Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Hoa Trinh Nữ” và “chuyện tình Trần Thiện Thanh – Minh Hiếu” 60 năm trước

Hầu như không có người yêu nhạc vàng nào mà không biết đến ca khúc Hoa Trinh Nữ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, có thể xem là một trong những bài hát quen thuộc nhất của dòng nhạc vàng:

Qua một rừng hoang gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai.
Hái cây hoa dại lẻ loi bên đường, gọi hoa Trinh Nữ.
Hoa Trinh Nữ không mặn mà bằng nàng Hồng kiêu sa.

Hoa đâu dám khoe màu cùng một nàng Cúc vàng tươi.
Hoa không bán hương thơm như nàng Dạ Lý trong vườn.
Nhưng hoa Trinh Nữ đẹp tựa chuyện tình hai chúng ta.

Nhiều thông tin cho rằng “chuyện tình hai chúng ta” trong bài hát này chính là chuyện tình của tác giả Nhật Trường – Trần Thiện Thanh và nữ ca sĩ xinh đẹp Minh Hiếu. Bài hát này được sáng tác khoảng năm 1962, khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mới 20 tuổi, còn Minh Hiếu nhỏ hơn ông 2 tuổi.

Thời gian đầu thập niên 1960, Trần Thiện Thanh và Minh Hiếu là những đồng nghiệp thân thiết với nhau nên đã có nhiều lời đồn đoán về chuyện tình cảm. Trên chương trình Asia 50 năm 2006, ca sĩ Minh Hiếu nói rằng giữa họ có một tình bạn rất tương đắc, vì Trần Thiện Thanh sáng tác nhiều ca khúc nói về tâm tư tình cảm của người lính, còn Minh Hiếu thì lại thường hát nhạc lính. Ngoài ra họ cũng thường xuyên cùng nhau đi diễn chung ở các tiền đồn.

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh thập niên 1960

Cũng trong chương trình này, ca sĩ Minh Hiếu cũng kể rằng trong một lần đi diễn ở tiền đồn chung với Nhật Trường – Trần Thiện Thanh thì bị sự cố phải dừng xe. Trong lúc chờ đợi, họ xuống đường cùng bước đi trên cỏ dại. Chân giẫm trên một đám hoa mắc cỡ ở bên đường, Minh Hiếu chợt hỏi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh rằng có biết loài hoa dại này tên gì hay không, khi ông trả lời là không biết, lúc đó Minh Hiếu mới giải thích về loài hoa mang tên mắc cỡ, biết khép lá ngây thơ và thường sống trên vùng khô cằn sỏi đá. Loài hoa dại này còn mang mỹ danh khác là “hoa trinh nữ”.

Từ kỷ niệm khó quên đó, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác Hoa Trinh Nữ, bài hát đã trở thành bất tử suốt gần 60 năm qua.


Click để nghe Nhật Trường hát Hoa Trinh Nữ trước 1975

Cũng trong lần trả lời phỏng vấn trên chương trình Asia 50, ca sĩ Minh Hiếu không thừa nhận, nhưng cũng không phủ nhận tình cảm mà vị nhạc sĩ tài hoa kia dành cho mình. Có lẽ với một nhạc sĩ đa cảm như Trần Thiện Thanh thì việc có những mối quan tâm đặc biệt dành cho một giai nhân tuyệt sắc như Minh Hiếu thì cũng không có gì khó hiểu, tuy nhiên có thể tình cảm của họ dành cho nhau không sâu đậm như những lời đồn thổi sau này.

Trên mạng (và cả trên báo chí) có nhiều câu chuyện thêu dệt xung quanh mối quan hệ của họ, cho rằng khi đang yêu nhau thắm thiết thì Minh Hiếu bỏ đi lấy chồng. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vì ôm hận tình tan vỡ nên đã sáng tác ca khúc Hoa Trinh Nữ để ám chỉ rằng người yêu đã quên tình xưa để đi theo những quyền quý xa hoa.

Chồng của Minh Hiếu chính là tướng Vĩnh Lộc, được mệnh danh là “ông vua của vùng cao nguyên”, nên trong bài hát Hoa Trinh Nữ, nhạc sĩ đã so sánh sự cách biệt giữa một anh “lính xa nhà” và một ông vua xa hoa có nệm gấm cung son:

Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường
Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền
Loài hoa không hương sắc màu nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ

Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son
Tôi chỉ là người lính xa nhà, thấy hoa nhớ người yêu rất xa.

Tuy nhiên, thông tin về việc “Minh Hiếu bỏ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh để đi lấy chồng” là sai sự thực. Theo lời của MC Nam trong chương trình Asia 50 thì Hoa Trinh Nữ sáng tác năm 1962, rồi đến năm 1965 thì Minh Hiếu mới gặp tướng Vĩnh Lộc.

Hơn nữa, từ trước đó khá lâu, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lập gia đình với người vợ đầu là bà Trần Thị Liên tại Phan Thiết năm 1960, rồi sau đó với vào Sài Gòn để gia nhập làng văn nghệ. (Người con đầu lòng của họ là Trần Thiện Anh Chương sinh năm 1962).

Như vậy Trần Thiện Thanh đã có vợ từ năm 1960, và năm 1965 thì Minh Hiếu mới lên xe hoa, nên nếu nói rằng Minh Hiếu đã “phụ tình” chàng nhạc sĩ thì không đúng, và tình cảm của Trần Thiện Thanh dành cho nàng ca sĩ xinh đẹp, nếu có thì cũng chỉ là những cảm xúc “say nắng” của một người đàn ông đã có vợ mà thôi. Không chỉ riêng Nhật Trường Trần Thiện Thanh, rất nhiều nhạc sĩ khác cũng đã có những phút giây lãng mạn “ngoài luồng” giống như vậy để cảm xúc thăng hoa và sáng tác thành những ca khúc nổi tiếng.


Click để nghe Nhật Trường hát Hoa Trinh Nữ, bản thu dĩa nhựa 1967

Bài Hoa Trinh Nữ có thời gian dài bị cấm sau năm 1975 ở trong nước, trước khi được cấp phép phổ biến năm 2017. Khi đó, hầu hết các ca sĩ trong nước hát là: Tôi chỉ là người KHÁCH PHONG TRẦN, thấy hoa nhớ người yêu rất xa…

Trong khi đó thì theo nguyên tác, và theo những bản thu thanh từ trước 1975, ca khúc này được hát là: Tôi chỉ là người lính xa nhà, thấy hoa nhớ người yêu rất xa… Điều này làm nổ ra một cuộc tranh cãi trên các diễn đàn về việc có nên đổi lời bài hát như vậy. Tuy nhiên dường như người đầu tiên hát “khách phong trần” lại chính là tác giả Nhật Trường – Trần Thiện Thanh, đó là khi còn ở trong nước vào thập niên 1980, ông đã sửa lại một vài chỗ để “phù hợp với hoàn cảnh mới”. Sau này khi thu thanh tại hải ngoại, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh cũng có lần hát là “khách phong trần”.


Click để nghe Nhật Trường Hát Hoa Trinh Nữ vào khoảng cuối thập niên 1990, ông hát là “khách phong trần”

Trong bài hát này còn có những câu hát:

Xưa thật là xưa, nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kể đêm mưa,
Có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn.
Khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân.

Vua xao xuyến tâm hồn vời nàng về chốn Hoàng Cung.
Truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng.
Trên ngôi cao chín từng Hoàng Hậu đẹp hơn ánh sao…

Những câu hát này được nhạc sĩ viết dựa theo câu chuyện kể từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, và giai nhân trong tích xưa là bà Nguyễn Thị Sen, được xem là bà tổ của nghề may. Tương truyền, thời trẻ bà là một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá (các trung tâm Hà Nội ngày nay 60km). Tục truyền rằng, Nguyễn Thị Sen được phong là tứ phi Hoàng hậu của Vua Đinh Tiên Hoàng, kết duyên cùng đức Vua khi ông về đây chiêu mộ hào kiệt. Vị quân vương giữa rừng hoang gặp cô thôn nữ nhan sắc tuyệt trần đã mời nàng về chốn Hoàng cung và truyền khắp nhân gian dâng vải lụa đến cho nàng. Tại Kinh đô Hoa Lư, Nguyễn Thị Sen được phong là Hoàng hậu. Với sự khéo léo và sáng tạo, bà đã giúp các cung nữ phát triển, sáng tạo được nghề may trong cung vua.

Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng mất, quyền lực hậu cung chuyển giao về với Dương Vân Nga và Lê Hoàn, Bà Tứ phi Hoàng hậu đã cùng Công chúa Liên Hoa từ giã hoàng cung Hoa Lư, trở về quê hương truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng. Khi mất bà được lập đền thờ và tôn làm bà tổ nghề may.

Bài: Đông Kha

Viết một bình luận