Cuộc đời và sự nghiệp của “đệ nhất danh ca” Thái Thanh – Tiếng hát vượt thời gian

Thái Thanh là ca sĩ duy nhất trong nền âm nhạc Việt Nam từ cổ chí kim được ca tụng bằng rất nhiều những danh xưng vinh dự nhất, như là Đệ nhất danh ca, Tiếng hát vượt thời gian, Tượng đài âm nhạc,… mà không bị so sánh với bất kỳ giọng ca nào khác.


Click để nghe bài đọc về cuộc đời và sự nghiệp danh ca Thái Thanh

Nếu ai đó nói rằng, đứng trước Thái Thanh – mọi giọng ca đều phải cúi đầu, thì ắt hẳn cũng không cần phải tranh cãi thêm, bởi điều đó đã được bảo chứng bởi danh tiếng và giọng hát đã trường tồn qua thời gian, đã nhận sự mến mộ của bao thế hệ yêu nhạc.


Click để nghe tuyển tập nhạc Thái Thanh thu âm trước 1975

Đại gia đình âm nhạc

Danh ca Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh. Bà sinh năm 1934, tại làng Bạch Mai, Hà Nội. Cha của bà là Phạm Đình Phụng, người gốc Hà Nội. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 4 người con trai: Phạm Đình Trung, Phạm Đình Chính, Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có ba người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh.

Từ trái qua: Thái Thanh – Phạm Đình Chương – Thái Hằng

Dòng dõi nội ngoại và cả dâu rể của đại gia đình Thái Thanh đều là những người đam mê và hoạt động hăng hái trong lĩnh vực nghệ thuật. Có thể kể đến như nhà văn Trúc Khê, nhà thơ Thế Lữ, nhạc sĩ Phạm Ngọc Cẩn, nhạc sĩ Phạm Văn Chung, hoạ sĩ Phạm Văn Đôn,… Bản thân cha và mẹ Thái Thanh đều rất đam mê âm nhạc và là những nghệ nhân chơi đàn cổ, hát ả đào có tiếng ở đất Hà Thành.

Đến thế hệ anh chị em Thái Thanh thì nổi lên một loạt tên tuổi lớn đánh dấu những bước đi mạnh mẽ của âm nhạc Việt gồm Thái Hằng, Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), Thái Thanh, Phạm Duy (chồng Thái Hằng), nữ kịch sĩ Kiều Hạnh…

Tiếp nối sau thế hệ Thái Thanh, đại gia đình bà tiếp tục đóng góp một loạt tên tuổi nổi tiếng như: Ý Lan, Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo, Tuấn Ngọc, Bạch Tuyết, Mai Hương,…

Từ nhỏ, anh chị em Thái Thanh đều không được theo học các trường lớp âm nhạc, thầy cô bài bản mà chủ yếu là sự truyền dạy trong gia đình, tự luyện giọng, tự học nhạc, tự mua sách về đọc.

Thái Thanh và anh trai Phạm Đình Chương

Thái Thanh từng kể, những người có ảnh hưởng lớn nhất đến con đường âm nhạc của bà sau này chính là cha mẹ và anh trai:

“Cả bố tôi và mẹ tôi đều chơi đàn cổ như tranh, bầu, nhị, sáo… Cụ ông chơi những thứ đàn đó còn cụ bà thì chơi tỳ bà. Mẹ tôi giỏi về nhạc lắm. Tôi nhớ ngày xưa tôi có được nghe cụ hát ả đào thật tuyệt.

Còn người luyện cho tôi hát lối Tây chính là anh trai Phạm Đình Chương. Anh ấy mua sách báo âm nhạc của Pháp bầy bán ở Sài Gòn hoặc đặt mua từ Paris, nói với tôi: Em ạ, em muốn hát hay thì em phải đọc sách này, và anh sẽ chỉ dạy cho em. Nếu em hát có phương pháp như trong sách thì em còn hát hay hơn thế nữa”.

Chính nhờ sự dìu dắt của anh trai Phạm Đình Chương nên ngoài việc luyện giọng theo lối hát dân ca Bắc Bộ, Thái Thanh còn được sớm tiếp xúc với âm nhạc phương Tây để hình thành nên một trường phái Thái Thanh vừa hàn lâm vừa truyền thống, vừa sang trọng vừa gần gũi, thắm thiết, đầy truyền cảm.


Click để nghe tuyển tập 30 ca khúc Thái Thanh thu âm trước 1975

Sau đây, mời bạn đọc lại những dòng nhật ký do chính Thái Thanh đã viết sau khi cô cùng Ban Thăng Long sang Bangkok (Thái Lan) trình diễn vào tháng 10 năm 1956, được đăng trên tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn số 148, phát hành ngày 14 tháng 12 năm 1957. Lúc này cô mới 22 tuổi. Tư liệu của nhà báo Trần Quốc Bảo.

[…]

Vọng Các (Bangkok) ngày 25 tháng 10 năm 1956

Đến Vọng Các đã được một ngày cùng với phái đoàn Văn Nghệ Tự Do. Mình ở chung phòng với Ánh Tuyết. Phải học mãi mới nhớ được cái tên khách sạn: “Sắng Tì Sục”. Tòa Đại Sứ Việt Nam phát cho mỗi người một tờ giấy có ghi rõ những câu nói chuyện thông thường bằng chữ Thái, đễ lỡ có dịp nói chuyện với dân chúng địa phương đỡ bị lúng túng.

Không khí thật vui. Đủ mặt “anh hùng tài tử”. Cứ hai người một buồng rộng rãi, đủ tiện nghi như ở nhà.

5g chiều. Sửa soạn ăn cơm. Dưới nhà là một khách sạn cũng khá lịch sự. Chỉ khổ một điều là phải leo ba lần thang, mỗi khi lên xuống. Xuống nhà đã thấy Hoài Bắc và Vũ Huyến nhậu lave Thái Lan và đang trổ Ăng-Lê với cô bán hàng. Hoài Trung và Hoàng Thư đã ngồi sẵn ở bàn ăn. Nhìn vào bàn ăn thấy la liệt những dưa và rau sống. Người chủ nhà hàng Thái Lan không hiểu nghĩ sao đã vô tình đọc đúng được ý thích của mình đến thế. Ánh Tuyết rủ mình lại uống “Seven Up”, thứ nước chanh đặc biệt, càng uống càng thấy muốn uống thêm.

Buổi tối. Đi dạo mấy phố lớn. Một một vài thứ hàng cần dung. Viết thư về Sàigòn. Tập lại bài Tình Ca và bài Đất Lành. Thời tiết ở đây gần như ở Sàigòn. Ban ngày nóng mà đêm lại mát. Một vài anh bạn nhạc sĩ mang đàn ra tập dượt. Các ban cổ nhạc Nam, Trung và Bắc cũng ráo riết tập không kém. Mình cảm thấy dễ chịu, khác hẳn lúc mới xuống phi trường.

Vọng Các ngày 26 tháng 10 năm 1956

Buổi sang sang Tòa Đại Sứ dự lễ Quốc Khánh và chào mừng Hiến Pháp. Kiều bào đứng chật cả trước sân Tòa đại sứ. Có nhiều người mặc quần áo như dân Thái. Phải nói chuyện mới rõ. Anh em nghệ sĩ chia nhau đi thăm hỏi kiều bào. Ai cũng hớn hở vui tươi, chuyện trò thân mật. Bài hợp ca Đất Lành được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều đồng bào chạy lại xin chữ ký kỷ niệm của các nghệ sĩ. Anh chị em vui vẻ tiếp đón. Riêng mình, thấy cảm động vô cùng.

Buổi tối. Trình diễn ở một hí trường Thái Lan để chào mừng kiều bào. Chưa bao giờ mình thấy cảm động bằng lần trình diễn này. Không sao ghi được hết bầu không khí tưng bừng của buổi trình diễn. Kiều bào hoan nghênh quá sức tưởng tượng. Nhạc cảnh, vũ khúc, đơn ca, hợp ca, hòa tấu… không màn nào là không được kiều bào nồng nhiệt tiếp đón. Xong buổi diễn, tuy có mệt nhưng niềm vui tràn ngập tâm hồn, thành ra không biết gì là mệt nữa. Toàn thể an hem có lẽ cũng giống mình vì người nào cũng thấy hớn hở, tươi cười.

Thái Thanh hát trên đài phát thanh, phía sau là phần phụ họa của Nhật Bằng, Kim Tước, Mai Hương và Nhật Trường

Ngày 15 tháng 11 năm 1956

Về nước đã mấy hôm rồi mà mình vẫn còn tưởng ở bên Thái Lan. Chuyến viễn du vừa qua thật đáng ghi nhớ. Những kỷ niệm in sâu vào lòng mình. Quên sao được những buổi trình diễn ở hý viện của Bộ Văn Hóa Thái Lan, ở Đài vô tuyến truyền hình và Vô tuyến truyền thanh Vọng Các… Hoài Bắc đã nói với mình: “Có lẽ khó lòng có được một dịp đi thứ hai thú vị như chuyến đi Thái Lan vừa rồi…” Mình cười: “Bởi vì chuyến đi Thái Lan vừa rồi có Hoài Bắc trong Ban Tổ Chức, phải không?”. Tuy nói đùa vậy, nhưng mình cũng nhận thấy rằng anh nói đúng.

Xem lại tập ảnh chụp những buổi trình diễn ở Vọng Các, lại thấy như cả thành phố Vọng Các hiện ra trước mặt, với những cửa hiệu đồ sộ, những con đường rộng mênh mông, những chiếc tàu điện chạy ven sông ngay giữa thành phố, khu chợ bán vải rực rỡ màu sắc và nhất là khách sạn “Sắng Tì Sục” cùng với những bữa cơm rất nhiều “pặc cà đom” (dưa) và rau sống. Mình nhắm mắt, ước mơ một chuyến đi như thế nữa…

[…]

Sự gắn bó định mệnh với âm nhạc Phạm Duy

Khoảng năm 1947, gia đình Thái Thanh mở một quán phở mang tên Thăng Long tại vùng kháng chiến. Quán Thăng Long không chỉ là địa điểm ăn uống, mà còn là nơi dừng chân sinh hoạt văn nghệ và nghe nhạc của các văn nghệ sĩ kháng chiến. Anh chị em Thái Thanh cũng thường hát ngay tại quán để phục vụ khách và tạo dựng nền móng đầu tiên cho ban hợp ca Thăng Long đình đám, lừng lẫy một thời ở Sài Gòn sau này.

Sau khi mở quán Thăng Long, gia đình Thái Thanh bắt đầu có sự quen biết với nhạc sĩ Phạm Duy như một người bạn văn nghệ. Đây cũng là thời gian Thái Thanh bắt đầu chập chững bước vào nghề ca hát theo chị là ca sĩ Thái Hằng. Dù không nhớ rõ bài hát đầu tiên mà bà trình diễn là bài nào nhưng Thái Thanh bảo, bài hát ấy chắc chắn là một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.

Khi nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu theo đuổi cô chị Thái Hằng, do Thái Hằng lúc đó còn mang nhiều tâm sự cũ nên khá trầm lặng và e dè. Để có thể cưới được Thái Hằng, nhạc sĩ Phạm Duy đã phải nhờ rất nhiều “nguồn lực” để tác động vào người đẹp. Một trong những màn ghi điểm đẹp mắt của Phạm Duy với gia đình Thăng Long là việc ông viết lời Việt cho ca khúc tiếng Áo nổi tiếng Le Beau Danube Bleu (tạm dịch là Dòng sông Danube xanh) của nhạc sĩ Johann Strauss II, cho cô em Thái Thanh khi đó chỉ mới 14 tuổi trình diễn. Việc thể hiện thành công ca khúc Dòng Sông Xanh (lời Việt) của nhạc sĩ Phạm Duy đã giúp Thái Thanh tự tin bước lên sân khấu âm nhạc, sánh vai cùng các anh chị.

Hai chị em Thái Hằng – Thái Thanh

Năm 1948, khi cô chị Thái Hằng bước vào ngã rẽ hôn nhân với chàng nhạc sĩ đa tình Phạm Duy thì cô em ca sĩ Thái Thanh cũng bắt đầu có sự gắn kết chặt chẽ hơn với dòng tân nhạc mang âm hưởng dân ca của chàng nghệ sĩ đa tài Phạm Duy.

Thời kỳ còn ở Bắc, giọng hát của chị em Thái Thanh – Thái Hằng đã được nhiều người yêu thích, ngoài việc tham gia các đoàn lưu diễn văn nghệ phục vụ kháng chiến, tiếng hát của chị em Thái Thanh của được phát trên các đài phát thanh ở các đô thị, trên đài Pháp Á.

Năm 1950, Thái Thanh theo gia đình chị gái Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Duy về Hà Nội, rồi vào Sài Gòn định cư vào năm 1951. Anh trai Phạm Đình Chương mãi đến tận năm 1953 mới vào Sài Gòn sau khi đã cưới vợ là nữ ca sĩ Khánh Ngọc. Vậy nên thời gian này, ngoài việc tự luyện tập với sách vở, trau dồi kỹ năng ca hát theo hướng dẫn của anh trai Phạm Đình Chương trước đó, Thái Thanh còn được sự hướng dẫn của anh rể Phạm Duy về nhạc lý và kỹ thuật thanh nhạc. Thái Thanh thua chị gái Thái Hằng đến 7 tuổi và thua anh rể Phạm Duy tới 13 tuổi, lại được sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc, nề nếp gia phong kín kẽ, vậy nên ngay từ lúc còn nhỏ, bà đã là một cô em gái ngoan ngoãn được các anh chị thương yêu, tận tình dạy bảo. Cũng từ năm 1951, cô gái 17 tuổi tên Băng Thanh bắt đầu sử dụng nghệ danh là Thái Thanh, được đặt theo nghệ danh của chị gái Thái Hằng.

Tại Sài Gòn, Thái Thanh chủ yếu hát nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy và một số ca khúc của anh trai Phạm Đình Chương. Giọng hát của bà có sự tương thích kỳ lạ với các thể loại âm nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy, từ nhạc quê hương thắm thiết, nhạc kháng chiến mạnh mẽ, nhạc tình sâu lắng tới các bản trường ca khí khái hào hùng, lồng lộng. Thập niên 1950 – 1970, ban nhạc Thăng Long của gia đình Thái Thanh xuất hiện dày đặc trên các chương trình âm nhạc của đài truyền thanh, truyền hình và các vũ trường. Thái Thanh trở thành giọng nữ chính được yêu thích và mến mộ khắp cả nước.

Ban Thăng Long với Hoài Bắc – Thái Thanh – Hoài Trung

Giọng hát Thái Thanh và cả tư duy âm nhạc của bà là một thứ thiên phú không thể lý giải. Như đã kể ở trên, lúc nhỏ, Thái Thanh hoàn toàn không được theo học bất kỳ trường lớp nào về nhạc lý hay xướng âm. Tất cả đều là do bà tự học và nhờ sự chỉ dạy thêm của anh trai Phạm Đình Chương. Nhưng chính ông anh trai này cũng phải gật gù tán dương thiên phú của cô em rằng: “Cô có cái đặc biệt là trước khi tôi dậy thì cô đã biết rồi”.

Sau này, khi gắn bó với âm nhạc Phạm Duy, một vài lần khi đứng trên sân khấu biểu diễn, trong cơn “phiêu” nhạc, Thái Thanh đột ngột “đổi lời” một hai chữ. Nhưng thật tình cờ, những lần đổi lời đó của Thái Thanh đều mang đến cho âm nhạc Phạm Duy một chiều kích mới mẻ và sâu lắng không kém ca từ cũ. Và câu chuyện “đổi lời” đó chẳng những không khiến cho nhạc sĩ Phạm Duy phiền muộn mà còn khiến ông cảm thấy thú vị và tâm đắc.

Thái Thanh lĩnh xướng trong lần ghi âm ở đài phát thanh, những người hát bè là Nhật Bằng, Kim Tước, Mai Hương, Nhật Trường

Nhiều người cho rằng, chính vì yêu thích và tâm đắc với giọng hát của Thái Thanh nên nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác nhiều bài phù hợp với cung giọng của bà. Còn với Phạm Duy, ông không ngần ngại thừa nhận rằng: “Giọng hát Thái Thanh, một giọng hát diễm tuyệt”“Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào”. Phải thừa nhận một điều rằng, rất nhiều những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, nếu không phải là giọng ca Thái Thanh thì không ai có thể trình diễn, lột tả hết được vẻ đẹp của ca từ và giai điệu. Và ngược lại, có lẽ chỉ ở âm nhạc Phạm Duy mới có đủ “đất diễn” để Thái Thanh phô diễn được hết nội lực trong giọng hát của bà.


Click để nghe tuyển tập Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy trước 1975

Sau đây là một số bản thu thanh trước 1975 hay nhất của Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy. Thật khó để liệt kê ra hết tất cả, nên xin chọn lọc ra những bài được xem là thành công nhất:


Click để nghe Dòng Sông Xanh


Click để nghe Tình Hoài Hương


Click để nghe Tình Ca


Click để nghe Tìm Nhau


Click để nghe Cho Nhau


Click để nghe Một Bàn Tay


Click để nghe Nghìn Trùng Xa Cách


Click để nghe Phượng Yêu


Click để nghe Ngày Xưa Hoàng Thị


Click để nghe Còn Chút Gì Để Nhớ


Click để nghe Bên Cầu Biên Giới


Click để nghe Nhớ Người Ra Đi


Click để nghe Người Về


Click để nghe Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi


Click để nghe Em Lễ Chùa Này


Click để nghe Kỷ Niệm


Click để nghe Nương Chiều


Click để nghe Chiều Về Trên Sông


Click để nghe Kiếp Nào Có Yêu Nhau


Click để nghe Đường Chiều Lá Rụng


Click để nghe Chuyện Tình Buồn


Click để nghe Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà


Click để nghe Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng


Click để nghe Ngày Trở Về


Click để nghe Kỷ Vật Cho Em


Click để nghe Dạ Lai Hương


Click để nghe Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài


Click để nghe Thuyền Viễn Xứ


Click để nghe Trả Lại Em Yêu


Click để nghe Vợ Chồng Quê


Click để nghe Cỏ Hồng


Click để nghe Nụ Tầm Xuân


Click để nghe Gánh Lúa

Thái Thanh và Ban Thăng Long

Là một danh ca nổi tiếng bậc nhất, Thái Thanh không chỉ nổi tiếng hát riêng, mà còn cùng với các anh chị ruột hát trong ban nhạc được yêu thích nhất làng nhạc Sài Gòn trong suốt hơn 2 thập kỷ, đó là Ban Thăng Long.

Ban nhạc này ngoài 3 cái tên chủ chốt là Thái Thanh, Hoài Bắc (tức nhạc sĩ Phạm Đình Chương), và Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), thỉnh thoảng ban Thăng Long cũng có sự góp mặt của danh ca Thái Hằng, ca sĩ Khánh Ngọc (vợ Hoài Bắc) và cả nhạc sĩ Phạm Duy – là một trong những ca sĩ đầu tiên hát tân nhạc.

Đại gia đình Thăng Long: hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung, hàng dưới: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh

Khi đặt chân vào đến phương Nam vào đầu thập niên 1950, những anh chị em nhà họ Phạm muốn lập một ban nhạc gia đình để đi hát, họ đã chọn cái tên Thăng Long, gợi nhớ về vùng đất Hà Nội, là cố hương gốc gác của họ. Cái tên Thăng Long cũng gắn liền với thời thanh xuân của các anh chị em họ Phạm ở vùng tản cư.

Thời gian đầu họ đến cộng tác với đài phát thanh Pháp Á ở đại lộ de La Somme (sau này là đại lộ Hàm Nghi) ở gần góc đường với đường Công Lý. Ban Thăng Long nhanh chóng đạt được thành công với lối hát khác biệt, có phần bè mới lạ và hấp dẫn. Họ lại có nguồn nhạc phong phú được sáng tác “cây nhà lá vườn” bởi 2 tên tuổi lừng danh là Phạm Duy và Phạm Đình Chương, mang được tính thời đại một cách sắc nét.

Ngoài thù lao hát ở đài phát thanh và phòng trà vốn còn rất hạn chế ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1950, thì ban Thăng Long kiếm sống chủ yếu là tiền thu thanh trong đĩa nhạc, lúc này vẫn còn là đĩa đá, chứ chưa có dĩa nhựa (vinyl) như sau này.

Ban Thăng Long cũng là một trong những ban nhạc/ca sĩ đầu tiên trình diễn theo hình thức phụ diễn ở rạp chiếu bóng. Thời điểm đó người Sài Gòn vẫn rất mê cải lương, nhưng tân nhạc bắt đầu được ưa chuộng, mà sân khấu đầu tiên chính là ở các rạp chiếu bóng, vì những người đi xem phim chiếu rạp như vậy đa số là dân Tây học rất thích tân nhạc, nên ban Thăng Long có dịp giới thiệu hàng loạt những sáng tác của Phạm Đình Chương, Phạm Duy và nhiều nhạc sĩ thời tiền chiến khác.

Từ lối hát phụ diễn này, ban Thăng Long dần dần tạo được vị thế trong làng nghệ thuật và bắt đầu hát ở Đại Nhạc Hội với những màn ca diễn phong phú hơn, như đơn ca, hợp ca, hay nhạc cảnh…

Thái Thanh – Hoài Bắc – Hoài Trung trong ban Thăng Long

“Quái kiệt” Trần Văn Trạch – người có thời gian cộng tác cùng ban Thăng Long kể lại: “Mỗi xuất hiện của Ban Hợp Ca Thăng Long là một cơn nóng sốt đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng… như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được…”

Cũng từ thập niên 1960, dù không hoạt động sôi nổi như trước, nhưng Ban Hợp Ca Thăng Long vẫn thu băng dĩa và trình diễn ở phòng trà Đêm Màu Hồng do Hoài Bắc Phạm Đình Chương mở ở Hotel Catinat có 2 mặt tiền đường, số 69 Tự Do và số 36 Nguyễn Huệ.

Những băng nhạc nổi tiếng trước 1975

Từ thập niên 1970, khi dĩa nhựa thoái trào để nhường chỗ lại cho các loại băng cối (magnetic) lên ngôi, đã có rất nhiều băng nhạc dành riêng cho một tiếng hát được phát hành, và Thái Thanh là một trong những ca sĩ có nhiều băng nhạc riêng nhất. Mời các bạn nghe lại các băng nhạc Thái Thanh được thu âm từ nửa thế kỷ trước nhưng có giá trị mang tính vĩnh cửu, trường tồn với thời gian, đến nay vẫn còn được nhiều người tìm nghe lại.

Băng nhạc Tơ Vàng 4 

Thập niên 1970, nhạc sĩ Văn Phụng đã thực hiện những cuốn băng Tơ Vàng với những giọng hát và bài ca đã làm say mê khán giả là sinh viên hoặc trí thức đương thời.

Hai băng Tơ Vàng đầu tiên đều dành cho cặp đôi Lê Uyên & Phương, băng Tơ Vàng 3 là tuyển tập 12 ca khúc của Nhạc sĩ Từ Công Phụng, do chính tác giả cùng với Từ Dung, Châu Hà, Kim Tước, Mộc Lan, Châu Hà trình bày cùng dàn nhạc Văn Phụng.

Còn băng Tơ Vàng 4 là tiếng hát Thái Thanh với phần hòa âm của Phạm Đình Chương, Văn Phụng, cùng dàn nhạc của Đêm Màu Hồng và nhạc sĩ Văn Phụng.


Click để nghe băng Tơ Vàng 4 – Tiếng Hát Thái Thanh

Viết lời tựa cho băng Tơ Vàng 4 là nhà văn Mai Thảo, người dành rất nhiều tình cảm đặc biệt cho Thái Thanh, và cũng từ đây, ông xưng tụng cho nữ danh ca này biệt hiệu đã gắn liền với sự nghiệp của bà: Tiếng Hát Vượt Thời Gian.

Băng nhạc Sơn Ca 10 – Thái Thanh và Ban hợp ca Thăng Long

Những băng Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện tại Sài Gòn từ năm 1971 đến 1975 có thể xem là loạt băng nổi tiếng nhất của Việt Nam thập niên 1970, cho đến nay vẫn được nhiều người yêu thích và tìm nghe lại.

Chương trình Sơn Ca có tất cả 10 băng nhạc, đánh số từ 1 đến 11, nhưng không có băng số 4 (vì lý do kiểm duyệt nên không được phát hành), với các giọng hát nổi tiếng: Phương Dung, Giao Linh, Khánh Ly, Sơn Ca, Lệ Thu và Thái Thanh.

Nếu không kể băng Sơn Ca số 11 – Tiếng hát Phương Dung, vốn đã làm xong nhưng chưa kịp phát hành vì biến cố tháng 4 năm 1975, thì băng số 10 với giọng hát Thái Thanh là cuốn băng Sơn Ca cuối cùng được phát hành chính thức.

Băng nhạc này gồm có 18 bài hát, xen kẽ giọng hát Thái Thanh hát riêng một mình và hát chung với ban Thăng Long (bao gồm Thái Thanh, Hoài Bắc và Hoài Trung)


Click để nghe băng Sơn Ca 10 – Thái Thanh và Ban Thăng Long

Băng nhạc Thanh Thúy 7 – Tiếng hát Thái Thanh

Kể từ khi kết hợp cùng nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban Shotguns để thực hiện các băng nhạc mang nhãn hiệu Thanh Thúy từ năm 1971, ca sĩ Thanh Thúy đã thực hiện trên 30 băng nhạc cho đến năm 1975, và hầu hết trong số đó là băng nhạc tổng hợp nhiều ca sĩ.

Nếu không kể 2 cuốn Thanh Thúy số 6 và số 12 dành riêng cho một giọng hát của chính ca sĩ Thanh Thúy, thì cuốn Thanh Thúy số 7 là lần duy nhất mà Thanh Thúy thực hiện hiện riêng cho một giọng hát, đó chính là Thái Thanh. Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe băng Thanh Thúy 7 – Tiếng Hát Thái Thanh

Băng nhạc Thái Thanh Sélection (Tiếng Hát Thái Thanh 1)

Đây là băng nhạc được ông Tô Văn Lai thực hiện khoảng năm 1970, là một trong những cuốn băng đầu tiên thực hiện cho một tiếng hát duy nhất, vì thời đó làng nhạc Việt Nam thường thu âm nhiều giọng hát trong một dĩa nhạc hoặc băng nhạc.

Băng nhạc Thái Thanh Sélection cũng là một trong những băng đầu tiên được phát hành để nghe trên đầu máy magnetophone, vào thời điểm giao thời giữa 2 loại dĩa nhựa và băng magnetic (băng cối).

Người thực hiện băng nhạc này là ông Tô Văn Lai, người sáng lập ra trung tâm Thúy Nga hiện nay. Thời điểm băng nhạc này ra đời, ông là giáo viên tiếng Pháp nên đã đặt tên cho băng này một cái tên tiếng Pháp là Thái Thanh Sélection, nghĩa là Tuyển chọn nhạc Thái Thanh, và chính ông Lai cũng là người đọc lời giới thiệu ngắn cho băng nhạc mà chúng ta có thể nghe ở đầu cuốn băng sau đây: “Đây Chương Trình của băng Nhạc Tuyển Selection với Tiếng hát Thái Thanh”.


Click để nghe băng Thái Thanh 1 – Nhạc Tuyển Selection của Thúy Nga phát hành trước 1975

Người hòa âm cho băng nhạc này là nhạc sư Lê Văn Thiện, ban nhạc gồm có Nguyễn Ánh 9, Cao Phi Long, Hoàng Liêm.

Ngoài ra, lúc này trung tâm Thúy Nga chưa ra đời nên sau khi băng nhạc được làm xong, ông Tô Văn Lai phải

Một điều đặc biệt là trong băng nhạc này có ca khúc Cỏ Hồng, khi đó nhạc sĩ Phạm Duy vừa viết xong còn chưa ráo mực. Vì vậy trong băng nhạc này, bài Cỏ Hồng đã lần đầu tiên ra mắt công chúng yêu nhạc.

Theo lời của cô Marie Tô – con của ông Lai, thì ông đã gom hết số tiền dành dụm để thực hiện băng nhạc này, sau đó nhờ Tiệm Lita ở Crystal Palace phát hành giúp vì lúc này trung tâm Thúy Nga chưa ra đời.

Ông Lai cũng kể lại rằng bài hát mà cố danh ca Thái Thanh yêu thích nhất trong băng nhạc này là Ngàn Thu Áo Tím của nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Băng Nhạc Tiếng Hát Thái Thanh 2 và 3

Sau khi thành công ngoài mong đợi với băng Thái Thanh số 1, ông Tô Văn Lại thực hiện thêm 2 cuốn Thái Thanh số 2 và số 3, lần này do chính trung tâm Thúy Nga vừa mới thành lập đứng ra phát hành:


Click để nghe băng nhạc Thái Thanh 2


Click để nghe băng nhạc Thái Thanh 3

“Trường phái Thái Thanh”

Việc Thái Thanh sở hữu một giọng hát thiên phú, tao nhã, uyển chuyển, một thanh quản “hãn hữu” chưa từng có từ cổ chí kim là điều không ai có thể phủ nhận và bắt chước. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của Thái Thanh phải kể đến chính là bà là ca sĩ đầu tiên tạo ra một lối đi riêng biệt trong cách hát và có lẽ là người duy nhất thành công khi tạo nên một trường phái âm nhạc riêng mang tên Thái Thanh với nhiều hậu bối tên tuổi.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Thái Thanh là người tiên phong trong việc kết hợp giữa hai cách hát “đóng – mở” của Á và Âu. Đó là kiểu hát Bel Canto hay kiểu hát phô diễn âm giọng của những nghệ sĩ Opera, bên cạnh với kiểu hát nỉ non, da diết, diễm tình của âm nhạc dân tộc. Có lẽ vì sự kết hợp độc đáo này mà rất nhiều nhạc phẩm qua sự thể hiện của Thái Thanh trở nên vừa diễm tình, vừa kiêu hãnh và truyền cảm.

Nhiều nhận định cho rằng, chính cách hát này của Thái Thanh đã góp phần định hình cho thẩm mỹ âm nhạc Việt nửa sau thế kỷ 20. Và chắc rằng, khi nhắc đến sự chuyển mình của âm nhạc Việt giai đoạn này, không thể không nhắc đến cặp đôi gạo cội tiên phong là Phạm Duy – Thái Thanh.

“Học trò” tiêu biểu và nổi tiếng nhất của trường phái Thái Thanh phải kể đến nữ danh ca Ý Lan với chất giọng thiên phú thừa hưởng từ mẹ. Tuy nhiên, nếu luận về tài năng âm nhạc, Ý Lan vẫn phải xếp dưới mẹ cô là danh ca Thái Thanh vài bậc. Ngoài ra, một loạt tên tuổi nổi tiếng khác cũng được coi là học trò của trường phái Thái Thanh như: Ánh Tuyết, Mai Hương, Quỳnh Giao.

Đời sống riêng nhiều biến cố

Dù thành công tột bậc trên đỉnh cao danh vọng suốt hơn 70 năm, nhưng Thái Thanh lại có đời sống hôn nhân khá ngắn ngủi. Năm 1956, tại Sài Gòn, Thái Thanh kết hôn với tài tử Lê Quỳnh. Thời điểm đó, Thái Thanh đã được xưng tụng là “đệ nhất danh ca Sài Gòn”, còn Lê Quỳnh là một trong những tài tử điện ảnh mới nổi của đất Sài Thành. Thái Thanh tâm sự:

“Chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn. Tôi gặp bố các cháu vào lúc ông ấy đi đóng cuốn phim “Chúng Tôi Muốn Sống”. Lúc đó tôi đã là ca sĩ khá nổi tiếng rồi. Khi mà ông ấy cho người tới mai mối thì gia đình tôi mới trả lời tôi rằng, ông ấy là tài tử xi-nê nổi tiếng, còn con thì hát nổi tiếng, bố mẹ cho con lấy đấy.

Tôi nhớ đã gặp bố các cháu lần đầu vào dịp trình diễn văn nghệ vào dịp tết ở những rạp trước giờ chiếu phim. Gọi là phụ diễn nhưng có khi kéo cả giờ đấy. Anh Lê Quỳnh ở trong ban văn nghệ. Ông ấy hát hay lắm, chỉ có điều là ông ấy không đi hát thôi. Ông ấy lại đóng phim giỏi. Ông ấy đóng kịch thì tuyệt vời. Đó là trời sinh ra ông ấy để ông ấy đứng trên sân khấu chứ không phải ở dưới này đâu. Thì trong một buổi diễn chung như vậy, chúng tôi gặp nhau. Và chúng tôi mê nhau”

Cặp đôi tài danh bước vào hôn nhân khi cả hai vừa tròn 22 tuổi. Với Thái Thanh, thời điểm đó có lẽ là độ tuổi vừa chín tới để bà làm vợ làm mẹ nhưng với Lê Quỳnh khi đó mới từ một chàng sinh viên nghèo bước lên vũ đài danh vọng, lại nổi tiếng với bản tính đào hoa bay bướm. Và chuyện gì đến đã đến, cuộc hôn nhân của họ kéo dài đến năm 1965 thì tan vỡ. Trong 9 năm chung sống với chồng, Thái Thanh sanh được 5 người con gồm 3 gái và 2 trai.

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với Lê Quỳnh, Thái Thanh có rất nhiều người đàn ông đeo đuổi trong đó có hai người nổi tiếng có tình cảm đặc biệt với bà là nhà văn Mai Thảo, nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Tuy nhiên, Thái Thanh chỉ giữ mối quan hệ ở mức bạn bè, đi chơi chung chứ không hề chung đụng và cũng hoàn toàn không tái giá với bất kỳ người đàn ông nào.

Đặc biệt, dù có chia tay, Thái Thanh luôn ý thức giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với chồng cũ và cả người vợ sau của ông. Tuy nhiên, nỗi buồn về cuộc hôn nhân đổ vỡ có lẽ vẫn đeo theo bà nhiều năm sau đó. Cô con gái lớn Ý Lan từng tâm sự: “Tôi sống với mẹ và có điều kiện gần gũi với bà. Mỗi đêm ngủ, tôi chia sẻ với mẹ – một người phụ nữ không có chồng ở bên với nhiều nỗi cô đơn thường trực. Và nỗi cô đơn ấy đã gắn liền với tuổi thơ, kết đọng lại thành hành trang giúp tôi trở thành nghệ sĩ sau này”.

Chính vì nỗi buồn không giữ được một gia đình trọn vẹn cho con, không thể hoàn thành vai trò của một người phụ nữ bình thường với những giờ giấc bình thường khi là nghệ sĩ, nên với các con của mình, đặc biệt là Ý Lan, Thái Thanh luôn cấm cản không cho theo nghiệp mẹ. Khi Ý Lan còn trẻ, Thái Thanh luôn cố gắng khuyên cô tìm một công việc bình thường, sống một cuộc sống bình thường với gia đình con cái. Tuy nhiên, đến cuối cùng, Ý Lan vẫn quyết tâm theo đuổi âm nhạc khi đã 32 tuổi. Và cũng như mẹ, cô ly hôn người chồng đầu tiên chỉ sau khoảng 1 năm đi hát, khi đã có 5 người con.

Thái Thanh và con gái đầu lòng Ý Lan

Dù là nghệ sĩ nổi tiếng được săn đón, nhưng với con cái, Thái Thanh là một người mẹ chu toàn, kỹ lưỡng. Ca sĩ Ý Lan từng tâm sự, mẹ cô bảo bọc con cái rất kỹ, ngoài giờ học, bà thường giữ con trong nhà chứ ít khi cho ra ngoài chơi vì sợ con hư hỏng, ốm đau. Bà cũng rất chú trọng dạy dỗ con cái nề nếp gia phong, lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ngoài việc lo lắng cho cô con gái lớn Ý Lan lấy chồng, sinh con sớm rồi lại ly dị chồng sớm. Thái Thanh còn rất vất vả với cậu con trai út Lê Đại và cô con gái kế út tên Thanh Loan. Năm 1965, Khi Thái Thanh chia tay chồng, cậu con trai út Lê Đại mới chỉ 1 tuổi, bị bệnh sốt tê liệt nên liệt hết nửa mình dưới. Thái Thanh một mình đảm đương gia đình, vừa làm cha vừa làm mẹ, vừa lo kinh tế, vừa chăm sóc con cái. Năm 1968, khi tròn 4 tuổi, Lê Đại bị ốm rất nặng, Terre Des Hommes – Tổ chức cứu trợ trẻ em hoạt động trên toàn thế giới, có trụ sở ở Thuỵ Sỹ đã giúp đỡ đưa Lê Đại qua Ý chữa trị suốt 3 năm ròng, đến năm 1971 mới được trở về Việt Nam.

Biến cố tháng 4 năm 1975 đột ngột ập đến, phòng trà, sân khấu đồng loạt đóng cửa. Thái Thanh không thể đi hát dòng nhạc mà bà vẫn hát, sự nghiệp bị đóng băng suốt 10 năm sau đó. Ca hát là nghề duy nhất của Thái Thanh, không được đi hát thì không có tiền để mưu sinh, bà phải bán lần lượt các đồ trong nhà và nữ trang đã tích góp được trong nhiều năm trước đó.

Đến năm 1985, sau khi di cư sang Mỹ, Thái Thanh mới tiếp tục ca hát, tham gia nhiều show âm nhạc lớn nhỏ ở hải ngoại. Tuy nhiên, ngay khi đến Mỹ, cô con cái kế út là Thanh Loan đột nhiên mắc bệnh trầm cảm ngày càng nặng phải đưa vào bệnh viện. Giữa đất khách quê người, Thái Thanh một mặt đưa đón cậu con trai liệt nửa người hàng ngày đi học, một mặt kề cận, chăm non cô con gái kế hằng mong chữa trị bệnh tình cho con.

Gần như cả đời mình, ngoài âm nhạc, Thái Thanh chỉ biết đến chồng rồi con. Vậy nên, các con bà khi đã trưởng thành đều rất yêu thương và ngưỡng mộ mẹ.

Ý Lan tâm sự: “Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ Thái Thanh âu yếm, chăm sóc và yêu thương các con đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều khi tôi làm mẹ.”

Những năm cuối đời

Năm 2000, Thái Thanh phải nhập viện vì bị tai biến mạch máu não. Sau cơn bạo bệnh, sức khoẻ của bà bị suy yếu nặng. Năm 2002, sau một đêm diễn cùng với con cháu, Thái Thanh tuyên bố giải nghệ.

Tuy nhiên, khi sức khoẻ tốt hơn, Thái Thanh thỉnh thoảng vẫn tham gia ca hát trong những đêm diễn đặc biệt của riêng bà. Đó là năm 2005, Thái Thanh xuất hiện trong đêm nhạc thính phòng “Vinh danh Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian” và năm 2006, trong đêm nhạc “Thái Thanh và ba thế hệ”. Trong cả hai đêm diễn, Thái Thanh vẫn thể hiện xuất sắc giọng hát thiên phú của mình dù khi đó bà đã ngoài 70 tuổi. Đặc biệt, năm 2007, Thái Thanh tham gia Talent Show 2007 của trung tâm Thuý Nga với vai trò Giám Khảo.

Ngày 17 tháng 3 năm 2020, Thái Thanh qua đời tại Orange County, Nam Califonia, sau một thời gian dài nằm bệnh. Tuy nhiên, do tình hình phức tạp của dịch bệnh covid 19, gia đình đã quyết định không tổ chức lễ viếng.

chuyenxua.net

Viết một bình luận