Hình ảnh xưa và nay của Hà Nội khi chụp tại cùng một góc ảnh

Mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa và nay của Hà Nội, được chụp tại cùng một vị trí để so sánh sự thay đổi của các kiến trúc xưa qua thời gian.

Hình ảnh tòa nhà trụ sở Công Chánh (Les Travaux Publics), ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là trụ sở của Ban Quản Lý Trung Ương các Dự Án Thủy Lợi.

Tòa nhà này nằm 3 mặt phố: rue Albert Pouyanne (nay là phố Lò Sũ), rue des Bambous (nay là phố Hàng Tre) và Quai Clémenceau (nay là đường Trần Quang Khải).

Lò Sũ là tên con phố có nhiều nhà chuyên đóng và bán quan tài. Chữ Sũ trong tiếng Việt cổ nghĩa là áo quan. Khi Pháp chiếm Hà Nội, họ gọi tên đường này là rue des Cercueils, trong đó chữ “cercueils” trong tiếng Pháp nghĩa là quan tài. Sau đó tên đường đổi lại thành rue Albert Pouyanne, từ sau 1954 đến nay đổi thành phố Lò Sũ.


Đình Cổ Vũ nằm ở số 85 Hàng Gai, thờ Bạch Mã và Linh Lang, là hai vị thành hoàng của nhiều làng cổ ở Thăng Long. Trước ngôi đình là cây đa cổ thụ có từ mấy trăm năm, tán cây rộng rợp mát, gốc đa xù xì và rễ phụ rất dài mà trẻ con thích đu lên. Cây đa này đã gắn liền với nhiều với nhiều thế hệ ở trên phố Hàng Gai.


Hình ảnh phố Tố Tịch thập niên 1980 và hiện nay. Phố Tố Tịch nổi tiếng với nghề tiện gỗ, vì thời xưa, cả trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường thường thấy thợ xẻ cắt những thân cây các loại gỗ mềm và dẻo thớ cung cấp phôi cho các cửa hàng tiện chấn song gỗ, chế tác đồ thờ hay khắc con dấu, đến nay vẫn còn dấu vết của một phố nghề.


Đại Trung môn trong Văn Miếu Quốc Tử Giám thời 100 năm trước và hiện nay. Văn Miếu là đền thờ Khổng Tử, và Quốc Tử Giám trường đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam được xây dựng từ thời Lý.


Các quan văn triều Nguyễn ở nhà Bái đường của Văn Miếu Quốc Tử Giám.


Chùa Láng ở quận Đống Đa, tương truyền là được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 đến 1175). Người Pháp gọi tên chùa Láng là Pagode des Dames.

Nhà bát giác phía trước chính điện bên trong Chùa Láng.


Góc ngã 3 của phố Hàng Cá với phố Đồng Xuân/Hàng Đường, đoạn gần chợ Đồng Xuân. Ảnh xưa được chụp vào năm 1954, thời điểm ký hiệp định Geneve.


Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1973 và hiện nay. Vào đầu thế kỷ 20, vị trí này chính là bến trung tâm của hệ thống xe điện nội thành (tramway) do Pháp xây dựng tỏa ra 4 phía đi ngoại thành (lúc đó nơi này tên là quảng trường Négrier).

Hình ảnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1989 và hiện nay. Tòa nhà trong hình được người dân gọi là Hàm Cá Mập, nằm ở số 7 Đinh Tiên Hoàng.

Vị trí này vốn là tòa nhà điều hành xe điện cũ, sau khi hệ thống xe điện nội thành không còn được sử dụng từ tòa nhà này đã bị đập bỏ năm 1990 để xây tòa nhà như hiện nay, theo thiết kế của kiến trúc sư Tạ Xuân Vạn, hoàn thành năm 1993, ban đầu tòa nhà mang tên là DAEWOO.

Tòa nhà này có 6 tầng, trong đó tầng 2 đến tầng 5 là các nhà hàng, quán cà phê với phong cách khác nhau. Mặt trước tòa nhà hướng ra Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, mặt trái hướng ra bờ Hồ Hoàn Kiếm, mặt phải giáp với phố Cầu Gỗ. Tại tầng thượng có thể quan sát toàn bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tên gọi Hàm Cá Mập dựa theo hình dáng của tòa nhà, ban đầu xuất phát từ một sự chế giễu của một nhà phê bình mỹ thuật đô thị..


Hình ảnh xưa và nay của Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 – 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa.


 

Nhà tù Hỏa Lò (thời Pháp là La Maison centrale) nhìn từ phố Lý Thường Kiệt (tên thời Pháp là đại lộ Carreau).


Trước đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm có đình Trấn Ba, được Nguyễn Văn Siêu xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1865 đến 1866.


 

Căn nhà nằm trên phố Hàng Đào, ảnh cũ là năm 1954, trước ngày tiếp quản thủ đô.


Đền Voi Phục trong khuôn viên Công viên Thủ Lệ xưa và nay.


Nguồn ảnh: Tim Doling (historicvietnam.com)

Viết một bình luận