Hoàn cảnh sáng tác “10 bài không tên” nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An

Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An là nhắc đến những Bài Không Tên và ngược lại. Ngoài 10 bài sáng tác trước 1975, ông còn rất nhiều bài không tên tiếp nối được sáng tác sau này. Có một điều ít người biết, đó là trong 10 bài không tên được đánh số từ 1 đến 9, rồi Bài Không Tên Cuối Cùng, thì những bài đó không phải là được sáng tác theo đúng thứ tự. Bài Không Tên Cuối Cùng, mang tên là “cuối cùng” nhưng nó lại được ra đời đầu tiên, với ý nghĩa là những lời cuối cùng dành cho mối tình sâu đậm.

Trong tập hồi ký Chuyện Tình Không Tên ra mắt năm 2017, nhạc sĩ Vũ Thành An kể về mối tình đậm sâu của ông và một người đẹp Sài Gòn. Một cuộc tình đúng nghĩa trai gái tài sắc nhưng lại vướng phải rào cản gia đình mà đành đứt đoạn, tan vỡ. Nguyên nhân của sự ngăn cấm này theo nhạc sĩ là do khoảng cách tuổi tác và gia thế. Chàng thua nàng những hai tuổi và học sau nàng đến mấy lớp. Gia đình cô gái rất giàu có và bản thân nàng cũng một cô gái giỏi giang, tài sắc vẹn toàn. Ngoài thời gian học ở trường, nàng còn là một ngôi sao sáng trong các hoạt động hội hè, văn nghệ. Là tiểu thư cành vàng lá ngọc nhưng nàng rất giỏi giang, tháo vát, thường phụ giúp quản lý một xưởng dệt của gia đình.

Cuộc tình đột ngột tan vỡ để lại một vết thương lớn cho chàng nhạc sĩ trẻ khi đó. Ông viết trong hồi ký:

“Em yêu dấu,

Em bỏ đi làm anh hụt hẫng, nhất là không còn biết tin vào ai nữa. Anh đã tin những lời em hứa, thế rồi em bỏ đi. Anh trở thành kẻ mất đức tin không còn biết bấu víu vào đâu. Đức tin là quan trọng nhất của một đời người. Chính đức tin sẽ cho ta hy vọng, có thể giúp ta chịu đựng được những điều phi thường và vượt lên khỏi sự bình thường. Mất đức tin ta sẽ rơi xuống hố thẳm của tuyệt vọng.

…Bây giờ, sau 50 năm hồi tưởng lại, anh vẫn thấy tình yêu anh dành cho em là có thật. Tình yêu đó đã theo anh trên mọi nẻo đường. Tình yêu ấy đã cho anh bay vút lên trời cao và rớt chúi xuống vực sâu. Một lần tình cờ anh được gặp lại em trong chuyến đi sang Paris cùng với Du Tử Lê và Từ Công Phụng năm 1998, tim anh như vỡ trong lồng ngực. Đó có phải là bằng chứng của mối chân tình?”

Nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại, Bài Không Tên Cuối Cùng được ông sáng tác liền một mạch trên đoạn đường chưa đầy một cây số từ trường Luật về nhà. Ông nhớ lại: “Anh đã thảng thốt cất tiếng kêu than khi em đột ngột chấm dứt liên lạc”.

Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm, còn hứa gì?

Đó là sự chới với, suy sụp của một người đang trên đỉnh cao hạnh phúc bất ngờ bị sụp xuống hố sâu đau khổ. Nỗi nhớ người yêu vầy vò trái tim đau thương, nhưng không thể nói ra, không thể giải toả, không thể trút cho vơi sầu, đành ôm tất cả đau đớn vào lòng, cuộn thành một khối u sầu mà gặm nhấm.


Click để nghe Anh Khoa hát Bài Không Tên Cuối Cùng trước 1975

Biết bao lần em đã hứa
Hứa cho nhiều rồi lại quên
Anh biết tin ai bây giờ?
Ngày còn đây người còn đây, cuộc sống nào chờ?

Trong tâm trạng sụp đổ vì tình yêu tan vỡ, những lời yêu đương thề nguyện, hứa hẹn khi xưa bỗng trở thành những nhát dao sắc lẹm cứa vào tim. Tình yêu của em, lời yêu của em, lời hẹn ước của em, anh đã coi như một đức tin trong đời sống để neo giữ tình yêu của mình nhưng tất cả đều đã sụp đổ, em bỏ đi, đột ngột đặt dấu chấm hết cho cuộc tình hoa mộng. “Anh biết tin ai bây giờ?”, câu hỏi thốt ra nặng trĩu như một sự níu kéo, gắng gượng lột tả tình cảnh thê lương của kẻ bị phụ tình.

Bao câu hỏi cứ thế nối tiếp trút xuống như thác lũ dồn dập, dày vò trái tim sầu muộn của chàng nhạc sĩ:

Này em hỡi, con đường em đi đó
Con đường em theo đó sẽ đưa em sang đâu?

Mưa bên chồng có làm em khóc?
Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng?
Này em hỡi con đường em đi đó

Con đường em theo đó đúng hay sao em?

Nhưng chẳng có câu trả lời nào hồi đáp, chỉ có khoảng trống của người rời đi để lại và một người tình si ngây dại chết lặng giữa hiện thực tàn khốc:

Xa nhau rồi, thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chắp cánh xót đau người tình si

Không phải đây là lần đầu nhạc sĩ Vũ Thành An nhắc tới “thần tiên” và “thiên đường” ở trong nhạc. Ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của ông đã được công chúng yêu mến là Tình Khúc Thứ Nhất cũng viết cho mối tình này khi vẫn còn đang tha thiết. Lúc đó lời nhạc được nhà văn Nguyễn Đình Toàn đặt với những ca từ lóng lánh màu sắc thần thoại là: Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần…

Thần tiên đó chính là hiện thân của tình yêu, đã gãy cánh và sa xuống trần và kết nối cho tình duyên của đôi lứa. Nhưng khi cuộc tình đã mất, cũng có nghĩa là “thần tiên” đã chắp cánh bay xa, để lại nỗi xót đau cho người tình si.

Dù mang tâm trạng đau đớn, hoang hoải khôn nguôi nhưng chàng trai không hề oán thoán, thù hận người yêu mà trong từng câu từng chữ chỉ nồng đượm một tình yêu bao dung, chân thành, mong cho người mình yêu được ấm êm, hạnh phúc:

Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi
Xin gửi em một lời chào
Một lời thương một lời yêu lần cuối cùng

Tình cảm yêu thương, bao dung và trân trọng đó của nhạc sĩ Vũ Thành An dành cho người tình thật đáng ngưỡng mộ. Bởi đến tận 25 năm sau, khi đã đi qua một đoạn đời dài, ông vẫn nâng niu cuộc tình ấy và người con gái ấy như một bảo vật từng có trong đời. Ông viết:

“Em đã từng muốn anh ghi lại kỷ niệm cho cuộc tình chúng mình. Và anh đã viết nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng “Bài Không Tên Cuối Cùng” anh đã viết ra trong sự thảng thốt khi em đột ngột bỏ anh đi, sau đó lại được phổ biến rộng như thế! Chắc chắn những lời ca đó đã gây ảnh hưởng đến em. Anh hoàn toàn không muốn như vậy.

25 năm sau, năm 1991, anh đã mừng là có dịp để viết lại những điều anh không nên viết. Anh vẫn mong một lần hỏi chuyện em:

Nhớ rất nhiều câu chuyện đó
Ngỡ như là ngày hôm qua
Ôi ước ao có một ngày
Gặp lại em hỏi chuyện em lần cuối cùng

Vẫn con đường, con đường cũ
Vẫn ngôi trường, ngôi trường xưa
Mưa vẫn bay như hôm nào
Người ở đâu mình ở đây bạc mái đầu

Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó
Chắc qua bao lênh đênh
Bao gập ghềnh có làm héo hắt
Có dập tắt mất nét tươi nhuận nụ cười?

Này em hỡi con đường em đi đó,
Con đường em theo đó đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?

Nếu không còn được gặp nữa
Giữ cho trọn ân tình xưa
xin gửi em lời cầu nguyện
Được bình yên được bình yên về cuối đời…”

Đó là những lời hát trong ca khúc sau cuối được nhạc sĩ Vũ Thành An đặt tên là Bài Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối. Tiếp nối để kết thúc, để khép lại một mối tình đã trở thành dĩ vãng, để cởi ước cho nhau, để hoá giải và tha thứ. Và để trả lời cho câu hỏi mà 25 năm trước đó chàng nhạc sĩ trẻ đã dằn dỗi thốt lên:

“Này em hỡi con đường em đi đó
Con đường em theo đó đúng hay sao em?”

Nay, ông viết lại, bằng một câu trả lời thật dứt khoát và rõ ràng:

Này em hỡi con đường em đi đó,
Con đường em theo đó, đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?

Sau tất cả sóng gió cuộc đời, tình yêu dù vẫn âm ỉ đâu đó dưới đám tro tàn, đã trở nên bình lặng hơn, không còn cuồng si ngây dại như khi xưa nữa:

Xin gửi em một lời chào
Một lời thương một lời yêu lần cuối cùng

Lời yêu cũ đã được nhạc sĩ viết lại thành lời cầu nguyện bình yên:

Xin gửi em lời cầu nguyện
Được bình yên được bình yên về cuối đời

Ngoài Bài Không Tên Cuối CùngTình Khúc Thứ Nhất, cuộc tình với người đẹp Sài Gòn hơn tuổi đó còn được ghi dấu trong 1 sáng tác rất nổi tiếng khác của nhạc sĩ Vũ Thành An là Em Đến Thăm Anh Đêm 30. Đây đều là những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp vang lừng của nhạc sĩ. Cuộc tình tha thiết đó “dẫu mộng không đền”, nhưng cũng tạo lập cho nhạc sĩ Vũ Thành An trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam.

Bài Không Tên Cuối Cùng, nhưng thật ra là bài không tên đầu tiên được ra mắt công chúng. Sau sự thành công ngoài mong đợi của ca khúc này, nhạc sĩ Vũ Thành An đã sáng tác thêm những bài hát được đặt tên là không tên, và những bài hát đó được đánh số tiếp theo từ con số 2.

Vì vậy, bài không tên tiếp theo được ra mắt không phải là Bài Không Tên Số 1, mà chính là Bài Không Tên Số 2, nghĩa là Bài không tên thứ 2 được sáng tác, dành cho một mối tình như trong tiểu thuyết của chính tác giả:

“Đầu năm 1967, một ngày thật trống rỗng và ảm đạm, định mệnh đã cho anh được gặp em. Như một tia nắng ấm cuối Đông, em đã sưởi ấm tâm hồn anh ngay buổi đầu gặp mặt”

Nhạc sĩ Vũ Thành An đã viết như vậy trong những dòng đầu tiên nhắc về người tình trong Bài Không Tên Số 2. Đó là thời điểm ông vẫn còn làm việc chung với nhà văn Nguyễn Đình Toàn tại đài phát thanh và chuẩn bị vào thụ huấn ở trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức.


Click để nghe Thanh Lan hát Bài Không Tên Số 2 trước 1975

Vào một buổi chiều giáp Tết, Vũ Thành An đến nhà Nguyễn Đình Toàn chơi thì gặp 2 cô gái bạn của bà Nguyễn Đình Toàn cũng đến thăm, trong đó nhạc sĩ để ý đến một cô gái thật tươi trẻ trong tà áo dài màu xanh, là nữ sinh trường Trưng Vương vừa mới thi đậu Tú tài. Cảm thấy mình rung động ngay phút ban đầu nên ông có quyết định ngay là sẽ chinh phục người đẹp.

Không lâu sau, cô gái đồng ý đi chơi riêng, và trong lần đi chơi đầu tiên đó, nhạc sĩ Vũ Thành An cảm thấy ngỡ ngàng tột cùng khi thấy nàng lái một chiếc xe con sang trọng màu xanh hiệu Opel để đón ông đi chơi. Trong hồi ký, Vũ Thành An nói rằng nếu biết trước tình huống này, ông đã không chủ động làm quen, vì 2 cuộc tình trước đó đều tan vỡ với cùng lý do là khoảng cách giàu nghèo.

Nhưng đến lúc này thì chuyện đã rồi. Trong những ngày sau đó, dù yêu nhau nhưng họ chưa bao giờ nói đến chuyện tương lai.

Ngày tháng yêu đương mặn nồng chưa được bao lâu thì cũng đến ngày Vũ Thành An nhập ngũ, vào quân trường Thủ Đức với những ngày tháng huấn nhục dài lê thê. Sau này qua lời kể của những người quen biết, nhạc sĩ mới biết rằng những lúc ông không được phép rời trại một thời gian dài, nàng đã lái chiếc Opel đi vòng qua các bãi tập của quân trường Thủ Đức chỉ với một hy vọng rất mong manh là có thể được nhìn thấy bóng dáng của người yêu ở trong đó, để cho vơi đi nỗi nhớ nhung. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để chứng minh đó không những chỉ là tình yêu thực sự, mà còn là rất đậm sâu.

Sau khi hết thời gian “huấn nhục” thì các khóa sinh mới được nghỉ cuối tuần để về thăm nhà. Dù yêu rất cuồng nhiệt và say đắm, nhưng nhạc sĩ cho biết họ vẫn giữ cho nhau trong vòng lễ giáo, một tình yêu thuần khiết không có đụng chạm về thể xác, cao nhất chỉ là những nụ hôn nhẹ nhàng.

Thời gian qua hơn 1 năm, tháng 5 năm 1968, đến ngày nhạc sĩ Vũ Thành An tốt nghiệp trường Thủ Đức và có 4 ngày nghỉ phép, dự định là để dành trọn cho người yêu. Nhưng đúng lúc đó thì ông lại được lệnh hoãn nghỉ phép, phải đi Vũng Tàu trình diện để nhận quyết định đi học tiếp lớp sĩ quan chuyên nghiệp ở Vũng Tàu.

Trước khi ra đi vào sáng sớm hôm sau, họ đã có một buổi tối ngọt ngào bên nhau. Nhạc sĩ kể lại:

“Anh còn nhớ rõ hôm ấy em đã ôm anh rất đắm đuối và bảo anh đừng đi trình diện ngày mai, hãy ở lại với em. Anh không dám trái lệnh cấp trên và đã không thể ở lại với em. Thật không ngờ đó là lần cuối cùng chúng ta bên nhau. Chiếc ôm bá cổ ghì chặt anh vào mình của em sẽ là một kỷ niệm mãi mãi…”

6 tháng sau đó, khi đang thụ huấn ở Vũng Tàu, nhạc sĩ Vũ Thành An nhận được thư chia tay, không có lý do, không một lời giải thích. Đó là một điều bí ẩn và mãi mãi làm cho nhạc sĩ ray rứt, bởi vì suốt gần 2 năm yêu nhau họ chưa từng có cãi vã, không một lần xung đột, luôn yêu nhau mặn nồng. Lá thư đã làm cho ông chao đảo và thấy bầu trời như sụp đổ, nhưng cũng đành chấp nhận vì đã từng linh cảm được trước về một điều không hay sẽ đến.

Sau khi tốt nghiệp quân trường ở Vũng Tàu, lá thăm may mắn đã đưa nhạc sĩ Vũ Thành An quay về Sài Gòn để tiếp tục phụng sự cho quân đội, nhưng là ở trong lĩnh vực hành chính.

Vào một ngày tháng 12 năm 1968, ông ngồi uống cafe ở tiệm Brodard ở góc đường Tự Do nổi tiếng của Sài Gòn, trời đổ những giọt mưa lê thê vào cuối mùa làm cho nỗi nhớ người yêu càng thêm da diết, ông quyết định tìm đến nhà nàng ở Quận Tư để thăm bất ngờ. Từ đường Tự Do, ra Bến Bạch Đằng và qua cầu Khánh Hội là quãng đường rất ngắn, nhưng cũng thật dài vì tâm tư rối bời.

Tới nhà gõ cửa, nhìn thoáng vào trông, nhạc sĩ thấy có một bữa tiệc nhỏ đã vừa tàn, bàn ăn vẫn chưa dọn dẹp xong. Người mở cửa chính là nàng, trong bộ y phục thật rực rỡ. Sau phút đầu chào nhau ngượng ngập, nàng quay vào trong và dẫn ra một người đàn ông để giới thiệu: “Đây là hôn phu của em, và hôm nay cũng là lễ đính hôn của em”.

Câu chuyện đó như là trong một tiểu thuyết, nhưng chính là sự thật. Chàng nhạc sĩ si tình cảm thấy như tê điếng cả người, không biết nói gì thêm, chỉ lặng lẽ ra về trong bẽ bàng. Bài hát Bài Không Tên Số 2 ra đời ngay sau đó, khi nỗi đau vẫn còn rất tươi mới:

Lòng người như lá úa, trong cơn mưa chiều
Nhiều cơn gió cuốn, xoay xoay trong hồn
Và cơn đau này vẫn còn đấy

Chiều về không buông nắng, cho mây âm thầm
Một mình trong chiều vắng, nhớ đôi môi mềm
Ngày nào ân cần trao thân.

Bài hát diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của nhạc sĩ Vũ Thành An trong cái ngày quyết định đến thăm nhà người yêu. Đó là một chiều mưa nhẹ, những cơn gió cuốn trên con đường Tự Do và xoay xoay những cánh lá, như là xoáy vào tận sâu thẳm hồn người.

Tìm trong tháng ngày buồn
Đôi mắt nào khô
đường tim chơ vơ
Đếm cho nhau lời nói
Trên đời nào yêu người.

Kỷ niệm xưa đã chết, cơn mê đã chiều,
Tình yêu đã hết, xót xa đã nhiều
Đời thôi sẽ còn mai sau.

Thôi em đừng xót thương
Rồi ngày tháng phai đi.
Thôi cuộc tình đó tan rồi
Không còn gì nữa, tiếc mà chi.

Bài hát thể hiện nỗi đau xót xa, nuối tiếc về cuộc tình tha thiết đã chính thức chấm dứt một cách phũ phàng như vậy. Tuy đã mất nhau nhưng nhạc sĩ tin rằng nàng vẫn yêu mình, không bao giờ nghĩ rằng có ngày sẽ rời xa, và đoán rằng có vì một lý do bí ẩn nào đó dẫn đến quyết định như vậy. Cuộc tình đứt ngang khi vẫn đang rất thắm thiết.

Bài hát chỉ toàn là những lời buồn, và những câu hát sau đây là nổi tiếng nhất, có thể xem là nhân tố quan trọng nhất mang lại sự thành công cho Bài Không Tên Số 2:

Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều,
Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo…

Chỉ 3 câu ngắn gọn những thể hiện được đầy đủ ý nghĩa về nhân duyên của một người con gái, xưa cũng như nay: Thời thiếu nữ mộng ước rất cao vời, nhưng trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng thì hành trang mang theo chỉ là một khối u tình, thường là không trọn vẹn.

Khi vừa được sáng tác, Bài Không Tên Số 2 được chính nhạc sĩ Vũ Thành An tự thể hiện ở Quán Gió của nhạc sĩ Nam Lộc, ngay lập tức được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt.

Sau đó, bài hát được các danh ca nổi tiếng trình bày là Thanh Lan, Lệ Thu, và đặc biệt được yêu thích qua giọng hát Ngọc Lan sau năm 1975:


Click để nghe Ngọc Lan hát Bài Không Tên Số 2

Đêm sâu mái tóc em dài
Buông xuôi, xuôi theo dòng đời
Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau

Đó là đoạn cuối trong ca khúc Bài Không Tên Số 3 của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Sau 2 bài hát không tên đầu tiên, bài không tên tiếp theo mà nhạc sĩ Vũ Thành An ra mắt khán giả là Bài Không Tên Số 3, thực ra đã được ông viết trước đó khá lâu rồi sau đó mới giới thiệu đến công chúng.


Click để nghe Lệ Thu hát Bài Không Tên Số 3 trước 1975

Với những bài không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác trước năm 1975 đã nổi tiếng và được yêu thích suốt hơn nửa thế kỷ qua, có thể thấy trong mỗi ca khúc này đều có ít nhất 1 hay vài câu hát được nhiều người yêu nhạc thường xuyên nhắc đến, như là những lời tâm đắc nhất.

Đối với Bài Không Tên Cuối Cùng, đó là câu hát thể hiện sự bao dung của nhạc sĩ đối với tình cũ:

Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi…

Đối với Bài Không Tên Số 2, đó là câu hát thể hiện niềm xót thương cho thân phận người con gái:

Đời người con gái
Ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy
Đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo…

Còn ở Bài Không Tên Số 3, câu hát nổi tiếng nhất lại mang đầy nỗi ám ảnh về cuộc đời:

Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau…

Khi sáng tác những câu này, nhạc sĩ Vũ Thành An không thể ngờ rằng đến gần 20 năm sau đó, nỗi sầu thương trong bài hát vẫn còn dai dẳng, và cuối cùng đã có một kết cuộc không thể buồn hơn.

Sau đây là câu chuyện trong Bài Không Tên Số 3 được chính nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại:

Khoảng năm 1965, khi ông vẫn còn đang trong mối tình say sưa hạnh phúc với “Tình Khúc Thứ Nhất” (là người con gái đã mang lại cảm xúc để Vũ Thành An sáng tác 3 bài Tình Khúc Thứ Nhất, Em Đến Thăm Anh Đêm 30Bài Không Tên Cuối Cùng), thì bên cạnh đó ông còn có mối giao tình thân thiết với em gái của một người bạn thân. Thời điểm đó cô gái này đang học trung học ở một trường danh tiếng của Đà Lạt, và khi trường tổ chức một buổi lễ có sự góp mặt của phụ huynh học sinh, thì chính Vũ Thành An là người được gia đình của cô gái nhờ thay mặt để tham dự.

Hôm đó nhạc sĩ Vũ Thành An cùng một anh bạn nữa mang hoa đến trường để thăm cô gái, cũng là để tham dự buổi lễ tại trường. Khi chia tay và ra về, anh bạn đi chung nói với Vũ Thành An rằng qua ánh mắt nhìn thì ông biết rằng cô gái đó có tình cảm đặc biệt với chàng nhạc sĩ. Tuy nhiên vì lúc đó đã có người yêu nên Vũ Thành An chỉ xem cô như là em gái thân thiết.

Đến năm 1967, nhạc sĩ Vũ Thành An nhập ngũ và được thụ huấn tại trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Trong những tháng đầu tiên, khóa sinh được khổ luyện rất cực nhọc, không được nghỉ phép về thăm gia đình, và gia đình của sinh viên sĩ quan chỉ được đến quân trường thăm trong những phút ít ỏi vào cuối tuần.

Trong thời gian đó, cô nữ sinh ở Đà Lạt kia đã đến tận quân trường để thăm nhạc sĩ Vũ Thành An. Ông viết trong hồi ký như sau:

“Một buổi sáng Chủ nhật năm 1967, anh đang trong Quân trường Thủ Đức chợt được gọi ra Khu tiếp tân. Anh rất ngạc nhiên vì đâu nghĩ có người đi thăm mình. Thật ngại ngùng khi phải ra tiếp khách mà không biết ai ghé thăm!

Lúc ấy tóc anh bị húi cua thật cao, quần áo xốc xếch vì không tìm đâu được bộ quân phục vừa với khổ người quá cao của anh.

Gặp Em nhưng anh không thể nào ngờ Em đã nhớ và đến thăm anh. Chúng ta đã có thời gian bên nhau thân thiết nhưng chúng ta xa cũng lâu rồi. Anh còn nhớ Em đã cùng anh soạn lời cho Bài Không Tên Số 3. Anh đã viết:

Yêu nhau cho nhau nụ cười
Thương nhau cho nhau cuộc đời
Mà đời đâu biết đợi
Để tình nhân kết đôi…

Và Em đã viết:

Để rồi đánh mất nhau
Tay buông lơi tình mềm
Chân không theo tình bền
Chẳng giữ được nhau…

Không biết bây giờ có nhạc sĩ nào tìm được bạn gái viết ca từ hay như vậy không?

Mọi sự đã xảy ra đúng như Em viết. Đánh mất nhau! Lần này, Em cùng với người chị họ vào thăm anh để nói “Ngày mai em sẽ đi Tây Đức du học!”.

Vậy là Em đã thật sự ra đi!

Trước khi đi Em còn nhớ tìm đến thăm anh như vậy, chứng tỏ Em đã yêu anh nhiều lắm. Sau này anh có hỏi thăm những người bạn đang học bên Đức về Em. Họ kể rằng khi nghe bất cứ ai đề cập tới anh, Em không nói gì chỉ khóc và bỏ đi.

Ngày ra đi, Em để lại cho anh một lá thư từ giã, trong đó có hai chữ “Bảo trọng”. Anh giữ mãi lá thư đó và còn luôn mang nó trong hành trang nữa. Lá thư của Em là nguồn an ủi cho anh trong những năm tháng lạnh giá.”

Nhạc sĩ Vũ Thành An còn nói thêm, đó không chỉ là lá thư từ giã thông thường, mà lời lẽ trong đó còn rất tha thiết, như là một lá thư “tỏ tình”. Cô gái biết rằng đó có thể là lần cuối gặp mặt, mai này đi du học ở nơi nghìn trùng cách trở, nên đã trút hết tất cả tâm sự của lòng mình vào trong thư. Chàng nhạc sĩ đã giữ rất kỹ lá thư kỷ vật đó, ngay cả khi phải vào trại tập trung sau năm 1975.

Trong thời gian suốt 10 năm tù đày, nhạc sĩ Vũ Thành An đã có nhiều thời gian để suy ngẫm lại cuộc đời mình, về những cuộc tình đã đi qua, và trong những người tình đã ra đi, thì chỉ có duy nhất cô gái này gửi lá thư tỏ tình, chứng tỏ đó là tình yêu thực sự, nên ông viết trong hồi ký:

“Những lúc trong rừng sâu nước độc ấy, nằm hồi tưởng lại đời mình, anh mới biết chính Em mới là người yêu anh thật, yêu anh nhất trong số những người đã đi qua đời anh. Anh tha thiết muốn gặp lại Em trong những lúc khổ đau đó!”

Trong những ngày tháng lạnh lẽo và tuyệt vọng, những đêm khuya nằm nhìn về dĩ vãng, tờ thư được giữ gìn cẩn thận đó là một trong những nguồn an ủi lớn để ông vượt qua một đoạn đời kinh hoàng.

Năm 1985, khi nhạc sĩ Vũ Thành An được tự do và trở về, lúc này gia đình đã ly tán, vợ và con đã di tản sang Mỹ trước đó 1 năm, nên người ông nghĩ đến và mong muốn gặp nhất chính là cô em gái năm xưa. Ngay ngày hôm sau, ông tìm đến nhà, thì chị của cô thông báo một tin chấn động: Cô đã bị tai nạn xe và mất tại Đức được một năm.

Lời hát năm xưa đã linh nghiệm:

Yêu nhau cho nhau một lần
Thương nhau thương cho một lần
Một lần thôi vĩnh biệt
Một lần thôi mất nhau…

Như lời kể của nhạc sĩ Vũ Thành An, Bài Không Tên Số 3 được cô gái kia góp thêm một đoạn lời, vào thời điểm họ vẫn còn mối giao tình thân thiết với nhau, nhưng đó chưa trở thành một mối tình đúng nghĩa. Vậy nên giả sử có yêu nhau, thương nhau đi nữa, thì họ đã gặp nhau sai thời điểm, mà cuộc đời thì không thể đợi để kết đôi:

Yêu nhau cho nhau nụ cười
Thương nhau cho nhau cuộc đời
Mà đời đâu biết đợi
Để tình nhân kết đôi…

Để rồi oán trách nhau
Tay buông lơi tình mềm
Chân không theo tình bền
Chẳng giữ được nhau…

Vì sai thời điểm nên tay buông lơi, chân chùng không thể bước cùng nhau, và cuối cùng là không thể giữ được nhau…

Ở phần này, có một sự sai khác giữa lời bài hát mà nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại trong hồi ký, so với câu được in trong tờ nhạc, đó là “Để rồi đánh mất nhau” – “Để rồi oán trách nhau”…

Theo lời kể của nhạc sĩ, có thể thấy là giữa họ hầu như không có lời nào oán trách nhau, mà chỉ là đã đánh mất nhau, bởi vì có duyên nhưng không nợ, nên chẳng thể giữ được nhau.

Căn cứ vào mốc thời gian mà nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại, có thể bài hát này được sáng tác vào khoảng năm 1966, nhưng được phát hành vài năm sau đó, được đánh số là Bài không tên số 3.

Khóc cho vơi đi những nhục hình
Nói cho quên đi những tội tình
Đời con gái cũng cần dĩ vãng
Mà em tôi chỉ còn tương lai…

Đó là những lời hát đầu tiên của Bài Không Tên Số 4, được nhạc sĩ Vũ Thành An viết cho một người phụ nữ, một đồng nghiệp mà ông có mối giao tình thân thiết.

Câu chuyện được bắt đầu kể từ sau khi mối tình của nhạc sĩ cùng với người tình trong bài hát “Tình Khúc Thứ Nhất” gãy đổ, rồi kết thúc bằng “Bài Không Tên Cuối Cùng” vào cuối năm 1965. Thời gian hơn một năm sau đó, nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng ông như bị rơi và hố thẳm, chới với, không còn niềm cảm hứng nào để viết nhạc.

Trong khoảng thời gian trống trải đó, ông gặp được người phụ nữ trong “Bài Không Tên Số 4”, một người mà ông chỉ gọi là bạn thân, là mối giao tình thân thiết, chứ không phải là tình yêu sâu đậm. Cô cũng là người phụ trách phần thu âm cho chương trình Nhạc Chủ Đề phát trên đài phát thanh lúc ấy.

Vào thời gian đó, nhạc sĩ Vũ Thành An vẫn làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn và cùng nhà văn Nguyễn Đình Toàn phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề phát mỗi tuần một lần vào 11h trưa thứ 2. Trong đài phát thanh có một bộ phận chuyên về thu âm, hòa âm cho chương trình, phần lớn là nữ. Khi lần đầu gặp người nữ nhân viên phụ trách thu âm đó, nhạc sĩ Vũ Thành An đã bị ấn tượng ngay lập tức. Ông kể trong hồi ký:

“Khởi đầu anh rất quý trọng em như một đồng nghiệp giỏi giang. Sau đó từ từ thân hơn, trở thành bạn bè. Chúng ta đã có những buổi hẹn để chuyện trò. Mỗi lần gặp anh là em khóc như mưa, khóc để trút hết những đau buồn em đang mang. Anh có cảm tưởng như anh là người duy nhất được biết những điều thầm kín đó của em, chính vì vậy anh đã viết trong Bài Không Tên Số 4:

Khóc cho vơi đi những nhục hình
Nói cho quên đi những tội tình”


Click để nghe Phương Hồng Quế hát Bài Không Tên Số 4 trước 1975

Vì sao người phụ nữ đó lại khóc như mưa như vậy? Theo lời nhạc sĩ kể lại, là bởi vì lúc đó cô đang chịu nhiều bất hạnh trong hôn nhân. Đã có chồng và 3 người con trai, nhưng gia đình đổ vỡ, cô bị chồng bỏ rơi và phải một mình nuôi đàn con. Đó chính là ý nghĩa của những câu hát sau đó:

Đời con gái cũng cần dĩ vãng
Mà em tôi chỉ còn tương lai
Mai về sau nước mắt có cạn
Khi xa đời thương cho đàn con…

Đời của một người con gái, ai cũng cần những quá khứ bình yên để làm hành trang bước chân vào đời. Nhưng người phụ nữ này đã một lần dang dở, không chỉ vậy mà đó còn là quá khứ rất đau thương, và khi đã trót mang một dĩ vãng không êm đềm như vậy thì cô chỉ còn biết hướng đến tương lai để cố gắng mà thôi.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Bài Không Tên Số 4

Hai câu hát sau đó, như chính nhạc sĩ Vũ Thành An thừa nhận, là câu hát hay nhất, được nhiều người nhắc đến nhất trong bài hát, và là yếu tố quyết định mang đến thành công cho Bài Không Tên Số 4:

Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?

Ngoài phụ trách thu âm cho chương trình nhạc chủ đề của nhạc sĩ Vũ Thành An, người phụ nữ trong Bài Không Tên Số 4 này còn được chọn là 1 trong 2 nữ xướng ngôn viên truyền hình đầu tiên khi đài truyền hình Sài Gòn bắt đầu được thành lập năm 1966. Khi đó, nhà nào có điều kiện mua TV thì đều xem truyền hình, nhà nào không có điều kiện thì đi xem ké, vậy nên mỗi bổi tối, hầu như người miền Nam nào cũng đều thấy mặt cô.

“Anh đã được hận hạnh cùng em đi dạo phố, đi chợ… Đi đâu người ta cũng nhận ra em, vì mỗi buổi tối họ đều thấy em xuất hiện trên màn ảnh truyền hình. Nhưng họ chỉ nhìn thấy vẻ bên ngoài xinh tươi của em, đâu hiểu được cuộc sống em buồn như thế nào…”

Nhạc sĩ Vũ Thành An đã viết như vậy để giải thích cho câu “triệu người quen có mấy người thân…”

Lệ xóa cho em được không những kỷ niệm đắng
Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm?

Nhạc sĩ nói rằng trong thâm tâm của mình, ông rất mong cô sẽ tìm lại được hạnh phúc, muốn chồng cô hồi tâm chuyển ý để quay trở về cùng những “lời nói yêu thương ngày xưa“, để xóa đi lệ nhòa trên đôi mắt lúc nào cũng buồn cùng với bao nhiêu nỗi đắng cay.

Tuy nhiên cũng có những lúc nhạc sĩ cảm thấy yếu lòng, bị mê hoặc bởi vẻ đẹp quyến rũ của một người phụ nữ đã có gia đình. Dù chưa phải là một tình yêu sâu đậm, nhưng vì đã trải qua trống vắng tình yêu một thời gian dài, nên có một hôm ông cảm thấy muốn cùng người phụ nữ đó chia sẻ cuộc đời, muốn cưới làm vợ. Ngay sau khi ngỏ lời cầu hôn, ông đã tự cảm thấy ngỡ ngàng với chính mình, và người phụ nữ kia cũng rất ngạc nhiên, nhưng rồi chỉ im lặng…

Nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại trong hồi ký:

“Tuy lúc ấy chúng ta chỉ coi như như bạn, nhưng lắm lúc anh không khỏi bị mê hoặc vì nét quyến rũ của em, nhất là đôi môi nũng nịu lúc nào cũng như muốn khóc. Một lần anh đánh bạo muốn hôn lên đôi môi đó, nhưng em đã nhẹ nhàng lảng tránh. Em càng lánh xa anh lại càng bị em cuốn hút, và có lần anh đã đánh bạo hỏi cưới em làm vợ. Em không từ chối và cũng không nhận lời, chỉ im lặng. Và chúng ta không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa…”

Đếm cho em giây phút mặn nồng
Giữ cho em mái tóc bồng
Lời anh nói sẽ còn mãi đấy
Chuyện mai sau xin gửi trên tay


Click để nghe Ngọc Lan hát Bài Không Tên Số 4

“Lời anh nói” trong đoạn cuối của bài hát chính là lời cầu hôn rất vội vã và có phần bồng bột của một chàng nghệ sĩ độc thân dành cho người phụ nữ đã có 3 con. Lời cầu hôn đó thật ngẫu hứng và nhẹ hẫng như mây, lời cầu hôn được thổ lộ trong một phút yếu lòng, khi mà người nói ra câu ấy cũng chưa hình dung ra hết sự phức tạp phía đằng sau đó nếu giả sử như người phụ nữ đó gật đầu.

Nhưng không. Vì cô đã trải qua quá nhiều mất mát, quá nhiều cay đắng để biết rằng mình không thể gật đầu với lời cầu hôn đầy vội vàng như vậy với chàng nhạc sĩ.

Câu kết bài hát là “Chuyện mai sau xin gửi trên tay”, vì nhạc sĩ tin rằng mỗi người đều mang trên mình một số mệnh riêng, và chuyện mai sau này, hãy để số phận quyết định…

“Lời anh nói vẫn còn mãi đấy”, nhưng định mệnh đã không cho họ đến được với nhau.

Hãy cố vươn vai mà đứng
Tô son lên môi lạnh lùng
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Đó là những câu hát nổi tiếng trong ca khúc Bài Không Tên Số 5 của nhạc sĩ Vũ Thành An, được ông viết cho người vợ đầu tiên của mình là Nguyễn Thị Thoa.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Bài Không Tên Số 5 trước 1975

Trước khi lấy vợ năm 1969, nhạc sĩ Vũ Thành An đã trải qua rất nhiều mối tình khác nhau, và có sự trùng hợp là tất cả các cô gái đó đều có gia cảnh khá giả, và những chuyện tình đều bị chia ly cũng vì lý do môn đăng hộ đối, có khi là cô gái bị gia đình ngăn cấm, có khi là vì nhạc sĩ mặc cảm, tự ti với cuộc sống của một nghệ sĩ nghèo. Vì vậy khi gặp được cô nữ sinh Nguyễn Thị Thoa vào khoảng năm 1968, nhạc sĩ Vũ Thành An đã tìm được một sự đồng cảm.

Hoàn cảnh của cô gái rất đáng thương. Cha bị bệnh, mẹ cũng yếu không làm việc được, nên dù còn đi học nhưng cô Thoa quyết định đi làm để mong giúp đỡ gia đình. Điều đó đã làm cho chàng nhạc sĩ thấy cảm phục và trân trọng cô gái nhiều hơn.

Nhạc sĩ Vũ Thành An viết lại trong hồi ký:

“Khi có em bên cạnh, anh cảm thấy bình yên. Anh đã quá mệt mỏi với những cuộc tình đã qua, cho nên muốn đến với em và cùng em xây dựng gia đình.

Em có nhiều nét đặc biệt lắm. Giọng nói em thật êm đềm, nhỏ nhẹ. Khi cười em chỉ chúm chím môi chứ không cười hẳn. Nhưng đối với anh, nét cười đó thật duyên dáng, quyến rũ. Hình ảnh em ra khỏi lớp học ban đêm trong chiếc áo dài ngày đó, bây giờ anh vẫn còn nhớ như in. Anh hiểu vì sao anh đã si mê em.

Chúng ta quen nhau và rồi em đã đồng ý về với anh để cùng “chia nhau nghèo khó, quên lo tương lai mịt mờ”.”

Lời ca khúc Bài Không Tên Số 5:

Quấn quít vân vê tà áo
Run run đôi môi mở chào
Tiếng nói thơ dại ngày đó
Bây giờ mộng đời bay cao

Góp hết tương lai vào tiếng
Yêu thương trao em một đời
Hãy sắt se đợi ngày tới
Mai rồi ngọt bùi sẽ chia

Mai rồi ngọt bùi sẻ chia
Nâng niu cô đơn từng ngày
Xoa tay khi em vào đời
Mà đời còn nhiều đắng cay

Hãy đến chia nhau nghèo khó
Quên lo tương lai mịt mờ
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Lâu rồi đời mình cũng qua
Xin em đôi tay nuột nà
Xin em đôi môi thật thà
Thật thà chịu nhiều xót xa

Hãy cố vươn vai mà đứng
Tô son lên môi lạnh lùng
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Bài hát này được nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác ngay khi cô Thoa nhận lời về sống chung nhà với ông. Bài Không Tên Số 5 đã được nghệ sĩ Jo Marcel mua bản quyền với giá 10 ngàn đồng, một con số khá lớn vào năm 1969, và nhạc sĩ đã dành toàn bộ tiền này để may áo cưới cho vợ.

Họ đã quen nhau khi cô Thoa vẫn còn là một nữ sinh, nên mở đầu bài hát là nét ngượng ngùng thường thấy của một người nữ sinh trung học. Mỗi lần được người yêu đón đi học về, cô gái vẫn e thẹn vân vê tà áo, mở lời chào mà môi vẫn còn run:

Quấn quít vân vê tà áo
Run run đôi môi mở chào
Tiếng nói thơ dại ngày đó
Bây giờ mộng đời bay cao

Từ những ngập ngừng e ngại buổi ban đầu, đến bây giờ mộng đời đã bay cao, vì tình lứa đôi đã trọn trao nhau, và như nhạc sĩ kể lại, mọi sự sau đó đến rất đẹp, rất thơ mộng. Trong số 10 bài hát không tên được nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác trước năm 1975, có lẽ Bài Không Tên Số 5 là có nội dung tươi sáng nhất, đầy tin yêu nhất giữa một loạt tình khúc buồn và có phần u uẩn:

Góp hết tương lai vào tiếng
Yêu thương trao em một đời
Hãy sắt se đợi ngày tới
Mai rồi ngọt bùi sẻ chia

Mai rồi ngọt bùi sẻ chia
Nâng niu cô đơn từng ngày
Xoa tay khi em vào đời
Mà đời còn nhiều đắng cay

Dù tình duyên trọn vẹn, nhưng “đời còn nhiều đắng cay”, bởi vì trong cuộc sống này không chỉ có tình yêu, vì tương lai phía trước còn phải đối mặt với đầy rẫy những có khăn của cuộc sống mưu sinh, nên vẫn còn đó nhiều nỗi lo toan. Vậy nên chàng nhạc sĩ đã “góp hết tương lai vào tiếng yêu thương” để trao về người, khuyên người và khuyên mình hãy cùng nhau sắt se đợi một ngày được ngọt bùi sẻ chia, trong một tương lai tốt đẹp hơn.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát (sau 1975)

Hãy đến chia nhau nghèo khó
Quên lo tương lai mịt mờ
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Lâu rồi đời mình cũng qua
Xin em đôi tay nuột nà
Xin em đôi môi thật thà
Thật thà chịu nhiều xót xa

Hãy cố vươn vai mà đứng
Tô son lên môi lạnh lùng
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Câu hát “Hãy cố yêu người mà sống” sau này thường được nhắc lại, như là một lời khuyên dành cho những người cảm thấy cuộc sống bế tắc. Bởi suy cho cùng thì thứ duy nhất có ý nghĩa trên đời này là tình yêu thương, có được nó thì sẽ có động lực to lớn để vượt qua được tất cả mọi khó khăn trên đời.

Đoạn hát này cũng thể hiện sự trân trọng vô bờ mà nhạc sĩ Vũ Thành An dành tặng cho vợ sắp cưới. Đôi tay nuột nà, đôi môi thật thà kia đáng lẽ xứng đáng phải có được những điều tốt đẹp nhất, nhưng nàng vẫn chấp nhận một cuộc sống khó khăn, chịu nhiều xót xa để nên duyên cùng một người chồng với đôi bàn tay trắng, đối diện với sự nghèo khó và tương lai mịt mờ, để cùng nhau vươn vai xây lập cuộc đời từ con số 0 tròn trĩnh.

Và trời cũng không phụ lòng người, không phụ những cố gắng của đôi vợ chồng trẻ, nên những điều tốt đẹp dần đến với họ. Nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại trong hồi ký rằng những ông thầy xem tử vi hồi đó nói cô Thoa có số Vượng phu ích tử, và đã đúng như vậy thật. Ngày đứa con chào đời vào tháng 5 năm 1973 cũng là thời điểm mà Vũ Thành An đi nhận chức Trưởng Ty Thông Tin Gia Định khi mới tròn 30 tuổi (tương đương với chức Giám đốc sở của một tỉnh hiện nay). Ông đã bắt đầu có được công danh với đời.

Nửa năm sau, Vũ Thành An được cử đi Hà Lan để tu nghiệp ngành phát thanh, sau đó về làm Vụ trưởng Vụ văn hóa trong chính phủ đệ nhị cộng hòa vào cuối năm 1974, một chức vụ rất cao so với một người mới 31 tuổi. Chỉ trong vài tháng, ông được giao những công việc rất quan trong như Giám đốc báo chí, Chánh sở Chương trình kiêm Chánh sở kế hoạch của Đài phát thanh Sài Gòn.

Đường công danh rạng rỡ nhưng thật ngắn ngủi. Sau 1975, vì đã giữ nhiều chức vụ quan trọng như vậy của chế độ cũ nên Vũ Thành An bị ở tù tròn 10 năm, để lại người vợ đơn chiếc và “thật thà chịu nhiều xót xa”.

Năm 1984, khi đang ở trại Nam Hà, ông quyết định ký giấy ly hôn để vợ hoàn thành thủ tục để đưa con đi định cư ở Hoa Kỳ. Chia tay nhưng vẫn trân trọng những ký ức đẹp về nhau, một thời tình nghĩa vợ chồng đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm, từ gian khó đến vinh hoa ngắn ngủi, nhạc sĩ Vũ Thành An nhắc đến vợ trong hồi ký:

“Anh cảm phục em mấy mươi năm qua đã một mình nuôi dạy con trai chúng ta khôn lớn và nên người.

Xin cho em cuối đời được bình yên”

Nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng trong 10 bài không tên mà ông sáng tác trước 1975, không phải bài nào cũng là viết cho mối tình của chính mình. Trong số đó có Bài Không Tên Số 6, được ông viết theo 1 dòng suy tưởng bất chợt về tình yêu ở đời.

Giai điệu bài hát này đã được nhạc sĩ Vũ Thành An viết từ những năm đầu của thập niên 1960, khi ông vẫn còn học trung học. Lúc đó tâm hồn của nhạc sĩ vẫn còn đơn sơ nên chưa viết được lời ca hoàn chỉnh, mà đơn thuần chỉ là bản nhạc không có lời.

Năm 1969, sau khi đã cưới vợ, và khi đã trải qua một phần nào những thăng trầm của những cuộc tình và cuộc đời, nhạc sĩ mới quay lại viết lời cho bài hát này, như là một sự chiêm nghiệm của bản thân về tình yêu thuở đầu đời.

Đêm nay gió xôn xao
Ngoài kia đã vang lời mưa chào
Chờ mộng ấp hơi nồng
Tình lấp cho đầy hư không


Click để nghe chính tác giả Vũ Thành An hát Bài Không Tên Số 6 trước 1975

Trong một buổi trò chuyện trực tuyến vào những ngày đầu năm 2021, nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng bài hát này là lời tâm tình của 1 người đang yêu, nhìn đời với con mắt lãng mạn. Đêm buồn với mưa gió nặng hạt mà người lại nghe xôn xao như 1 lễ hội, tiếng gió mưa như là âm vang của lời chào. Gió mưa cũng mang về hơi lạnh làm cho người muốn gần gũi sưởi ấm đời nhau, gợi niềm chăn chiếu trong một tình yêu nồng cháy, để rồi từ đó “tình lấp cho đầy hư không”.

Tìm nhau, thắp đêm tìm nhau
Ướp môi tìm nhau, với tay tìm nhau
Chiêm bao
Mặc áo tình nhân, đội lời nguyền thương thân trót đời

Khi yêu, người ta sẽ luôn mong muốn tìm đến nhau, được gần gũi nhau. Một ngày không gặp được nhau là một ngày mang đầy nỗi nhớ nhung cồn cào, đó là cảm giác mà những ai đã từng yêu đều đã trải qua nhiều lần.

Vì yêu nhau nên điểm trang lại bằng ướp môi nồng nàn, rồi với tay tìm lấy nhau, cho dù bóng tối có che lấp thì cũng thắp lên ngọn đèn để đến được với nhau, bởi vì họ đã cùng mặc vào áo tình nhân, như là đã đội vào lời nguyền thương thân trót cả một đời này.


Click để nghe Trần Thái Hòa hát

Chờ nhau, xót xa chờ nhau
Hắt hiu chờ nhau, năm vàng ngày héo thôi
Em màu môi cũng nhạt
Chìm theo suối mê trần gian

Đoạn hát này vì ngắt câu không đúng nên có thể làm cho người nghe nhạc hiểu nhầm ý nghĩa, thành: Năm vàng ngày héo, thôi em màu môi cũng nhạt… Tuy nhiên nếu nhìn lại tờ nhạc in thì tác giả ghi rõ để phân biệt: Năm vàng ngày héo thôi. Em màu môi cũng nhạt…

Dù cuộc đời có mang đến những nỗi hắt hiu và xót xa, nhưng vì đã yêu nhau thật đậm sâu nên người vẫn chờ đợi nhau, mặc cho năm tàn ngày héo, và màu môi có nhạt phai theo dòng suối mê trần gian… Đó là lời của chính tác giả để giải thích ý nghĩa những câu hát có vẻ rất mơ hồ của Bài Không Tên Số 6. Cũng theo lời của nhạc sĩ Vũ Thành An, ông cho rằng có lẽ thời gian chờ đợi nhau trước mỗi buổi hẹn hò buổi ban đầu là đẹp đẽ và đáng nhớ nhất trong đời.

Đêm mưa lũ tìm về
một cơn lốc xoay đời quên đời
Lời ngày đó ân cần
Tìm đến ôm đèn chong đêm

Ở trong đoạn này có một chữ mà cả ca sĩ lẫn người nghe đều bị nhầm, tưởng là “tìm đến ôm đèn TRONG đêm”. Tuy nhiên chính tác giả xác nhận là “chong đêm” mới đúng, với ý nghĩa là chong đèn ở trong đêm, là đốt đèn ngồi đợi chờ, và “chong đêm” là hình ảnh một người ngồi mong đợi hoài giữa đêm khuya.

Vì nhớ nhau nên đôi tình nhân luôn tìm đến nhau, dù cho mưa nắng ngược xuôi, dù có phải vượt qua cơn lốc xoay của cuộc đời. Tình yêu đó thật đẹp vì chưa vương vào những toan tính thiệt hơn, vẫn yêu và tìm đến nhau dù biết mai này có thể rồi sẽ chuốc lấy những “thương vay”:

Nhớ nhau, tìm đến nhau
Nắng mưa ngược xuôi
Đời mình cơn lốc xoáy
Mai mốt rồi thương vay

Nếu yêu nhau,
Xin nhau thương cuộc đời khô héo
Xin dịu dàng dắt dìu…


Click để nghe Anh Tú hát Bài Không Tên Số 6

Cũng như Bài Không Tên Số 6, nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng Bài Không Tên Số 7 không liên quan trực tiếp đến người nào cụ thể trong cuộc đời của ông như 5 bài không tên trước đó.

Bài Không Tên Số 7 được sáng tác vào khoảng năm 1969, là những dòng suy tưởng bất chợt về cuộc đời và những cuộc tình đã đi qua của nhạc sĩ Vũ Thành An:

Một làn khói trắng
Ru đời vào quên lãng
Nâng sầu thành hơi ấm
Xoa dịu tình đau

Ngay từ câu đầu tiên của bài hát này, suốt nhiều năm qua đã có những suy luận vượt xa ngoài dự tính của chính tác giả. Nhiều người nói rằng “làn khói trắng” này chính là khói của nàng tiên nâu trong một phút giây mà người nhạc sĩ muốn đưa hồn mình đi vào quên lãng. Tuy nhiên, trong một lần chính thức lên tiếng, Vũ Thành An đã đính chính rằng đó đơn thuần là khói thuốc, và vào năm 1970, hầu hết thanh niên Sài Gòn đều quen thuộc với làn khói thᴜốᴄ lá.

Những khi buồn, người ta thường tìm đến khói thuốc, như là tìm chút hơi nồng ấm để xoa dịu những tình cuộc đau đã nhiều lần phải nếm trải trong đời.


Click để nghe Anh Khoa hát Bài Không Tên Số 7 trước 1975

Ngày tàn im lắng
Yêu người làm tóc trắng
Tâm sự rồi đến đắng
Như lệ giờ biết nhau

Đêm vỗ về nuôi nấng
Đêm trao ngọt ngào hương phấn
Buông lơi dòng tóc mở
Trên vùng ngày tháng vật vờ.

Đoạn này có câu hát “yêu người làm tóc trắng”, có nghĩa là khi yêu người, mà đặc biệt là yêu thật lòng, làm cho ta phải mang quá nhiều suy tư và mệt mỏi, bạc trắng mái đầu. Tuy nhiên sau này có người hát thành “yêu người LÀN tóc trắng”, làm cho câu hát thay đổi ý nghĩa.

Thân em rồi hoang phế
Lê theo thời gian giông gió
Thôi cũng đành cúi xuống
Cho mộng đời thoát đi…

Nhạc sĩ Vũ Thành An đã từng nói về bài hát như sau: “Khi tôi viết bài đó, tôi nghĩ rằng là thân xác của chúng ta rồi một ngày sẽ không còn nguyên vẹn nữa. Nó sẽ biến đổi… Tôi làm bài đó, khi còn rất trẻ, mới hai mươi mấy tuổi thôi. Tôi đã nhìn thấy thân phận con người sẽ như vậy. Ai cũng phải trải qua như thế thôi. Nhưng có người đón nhận nó, hay có người giữ gìn nó, tùy hoàn cảnh…”

Đó là ý nghĩa của câu hát: “Thân em rồi hoang phế, lê theo thời gian giông gió”. Cuộc đời ai cũng phải có nhiều lần đi qua những cơn bão tố, và chỉ khi biết cúi xuống bỏ qua những tham vọng hoặc bon chen ở đời, thì lúc đó lòng người mới cảm nhận được sự bình yên…


Click để nghe Thùy Dương hát Bài Không Tên Số 7

Một đời đổ cho tình yêu
Từng đêm dòng nước mắt

Sẽ nâng niu đời nhau ư?
Đớn đau anh
Sẽ cho nhau đời nhau ư?
Xót xa em
Dắt đưa nhau mối hận đời người…

Ở câu hát này, hầu như 90% ca sĩ thế hệ trẻ sau này hát thiếu 1 chữ. Đó là chữ rất đơn giản nhưng đóng vai trò quan trọng:

Sẽ nâng niu đời nhau ư?
Đớn đau anh
Sẽ cho nhau đời nhau ư?
Xót xa em

Đây là những câu hỏi, và phải có chữ “ư” thì mới trở thành được câu hỏi. Theo nhạc sĩ Vũ Thành An, chữ này hát thật nhẹ, nhưng đủ để thành tiếng, để thành một câu hỏi xót xa.

Trả lại nước mắt
Cho mệnh đời son sắt
Thôi rồi em cũng mất
Cho tình cúi đầu

Một mình đi mãi
Trên đường dài không thấy
ai người quen tôi đấy
Bao giờ đời sẽ vơi?

Ở đoạn cuối, cũng có những chữ mà khá nhiều ca sĩ hát sai, đó là “mệnh đời”, không phải là “mảnh đời”. Và câu cuối cùng, đó là “bao giờ đời sẽ vơi”. Có nghĩa là đến sau cùng, người chỉ còn lại một mình, trên đường dài lê thê sẽ không còn được thấy người thân quen nào nữa, chỉ có thể lê những bước chân mệt mỏi để sống qua một kiếp mòn, đếm từng giây phút trôi qua để tự hỏi rằng bao giờ thì cuộc đời buồn và thật dài này mới vơi được bớt?

Trong số những bài nhạc không tên được nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác trước 1975, thì bài được viết những giai điệu đầu tiên không phải là bài số 1,2… mà lại là Bài Không Tên Số 8, vào lúc nhạc sĩ vẫn còn đang học lớp đệ nhất ở trường Hưng Đạo ở đường Cống Quỳnh – Sài Gòn.

Tại ngôi trường trung học tư thục nổi tiếng này, nhạc sĩ Vũ Thành An đã thân thiết với một nữ sinh học dưới ông 1 lớp, và mối tình học trò trong sáng, thuần khiết đầu đời đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ viết những giai điệu đầu tiên, để rồi tròn nhiều năm sau đó mới bắt đầu viết thêm lời cho bài hát như sau:

Chiều thơm du hồn người bềnh bồng
Chiều không im gọi người đợi mong
Chiều trông cho mềm mây ươm nắng
Nắng đợi chiều nắng say
Nắng nhuộm chiều hây hây

Ngày đi qua vài lần buồn phiền
Người quen với cuộc tình đảo điên
Về sau và nhiều năm sau nữa
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay


Click để nghe nhạc sĩ Vũ Thành An hát Bài Không Tên Số 8 trước 1975

Khi viết những giai điệu đầu tiên cho bài hát, Vũ Thành An vẫn còn là một chàng trai tuổi 18, chưa bị dòng đời cuốn vào những tính toán thiệt hơn, nên vẫn còn được chìm đắm trong mối tình đầu lý tưởng chưa vương chút bụi trần. Rồi nhiều năm sau đó, khi viết lời cho ca khúc này, nhạc sĩ đã va vấp với cuộc đời nhiều lần, đã qua vài lần buồn phiền và “quen với những cuộc tình đảo điên”.

Ngẫm về những chuyện tình đã qua, người nhạc sĩ thấy một nỗi buồn xâm lấn trọn vẹn trái tim đã nhiều lần thương tổn, từng nghĩ rằng đó đã là nỗi buồn lớn nhất, và dù nhiều năm nữa đi qua thì sẽ không bao giờ phải chịu nỗi buồn nào lớn hơn được nữa:

Về sau và nhiều năm sau nữa
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay

Hẳn nhiên đó chỉ là lời thậm xưng mà tác giả muốn dùng để diễn tả nỗi buồn quá lớn vào thời điểm đó mà thôi, bởi vì những bi kịch lớn nhất cuộc đời của nhạc sĩ Vũ Thành An chỉ đến vào năm 1975 và kéo dài đến tận 10 năm. Dù sao đi nữa, 2 câu hát đó cũng đã trở thành điểm nhấn đặc biệt cho Bài Không Tên Số 8.

Vắng nhau một đêm, càng xa thêm ngàn trùng
Tiếc nhau một đêm, rồi mai thêm ngại ngùng
Bao lâu rồi luyến tiếc ngày còn ấu thơ
Lần tìm trong nụ hôn lời nguyền xưa mặn đắng

Về đâu tâm hồn này bềnh bồng
Về đâu thân này mòn mỏi không?
Về sau rồi nhiều năm sau nữa
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay

Trong hồi kỳ Chuyện Tình Không Tên của mình, nhạc sĩ Vũ Thành An nói về chuyện tình đầu trong Bài Không Tên Số 8 như sau:

“Cuối năm 1962, anh ɡặp em ở trườnɡ Hưnɡ Đạᴏ. Hồi đó anh thườnɡ tự hàᴏ nói với ᴄáᴄ bạn ᴄủa mình: “An tán ɡái khônɡ phải bằnɡ lời mà bằnɡ mắt thôi!”. Và anh đã nhìn em đắm đuối đến nỗi ᴄuối ᴄùnɡ em khônɡ thể ᴄưỡnɡ lại đượᴄ, ᴄhúnɡ ta bắt đầu quen nhau. Em họᴄ lớp Đệ Nhị, anh họᴄ lớp Đệ Nhất. Mối tình họᴄ trò ᴄủa ᴄhúnɡ ta thật êm đềm, trᴏnɡ trắnɡ.

Anh đón em đi họᴄ, anh đưa em từ trườnɡ về nhà. ᴄᴏn đườnɡ Lê Lợi từ nhà em đến trườnɡ, rồi ᴄᴏn đườnɡ ᴄaᴏ Thắnɡ tấp nập xe ᴄộ trên đườnɡ về đã quá quen thuộᴄ với hai đứa. Anh thườnɡ đến nhà thăm em vàᴏ buổi tối, nhữnɡ lần đó anh thườnɡ thấy một ᴄhiếᴄ xe Jeep và đᴏàn xe Mᴏtᴏ ᴄủa nhóm ᴄận vệ đưa một vị tướnɡ khônɡ quân đến thăm ᴄhị Mai. là ᴄhị họ đanɡ nɡụ ᴄhunɡ nhà với em.

ᴄhị Mai tiếp Tướnɡ Ký ở phònɡ kháᴄh, em đón anh trên sân thượnɡ nhìn xuốnɡ đườnɡ Lê Lợi, ᴄhiếᴄ xe đạp ᴄủa anh dựnɡ ở ɡóᴄ ᴄây, ᴄhiếᴄ xe Jeep ᴄua anh Kỳ nɡay trướᴄ ᴄửa. Đó là hình ảnh kỷ niệm một thời ᴄủa ᴄhúnɡ ta. Về sau này nɡhe nɡười ta đồn là anh ᴄó quan hệ tình ᴄảm với ᴄhị Mai, anh phải luôn đính ᴄhính anh là đàn em ᴄủa ᴄhị Mai thôi! (Và ᴄhính ᴄhị Mai là nɡười đã dạy ᴄhᴏ anh nhữnɡ bướᴄ nhảy đầu tiên).

Năm đó, anh tham ɡia Ban văn nɡhệ ᴄủa trườnɡ và đã ᴄó ᴄảm hứnɡ viết ra nhiều melᴏdy nhạᴄ ᴄhủ đề. Tuy vậy, tâm hồn anh khi ấy ᴄòn quá nᴏn nớt ᴄhưa viết đượᴄ thành lời, nhưnɡ dònɡ âm thanh đã bắt đầu nẩy nở và anh lưu ɡiữ lại. Sau này anh đã viết lời ᴄhᴏ một melᴏdy ᴄủa nhữnɡ nɡày bên nhau ấy thành Bài Khônɡ Tên Số 8 để kỷ niệm mối tình thơ dại ᴄủa ᴄhúnɡ ta và ᴄũnɡ để dành tặnɡ em.

Tình ᴄảm ᴄủa em dành ᴄhᴏ anh thật thơ nɡây, trᴏnɡ sánɡ. Anh ᴄòn nhớ hôm Trụ sở Tổnɡ hội Sinh viên bị ᴄháy, em đã vội vã ᴄhạy tới để tìm hiểu xem anh ᴄó đượᴄ bình an khônɡ? Thấy anh khônɡ bị ɡì, nét mặt em đã tươi vui khôn tả. Anh nhớ mãi suốt đời nét mặt mừnɡ vui vì anh ấy.

Rồi ᴄuộᴄ đời xô đẩy hai ᴄhúnɡ ta đi mỗi nɡười một hướnɡ… Sau này anh đượᴄ biết ᴄuộᴄ sốnɡ ɡia đình ᴄủa em ᴄũnɡ bình yên. Anh mừnɡ và xin ᴄhúᴄ em và ɡia đình đượᴄ nhiều phướᴄ lành”.


Click để nghe Sĩ Phú hát


Click để nghe Khánh Hà hát


Click để nghe Vũ Khanh hát

Năm 1970, khi có nhu cầu in ra một tập nhạc 10 bài, nhạc sĩ Vũ Thành An đã lấy lại một số giai điệu cũ mà ông sáng tác từ thời trung học để soạn lời, và 2 bài được sáng tác sau cùng của loạt 10 bài không tên đó chính là Bài Không Tên Số 1Bài Không Tên Số 9.

Nhạc sĩ Vũ Thành An

Nhạc sĩ Vũ Thành An cho biết bài số 1 và số 9 này có thể ít người biết đến, và cũng có ít ca sĩ hát nhất trong tập nhạc này, nhưng cũng đều là những đứa con tinh thần mà ông rất quý trọng, bởi vì 2 bài này có nét nhạc rất lạ và gần như tách biệt với những bài không tên nổi tiếng khác của ông.

Sau khi tập nhạc 10 bài không tên được phát hành vào đầu thập niên 1970, hầu hết các bài hát đều được công chúng đón nhận, chỉ riêng 2 bài số 1 và số 9 là không có người hát, không có bản thu âm nào. Tác giả bài không tên đã từng nghĩ rằng có lẽ rồi sẽ không còn ai nhớ đến 2 ca khúc này nữa.

Tuy nhiên hơn 10 năm sau đó, ở bên kia bờ đại dương, dù ít hơn những bài khác, nhưng Bài Không Tên Số 1 Bài Không Tên Số 9 bắt đầu có người hát, và cũng được công chúng nhớ đến.

Người hát Bài Không Tên Số 1 hay nhất có lẽ là ca sĩ Duy Quang, mời bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Duy Quang hát Bài Không Tên Số 1

Xin đời sống cho tôi mượn tiếng
Xin cho cơn mê thêm dài một chuyến
Cuộc tình buông xuôi còn lưu luyến
Còn đắng cay còn hận còn đau

Em giờ đã xa xăm rồi đó
Nơi em đi chắc vẫn còn lệ ứa
Chiều nay trong mưa mà nhung nhớ
Một thoáng thương vay cho đời say

Cuộc tình ngày đó đã theo mùa Xuân đó
Cuộc đời này đây đã chôn với ở đây
Ước cho nhiều tuổi xanh trở về đâu
Theo ngày tháng tàn tình yêu cũng héo tàn

Mai đời có cho tôi gặp gỡ
Xin cho đôi môi em cười rạng rỡ
Một bờ mi cong vùng tóc nhớ
Để sống thêm thêm lần trẻ thơ…

Bài Không Tên Số 1 có nội dung là tâm trạng lưu luyến về tiếc nuối về những gì đã trải qua và vuột mất của một thời. Dù có bao nhiêu nhung nhớ, bao nhiêu ước vọng và khát khao thì tuổi trẻ đã qua không bao giờ quay lại được, và những cuộc tình cũ cũng sẽ héo tàn theo thời gian. Mai đây, ở trên đường đời có tình cờ thấy nhau, thì mong người xưa nở nụ cười rạng rỡ để được đưa nhau trở về được một vùng nhung nhớ, những ký ức đẹp tươi, dù chỉ là trong một khoảnh khắc mà thôi.

Đối với Bài Không Tên Số 9, nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng ca sĩ Vũ Khanh là người hát hay nhất, và đúng nhất ca khúc mà ông đã dành nhiều tâm huyết để sáng tác:


Click để nghe Vũ Khanh hát Bài Không Tên Số 9

Ngày đến mang tin buồn
Thời gian theo về nguồn
Giọt nắng loe trong đầu
Bàn tay trơ đốt khâu

Lệ ứa ra hai hàng
Lệ thương thân đã tràn
Nghìn xót xa cũng muộn
Rồi mai sau nhớ lần đầu

Mình yêu nhau có thương nhau
Mình cho nhau nỗi đớn đau
Chợt yêu nhau đã xa nhau
Chợt xa nhau đã quên nhau…

Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An, người ta thường nhớ đến 10 bài không tên, là những bài được sáng tác và phát hành trước 1975. Tuy nhiên thời gian sau đó Vũ Thành An còn sáng tác thêm rất nhiều bài không tên khác, một số bài được ông đánh số, như Bài Không Tên Số 12 mang tên Bên Nhau Chiều Gió Lộng, Bài Không Tên Số 13 mang tên Tình Xưa Gái Huế, Bài Không Tên Số 37 – Rưng Rưng Lệ, và nổi tiếng nhất là Bài Không Tên Số 40 – Đời Đá Vàng…

Biên soạn: Đông Kha – Niệm Quân
chuyenxua.net

2 bình luận về “Hoàn cảnh sáng tác “10 bài không tên” nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An”

Viết một bình luận