Hình ảnh xe máy Vespa và Lambretta trên đường phố Sài Gòn xưa

Tại Sài Gòn trước 1975, các dòng xe gắn máy chúng ta thường thấy trong các hình ảnh xưa, ngoài xe Nhật thì có rất nhiều loại xe nhập từ Châu Âu như Đức, Pháp và một số lượng rất lớn xe Ý – với chủ yếu là 2 dòng Vespa và Lambretta.

Những chiếc scooter mang thương hiệu Vespa của hãng Piaggio đầu tiên được ra mắt từ thập niên 1940, và cho đến nay vẫn giữ được đường nét đặc trưng xưa, và có thể nói Vespa là dòng xe máy ít có sự thay đổi nhất, dù là xưa hoặc nay thì Vespa vẫn có tiếng nổ đặc biệt và sở hữu những đường cong vô cùng quyến rũ, khung xe được vuốt tròn như con ong. Cái tên Vespa, trong tiếng Ý cũng có nghĩa là “ong vò vẽ”.

Hãng Piaggio là nhà sản xuất cơ khí hàng đầu Châu Âu, được ông Rinaldo Piaggio thành lập từ năm 1884, là một trong 4 hãng tiên phong trong lĩnh vực xe 2 bánh trên toàn thế giới. Ban đầu Piaggio sản xuất tàu thuỷ và sau đó là đầu máy và toa xe lửa. Trong WWI, hãng tập trung vào sản xuất máy bay và thuỷ phi cơ. Tuy nhiên sau WWII, nước Ý thua thuộc, Piaggio tập trung vào sản xuất phương tiện giá rẻ. Kĩ sư hàng không Corradino D’Ascanio được Enrico Piaggio (con trai của người sáng lập Piaggio) đề nghị thiết kết chiếc xe đơn giản, mạnh và giá cả chấp nhận được. Chiếc xe này phải dễ lái cho cả nam và nữ, có thể chở thêm người, không làm dơ bẩn quần áo người lái. Năm 1946, Piaggio giới thiệu chiếc scooter Vespa huyền thoại với hơn 1 triệu chiếc được sản xuất trong 10 năm sau đó. Điều thú vị là trước đó, D’Ascanio từng giới thiệu thiết kế này cho hãng Lambretta, nhưng bị từ chối, năm 1947, Lambretta ra mắt dòng scooter có kiểu dáng khác.

Sau đây là hình ảnh kiểu dáng xe Vespa theo thời gian:

Động cơ của Vespa được đặt ở chỗ phình tròn bên phải, còn bên trái là ngăn để chứa đồ. Vì thế xe Vespa khi chạy hơi nghiêng về phía phải vì bên này nặng hơn.

Dung tích máy của vespa nhỏ nhất là 125cc, người sử dụng phải trên 18 tuổi và phải có bằng lái. Vì thế, những người đi xe Vespa hay Lambretta thường là ở tuổi trung niên và có đời sống cũng tương đối khá vì xe scooter đắt hơn các dòng xe gắn máy khác.

Nhìn bãi giữ xe ở công trường Lam Sơn trước Hạ Nghị Viện trong hình dưới đây sẽ thấy được sự phổ biến của Vespa ở Sài Gòn ngày xưa:

Những chiếc xe vespa hình con ong này rất dễ được tìm thấy trong các tấm ảnh đẹp về Sài Gòn xưa. Xin chọn lọc ra những hình ảnh Vespa Sài Gòn xưa sau đây:

Nhắc đến xe Vespa, cũng không thể không nhắc đến dòng xe đối thủ đồng hương có cùng xuất xứ nước Ý là xe máy Lambretta.

Vespa và Lambretta cùng sóng bước

Kiểu dáng hai dòng xe này khá tương đồng với nhau, tuy nhiên có thể thấy Lambretta có những nét sắc cạnh có vẻ nam tính hơn. Còn Vespa thì tròn trịa và có thiết kế tinh tế hơn. Khác biệt lớn nhất đến từ phần đuôi, xe Lambretta mang thiết kế này từ những năm giữa thập niên 1950, còn trước đó dòng scooter này có thiết kế hoàn toàn khác.

Hãng Lambretta tiền thân là nhà máy thép của Ferdinando Innocenti xây dựng tại Roma từ năm 1922, sau đó chuyển sang Milan năm 1931. Sau WWII, nhà máy bị phá hủy, Innocenti nhìn thấy tương lai của phương tiện vận chuyển cá nhân rẻ tiền và quyết định sản xuất mô tô scooter – cạnh tranh về chi phí và bảo vệ chống lại thời tiết so với các loại xe mô tô có mặt khắp nơi lúc đó.

Ferdinando Innocenti đã yêu cầu kĩ sư hàng không, tướng Corradino D’Ascanio thiết kế một phương tiện di chuyển đơn giản, mạnh mẽ và giá cả chấp nhận được.

Vốn không thích xe mô tô, tướng D’Ascanio đã thiết kế một phương tiện di chuyển có tính cách mạng. Nó được xây dựng trên một khung đòn, thay đổi số ở tay cầm và động cơ gắn trực tiếp vào bánh sau. Tấm bảo vệ phía trước giúp người lái khô và sạch so với các xe mô tô có phần trước mở. Thiết kế vùng đặt chân thông suốt nhằm phục vụ cho giới nữ vì việc mặc váy để lái xe mô tô thông thường là một thử thách. Phuộc trước giống như thiết bị hạ cánh của máy bay, cho phép đổi bánh dễ dàng. Hệ thống truyền dẫn bên trong theo kiểu ăn khớp giúp tránh việc sử dụng sên xe mô tô, vốn là nguồn của dầu mỡ và bụi đất. Thiết kế cơ bản này cho phép một loạt tính năng có thể được vận dụng trên bộ khung, từ đó giúp phát triển các model mới nhanh chóng.

Tuy nhiên, D’Ascanio bất đồng với Innocenti vì ông chủ này muốn sản xuất khung xe từ các ống cuộn nhằm phục hồi cả hai bộ phận của công ty trước WWII, thay vì khung đòn được đúc. D’Ascanio rời khỏi Innocenti và mang bản thiết kế tới Enrico Piaggio như đã nói bên trên, từ đó xuất hiện chiếc Scooter huyền thoại, còn Scooter Lambretta thì loay hoay với những kiểu dáng khác. Tên gọi “Lambretta” xuất phát từ con sông nhỏ Lambro ở Milan chảy gần nhà máy, tuy chiếc scooter này có được thành công nhưng không thể nào bằng được Vespa của Piaggio.

Sau đây là kiểu dáng của scooter lambretta theo thời gian:

Một số hình ảnh các xe scooter của Ý trên đường phố Sài Gòn trước 1975:

Quảng cáo vespa trên xe Lam

Hình ảnh những đôi tình nhân dạo phố trên Vespa:

“Em ơi đừng giận nữa, lên xe anh đèo”

chuyenxua.net

Viết một bình luận