Lịch sử hình thành Bà Nà và những hình ảnh hiếm về khu nghỉ dưỡng của người Pháp gần 100 năm trước

Ngày nay, Bà Nà là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất khu vực miền Trung. Những năm đầu thế kỷ 20, cùng với Đà Lạt, Tam Đảo, Sapa, Bà Nà cũng được người Pháp xây dựng để trở thành trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp để chống lại cái oi bức của khí hậu miền nhiệt đới.

Ý nghĩa tên gọi Bà Nà có những giả thuyết khác nhau. Có người cho rằng khi người Pháp tìm kiếm một trạm nghỉ dưỡng ở vùng Trung kỳ, học phát hiện ra vùng núi này và thấy ở đây có rất nhiều chuối nên đã gọi là núi Banane (núi Chuối). Người Việt phiên âm thành Bà Nà. Tuy nhiên thuyết này không đáng tin cậy bằng nhiên cứu cho rằng tên gọi Bà Nà có nguồn gốc từ tên của bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu (Ponagar), thường gọi là Bà Chúa Xứ. Cũng bởi vậy mà Bà Nà còn được gọi là Núi Chúa.

Những mốc thời gian của Bà nà:

Tháng 4/1901, đại úy Debay đã phát hiện Bà Nà có địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu mát mẻ dễ chịu.

Tháng 11/1911, quan toàn quyền đã đề nghị đưa Bà Nà thành khu bảo tồn lâm nghiệp. Sau chiến tranh thế giới thứ 1, người Pháp đẩy mạnh xây dựng khu nghỉ mát Bà Nà, hoàn tất con đường nối Bà Nà với đường thuộc địa số 1 (sau này là quốc lộ 1) ngay trong năm 1919, tạo điều kiện dễ dàng cho những công sở, quan chức và kiều dân Pháp đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, kinh doanh ở Bà Nà.

Tháng 5 năm 1919, luật sư Beisson trở thành người đầu tiên xây dựng nhà nghỉ ở Bà Nà. Tính đến 23/7/1921, tại Bà Nà đã có 39 lô đất được cấp phép xây dựng của 36 chủ đầu tư, phân bố trải đều theo cụm.

Thống kê của Pháp năm 1925 cho biết, chỉ có chừng 120 du khách chọn Bà Nà để nghỉ ngơi. Năm 1928, đường lên đỉnh núi được hoàn tất, số du khách mới tăng dần, đến năm 1937 đã đạt được con số hơn 1.000 người, phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt. Các dịch vụ như điện, nước, bệnh viện, bưu điện, ngân hàng, khách sạn… đã được đưa vào phục vụ du khách. Bà Nà dần trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ ở Trung Kỳ mà ở toàn khu vực Đông Dương.

Năm 1938, Bà Nà đã được Phòng Du lịch Đông Dương đưa vào tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Sài Gòn – Đà Lạt – Nha Trang – Quy Nhơn – Đà Nẵng – Huế – Vinh – Hà Nội – Hải Phòng và ngược lại. Kiệu ghế được xem là một phương tiện di chuyển đầy lý thú và rất điển hình cho du lịch Bà Nà xưa với lượng du khách ngang với những khu nghỉ mát thời đó như Le Bockor (Campuchia), Mũi Saint Jacques (Vũng Tàu), Tam Đảo, Sapa….

Sau năm 1945, do ảnh hưởng của chiến cuộc, Bà Nà dần vắng bóng người và bị quên lãng.

Sau năm 1965, quân đội Mỹ đóng ở Đà Nẵng và đặt trạm quan sắt quân sự trên Bà Nà.

Năm 1997, thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng Bà Nà thành khu sinh thái quy mô lớn.

Năm 2007, Bà Nà được giao cho tập đoàn Sun Group quản lý, từ đó trở thành một khu du lịch nổi tiếng.

Trước nhu cầu giải trí, chữa bệnh cho các sĩ quan, binh lính và người dân Pháp tại nhượng địa Đà Nẵng và khắp Trung Kỳ, tháng 2-1900, Toàn quyền Đông Dương đã giao cho Đại úy Debay nhiệm vụ tìm kiếm một địa điểm thích hợp ở đoạn giữa của núi Trường Sơn để thiết lập một trạm chữa bệnh kinh niên. Sau hơn một năm khảo sát, thăm dò, đến tháng 11-1901, Đại úy Debay báo cáo với Toàn quyền Đông Dương Doumer đã tìm thấy tại vùng thung lũng núi Túy Loan (tức núi Bà Nà) một vị trí thích hợp để thiết lập một trạm chữa bệnh như yêu cầu của Toàn quyền. Phát hiện này của Debay cũng đã được bác sĩ Gaide, Giám đốc Y tế Trung Kỳ đồng tình, khi ông này đã trực tiếp đến Bà Nà tìm hiểu vào năm 1916. Cũng như bác sĩ Gaide, sau bốn năm nghiên cứu giá trị của Bà Nà về mặt y tế, bác sĩ Sallet đã khẳng định có đủ cơ sở để “xác định tính chất hảo hạng của trung tâm nghỉ ngơi tại điểm cao này về mặt y tế”.

Vì thế, Bà Nà nhanh chóng được thiết lập “Trạm nghỉ dưỡng” đúng như ý đồ của người Pháp, và phù hợp với một vị trí đắc địa mà nó đang thụ đắc. Nơi đây, sức khỏe của con người được bồi dưỡng tốt, nhất là sự bồi bổ lại rất nhanh về hoạt động, sức khỏe và năng lực cho những người ốm yếu lâu ngày, những người mệt mỏi vì nắng nóng và những người làm việc quá tải thần kinh căng thẳng. Bà Nà trở thành nơi thích hợp với các gia đình và cá nhân muốn có sự nghỉ ngơi yên tĩnh, nhất là tại đây, lúc nào ta cũng có thể được ngắm nhìn một quang cảnh bao la trên biển Đông và núi Trường Sơn với những đường nét thiên nhiên hùng vĩ, pha trộn những màu sắc luôn biến đổi một cách huyền ảo. Nhắc lại điều ấy để thấy rằng, người Pháp đã thành công khi biến Bà Nà cùng với Đà Lạt, Sa Pa trở thành nơi nghỉ dưỡng của thương gia, quan chức, gia đình công chức… khắp vùng Đông Dương trong một thời gian dài.


Sau đây, mời các bạn đọc lại bài báo về khu nghỉ dưỡng Bà Nà được đăng trên Tuấn san Indochine năm 1943, nguyên bản tiếng Pháp được dịch lại:

Cách Tourane (Đà Nẵng ngày nay) khoảng 43km về phía Tây Nam, giữa bầu trời xanh thẫm, nhô lên một khối núi tròn chạy vắt ngang dãy núi phía trong Ataouat. Đó là núi Bà Nà hay còn có tên gọi khác là núi Chúa, nơi có những thác nước dài đổ xuống từ đỉnh cao 1.472 mét so với mực nước biển ngày đêm cấp nước cho hai con sông bao quanh chân núi và một hệ thảm thực vật còn nguyên sơ và tươi xanh.

Khu nghỉ mát Bà Nà tọa lạc trên đỉnh núi này.

Địa danh Bà Nà trở nên quen thuộc với người Đông Dương từ khoảng năm 1924, khi một số bài báo và tư liệu khoa học về địa điểm này xuất hiện trong “Collection du Vieux Hué” [Tuyển tập Huế xưa], trên báo Trung Lập, báo Tương lai Bắc Kỳ và một số tạp chí địa phương. Trong thực tế, ngoài những người ở Trung Kỳ, chắc chưa ai biết trung tâm nghỉ dưỡng mùa hè này. Bây giờ, sau hai mươi năm, những người tin vào hồi ức hẳn vẫn nhận thấy vẻ đẹp mỹ miều của con đường lên núi bằng cáng và hàng chục ngôi nhà gỗ trên độ cao 1.400m. Và tất nhiên, có rất nhiều những người khác, với niềm tin hết sức tự nhiên vào sự phát triển, hẳn đã tưởng tượng ra một thành phố nhỏ với những đại lộ rộng, những tòa dinh thự, rạp chiếu phim và các cửa hàng.

Khu nghỉ mát Bà Nà trong thực tế rất khiêm tốn nhưng cũng rất thú vị. Lịch sử và địa lí của vùng đất này sẽ lý giải nguyên nhân của sự phát triển khiêm nhường, cũng như sự quyến rũ và danh tiếng ngày càng lớn.

Dù được phát hiện từ năm 1901, nhưng mãi đến tận năm 1919 đỉnh Bà Nà mới được xây dựng thành trung tâm nghỉ mát và cũng mới chỉ từ năm 1937, Bà Nà mới thực sự được đầu tư phát triển.

Thời điểm bác sĩ Yersin nhận nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng khu nghỉ mát trên cao nguyên Lâm Viên, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đồng thời giao trọng trách tìm kiếm địa điểm xây dựng một khu nghỉ dưỡng của khu vực Trung Kỳ cho Đại úy thủy quân lục chiến Debay, người vốn có 4 năm kinh nghiệm khảo sát dãy Trường Sơn. Tháng 2 – 1900 Debay chính thức nhận nhiệm vụ khảo sát các khu vực trong phạm vi 150km từ Huế và Đà Nẵng.

Tháng 4 – 1901, sau khi ưu tiên khảo sát kỹ khu vực Đồng Ngãi, phía tây Huế, Ataouat, tuyến phân thủy An Nam – Lào và cao nguyên Trà My ở phía nam Quảng Nam, Debay cuối cùng đã chọn được vị trí thích hợp để xây dựng khu nghỉ dưỡng . Bà Nà khi đó thực chất là tên gọi của một ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi. Theo Debay, dãy Bà Nà ở độ cao trên 1.300m, ít mưa, nhiệt độ mát mẻ dao động từ 14°5 đến 23°1 từ tháng 5 đến tháng 10, “địa hình vùng núi dù rất mấp mô nhưng có rất nhiều cao nguyên nhỏ rộng từ một đến hai héc ta, nằm cách nhau không quá xa và có thể xây dựng nhà ở”.

Chỉ trong vòng hai tháng, một con đường mòn dài 8.800m với những cây cầu gỗ đã được mở lên tới độ cao 1.450m. Toàn quyền Đông Dương Doumer từng dự định tới thị sát địa điểm này vào đầu tháng 11 năm 1901 nhưng bản báo cáo của Debay tới tận ngày 15 mới hoàn thành nên Doumer đã hủy bỏ ý định và trở về Pháp vào năm 1902. Điều này khiến cho kế hoạch mở khu nghỉ dưỡng và những thành quả của đoàn khảo sát bị rơi vào quên lãng trong một thời gian dài. Đáng tiếc hơn nữa là cuộc khảo sát đã lấy đi mạng sống của Trung úy Decherf khi anh đang làm nhiệm vụ.

Những năm tiếp theo từ 1904 đến 1906, từ Tourane, các ông chủ đồn điền bao gồm Cosserat và Tavel, rồi Desmars và Meunier đã đến thăm dò ngọn núi, truy tìm lại con đường mòn mà đại úy Debay đã cho mở, nhưng không phải họ quan tâm tới dự án khu nghỉ dưỡng mà là để tìm kiếm giống cây cho mủ.

Phải đến khi chiến tranh thế giới nổ ra vào năm 1914, người ta mới bắt đầu cảm thấy tầm quan trọng của những kỳ nghỉ dưỡng và việc phục hồi sức khỏe cho lính đồn trú khi họ phải lưu lại thuộc địa trong những khoảng thời gian rất dài. Dự án khu nghỉ dưỡng trên đỉnh Bà Nà lại một lần nữa được chú ý tới.

Năm 1915, Trưởng phân khu Lâm nghiệp Tourane Marboeuf đã được Chánh Sở Lâm Nghiệp Guibier cử đi thám sát dãy núi Bà Nà (vốn được quy hoạch là Khu bảo tồn lâm nghiệp từ năm 1912) và tìm lại con đường mòn Debay đã mở trước đây. Sau ba tuần ở lại trên núi để khảo sát và tìm vị trí thích hợp nhằm xây dựng trạm kiểm lâm, ông Marboeuf cho rằng khí hậu nơi đây thật tuyệt vời. Năm 1916, Giám đốc Sở Y tế Trung Kỳ – bác sĩ Gaide, Bác sĩ Trưởng Judet de Lacombe và Giám đốc Công ty Pháp Á Denisse đã trực tiếp lên núi để khảo sát và đánh giá khả năng xây dựng khu nghỉ dưỡng.

Năm 1918, một người tên là Beisson (ở Tourane) sau 18 ngày sống trải nghiệm trên dãy Bà Nà đã quyết định làm đơn xin nhượng đất để xây dựng nhà ở. Sau sự vụ này, ý tưởng và kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng mới thực sự sống lại.

Đầu năm 1919, Công sứ Galtier cho người lập bản vẽ thiết kế quy hoạch và phân lô trên núi Bà Nà.

Tháng 3 năm 1919, theo ý kiến của ông Guibier, người ta bắt đầu xây dựng một tuyến đường mới khác với con đường mòn do Debay mở từ hướng Tây – Nam Tourane. Tuyến mới này khởi đầu từ đường Cái Quan tại vị trí cách Tourane 9km về phía Bắc, nhằm phục vụ chuyên chở cho các đồn điền chè và nối liền với một tuyến đường khác dài 17km kéo dài tới chân núi Bà Nà, từ chân núi người ta lại mở thêm một con đường lên núi nhập vào con đường mòn cũ từ độ cao 300m.

Ngày 27 tháng 5 năm 1919, Toàn quyền Đông Dương chính thức ra quyết định tách một phần đất của dãy Bà Nà ra khỏi Khu bảo tồn lâm nghiệp để xây dựng khu dân cư. Đến tháng 7 cùng năm, công trình nhà ở đầu tiên được khởi công xây dựng mà chủ nhân là ông Beisson.

Thực tế là năm 1919 khu nghỉ mát Bà Nà mới chỉ được “khai sinh” về mặt giấy tờ hành chính, dù vậy năm ngôi nhà gỗ xinh đẹp đã lần lượt được dựng lên sau đó. Ước vọng của người đi đầu Beisson cuối cùng đã được hồi đáp.

Năm 1921, tuyến đường mới đã được mở đến độ cao 200m, song để lên được đỉnh núi lại phải mất thêm từ 3-4 giờ để đi bộ hoặc đi bằng kiệu.

Năm 1923, một khách sạn 22 phòng do hãng Morin ở Tourane xây dựng đã hoàn thành và khai trương. Sau công trình đáng giá này của hãng Morin, nhiều ông chủ muốn đầu tư lên đỉnh Bà Nà nhưng những khó khăn về địa hình giao thông vẫn là một thách thức lớn với họ. Vậy nên, cho đến tận năm 1928 trung tâm nghỉ mát Bà Nà cũng vẫn chỉ có 25 công trình xây dựng bao gồm của cả chính quyền và tư nhân. Dù được chính quyền nâng cấp lên thành trung tâm đô thị, Bà Nà vẫn không thể phát triển bật lên do sự bế tắc của hệ thống đường sá.

Con đường xi măng lên khách sạn Morin trong 2 ảnh thời thập niên 1930 và năm 1998

Khu nghỉ mát Bà Nà chỉ thực sự được vực lên từ năm 1937 sau chuyến thăm Quảng Nam của công sứ Ducrest vào năm 1936. Ngài công sứ rất nhanh đã nhận ra chỉ một tuyến đường là nàng công chúa sẽ được đánh thức. Một tuyến đường nhanh chóng được đốc thúc xây dựng lên tới độ cao 600m vào năm 1937, 900m vào năm 1938 và 1.200m vào năm 1939. Tiếp bước Ducrest, người kế nhiệm của ông đã cho hoàn thành trọn vẹn tuyến đường lên đỉnh Bà Nà vào năm 1940. Con đường mòn cũ do Debay thực hiện dài 8,8km đã được thay thế bằng con đường mới dài 17km đưa xe cộ lên tới độ cao 1.400m dễ dàng. Để lên khu nghỉ dưỡng, du khách sẽ chỉ mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ nếu đi từ Tourane.

Thông báo lịch trình đi từ Tourane (Đà Nẵng) lên Bà Nà

Ngay khi các công trình đường sá lên núi bắt đầu được đốc thúc xây dựng, số đơn xin nhượng đất để xây dựng các công trình đã gia tăng đáng kể, lần lượt từ năm 1936 là 1 đơn, rồi 9,3,8 và 19 đơn  vào năm 1940, 11 đơn năm 1941 và 27 đơn năm 1942. Đến thời điểm hiện tại (1943), đỉnh Bà Nà đã có tổng cộng 80 công trình xây dựng, chiếm hầu như toàn bộ không gian của độ cao trên 1.300m.

Số du khách tìm tới khu nghỉ dưỡng trong các dịp hè (khoảng tháng 7 và 8) liên tục gia tăng, từ con số 54 người vào năm 1920 đã tăng lên 120 người vào năm 1925, và chỉ tính đến ngày 10 tháng 7 năm 1943 này, số du khách đã chạm mốc 450 người. Danh tiếng của khu nghỉ dưỡng Bà Nà đã vượt khỏi sự kỳ vọng của những người tâm huyết nhất, vươn xa ra khỏi biên giới Trung Kỳ với 84 du khách từ Bắc Kỳ, 4 người từ Nam Kỳ và 4 quân nhân đến từ Lào.

Dù có sự hậu thuẫn của giới chức quân đội bằng việc mở rộng thêm khu quân sự, việc quy hoạch khu nghỉ dưỡng vẫn gặp rất nhiều thách thức, bởi việc vận chuyện vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép bằng ô tô lên núi vẫn vô cùng khó khăn. Nhưng những vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết sau khi chiến tranh chấm dứt.

Trong thời gian chờ đợi này, chính quyền tỉnh quyết định cải tạo lại đường lên núi với chi phí rút từ ngân sách thành phố Touran trong ba năm qua và những khoản cấp lần 1 cho năm nay từ ngân sách liên bang và ngân sách cấp kỳ. Một tuyến đường vòng cung, tên là Kanan, chạy vòng quanh khối núi lên tới độ cao 1.300m được xây dựng. Các công trình xây dựng mới sẽ được quy hoạch nằm dọc theo tuyến đường vòng cung này, bởi khu trung tâm nghỉ dưỡng đã đầy ắp các công trình.

Thật là hạnh phúc xiết bao! Bà Nà, vào ngày con đường 14 và 19 hoàn thành, những du khách vẫn ghé Oubone hoặc Angkor từ Shonan và Bangkok hay những du khách từ các du thuyền ghé qua bằng những chuyến du lịch quá cảnh chớp nhoáng, mở to đôi mắt đầy kinh ngạc của họ ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh lộng lẫy không kém gì vẻ đẹp của vịnh Rio de Janeiro, Naples, Sydney hay những phế tích Khơ me ở Angkor, tháp Chàm ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), lăng tẩm ở Huế hay những sườn dốc ngoạn mục trên đèo Hải Vân. Khí hậu địa trung hải và phong cảnh tuyệt mỹ của Bà Nà sẽ không làm thất vọng ngành du lịch.

Kể thêm nữa thì Bà Nà còn mang một vẻ quyến rũ rất đặc biệt. Điều này chỉ có thể diễn giải khi những du khách đến Bà Nà bất chợt nhận ra cái chất thi sĩ lãng mạn vốn ẩn giấu sâu kín trong tâm hồn bỗng nhiên trỗi dậy. Một số du khách thậm chí đã cảm tác ra những bài thơ để ca ngợi vẻ quyến rũ của nơi này. Thực là một sự mê hoặc khó cưỡng.

Bà Nà tóm lại có thể được định nghĩa một cách ngắn gọn như sau: Đó là một dãy núi cao với nhiều đỉnh núi nằm ở độ cao trên 1.300m, nơi có những căn nhà gỗ nhỏ xinh được dựng lên để đón luồng không khí tươi mát và trong lành giữa khoảng không bao la, thanh dịu.

Đến nay (1943), Khu nghỉ dưỡng Bà Nà đã có một khách sạn, một nhà thờ, một trạm bưu điện, một trạm xá. Các sân quần vợt, sân bóng rổ và sân bóng chuyền đang được dự kiến xây dựng. Không sòng bạc, rạp hát, nhà máy cũng như các cửa hiệu, chỉ có một khu chợ tạm bợ và một lò mổ, thậm chí cửa hàng thực phẩm khô cũng không có. Điện hoàn toàn chưa xuất hiện ở nơi đây, thay vào đó là những ngọn đèn thô sơ và ánh sáng mờ ảo của các vì sao; hệ thống dẫn nước cũng không, ngoài các giếng nước và bể chứa nước mưa. Các dịch vụ vận chuyển du khách bằng xe ô tô hiện chỉ hoạt động vào mùa hè. Lương thực, thực phẩm cho các cư dân và du khách tại đây được tiếp tế bởi các công ty ở Tourane.

Những mối bận tâm về chuyện ăn ở mưu sinh thường tiêu tán ngay khi tiếng động cơ xe chìm xuống ở đầu con dốc, xung quanh chỉ còn tiếng kêu của lũ khỉ, của bầy ve sầu và sự tĩnh lặng của vùng sơn cước. Mọi âm thanh náo nhiệt của thế giới loài người dường như đã bị bỏ lại dưới chân núi Bà Nà. Dường như, niềm khao khát về một cuộc sống ẩn dật đã kéo người ta đến nơi đây, để ẩn mình dưới những bóng sồi cổ thụ và những bụi dương xỉ; Hoặc là một cuộc trốn chạy khỏi vùng đồng bằng nóng ẩm để tìm tới vùng núi cao nơi mà những ngọn gió Lào cũng chỉ mang đến cảm giác mơn man dịu dàng và làn gió biển thổi vào thì luôn tươi mát, trong lành nhờ lớp khí quyển trên cao.

Suốt từ tháng 6 đến tháng 10, nhiệt độ chỉ dao động trong khoảng từ 15-26ºC, không ẩm mốc hôi hám. Lá phổi căng tràn sảng khoái. Đôi chân dẻo dai và khỏe mạnh trở lại. Màu hồng ửng lên trên những đôi má trẻ nhỏ. Những con đường mòn quanh co giữa các chỏm đồi và thung lũng, dẫn đến các khu biệt thự và những địa điểm tuyệt đẹp như: Drapeau, Cacasde, Chaos, Kanan và Guet.

Lucile và René dường như chẳng bao giờ cảm thấy buồn chán ở đây, “chúng thích thú lắng nghe những tiếng thì thầm nho nhỏ của mùa thu và tiếng lá khô lạo xạo dưới chân”. Bầu không khí thanh nhã nơi đây không khiến người ta ủy mị hay uể oải. Ngược lại, sức mạnh kỳ diệu của thiên nhiên, cỏ cây hoa trái kích thích bản năng phòng vệ, khám phá và khơi dậy sức sống. Tất cả cảnh vật xung quanh từ những cánh rừng thưa chạy dài về phía biển, những đỉnh núi cao hay những cánh đồng thẳng tắp đều quyến rũ lạ lùng và mê hoặc tâm hồn du khách.

Nhìn về phía Tây là vẻ đẹp nguyên sơ của những dải núi xanh thẫm chạy song song, vài ngôi làng của người Thượng và nương rẫy của họ điểm xuyết thêm những chấm nâu duyên dáng.

Ngược lại ở phía Đông là một bức tranh phong cảnh lộng lẫy tuyệt đẹp dài đến hơn 300km; một đầu là những cồn cát ở Thừa Thiên và Quảng Trị lọt vào tầm mắt giữa những đỉnh núi nhấp nhô của dãy Hải Vân; đầu kia là những vách đá trên biển Sa Huỳnh thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Dưới chân núi Bà Nà, nhìn thẳng về phía biển, bán đảo Tiên Sa sừng sững vươn mình ra biển như một vọng gác khổng lồ. Xa hơn một chút là những hòn đảo của Cù Lao Chàm. Phía trong đất liền của vùng đồng bằng châu thổ Quảng Nam và Quảng Ngãi, nhấp nhô những đụn cát vàng óng và những khoảnh đất chia ô bàn cờ xanh ngắt, xen kẽ uốn lượn trên đó là những dòng sông, dòng suối lấp lánh. “Giữa vùng đất hoang vu, cằn cỗi, những khối núi nhỏ thuộc dãy Ngũ Hành Sơn chĩa thẳng lên trời”. Giữa dãy Hải Vân và bán đảo Tiên Sa, Vịnh Tourane vẽ lên một đường cong yểu điệu với những đường viền bằng đá, bọt sóng và cát vàng. Dưới ánh nắng chiều, những cánh buồm như được khảm một lớp xà cừ trắng muốt.

Vào lúc chiều muộn, ở độ cao từ 700 đến 1.000m (trên đỉnh núi thì hiếm thấy hơn), sương mù và mây sà xuống khi thì mỏng nhẹ lãng đãng, khi thì đặc quánh dầy nặng bị những làn gió lôi qua kéo lại, tạo nên một cảnh sắc hư thực, huyền ảo.

Tháng 8, những cơn dông thường ập đến cuồng nộ gào thét giữa tiếng sấm gầm và những tia sét như muốn nuốt trọn cả ngọn núi như ngọn Sinai*, như thể những vị Walkyries đang nhảy nhót vòng quanh, hòng chiếm lại vùng đất từ tay con người.

Bác sĩ Sallet từng viết: “Ban đêm, sự yên tĩnh bao trùm khắp cao nguyên mang đến cho Bà Nà một vẻ quyến rũ ma mị. Màn đêm dần dần buông xuống, khẽ chạm vào cảnh vật đang say giấc.”

Khi màn đêm buông xuống, không còn ánh sáng từ các ngôi làng, vốn là tín hiệu của bữa tối, chỉ có những vệt sáng từ Tourane le lói xuất hiện. Một ánh đèn đi rừng có thể rọi rất xa qua sườn núi. Bên ngoài không một tiếng động, ngoại trừ tiếng kêu của các chú dế hay tiếng re re sầu thảm của những chú ve sầu.

Trong cuốn Sách Vàng về Bà Nà, giữa muôn vàn lời ca tụng có câu nói nổi tiếng từ một du khách: “Con người đã đặt thiên đường ở rất nhiều nơi trên thế giới này. Vậy tại sao chúng ta lại bỏ quên Bà Nà?”.

Bà Nà chưa giống thiên đường sao? Vẻ quyến rũ mê hoặc của Bà Nà là nhiều không kể xiết…

Hơn thế nữa, với phong cảnh kỳ vĩ độc nhất vô nhị và sự tĩnh lặng huyền bí của mình, Bà Nà gợi cho chúng ta  dù ở lứa tuổi nào những suy ngẫm và chiêm nghiệm sâu sắc. Đó chính là đặc ân của sự thông tuệ và thấu suốt khi chúng ta bước tới tuổi xế chiều mà nay chúng đã được lãnh ngộ sớm hơn. Trên độ cao đáng mơ ước này, chỉ cần chậm lại một chút và đặt cái tôi sang một bên là đã ngộ ra những điều chưa từng biết.

chuyenxua.net biên soạn
Hình ảnh: aavh.org

Viết một bình luận