Hình ảnh quý hiếm Sài Gòn thập niên 1930

Đây là bộ sưu tập ảnh gia đình của viên sĩ quan thuộc sở hiến binh thuộc địa tên là Adrien Noblot, sinh sống và làm việc tại Sở hiến binh trong suốt hơn 30 năm ở Sài Gòn (1904-1937)

Dù đây là bộ ảnh cá nhân, với sự xuất hiện của vợ con của ông Noblot trong ảnh, nhưng qua đó chúng ta cũng thấy được diện mạo đường phố, các công trình ở Sài Gòn thời 90 năm trước.

Dinh Xã Tây (Tòa thị chính Sài Gòn), với những cột điện và ghế công cộng trong công viên phía trước

Chơi xích đu ở hội xuân gần chợ Bến Thành

Chùa Ngọc Hoàng ở Dakao (đường Pierre, nay là Mai Thị Lựu)
Kỵ binh diễu hành trên đường quai le Myre de Vilers (Bến Bạch Đằng) đoạn ngang qua Place Rigault de Genouilly (nay là công trường Mê Linh). Phía sau cột đèn có thể thấy tượng đài Rigault de Genouilly
Bên trong Nhà thờ Sài Gòn

Nhà thờ Sài Gòn lúc này vẫn còn tượng đài Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh phía trước
Lăng Cha Cả (lăng Bá Đa Lộc) ở Gia Định
Trường đua Phú Thọ, chốn đỏ đen nổi tiếng nhất Đông Dương thời đó
Công trường Cuniac (Place d’Eugène Cuniac) phía trước chợ Sài Gòn. Phía sau là các dãy nhà thuộc ga xe lửa Sài Gòn (nay là khu vực công viên 23/9)
Kinh Tàu Hũ và cầu Mống
Dinh Toàn Quyền Đông Dương ở Sài Gòn (Dinh Norodom)

Công trường Chiến Sĩ (nay là vị trí hồ Con Rùa)

Tàu trên sông Sài Gòn, bên phải là Nhà Rồng
Tuyến đường sắt chở hàng từ Cảng Sài Gòn ra ga Sài Gòn, phía sau có thể thấy mái của Nhà Rồng
Từ sông Sài Gòn nhìn vô đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ)
Một “ông hội đồng” của thành phố Sài Gòn
Bên trong dưỡng đường Angier, nằm trên đường Angier (đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm), sát Vườn bách thú, là tiền thân của Dưỡng đường Saint Paul (bệnh viện Xanh Pôn) đường Lеgrand dе la Lirayе, nay là Bệnh viện Mắt bên đường Điện Biên Phủ.
Tòa nhà CLB Sĩ quan trên đại lộ Norodom, sát bên Nhà thờ. Ngày nay tòa nhà này là trụ sở UBND Quận 1
Từ công viên Pages nhìn ra đường la Grandiere (nay là đường Lý Tự Trọng). Công viên này sau đổi tên thành Chi Lăng, nay đã không còn
Phía đầu đường Catinat, bên trái là khách sạn Majestic của công ty Hui Bon Hoa

Khoảng 1 nửa số ảnh trong bộ sưu tập này là chụp sở Hiến binh nằm trên đường la Grandiere (đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng), trong đó có nhiều tấm ảnh quý hiếm chụp khuôn viên trên trong sở này. Từ khi được xây dựng tới nay đã hơn 100 năm, cơ sở này luôn là cơ quan an ninh của chính quyền, thuộc tính bảo mật nên dân thường không được vào bên trong, vì vậy đây có thể xem là bộ ảnh duy nhất công khai hình ảnh bên trong sở hiến binh này.

Những hình ảnh bên trong Sở Hiến binh, nơi làm việc của ông Adrien Noblot, tác giả bộ sưu tập ảnh này:

Những hình ảnh nội thất bên trong nơi ở của sĩ quan Sở Hiến binh:

Sở Hiến binh thuộc địa, tiếng Pháp là Gendarmerie coloniale, người Việt phiên âm thành Sen-đầm, hoặc San-đầm, là tổ chức an ninh quân sự được chính quyền thuộc địa lập ra ngay trong những ngày đầu chiếm được Gia Định. Lực lượng hiến binh thuộc quân đội, có nhiệm vụ giữ gin trị an, khác với lực lượng cảnh sát dân sự.

Hiến binh đang truy bắt tội phạm ở Hóc Môn

Sở Hiến binh thuộc địa ở Đông Dương thời đó có nhiệm vụ kiểm soát quân đội, kiếm soát dân sự về hành chính và tư pháp, coi giữ nhà tù tỉnh, có khi kiêm nhiệm trông coi việc chiếu sáng, vệ sinh và trật tự đô thị.

Sau 1955, Tòa nhà Sở hiến binh này trở thành trụ sở của Quân Cảnh (cảnh sát quân đội), một lực lượng gần giống với lực lượng hiến binh thời thuộc địa.

Sau năm 1975 cho tới nay, nơi này trở thành Doanh trại QĐND của “lực lượng kiểm soát quân sự”, tên gọi khác của “quân cảnh” thời trước 1975.

Hiến binh, quân cảnh, hay là lực lượng kiểm soát quân sự, đều có chức năng gần giống nhau, thường là đơn vị chấp pháp của quân đội, có chức năng giúp người chỉ huy duy trì kỷ luật quân đội, Pháp luật của Nhà nước, quy tắc trật tự an toàn xã hội đối với mọi quân nhân và các phương tiện giao thông quân sự ở ngoài doanh trại.

Như vậy, suốt hơn 100 năm qua, tòa nhà Sở hiến binh này vẫn đang là trụ sở của những cơ quan có chức năng giống nhau, dành cho lực lượng trị an của thành phố.

90 năm trước, những địa điểm vui chơi phổ biến nhất của trẻ em ở Sài Gòn là công viên Pages (sau là công viên Chi Lăng), Vườn Bờ Rô (nay là Vườn Tao Đàn) và Vườn bách thú (Thảo Cầm Viên). Là một viên chức sống cùng vợ con ở Sài Gòn, ông Noblot nhiều lần đưa con đi Vườn bách thú và chụp ảnh:

Tượng voi bằng đồng cao 1,5m, nặng khoảng một tấn, được đặt trên một cái bệ hình chữ nhật cao 1,6m trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Tượng voi này được vua Xiêm tặng cho Sài Gòn nhân dịp ông sang thăm Việt Nam năm 1930
Tượng voi nằm bên cạnh Đền Kỷ Niệm (nay là đền Hùng Vương)
Đền Kỷ Niệm

Cây cầu sắt bên trong Vườn bách thú, nay đã bị dỡ bỏ
Bảo tàng Blanchard de la Brosse nằm bên cạnh vườn bách thú, lúc này vừa mới đi vào hoạt động, Ngày nay đây là bảo tàng lịch sử

Một số hình ảnh khác:

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận