Đường phố Hà Nội không mùa nào vắng bóng hoa tươi. Những cửa hàng bày ra, những gánh hàng hoa, những xe đạp hoa, lang thang đi khắp phố phường. Những ngày mười tư, ngày rằm, những ngày 30, mồng 1, Hà Nội như rạng rỡ sắc màu. Ra khỏi nhà là gặp hoa. Gần như không có nhà ai mà không hương hoa trong các ngày đầu và giữa tháng Âm lịch.
Gánh hàng hoa là một nét đặc trưng trên phố Hà Nội từ hàng trăm năm trước, ngày nay vẫn còn với hình thức là các xe bán hoa.
Dân Hà thành có thú chơi hoa. Chơi hoa thể hiện sự sang trọng, cuộc sống no đủ và sự tao nhã của người dân. Bởi thế gánh hàng hoa đã len lỏi vào đời sống người dân đô thị nơi đây từ rất nhiều năm.
Hà Nội xưa với những gánh hàng hoa đã đi sâu vào tiềm thức của bao người, đi vào những áng văn chương của bao thi nhân mặc khách. Những cô gánh hàng hoa áo dài tứ thân màu nâu, hai vạt buộc trước lật qua lật lại theo nhịp đôi quang gánh. Nhịp nhàng và uyển chuyển những gánh hoa theo người vào phố, đặt gánh bên hè.
Cùng nhìn lại bộ ảnh những hàng hoa bên bờ hồ, đoạn giữa các phố Hàng Khay, Hàng Bài, Tràng Tiền.
Những tấm hình này được chụp cách đây khoảng 100 năm, vào thập niên 1920-1930. Cũng trong thời gian này, Nhất Linh và Khái Hưng ra mắt tiểu thuyết gánh hàng hoa. Nhân vậy chính trong truyện là Liên – một cô gái xinh đẹp, duyên dáng, người làng Ngọc Hà, làm nghề trồng hoa và bán hoa.
Trong những tấm ảnh này, người bán hoa cũng là người làng Ngọc Hà đem hoa ra bờ hồ bày bán. Trong các hình dưới đây, người mua đa số là các đầm Tây.
Đây là góc đường được xem là khu phố Tây của đầu thế kỷ 20 (đối diện với khu phố cổ ở bên kia bờ hồ), có rất nhiều dấu ấn kiến trúc Pháp, với những con phố mang tên Paul Bert (nay là 2 phố Hàng Khay và Tràng Tiền nối nhau), lúc này được người Việt gọi chung là phố Thợ Khảm. Cắt ngang rue Paul Bert là boulevard Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng) và boulevard Đồng Khánh (nay là phố Hàng Bài).
Nghề trồng hoa ở làng Ngọc Hà có từ lâu đời, nhưng nơi này được gọi là Trại Hoàng Hoa là bắt đầu từ đầu thế kỷ 20. Xưa kia, Ngọc Hà có rất nhiều ruộng đất bỏ hoang. Về sau, nhiều quan lại khi về hưu đã đến làng mua đất làm nơi dưỡng lão, trồng hoa và cây cảnh để giải trí, từ đó hình thành nghề trồng hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Hoa được xâu vào lạt thành tràng hoa hoặc gói trong lá tươi buộc lạt. Người bán hoa (thường là các cô gái) đem treo lên cửa các nhà đặt mua trước hoặc các nhà có điện thờ.
Cuối thế kỷ 19, người Pháp cắt 1 phần đất của làng Ngọc Hà để làm vườn bách thảo. Nơi này trở thành nơi ươm giống và thử nghiệm các loại cây. Theo thống kê, vườn Bách Thảo lúc đó có 3000 loài thảo mộc khác nhau, đa số được nhập từ nước ngoài, gồm đủ loại cây công nghiệp, nông nghiệp, cây cảnh, cỏ nuôi gia súc, cây thân lớn và cây nhỏ, các loài hoa… Khu làng xung quanh vườn bách thảo cũng trở thành nơi đầu tiên trồng thử nghiệm các loài hoa được nhập về. Làng Ngọc Hà trở thành nơi trồng các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc…), được dùng vào các dịp lễ, tết theo lịch dương. Người Ngọc Hà dần tìm học được kỹ thuật trồng các loại hoa này vừa để bán cho cả người Việt và người Pháp, vừa để chơi trong phòng khách nhà mình. Các quầy bán hoa bắt đầu mọc lên ở các ngã tư các phố Tây, tập trung ở khu vực Hồ Gươm và phố Hàng Lược, chợ Đồng Xuân. Vào dịp Tết Nguyên đán, hình thành chợ hoa Cống Chéo – Hàng Lược, chủ yếu do người làng Ngọc Hà bán. Hình ảnh Cô hàng hoa nổi tiếng bắt đầu từ đó.
chuyenxua.net biên soạn