Đầu số điện thoại (mã quốc gia) của Việt Nam ngày nay (+84) được ấn định từ năm 1951

Năm 1951, dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại – người đứng đầu chính quyền Quốc gia Việt Nam (nhiệm kỳ của thủ tướng Trần Văn Hữu), Việt Nam đã được kết nạp vào Tổ chức viễn thông quốc tế (ITU), gồm các lĩnh vực vô tuyến, viễn thông. Cũng từ lúc đó, Việt Nam được phân bổ cho đầu số viễn thông là (84). Đầu số này được sử dụng cho tới tận ngày nay (mã vùng điện thoại quốc tế), tức là các mạng viễn thông ở nước ngoài liên hệ với Việt Nam qua đầu số 84 này.

ITU có tiền thân là Liên minh Điện báo quốc tế – International Telegraph Union, thành lập năm 1865 ở Paris. Ngày 15 tháng 7 năm 1947, ITU đã chính thức trở thành tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, trụ sở đặt tại Genève, Thụy Sĩ.

Sau năm 1955, chính quyền VNCH ở miền Nam kế thừa tư cách thành viên ITU và mã quốc gia 84 từ chính quyền Quốc Gia Việt Nam trước đó.

Năm 1976, vị trí thành viên ITU đã được Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiếp nhận cho đến ngày nay. Như vậy mã quốc gia (84) mà Việt Nam đang được sử dụng là kế thừa từ năm 1951.

Các hoạt động của ITU bao trùm tất cả các vấn đề thuộc ngành Công nghệ Viễn thông và Thông tin gồm có điều phối các quốc gia trên toàn cầu trong việc chia sẻ và sử dụng các tài nguyên Viễn thông như tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông tại các nước đang phát triển và xây dựng các tiêu chuẩn chung trên thế giới về kết nối các hệ thống liên lạc. ITU cũng đang tham gia nghiên cứu và tìm giải pháp cho các thách thức chung trên toàn cầu trong thời đại hiện nay như biến đổi khí hậu và bảo mật, an toàn thông tin.

Có nhiều người thắc mắc là vì sao năm 1951, quốc trưởng Bảo Đại lại chọn cho Việt Nam đầu số 84, nó có ý nghĩa gì?

Thực ra các quốc gia không được quyền chọn lựa đầu số này, mà nó được gán theo vùng.

Theo đó, Việt Nam thuộc về vùng số 8, gồm các nước Đông Á, trong đó 81 là Nhật, 82 là Hàn Quốc, 84 Việt Nam, 850 là Bắc Triều Tiên, 850 Hongkong, 853 Macau, 855 Campuchia, 856 Lào, 86 Trung Quốc, 866 Đài Loan…

Các vùng khác là:

Vùng 1 (đầu số bắt đầu bằng số 1) là khu vực Bắc Mỹ. Cả Hoa Kỳ lẫn Canada có mã điện thoại bắt đầu bằng số 1 (mã quốc gia), theo sau đó là “mã vùng” gồm ba chữ số, “mã văn phòng trung tâm” có ba chữ số (hoặc mã trao đổi), và “mã trạm” có bốn chữ số.

Vùng 2 (đầu số bắt đầu bằng số 2) thuộc về Châu Phi (và 1 số quần đảo), Ví dụ số 20 là Ai Cập, 27 là Nam Phi, số 212 là Ma Rốc, 213 là Algeria, 218 là Libya, 234 là Nigeria…

Vùng 3,4 thuộc về Châu Âu. Số 30 là Hy Lạp, 31 Hà Lan, 32 Bỉ, 33 Pháp, 34 Tây Ban Nha, 350 Gibraltar, 351 Bồ Đào Nha, 36 Hungary, 39 Ý, 40 Romania, 41 Thụy Sĩ…

Vùng 5 thuộc về Châu Mỹ (ngoại trừ Bắc Mỹ): 51 Peru, 52 Mexico, 53 Cuba, 54 Argentina, 55 Brazil…

Vùng 6 thuộc về một số nước Đông Nam Á (ngoại trừ 3 nước Đông Dương) và Châu Đại Dương, đó là 60 Malaysia, 61 Úc, 62 Indonesia, 63 Philippines, 64 New Zealand, 65 Singapore, 66 Thái Lan…

Vùng 7 thuộc về Nga và các nước láng giềng (thuộc Liên Xô cũ).

Vùng 9 là các nước còn lại của Châu Á (Nam Á, Trung Á, Tây Á), gồm cả Mông Cổ (976) và Miến Điện (95).

Quảng cáo viễn thông Sài Gòn năm 1975

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận