Hình ảnh quý hiếm về sân vận động Cột Cờ ở Hà Nội năm 1952

Sân vận động Cột Cờ vốn quen thuộc với người yêu môn bóng đá ở Hà Nội khoảng 20 năm trước, là sân nhà của đội bóng Thể Công (CLB Quân Đội) trong hơn 40 năm, từ 1954 tới 1998.

Sân bóng đá (lúc này được gọi là môn banh tròn, hoặc túc cầu) ban đầu tên là Stade Mangin

Sân vận động này được Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, với tên gọi Stade Mangin, thuộc khu trại binh đồn trú của Pháp, từng là khuôn viên sân Đoan Môn của Di tích Hoàng thành Thăng Long, xưa kia là nơi hành lễ của các triều đại quân chủ từ thời Lý, Trần, Lê Sơ. Đặc biệt, đây chính là nơi diễn ra Lễ duyệt cấm quốc quân của triều đại nhà Trần để khích lệ tinh thần binh sĩ trước khi ra trận đánh quân Nguyên.

Đoan Môn bên trong kinh thành Thăng Long cũ, được xây thời Lê và sửa lại thời Nguyễn

Sau 1954, quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, từ 10/10/1954, sân vận động này trở thành sân nhà của đội bóng Thể Công. Vì sân bóng này sát với Cột Cờ trong thành Hà Nội cũ nên được đặt tên là sân vận động Cột Cờ.

Từ trên cột cờ nhìn xuống sân bóng đá
Phía sau có thể thấy thấp thoáng đoan môn
Cửa soát vé trong một trận banh giữ đội quân đội Pháp và đội Hà Nội

Thời gian từ 1976 tới 1998, đội bóng Thể Công đổi tên thành CLB Quân Đội. Năm 1998, đội bóng lấy lại tên cũ là Thể Công, đồng thời chọn sân Hàng Đẫy làm sân nhà, từ đó sân vận động Cột Cờ ít được nhắc tới, nhưng đây vẫn là cái tên thân thuộc với nhiều người Hà Nội.

Năm 2004, đội bóng Thể Công bị xuống hạng, cùng lúc với việc sân vận động Cột Cờ chính thức không còn được sử dụng với mục đích thi đấu nữa, tới năm 2009 thì bị dỡ bỏ hoàn toàn.

Sau đây là một số hình ảnh sân Mangin (sân vận động Cột Cờ) năm 1952:

Cổng sân Mangin, bên phải là Cột Cờ Hà Nội

Hình ảnh bãi đậu xe và bên ngoài sân:

Hình ảnh khán giả xem bóng đá:

Sân bóng sát bên cạnh Đoan Môn, di tích có từ thời nhà Lê

 

Những trận banh nảy lửa hơn 70 năm trước:

        

Hình ảnh quan chức xem bóng đá ở khán đài VIP:

Ngồi hàng đầu có thị trưởng Hà Nội là Thẩm Hoàng Tín và thủ hiến Bắc kỳ – Phạm Văn Bình
Quốc trưởng Bảo Đại trên khán đài

Hình ảnh lễ hạ cờ Pháp ở sân Mangin năm 1954, trước khi chính phủ VNDCCH tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954

Năm 2009, trong thời điểm chính quyền thủ đô Hà Nội đề nghị UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, UNESCO đã góp ý lại rằng sân vận động Cột Cờ không nên nằm trong khu hoàng thành, vì đây vốn là nơi hành lễ của triều đình thời xưa. Vì vậy từ đó sân vận động đã chính thức bị dỡ bỏ hoàn toàn để trả lại sự toàn vẹn cho khu di tích.

  chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận