Hình ảnh thực tế về dung nhan các phi tần cung nữ triều nhà Thanh ở Trung Quốc cuối thế kỷ 19

Vài chục năm qua, sự phát triển của điện ảnh Hongkong, Đài Loan và Trung Quốc đại lục đã mang đến cho khán giả Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung một cái nhìn về cảnh vật và chân dung người Trung Hoa trong các triều đại phong kiến, mà sau cùng là Thanh triều.

Vào cuối triều đại nhà Thanh, máy ảnh đã được phát minh ra, và đã ghi lại những hình ảnh quý hiếm thời đó. Nếu chỉ xét riêng về chân dung người Hoa, cả những người dân bình thường lẫn các phi tần cung nữ trong cung đình, qua loạt ảnh này có thể thấy hình ảnh thực tế khác xa với phim ảnh.

Những tấm ảnh này là của nhiếp ảnh gia phương Tây sống và làm việc ở Trung Quốc những năm cuối thế kỷ 19, đó là William Saunders (1832-1892), Thomas Child (1841-1898). Họ đã dành thời gian chụp các bức ảnh với những chủ đề đa dạng xoay quanh giai đoạn cuối của nhà Thanh.

Vào năm 1862, William Saunders đã thành lập một trong những studio chụp ảnh đầu tiên và nổi tiếng nhất ở Thượng Hải. Trong 25 năm (từ năm 1862 – 1887), ông được đánh giá là người nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh ở Thượng Hải.

Ông William Saunders từng chụp nhiều bức ảnh với các chủ đề đa dạng, chẳng hạn từ những bức ảnh thời sự, chân dung, cảnh đường phố cho tới các hình ảnh cho thấy tập quán, phong tục của người dân đủ tầng lớp vào thời kỳ cuối của triều nhà Thanh.

Hình ảnh một phiên xử án năm 1866

Loạt ảnh của ông William Saunders được coi như là những thước phim tài liệu quý giá giúp những người phương Tây hiểu hơn về đời sống và những thay đổi của Trung Quốc vào cuối thời nhà Thanh.

Xuất thân ban đầu là một kỹ sư xây dựng, William Saunders lần đầu đến Trung Quốc vào năm 1860, khi ông chỉ khoảng 28 tuổi. Khi trở về Anh, ông học nhiếp ảnh và quay lại Truung Quốc. Ông cũng chính là một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên mở studio chụp hình ở Thượng Hải.

Studio của William Saunders đóng cửa vào năm 1887. Công việc kinh doanh sudio đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho ông, nhưng đồng thời cũng tạo ra công ăn việc làm cho không ít người dân ở Thượng Hải lúc bấy giờ. Theo đó, vào giữa thế kỷ 19, các nhiếp ảnh gia đã đe dọa đến sự nghiệp và sinh kế của các họa sĩ vẽ chân dung ở Thượng Hải và một số thành phố.

Chính vì vậy, để duy trì sinh kế của mình, nhiều họa sĩ ở Trung Quốc lúc bấy giờ đã đảm nhận công việc chỉnh màu cho các nhiếp ảnh gia đã thành danh như William Saunders. Ngoài ra, có không ít họa sĩ, nghệ nhân cũng học về công nghệ chụp ảnh và tự mình trở thành nhiếp ảnh gia.

Hiện nay, có nhiều bảo tàng lớn tại Âu Mỹ đã trưng bày các tác phẩm của William Saunders. Thông qua những bức ảnh sắc nét này, người xem như được chứng kiến những câu chuyện cách đây hơn 100 năm vào thời kỳ cuối của triều nhà Thanh.

Xem bói
Bức ảnh miêu tả hình phạt dành cho người mắc tội nhẹ
Thợ cắt tóc ở thôn làng, chụp năm 1875
Một chiếc xe rùa kiểu Trung Quốc, một bên chở người, một bên thồ heo rừng
Thời kỳ này, cầm dù tạo dáng là mốt được nhiều người yêu thích
Phong tục thời nhà Thanh là các bé gái phải bó chân từ nhỏ. Thẩm mỹ thời đó là chân phụ nữ càng nhỏ thì càng đẹp

Sau đây là 1 số hình ảnh của Thomas Child. Ông vốn là kỹ sư công trình kiêm nhiếp ảnh gia người Anh. Theo The Paper, năm 1870, ông đến Trung Quốc, lưu lại đây gần 20 năm. Ông từng phụ trách thiết kế hệ thống khí gas ở Bắc Kinh. Thomas Child để lại gần 200 bức ảnh về triều đình, cảnh và con người cuối thời Thanh.

Người cưỡi ngựa trong ảnh là Quang Tự thời nhỏ. Ông sinh năm 1871, được đặt vào ngôi vua năm bốn tuổi, là hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh
Tổng lý nha môn – trụ sở giải quyết các vấn đề ngoại giao thời Thanh, được thành lập năm 1861
Đài quan sát thiên văn. Khu vực này được xây dựng từ thời nhà Minh, được mở rộng vào thời Thanh
Kiệu rước dâu truyền thống, mỗi cô dâu đều ngồi kiệu đến hôn lễ. Quá trình ngồi kiệu tượng trưng bước ngoặt nàng dâu về nhà chồng
Sư phụ và đồ đệ Lạt ma, hai người đều cầm tràng hạt, kinh Phật đặt trên đùi. Chiếc bàn phía sau đặt tượng Phật. Đây là một trong bức hình sớm nhất ghi nhận các nhân vật tôn giáo ở Bắc Kinh
Cái bang
Cửa hàng thuốc lá được trang trí hoa mỹ
Đại Vận Hà, kênh đào giao thông quan trọng nhất kinh đô bấy giờ, kết nối giao thương giữa Bắc Kinh và các khu vực phía Nam
Đoạn Vạn Lý Trường Thành tại Nam Khẩu, vượt qua khu vực này là đến Mông Cổ

Bên trên là 1 tấm ảnh rất đặc biệt của Thomas Child: Hình ảnh đại sứ Anh, Mỹ, Nga đứng trước vua Đồng Trị, ghi lại “sự sụp đổ của nghi lễ phong kiến” Trung Quốc.

Sáng 29/6/1873, theo chỉ dẫn của đại thần Tổng lý nha môn (cơ quan giải quyết vấn đề ngoại giao thời Thanh, Trung Quốc), các quan chức ngoại giao của Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức đến Tây Uyển (nay là Trung Nam Hải) diện kiến vua Đồng Trị (1856-1875).

Nhiếp ảnh gia người Anh Thomas Child lưu lại tư liệu về cuộc gặp. Bức ảnh này không còn tồn tại, chỉ còn bản sao chụp. Dù vậy, tác phẩm mang ý nghĩa lớn về thời kỳ mang tính bước ngoặt của lịch sử Trung Hoa.

Nhà Thanh, cũng như hầu hết các triều đại khác của Trung Quốc, luôn tự coi là “thiên triều”, sứ thần nước ngoài đến diện kiến đều phải quỳ lạy trước nhà vua. Nhưng cuối thời Thanh, sức mạnh triều đình suy yếu, người phương Tây bắt đầu thách thức lễ nghĩa truyền thống đó của triều đình. Chỉ nói riêng một việc tưởng như đơn giản là việc các sứ thần tới quỳ lạy vua lại trở thành khúc mắc khó gỡ thời gian dài trong ngoại giao Trung Quốc bấy giờ.

Theo Wang Yuanchong, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Delaware, Mỹ, thế kỷ 18, không ít đoàn công tác nước ngoài tới Trung Quốc đàm phán vấn đề thương mại, chấp nhận quy định khấu đầu trước vua. Tuy nhiên dần dần, nghi thức này bị lung lay. Mâu thuẫn “quỳ hay không quỳ” giữa Trung Quốc và nước ngoài kéo dài từ thế kỷ 18 đến 19.

Năm 1858, Hiệp ước Thiên Tân được ký kết, do thất thế trong cuộc chiến tranh Nha phiến, nhà Thanh bắt buộc chấp nhận nhiều điều khoản, trong đó có điều khoản đại sứ phương Tây không cần quỳ lạy khi gặp hoàng đế. Nhưng rồi vua Hàm Phong qua đời, Đồng Trị kế vị khi năm tuổi. Lấy lý do Đồng Trị còn bé, nhà Thanh từ chối tiếp quan chức ngoại giao phương Tây.

Năm 1873, khi đủ 18 tuổi, Đồng Trị chính thức tiếp quản triều chính. Các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức liên tục yêu cầu hội kiến hoàng đế. Lúc này, triều đình không còn đủ lý do để từ chối.

Hai bên tiếp tục cuộc đấu “quỳ hay không quỳ”. Nhà Thanh kiên quyết ý kiến sứ thần không quỳ là mạo phạm truyền thống tổ tiên, hoàng đế Trung Quốc là “Thiên tử”. Các quan chức ngoại giao chỉ đồng cấp với đại thần Trung Quốc, đương nhiên phải quỳ. Còn các nước phương Tây lại chủ trương chào hỏi theo nghi lễ ngoại giao phương Tây.

Đồng thời, triều đình cũng nảy sinh mâu thuẫn. Một số đại thần, đặc biệt là những người thường làm việc với nước ngoài, đề nghị sửa đổi quy định truyền thống trong nghi lễ Trung Quốc. Đại thần tên Tả Tông Đường công khai tán thành nghi thức ngoại giao như của phương Tây.

Trước các áp lực về quân sự, chính trị, triều đình buộc phải thỏa hiệp. Quan chức ngoại giao không cần quỳ lạy, chỉ cần cúi người trước nhà vua. Khi hội kiến, các quan chức lần lượt cúi người ba lần chào hoàng đế, sau đó tận tay đưa thư ngoại giao cho nhà vua.

Đối với các nước phương Tây, sự kiện đánh dấu thắng lợi ngoại giao chưa từng có đồng thời là bước ngoặt lớn trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc thời cận đại. Thậm chí giới nghiên cứu cho rằng đây là biểu tượng của sự sụp đổ của “ngọn núi tuyết lễ nghi truyền thống thời phong kiến Trung Quốc”.

Tổng hợp

Viết một bình luận