp là Rue d’Annam. Ngày nay trên con đường này vẫn còn nhiều căn nhà được các Kiến trúc sư thế hệ người Việt Nam xây thập  niên 1950-1960.

Ngoài ra, gần kề khu Hòa Bình còn có con đường đẹp mang tên Duy Tân (thời Pháp tên đường là Maréchal Foch, nay là đường 3/2) các nhà thầu cũng xây 2 dãy phố giống nhau vẫn còn cho tới ngày nay:

Đường Duy Tân nhìn về hội trường Hòa Bình

Dọc đường Minh Mạng (nay là đường Trương Định) cũng có 2 dãy phố xây cùng kiểu.

Đường Minh Mạng (nay là Trương Công Định)
Một căn nhà xưa trên đường Minh Mạng, nay vẫn còn, thuộc đường Trương Công Định
Đường Minh Mạng, nay là đường Trương Công Định. Đường xéo bên trái hình là Duy Tân (nay là đường 3/2)

Nhắc tới khu Hòa Bình, không thể không nhắc tới quán cafe lâu đời nhất Đà Lạt là cafe Tùng, nhìn ra phía hội trường Hòa Bình (trước đó tiệm nằm ở bên đường Thành Thái, nay là Nguyễn Chí Thanh, nhưng sau đó dời về khu Hòa Bình). Cafe Tùng đã gắn bó với nữ danh ca Khánh Ly thời điểm cô sống và hát phòng trà ở Đà Lạt. Đây cũng là nơi Khánh Ly nhiều lần gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lúc đó ông ở B’lao lên Đà Lạt chơi.

Được thành lập vào những năm 60 của thế kỷ trước từ một người làm công chức tại Hà Nội di cư năm 1954. Tên quán được đặt theo chính tên thật của ông.

Với công thức pha chế nguyên chất và thủ công, Tùng Cafe cho ra ly cafe nguyên chất, mùi thơm nồng nàn hấp dẫn cực kỳ khác biệt và đã gây tiếng vang lớn không chỉ tại Đà Lạt.

Đường Thành Thái, nay là đường Nguyễn Chí Thanh. Đường dốc bên phải là Lê Đại Hành, dẫn lên chính diện Hội Trường Hòa Bình

Một số hình ảnh khác của khu Hòa Bình xưa:

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận