Hình ảnh hiếm về Hà Nội 100 năm trước (Kỳ 1)

Mời các bạn xem lại những hình ảnh được chụp tròn 100 năm trước ở Hà Nội (thập niên 1920). Lúc này toàn bộ Bắc và Trung kỳ nằm dưới sự đô hộ của Pháp quốc. Qua những tấm ảnh đặc biệt này, bánh xe thời gian như là được xoay ngược lại để chúng ta có thể nhìn được về quá khứ một thế kỷ trước…

Xe điện đang đi trên rue Francis Garnier, nay là phố Đinh Tiên Hoàng. Trước đó, đây là phố Hàng Chè, nối liền với phố Hàng Bài (chỗ người chụp hình đang đứng, lúc này mang tên phố Đồng Khánh). Bên trái hình này là Hồ Hoàn Kiếm, bên phải là rue Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền). Tòa nhà trong hình ngày nay vẫn còn, là trụ sở của Tổng cục quản lý thị trường

Rạp cine Palace nằm ở rue Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), là một trong những rạp chiếu phim lâu đời nhất Việt Nam được người Pháp khởi công xây dựng năm 1917 và hoàn thành năm 1920. Rạp được thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ điển của Pháp, với mục đích trở thành một rạp chiếu phim sang trọng bậc nhất của vùng Đông Dương.

Sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội năm 1947, rạp đổi tên thành Eden. Sau khi chính quyền VNDCCH tiếp quản Hà Nội năm 1954, rạp đổi tên thành Công Nhân cho đến nay, ngày nay không còn là rạp chiếu phim nữa mà trở thành Nhà hát kịch.

Khu vực vườn hoa Bách Việt (thường được gọi với tên khác là vườn hoa Cửa Nam. Xe điện đang đi trên rue Borgnis Desbordes (nay là phố Tràng Thi) sang phía rue Duvillier (nay là phố Nguyễn Thái Học). Vườn hoa Cửa Nam nằm bên phải hình, lúc này bên trong có tượng Nữ Thần Tự Do cao 2.85m, là bản sao tỉ lệ 1/16 của phiên bản chính ở New York. Tượng được đặt ở Vườn hoa Cửa Nam từ 1897 đến 1945, vườn hoa lúc này được gọi là La Place Neyret.

Vườn hoa Cửa Nam vốn là Quảng Văn Đình được vua Lê Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1491, là nơi niêm yết các pháp lệnh, cáo thị của triều đình.

Tòa nhà trụ sở Công Chánh (Les Travaux Publics), ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là trụ sở của Ban Quản Lý Trung Ương các Dự Án Thủy Lợi.

Tòa nhà này nằm 3 mặt phố: rue Albert Pouyanne (nay là phố Lò Sũ), rue des Bambous (nay là phố Hàng Tre) và Quai Clémenceau (nay là đường Trần Quang Khải).

Trường Lycée Albert Sarraut trên Boulevard Rollandes, nay là trường THPT Trần Phú trên phố Hai Bà Trưng. Đây là ngôi trường có kiến trúc Pháp đặc trưng, đã trải qua hàng thế kỷ, từng đào tạo rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Hà Nội.

Những hình ảnh 100 năm trước của ngôi chợ lớn và lâu đời nhất Hà Nội nằm trong phố cổ, đó là Chợ Đồng Xuân:

Trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long vào năm 1804, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dưới triều vua Gia Long đã cho đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính đông, hay còn gọi là chợ Đồng Xuân ngày nay.

Kiến trúc chợ trong hình này là đã có từ năm 1890, được người Pháp xây dựng lại, với năm vòm cửa và năm nhà dài 52m, cao 19m, mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.

Người xe chen chúc ra vào khu chợ chính

Tòa nhà trụ sở công ty Hỏa xa Đông Dương – Vân Nam (Chemins de Fer de l’Indochine et de Yunam – CIY), nằm ở góc đường Gambetta – Richaud, nay là trụ sở Tổng liên đoàn Việt Nam ở góc phố Quán Sứ – Trần Hưng Đạo, trước mặt tòa nhà ngày nay là quảng trường 1/5.

Công ty Hỏa xa Vân Nam (CIY) này được thành lập từ năm 1901. Khi Toàn quyền Paul Doumer lên nắm quyền ở Đông Dương từ cuối thế kỷ 19, ông có tham vọng thực hiện chính sách bành trướng của nước Pháp đối với Trung Quốc, cụ thể là làm tuyến đường sắt “xâm nhập”, đi ngược lưu vực sông Hồng để vào đến Trung Quốc ở phía Nam, đó là tỉnh Vân Nam. Đây chỉ là tính toán ban đầu của Doumer, thực tế kế hoạch lớn hơn là dự định xây dựng 1700km đường sắt đi qua Tây Tạng, Quảng Tây, đưa các vùng này vào trong cộng đồng kinh tế Pháp, để rồi chuyển những vùng đó thành những thuộc địa một cách đơn thuần và đơn giản.

Tiền đề của những tham vọng đó của người Pháp được bắt đầu từ Hòa ước Pháp – Hoa năm 1885, chấm dứt xung đột giữa 2 nước này, đồng thời phía nhà Thanh của Trung Quốc cũng xác nhận quyền của Pháp về việc xây dựng một tuyến đường sắt giữa Bắc Kỳ đến các tỉnh miền Nam Trung Hoa. Đó là lý do mà công ty Hỏa xa Vân Nam được thành lập và xây tòa nhà trụ sở đồ sộ của Hà Nội, đến nay vẫn là một trong những tòa nhà lâu đời nhất còn lại kiến trúc nguyên thủy.

Cảnh mua bán trên lề phố rue Paul Bert, nay là phố Hàng Khay ở ven hồ Hoàn Kiếm, nối liền với phố Tràng Tiền.

Trước khi Pháp đô hộ Việt Nam thì đây được gọi là phố Thợ Khảm nằm ở ven hồ Hoàn Kiếm. Phố nghề này do thợ khảm trai gốc làng Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây) đã tới đây lập cửa hàng chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ khảm xà cừ như hoành phi, câu đối, tủ, bàn, ghế, sập, mâm, khay…

Người Pháp chuyển ngữ phố Thợ Khảm thành rue des Inscrusteurs, sau đó nối phố Tràng Tiền với rue des Inscrusteurs rồi đặt tên đường là Paul Bert.

Sau 1954 đến hay, phố Paul Bert tách ra lại thành 2 tên đường khác nhau là phố Tràng Tiền và phố Hàng Khay.

Xe điện trên La rue de la Soie, nay là Phố Hàng Đào. Bên trên là đường dây cấp điện cho điện nội thành, được truyền qua một cái cần nằm trên nóc xe.

Các nhà máy trên đường Larrivée, nay là phố Nguyễn Công Trứ. Hình ảnh được chụp từ đường Armand Rousseau, nay là phố Lò Đúc.

Bến xe điện Hà Đông – điểm cuối của tuyến xe điện Bờ Hồ (hồ Hoàn Kiếm) – Hà Đông dài 12 km.

Đông Kha – chuyenxua.net
Hình ảnh: manhhai flickr

Viết một bình luận