Lịch sử hình thành tượng đài Trần Nguyên Hãn ở giữa bùng binh trước chợ Bến Thành


Video số phận tượng đài Trần Nguyên Hãn hiện tại

Hầu hết những người sinh ra và sống ở Sài Gòn từ thập niên 1960 tới những năm 2010 đều quen thuộc với một tượng đài người chiến binh cưỡi ngựa được dựng chính giữa bùng binh ngay phía trước chợ Bến Thành. Đó là tượng của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, một danh tướng thời Lê sơ.

Tượng đài này được chính quyền VNCH dựng lên vào năm 1967, cùng với nhiều tượng đài khác ở khắp Sài Gòn. Đó là thời điểm nền Đệ nhị Cộng Hòa mới được thành lập, quân đội VNCH đã cho dựng các tượng đài những nhân vật lịch sử được họ chọn là biểu trưng cho các binh chủng, tôn xưng là “thánh tổ”. Thí dụ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được gọi là “thánh tổ binh chủng hải quân”, dựng tượng ở Công trường Mê Linh. Phan Đình Phùng là “thánh tổ binh chủng quân cụ”, dựng tượng trước bưu điện Chợ Lớn. An Dương Vương là “thánh tổ binh chủng pháo binh”, dựng tượng trước Hội trường Diên Hồng (trụ sở Thượng Nghị Viện). Tượng đài Phù Đổng Thiên Vương, “thánh tổ binh chủng Thiết giáp”, dựng tượng ở ngã 6 Sài Gòn (sau đổi tên thành Ngã 6 Phù Đổng). Lê Lợi – “thánh tổ lực lượng địa phương quân”, dựng tượng ở bùng binh Cây Gõ. Thiên sứ Micae được chọn là “thánh tổ binh chủng Nhảy Dù”, dựng tượng gần trại Hoàng Hoa Thám. Và sau cùng là Trần Nguyên Hãn – “thánh tổ binh chủng truyền tin”, là chủ đề chính nói tới trong bài viết này.

Dễ nhận ra rằng việc chọn các nhân vật lịch sử này làm “thánh tổ” là dựa theo sự nghiệp quân sự của từng nhân vật. Như Trần Hưng Đạo chỉ huy trận đánh quân Nguyên lần 3 trên sông Bạch Đằng năm 1288, nên được chọn đại diện cho hải quân. Nhà cách mạng Phan Đình Phùng nổi tiếng với việc cùng Cao Thắng sản xuất nhiều súng nên đại diện cho quân cụ. An Dương Vương với truyền thuyết “nỏ thần” đại diện cho pháo binh. Lê Lợi – người anh hùng áo vải, làm nên vương nghiệp từ một người nông dân bình thường nên đại diện cho địa phương quân. Phù Đổng với giáp sắt cưỡi ngựa sắt thì rất thích hợp với binh chủng thiết giáp. Trong các “thánh tổ” này thì Phù Đổng Thiên Vương và Thiên sứ Micae chỉ là những nhân vật thần thoại.

Riêng về Trần Nguyên Hãn, ông là hậu duệ của vua Trần, sau theo phò Lê Lợi đánh bại quân Minh xâm lược. Trong thời gian đánh giặc, ông đã dùng những chú chim bồ câu mà ông nuôi dưỡng, huấn luyện để chuyển thư qua lại với chủ tướng Lê Lợi và các đầu mối quân sự khác. Có lần khi đang đóng quân trấn giữ thành Võ Ninh thì bị quân Minh kéo đến vây chặt, tình thế rất nguy khốn, Trần Nguyên Hãn đã viết thư cầu cứu rồi buộc vào chân chim. Nhờ thư do chim bồ câu mang đến, Bình Định vương Lê Lợi biết được tình hình liền cho quân tiếp viện đến Võ Ninh phá vỡ vòng vây giải cứu. Vì vậy nên năm 1967, Trần Nguyên Hãn được suy tôn là “thánh tổ của binh chủng truyền tin VNCH”. Tượng đài Trần Nguyên Hãn được dựng trước chợ Bến Thành cũng có thêm hình tượng chim bồ câu đưa tin.

Sau đây mời các bạn xem lại những hình ảnh quen thuộc trước chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành) từ năm 1967 tới năm 2014:

Tượng Trần Nguyên Hãn – Thánh tổ binh chủng Truyền tin VNCH

Tượng Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ năm 1967

Tượng Trần Nguyên Hãn với chim bồ câu đưa tin

Tượng Trần Nguyên Hãn đã được di dời khỏi vị trí trước chợ Bến Thành nhằm phục vụ việc thi công Nhà ga Metro Bến Thành – Suối Tiên. Sau đó, tượng được đưa về công viên Phú Lâm, quận 6
Di dời tượng Trần Nguyên Hãn

Năm 2014, tượng đài Trần Nguyên Hãn đã bị dời về công viên Phú Lâm ở Quận 6 để nhường không gian cho việc thi công Nhà ga Metro Bến Thành – Suối Tiên.

Ngoài tượng đài Trần Nguyên Hãn được dựng năm 1967, ở giữa bùng binh này cũng từng có tượng đài Quách Thị Trang được dựng năm 1963. Năm 2014, tượng Quách Thị Trang cũng đã được dời về công viên Bách Tùng Diệp (trước dinh Gia Long).

Tượng đài Quách Thị Trang (lúc này chưa có tượng đài Trần Nguyên Hãn)

Ngày 7/11/2023, báo Tuổi Trẻ đưa tin chính quyền quyết định phục dựng nguyên trạng tượng đài Trần Nguyên Hãn và đặt trở lại vị trí cũ trước chợ Bến Thành, bởi vì hình ảnh này đã mang tính lịch sử và gắn liền với ký ức đô thị. Tuy nhiên tượng cũ đã bị mục và xuống cấp nên sẽ được dựng mới theo đúng nguyên bản.

Khu vực trước chợ Bến Thành sẽ được cải tạo thành một không gian quảng trường mới. Nơi đây sẽ đáp ứng các hoạt động công cộng của khu vực trung tâm và là đầu mối giao thông công cộng.

Diện tích cải tạo theo UBND Quận 1 khoảng 45.835m². Bao gồm diện tích nền quảng trường và các đường giao thông, vỉa hè, công trình gắn với quảng trường.

Khu vực này được chia thành 4 vùng. Trong đó:

– Vùng 1 bao gồm xung quanh chợ Bến Thành với diện tích khoảng 23.320m².

– Vùng 2: tiểu đảo trước tòa nhà Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn rộng khoảng 2.475m².

– Vùng 3 gồm tiểu đảo phía trước cao ốc The One với diện tích khoảng 8.210m².

– Vùng 4 gồm mũi tàu công viên 23-9 với diện tích khoảng 11.830m².

Khu vực trước chợ Bến Thành sẽ lát nền bằng đá granite tự nhiên. Bố trí cây xanh, thảm cỏ (có hệ thống tưới tự động), hệ thống đèn chiếu sáng. Lắp trang thiết bị, tiện ích công cộng như ghế ngồi, máy uống nước tự động, nhà vệ sinh…

Theo UBND Quận 1, tượng vị tướng Trần Nguyên Hãn hiện đã bị mục và xuống cấp, cần được phục dựng. Vì vậy, tượng sẽ được xây dựng lại kết cấu bệ, phục dựng tượng theo nguyên bản, bằng chất liệu đồng bền vững hơn.


Nói thêm về danh tướng Trần Nguyên Hãn. Tương truyền rằng trước khi theo phò Lê Lợi, ông từng làm nghề buôn dầu, nên sau này có mấy câu thơ vinh danh ông như sau:

Nặng trĩu hai vai một gánh dầu
Nâng niu lồng quý cặp bồ câu
Kiên trì lặn lội tìm chân chúa
Dũng mãnh hành quân diệt giặc Tàu

Gian khổ mười năm rèn sĩ tốt
Xông pha trăm trận chiếm công đầu
Danh Trần Nguyên Hãn vang muôn thuở
Sử Việt thời Lê rạng ngũ châu.

Dù Trần Nguyên Hãn có công lớn giúp vua Lê Thái Tổ dẹp giặc Minh và trở thành khai quốc công thần, được phong là Tả tướng quốc. Nhưng trong nhiều đời vua Lê sau đó, ông bị khép tội và trở thành “gian thần”, nguyên do là ông nằm trong vòng xoáy tranh giành quyền lực trong triều đình nhà Lê thời hậu chiến. Có ý kiến phỏng đoán rằng Trần Nguyên Hãn và một người bị khép tội khác là Phạm Văn Xảo đã ủng hộ con trưởng của Lê Lợi là Lê Tư Tề lên nối ngôi, trong khi Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn… lại ủng hộ người con thứ là Nguyên Long. Khi phái Lê Sát thắng thế, Lê Nguyên Long lên ngôi vua (Lê Thái Tông) và Lê Tư Tề bị ruồng bỏ, thì Trần Nguyên Hãn cũng không tránh khỏi hậu họa.

Đông Kha – chuyenxua.net

2 bình luận về “Lịch sử hình thành tượng đài Trần Nguyên Hãn ở giữa bùng binh trước chợ Bến Thành”

  1. Trả lại hình ảnh xưa của không gian trước chợ Bến Thành đã có dấu ấn từ 1960-2014 – có tượng Đức Trần Nguyên Hãn và Bà Quách Thị Trang, là tôn trọng lịch sử của Sài Gòn và hợp lòng dân

    Trả lời
  2. Phục dựng lại tượng TRẦN NGUYÊN HÃN là một việc đúng đắn nên làm để giữ gìn bảo tồn lịch sử oai hùng của dân tộc.
    Mong TPHCM dành nhiều không gian để xây dựng tượng đài các danh nhân AHDT khác nữa.

    Trả lời

Viết một bình luận