Hệ thống các trường Đại học công lập và tư lập ở miền Nam thời kỳ 1954-1975

Sau năm 1954, quá trình hình thành hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam bắt đầu bằng việc cải biến Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) thành Viện Đại học Quốc gia Việt Nam sau khi cơ sở chính của Viện đại học này được di chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn (11-1954). Đây là mẫu hình đại học hiện đại phương Tây đầu tiên được người Pháp thành lập tại Việt Nam và được coi là sự khởi đầu của mô hình giáo dục đại học ở Việt Nam.

Ngày 1-3-1957, chính quyền VNCH ban hành Sắc lệnh số 45-GD đổi tên Viện Đại học Quốc gia Việt Nam thành Viện Đại học Sài Gòn. Tính đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Viện Đại học Sài Gòn gồm các trường (phân khoa):

Trường Đại học Luật khoa, hình thành trên cơ sở trường Cao đẳng Luật khoa (École Supérieure de Droit);

Trường Y Dược Đại học đường (Bao gồm Đại học Y – Dược – Nha khoa, tới năm 1961 thì tách ra thành 2 trường Y khoa Đại học đường và Dược khoa Đại học đường);

Trường Đại học Khoa học (Khoa học Đại học đường Sài Gòn);

Trường Đại học Văn khoa;

Trường Cao đẳng Kiến trúc;

Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn.

Theo Sắc lệnh số 45-GD ngày 1-3-1957, chính quyền VNCH còn thành lập Viện Đại học Huế.

Trong năm học đầu tiên (1957 – 1958), Viện Đại học Huế mở các ban và lớp: Dự bị Văn khoa, Năm thứ nhất Cử nhân Luật khoa, Năm thứ nhất năng lực Luật khoa; Ban Toán học đại cương, Năm thứ nhất Cao đẳng Sư phạm, Năm thứ nhất Nữ hộ sinh Quốc gia, Năm Dự bị Cao đẳng Mỹ thuật, Năm thứ nhất Cán sự Y tế và Điều dưỡng. Về sau Viện Đại học Huế ngày càng được mở rộng và là tổ chức giáo dục đại học có chức năng “phát huy nền văn hóa Việt Nam và đồng thời tổng hợp nền văn hóa dân tộc với các nguồn tư tưởng quốc tế, giúp vào việc đào tạo các công dân có khả năng phục vụ quốc gia”.

Từ năm 1955, nhằm đào tạo kỹ sư, cán sự canh nông và kỹ nghệ… chính quyền VNCH thành lập một số trường cao đẳng, chuyên nghiệp khác nằm trong hệ thống giáo dục công lập, tiêu biểu là Trường Quốc gia Nông – Lâm – Mục và Trung tâm Quốc gia kỹ thuật Phú Thọ.

Trường Quốc gia Nông Lâm Mục thành lập năm 1955 theo Nghị định số 112/BCN/NĐ, thuộc quản lý của Bộ Canh Nông. Điều hành trường là một Hiệu trưởng (do Bộ Canh nông chỉ định) với sự hỗ trợ của các nhân viên phối thuộc.

Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (còn gọi là trường kỹ thuật Phú Thọ) thành lập ngày 29-6-1957, gồm 4 trường thành viên được điều hành bởi một Giám đốc và một Giám đốc phụ tá. Ở mỗi trường (phân khoa) thành viên do một Giám đốc chịu trách nhiệm quản lý: Trường Cao đẳng Công chánh; Trường Cao đẳng Điện học; Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ; Trường Việt Nam Hàng hải. Ngoài hai trung tâm lớn thuộc bậc Cao đẳng trên, trong hệ thống giáo dục công lập còn có các trường Chuyên nghiệp (còn gọi là trường “trung đẳng”), tiêu biểu như: Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, Cao đẳng Mỹ thuật, Trung tâm Sinh ngữ, Quốc gia Bưu điện, Nữ hộ sinh Quốc gia,… đây là các trường chuyên nghiệp với quy mô nhỏ.

Trường Cao Đẳng Điện Học trực thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, hiện nay là một trong những cơ sở của trường Đại Học Bách Khoa ở đường Lý Thường Kiệt

Hệ thống đại học tư lập: Ngày 23-10-1956, chỉ 3 ngày sau khi ban hành Hiến pháp, chính quyền VNCH ban hành Dụ số 57/4 cho phép các loại trường tư được mở trong khuôn khổ luật pháp, dưới sự giám sát, kiểm soát của chính quyền địa phương và của Bộ Quốc gia Giáo dục. Từ năm 1957 đến 1964, ở miền Nam Việt Nam hai trường đại học tư đầu tiên được thành lập dưới sự quản lý của chính quyền VNCH do hai tôn giáo lớn là Thiên Chúa giáo và Phật giáo thiết lập là Viện Đại học Đà Lạt (1957) và Viện Đại học Vạn Hạnh (1964).

Viện Đại học Đà Lạt thành lập theo Nghị Định số 67/BNV/NA/P5 ngày 8-8-1957, với cơ sở nguyên là Trường Thiếu sinh quân hỗn hợp Âu-Á (École d’Enfants de Troupe de DaLat), được quản lý bởi Hội đồng Giám mục Việt Nam và là Đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam. Viện Đại học Đà Lạt chính thức hoạt động từ năm học 1958-1959 với 3 phân khoa (trường): Sư phạm, Khoa học, Văn khoa. Ngày 13-8-1964, mở thêm một phân khoa nữa là Kinh tế và Quản trị Xí nghiệp.

Viện Đại Học Đà Lạt

Viện Đại học Vạn Hạnh thành lập năm 1964, theo Nghị định số 1805-NĐ/PG/NĐ của Bộ Giáo dục VNCH trên cơ sở Viện Cao đẳng Phật học. Trong niên khóa đầu tiên 1964-1965, trường mở hai phân khoa: Phân khoa Phật học, phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn. Về sau mở rộng thêm các phân khoa khác.

Như vậy, thời kỳ 1956 – 1964, hệ thống giáo dục đại học VNCH ở miền Nam Việt Nam gồm hai loại hình trường công và trường tư. Trong đó, các viện đại học công về cơ bản tiếp tục được tổ chức theo mô hình các viện đại học (université) đa ngành của Viện Đại học Đông Dương trước đó.

Hệ thống quản lý

Bộ Giáo dục VNCH giữ vai trò điều phối tổng quát các đại học để thống nhất về mặt triết lý giáo dục, quản trị nhân viên và tài chính. Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục đề nghị, Thượng viện chuẩn y và được bổ nhiệm theo Sắc lệnh của Tổng Thống. Viện trưởng điều hành Viện đại học với sự phụ tá của phó Viện trưởng và một Hội đồng Viện đại học. Giúp việc cho Viện trưởng có sở Hành chính, Tài chính và Văn hóa để giải quyết các công việc trong toàn viện. Bên cạnh đó còn có Hội đồng Đại học do Viện trưởng làm Chủ tịch Hội đồng, các Khoa trưởng, phụ tá Khoa trưởng, các giáo sư (do Hội đồng khoa của trường đề cử trong một năm) là thành viên Hội đồng, tổng Thư ký Viện đại học là thư ký của Hội đồng. Đứng đầu mỗi Phân khoa thành viên (tương đương với một trường hiện nay) là một Khoa trưởng (tương đương với Hiệu trưởng hiện nay) – người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc điều hành hoạt động của Phân khoa và Phó khoa trưởng. Các Phân khoa hầu như hoàn toàn độc lập với nhau về phương diện điều hành và đóng ở những địa điểm riêng trong đô thành.

Đặc điểm của giáo dục đại học miền Nam trước 1975

Đặc điểm cơ bản của mô hình giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam từ 1955 đến 1964 vẫn mang đậm ảnh hưởng của mô hình giáo dục đại học Pháp vốn được định hình ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Các cơ sở giáo dục gồm hai loại hình bao gồm trường công và trường tư với các Viện đại học và hệ thống các trường cao đẳng, trường chuyên nghiệp. Trong đó, các ngành kỹ thuật chủ yếu đào tạo ở trình độ cao đẳng, chuyên nghiệp, chưa có trường đại học kỹ thuật chuyên biệt nào được thành lập trong giai đoạn này. So với mô hình giáo dục đại học của người Pháp trước đó, điểm mới trong mô hình giáo dục đại học VNCH thời gian này là sự ra đời của hệ thống các trường đại học tư lập (Viện Đại học Đà Lạt và Viện Đại học Vạn Hạnh).

Tiếp thu ảnh hưởng mô hình giáo dục đại học Mỹ (1965-1975)

Từ năm 1965, sau khi đưa quân vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Thực hiện chính sách ngoại giao văn hóa, giáo dục, Mỹ đẩy mạnh hơn nữa viện trợ văn hóa, giáo dục cho chính quyền VNCH thông qua các phái đoàn cố vấn đại học của Mỹ đến Việt Nam nghiên cứu, làm việc và đề xuất những dự án nhằm hỗ trợ cải tổ các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam.

Mỹ còn thực hiện các chương trình gửi sinh viên Việt Nam đi du học ở Hoa Kỳ, gửi các cán bộ quản lý, giảng viên của các Viện đại học đi thăm quan mô hình đào tạo và tu nghiệp ngắn hạn ở Hoa Kỳ và các nước khác (năm 1970 các Viện trưởng của 5 Viện đại học ở miền Nam Việt Nam đã tới Mỹ để tu nghiệp).

Đặc biệt, khi Hiệp ước hợp tác văn hóa được ký kết giữa chính phủ Quốc gia Việt Nam (trước đó) với Pháp đã hết hiệu lực, chính quyền VNCH thể hiện đường hướng muốn đoạn tuyệt những liên hệ về văn hóa giáo dục của Pháp. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến nền giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam.

Theo Hiến pháp năm 1967 của chính quyền VNCH, “văn hoá giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách,… nền giáo dục đại học được tự trị”. Từ năm 1970, quan điểm về chính sách giáo dục của chính quyền VNCH ngoài tính chất “dân tộc”, “nhân bản”, “khoa học” trước đó, được bổ sung thêm đường lối giáo dục “đại chúng” và “thực tiễn”. Đây cũng là lần đầu tiên chính quyền VNCH chính thức xác nhận nguyên tắc “đại chúng” trong chính sách giáo dục với việc Bộ Giáo dục VNCH đưa ra 3 nguyên tắc: “Phân quyền”, “tham dự” và “thực tiễn”, để có thể điều hành nền giáo dục với sự tham gia của toàn dân nhằm hướng dẫn các mầm non của đất nước vào chiều hướng: cộng đồng ở bậc tiểu học; tổng hợp ở bậc trung học; chuyên nghiệp ở bậc đại học”. Do đó, mô hình giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1965 – 1975 có sự chuyển hướng từ ảnh hưởng của mô hình giáo dục đại học Pháp sang tiếp cận và chịu ảnh hưởng của mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ. Ngoài hệ thống công lập và tư lập đã hình thành trước đó, từ năm 1971 còn xuất hiện hệ thống đại học cộng đồng.

Bậc đại học thời Đệ nhị Cộng hòa

Hệ thống đại học công lập: Từ năm 1965, các Viện đại học ở miền Nam Việt Nam ra đời trước đó (Viện Đại học Sài GònViện Đại học Huế) về mặt tổ chức được sắp xếp lại. Năm 1967, trường Cao đẳng Kiến trúc sáp nhập vào Viện Đại học Sài Gòn. Từ năm học 1969 – 1970, Hải học viện Nha Trang được đặt trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn về học vụ và được coi ngang hàng như một Phân khoa đại học để hợp thức hóa công tác giáo dục bên cạnh công tác nghiên cứu. Trong Viện đại học Huế, năm 1965 giải tán Viện Hán học.

Cùng với những điều chỉnh, sắp xếp lại các Viện đại học. Trong hệ thống giáo dục đại học công lập ở miền Nam Việt Nam thời gian này có sự ra đời của một số cơ sở giáo dục mới. Năm 1966 Viện Đại học Cần Thơ được thành lập với 4 phân khoa: Khoa học, Sư phạm, Văn khoa, Luật khoa và Khoa học Xã hội.

Ngày 29-3- 1973, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (Thu Duc Polytechnic University) được thành lập theo Sắc Lệnh số 264-TT/SL của Tổng thống VNCH. Đây là Viện đại học phỏng theo mô hình California Polytechnic State University của Hoa Kỳ (đại học đa lĩnh vực, chú trọng đến các ngành thực tiễn, cần thiết cho nền kinh tế tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận như: nông nghiệp, kỹ thuật cơ khí, điện tử…)

Trong thời gian đầu, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức có ba phân khoa do việc sáp nhập các trường cao đẳng, học viện kỹ thuật đã có từ trước gồm Học viện Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ; Học viện Quốc gia Nông nghiệp; Ban Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật được cải danh thành Ban Giáo dục Chuyên nghiệp trực thuộc Đại học Giáo dục (Phòng Tâm lý và Hướng nghiệp Đắc Lộ, 1974).

Nếu như sự ra đời của Viện Đại học Cần Thơ theo hướng gắn liền giáo dục đại học với chương trình phát triển của địa phương thì sự ra đời của Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức mang đặc điểm mới là một viện đại học bách khoa kỹ thuật, đánh dấu bước chuyển biến trong giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp với quá trình tái cơ cấu các trường cao đẳng, chuyên nghiệp trong nền giáo dục đại học của chính quyền VNCH. Lần đầu tiên, một trường đại học được thành lập không phải theo đúng khuôn mẫu các phân khoa như Viện Đại học Sài Gòn. Hai Viện đại học này đều mang đặc trưng của mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ – đó là tính thực tiễn, gắn với sự phát triển của từng địa phương.

Cùng với các Viện đại học, từ sau năm 1965 hệ thống các trường cao đẳng và chuyên nghiệp được thành lập giai đoạn trước, nay được cải tổ về chuyên môn đào tạo, một số được đổi tên, đồng thời xuất hiện thêm một số trường mới. Các trường Bách khoa Trung cấp, Quốc gia Thương mại và Ban cán sự chuyên môn thuộc Học viện Quốc gia kỹ thuật được sáp nhập vào trường Đại học chuyên nghiệp trung cấp, thành lập ngày 19-4-1974 theo Sắc lệnh số 069-SL/GD của chính quyền VNCH. Trường có các Ban: Ban Công chánh và Địa chánh, Ban Công kỹ nghệ, Ban Điện và Điện tử, Ban Hóa học, Ban Thương mại. Tất cả các ban của trường đều hướng về mục đích đào tạo ra lớp chuyên viên có trình độ và khả năng chuyên môn phục vụ trong các ngành kỹ nghệ sản xuất công và tư.

Hệ thống đại học tư thục: Sau năm 1965, trước thực tế nhu cầu sinh viên ngày càng tăng, trong khi sự nặng nề không chuyển biến theo kịp nhu cầu xã hội của hệ thống đại học công lập, cùng với đó là hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên,… của đại học công thiếu hụt. Trong bối cảnh đó, ở miền Nam Việt Nam các trường đại học tư lập tiếp tục được hình thành như: Viện Đại học Minh Đức; Viện Đại học Cao Đài; Viện Đại học Hoà Hảo; Viện Đại học Phương Nam; Viện Đại học Cửu Long; Viện Đại học Tri Hành,…

Trước sự thành lập ngày càng nhiều của các trường đại học tư lập, nhằm gia tăng sự đóng góp, hợp tác chặt chẽ và xóa tan quan niệm phân biệt công, tư. Năm 1973, Hội đồng Đại học Tư lập ở miền Nam Việt Nam được thành lập với 5 viện đại học: Đà Lạt, Minh Đức, Cao Đài, Hòa Hảo, Vạn Hạnh. Trong “tuyên ngôn thành lập”, Hội xác định: “Hợp tác để nâng phẩm chất giáo dục đại học; Bảo vệ quyền lợi của giáo sư, nhân viên và sinh viên các viện đại học tư lập hội viên, nói lên tiếng nói chúng của giới đại học tư lập”.

Sự ra đời của Hội đồng đại học tư lập ở miền Nam Việt Nam đánh dấu giai đoạn mới trong tiến trình phát triển của giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam. Lúc này, các viện đại học công hay tư đều hợp tác chặt chẽ và bình đẳng với nhau. Với ưu điểm nhờ tính chất tự chủ, không bị ràng buộc bởi những thủ tục hành chính như hệ thống đại học công và đổi mới nhanh tùy theo tình hình thực tế,… các trường đại học tư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam. Không chỉ chứng tỏ được khả năng đào tạo chuyên viên thực dụng mà các đại học công chưa thể hiện được, hệ thống giáo dục đại học tư lập còn thúc đẩy hợp tác, hướng dẫn, cố vấn kế hoạch phát triển cho các nhà cầm quyền.

Hệ thống đại học cộng đồng: Đại học cộng đồng có nguồn gốc từ Hoa Kỳ (community college) với đặc điểm là sơ cấp (2 năm) và đa ngành với sự tham gia đóng góp, xây dựng và quản trị của các địa phương. Mặc dù ý tưởng về giáo dục cộng đồng trong hệ thống giáo dục công lập ở miền Nam Việt Nam đã được giới thiệu ngay từ năm 1954, bắt đầu với một số các trường tiểu học. Tuy nhiên, mãi đến năm 1971 chính quyền VNCH mới ban hành Nghị định thành lập đại học cộng đồng ở miền Nam Việt Nam.

Các nhà hoạch định chính sách giáo dục đại học VNCH lúc đó quan niệm: “Viện đại học cộng đồng là tổng hợp của một viện đại học cổ điển và các trường cao đẳng, nơi đây thầy thợ tương lai sẽ học chung dưới một mái trường, tập sống dân chủ ngày nay tại nhà trường để về sau xây dựng một xã hội công bằng”.

Các trường đại học cộng đồng được thành lập ở miền Nam Việt Nam thời kỳ này bao gồm: Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang ở Mỹ Tho và trường Đại học cộng đồng Duyên Hải ở Khánh Hòa (thành lập theo Sắc lệnh số 503-TT/SL ngày 15-8-1971); Viện Đại học Công cộng Quảng Đà (thành lập năm 1974). Các trường này đặt trọng tâm vào việc đào tạo các ngành nghề như: Nông nghiệp, ngư nghiệp, quản lý kinh tế,… và đã phát huy tác dụng trong việc đào tạo các chuyên viên trung cấp ở nhiều ngành, phù hợp với sự phát triển ở các địa phương.

Về sau, nhiều địa phương khác cũng dự định thành lập đại học cộng đồng nhưng chưa thực hiện được thì chính quyền VNCH sụp đổ.

Có thể nói, từ năm 1965, giáo dục đại học VNCH ở miền Nam Việt Nam ngày càng thiên về tính thực dụng của nền giáo dục Hoa Kỳ, chế độ tự trị đại học ngày càng được nhấn mạnh và được ghi trong Hiến pháp. Trong bản “Quy định chế độ giáo dục đại học cấp quốc gia” do Tổng thống VNCH ban hành tháng 3-1970 đã xác định cơ cấu tổ chức của hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam. Theo đó, giáo dục đại học được đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Quốc gia phát triển giáo dục đại học do Thủ tướng làm Chủ tịch; Bộ trưởng Bộ Giáo dục là Tổng thư ký; 9 hội viên là Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và phát triển Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên Hạ nghị viện, đại diện Hội đồng Văn hóa Giáo dục, đại diện Hội đồng Kinh tế – Xã hội, một viện trưởng đại diện viện đại học công và một viện trưởng đại diện viện đại học tư. Nhiệm vụ của hội đồng này là hoạch định chính sách phát triển giáo dục đại học và ấn định sự tài trợ hàng năm cho các viện đại học.

Mô hình giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam giai đoạn này vẫn tồn tại hai hệ thống công lập và tư lập theo cơ cấu viện Đại học như giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, trong từng hệ thống đã có sự thay đổi. Viện đại học được tổ chức gồm nhiều trường (phân khoa) hợp thành, đứng đầu là khoa trưởng. Trong khoa có các bộ môn, đứng đầu là chủ nhiệm bộ môn. Các trường (phân khoa) hoạt động độc lập và tự chủ về nhiều mặt như học vụ, chương trình học, nội dụng giảng dạy, tổ chức bộ máy điều hành và nhân sự nội bộ. Còn các mặt như tài chính, nhân sự chủ chốt, nhân viên hành chính các cấp, nhân viên giảng huấn các ngạch,… do Phủ tổng ủy công vụ quản lý. Mỗi viện đại học có Viện trưởng, phó Viện trưởng, Tổng thư ký. Viện trưởng các viện đại học công do Tổng thống bổ nhiệm nhưng phải được Quốc hội thông qua sau một buổi điều trần về đường lối và tổ chức đại học. Phó viện trưởng cũng do Tổng thống bổ nhiệm nhưng không phải thông qua Quốc hội. Các trường đại học và các trung tâm trực thuộc được thiết lập bằng Sắc lệnh của Thủ tướng; các ngành chuyên khoa thuộc các trường Đại học được thiết lập bằng Nghị định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Đặc điểm của mô hình giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1965-1975 mang ảnh hưởng của mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ. Đó là sự xuất hiện các trường đại học mới, với sự nâng cấp một số trường cao đẳng, chuyên nghiệp, sự ra đời của một loạt Đại học cộng đồng và Viện đại học Cần Thơ, Viện đại học Bách khoa Thủ Đức. Cùng với đó, chương trình đào tạo đã chuyển hướng gắn liền với thực tiễn – chuyển dịch từ đặc điểm của giáo dục nặng về lý thuyết tổng quát của Pháp, sang xu hướng đại chúng, đặt trọng tâm hoạt động vào những ngành học thực dụng, nhằm mục đích phục vụ đại chúng, đặc biệt là về kinh tế theo hướng chuyên môn hóa của Hoa Kỳ.

Từ năm 1971, các trường (bao gồm công, tư, cộng đồng) có xu hướng học theo chế độ tín chỉ (Crédit) (Viện Đại học Cần Thơ là Viện đại học đầu tiên ở miền Nam Việt Nam áp dụng học chế tín chỉ trong đào tạo) giống nền giáo dục đại học Hoa Kỳ. Ngoài phương pháp thuyết giảng, đối với những ngành học gắn liền với thực tiễn đã có những phương pháp dạy và học mới, phong phú và thực tế. Chế độ tự trị đại học ngày càng được nhấn mạnh,… Đây chính là những biểu hiện cho thấy ảnh hưởng của giáo dục đại học Hoa Kỳ đối với mô hình giáo dục đại học VNCH ở miền Nam Việt Nam ngày càng tăng lên.

Tác giả: Lưu Văn Quyết

Viết một bình luận