Đà Lạt và một câu chuyện tình mùa Giáng sinh xưa

Một câu chuyện tình nhẹ nhàng mùa Noel những năm xưa ở Đà Lạt…

1.

Tôi biết bản “Bài Thánh Ca Buồn” của nhạc sĩ Nguyễn Vũ khi mới 15 tuổi, đang học lớp đệ tam C trường Pétrus Ký. Ông nhạc sĩ tài hoa đã kể thuở còn một cậu bé 14 tuổi sống trên Đà Lạt, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con Gà thì tình cờ gặp một cô gái rất xinh. Mở lời làm quen thì biết cô ấy lớn hơn mình 2 tuổi nhưng trái tim vụng dại của cậu con trai mới lớn vẫn đập loạn nhịp trước bóng dáng thiếu nữ có mái tóc dài buông thả, đẹp như mộng ảo giữa cảnh sắc đồi thông Đà Lạt sương mù.

Tôi mê mẩn trước lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, rằng có một lần tan lễ Giáng sinh thì trời đổ mưa, cô gái nép vội vào mái hiên ngôi nhà nọ gần nhà thờ, ông cũng đứng trú bên cạnh. Những kỷ niệm và xúc cảm thiết tha lần ấy chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên bản “Bài Thánh Ca Buồn” sau này.


Click để nghe ca khúc Bài Thánh Ca Buồn thu âm trước 1975

Năm tôi ngồi lớp đệ nhị C, tôi lại càng thích bản “Bài Thánh Ca Buồn” bởi bắt đầu quen Vi ở Sài Gòn, bởi ngẫu nhiên Vi cũng là người gốc Đà Lạt, cũng lớn hơn tôi 2 tuổi, cũng duyên dáng, cũng tóc dài, nghĩa là có khá nhiều điểm giống cô gái trong chuyện tình dịu ngọt thời thơ dại của nhạc sĩ Nguyễn Vũ …

Cuối tháng 12 năm ấy chợt có kỳ trại đặc biệt được Bộ Giáo dục thời đó tổ chức vào dịp Giáng sinh, ưu ái dành cho ban đại diện học sinh và các lớp trưởng khối đệ nhị cấp của riêng bốn trường lớn nhất Sài Gòn là Pétrus Ký, Chu Văn An, Gia Long và Trưng Vương được đi chơi Đà Lạt 5 ngày. Tôi là lớp trưởng nên được dự kỳ trại có cái tên “Anh Đào” thật đẹp này.

Có cơ hội lần đầu tiên lên Đà Lạt, lại trúng ngay mùa Noel, tôi nghĩ ngay đến Vi, bởi khi đó tôi chỉ có Vi là người quen/bạn duy nhất có nhà ở thành phố này.

2.

Đỗ tú tài nhất xong, Vi từ biệt bố mẹ xuống Sài Gòn học sư phạm mẫu giáo. Do người bà con giới thiệu, cô gái đến ở trọ trong trường Mạnh Mẫu, nơi em gái út của tôi đang theo học, vốn là một trường mẫu giáo nổi tiếng ở khu Tân Định. Một lần nọ, vào giờ tan học buổi chiều, anh tài xế ở nhà lái xe đi rước con bé, tôi rảnh nên cũng theo chơi. Đang thơ thẩn ngồi chờ trước sân chơi xích đu, cầu tuột, tôi thấy một cô gái thật trẻ ra phụ các cô giáo trông chừng bọn học sinh lí lắc hay leo trèo, nhảy nhót quá đáng. Gương mặt cô gái không trang điểm nhưng vẫn thùy mị dịu dàng. Mái tóc Vi đen tuyền, xỏa ngang vai, còn giọng khuyên bảo bọn trẻ nghe cứ ngọt như mật ong…, Vi thu hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Rồi thư viết cho nhau đã nhiều nhưng ngồi bên nhau trong khuôn viên nhà trường thì còn ít bởi để giữ gìn cho các thiếu nữ ở trọ, qui định về khách thăm viếng ở trường Mạnh Mẫu rất nghiêm nhặt.

Vi nhận lời hẹn gặp và cho tôi địa chỉ ở Đà Lạt. Tôi sung sướng đến muốn bay bổng lên trời xanh. Thế là đến tuổi 16 cậu mình mới được thỏa mơ ước cháy bỏng từ thời thiếu niên là được lên Đà Lạt, đặt chân đến thành phố của Ngàn Hoa, thành phố Sương Mù… như văn chương, âm nhạc thường ngợi ca. Càng hạnh phúc, hát ca hơn là trong chuyến du lịch miễn phí diệu kỳ này, tôi sẽ có dịp gần gũi hơn với cô bạn xinh đẹp vào đúng dịp Giáng sinh, nghĩa là gần như tôi sẽ được thể nhập trọn vẹn – chứ không phải ngồi tưởng tượng nữa – vào khung trời lãng mạn tuyệt vời của bản “Bài Thánh Ca Buồn”.

3.

Trời mới rạng đông, trại viên trại Anh Đào được đưa ra phi trường Tân Sơn Nhứt, ngồi máy bay quân sự C123 lên Đà Lạt. Mờ sáng đã đến phi trường Liên Khàng, thời tiết thật tuyệt diệu, không quá lạnh như tôi tưởng tượng. Có chuyện hơi buồn cười là suốt 5 ngày trại, toàn thể bọn trại viên con trai lại được cho về ở chỗ của… con gái: trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Ổn định chỗ ở xong, trại viên được tự do ra phố vài tiếng, chỉ cần 11 giờ 30 phải về lại trường để đi ăn cơm trưa.

Theo một nhóm bạn xuống đến bờ hồ Xuân Hương thì tôi tách ra, nói với tụi nó là cần đi tìm, thăm nhà bà con. Tôi đứng bên lề đường, dáo dác kiếm taxi. Ở Sài Gòn thời ấy có một kiểu sử dụng xe taxi khá tiện lợi, đó là bạn có thể gọi bất cứ chiếc taxi chạy ngang đang chở khách nhưng vẫn còn ghế trống, thường là xe sẽ dừng lại để tài xế hỏi bạn đi đâu, nếu lộ trình bạn cần đi thuận chiều với lộ trình của khách đã ngồi trước trên xe thì tài xế sẽ đồng ý chở bạn đi chung, ai xuống trước cứ trả phần tiền xe của mình… Tôi vừa quắt trúng chiếc taxi đã có hai sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt ngồi ghế sau. Cửa xe vừa đóng là tôi vội vàng nói ngay, cố ý cho cả ba người trên xe cùng nghe:

– Chào các anh, làm ơn chỉ giùm và cho tôi đến địa chỉ này, số 23 đường Biệt Thự, bờ hồ Xuân Hương. Tôi ở Sài Gòn, đây là lần đầu tiên lên Đà Lạt, muốn ghé thăm người bà con…

Một anh SVSQ ngồi phía sau vui vẻ trả lời ngay:

– Hên cho anh rồi, đường Biệt Thự ở ngay phía bờ mờ mờ bên kia, đây vòng qua đó chừng 10 – 12 phút thôi, phải không bác tài?

Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, tôi vừa hí hửng vừa nôn nao đầy lòng. Chiếc taxi dừng lại cạnh một bãi cỏ thật xanh bên đường, tôi hỏi bác tài tiền xe bao nhiêu thì bác ta lại quay nhìn hai người khách phía ghế sau. Cũng cái anh SVSQ vui tính lại nhanh miệng nói:

– Có bao nhiêu đâu anh bạn. Đúng ra ở Đà Lạt rất ít người đi chung xe taxi như kiểu ở Sài Gòn nên hiếm có ai quắt xe đã có khách như anh vừa rồi. Thôi, rất vui nghe anh học ở Sài Gòn, lên dự trại thăm Đà Lạt. Để tụi tôi tính cho, coi như cho anh quá giang. Lo đi tìm nhà người bà con đi nhé!

Tôi không ngờ ngày đầu tiên ở Đà Lạt mình đã may mắn gặp được người tử tế như vậy nên xăng xái bắt tay cám ơn hai anh SVSQ, cám ơn cả bác tài. Họ cười, chúc tôi vui vẻ trọn những ngày ở Đà Lạt.

Từ lề đường nhìn lên chỉ thấy dốc đồi thoai thoải, lối đi ngoằn nghèo chạy giữa những bãi cỏ xanh rờn cùng những mái nhà thưa thớt, ẩn mình giữa những cây thông cao vút nên ở đâu cũng đầy bóng râm. Nhà số 23 nằm khuất ở một sườn đồi cách đường lộ bên dưới khá xa nên có vẻ đìu hiu, vắng lặng. Gõ cửa rất lâu Vi mới ra mở cửa với nụ cười thật phấn khích, vẻ bất ngờ vương đầy ánh mắt…

Vi mời tôi vào nhà, rót tách trà actixô bảo tôi uống liền cho ấm. Nhà đang chỉ có mỗi mình Vi. Ngồi chốc lát là tôi đã khẽ đề nghị cô bạn ra ngoài ngõ, ngồi chơi ở bãi cỏ trên sườn đồi thoai thoải phía trước cổng nhà.

Đã là hiện thực cái trường đoạn phim trữ tình, thơ mộng nhất mà cậu con trai tuổi 16 đã khổ công vẽ vời sẵn từ những đêm cậu mình bỏ ngủ, nằm tưởng tưởng đủ điều trước ngày đi Đà Lạt.

Ở lần gặp trước gần đây nhất, tôi đã vừa hỏi Vi xin địa chỉ ở Đà Lạt vừa hỏi nàng có về nhà nghỉ mùa Giáng sinh không. May mắn là Vi sẽ về nhà trước cả ngày trại Anh Đào khai mạc và tận sau Tết dương lịch mới trở xuống Sài Gòn. Tuy nhiên, khi ấy tôi chỉ nói là trong mấy ngày trại sẽ cố gắng, sắp xếp thời gian để tìm đến nhà Vi, gọi là gặp nhau ở nhà bạn, quê hương bạn cho thân thương hơn. Do đó khi thấy tôi ở cửa, Vi nói ngay là bất ngờ quá! Giờ ngồi trên bãi cỏ, Vi giải thích thêm rằng dù có đồng ý cái hẹn “để trống ngày giờ” nhưng trong thâm tâm nàng lại cảm thấy biết đâu sẽ có trở ngại này khác khiến tôi không thể sắp xếp, thực hiện được chuyện hai đứa gặp nhau được trên Đà Lạt, nhất là vào dịp đặc biệt là Giáng sinh.

Giờ đây tôi đang ngồi với cô bạn gái trên bãi cỏ ngập lá vàng khô. Hoàn toàn chỉ có hai đứa, không có con mắt dòm ngó nào của thiên hạ xung quanh.

Lúc nào gặp Vi, tôi cũng thấy cô thật thùy mị, dễ yêu. Đặc biệt là khi trở về với khí hậu Đà Lạt, đôi má Vi trở nên hồng hào thật quyến rũ, không còn màu trắng, thoáng xanh nhợt nhạt bình thường như lúc ở Sài Gòn.

Thỉnh thoảng bờ vai hai đứa chạm khẽ vào nhau. Tôi còn thầm mong, thèm nhiều hơn nữa, như được nắm tay, hay được ôm qua vai người con gái. Vi trong thực tế là cô bạn gái lớn hơn tôi 2 tuổi, học cũng trên lớp, nhưng trong “kịch bản” của tôi, nàng đã mơ hồ hóa thành người yêu bé bỏng. Tôi thêu dệt, lý tưởng hóa kịch bản này đến nổi, do gặp nhau đột ngột, cô gái có sửa soạn gì đâu mà chỉ mặc bộ đồ bộ bình thường ở nhà, gương mặt cũng không trang điểm chút nào nhưng tôi vẫn thấy Vi thật xinh đẹp và quyến rũ.

Được ngồi sát bên Vi, tôi đã hết sức sung sướng bởi hai lẽ, một là được gần gũi Vi với mối cảm xúc ngất ngây hình-như-là-tình-yêu đang lên ngôi dù tôi chưa hề tỏ tình, hai là được thưởng thức cảnh tượng lãng mạn đang trở thành hiện thực từ những gì tôi tô vẽ trước đó…

Tôi kể Vi nghe hiện tôi đang “tạm trú” ở một nơi khá đặc biệt, đó là trường con gái. Mỗi tổ nam sinh được đưa vào một lớp học để tự động ghép bàn làm chỗ ngủ, ba-lô túi xách cứ để bừa trên ghế, nhà vệ sinh chung thì ở cuối dãy… Cô bạn cười ha ha, trêu tôi là hãy biết mang ơn ban tổ chức trại, hãy ráng tìm trong các hộc bàn coi có cái kẹp tóc, gói muối ớt cùng miếng ổi xanh nào không, hay lãng mạn hơn thì một sợi tóc dài thiệt dài nào đó rồi ráng mà tưởng tượng đó là của một cô bé dân Đà Lạt thiệt xinh nên hãy viết lá thư làm quen để lại trong hộc bàn, “Nghề của dân ban C mà!”. Tôi trêu lại nàng, hỏi khẽ “Xinh như Vi phải không? Có Vi đây rồi thì mình còn phải đi tìm cô nào khác nữa?”.

Cô bạn gái hốt nhiên hóa thành nửa-bạn-nửa-người-yêu, đôi má đỏ hồng hơn nữa vì thẹn thùng và cúi mặt cười tủm tỉm, cũng để tránh ánh mắt say đắm, khát thèm yêu thương của người con trai. Rồi hai đứa im lặng thật lâu. Có cảm xúc gì đó chợt dâng lên ngọt ngào, êm ái thấm sâu vào tâm tưởng…

Nhờ tôi có cẩn thận bảo trước với Vi rằng cần tập trung về cái trường con gái ấy trước 11 giờ 30 nên dù hai đứa mê mãi thủ thỉ chuyện trò, cô bạn vẫn kịp nhắc tôi. Vi đưa tôi xuống đến lề đường, hai đứa đều có vẻ bâng khuâng, bàng hoàng như vừa tỉnh một cơn mộng ảo giữa ban ngày. Tôi âu yếm bắt tay Vi, nàng để yên cho tôi siết nhẹ, giữ thật lâu bàn tay mình. Tôi lưu luyến vớt vát hơi ấm nồng nàn từ người con gái, nhưng khi nói lời từ biệt thì câu mình lại không thể nói hẹn gặp lại lần nữa tại Đà Lạt này, bởi tôi chạnh nghĩ chỉ còn bốn ngày trại, chương trình thăm viếng các nơi thì đặc kín sáng chiều …

4.

Một, hai năm sau, tình bạn của tôi và Vi vẫn cứ thế, không tiến triển thành tình yêu. Vi vẫn khoan hòa, tế nhị như có ý chờ đợi tôi, còn tôi vẫn thấy không ổn, vẫn ngại tỏ tình với người con gái lớn hơn mình hai tuổi và còn vào đời, trưởng thành sớm hơn mình nữa.

Nói chung, tôi vẫn tiếp tục là một tên con trai tân nhát gái, vẫn mộng tưởng với loại tình yêu “duy tâm” hiền lành. Chỉ được cái là về viết thư tình, cậu mình có thêm một số kinh nghiệm cảm xúc để viết hay hơn – theo nghĩa lâm ly hơn, tạo ấn tượng hơn để con gái chịu bóc xem các lá thư kế tiếp…

Có lần tôi đem chuyện lên Đà Lạt gặp Vi kể cho một thằng bạn học lớn hơn tôi cũng đúng 2 tuổi, từng trải nhiều mối tình và thuộc hạng hơi Casanova Sát Gái một chút. Nghe xong chuyện, hắn không thèm hỏi lại câu nào mà chỉ cười nhếch mép, phân tích chỉ dạy cho tôi hai khía cạnh hay và dở đối lập nhau của vấn đề. Một là, vào các dịp Noel thì bọn con trai luôn ước mơ có được, có đủ những thứ quí giá, như có xe máy mới, được mời dự dạ vũ cùng tiệc réveillon và quí hơn hết là có đào xinh xắn, là bạn gái hay người yêu đều được, để cùng đi chơi Noel – điều này thì vào dịp Noel năm đó, cái hay của tôi là dù còn khờ, tôi vẫn may mắn có đào tuy phải mò lên đến tận xứ sở sương mù. Hai là, cái dở của tôi là lúc đó đúng là tôi khờ quá, còn con nít quá, không biết lợi dụng ngay hoàn cảnh chỉ có một mình cô gái ở nhà, chỉ biết rủ nhau ra ngồi bãi cõ, tựa vai nhau nói chuyện chay thì hiền quá!

Tất nhiên, có bị đàn anh về chuyện bồ bịch, yêu đương kia chê là “con nít”, “khờ” gì thì cũng ráng mà chịu nhưng tôi đã rây lọc, chỉ tiếp thu ý kiến nào nghe đứng đắn, lương thiện từ thằng bạn nổi tiếng là Casanova bạc tình kia.

Dù sao, tôi đã nhận ra là vào mùa Giáng sinh phiêu lãng trên Đà Lạt năm nào, mình đã được thỏa ước nguyện. Như được phép lạ từ Chúa Hài Đồng, cậu con trai 16 tuổi ấy, lần đầu tiên trong đời đã được cùng cô bạn gái ngồi khăng khít bên nhau trên đồi thông đầy lá rụng. Đây là cuộc hẹn hò hình-như-là-tình-yêu lãng mạn nhất mà cậu con trai mới lớn đã phóng rọi và thăng hoa từ một tình bạn thắm thiết với một thiếu nữ hiền lành nết na, mà dù sau này không bay bổng thành tình yêu đi nữa thì cũng vẫn luôn là một tình bạn thật đẹp, thật thuần khiết, trong sáng đến muôn đời…

Tác giả: Phạm Nga

Viết một bình luận