Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhân bản trong ca khúc “Tình Ca” (Phạm Duy) – “Tôi yêu tiếng nước tôi…”

Nếu định mệnh mang đến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn giọng hát trầm khàn và điềm đạm của Khánh Ly, thì định mệnh cũng hào phóng với Phạm Duy khi đưa đến cho âm nhạc của ông tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh.

Có thể rằng nếu không có Thái Thanh thì Phạm Duy vẫn là một nhạc sĩ tiếng tăm, nhưng cũng phải thừa nhận rằng nếu không phải là giọng hát của nữ danh ca Thái Thanh thì khó có ai khác có thể làm thăng hoa hết được những rung cảm sâu lắng, cuộn trào như suối nguồn của ca từ, giai điệu và truyền tải hết những tâm tư và nguyện vọng lớn lao mà nhạc sĩ Phạm Duy gửi gắm trong đó. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến nhạc phẩm Tình Ca. Đây là một sáng tác được nhạc sĩ Phạm Duy viết từ năm 1953, với mơ ước lớn lao là gắn kết tình cảm của con dân nước Việt về cùng một mối, như lời chia sẻ của ông trong hồi ký:

“Sau khi tung ra Tình Hoài Hương, tôi có ngay bài Tình Ca xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam. Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời…

Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi.

Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản Tình Ca này.


Click để nghe Thái Thanh hát Tình Ca trước 1975

Trong quá khứ, các bậc tiền bối chưa kịp làm công việc đó vì đã có lúc chúng ta có một cuộc nội chiến khá dài. Đó là 200 năm phân tranh giữa hai miền Đàng Ngoài – Đàng Trong. Trong khoảng từ những năm 1600 cho tới 1800, người trong nước khó có được sự đồng nhất quốc gia. Đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà không có thời gian và phương tiện để tìm hiểu bờ cõi giang sơn mỗi ngày một thêm bành trướng với cuộc Nam Tiến. Đàng Trong, sĩ phu bận bịu với những lo toan kiến thiết ở địa phương. Miền nào kẻ sĩ phải phục vụ vua quan của miền đó.

Tuy là một nước nhưng có hai bộ máy chính trị và văn hoá. Do đó, chưa hề có tác phẩm nào nói lên được một ý thức quốc gia toàn diện. Tới khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà và đất nước mở rộng hơn nữa về phía Nam, trong khoảng 50 năm ngắn ngủi, các nhà nho của triều Nguyễn chưa kịp đưa ra một hình ảnh quốc gia trọn vẹn nhất thể, nhất tề, nhất trí thì người Pháp tới xâm lăng Việt Nam. Trong 80 năm nô lệ sau đó, bản sắc quốc gia trong văn học nghệ thuật Việt Nam chưa kịp hình thành thì bị xé nát bởi chính sách chia để trị của Pháp, cố tình đề cao sự khác biệt giữa ba miền và giữa những người dân trong một nước, khiến ta mất đi ý niệm quốc gia đồng nhất. Khi có những phong trào phục quốc như Cần Vương, Văn Thân… ý thức quốc gia vẫn còn mang ý niệm bảo hoàng, phong kiến.

Định mệnh khiến cho tôi, một cá nhân tầm thường, qua một bản Tình Ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.

Bài Tình Ca được mọi người yêu thích ngay. Nó nói tới quê hương đất nước nhưng cũng nói luôn tới tiếng nói và con người nữa. Là bài hát tình ca quê hương nhưng nó còn là bài hát tình tự dân tộc”.

Cái hay, cái tài của Phạm Duy là suối nguồn âm nhạc trong ông luôn tuôn trào trong sự sắp đặt tỉnh táo và khéo léo. Trong bản Tình Ca của mình, nhạc sĩ chủ ý phân chia ca khúc thành 3 phần rõ rệt: “Tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi và yêu người nước tôi” như lời chia sẻ phía trên của ông. Bởi đó chính là 3 thứ bản sắc cốt lõi của dân tộc Việt, không trùng lặp với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Và với người Việt, tình yêu quê hương, xứ sở chắc chắn được khơi gợi chỉ từ những điều giản dị, cơ bản như vậy. Tình yêu đó hình thành từ trong vô thức, trong sâu thẳm trái tim mỗi người ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, thẩm thấu ngay từ những lời ru đầu đời của mẹ:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Từ thuở xa xưa cho đến tận ngày nay, bất kỳ người con Việt nào cũng đều được nuôi dưỡng lớn lên từ lời ru của những người bà, người mẹ. Những thanh âm ngọt ngào, dịu dàng, trầm bổng của lời ru đưa con trẻ vào những giấc mơ an lành, hạnh phúc. Những lời ru ấy đôi khi thật khó hiểu, mơ hồ và xa vời với tâm hồn non nớt của trẻ thơ nhưng bất kỳ đứa trẻ nào cũng muốn được nghe, được ru để được êm êm chìm trôi trong miền tưởng tượng, trong những giấc mơ bay bổng thơ ngây. Những lời ru ấy hoà vào dòng lịch sử, hoà vào tiếng gọi, tiếng nói của non sông:

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi

Tình yêu với quê hương đất nước thể hiện sâu sắc hơn bao giờ hết với tình yêu tiếng nói, câu chữ của cha ông từ thuở sơ khai lập quốc. Đó là những trang sử dài suốt 4 ngàn năm, là những áng thơ văn “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, là tiếng nói mẹ cha ban tặng từ thuở nằm nôi. Tất cả những tiếng nói ấy vang vọng về từ quá khứ hoà quyện với tiếng nói của hiện tại và cùng hướng tới những thanh âm tươi đẹp trong tương lai.

Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai

Trong dòng chảy văn hoá Việt từ xa xưa, thơ ca dân gian là một mảng văn hoá rất lớn chứa đựng cả tâm hồn, tâm tính, truyền thống,.. của dân tộc. Ấy là những bài ca dao, tục ngữ, điệu hò câu hát, những bài đồng dao, những câu chuyện kể dân gian,… Tất cả đều là những thứ “tiếng ngang trời” chẳng cần biết xuất xứ, tác giả. Mỗi người mỗi câu mỗi tiếng cứ thế mà thêm thắt, ca tụng, truyền kể lâu dần rồi thành bài thành điệu, thành tài sản chung của cả dân tộc. Khối tài sản to lớn ấy cứ lớn dần lớn mãi và thấm đẫm trong tâm hồn, máu thịt của người Việt. Với âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phạm Duy cũng không quên thả vào đó những âm điệu, hình ảnh của các thể điệu thơ ca dân gian, khiến nhạc phẩm trở nên dung dị, gần gũi, đầy chất tự sự, gắn kết chặt chẽ với tâm hồn người Việt.

Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói thật thà có duyên…

Sự yêu thương, xưng tụng phủ tràn lên tất cả những nét văn hoá đáng yêu, đáng quý của người Việt, yêu từ danh tác nổi tiếng là Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du yêu đến cái nết duyên ăn nói thật thà của cô gái bên nhà, yêu tất cả những “tiếng nói” làm nên tâm hồn, con người và văn hoá Việt. Thật hiếm có nhạc phẩm nào viết về tình yêu quê hương xứ sở mà cái chữ “yêu” lại được thốt ra tự nhiên, nâng niu, trìu mến và xuất hiện với tần suất dày đặc như thế.

Với mỗi dân tộc, giữ được tiếng nói, giữ được chữ viết thì sẽ giữ được bản sắc văn hoá. Bởi đó là thứ duy nhất có thể phản ánh chân thực nhất nền văn hoá của một dân tộc, là sợi dây kết nối và lưu giữ truyền thống văn hoá qua nhiều thế hệVà có lẽ đây cũng chính là lý do nhạc sĩ Phạm Duy chọn đưa “tiếng nói” của quê hương xứ sở lên thành chủ thể đầu tiên để xưng tụng.


Click để nghe Thái Thanh hát Tình Ca vào thập niên 1950 (bản thu sớm nhất)

Bước qua phần lời thứ 2, nhạc sĩ Phạm Duy chuyển qua xưng tụng cảnh vật quê hương đất nước:

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành

Ðất nước tôi! Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Ðất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Ðất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi

Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong

Những hình ảnh ruộng đồng, núi đồi, sông ngòi lần lượt được hát lên, tạo thành một dải nối kết trùng điệp vươn dài từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, từ núi rừng xuống đồng bằng, từ ruộng đồng vươn ra biển lớn. Tất cả những địa danh thân thương, quen thuộc của quê hương đất nước đều như cất lời ca, hoà vang chung khúc nhạc đại đồng. Trong khúc nhạc hoà ca ấy, thấp thoáng tình yêu và tâm hồn Việt trong mỗi dòng sông, dãy núi, dải ruộng đồng và cả khát vọng kết nối, thấu hiểu yêu thương nhau từ khắp mọi miền Bắc Trung Nam:

Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau

Vào thời điểm những năm 1940 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Phạm Duy trong vai một người du ca đã đi khắp mọi miền từ quê nghèo lên tới thành thị, từ Bắc vô Nam qua Trung. Ông có lẽ là một trong những người hiếm hoi có cơ hội trải nghiệm và thấu hiểu được tình yêu và tâm hồn Việt, dù ở đâu cũng đều giống nhau, chung tụ một mối vậy nên ông nuôi dưỡng khát khao mọi người cũng yêu thương nhau, thấu hiểu nhau như ông không phân biệt Bắc Trung Nam. Chính từ khát khao cháy bỏng đó, ông viết Tình Ca như một lời hiệu triệu. Lời hiệu triệu không sáo rỗng, hô hào mà đầy chất tự sự, tâm tư của một người con mang trong mình tình yêu trinh nguyên, không bao giờ đổi dời với non sông đất nước. Phần thứ hai kết lại bằng một câu hỏi trầm buồn, sâu lắng, ấp ủ nhiều hoài vọng: “Làm sao chắp cánh chim ngàn, nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau”

Ở phần sau cùng, nhạc sĩ Phạm Duy hoàn thành khúc Tình Ca của mình bằng việc thể hiện tình yêu với đồng bào, nòi giống con dân Việt.

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi 

Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng sâu
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mâu, áo ơi

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc cho đến thời điểm nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ca khúc vào năm 1953, Việt Nam vẫn là một đất nước thuần nông với hình ảnh tiêu biểu nhất là người nông phu. Không phải là ai khác mà chính những người nông phu “mình đồng da sắt”“đội sương nắng bên bờ ruộng sâu” suốt “vài ngàn năm đứng trên đất nghèo” để gìn giữ và nuôi lớn đất nước từng ngày, dẫu kinh qua bao đau thương, khói lửa.

Từng lời hát nhấn nhá, ngân nga như những thước phim chiếu chậm kéo người nghe hồi tưởng về hành trình dựng nước, giữ nước, mở rộng bờ cõi của ông cha qua bao thế hệ. Cái cách nhạc sĩ Phạm Duy kể về lịch sử, về nòi giống, quê cha đất tổ vô cùng khác biệt. Đó không phải là những câu chuyện lịch sử hào hùng, những chiến tích vang rền, khí khái mà là sự xót xa, tha thiết, đầy yêu thương, là tình cảm kết nối thiêng liêng, là sự biết ơn vô ngần với những thế hệ đi trước, biết ơn hết thảy từ bác nông phu tần tảo trên đất nghèo đến những tấm áo nâu dắt dìu nhau đi khai hoang mở cõi, đến những người anh hùng đã hoặc sẽ ngã xuống cho hôm nay và mai sau.

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là đoá hoa… 

Ở nhạc phẩm này, có thể dễ dàng nhận thấy Thái Thanh đã nâng ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy lên một tầm cao hơn. Lời hát khi thì nỉ non, dìu dịu, ngọt ngào, da diết như lời ru của mẹ, khi vang vọng, cao vút, thanh thoát như tiếng gọi của hồn thiêng non sông đất nước. Từng lời hát cất lên mỗi câu mỗi chữ đều ngân lên những rung cảm dạt dào, thấu suốt hết mọi tâm tư, tình cảm của những người con Việt Nam.

Bài: Niệm Quân
chuyenxua.net

Viết một bình luận