Cuộc đời đa truân của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh – Nữ chủ bút đầu tiên của làng báo Sài Gòn

Sương Nguyệt Anh là nữ nhà báo nổi tiếng Việt Nam đầu thế kỷ 20, là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bà tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh.

Bút hiệu Sương Nguyệt Anh của bà có nghĩa là “Góa phụ Nguyệt Anh”. Chữ Sương nghĩa là người đàn bà góa chồng ở vậy nuôi con, còn Nguyệt Anh là tên tự (theo Nho giáo). Tuy nhiên về sau nhiều nơi ghi nhầm thành Sương Nguyệt Ánh, thậm chí tên đường ở Sài Gòn cũng ghi sai suốt nhiều năm. Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh.

Một nhầm lẫn khác liên quan tới Sương Nguyệt Anh, đó là hình ảnh bên dưới được dùng làm minh họa cho dung nhan của bà Sương Nguyệt Anh. Đầu năm 2023, để tôn vinh Sương Nguyệt Anh – nữ chủ bút đầu tiên của tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam, Google đã dùng hình ảnh này trên Google Doodle, nhưng sau đó đăng lời xin lỗi vì sự nhầm lẫn.

Hình ảnh trên Google Doodle đầu năm 2023

Hình ảnh bên trên không phải là Sương Nguyệt Anh, mà là nhà giáo Đặng Kim Chi – hiệu trưởng đầu tiên của Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh ở Sài Gòn.

Dung mạo nữ sĩ Sương Nguyệt Anh và sự nhầm lẫn Sương Nguyệt Ánh - Ảnh 1.
Tên Sương Nguyệt Anh được đặt cho tên đường, tên trường. Sổ lưu niệm trường nữ Trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh niên khóa 1973-1974

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tư liệu về báo chí thế kỷ 20, ông không thấy hình ảnh về nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, vì vậy đến nay dung nhan của bà chỉ được kể lại qua lời người xưa. Trong cuốn Điếu cổ hạ kim thi tập được in ra khi bà còn sống, và hẳn tác giả đã có dịp gặp vị nữ chủ bút nên mới có những dòng miêu tả và nhận định về dung mạo, tính cách của Sương Nguyệt Anh khi ở tuổi ngoài 50 như sau:

“Hình trạng nho nhã ốm yếu, tính nết điềm đạm hiền lành […] học chữ nho nhiều, năng làm nôm thi chữ, hơi văn chương tao nhã, cả đờn bà trong Nam Kỳ duy cô ấy chữ nho nhiều hơn hết”, Điếu cổ hạ kim thi tập ghi. Vẫn sách này, Nguyễn Liên Phong đã làm bài Đường luật ngợi ca bà. Trong đó có câu:

“Gương tỏ đời nay trang tiết phụ,
Lâu dài tiếng tốt tạc non sông”.

Vẫn về dung mạo và tính cách của Sương Nguyệt Anh, sách Nữ thi hào Việt Nam đồng quan điểm với Nguyễn Liên Phong khi có đoạn chép: “Bà là một thiếu nữ thông minh, dĩnh ngộ, giỏi cả chữ Hán và thơ Nôm […] Tính bà giản dị, tự nhiên, dù tài giỏi, cũng không bao giờ hiếu danh, kiêu ngạo”.

Sương Nguyệt Anh sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre. Cuộc sống của bà trải qua nhiều vất vả. Cha là Nguyễn Đình Chiểu qua đời khi bà 24 tuổi, bà cùng anh trai tiếp quản trường học để dạy cho người địa phương. Sau đó, bà chuyển đến Rạch Miễu, Mỹ Tho, kết hôn và sinh được một con gái. Hai năm sau, chồng bà qua đời.

Đầu năm 1918, có một người Pháp tên là Henri Blaquière (tên Việt là Lê Đức) đã xin phép chính quyền xuất bản một tờ báo dành riêng cho phụ nữ với tên là Nữ Giới Chung, nội dung bài vở do người Việt viết và in hoàn toàn bằng chữu Việt. Ông Henri đã mời nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đứng ra làm chủ bút.

Dung mạo nữ sĩ Sương Nguyệt Anh và sự nhầm lẫn Sương Nguyệt Ánh - Ảnh 2.

Nữ Giới Chung được xuất bản mỗi tuần một lần và phát hành vào ngày thứ Sáu, gồm 18 trang, có 8 trang quảng cáo, giá mỗi tờ là 40 xu. Số 1 phát hành ngày 1/2/1918, với lời phi lộ như sau:

Ngay sau khi đến Sài Gòn và trong chương trình nâng cao mức sống xã hội của Annam, ông Toàn quyền Albert Sarraut đã cho phép xuất bản một tờ báo phụ nữ đầu tiên dùng để nâng cao mức sống của phụ nữ.

Về phần nội dung tờ Nữ Giới Chung số ra mắt, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã viết rõ mục đích của tờ báo là chú trọng tois việc truyền bá chữ Quốc ngữ, không đả động tới việc chính trị. Tuy nhiên bên cạnh đó tiêu chí của tờ báo được nêu rõ:

– Nâng cao nền luân lý;
– Dạy cho độc giả biết cách sống hằng ngày;
– Chú trọng tới nền thương mại và tiểu công nghệ;
– Tạo sự tiếp xúc giữ con người.

Với 4 mục đích trên, độc giả thời đó cũng đã thấy rõ có là có liên quan ít nhiều tới chính trị.

Ở số đầu tiên ra mắt, báo chia làm 6 mục (thực tế là 5 mục). Ngoài Mấy lời kính tỏ, Lời tựa đầu, thì mục I là Xã thuyết với bài Thế lực người đờn bà; mục II Học nghề có bài Nghề đặt dầu thơm; Mục III Gia chánh có ba bài: Nghề làm bánh, Việc cần nên biết, Cách nuôi con; Mục IV Văn uyển có Tiếng chuông Nữ giới, Thơ, Văn thơ cũ, Băng thuyết nhơn duyên, Truyện một ngàn và một ngày; Mục VI Tạp trở (thực ra là Mục V) có 6 bài là Mấy lời ngỏ với chị em, Cách ngôn, Tướng nảo cốt, Hài đàm, Cuộc đố chơi, Mẹ con nói chuyện. Báo ra ngày thứ sáu hằng tuần. Tòa soạn đặt tại số 15 đường Taberd, Sài Gòn (Nay là đường Nguyễn Du, Quận 1). Tổng lý của báo là Trần Văn Chim. Chủ báo là Henri Blaquière, cũng là chủ báo tờ Le Courrier Saigonnais.

Tác giả Philippe M.F.Peycam khi nghiên cứu Làng báo Sài Gòn 1916 – 1930 có nhắc đến việc bà Sương Nguyệt Anh vạch ra các mục tiêu cho tuần báo này là nâng cao vai trò của nữ giới, thông qua việc khuyến khích phát triển văn học quốc ngữ để giáo dục chị em, lại ủng hộ thương mại và kỹ nghệ, dạy chị em biết ứng xử “tân thời”. Tuy nhiên, sách này cũng cho rằng chủ trương của báo còn bảo thủ, khi chưa vươn tới mức cổ súy “nữ quyền” hoặc “nam nữ bình quyền” như các tờ báo của nữ giới sau này. Điều này, cũng có thể hiểu ở vai trò tiên phong của báo thuở ban đầu trên đường công luận, chưa thể làm cuộc cách mạng “nữ quyền” giữa một xã hội mà lề lối Nho gia còn sâu đậm, cũng như bà chủ bút dù có tư tưởng tiến bộ, thì cũng chưa thể vượt qua được những định chế xã hội bấy giờ.

Dẫn dắt tờ báo được một thời gian, bà Sương Nguyệt Anh bị đau mắt, phải về quê nghỉ ngơi, tờ báo này tồn tại 22 số chỉ trong 6 tháng thì đình bản ngày 19/7/1918. Trong thời gian ngắn ngủi, tờ báo này cũng đã mang tới cho giới phụ nữ trong nước ít nhiều hiểu biết về sự đổi đời trong đời sống tinh thần và vật chất của phụ nữ Việt Nam, những người từ xưa đã bị ràng buộc chặt chẽ trong tư tưởng Khổng Mạnh.

Bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung khi đã 54 tuổi. Trước đó 30 năm, ở tuổi 24, bà kết hôn với ông Phó tổng Nguyễn Công Tính ở đất Mỹ Tho, sinh được người con gái tên Nguyễn Thị Vinh. Hạnh phúc không bao lâu thì chồng qua đời, bà đã làm bài thơ nói về phận đa truân của mình:

Năm canh thức giấc… năm canh những…
Nửa gối so le, nửa gối chờ
Vườn én rủ ren trên lối cũ
Canh gà xao xác giục tình xưa.

Mẹ góa con côi, hằng đêm hai mẹ con ôm nhau ngủ. Là góa phụ còn son trẻ, dù có nhiều chàng trai trong vùng Mỹ Tho ngỏ lời xin gá nghĩa nhưng bà vẫn quyết thủ tiết thờ chồng nuôi con. Khi đó, ở Mỏ Cày có thầy Bảy Nguyện vốn đã mê tài thi phú của cô Năm Ngọc Khuê, nên đã bắn tiếng bằng bài thơ ngắn:

Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô:
Chẳng biết lòng cô tính thế mô?
Không phải vải chùa toan đóng cửa
Đây hồng gấm ghé bắc cầu ô.

Nhưng cô Năm đã lịch sự trả lời bằng cách họa lại bài thơ trên như sau:

Chẳng phải tiên cô, chẳng đạo cô
Cuộc đời dâu bể biết là mô?
Lọng sương dù rách còn kêu lọng
Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô.

Câu cuối, cô Năm ý nói rằng cái ô dầu có đem bịt bằng vàng ròng thì ô vẫn là ô. Bằng lời cao ý đẹp, cô Năm chứng tỏ tấm lòng trong sạch, dù cam làm chiếc lọng trơ sương, nhưng vẫn quyết chí không mang tiếng ô, dù ô có đem vàng ròng tô điểm cũng kệ. Cô Năm còn họa thêm một bài thơ khác như sau:

Phải thời ô quả, chịu thời cô,
Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?
Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa
Ngọc lành chi để thẹn danh ô.

Ngoài thầy Bảy Nguyện ra, còn có ông Phủ Học cũng thả lời ong bướm với cô Năm Ngọc Khuê qua bài thơ:

Phải gần với Nguyệt lúc lưng vơi,
Đặng hỏi Hằng Nga những sự đời
Ở hạ mây mưa còn kém sắc
Về thu non nước tỏ cùng nơi

Hay trông Du Lượng xây lầu trước
Hoặc đợi Thanh Liên đón chén mời?
Vóc ngựa há sờn cơn gió bụi
Tài tình rõ mặt khá đua bơi.

Giữ phép lịch sự, Ngọc Khuê trả lời:

Hết lúc trang đầy đến lúc với
Nên hư trong cuộc phải coi đời
Vén mây bóng thỏ soi ngàn dặm
Đáy nước cung thiềm tỏ khắp nơi

Nột chi đứa gian hiềm vẻ rạng
Vui lòng người triết thú đua bơi
Khỏi vòng hối thúc ưng ra mặt
Đứng giữa trời xanh tiết chẳng dời.

Một sương phụ có cả tài lẫn sắc, ngoài 2 ông ngấp nghé, còn có nhiều người đàn ông khác quanh vùng Ba Tri – Mỹ Tho để ý đến cô Năm. Như ông Bái Liễu bày tỏ tấm lòng như sau:

Trời đất ghen chi dự sắc tài
Vườn xuân vội úa bảy phần mai
Gương loan sảng sốt càng ngơ ngáo
Phấn vẽ dồi mai lại kém phai

Lặng lẽ duyên hồng tơ tóc vắn
Vấn vương phận liễu tháng ngày dài
Bông đào bao thuở thay đôi lứa
Nỡ để trăng thu bóng xế đoài.

Cô Năm Ngọc Khuê trả lời bài thơ như sau:

Tài không sắc, sắc không tài,
Lá úa nhành khô cũng tiếng mai
Ngọc ánh chi nài non phán đượm,
Vàng ròng há sợ mất màu phai.

Ba giêng trước đã xe tơ vắn,
Bốn đức nay tua nổi tiếng dài.
Dẫu khiến duyên này ra đến thế,
Trăng thu dầu xế rạng non đoài.

Ngoài ba ông Bảy Nguyện, Phủ Học và Bái Liễu ra, còn có văn hữu Võ Sâm cũng cảm mến thơ văn và lòng kiên trinh của cô Năm Ngọc Khuê, nên ông Võ Sâm đã làm bài thơ:

Đem mình mai một chốn non thâm,
Cái vóc hoa lành cảm bấy xuân
Cội ấm bóng yêm lòe nét bạc,
Nhánh sương lá tuyết ánh màu ngân.

Hương thơm đẹp ý người du cảnh,
Ngút sạch vui chân khách lạc trần.
Nỡ chẳng vẽ hình nơi cửa sấm,
Đem mình mai một chốn non thâm.

Bài thơ trên họa lại từ một bài thơ của cô năm Ngọc Khuê, tựa là “Thưởng bạch mai ở núi Điện Bà”. Võ Sâm đã mượn đủ cả vần và cảnh họa tặng lại người đã để vịnh cây mai trắng, bởi người ấy quả là xứng đáng với mai thần. Nguyên văn bài Thưởng bạch mai của Sương Nguyệt Anh như sau:

Non linh đất phước trổ hoa thàn
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân
Tuyết đượm nhành liên in sắc trắng
Sương sa bông nguyệt ánh màu ngân

Mây lành gió tạnh nương hơi nhánh
Vóc ngọc mình băng bật khối trần
Sắc nước hương trời non cảm mến
Non linh đất phước trổ hoa thần.

Ở góa nuôi con khôn lớn, Sương Nguyệt Anh đã gả con gái Nguyễn thị Vinh cho Nhâm Sinh Mai Văn Ngọc – người đất Mỹ Tho. Một năm sau, Nguyễn Thị Vinh sinh được con gái đầu lòng, nhưng chỉ 3 ngày sau thì Nguyễn Thị Vinh bệnh mất. Sương Nguyệt Anh phải nuôi cháu ngoại mới sơ sinh. Cháu ngoại này tên Mai Kim Ba, sau này kết hôn với ông Phan Văn Hùm. cũng là một văn sĩ tài danh của đất Nam kỳ, là thành viên của Đệ tứ cộng sản và ngồi tù Khám Lớn năm 1928 và Côn Đảo năm 1939. Tác phẩm lớn nhất của Phan Văn Hùm mang tên Ngồi Tù Khám Lớn. Năm 1955, Phan Văn Hùm được đặt tên cho 1 con đường ở trung tâm Sài Gòn, nay là đường Nguyễn Thị Nghĩa ở Ngã 6 Phù Đổng.

Trên báo Phụ Nữ Tân Văn, ông Phan Văn Hùm có viết bài mang tên “Sương Nguyệt Anh và đạo tam tùng”, cho biết thêm đôi điều về lối sống thanh cao của “bà ngoại vợ” như sau: “Dòng dõi nho gia, thì đạo tam tùng của bà hẳn là gắt gao nghiêm mật. Nàng Kiều Nguyệt Nga vai mang bức tượng thủ tiết với Lục Vân Tiên là chuyện của thân sinh bà đặt ra, bà quên sao cho được lời đình huấn của cụ Đồ Chiểu? […] Đối với mình thì bà nghiêm khắc, mà cùng người thì dường như bà có khoan dung”.

Về phầm bà Sương Nguyệt Anh, bà qua đời ngày 20/1/1921 ở tuổi 57. Cho tới nay, bà được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách cao đẹp, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam, mở đường cho các thế hệ sau. Bà có mối quan hệ với mọi tầng lớp xã hội và đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Một số đường phố mang tên Sương Nguyệt Anh ở Sài Gòn, Đà Lạt, Vũng Tàu.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh ‘trong trắng lầu lầu gương nữ sĩ’ - Ảnh 2.
Mộ bà Sương Nguyệt Anh (bên trái), bên cạnh mộ cha mẹ

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận