Cuộc đời của Cô Ba Trà – Đệ nhất mỹ nhân của Sài Gòn 100 năm trước

Ở Nam Kỳ thời xưa có một người đàn bà đẹp sắc sảo một cách tự nhiên không cần trau giồi son phấn, tóc đen huyền, dài chấm gót chân: đó là cô Ba Thiệu (cô Ba Trà Vinh), vợ thầy Thông Chánh, quê ở Trà Vinh.

Hình Cô Ba Thiệu

Cô Ba đẹp cho đến nỗi nhà Bưu điện Sài Gòn cho in hình cô vào con tem, phát hành cả Đông Dương.

Tuy nhiên có lẽ người đẹp nhất Nam Kỳ thời điểm đầu thế kỷ 20 là một cô Ba khác nữa, được gọi là Ba Trà, mà ai ai cũng nghe nhắc tới.

Cô Ba tên thật là Trần Ngọc Trà (1906-1968), là một bà hoàng không ngai, lên xe xuống ngựa trong mấy chục năm liền. Mỗi lần ra đường có tôi tớ, kẻ hầu người hạ, ngồi xe du lịch mui trần có tài xế riêng mặc đồng phục để lái, có người vệ sĩ ngồi băng trước để mở cửa.

Hình được cho là cô Ba Trà

Thuở đó hình ảnh cô Ba Trà là một bà hoàng quý phái, các ông phủ, ông huyện, các công tử, thầy thông, thầy ký đều nhìn cô thán phục, thèm thuồng…

Trong hồi ký, chính cô Ba kể lại sắc vóc của mình khi 15 tuổi như sau: “…Mặt trái xoan, mũi dọc dừa, má hồng môi đỏ tự nhiên, chưn mày đều đặn, lông mi dài và đen, cặp mắt ngây thơ ướt rượt như con chim bồ câu khát tình. Tôi có vóc mình vừa vặn không cao không thấp, đi đứng khoan thai, có dáng con nhà trâm anh…”

Trong bài “Các cuộc đời ngoại hạng Nam Kỳ thuở trước“, đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn, có viết: “Theo lời các cụ cao niên kể lại trong khoảng thời gian từ năm 1925-1935, các người đẹp sắc nước hương trời như cô Ba Trà, cô Tư Nhị, cô Sáu Hương, cô Hai Thời… mỗi người một vẻ đẹp riêng, báo hại các công tử như cậu Hai Định, cậu Ba Qui, công tử Phước George… tranh nhau phá của cha mẹ để lại. Chiều chiều các cô ngồi xe mui kiếng, tài xế mặc đồng phục lái, lượn quanh Sài Gòn, Chợ Lớn, đường Catinat, chợ Bến Thành. Có khi họ lên Thủ Đức ăn nem nướng, hoặc tắm suối Xuân Trường…”

Thói thường bên cạnh các anh hùng mã thượng phải có những tiểu thơ đài các, có tài tử phải có giai nhơn mới tương xứng. Người đẹp thời nào cũng có. Họ là những đoá hoa tươi thắm, tô điểm cho cuộc đời thêm hương sắc, nhưng cũng là những bông hoa đầy gai. Có khi họ gieo tai hoạ cho bọn mày râu. “Giai nhân khuynh quốc” một kinh nghiệm do người xưa rút ra khi đọc truyện lịch sử và dã sử nước Tàu.

Sau hơn nửa thế kỷ sống dưới chế độ thuộc địa, Nam Kỳ bắt đầu phát triển thành một xứ phồn thịnh, một nơi ăn chơi của lớp nhà giáu mới nhờ vào ruộng đất. Cụ Nguyễn Văn Vực có kể lại cho tôi nghe rằng hồi trước cụ có đọc một tác phẩm nói về người đẹp số 1 Nam Kỳ, nhan đề “Cô Ba Trà, ngôi sao sáng đất Sài Gòn” của tác giả Nguyễn Bửu Ý xuất bản năm 1927, là năm cô Ba sáng chói trên tiền và sắc đẹp. Cụ cũng cho biết cụ có đọc chuyện “Bạch Công Tử gặp Hắc Công Tử” của tác giả Mộng Xuân do nhà in “Xưa Nay” xuất bản cùng năm, đủ biết vào thời đó giai nhơn và công tử ấy nổi danh đến bực nào.

Nhà văn lão thành Phạm Thăng cũng là hoạ sĩ có kể lại rằng: ”Hồi trước tôi có được xem một tấm hình huê khôi Ba Trà, là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn, đăng trên trang bìa một tờ báo, lâu quá không nhớ tên”.

Vào thập niên 1930, chính cô Ba Trà lăng xê mốt áo dài và quần hàng lụa cùng một màu đầu tiên ở Nam Kỳ. Còn cụ Vương Hồng Sển, nhà văn kiêm nhà khảo cổ đã viết: ”Cô Ba Trà, đệ nhứt huê khôi ở Nam Kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời, từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”.

Kể về cuộc đời huê khôi Ba Trà ở Nam Kỳ 100 năm trước, có nhiều sách báo viết lại, nhưng mỗi người viết mỗi khác. Trong số sách báo đó, có “Cô Ba Trà, étoile de Saigon” của Nguyễn Bửu Ý xuất bản sớm nhứt vào năm 1927 là lúc nhan sắc cô Ba Trà đang sáng chói, tiền bạc vô như nước, ăn xài như một bà hoàng. Có lẽ không có tài liệu nào chính xác hơn là những lời tự thuật của cô, do nhà khảo cổ si tình cô là ông Vương Hồng Sển ghi lại và bán cho báo “Tiếng Dội” của ông Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm. Ông Quốc có sáng kiến, mua tập hồi ký ấy, đăng độc quyền 17 kỳ liên tiếp trên báo đó, được hàng ngàn độc giả say mê theo dõi.

Viết lại cuộc đời của giai nhơn công tử ăn chơi thời trước không có nghĩa là đề cao các thú vui trụy lạc, mà cũng không nhìn dưới khía cạnh của nhà đạo đức để lên án họ. Công việc của tác giả là nhìn dưới khía cạnh xã hội một hiện tượng độc đáo của nó mà trước đó và sau đó cũng không có được. Đó là thời kỳ vàng son của các ông hội đồng quản hạt, hội đồng địa hạt, ông Đốc-Phủ sứ, cai tổng, đại điền chủ, đến lớp con cái họ, những công tử phong lưu, mới mở mắt ra đã thấy mình ngồi trên núi vàng! Thời đó hạng công tử nhà giàu đi du học bên Pháp về, đỗ đạt hay không cũng trở nên thần tượng của các cô gái tân thời. Thêm vào đó, các phim nhập cảng từ Pháp gây ảnh hưởng đến các thanh niên, gái mới: Ăn chơi không tiếc tiền, có hành động anh hùng mã thượng.

Có người thắc mắc tại sao hồi đó ở Nam Kỳ chưa có tổ chức thi hoa hậu mà lại gán cho cô Ba Trà chức “Huê Khôi?”.

Thực ra vào năm 1937, Nam kỳ có tổ chức cuộc thi Hoa Hậu, và người đăng quang là cô Nguyễn Thị Liễu. Lúc đó cô Ba Trà đã nổi danh về sắc đẹp nhưng đã quá tuổi. Điều kiện dự thi phải từ 18 đến 25 tuổi, mà cô Ba Trà sinh năm 1906, tức 32 tuổi ta, như vậy không đủ điều kiện. Hơn nữa, lúc đó cô Ba Trà đẹp như một đóa hoa mãn khai, không phải như hoa mới nở của thời 1924-1927 nữa. Vì lẽ đó cô Ba Trà không dự thi tranh chức hoa hậu mà dân chúng Nam Kỳ vẫn gọi cô “Huê Khôi”.

Cô Ba Trà kể về tuổi thơ bất hạnh trong hồi ký

Thật khó có ai nghĩ rằng một người đàn bà đẹp, đài các nhung lụa như cô Ba Trà trong gần 20 năm sáng chói trên tiền và danh vọng, lại có một thời thơ ấu bất hạnh. Nếu không có tập hồi ký do chính cô kể lại, chắc chắn không ai biết được lại lịch gốc gác của cô.

Thân phụ cô là một người đàn ông kén vợ. Sinh trong một gia đình điền chủ hạng trung, có vài chục mẫu ruộng thuộc tỉnh Chợ Lớn (Tân An sau nầy) đã được coi là hạng khá giả. Sau nhiều lần coi vợ, ông ta mới chấm được mẹ cô, quê ở làng Phước Khánh, quận Cần Giuộc. Quê nội cô tại Cần Đước (Tân Trụ). Trong hồi ký có nói:

…Khi tôi mới lên 5 tuổi, một biến cố đã làm tan nát gia đình tôi cũng vì mẹ tôi là người có sắc đẹp. Chỉ nghe phong phanh rằng mẹ tôi ngoại tình, ba tôi tức giận thổ huyết mà chết. Hay tin sét đánh, từ Cần Giuộc, bà nội tôi lên tới nợi. Đứng trước quan tài, bà khóc oà rồi ngất xỉu và chết luôn. Hai quan tài song song, nghe mẹ tôi kể lại, không còn cảnh thương tâm nào bằng.

Bà nội tôi là người thương tôi nhứt theo như trí hiểu biết của tôi, vì mỗi lần tôi về nhà bà, đều được tưng tiu chiều chuộng đủ mọi thứ. Có lẽ bà bị bịnh đau tim, lúc đó gọi là trúng gió, nên chết bất đắc kỳ tử. Tình thương duy nhứt của tôi cũng mất theo từ đó. Ai có đi đưa đám thấy hai chiếc quan tài đi song song cũng mủi lòng, không cầm được nước mắt. Chôn cất xong, một tai ương khác trút xuống trên đầu mẹ con tôi.

Bác trai tôi, người đại diện cho gia đình bên nội, kêu mẹ tôi đến rồi tự tay lột cái mũ mấn (tôi đội để tang) xuống và tàn nhẫn nói rằng:

– Lúc lâm chung, thằng Trần Ngọc Trí (cha tôi) có nói rằng, không nhìn nhận nó là con ruột của ông!

Từ đó, bác tôi đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà bên chồng trong lúc mẹ tôi bụng mang dạ chửa (em tôi) và đứa con thơ là tôi. Tôi thấy mẹ tôi cắn răng, gạt nước mắt chịu đựng, tay bồng tôi, tay ôm bọc quần áo đi bộ về nương náu bên nhà bà ngoại. Con gái có chồng, gặp cảnh khổ, ẵm con về mẹ ruột. Người xưa thường nói câu:”Cháu bà nội, tội bà ngoại”. Bao nhiêu cay đắng, cực khổ bà ngoại tôi lãnh hết. Tôi rất buồn mà kể lại chuyện nầy, không rõ mẹ tôi hận người đàn ông bạc tình thế nào mà bao nhiêu hờn giận ba tôi, bà trút lên đầu đứa trẻ vô tội là tôi. Có lúc mẹ tôi đánh tôi như trả thù, bao nhiêu củi đòn củi chẻ bà quất tưới lên mình tôi rướm máu, mà còn nói:

– Tao đánh mầy cho chết, cho tiệt nòi giống quân đoản hậu!

Tôi nào có biết gì, một đứa con nít ngây thơ tám, chín tuổi trở thành nạn nhơn của những cơn thịnh nộ của bà. Đến nỗi, năm lên chín tuổi, tôi lớn chồng ngồng cái đầu mà mẹ tôi chưa cho tôi đi học, trong khi những đứa trẻ khác ở lối xóm đã đi học từ lúc lên sáu hoặc bảy tuổi. Thấy chúng tung tăng đến trường, hay mỗi khi đi học về, cười nói huyên thuyên tôi tủi thân. Cũng có lúc mẹ tôi vui, mua bánh trái ăn không hết, nhưng lúc giận đánh tôi túi bụi. Tại sao cha tôi gây tội với mẹ, hay phản bội mà mẹ lại đánh con để trả thù”.

Trong lúc nhan sắc về chiều, có lần cô Ba Trà tâm sự:

“Tôi là một người hư đốn, sống cuộc đời ba chìm bảy nổi cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Thiếu tình phụ tử, thiếu tình thương yêu săn sóc của mẹ, không được học hành (chỉ học được vài ba năm), chỉ có gia tài duy nhứt do trời ban cho, đó là sắc đẹp. Nhưng cũng vì đẹp nên tôi trở thành nạn nhơn của tục lệ tảo hôn. Năm tôi được mười bốn tuổi, mẹ tôi gả (hay bán tôi) cho một bác sĩ người Pháp, có tiền để mua thú vui xác thịt. Cũng may là người ấy hiền, có lòng từ tâm, cho tôi đi học tiếp với tụi học trò nhỏ hơn tôi năm, bảy tuổi. Tôi đi học chung với bọn học trò còn để chóp, học vỡ lòng A, B, C, tập viết, tập đồ… Vì lẽ đó sau nầy lòng tôi chai đá, không biết rung động yêu thương ai thật tình.

Tôi như nước đổ lá môn, xối bao nhiêu cũng đều trơn trợt, tuột ngoài da . Cho tới bây giờ tôi cũng không rõ mẹ tôi vì túng tiền hay vì muốn gả tôi cho khuất mắt, nên bằng lòng gả cho người ngoại chủng. Tôi nhớ lại trong lớp tôi học, có hai đứa cháu, tôi thuộc vai “dì” của chúng, mà chúng cũng không nhìn nhận tôi là kẻ thân thuộc, thật tủi thân cũng vì tôi nghèo và sớm mồ côi.

Ngày bà ngoại tôi mất, người nhà vô trường lãnh hai đứa cháu tôi về để tang bà cố, còn tôi, họ coi như người dưng. Nhớ tới ngoại, nhớ khi bà cho từng lóng mía, củ khoai, có lẽ chỉ có bà là người thương tôi sau cùng mà đã chết. Tôi trơ trụi, phó mặc cho cuộc đời. Không ai dạy dỗ, không ai săn sóc yêu thương, không ai chia sẻ ngọt bùi, tôi ra đời sớm, từng trải là như vậy, nên sau nầy gặp nhiều người hết dạ thương tôi mà tôi lại vô tình đến tàn nhẫn. Tôi hối hận vô cùng!

Lần đó, tôi phải bỏ trường, trốn, leo rào về nhà để nhìn mặt bà ngoại lần cuối. Nhưng than ôi khi tôi về tới nhà, nắp hòm đã đậy lại. Tôi khóc như mưa vì đâu có thấy mặt bà. Tôi nhớ từ lúc ba tôi mất, mẹ tôi đem về giao cho bà ngoại tôi nuôi dưỡng. Còn má tôi đi biệt, nói rằng đi làm ăn buôn bán, lâu lâu mới về. Cho đến khi ngoại tôi mất, tôi mới theo má tôi, và bị ép gả lấy chồng Tây năm mười bốn.

Má tôi là người đàn bà có nhan sắc, nói theo hồi đó, đi ra đường nhiều người dòm ngó. Lên sống ở Sài Gòn, bà lấy chồng người Tàu, làm nghề buôn á phiện, trước nhà có treo một cây cờ vải, trên có hai chữ “R.O.” mà sau nầy tôi mới biết là “Régie d’Opìum”, có nghĩa là đại lý bán á phiện. Hồi đó nghề nầy rất phổ thông, được người Pháp khuyến khích. Nhà dượng ghẻ tôi ở bên Xóm Chiếu tức khu Khánh Hội bây giờ. Được vài năm, mẹ con tôi dọn về một đường hẽm nhỏ, gần chợ Bến Thành mới cất (năm 1914) đường D’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn). Chỗ nầy gần ga xe lửa Mỹ Tho, là chỗ thị tứ nhiều hành khách đi xe lửa từ miền Trung tới, từ Mỹ Tho lên. Sau gần một năm chung sống với bác sĩ người Pháp, tôi trở thành tự do vì ông ta mãn hạn phải về xứ. Tôi tiễn ông ra bến tàu không chút bịn rịn, mà ông cũng không thèm cho tôi một đồng bạc để ăn bánh.

Rời khỏi cảnh cá chậu chim lồng tôi trở về sống với mẹ. Lúc nầy tôi trổ mã con gái, lối xóm người nào cũng trầm trồ vì tôi đã biết làm dáng. Lúc đó tôi bưng thúng cho mẹ tôi bán chả giò và nhiều thứ bánh trái theo trên xe lửa chạy Sài Gòn – Nha Trang”.

Cũng nên nhắc lại rằng chương trình xây dựng đường hoả xa xuyên Việt được hoạch định dưới thời Toàn Quyền Paul Doumer, với sự tài trợ của các ngân hàng Pháp. Con đường chia làm nhiều giai đoạn. Trong Thế Chiến Thứ Nhứt việc xây dựng phải gián đoạn. Sau đó công cuộc đặt đường rầy tiếp tục nhưng cũng bị thiếu tiền nên mãi đến năm 1932, con đường chỉ mới tới Đông Hà. Phía Nam con đường sắt chạy ra tới Nha Trang gọi là “Ga chót”. Hành khách từ Hà Nội vào Sài Gòn hay ngược lại, phải xuống xe lửa ở Nha Trang, đáp xe ca đi tiếp ra Đông Hà.

“Lúc đó tôi nổi danh là “cô Ba chả giò”. Mỗi khi tôi lén má tôi, mặc chiếc áo bà ba bằng xuyến đen mà tôi đã chắc mót từng xu để mua được, ai cũng trầm trồ khen ngợi:

– Con chị Tám (mẹ tôi thứ tám) coi ngộ quá!

Tôi lại bắt chước người sang, mua đôi guốc “ngù ngà” tức là loại guốc không có quai, khi đi, hai ngón chơn cái và trỏ kẹp vào cái ngù tròn, có núm ở trên cho khỏi rớt ra. Đời sống của tôi bắt đầu thay đổi. Buôn bán tuy cực nhưng cũng vui vì có dịp quen nhiều người, có tiền ăn bánh. Hạnh phúc tuổi thơ chỉ có bấy nhiêu mà thôi. Trong thời gian bán theo xe lửa, tôi gặp một người đàn ông lịch sự, nhiều tiền, thấy tôi gọn ghẽ trong bộ đồ bà ba vải săn đầm cắt khéo, vừa vặn, bó căng vóc mình như “con chim óc cau mùa lúa trổ”, mông von von, vú tròn, đùi dài cẳng son, trông giống như cô học trường áo tím (tức trường Gia Long sau nầy) mà có ai biết đâu đó là cô gái đã có một đời chồng. Lúc đó tôi biết mình đẹp. Mặt trái xoan, mũi dọc dừa, má hồng môi đỏ tự nhiên, chưn mày đều đặn, lông mi dài và đen, cặp mắt ngây thơ ướt rượt như con chim bồ câu khát tình.

Tôi có vóc mình vừa vặn không cao không thấp, đi đứng khoan thai, có dáng con nhà trâm anh…, mà tôi đâu có ngờ. Một hôm tôi đang lo bán hàng và đề phòng bọn đá cá lăn dưa giựt đồ, mà đâu có dè một người mặt mũi sáng láng, còn trai trẻ, đang nhìn tôi say mê.

Sau khi trở thành vợ Toàn (người thanh niên gặp trên xe lửa) tôi mới biết lý lịch anh ta. Chồng tôi tên Toàn, người Tiều. Thân phụ anh có cửa hàng buôn bán tạp hoá lớn tại Phan Rang, Nha Trang và một tiệm chánh tại Chợ Lớn. Ông có ba người vợ: một Tàu, coi tiệm chánh tại Chợ Lớn và hai người vợ Việt coi tiệm ở tỉnh. Do đó, Toàn có dịp ra vào Nha Trang, Phan Rang, Sài Gòn thường trực. Anh là một tay công tử, ăn bận sang trọng, ăn chơi lịch lãm, dân buôn bán, anh chị đứng bến xe đều kiêng nể.

Sau này anh Toàn kể lại chuyện gặp tôi lần đầu, anh mê mẩn tâm thần, nên vừa thấy chị Mười Ên (Mười Anh) anh liền hỏi:

– Chị Mười, con nhỏ con nhà ai mà ngộ quá? Làm mai cho tôi đi chị! Chị làm mai được tôi cho chị tiền, chị o nó cho mau mau đi!

– Trời đất! – chị Mười nói – thì ít ra cũng phải bắt tình với nó trước đã chớ. Cậu viết thơ tỏ tình cho thật mùi, rồi tôi đưa nó giùm cậu.

Năm đó tôi mười lăm tuổi mà còn ngây thơ. Bao nhiêu thơ ai gởi tôi đều đem cho má tôi coi không sót cái nào. Má tôi không rầy ra như tôi tưởng. Có lẽ bà điều tra gia đình Toàn rồi, và hai tuần lễ sau cha mẹ Toàn từ Phan Rang đến nhà má tôi xin cưới tôi cho Toàn.

Từ đó tôi về làm dâu một gia đình người Tiều, ăn ở theo phong tục người Hoa. Bà mẹ chồng tôi ở Phan Rang, là người nhơn đức, thương tôi, không cho làm công chuyện nặng nhọc nhưng có một điều bắt buộc tôi phải ăn bận theo kiểu Tàu. Chiếc áo xẩm bó ngực lòi cánh tay trắng trẻo, càng tăng thêm vẻ đẹp. Cũng từ đó tôi đẹp thêm, nhan sắc mặn mòi. Khi tôi đi chợ, nhiều người thanh niên dòm ngó, chọc ghẹo. Mỗi lần tôi bận đồ xẩm ra đứng trước ngõ là mẹ chồng tôi kêu vô nhà vì những người đi đường hay trầm trồ khen ngợi.

Tưởng đâu như vậy là cuộc đời có hạnh phúc. Nào ngờ chồng tôi là người đàn ông háo sắc. Anh như con bướm lượn quanh những bông hoa đẹp. Có vợ đẹp nhưng vài tháng bắt đầu chán, đi tìm của lạ. Đàn ông trăm người như một. Mới vài tháng Toàn có mèo là một nữ y tá. Tôi bắt đầu ghen.

Một hôm gặp cô ấy ngoài chợ, tôi làm một trận gây gổ với cô ta. Không những không binh vực vợ mà Toàn tỏ ra lạnh lùng, vô trách nhiệm. Chán ngán cảnh có chồng không thủy chung, tôi tìm cách trốn gia đình Toàn để về mới má tôi.

Một hôm, mới khuya, tôi đã lẻn ra ga xe lửa mua giấy về Sài Gòn, nhưng người bên chồng tôi theo bắt lại. Tôi buồn và thất vọng vô cùng. Tuy không bị ba má Toàn chửi bới đánh đập, nhưng họ cấm cung tôi, không cho tôi đi ra ngoài thong thả như trước!

Sống cô đơn, tôi lén viết thơ về má tôi, nói thương nhớ và muốn về thăm bà. Má tôi viết thơ cho Toàn nói rằng bà cũng nhớ tôi, muốn tôi về thăm bà một lần. Trúng kế, lần nầy chim sổ lồng lần thứ hai, tôi ở lại với má ngọt bùi có chừng nửa tháng, rồi sau đó bà dằn vặt tôi, mắng chửi tôi như trước. Tôi được một chị bạn xót xa tình cảnh mua cho một giấy xe lửa trở về Phan Rang với Toàn. Chuyến ra tôi lừng khừng thấy xe ngừng tại ga Mường Mán, tưởng đã về Phan Rang, bèn xuống xe lửa. Hoá ra mới tới Phan Thiết.

Trong cái rủi còn gặp cái may. Tôi gặp chị Mười Ên hồi trước làm mai tôi cho Toàn như gặp vị cứu tình. Chị Mười đưa tôi vào một tiệm buôn, té ra đó là chi nhánh của hãng buôn ba Toàn. Họ nhắn tin, Toàn vào rước tôi. Gặp lại tôi trong hoàn cảnh trớ trêu, rồi nhìn tôi nhan sắc tiều tụy, Toàn cảm động. Anh dẫn tôi ra chợ ăn mì, mua cho tôi một lượt mười cây lãnh đen để tôi mặc sức may quần áo. Tôi là người mặc áo và quần lãnh đen một thứ hàng đầu tiên, được nhiều người chú ý, khen ngợi tôi nhờ nước da trắng, vóc dáng thanh tú, trông thật xinh như thiếu nữ con nhà khuê các. Tôi trở về Sài Gòn lạy mẹ tôi xin lỗi, nhưng má tôi nói một câu hết sức tàn nhẫn:

– Mầy còn trở lại với nó (Toàn) tao giết mầy!

Thật tội nghiệp cho Toàn. Anh có bỏ bê tôi, nhưng cũng đã ăn năn và chu cấp tiền bạc cho tôi, tỏ ra săn sóc tôi lúc tôi trở về với anh. Tôi định bụng sẽ sống với anh suốt đời. Có lẽ má tôi hận đàn ông bạc tình, rồi giận luôn Toàn, và bà cho rằng nếu tôi ở lại với Toàn sẽ bị ruồng rẫy, phụ bạc như bà hồi trước chăng?

Riêng tôi ngày nào cũng trông tin tức của Toàn. Tôi nhắn người nói cho Toàn biết, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Rồi những trận đòn tàn nhẫn như trút tất cả tội lỗi lên đâu. Tôi nghĩ “một liều ba bảy cũng liều” nên trốn má tôi ra đi. Lúc nầy trong mình tôi có một số tiền, đó là nữ trang anh Toàn cho tôi. Ngoài đôi bông tai nhận hột xoàn trị giá chừng 400 đồng (giá vàng khoảng 50 đồng) và một số quần áo. Lần nầy nghe một chị em bạn xúi, tôi đến xin tá túc nhà chị Sáu Mão ở đường Paul Blanchy, nay là đường Hai Bà Trưng.

Chị Sáu Mão là dân có dĩ vãng xấu, có chồng nghiện. Chị chuyên nấu cơm tháng cho mấy thầy thông, thầy ký chưa vợ. Chị thích làm mai mối “vợ chồng qua đêm”, cột anh nầy với chị kia để kiếm tiền. Thân tôi như con nai tơ vào hang cọp đói. Đến ở với chị Sáu Mão, tôi gởi hết nữ trang cho chị, rồi ngày ngày nấu cơm, giặt giũ, rửa chén như con ở. Một đêm tôi bị đau mắt, chị Sáu Mão bày mưu cho chồng chị lấy lưỡi rà mí mắt cho hết nhặm, rồi anh ta đè tôi xuống hôn tới tấp. Tôi định la lên, chị tỉnh bơ:

– Anh Sáu mầy đã nói với tao rồi. Chịu đại cho êm!

Thiệt là hết chỗ nói. Lần đầu tiên tôi mới thấy một người đàn bà thương chồng kiểu nầy! Mà gẫm lại cũng không lạ, phần đông gái sa ngã cũng vì lỡ bị anh nuôi đè với sự cho phép của chị nuôi.

Thấy ở chỗ nầy lâu sanh chuyện, tôi tìm cách trốn đi lần nữa. Khi tôi hỏi lấy lại các món nữ trang đã gởi, chị Sáu Mão nói đem cầm cho Chà Chetty mới có tiền nuôi tôi cả tháng nay. Biết mình bị gạt, tôi lau nước mắt nhịn nhục. May mắn tôi gặp một người lối xóm nhơn đức (?) khuyên tôi trốn đi qua ở với chị ấy. Ban đầu tôi sợ chị Sáu Mão trả thù, nhưng nghĩ mình trơ trọi, tiền bạc cũng hết, nên liều. Không ngờ mới qua ở với chị Ba hàng xóm được bảy hôm, thì anh Toàn từ Phan Rang mò vô tìm vợ. Anh Toàn đến nhà chị Sáu Mão tìm tôi như trong thư tôi đã nhắn với anh.

Vừa thấy Toàn, rằng vào nhà nầy tìm vợ, chị Mão đóng tuồng thật khéo, và bụm mặt khóc oà:

– Trời đất quỉ thần ơi! Dượng Ba (nghe ngọt quá?) dượng vào đây đã trễ rồi! Cô Ba đau mắt tưởng đã không xong! May nhờ người khuất mặt che chở, nên nay đã bớt. Dượng tính coi vợ chồng tôi thì nghèo, thấy cổ đau, làm ngơ không đành, nên chạy thuốc chạy thầy, công lao khổ cực không kể, nay đổ nợ vợ chồng tôi phải lo cho đủ tiền ngày tiền góp, tiền đứng tiền ngồi, tính ra trên bảy trăm đồng, không biết phải làm sao đây? Thiệt là khổ quá chừng!

Cái khổ của vợ chồng chị Mão, làm cho anh Toàn phải lòi ra năm trăm đồng mới êm tạm tạm, nhưng Toàn nóng nảy vụt hỏi:

– Mà bây giờ vợ tôi ở đâu?

– Tôi đã đem cô ấy giấu trên kia kìa, vì sợ chị Tám bắt về đang đau thêm khốn!

– Giấu ở đâu, chỉ cho tôi biết đặng tôi rước về Nha Trang.

– Uý! Không nên! Chưa đặng đâu! Chỗ đó khó vô lắm! Để tôi nhắn cho cô Ba đến đây cho vợ chồng gặp mặt.

Cho hay, sự đời éo le, không ai biết được. Trông vợ, nhớ chồng, vợ chồng cách nhau trong gang tấc, cách nhau vài căn nhà, mà chỉ vì vàng xoàn và mở áo quần chị Mão muốn nuốt cho trọn mà đành ngăn cách vợ chồng nầy bằng muôn dặm quan san. Dám khuyên các cô nhỏ sau nầy, trước khi bỏ nhà chồng ra đi để tìm tự do, nên suy nghĩ lại cho chín chắn trước đã!

Bây giờ mọi sự đều trễ tràng. Mối tơ mãnh mành giữa Toàn và Trà đã dứt, muốn nối lại làm sao được. Trái đất cứ lăn, bánh xe cứ chạy, con chim một lòng với mẹ, hiếu đễ nhịn nhục vẹn bề, con chim ấy cũng một lòng với bạn, chung tình trinh thục có đủ, nhưng dịp tốt đã qua, con chim ấy bỗng bị gió thổi lọt ra khỏi ổ và cặp cánh tự nhiên biết dùng, “tung bay như cánh hồng cánh hộc”, chỉ có ông trời mà cản! Cản làm sao được khi nước vỡ bờ! Nói theo nhả Phật, cái “căn” cái “quả” đã gieo, “thì gieo đưa hái dưa, gieo đậu hái đậu”.

Từ cô gái lạc loài trở thành bà hoàng ăn chơi sang cả

“Gặp Toàn ở nhà chị Sáu Mão lần đó là lần chót. Toàn cho tôi một số tiền”. Cô Ba Trà như ngựa quen đường cũ, tìm tới tá túc những người quen chứa chấp. Nhờ bạn giới thiệu, cô Ba Trà đến ở đậu nhà Dì Tư Ăng-Lê, ở đường Richaud mà trước 1975 gọi là đường Phan Đình Phùng.

Dì Tư Ăng-Lê, Cô Trà vẫn gọi như vậy, là một người đàn bà tuổi xấp xỉ 40, từng trải, trước có chồng người Anh, dân ta quen gọi là “người Ăng-Lê” nên người quen thường gọi bà ấy là “Dì Tư Ăng-Lê” hay Dì Tư Lê mà không ai thắc mắc tên họ thật của người đàn bà ấy làm gì.

Là một người từng trải, Dì Tư Ăng-Lê giúp cô Ba Trà lột xác. Từ một cô gái quê lạc loài, cô Ba Trà bước lên ngôi vị một huê khôi đầy hương sắc, đẹp lộng lẫy. Lúc đó Trà mới bước vào tuổi 20, như đoá hoa hé mở, ong bướm dập dìu. Nhờ Dì Tư Ăng-Lê dạy cách trang điểm, thoa son thế nào, hiệu nào tốt, phấn nào ăn da mặt, đánh phấn thế nào để làm tăng vẻ đẹp tự nhiên. Ngoài ra, cô Ba Trà còn được Dì Tư Ăng-Lê chỉ cách đi đứng khoan thai, nói năng có duyên để làm cho đàn ông mê mệt… Từ đó, cô Ba Trà bước vào giới ăn chơi của giai cấp thượng lưu xã hội bấy giờ.

Tuy nhiên cô Ba Trà cũng nhiễm thói hư tật xấu của những người đàn bà ăn không ngồi rồi: Cờ bạc.

Nhà Dì Tư là chỗ hốt-me, đánh tứ sắc. Ban đầu Trà học chơi để cầu vui, nhưng dần dần trở thành ghiền…cho đến cuối cuộc đời. Cũng tại nhà Dì Tư Ăng-Lê, các công tử, các nhà tai mắt thường tới lui dập dìu mỗi cuối tuần, mà cô Ba Trà được bác sĩ Trần Ngọc Án. Bác sĩ Án là một lương y, giàu lòng nhơn, giàu tình cảm và cũng lãng mạn. Bốn mươi tuổi, có vợ, nhưng vẫn còn đèo bồng. Gặp Trà là một thiếu nữ mới lớn, đẹp lộng lẫy như tiên nga, ông yêu liền, mướn nhà riêng cho cô ở, chu cấp tiền bạc cho cô xài, và đưa cô đi chơi những chỗ sang trọng. Bác sĩ Án thương yêu cô thật tình, nhưng cô chỉ có yêu tiền.

Nói thêm về ông bác sĩ Trần Ngọc Án, ông là người tình ơn nghĩa, độ lượng nhứt đối với cô Ba Trà mà sau nầy hồi tưởng lại, cô nhớ tới ông từng cử chỉ, từng cách săn sóc, nhứt là trong lúc Trà sa cơ, chán đời. Lúc đó Trà chỉ biết có tiền, tâm hồn Trà chai lì, cho nên những cử chỉ cao thượng, lời nói ngon ngọt dỗ dành của ông bác sĩ cũng như nước chảy đầu vịt. Có lúc xin tiền ông , nhưng cô ăn nói cộc lốc vô tình với ông. Có lần bác sĩ Án lái xe đưa cô đi Vũng Tàu hóng mát. Tới nơi, ăn uống xong, ra bãi biển ngắm trời trăng mây nước, cô buồn bã đòi về và khóc oà. Bác sĩ hỏi cô, cô trả lời:

– Tôi nhớ nhà!

– Nhà gì? Ở đâu?

– Thú thật với anh, tôi nhớ chồng tôi lắm!

– Chồng nào nữa?

– Dạ thưa người chồng ở Phan Rang, anh Toàn!

– Tại sao ra đây với anh mà em lại nhớ chồng Phan Rang?

Rõ ràng hai người đồng sàng dị mộng. Lần đó bác sĩ Án vội vàng lấy xe đưa cô về nhà với nỗi buồn và thất vọng.

Khi đã mướn phố cho Trà ở riêng tại đường Lareynière (nay là đường Trương Định), Cô Trà cũng hay đi vắng luôn. Có lần bác sĩ Án tới tìm không có cô, lại nhà dì Tư Lê là người được ông cho tiền để làm người quản gia, nấu nướng giặt giũ cho cô, cũng không có, nên khi gặp mặt Trà, ông hỏi:

– Ba tuần lễ nay không thấy mặt em ở nhà?

Cô Trà làm thinh không trả lời.

-Em đi đâu và ở đâu?

– Không đi đâu hết!

– Bộ em ngủ ngoài trời hay sao?

-Dạ không! Tôi ngủ tại nhà bồi của dì Tư.

– Sao anh ghé đó mà không thấy?

– Tại tôi dặn bồi nói như vậy!

– Vì lẽ nào em nói dối với anh?

– Vì tôi sợ người ta biết là tìm tới.

– Ai?

– Các chủ nợ.

– Em là gì đến thiếu nợ?

– Tôi giấu anh, tôi thua me ở sòng bài thầy Bảy Phương và mắc nợ nhiều.

– Nhiều là bao nhiêu?

– Ba ngàn, ủa bốn ngàn!

– Em trốn nợ, rồi em trốn anh nữa sao? Hay là em có mèo? Em có thương ai nói thiệt cho anh biết?

– Tôi buồn, tôi có đi chơi với họ mà tôi không thương ai hết…

– Nếu bây giờ có tiền, em còn đi chơi nữa không ?

– Thưa không! Tôi sẽ ở nhà.

Rồi bác sĩ Án hứa sẽ cho cô ba ngàn, hẹn vài hôm cho người cầm tới. Quả đúng như vậy, chỉ hai ngày sau Trà được tiền của bác sĩ.

Hai mẫu đối thoại trên đây cho chúng ta biết ông Án đối với cô cao thượng, tình nghĩa nhưng cô là kẻ bạc tình, tàn nhẫn nữa là khác.

Sài Gòn năm 1925. Ngồi không ăn mãi, cờ bạc núi cũng lở, bây giờ cô Ba Trà được nhiều người nghe tiếng, nên nhiều người ta bu quanh cô, tranh nhau chiếm cảm tình của cô, nhưng cô vẫn là người chỉ biết đồng tiền. Tình cảm cô đã chai. Ai cho tiền thì cô xài, xài rất phí phạm để tạo ra những thói quen phong lưu, trả thù những lúc hàn vi nghèo khó.

“Đi lại Yvette chơi!” – Đó là một câu thông dụng của giới đàn ông, công tử thường lui tới nhà hàng “Đông Pháp lữ quán”, nơi huê khôi Ba Trà ngồi “kết” (cashier). Đông Pháp lữ quán là một nhà hàng lớn, sang trọng, nằm trên đường d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), khoảng giữa nhà hàng Quảng Hạp bán cơm Tây và nhà hàng Cửu Long Giang góc đường Aviateur Garros (nay là Thủ Khoa Huân).

Thấy ở không ăn chơi cờ bạc không khá, Dì Tư Ăng Lê mới nghĩ cách buôn bán. Bà nói cô Ba Trà sang lại nhà hàng Đông Pháp lữ quán để ngồi két. Đông Pháp lữ quán dập dìu tài tử giai nhơn, công tử, hội đồng, các đại điền chủ ở lục tỉnh lên, nghe tiếng cũng tìm tới. “Đi lại Yvette chơi” có nghĩa là tới nhà hàng “Đông Pháp lữ quán” để vừa ăn uống, vừa chiêm ngưỡng người đẹp. Yvette là tên Tây do cô Ba Trà đặt ra khi đi coi chớp bóng, nhơn thấy cô đào Yvette rất đẹp, nên cô lấy chữ ấy ghép vào tên mình “Yvette Trà” nhưng các công tử quen gọi “Yvette” mà thôi.

Đông Pháp lữ quán nguyên của người chủ cũ là ông Lý Kỳ Quân, đại điền chủ, nhiều đất ruộng ở hai bên bờ kinh xáng Quan Lộ, từ Phụng Hiệp tới Ngã Năm, Phước Long. Đất của ông Lý Kỳ Quân giáp ranh với đất ông Chủ Chọt Huỳnh Tấn Tước, là nơi xảy ra cuộc tranh chấp đổ máu giữa gia nhơn Chủ Chọt và mấy tên Cò Tây.

Thuở đó, cứ mỗi dịp gần tựu trường Chasseloup Laubat, các ông điền chủ ở lục tỉnh thường lên chơi cả tháng, để đưa con vào học. Thì giờ rộng rãi, lại có dịp ăn chơi, nên các ông hay đến Cửu Long Giang, Đông Pháp lữ quán, để có dịp ngắm nhìn cô Ba Trà. Cũng có người mong chiếm được trái tim người đẹp, xài tiền như nước. Nhưng không ai có thể xài qua được các công tử Bạc Liêu như Hai Đinh, Ba Qui, công tử Phước George. Với sự chỉ dẫn của Dì Tư Ăng Lê, cô Ba Trà vay bác Chà Chetty để sang nhà hàng. Làm chủ xong, cô Ba Trà giữ cô Marie Huệ, một giai nhơn đã từng quản lý nhà hàng nầy nhiều năm ở lại để chỉ dẫn cho cô.

Cô Marie Huệ truyền laị cho cô Ba Trà nghệ thuật trang điểm và cách chinh phục đàn ông . Thực ra với sắc đẹp lộng lẫy như tiên nga, cô Ba Trà chính là cái sức quyến rũ, cám dỗ không ai có thể cưỡng lại được. Thời gian đó, người thật sự điều khiển lữ quán Đông Pháp chính là Dì Tư Ăng Lê, một người đàn bà từng trải, nhiều kinh nghiệm quán xuyến, còn cô Ba Trà ngồi két như một bông hoa đẹp, điểm tô cho nhà hàng thêm hương sắc.

Vào những năm cuối thập niên 1920, các văn nhơn, ký giả, các ông hội đồng, thầy cai tổng, càc công tử con nhà giàu thường hay lui tới Đông Pháp lữ quán là nơi bán cơm Việt và nhà hàng Quảng Hạp chuyên bán cơm Tây nổi tiếng. Chủ nhà hàng Quảng Hạp là người Hải Nam, nguyên đầu bếp chánh của Thống Đốc Nam Kỳ Cognac, sau đó xin thôi, để mở nhà hàng. Nơi đây thức ăn đúng điệu, khách sành ăn không chê vào đâu được. Các món ăn danh tiếng của nhà hàng Quảng Hạp là chim bồ câu quay, chim mỏ nhác, giỏ giẻ, óc cau, chàng nghịt… rô ti. Thuở đó vào đầu mùa khô, các loại chim ấy ăn lúa no, mập tròn, bán tràn ngập ở Sài Gòn, Chợ Lớn.

Các nhà báo danh tiếng như Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Tử Thức, Nguyễn Viên Kiều (Lão Ngạc), Lương Khắc Ninh, Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhất… thường hay tới lui nhà hàng ấy. Họ hay tới vào buổi chiều bàn luận tin tức thời sự rồi ăn cơm tối với rượu khai vị. Các vị học thức, dân Pháp tịch cũng thường hay đến Đông Pháp lữ quán như luật sự Dương Văn Giáo, ông toà Trần Văn Tỷ, bác sĩ Lê Quang Trinh, đốc-tờ Trần Như Lân… Về sau, ông Tỷ làm Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tư Pháp thời bác sĩ Lê Văn Hoạch là Thủ Tướng Nam Kỳ quốc.

Những nhà hàng, lữ quán sang trọng nhất Sài Gòn vào hai thập niên 1920-30 là:

– Đại Lục lữ quán tức Continental Palace gần nhà hát Tây, tức trụ sở Quốc Hội thời Việt Nam Cộng Hoà (1955-1975), là nơi dành riêng cho giới quý tộc Pháp, các tham biện, các quan lại Pháp Việt có văn hoá Pháp, các đại điền chủ kiêm hội đồng quản hạt.

– Nhà hàng Rotonde còn gọi là “Viên Đình” ở cuối đường Catinat gần bến Bạch Đằng. Sở dĩ nhà hàng nầy gọi là Viên Đình vì ở tại ngã tư, kiến trúc góc tròn…

– Nhà hàng Pancrazi nằm ở góc đường Bonard (Lê Lợi sau nầy) và Caribelle (Nguyễn Thiệp).

Hồi đó các sinh viên, thầy thông, thầy ký thường dùng điểm tâm bằng bánh mì nóng trét bơ Bretel thả giàn, có thêm chút đường cát, ăn xong uống ly cà phê đen, hoặc cà phê sữa nóng, tuyệt thú đối với các sinh viên trường bổn xứ.

– Một nhà hàng Tàu ở Chợ Cũ, đầu đường Công Lý tên Hiêu Hiêu, là nơi tụ tập các nhà buôn Chợ Lớn, mấy ông bang, các “mái chính” (compredor)…đến ăn uống và bàn chuyện áp-phe.

– Nhà hàng Yeng Yeng đầu đường Pellerin (Pasteur) ở Chợ Cũ, bán cơm Tây rẻ tiền, ngon miệng, rất đông thực khách. Hồi đó dân bản xứ thích nhứt là món thịt bò Châteaubriand, giống như thịt bò lúc lắc bây giờ, nhưng để nguyên miếng lớn, chứ không cắt nhỏ ra. Vào các năm 1926-27, mỗi ngày Thứ Hai và Thứ Năm, vào lúc 4 tới 5 giờ chiều là giờ tan sở, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh thường ôm chồng báo “Cái Chuông Rè” (La Cloche Frêlée) đứng bán tại góc đường Catinat và d’Espagne (góc Tự Do và Lê Thánh Tôn). Ông đón các công chức, thầy thông, thầy ký, học sinh trí thức để phổ biến tư tưởng cách mạng xã hội.
Nhà hàng Yeng Yeng còn là nơi gặp gỡ của các cô gái ăn chơi hạng sang, trong đó có cô Lucie Bandeau vì trên trán có thẹo, cô dùng băng làm dáng , nên thành danh “Lucie Bandeau”, cô Mười Tóc đỏ, cô Quế Anh…

Đông Pháp lữ quán là nơi cô Ba Trà nổi danh. Nơi đây cô quen biết các công tử Bạc Liêu là những thanh niên xài tiền như nước Sở phí điều hành nhà hàng rất lớn, mà cô Ba Trà lại ăn xài như một bà hoàng, dưới tay cô bồi bếp, gia nhơn phục dịch nên phải thâm thủng. Vì lẽ đó, ban đêm ở đây còn tổ chức hốt me, bài cào, thính cẩu ăn thua lớn. Có đêm tiền xâu vô tới vài ngàn bạc, đủ biết nơi đó cờ bạc như thế nào. Nhiều người thường tới lui Đông Pháp lữ quán thời đó kể lại rằng lúc nào cô Ba Trà cũng không biết tới giá trị của đồng tiền. Sẵn có máu mê cờ bạc, cô lấy tiền trong két ra chơi. Vận may để ăn thì ít, nhưng ăn được thì xài huy hoắc, còn lúc rủi ro thua nhiều là chuyện thường. Núi cũng phải lỡ nếu tiếp tục cái đà ăn chơi kiểu ấy. Đối với người làm công, bồi bếp, mỗi lần cô sai đi mua món gì, chúng đem tiền thối về trả lại cho cô, nhưng không khi nào cô lấy. Cô nói:

– Cứ giữ đó mà xài!

Điều đó có nghĩa là cô cho luôn bất kể số tiền đó là bao nhiêu.

Đông Pháp lữ quán cũng là nơi các đại điền chủ lục tỉnh lâu lâu lên Sài Gòn ăn chơi cho biết mùi đời. Họ thường hay nói:

– Đi lại Yvette chơi đêm nay đi!

Có nghĩa là đến đó đánh bài cào, hốt me, hoặc chơi bài thính cẩu. Cũng có lúc các ông điền chủ xồn xồn hảo ngọt, được cô Ba Trà mời đánh tứ sắc năm cắc (nửa đồng bạc) một lệnh (lúa giá 2 cắc một giạ), khi thua cô Ba Trà thì chịu chung tiền, nhưng khi ăn chỉ được cầm tay cô để hun (tới nhỏ 7 ăn 10) hay tới quan (17-40) được hun lên tay, lên má người đẹp một cái sướng như tiên. Cứ so sánh giá lúa, giá vàng lúc đó thì biết các đại điền chủ lục tỉnh mỗi lần lên chơi Đông Pháp lữ quán vài tuần hay một tháng, phải bán cả một ghe chài lúa. Nhiều người “trồng cây si” tháng này qua tháng nọ là công tử Bích ở Trà Vinh, hội đồng quản hạt Thìn ở Rạch Giá. Cô Ba Trà là một người từng làm đổ quán xiêu đình, sạt nghiệp không biết bao nhiêu điền chủ trung niên mà còn mê gái đẹp.

Đến lúc nhà hàng Đông Pháp hụt tiền vốn vì cô Ba Trà mê cờ bạc. Tiền vay bạc Chà Chetty để trả sở phí cứ tăng dần. Tiền lời theo kiểu “xanh xít, đít đui” (vay 5000 trả 6000, vay 10000 trả 12000 trong một tháng) khiến cho lữ quán nầy phải dẹp.

Cô Ba Trà và Hắc – Bạch Công Tử (Ba Qui (Huy) – Phước George)

Bạc Liêu là một tỉnh nhiều người giàu có lớn, con cái họ ở không ăn chơi mãi mà không hết tiền. Đôi khi họ cũng làm việc nghĩa hiệp, cư xử với bè bạn hào phóng, điệu nghệ, nên thường được các ông già bà cả gọi là “công tử Bạc Liêu”.

“Bộ mày là công tử Bạc Liêu sao mà dám ăn xài lớn quá vậy?” – Đó là câu nói thường ngày của các bậc làm ông bà cha mẹ hồi trước trong khi phê phán con cháu ăn xài xa xí. Vào năm 1934, một bài ca cổ điển “Bình bán” mô tả công tử Bạc Liêu với những thói quen, và cũng là đối tượng mơ ước của các cô gái đương thời:

“… Nằm giường Lèo, tay đeo hột xoàn
Mang đôi giày Ăn-phôn (en France)
Xách cây dù Mạc-xây (Marseille)
Cái răng của cậu bịt vàng
Bóp phơi toàn bạc giấy xăng” (xăng = cent: 100).

Thời đó người ta thường hay chúc nhau: “Chúc cho chú năm tới bịt một lượt năm, bảy cái răng vàng!”. Thời nầy ở Nam Kỳ, các điền chủ hạng trung có từ 500 mẫu ruộng trở xuống đủ sức cho con cái qua Pháp du học. Những ai ham học, siêng năng, đỗ đạt về làm Cò-mi (commis, tri huyện, Đốc-Phủ sứ, bác sĩ, kỹ sư…Còn một số ít không đổ đạt, trở về làm “công tử Bạc Liêu”, đua nhau xài phá tiền của cha mẹ để lại.

Được mệnh danh là công tử phải biết ăn to xài lớn. Họ bày ra nhiều thứ tiêu khiển giải trí như hút á phiện cầu vui (ban đầu, về sau trở thành ghiền và chết trong nghèo đói cũng vì bịnh ghiền nầy), lập gánh hát để cầu danh, cặp kè với các cô đào chánh (cậu Tư Phước George cặp với cô Năm Phỉ, cô Phùng Há, cô Sáu Ngọc Sương…), cũng có công tử chuyện lập và đỡ đầu các hội đá banh, cờ bạc, đá gà để giải trí.

Cha mẹ các công tử ấy thường cất nhà nền đúc cao tới ngực, có khi nhà lầu hai ba từng như nhà ông Đốc-Phủ Kiểng ở Bến Tre (tên thật là Nguyễn Duy Hinh), nhà Hội đồng Trạch ở Bạc Liêu, uống rượu Martel, Champagne, Cognac, hút thuốc xì gà… để dân chúng biết họ là người phong lưu. Hồi đó, trên các sông rạch miền Nam, hằng ngày các hãng tàu đò từ Mỹ Tho về lục tỉnh nườm nượp. Nhiều ghe “trà vải” bán hàng lưu động trên sông, bán đủ thứ hàng ngoại quốc như chén dĩa kiểu, sản xuất bên Pháp, Nhựt, Trung Hoa… Sài Gòn có bán những món hàng xa xỉ như đồng hồ, máy hát, các nhà giàu tha hồ mua sắm. Sau mùa lúa ruộng, các ông hội đồng, các thầy cai, các đại điền chủ thường lên Sài Gòn ăn chơi cả tháng, tìm em út, hoặc tới các động hút thuốc phiện…

Những nhà giàu như những hạng kể trên khắp Nam Kỳ vùng nào cũng có, nhưng nhiều nhứt là ở miền Tây. Từ Tiền Giang trở lên, người ta chỉ nghe danh một công tử duy nhứt, đó là cậu Tư Phước George, tên thật là Lê Công Phước, con ông Đốc Phủ Sứ Lê Công Sủng, còn di tích một căn nhà ngói lớn hai từng ở chợ Mỹ Tho, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho chính phủ mướn để làm phòng Thông Tin. Kế bên là dãy phố lầu năm căn, cũng của gia đình cậu Tư. Hồi đó, miền Nam đất rộng người thưa, ai có sáng kiến thì làm giàu nhanh chóng. Có tiền rồi, họ mua chức huyện hàm, phủ hàm để có danh với đời. Do nghị định của Thống Đốc Nam Kỳ, Pháp bán các chức “hàm” ấy cho những người giàu, lấy tiền xung vào công quỹ. Nó là chức hữu danh vô thực. Các ông huyện hàm, phủ hàm không có văn phòng, không làm việc nước gì cả. Hàng ngày cầm ba-ton đi dạo trong xóm tìm gà đá, tìm gái đẹp. Tới đâu, dân chúng cũng khúm núm “Bẩm ông huyện, bẩm ông phủ”.

Ở miền Nam không có đơn vị hành chánh “phủ”, nằm trung gian giữa huyện và tỉnh như ở miền Trung và miền Bắc. Miền Nam có các quận, và người đứng đầu mỗi quận gọi là “Quan chủ quận”. Việc bán các chức huyện hàm, phủ hàm được thực thiện nhiều nhứt dưới thời Chủ tịch Hội đồng Quản hạt Paul Blanchy. Ở miền Nam, có một ông điền chủ nhà giàu, đã già, răng rụng, mua chức huyện hàm, nhưng có tật hảo ngọt, dê gái, dân chúng chế nhạo gọi ông là “Ông huyện hàm hàm” (nghĩa là răng rụng hết, chỉ còn trơ lại cái hàm).

Cậu Tư Phước George gặp cô Ba Trà lần đầu khi đến nhà Dì Tư Ăng-Lê cờ bạc. Chỗ nầy cũng có các cô gái hạng sang hay lui tới, nên các công tử, con nhà giàu tới lui dập dìu. Các công tử ấy đánh bài cầu vui, ăn thua không cần biết, chỉ cần đi lùng săn gái đẹp. Gặp cô Ba Trà lần đầu, xinh đẹp như tiên, không những cậu Tư Phước George mê liền mà cậu Ba Qui, nổi danh Hắc Công tử, cũng đang thèm thuồng. Họ không có cử chỉ ghen tương trước mặt, nhưng có những cách tung tiền trước mặt người khác, để chứng tỏ mình là người hào hoa.

Hình ảnh được cho là cậu Ba Qui (Trần Trinh Huy) và cô Ba Trà

Thời điểm cô Ba Trà là người tình của bác sĩ Án, ông Án mướn nhà riêng, lập phòng nhì, xây tổ uyên ương với cô định chiếm làm của riêng. Nhưng cô Ba Trà lại ngựa quen đường cũ, cứ rảnh rỗi miệt mài trong các sòng bạc, rồi gặp câu Tư Phước George trong khi cô thua sạch túi. Dịp đó, cậu Tư mới rủ cô nên đi miền Tây chơi một chuyến cho giải buồn, và tìm sòng khác gỡ lại. Lúc này cậu Ba Qui cũng đã quen được với cô Ba, nên cũng ngầm tranh giành người đẹp với nhau. Chiếc xe sport Fiat của cậu Tư chở cô Ba Trà thẳng xuống Cần Thơ và nghỉ tại khách sạn Hôtel De L’Ouest của nhà tư sản Trần Đắc Nghĩa, nằm trên đại lộô Delanoue, dân chúng địa phương cũng gọi là đường” Kinh lấp” vì nơi đây thường tổ chức hốt me lậu. Ông Trần Đặc Nghĩa là một người giàu có tại Cần Thơ, từng kinh doanh nhiều ngành như nhà in, xe đò, phòng ngủ và lập gánh hát “Trần Đắc”.

Vào khách sạn, cậu Tư đi tắm cho mát, cởi chiếc cà rá hột xoàn tri giá 3000 đồng thời đó để trên bàn, bước vô phòng tắm. Bận ra thấy cô Bộ Trà đã đeo chiếc cà rá vào ngón tay vừa cười vừa nói.

– Anh Tư coi vừa ngón tay em quá nè!

– Vừa thì đeo luôn di, anh cho em đó.

Trong khi đó, công tử Ba Qui (Trần Trinh Huy – Hắc công tử) cũng đang theo tìm dấu cô Ba Trà. Khi thấy chiếc xe cậu Tư đậu trước khách sạn, cậu Ba Qul liền lên lầu kiếm. Chạm mặt cậu Tư đang hôn cô Ba Trà, cậu Ba Qui không tỏ ra khó chịu hay ghen tương gì cả. Hai bên tay bắt mặt mừng, tỏ ra cao thượng và quí phái. Mấy hôm sau, về Sài Gòn, cậu Ba Qui dẫn cô Ba Trà đến tiệm bán hột xoàn danh tiếng trên lầu thương xá Charner, mua cho cô Ba Trà chiếc nhẫn hột xoàn lớn gấp đôi chiếc của cậu Tư.

Một hôm chiếc xe Fiat sport của cậu Tư Phước George vừa thắng cái “két” trước khách sạn Hôtel de L’ouest Cần Thơ, rồi cậu Tư ung dung dẫn cô Ba Trà, y phục như một bà hoàng, bệ vệ bước vào khách san. Con nít, người buôn bán quanh chợ đều trố mắt nhìn cặp tình nhơn vương giả ấy với ánh mắt thèm thuồng. Chỉ nửa giờ sau, chiếc xe sport Alfa Roméo 8 máy của câu Ba Qui, cũng đỗ xịch kế bên. Hôm ấy câu Ba Qul mặc đồ thể thao, kiếng mát gọng đồi mồi Hà Tiên, cổ quàng khăn lông, thứ hảo hạng mà người Pháp hay sử dụng trong nhà tắm, mình mặc áo thun loại mắc tiền. Chiếc xe vừa ngừng, tài xế vôi vàng mở cửa, và đứng im trong thế chào kính. Công tử Ba Qui cặp nách cái nón nỉ, bệ vệ xuống xe đi thẳng lên lầu. Vừa gõ cửa, cậu Tư biết ý, liền mở ra, tươi cười chào xã giao bằng tiếng Pháp:

– Bonjour toi!

Cả hai, cậu Tư và cô Ba Trà tươi cười bắt tay cậu Ba Qui không tỏ vẻ ngượng ngùng hay khó chịu gì cả. Quý tộc ăn chơi có khác. Sau đó cả ba được mời đến một phòng sang trọng dành sẵn để dùng cơm. Cơm xong, họ đánh bài tại phòng ngủ. Cứ mỗi lần cậu Ba Qui hay cậu Tư Phước George thua, thì chung tiền đủ cho cô Ba Trà. Nhưng trái lại, khi cô Ba thua thì kề má ra cho các cậu hun. Thế là huề. Chuyện du lịch lục tỉnh lần đó đem lại cho cô Ba gần 10.000 đồng.

Sài Gòn năm 1929…

Tại sao lấy mốc thời gian 1929 ?

Năm 1929 là năm kinh tế Nam Kỳ cực thịnh, nhưng qua năm sau, bắt đầu giảm dần do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm 1933, kinh tế Nam Kỳ thê thảm nhứt vì các món hàng xuất cảng như lúa gạo, cao su, than đá… trên thị trường quốc tế hạ thấp chưa từng thấy. Vào năm 1929, lần đầu tiên cán cân xuất nhập cảng của Nam Kỳ thăng bằng, có phần trội hơn về mặt xuất cảng. Mức sản xuất lúa lên đến 2,291,000 tấn và cứ bổ đồng 1,000 dân thì có 5 người qua Pháp: 2 người đi lính chiến, 2 người là lính thợ và 1 ngưòoi du học. Năm 1929, dân số Sài Gòn Chợ Lớn khoảng 400,000 người, và Sài Gòn trở thành một đô thì sầm uất nhứt trong nước . Chợ Tân Định và nhà thờ Tân Định mơí khánh thành năm 1928. Chợ Lớn mới dời về Bình Tây, do ông Quách Đàm cất tặng cho chính phủ. Chợ Bến Thành do Chú Hoả (Hui Bon Hoa tức Huỳnh Trọng Huấn) cất tặng cho chính phủ năm 1914. Lúa gạo cao giá nhứt: 1đồng 2 cắc một giạ. Đời sống nông dân khá hơn đôi chút. Thật sự khi lúa trúng mùa liên tiếp, bán được giá…tiền bạc vào tay các điền chủ, nông dân không có ruộng chiếm tới 71%, nên không hưởng được phúc lợi trong việc làm ruộng bao nhiêu.

Trong hai năm 1927-28, số nhà máy xay lúa ở Chơ Lớn tăng gấp đôi. Chợ Hoà Bình mãi đến năm 1935 mới xây, cũng do một thương gia giàu, hiến cho chính phủ để được độc quyền xây phố lầu chung quanh để cho mướn. Hệ thống mua bán lúa gạo thực sự nằm trong tay Hoa kiều. Người Ấn sống trầm lặng hơn. Họ cho vay, buôn bán nhỏ, nuôi bò sữa.

Khu vực ăn chơi của người Hoa tập trung tại Đèn Năm Ngọn (đường Phùng Hưng và Khổng Tử sau này), rộn rịp từ sáng sớm tới khuya. Các năm 1927, 28, 29 mãi lực dân chúng Nam Kỳ cao hơn bao giờ hết. Chiếc xe đạp đã phổ thông. Cái giàn hát máy đã theo chân các điền chủ trung lưu về tận miền quê. Tại Sài Gòn , Chợ Lớn có xe điện, xe hơi, xe ngựa (hai loại: Mui kiếng để chở khách, và loại xe chở rau cải hàng hoá). Sài Gòn đi Chợ Lớn có hai lộ trình xe ngựa: lộ trình mé sông đi dọc đường Hàm Tử, bến Chương Dương và lộ trình trên, đi đường Nguyễn Trãi. Phổ thông hơn hết cho các người sang bực trung là xe kéo (do người kéo như xe ngựa). Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp, ngỏ ý với viên Khâm Sứ Trung Kỳ, muốn đem chiếc xe kéo và một thằng phu, để qua Paris nó kéo ông đi chơi, làm cho viên Khâm Sứ phì cười!

Cuộc sống cô Ba Trà lúc nầy, tiền bạc vô như nước. Từ đây cô bắt đầu một cuộc sống như một bà hoàng, lên xe xuống ngựa mấy chục năm liền, làm điêu đứng phá sản không biết bao nhiêu công tử hào hoa, tay tiền rừng bạc bể xứ Nam Kỳ. Trong phần trước, chúng ta nghe nói cô Ba Trà được cậu Tư Phước George tặng nhẫn hột xoàn trị giá vài ngàn, rồi cậu Ba Qui cạnh tranh, tặng chiếc khác gấp đôi. Những đồ vật giá trị ấy lần lượt đi vào tiệm cầm đồ hoặc vào tay những Ấn kiều chuyên môn cho vay. Tiền vô như nước, nhưng vô cửa trước rồi ra cửa sau đúng như ông thầy bói danh tiếng Vi Kính Trang đã bói cho cô.

Hồi những năm đầu thế kỷ 20, đất Sài Gòn – Chợ Lớn có hai ông thầy tướng số nổi danh mà mãi đến sau nầy chưa có người nào có thể so sánh, ngay cả Chiêm tinh gia Huỳnh Liên. Những năm 1960, Huỳnh Liên rất nổi tiếng, ai cũng nghe danh. Riêng tôi, xin nói thật một điều là không dám tin những lời đồn về những điều tiên tri của Huỳnh Liên, nhưng chính một người trong đại gia đình của tôi, có đến nhờ ông Huỳnh Liên “cho phép” để bán một căn nhà ở Phú Nhuận với giá cao như ông đã hứa. Đợi cả tháng, nhà vẫn không bán được, mà cũng không ai đến coi, nên người đóng tiền trước cho Huỳnh Liên tìm tới văn phòng ông đòi tiền lại. Lúc đó văn phòng đang đông khách. Sau một hồi nói qua nói lại, mà vẫn không lấy tiền lại được, người quen của tôi bực tức, nói:

– Nè, tôi nói cho ông biết. Ông làm được thì nói, không làm được thì thôi, đừng lừa bịp chúng tôi. Tôi thách ông có bùa phép gì làm cho tôi chết. Nếu ông làm (ếm) mà tôi không chết, tôi đến đốt nhà ông !

Lần đó khách đang ngồi đời, sững sờ đến ngạc nhiên!

Ông thầy Tư Nên, tôi có nói đến trong bài “Các cuộc đời ngoại hạng Nam Kỳ thuở trước” nên không nhắc lại. Tuy nhiên có một chi tiết mới, chúng tôi được một người bạn vong niên là ông Nguyễn Văn Mạnh kể laị. Lúc đó vào năm 1915, thầy Tư Nên đang mở văn phòng coi bói tại thành phố Mỹ Tho. Hoàng tử Bửu Đảo, theo lời cụ Nguyễn Văn Vực có lúc làm thơ ký cho nhà Bưu Điện Sài Gòn, nên những ngày nghỉ, thường theo bạn bè xuống trường gà Rạch Gầm của ông chủ. Trước để đá gà, hay đi coi Ca ra bộ (tiền thân của Cải Lương) ở các khách sạn Mỹ Tho. Nơi đây hồi đầu thế kỷ là nơi phồn hoa đô hội, vì hành khách lên xuống lục tỉnh, phải đi xe lửa tới Mỹ Tho, ngủ đêm, rồi sáng hôm sau xuống tàu lục tỉnh về miền Tây. Chuyến lên Sài Gòn, các ông điền chủ cũng ngủ ở Mỹ Tho một đêm trước khi đáp xe lửa đi Sài Gòn . Đường lộ trải đá dành cho xe hơi lưu thông về miền Tây chưa thành hình. Nhiều khúc lộ còn mới đắp dang dở. Có một lần Bửu Đảo xuống Mỹ Tho, được bạn bè dẫn tới thầy Tư Nên coi bói. Lúc đó, Hoàng tử Bửu Đảo tay cầm cây can, chỉ chỏ xuống đất như kéo một gạch ngang. Thầy Tư Nên sụp lạy và nói:

– Tâu Ngài: “Cây can vẽ một vạch ngang trên mặt đất thành ra chữ Vương. Ngài có chân mạng đế vương”.

Nghe xong Bửu Đảo phì cười, tưởng rằng thầy Tư Nên nói chơi, vì trước khi vào đây, không ai giới thiệu Bửu Đảo là một Hoàng tử cả.

Chỉ mấy tháng sau, khi vua Duy Tân khởi nghĩa thất bại ở Huế và bị lưu đày (1916), Toàn Quyền Paul Bert đưa Bửu Đảo lên ngôi vua, lấy hiệu là Khải Định. Nghe đâu sau khi tức vị, Khải Định có nhớ tới ông thầy bói Tư Nên, bèn gởi thư khen ngợi.

Thầy tướng và thầy bói Vị Kính Trang nổi tiếng sớm hơn thầy Tư Nên. Thời đó muốn đến xem bó với thầy Vi Kính Trang phải trả 5 cắc (phân nửa của một đồng, giá bằng một giạ lúa), nhưng kiếm được thầy đã khó, mà chờ đợi thầy cũng rất lâu mới tới lượt mình. Ban đầu Vi Kính Trang ở trên gác trong đường nhỏ Rue d’Artisan, phía đường Cháo Muối, tức đường Thủy Binh, sau là đường Đồng Khánh. Sau đó Vi Kính Trang dời đến một căn phố lầu phía dưới là tiệm bán mì, hủ tiếu ở đường Jaccréo, nay là Tản Đà, gần Arc-En-Ciel. Vi Kính Trang là một thầy tướng, thầy bói danh bất hư truyền. Mới gặp cô Ba Trà, nhìn sơ qua tướng mạo, ông nói trúng phong phóc mọi việc xảy ra trong quá khứ như người trong nhà kể vậy. Có những chuyện người trong nhà không biết mà ông Vi Kính Trang biết rõ, không sai một nét. Khi cô Ba Trà hỏi chuyện hậu vận, Vi Kính Trang nhìn cô một lần nữa, rồi nghiêm trang nói:

– Số cô giàu sang tột bực. Tiền vô như nước, nhưng ra cũng như nước chảy. Cô không có số cầm tiền. Dẫu cô có muốn xây dựng gia đình với ai, để hưởng giàu sang sung sướng cũng không được… Xin lỗi cô, cô có số của “Đạm Tiên”:

“Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng…”

Nghe Vi Kính Trang nói, cô Ba Trà vừa vui thích, nhưng cũng có vẻ lo lắng. Cô móc bóp đền ơn ông 5 đồng, nhưng ông từ chối chỉ lấy 5 cắc mà thôi! Sau đó, cô lên xe bảo tài xế chở về nhà “Nguyệt Tiên Cung”, thay vì đi lại sòng bạc thầy Bảy Phương như đã dự định (lời cô kể lại).

Có thể nói cuộc sống của cô Ba Trà còn sang hơn cả một bà hoàng, bà tước của hàng quý tộc bên Âu Châu. Trong lịch sử ăn chơi Đông Tây kim cổ nước ta, chưa có người nào có thể so sánh với cuộc đời của cô Ba Trà. Chính cô đã làm điêu đứng biết bao công tử hào hoa, các đại điền chủ, thanh niên cũng có, sồn sốn cũng có, nhỏ hơn cô hàng 10 tuổi cũng có.. hễ ai gặp cô cũng mê như một sức quyến rũ kỳ lạ, hay bị thôi miên. Nhiều ông đại điền chủ lên Sài Gòn bán mấy ghe chài lúa, ăn chơi huy hoắc với cô Ba Trà chỉ hơn một tháng mà lúc trở về chỉ còn tay không.

Trong khi sở phí Đông Pháp lữ quán càng cao, nợ nần càng nhiều, cô Ba Trà muốn giải nghệ thì chính là lúc các công tử Ba Qui, Phước George mê cô và một nhà triệu phú trẻ tuổi khác làm “trung gian thương mãi” (Tàu gọi mái chính), lai hai dòng máu, họ Lương, nên dân ăn chơi gọi “Lương mái chính” gặp cô, mê cô, bỏ tiền ra để cô trả nợ, rồi thuê riêng một căn phố lầu sang trọng định xây tổ uyên ương, ăn đời ở kiếp với cô. Ngôi nhà lầu này cất theo kiểu phố hai từng, mặt tiền rộng 6m, sơn màu xanh (kiểu thanh lâu?) ở đường Richaud (nay là Phan Đình Phùng) nguyên của ông trưởng toà Tư ở Vĩnh Long làm chủ. Căn phố lầu này cho mướn giá 160 đồng một tháng (tương đương 4 lượng vàng), đủ biết sự sang trọng của nó ra sao. Những người tiền rừng bạc bể mới dám tới đó ăn chơi với huê khôi “Ba Trà”. Do Lương mái chính bỏ tiền trang hoàng lộng lẫy, đồ đạc mắc tiền, trướng rũ màn che, ghế nệm, trường kỷ, nhà ga (garage), phòng cho bồi, bếp, vệ sĩ gia nhơn… Chỗ ở mới của người đẹp sang trọng đến nỗi giới ăn chơi đặt tên “Nguyệt Tiên Cung”, mà thực chất là “cái tổ quỷ” của đàn ông giàu tiền.

Tuy gọi phố lầu cho gọn, thật ra đó là một loại biệt thự liên lập hai từng. Mỗi từng gồm nhiều phòng riêng biệt. Có phòng dành riêng cho gia nhơn, có nhà để xe phía sau. Mỗi phòng đều trang bị salon cẩm lai, salon gõ cẩn ốc xà cừ lóng lánh, ngồi lên mát lạnh. Đặc điểm của chỗ ở này là mỗi phòng đều treo một thứ màn mắc tiền bằng voan mỏng, màu sắc khác nhau: Trắng. xanh, hồng, có viền ren tím. Trên lầu, các phòng đều treo màn màu hồng, mầu đỏ, phản chiếu dưới ánh sáng bóng đèn ngủ trắng đục làm cho không khí thêm gợi tình. huyền ảo. Khách vào đây có cảm giác như lạc vào chốn đào nguyên. mà thật sự chỗ này là “chốn lầu xanh de luxe”. Các ông hội đồng, các thầy cai, các ông điền chủ một lần vào Nguyệt Tiên Cung một đêm, sáng ra thấy mất một ghe chài lúa như chơi. Cũng vì tiếng đồn Nguyệt Tiên Cung là chỗ ăn chơi phong lưu,thanh lịch, nhiều ông nhà giàu trọng tuổi, còn hảo ngọt, từ Hậu Giang lên tò mò tới chơi một lần cho biết. Theo cụ Vương Hồng Sển “thật sự ít ai có dịp ăn ngủ với cô Ba Trà”. Hồi đó, cái “tổ qu” Nguyệt Tiên Cung chính là nơi hành lạc kiểu “nhứt dạ đế vương” đầu tiên ở Sài Gòn. Ngoài cô Ba Trà, Nguyệt Tiên Cung còn các cô “á hậu” khác như cô Quế Anh, cô Tư Nhị.

Quế Anh là một cô gái đẹp, có đầu óc lãng mạn, học trường “áo tím”, từng đóng vai nữ trong tuồng “Tối độc phụ nhơn tâm”, làm cho khán giả rơi lụy nhiều đêm. Sau đó Quế Anh từ giã học đường, bước vào con đường giang hồ: Nay cặp với công tử này, mai ông điền chủ kia, miễn ai có tiền và đám ăn xài.

Cô Tư Nhi, một người “đầu gà đít vịt” , (cha Tiều. mẹ Miên) quê ở Sa Đéc, lên Nam Vang lập nghiệp. Có có thân hình rắn chắc, nói theo kiểu bây giờ, cô có “thân hình nẩy lửa”, hấp dẫn.

Không có điều lệ thành văn, nhưng lâu ngày thành thói quen nhất định, khách hào hoa muốn vô Nguyệt Tiên Cung phải nạp 1000 đồng tiền lệ phí, gọi là “đi lễ”. Số tiền ấy phải gồm 10 tờ giấy xăng bộ lư (giấy 100 đồng có inh hình bộ lư), đựng trong bao thơ, đặt trên một cái mâm, do một cô xẩm bưng lên lầu để “xin ra mắt cô Ba”. Những ai nạp tiền lẻ (giấy 20đ, giấy 50đ…).đều bị coi là keo kiệt. có khi cô Ba không tiếp làm cho mất mặt.

Bước vô nhà, khách được thỉnh vào phòng khách thứ nhất rất sang trọng. Ở đây khách được mời ngồi vào salon chờ đợi. Một cô trịnh trọng bưng lại một ly rượu Champagne đặt trên cái mâm. Khách được mời “nhắm chút rượu khai vị”.

Độ 10 phút sau, khi khách vừa nhấm chút rượu cho ấm bụng, lại được mời qua một phòng khác. Trước khi qua phòng này có một anh Chà và (Java) đen, mặc đồng phục trắng kiểu bồi khách sạn ngày nay gác cửa, lễ phép chào khách, rồi nhường khách bước qua phòng này. Giống như khuê phòng của các tiểu thơ, phòng này sực nức mùi nước hoa, trên bàn có một bình hoa thơm. Khách vừa ngồi trên salon, liền có một cô xẩm khá đẹp, trong bộ xường xám Thượng Hải bó sát lấy thân hình cân đối, người cao ráo, chân thon, dài xuất hiện. mỉm cười. Khách cảm thấy mê mẩn tâm thần vì cảnh sắc cứ thay đổi luôn khó biết trước. Cô xẩm lễ phép bưng lên một mâm đặt trước mặt khách, trên đó có chén trà sâm để khách giải khát, tăng cường sinh lực. Kế bên là một dĩa bàn, trên có đựng sẵn một khăn mặt còn nóng, tẩm dầu thơm để khách lau mặt cho sảng khoái, và tận hưởng cái hương vị ngây ngất, quyến rũ cao sang dành cho giới thượng lưu. Khách còn đang mơ màng, chợt một cô gái khác xuất hiện, cúi đầu kính mời khách lên lầu. Một thiếu nữ kiều diễm sẵn sàng, y phục bằng lụa mỏng, khêu gợi, đón khách an tọa. Rồi họ dọn ra một mâm đặc sản thuộc loại sơn hào hải vị: Một chén yến hột gà chưng với sâm, đường phèn, một con bồ câu ra ràng, chưng với yến để khách tăng cường sức khỏe.

Bồ câu ra ràng là loại bồ câu mới nở, mềm, bổ, để cho những vị khách răng rụng xếu xáo không nhai thịt được. Ăn xong. khách được mời qua một phòng tắm sang trọng với nước nóng pha dầu thơm. Trong khi đó, một cô xẩm áo quần bó sát người hướng dẫn khách tắm (vì nhiều người ở nhà quê, không biết cách thức sử dụng vòi nước, bồn tắm) và sau đó, khách được mời thay một bộ đồ ngủ (pyjama) bằng lụa Lèo cho thoải mái. Nếu may mắn, sau màn này, khách được ôm ấp người đẹp Ba Trà trong một phòng ngủ khác sang trọng như nữ hoàng.

Tuy nhiên phần lớn các công tử, giới ăn chơi vào tới đây chỉ được cô Tư Nhị, cô Quế Anh, tiếp mà thôi. Cô Ba Trà ít khi tiếp họ. Nhiều người không được gần cô Ba, nhưng sau khi về cũng khoe rằng “đã ngủ với huê khôi Ba Trà”, để tỏ ra mình là khách ăn chơi sành điệu. Có người không được gần cô Ba Trà, khi về gieo tiếng oán, chớ cô Ba lúc ấy đang lên như diều gặp gió, các công tử phong lưu như công tử Phước George, cậu Ba Qui, cậu Bích mới là người tình của cô. Thời kỳ ở Nguyệt Tiên Cung, nhan sắc cô Ba thêm lộng lẫy. Mỗi ngày cô mặc một bộ đồ khác nhau, ngây thơ như nữ sinh trong trắng, con nhà lành. Có lúc cô “lăng xê” mốt mặc quần và áo dài cùng một loại hàng mỏng, thứ đắt tiền, cùng màu. Trên cổ cô còn choàng một khăn voan lụa ngồi xe du lịch mui trần, mà hồi đó chưa có ai xinh đẹp vừa sang trọng quý phái như cô Ba.

Vướng vào con đường cờ bạc, cô Ba thường lui tới các sòng bài ăn thua lớn như các sòng của thầy Sáu Ngọ ở Chợ Lớn, thầy Sáu Nhiều, sòng thầy Bảy Phương ở đường Carabelli (nay là đường Nguyễn Thiếp), đó là khách sạn Đỗ Văn Bình Hôtel Confortable. Chỗ này cũng thu hút nhiều tài tử, khách văn chương, nhà văn, nhà báo vì mỗi chiều thường có tổ chức “đờn ca ra bộ”, tiền thân của ca kịch Cải lương miền Nam. Thập niên 1910, 1920… khách sang từ lục tỉnh về chơi, thường đi tàu ghé Mỹ Tho ngủ một đêm. Hôm sau họ lên xe lửa đi Sài Gòn. Chuyến về họ cũng ghé trạm chuyển tiếp Mỹ Tho, nên chợ Mỹ là chốn phồn hoa đô hội, chỉ thua Sài Gòn mà thôi.

Người Tây phương thường quan niệm học vấn góp phần hình thành nhơn cách một người. Nhơn cách gồm hai phần lương tri và lương năng. Không học mà biết thì gọi là lương năng. Có học mới biết, đó là lương tri. Cô Ba là người đẹp nhưng thiếu học, cho nên bên ngoài cô có vẻ là một người quý phái, nhưng cô ăn nói vụng về, có khi cộc lốc, vô duyên, nhưng vì mọi người đều mê sắc đẹp của cô, nên đối với những câu đối đáp thiếu văn hoa ấy, họ vẫn gọi là chân thành. Thậm chí có nhiều lúc cô ăn nói xẳng lè như ra lịnh, nhưng khách đa tình vẫn mê cô như điếu đổ. Chính cô cũng thú nhận điều đó. Nhiều người đối với cô ơn nghĩa tràn đầy, nhưng cô đối với họ bằng sự đoản hậu. Mối tình chênh lệch giữa cô và bác sĩ Án là một thí dụ điển hình. Trước tình yêu, lòng khoan dung độ lượng của một lương y, săn sóc, chu cấp tiền bạc “thi ân bất cầu báo” với thái độ của người quân tử, nhưng cô đáp lại bằng thái độ của người vong ơn bội nghĩa. Đàn ông có nhơn tình, ai cũng ghen, cũng ích kỷ, nhưng mỗi người phản ứng một cách khác nhau tùy bãn lãnh và nhân cách của người ấy. Bác sĩ Án là một người cao thượng “ăn không được thì buông” chớ không phải “ăn không được thì khuấy cho hôi”, như bao người tầm thường khác.

Để độc giả có một cái nhìn liên tục về cuộc đời “huê khôi Nam Kỳ, cô Ba Trà” nầy, chúng tôi xin nhắc lại những biến cố chánh. Trong cuộc du hí Vũng Tàu, đầy thất vọng và buồn thảm trở về, bác sĩ Án nhất định trả tự do cho người đẹp. Trước một người đẹp như hoa nở, như trăng mới lên, ông lương y cảm thấy mình có tuổi, không tương xứng. nên không còn theo đuổi cô Ba nữa. Xung quanh cô hiện thời có biết bao nhiêu công tử hào hoa đeo đuổi, chỉ mong cô ban cho chút tình lẻ. Dù giàu có, lương ông bác sĩ so với các công tử nào có thấm gì. Hơn nữa cô Ba đâu có chịu an phận làm vợ lẽ của một người chồng luống tuổi . Nhưng trong khi yêu ông bác sĩ không nhận ra điều đó. Trong tình yêu người ta ích kỷ, nhưng ông bác sĩ này cao thượng. Con chim quý đã xổ lồng, đi tìm phương trời xa lạ, mong gì trở lại . Trong lúc tới lui các sòng bài ăn thua lớn, nhiều người tiền rừng bạc bể gặp cô, muốn tung tiền mua chuộc làm của riêng. Một ông hội đồng ở Rạch Giá, muốn “lâp phòng nhì với cô”, một hôm đem tặng cho Dì Tư Ăng-Lê một số tiền và mượn bà này làm mối. Vốn là người đàn bà từng trải, Dì Tư nhận tiền, nhưng nói khéo:

– Chà, việc này khó quá. Ông nói thẳng với “Ba”, chớ tôi đâu dám!

Nhưng sau khi ông Hội đồng cạn túi, cô Ba cũng giã từ không lưu luyến- Còn ông hội đồng cũng học được một bài học kinh nghiệm nhớ đời.

Cô Ba Trà lập Nguyệt Tiên Cung là nhờ người mái chính (người trung gian thương mãi, Pháp gọi là compredore) họ Lương. Cũng như nhiều khách đa tình hiếu sắc khác, Lương mái chính cũng có ý định chọn cô Ha Trà làm vợ ăn ở lâu dài, nên mới bỏ ra một số tiền lớn mướn phố để xây tổ uyên ương với người đẹp. Rốt cuộc:

“Uổng công xúc tép nuôi cò,
Nguôi cho cò lớn, cò dò cò bay”

Cái tổ uyên ương ấy chính là “cái tổ quỷ” của bọn Công tử nhà giàu, chớ phải nào là của riêng Lương mái chính! Chỉ một thời gian tấp nập khách phong lưu, Nguyệt Tiên Cung bắt đầu vắng khách vì ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế đến Nam Kỳ mạnh mẽ nhứt vào năm 1932. Nhiều đại điền chủ phá sản, một số điền chủ hạng trung cũng vỡ nợ vì ruộng đất cầm cố không đủ tiền chuộc, bị tịch thu. Nông dân sống nhờ hột lúa, công chức với đồng lương cố định, thiệt thòi nhứt:

“Lúc lúa hai hào (2 cắc), dân mếu máo,
Quan ăn năm chục, vợ rầy la.”

Như vậy giá lúa từ 1 đồng 2 (năm 1928) sụt gấp 6 lần. Chỉ những người buôn bán còn giữ được phong độ, nhưng mãi lực dân chúng cũng kém đi . Tờ “Lục tỉnh Tân văn” số ra ngày 23-12-1931 viết:

“Những người có nghề nghiệp trong tay còn xoay quanh trong vòng no ấm. Còn những người chỉ biết có nghề cạo giấy (thơ ký, thầy thông ngôn ..) mới kiếm tiền làm sao? Đi bán hàng rong cũng lỡ mà đi khuân vác cũng rầy. Ấy là hạng trí thức thất nghiệp. Còn những học sinh có bằng Thành Chung, cũng đành bó gối, công sở không mướn và tư sở cũng không dùng”. Một thức giả khác, ông Cao Sơn, làm một bài thơ tả cảnh Sài Gòn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đăng trên báo “Đồng Nai”, ngày 1 tháng 3 năm 1932:

“Trải mấy tang thương luống ngậm ngùi,
Sài Thành phong cảnh có chi vui ?
Phố phường ngang dạ ai buôn bán?
Đường sá dập dìu khách tới lui.
Vinh mặt, múa men phường mọt nước
Chau mày ngất ngưởng bạn thương đời.
Lần xem sử Việt thêm ngào ngán,
Bảy chục năm qua lắm đổi đời.”

Chỉ trừ một số ít công tử còn phong độ, hầu hết các nhà giàu đều bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế này. Thời gian này cậâu Tư Phước George đã lập gánh hát Huỳnh Kỳ để làm người tình của các cô đào kiều diễm, lưu diễn khắp miền lục tỉnh. Còn câu Ba Qui, sau một thời gian theo cô Ba Trà, bây giờ cũng đã chán, tìm các cô gái nửa chợ nửa quê nhưng có thân hình rắn chắc để bắt bồ.

Mariane Lê Thị Nhị

Cô Tư Nhị là gái làng chơi hạng sang, nổi tiếng một thời với cô Ba Trà. Chính cô Ba Trà thuật lại cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Tư Nhị trong hồi ký. Lần đó, cô đến coi hát tại rạp hát của ông hội đồng kiêm bầu gánh Lương Khắc Ninh, chỗ đó sau nầy là rạp Kim Châu, được gặp Tư Nhị một dịp hết sức tình cờ. Cô kể lại:

“Một hôm, tôi buồn quá, thả cu ky lại rạp chớp bóng Cầu Muối, gọi rạp ông Bầu Ninh”. Lúc nầy, cô đang cặp với một kép mới là công tử Bích người Trà Vinh đang nằm khám vì tội không tiền trả nợ, “tôi bơ vơ phải về với anh chồng Tây Franchini. Phim đang diễn, bỗng tôi nghe từ đàng sau có tiếng thanh tao mời mọc:

– Mời cô Ba hút với em một điếu thuốc!

Tôi đáp nhỏ:

– Cám ơn cô, tôi không biết hút thuốc!

Bỗng cô kia nói tiếp và rất rõ:

– Thôi mà cô Ba. Hút cho em một điếu để làm quen mà! Tại cô chưa biết em, chớ em đã biết cô từ lâu. Má em thường nhắc đến tên cô hoài và thường dạy em:”Thà làm đĩ, ra chơi bời như cô mới đáng gọi là gái ngoan.”

Trời đất ôi, thật là một câu sét đánh ngang tai. Nếu tôi biết trước sự việc như vậy thà ở nhà còn hơn. Đi coi hát làm chi để nghe chưởi một tiếng nóng phừng da mặt. Cả mấy người ngồi gần tôi đều day mặt lại dòm tôi, làm tôi càng thêm mắc cở. Phim đang chiếu, nhưng tôi bực quá, xô ghế đứng dậy ra về. Ra tới xe, chưa kịp leo lên, thì cô gái mời hút thuốc lá cũng vừa theo ra. Không ai mời, cô nhảy phóc lên xe, ngồi và nói tỉnh bơ:

– Nhà cô Ba ở đâu? Cho em về theo với!

Nhìn kỹ cô gái, tôi đổi giận làm vui. Đây là một cô gái mơn mởn đào tơ, tròn trịa như con chim chàng nghịt, óc cau đầu mùa lúa trổ, ngực tròn căng như muốn xé hàng sọc dưa rằn ri tung ra. Trán cô thấp, có mớ tóc xoăn quăn che lúp xúp, ngỗ nghịch nhiều hơn phục tùng. Cặp mắt cô mơ mộng, tình tứ, nửa mời mọc, nửa khiêu khích, đúng là “một con đĩ mén mặt dày” ăn nói như hồi nãy, nhưng mặn mòi, duyên dáng một cách rừng rú, khiến tôi không giận được với “con ba trợn” nầy.” Sau rõ lại cô Tư Nhị từ Nam Vang xuống, cha người Tiều, mẹ người Miên nhưng từng ở Sa Đéc (có tài liệu nói rằng cô Tư Nhị cha Miên, mẹ Việt). Từ ngày cô Tư Nhị về ở chung, nhà tôi càng rậm rật khách phong lưu. Trai lối xóm đón đường chọc ghẹo Tư Nhị hàng đêm. Sở dĩ Tư Nhị có tên Tây Mariane Lê Thị Nhị cũng có giai thoại, cô Ba Trà kể tiếp:

“Một hôm tôi và Nhị với Franchini đi coi chớp bóng thấy trên màn ảnh có một nữ minh tinh duyên dáng, có nhiều nét giống Tư Nhị, nên Franchini, vốn có cảm tình với Nhị, lấy tên cô ấy là Mariane mà đặt cho Nhị: Mariane Lê Thị Nhị, còn tôi Yvette Trà. Sẵn tôi thứ ba, thắng gọi Nhị là Tư như một người em tôi. Franchini vốn có máu mê đàn bà nên lúc cô Nhị ở chung, hắn cũng trổ mòi “dê”. Tuy nhiên Franchini có lúc bực mình với Tư Nhị vì tập làm gái hạng sang, nhưng Tư Nhị vẫn còn nhiều thói nhà quê, cục mịch.

Lúc về Nguyệt Tiên Cung, Ba Trà cũng đưa Tư Nhị về ở chung. Về sau, cô Ba Trà đóng vai một tú bà hạng sang. Số là có một công tử Gò Đen tới Nguyệt Tiên Cung chơi, “cảm” Tư Nhị, đề nghị đưa Trà 10,000 đồng rồi dẫn Nhị đi lập tổ uyên ương. Công tử nầy mua cho Tư Nhị một căn phố trệt, có đầy đủ bàn ghế, nằm ở góc đường Verdun và Richaud, tức góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước năm 1975.

Tuy vậy, Tư Nhị đâu muốn làm người vợ hiền và an phận với cuộc sống. Như ngựa quen đường cũ, chỉ được ít tháng, Tư Nhị chán công tử ấy, cặp bồ với người khác. Tư Nhị cũng là một ngôi sao sang trọng trong giới ăn chơi hồi đó, chỉ thua Ba Trà. Xuất thân làm đào hát, nhờ có thân hình quyến rũ, có sắc đẹp, nhưng giọng ca khàn khàn không hay, Tư Nhị chỉ thích làm tình nhơn của những ai giàu có, dám chi tiền không tiếc. Ban đầu Tư Nhị đầu quân dưới trướng cô Ba Pho, tức Joséphine Lệ Ngọc trước khi qua làm đàn em của cô Ba Trà. Tưởng cũng nên nói qua về lý lịch cô Ba Pho.

Đương thời, cô là người đẹp thuộc vào hạng đối tượng của các công tử phong lưu. Cũng như các người đẹp nổi tiếng đương thời khác, đi đâu cô Ba Pho cũng có một vệ sĩ đi kèm. Trong các người đẹp ăn chơi lúc đó, cô Ba Pho là người khôn ngoan, biết giữ gìn nhan sắc và tiền của, giống như trường hợp “bà chúa đĩ Bắc Hà” tức cô Tư Hồng. Tôi nghe kể lại một giai thoại về cô Joséphine Lệ Ngọc nầy, nhưng không quả quyết đúng hay sai:

Hồi năm 1956, tôi có đến chơi và ăn ở trên lầu nhà xuất nhập cảng xe đạp “Trần Chi” , đại lộ Tổng Đốc Phương Chợ Lớn. Người chủ nhà, tức ông Trần Chi cho biết:”Cô Ba Pho tức Joséphine Lệ Ngọc, một trong những người đẹp ăn chơi nổi danh của đất Sài Gòn hồi thập niên 1840, cô có biệt danh là “cô Tư Dái”, không rõ nguồn gốc của hai chữ nầy ra sao. Cuối thập niên 1950, gia đình cô mua lại rạp chớp bóng cũng gần hãng xuất nhập cảng xe đạp “Trần Chí”, sửa chữa lại lấy tên mới “rạp chiếu bóng Victory Lệ Ngọc”, nằm trên đại lộ Tổng Đốc Phưong, dân chúng thường gọi là rạp Lệ Ngọc.

Chiều chiều, người Sài Gòn thỉnh thoảng cũng thấy Tư Nhị, ngồi xe du lịch lượn quanh Sài Gòn, nay với công tử nầy, mai với thanh niên khác. Khi thì ngồi xe Hotchkiss với công tử Gò Đen, khi thì đi tắm suối Xuân Trường với công tử Như Bích, con một đại điền chủ ở Bạc Liêu. Cuộc đời của Tư Nhị là một chuỗi những ngày ăn chơi trác táng, những cuộc truy hoan thâu đêm, không biết giữ gìn sức khoẻ và cũng không biết ngày mai. Bắt chước “mốt” ăn chơi của các tài tử điện ảnh bấy giờ, Tư Nhị cũng ngậm ống điếu thật dài, để tạo ra một phong cách thanh lịch và quý phái. Nhiều đêm cô ngả bên bàn đèn, mơ màng tận hưởng sự khoái lạc của “nàng Phù Dung”. Nhiều ông huyện trẻ, cũng đến nạp tiền cho cô, để được gần người đẹp cho biết mùi đời. Nhờ hoàn cảnh sống chung với cô Ba Trà mà Tư Nhị được nhiều công tử tiền rừng bạc biển chú ý, và cuộc đời của cô bay bổng như diều gặp gió.

Cũng giống như cô Ba Trà, Tư Nhị không biết lo xa. Cô ỷ mình sức khoẻ, cứ phung phí bằng cách hút thuốc phiện, thuốc lá thả giàn, ăn chơi suốt đêm, cho nên cuộc đời thâu ngắn. Càng luống tuổi, cô càng khốn đốn vì con ma thuốc phiện hành hạ. Cuộc đời cô xuống dốc quá nhanh.

Độc giả có thể đoán trước cuộc đời cô Tư Nhị về cuối đời ra sao không? Cụ Vương Hồng Sển thuật lại:

“Gần đây, vào tháng bảy năm 1982, tôi có gặp lại bạn cũ là anh Ba Quan, một tay chơi lịch duyệt trong giới cầm ca. Anh Ba Quan kể lại sau năm 1945 hay 46 gì đó, tiền hết, còn tiền giấy 500 của chính phủ mất hết giá xài, trong mình anh còn độ 100 bạc, vừa đói, vừa khát, anh lết trở về Sài Gòn . Một buổi sáng, anh làm gan, ra đường phố vắng hoe, không một bóng người . Anh thả lần tới Chợ Cũ, đường George Guyemer (nay là Võ Di Nguy) ăn điểm tâm xong, bước ra cửa, đưa tờ giấy xăng, chưa kịp lấy lại tiền lẻ, bỗng nghe có tiếng người gọi:

– Anh Ba!

Giựt mình quay lại, không thấy ai cả, trừ năm ba người hành khất dơ dáy. Quan nói trong bụng:”Ai kêu mình vậy cà?”. Rồi nghe một giọng nói tiếp theo:

– Anh Ba, em là Tư Nhị đây!

Quan nhìn không ra vì đứng trước mặt là một người đàn bà ăn mày, không còn hình thể con người . Hai chưn sưng và băng bó bằng lớp vải máu mủ, ruồi bu đầy, mặt đổi sắc, môi thâm đen. Quan không dám ngó lâu, rút tờ giấy 20 đồng, đặt nhẹ vào lòng bàn tay, rồi đi thẳng một nước .”

Tới đây tôi cũng nhớ đến cô Cẩm Nhung, một vũ nữ tài sắc, nổi danh một thời của các vũ trường Sài Gòn hồi những năm cuối thập niên 1950, từng làm say mê biết bao công tử. Cẩm Nhung có một sắc đẹp não nùng, cuộc sống giàu sang nhung lụa vì nhiều người đua nhau cung phụng tiền bạc. Kể từ khi cô bi một người đàn bà đánh ghen, tạt át-xít vào mặt, nhiều người nghe báo chí đăng tin ấy, đều bùi ngùi thương cảm. Bẵng đi vài năm, tôi có dịp đi qua bắc Mỹ Thuận, nghe một người đàn bà ăn mày có giọng ca não nùng ai oán. Tôi bước lại gần để tặng cho người ấy một số tiền nhỏ. Trời ơi, người đàn bà ấy có khuôn mặt một ác quỷ, mặc bộ bà ba đen cũ rách, trên ngực có đeo tấm bảng “vũ nữ Cẩm Nhung”. Tôi sững sờ một lúc lâu …

Còn cô Quế Anh, một người con gái đẹp, lãng mạn, từng ăn chơi phóng túng đất Sài Gòn hồi thập niên 1930. Quế Anh là một người lai, cha Tiều, mẹ Việt, gia đình buôn bán khá giả. Cô bỏ đi giang hồ vì tánh lãng mạn chớ không phải vì thiếu thốn hay nghèo. Hồi đó cô đang theo học trường “áo tím” (Gia Long sau nầy). Cô Quế Anh đẹp, thông minh, ăn chơi nhưng lại là người có tâm hồn. Trong cảnh trụy lạc, cô vẫn còn chút liêm sỉ và danh dự. Từ lúc sa ngã vào chốn ăn chơi, cũng như Tư Nhị, cô sung sức, cặp kè với bất cứ ai có tiền. Người ta biết tới tên cô khi cô đóng vai Lý Ngọc Thơ trong vở tuồng “Tối độc phụ nhơn tâm”, diễn liên tiếp ba xuất hát làm nghĩa vào năm 1923. Lý Ngọc Thơ đã làm khán giả mê mẩn tâm thần. Kể từ đó, cô Quế Anh ăn chơi theo sở thích. Cũng bài bạc, thuốc phiện là những cái mốt thời thượng lúc bấy giờ. Nhiều ông kỹ sư, bác sĩ từ bên Tây về, gặp cô mê ngay và làm người tình trong giai đoạn. Cô thay đổi nhơn tình như thay áo, cũng lên xe xuống ngựa một thời. Tiếc thay số mệnh cô ngắn, có phải vì “tài mạng tương đố” chăng?

Về sau, khi nhan sắc vào thu, tuổi khoảng 40, ong bướm chán chường, cô trở nên một người thất chí, sống trong cảnh nghèo lại mang bịnh ghiền. Cụ Vương Hồng Sển tâm sự rằng cụ cũng mê cô một thời. Lúc nhan sắc tàn phai, gặp lại cụ, cô nói: “Tuy thương anh, nhưng không thể sống với anh được vì em không xứng đáng.” Sau đó, cô Quế Anh có tặng cụ một bài thơ bày tỏ tâm sự:

“Một bóng đèn khuya khắc lụn vơi,
Tàn canh, say tỉnh, giận thay đời.
Bụi hồng lắm lúc, còn mưa nắng,
Má phấn nhiều phen chịu lấp vùi.
Cầm sắt những ngờ xui lá thắm,
Tang thương âu hẳn phận bèo trôi.
Nào người chung đội trong trời đất,
Gang tấc nầy xin nhắn một lời.”

Kể từ sau năm 1933, cô Ba Trà mới 27 tuổi, nhan sắc còn lộng lẫy, nhưng cuộc sống nhiều biến động. Tiền bạc vô như nước, nhưng ra cũng như… nước lớn, nước ròng.

Rồi cũng do những cuộc gặp gỡ tình cờ, cô lại gặp người tình tạm bợ này, người chồng hờ kia. Ai nấy đều cung cấp tiền bạc cho cô sống phủ phê. Tuy nhiên đối với một người có máu mê cờ bạc và nghiện thuốc phiện, không có ai đủ sức chu cấp lâu dài. Họa hoằn có người nào in được giấy bạc mới mong làm chủ cuộc đời người đẹp lâu dài. Trong cuộc đời cô, theo lời tự thú, cô có yêu thật tình một người, nhưng chỉ sống chừng già một năm rồi khi tiền hết, cuộc tình cũng vỡ tan mà chúng tôi sẽ kể sau.

Có điều, trong khi giao du với các công tử. cô Ba Trà không dùng mánh khóe, giả âu yếm để lừa gạt đàn ông. Chính cái sắc đẹp mê hồn của cô đã làm say đắm bất cứ người nào, già trẻ bé lớn gì cũng… mê. Những năm sau khi kinh tế khủng hoảng, cô Trà như đóa hoa vừa mãn khai, chưa có dấu hiệu suy tàn. Đi chơi bới bất cứ ai, cô Ba cũng không bao giờ có cử chỉ tình tứ, hay nói với họ những lời âu yếm. Bản chất của cô là một cô gái quê, ít học, chỉ có nhan sắc trời dành cho, làm võ khí lợi hại. Đông Pháp lữ quán đã trả về chủ khác. Cô ngồi két xinh đẹp, Yvette Trà cũng không còn là một bông hoa biết nói để trang trí cho nhà hàng nữa. Nguyệt Tiên Cung cũng thăng trầm theo chu kỳ khủng hoảng kinh tế. Tiền rừng bạc biển như cô Ba Trà cũng có những lúc nợ nần tứ giăng. Các chủ nợ từng chực chờ đón cô ở Nguyệt Tiên Cung. Hễ thấy mặt cô, họ sẽ mời trưởng tòa đến lập vi bằng, giam thâu, và tịch thu đồ đạc trừ nợ.

Biết được tình hình trên, nên khi hết tiền lần này, cô Ba Trà rút về mai danh ẩn tích trong một con hẻm nhỏ. “Dịp may để tôi gặp và lấy Franchini, chủ nhà hàng Continental (Đại Lục lữ quán) cũng là một sự tình cờ”.

Cô Ba Trà kể lại:

“Lúc đó tôi đang cặp với công tử Bích, quê ở Tiểu Cần, Trà Vinh. Bích dẫn tôi đi lựa mua một chiếc xe du lịch. Ban đầu Bích đưa tôi tới hãng xe Rounab của ông Nguyễn Văn Hảo ở đầu đường Trần Hưng Đạo ngày nay, vì cậu nói chỗ này là chỗ quen biết với cậu. Ông Hảo là người quê ở Càn Long, Trà Vinh. Sau khi xem xét một hồi, thấy các kiểu xe ấy, tôi không thích và đòi đi chỗ khác Sau đó Bích đưa tôi tới hãng “Auto Hall” nằm phía trái xã Tây (Toà Đô Chính bây giờ) trên đường Charner (Nguyễn Huệ). Chúng tôi đang ngắm nghía từng chiếc thì gặp Franchini cũng tới đó mua xe. Gặp tôi, Franchini nhìn trân trối một phút, rồi y tiến tới Bích tự giới thiệu để được bắt tay tôi.”

Cuộc đời Franchini cũng khá ly kỳ hấp dẫn. Có người nói hắn là dân đảo Corse ở miền Nam nước Pháp, biết ăn chơi vừa phải, nhưng là người có đầu óc kinh doanh. Không rõ nguyên nhân nào mà Franchini vào làm rể một ông Đốc Phủ Sứ giàu có ở Mỹ Tho. Vợ ông Đốc Phủ Sứ là người đàn bà quê mùa, cục mịch, lại ăn trầu bô bô. Lúc ở nhà bên vợ, Franchini chiều chuộng gia đình bên vợ hết mực, chiều chuộng còn hơn những chàng rể Việt Nam khác của ông Đốc Phủ Sứ. Hắn có thủ đoạn mua chuộc cảm tình rất tinh vi. Thấy bà nhạc ăn trầu, hắn têm trầu cho bà, và tự tay đổ bô cỗ trầu cho bà. Hắn săn sóc bà còn hơn con ruột trong nhà. Khi đã chiếm được lòng tin cậy rồi, hắn bắt đầu moi tiền ông bà già vợ. Hắn tỏ ý muốn có số tiền lớn để làm ăn. Bà già vợ nghe chương trình làm ăn lớn của Franchini thì chịu liền. Chính bà đốc ông chồng đưa tiền cho Franchini mua lại Continental Palace, là một đại lữ quán bề thế đất Sài Gòn hồi đó.

Trước khi ăn ở chính thức với Franchini như vợ chồng, cô Ba Trà cũng sống một thời gian ngắn với công tử Bích (anh ruột cô Sáu Hương mà chúng tôi có nói ở đoạn trước). Bích có vợ con đàng hoàng. Gặp cô Ba Trà tại sòng bài thầy Bảy Phương ở đường Caribelli (nay là Nguyễn Thiếp), Bích mê ngay. Không biết trúng kế mỹ nhơn thế nào mà chỉ trong lần gặp gỡ đầu tiên, Bích đã si mê cô Ba Trà như điếu đổ. Cô Ba Trà than không có xe hơi đi lại, đi xe kéo bất tiện. Sẵn tánh hào hoa, Bích liền dẫn đi sắm cho cô chiếc xe Citroen tại phòng trưng bày xe du lịch (Auto Hall ) kể trên.

Thấy chồng đi Sài Gòn bán lúa cả tháng chưa về, mà cũng không có tin tức, vợ Bích từ Tiểu Cần sánh nghi, bèn tức tốc lên Sài Gòn tìm chồng. Tới nơi bà nghe tin phong thanh rằng Bích đang cặp với huê khôi Ba Trà. Nổi máu ghen, bà dẫn đứa ở theo rình bắt. Khi cô Ba Trà đồng ý mua chiếc xe Citroen 4 chỗ ngồi giá 3000 đồng, vừa trả tiền xong thì vợ công tử Bích ùa vào bắt gặp tại trận. Không chút lo sợ, Bích và người vợ cãi lẫy, lời qua tiếng lại suýt gây ẩu đả. Hai bên phải nhờ đến cò bót quận Nhựt phân xử mới yên. Sau đó, để trà thù, Bích công khai ăn ở với cô Ba Trà như vợ chồng. Chỉ sống chung nhau chừng bốn tháng mà mấy ghe chài lúa đều tiêu tan, nợ nần tùm lum, Bích bị con nợ “nhờ luật pháp bắt giam thâu” để đòi tiền. Cô Ba Trà đóng vai người vợ hiền, ngày ngày vào khám thăm nuôi, cung cấp thuốc phiện cho Bích. Khi được trả tự do, công tử Bích trắng tay, và mối tình với người đẹp cũng keo rã hồ tan. Vụ này cô Ba kể lại trong Hồi ký:

“Với 10 000 đồng mà Bích bán mấy ghe chài lúa hồi Tết, gặp tôi đòi mua xe hơi tặng, rồi mướn nhà, mua sắm đồ đạc xây tổ uyên ương, ăn xài huy hoắc chỉ bốn tháng là hết sạch. Bích vay mượn thêm, hy vọng về nhà lấy tiền trả, nhưng lần này bà vợ cất chìa khóa không đưa. Bích trở lên thất vọng. Hết tiền, thiếu nợ quá hạn, Bích đành nằm khám để “nghiền ngẫm kinh nghiệm ăn chơi với người đẹp, ở không ăn xài núi cũng lở. Huống gì cô Ba Trà là người đam mê cờ bạc, biết bao nhiêu người phá sản cũng vì cô Bây giờ hết tiền thì cũng hết tình. Cô Ba Trà và Bích chia tay. Tội nghiệp Bích, vì thiếu nợ mà luật pháp lại binh vực người chủ nợ, cho phép bắt người thiếu nợ “giam thâu’, đợi khi nào trả đủ mới được tự đo. Cô Ba tự nhủ, “Trong lúc Bích gặp hoạn nạn vì tôi thì tôi cũng làm tròn bổn phận người vợ, là đi thăm nuôi và cung cấp cơm đen cho Bích”.

Sau khi chính thức về sống với Franchini, cô Ba Trà được người chồng Pháp mướn cho một căn phố mới ở đường Richaud, cũng gần Nguyệt Tiên Cung. Bấy giờ hoa đã có chủ. Cảnh ong bướm dập dìu ngày xưa cũng bớt đi vì anh chồng Tây này có máu ghen chẳng thua người Việt. Franchini là người nịnh đầm, ăn xài rộng rãi, sang trọng, nhưng rất ít khi cầm cho cô Ba một số tiền mặt lớn như các công tử. Bởi hắn gốc người đảo Corse biết tính toán dù là chỗ ăn chơi. Bây giờ cậu Tư Phước George đã lập gánh hát Huỳnh Kỳ, rồi bận bịu theo gánh hát lưu diễn khắp nơi. Cái thú vui mới của cậu Tư là làm chủ nhiều bông hoa biết nói, vừa có giọng ca hay, vừa khéo sắm tuồng. Cái thú đó, cứ tường tượng sẽ thấy mình là người hạnh phúc, vì đã gần các người đẹp nổi danh của Trung Quốc như Dương Quý Phi, Điêu Thuyền, Chiêu Quân… mỗi khi ôm ấp các cô đào từng đóng vai các mỹ nhơn đó. Còn cậu Ba Qui bây giờ cũng đang tuyển lựa những người đẹp nửa chợ nửa quê khác để cặp bồ. Franchini rất ghét cờ bạc. Mỗi khi Franchini vắng nhà, cô Ba mới dám đi “ngồi sòng”.

Có một lần, cô Ba Trà lén Franchini vào sòng me để giải buồn. Hôm đó tổ đãi, cô Ba gặp hên, trúng liên tiếp chừng vài giờ đã gom sòng được hơn 80.000 đồng. Lại có trong tay một số tiền quá lớn, nên cô Ba cũng bắt đầu xài huy hoắc. Cô liền tới hãng xe du lịch, kẻo về chiếc Alfa Roméo của Ý, mới cắt chỉ, giá 1 1.000 đồng, loại xe sang nhứt bấy giờ. Lấy xe về Franchini rất mừng và hãnh diện. Không biết có ai cố vấn hay do sáng kiến của Franchini, mà hắn chỉ cô Ba Trà làm lễ khánh thành chiếc xe mới này với mục đích để khoe sự giàu sang với thiên hạ. Chiếc xe đem về trưng bày trước nhà hát Tây, bên cạnh lữ quán Continental. Trước đầu xe có treo một băng đỏ, viền ren. Franchini cho mời tất cả bạn bè thân thuộc của cô Ba, của chính hắn đến chứng kiến. Trong bộ đồ hàng lụa ngoại quốc đắt tiền, màu xanh da trời, cô Ba tươi cười bước lại trước đầu xe, cầm chai rượu Champagne đập mạnh vào cây cản xe như kiểu khánh thành chiến hạm. Sau đó, cô tự tay cắt tấm băng trước đầu xe. Franchini mời tất cả quan khách có mặt vào nhà hàng khoản đãi một bữa tiệc linh đình.

Sau buổi chiều đáng nhớ hôm ấy, người ta thấy cô Ba Trà hay ngồi xe Alfa Roméo lượn phố. Chiếc khăn choàng cổ phất phơ theo chiều gió. Người tài xế mặc đồng phục trắng, đội mũ cát-két, có người vệ sĩ ngồi băng trước để mở cửa mỗi lần cô Ba lên xuống. Có khi cô Ba đi chơi một mình, cũng có lúc ngồi chung với anh chồng Franchini, trước cặp mắt thèm thuồng và thán phục của dân Sài Gòn lúc đó Mỗi lần chiếc xe cô Ba ngừng lại nơi nào, người vệ sĩ lẹ làng bước xuống, mở cửa băng sau. Cô Ba Trà rực rỡ như một bà hoàng đường bệ bước xuống. Dân chúng đàn bà con nít chạy bu lại coi. Nhiều đứa chỉ chỏ bàn tán. Hồi đó ở Sài Gòn chưa có một người đàn bà nào sang, ngay cả giới quý tộc, được mọi người biết đến như cô Ba Trà. Nói về y phục, cô Ba Trà có trên 120 bộ đồ hàng lụa ngoại quốc, đủ màu, đủ mốt, mặc mỗi ngày một bộ, liên tục ba tháng chưa bao giờ mặc trùng lại.

Cuộc đời tưởng chừng như phẳng lặng êm trôi trong sự giàu sang đó. Nhưng cô Ba Trà là người không có óc thực tế, lại không biết lo xa, do bản chất cô là người ít học. Cô hay chạy theo những “mốt” thời thượng. Cờ bạc và thuốc phiện, lúc ban đầu chỉ để giải trí, nhưng lâu ngày trở thành ghiền không thể bỏ dứt được, trừ những người có ý chí mạnh mẽ. Cô Ba Trà tâm sự:

“Đến bây giờ tôi mới nhận ra một điều: “Tiền cờ bạc vô ngả trước ra ngả sau, có đó rồi hết đó. Khi ăn thì xài phung phí, đến khi hết thì cầm bán đồ đạc, hy vọng gỡ lại Rồi nợ nần, túng thiếu cứ dây dưa”. Thêm vào đó bịnh ghiền cơm đen mỗi ngày một nặng, cô Ba cảm thấy cuộc đời xuống dốc cũng nhanh như lúc lên như diều gặp gió. Trời cho cô Ba có sắc đẹp, có tiền nhiều, nhưng không tạo cho cô một nghề lương thiện để sống, để giúp ích cho đời, cho xã hội Nam Kỳ hồi những năm cuối thập niên 1930 đầy biến động. Tiền bạc đối với cô như nước lớn nước ròng, sáng có, chiều lại hết, cứ thế tuần hoàn. Cô tin rằng với sắc đẹp, với bùa ngải Xiêm, cô lại có tiền nữa, nên bất cần đến ngày mai. “Tiền bạc dồi dào, phủ phê, bồi bếp lo săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, tẩm bổ, tôi cảm thấy lạc quan yêu đời”. Tuy nhiên, ông bà có câu: “Nhàn cư vi bắt thiện”. Rảnh rỗi, tôi lại tới các sòng bài. ăn quen mà nhịn không quen, tôi thua lần lượt gần hết tiền. Mấy lần đầu hỏi Franchini hắn còn đưa nhiều ít, lần lần thưa đi. Biết vậy nhưng bỏ không được. Tôi lại bán xe, rồi cuộc sống tạm bợ với Franchini không đầy một năm đã chán. Đường ai nấy đi. Khi yêu Franchini chiều chuộng đủ thứ, khi chán chê hắn làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi cuốn gói về tá túc nhà đứa tớ gái trung tín, gặp lúc lâm nguy không bỏ chủ. Nhưng trước khi chia tay tôi còn dùng chiếc xe Alfa Roméo đi viễn du một vòng lục tỉnh, qua các đồn điền cao su ở miền Đông và tới cả bên Miên nữa.

Franchini là người giao thiệp rộng, quen biết nhiều nhà tai mắt ở Sài Gòn như Béziat thủ lãnh Luật sư đoàn, Lafond chủ đồn điền cao su ở Hớn Quản, đất đỏ, P. Blanchy, De la Chevrotière… Các bạn của Franchini nhất là các chủ đồn điền là những tay ăn chơi, cờ bạc, nhảy đầm thiện nghệ. Cô Ba Trà lấy danh nghĩa vợ Franchini đi một vòng lục tỉnh và các đồn điền Mimot, Chúp, Lộc Ninh để hốt me. Tới đâu cô cũng được bọn Pháp kiều hiếu sắc nhưng lịch sự đón tiếp niềm nở. Lần đó, cô cũng gặp vận đỏ, ăn được hơn 10.000 đồng. Thật ra bọn nhà giàu ấy muốn giỡn tiền để được gần người đẹp Ba Trà hơn là muốn ăn thua. Một lần cô xuống Vĩnh Long, khi chiếc xe du lịch tối tân Alfa Roméo vừa dừng lại trước Bungalow, con nít và người lớn đang nhóm chợ, bu quanh lại xem. Có tiếng con nít la lớn:

– Cô Ba xuống tụi bây ơi! Lợi đây coi cô Ba nè!

Lần đó cô mặc bộ đồ màu hoàng yến. thướt tha bước xuống như một mệnh phụ, một nhà quý tộc. Như có hẹn trước, ông Nguyễn Thới Trọng, một thanh niên học võ bị St Cyr bên Pháp mới về, ra trước chỗ cửa dinh Tham Biện, gần mé sông, sát Bungalow đón cô Ba. Trọng.lúc đó là trung úy mới về nước. Quê Trọng ở xã Long Hồ, em ruột một đại điền chủ, qua Pháp không học kỹ sư hay bác sĩ mà vào quân đội để “làm quan”. Trọng cũng là một thanh niên ăn chơi nổi tiếng hào hoa phong nhã. Nguyễn Thới Trọng tốt nghiệp trường võ bị St. Cyr ở Pháp. Sau năm 1945, Trọng theo kháng chiến.

Xuống Cần Thơ lần này, cô Ba Trà không gặp công tử Bích, một người hào hiệp và xài tiền như có máy in giấy bạc, vì cậu ta bận đi công việc của nhà băng Indochinois. Bù lại, cô Ba được công tử Lê Thọ Tường đón tiếp, đưa đi ăn uống. Cũng như các lần trước, cô Ba thuê phòng ở khách sạn Trần Đắc vừa làm chỗ mở sòng bạc, vừa làm chỗ ăn hút cho dễ dàng. Sau đó xe cô Ba tiện đường xuống Sóc Trăng. Xe cô Ba Trà vừa tới nơi, có công tử Lưu Nhu, Lưu Liễu cũng là dân ăn xài nổi tiếng vùng này, mời cô Ba đi ăn sò huyết, ăn nhãn Bạc Liêu tại vườn, ăn đuông nướng, đuông chiên bơ hay thịt heo rừng, là những thứ đặc sản của Bạc Liêu. Trong khi mở sòng bạc ở Sóc Trăng, cô Ba đen bạc nhưng lại đỏ tình. Cô đang gặp vận xui, thua gần sạch túi, nhưng được một công tử cảm tình với cô, muốn cô ở lại chơi thêm vài ngày nữa. Đó là công tử Chung Hữu Hiền (hay Chung Bá Hiền?), con ông Chung Bá Vạn, còn gọi ông Hội đồng Banh, là một thế gia vọng tộc liền quay xe về Bạc Liêu đem tiền lên viện trợ cho cô Ba. Trong chuyến trở lên, xe công tử Hiền vì tránh con bò, nên lật xuống ruộng, đưa bốn bánh lên trời. Hiền thoát chết, nhưng gãy chân, phải đưa vào bịnh viện cấp cứu mà chúng tôi có nói ở trên.

Theo cụ Nguyễn Văn Vực, cứ mỗi lần cô Ba Trà đến tỉnh nào chỉ trong vài giờ tất cả khách phong lưu thanh lịch đều biết liền. Nhiều công từ, thầy cai, ông hội đồng nghe cô tới, liền đến xin… ra mắt, để mong người đẹp chiếu cố. Những người muốn ra mắt phải ngồi đợi ở phòng khách sạn, rồi đặt một số tiền vào mâm “đi lễ” để người bồi phòng, hoặc người tớ gái bưng lên cho cô Ba Trà. Nếu cô chấp thuận, họ được mời lên phòng để gặp cô. Đối với những người đi lễ 100 đồng, cô mỉm cười, rồi gọi bồi, tài xế, gia nhơn để phân phát trước mặt khách, làm cho khách mắc cỡ vì tánh keo kiệt. Điều đó còn chứng tỏ rằng lúc đắc thời, cô Ba Trà được mọi người sùng bái như thần tượng, một bà hoàng, một bà chúa.

Cuộc đời cô Ba Trà lên voi xuống chó nhiều lần. Tiền bạc vô như nước mà ra cũng như nước. Mới giàu đó lại hết đó. Tiền muôn bạc ức, nhưng đối với cô chẳng có giá trị gì, vì số tiền đó không phải do cô làm ra bằng mồ hôi nước mắt. Tiền kiếm được dễ dàng, không cực khổ nên không biết giá trị của nó. Hơn nữa cô Ba vốn được nuông chiều, được mọi người tranh nhau cung cấp tiền bạc phủ phê, nên cô cứ mặc tình ăn xài thỏa thích. Đến khi hết tiền thì lại mới thấy rõ sự cần thiết của nó.

Sau lần trúng me vét sòng, mua xe, rồi viễn du nhiều tỉnh để cờ bạc, thì thời vận may mắn sắp hết. Bây giờ cô lại bán xe, bán vòng vàng, gom góp bao nhiêu tiền bạc lần lượt cúng vào các sòng bạc. Số tiền chi phí cho nạn ghiền thuốc phiện lúc đó chưa là một gánh nặng, nhưng càng lớn tuổi, cuộc sống cô càng xuống dốc vì hai thứ đam mê ấy. Cuối cùng, cô Ba thu dọn đồ đạc để về ở chung với một đứa tớ gái trung thành lúc chủ lâm nguy không bỏ. Chỗ ở này kín đáo, chỉ có một mình thầy Sáu Ngọ biết mà thôi. Hằng ngày cô đầy tớ trung thành này vừa nấu ăn, đi chợ, giặt giũ, và kiêm cả người sai vặt cho cô Ba. Cô tớ có một người em trai, đang làm một hãng tư. Lãnh lương được bao nhiêu, người em trai ấy tình nguyện đưa hết cho cô Ba không cần biết nhu cầu tiêu xài của cô bao nhiêu. Cậu em trai ấy tự nguyện xin làm em nuôi cô Ba. Cứ đầu tháng với số tiền vừa lãnh ra (khoảng 500 đồng) cô Ba bỏ túi, rồi lại tới các sòng bạc như lúc trước. Kinh nghiệm cho biết, những người đánh bài có ít vốn thường hay thua. Những kẻ trường vốn hay thắng. Bao nhiêu số tiền mồ hôi của em nuôi, cô Ba đều nướng vào sòng bạc, không lần nào đem về được vài chục, nhưng cả người tớ lẫn cậu em nuôi cũng không tỏ vẻ buồn rầu. Mấy tháng liền thua liên tiếp làm cô quẫn trí. Trong lúc xuống dốc, cô lẩn tránh tất cả những khách hào hoa lúc trước vì không muốn họ thấy cô nghèo.

Có một lần khi thua đứt số tiền lương của cậu em nuôi, cô Ba chừa lại 50 đồng để mua một hộp thuốc phiện Indien. Buổi chiều hôm đó, như thường lệ, cô rút vào trong phòng nằm khoanh, rồi cô mở nguyên hộp thuốc phiện ấy nuốt trọn. Bên ngoài, cô đầy tớ nằm võng ở hiên, đưa kẽo kẹt. Vừa nghe tiếng xe ngừng trước cửa, cô tớ ngó ra, thấy từ ngoài đường lớn thầy Sáu Ngọ xâm xâm bước vào.

– Cô Ba đâu?

– Dạ cô Ba em đang ở trong buồng!

Cũng tự nhiên như từ trước tới giờ, thấy Sáu Ngọ đi thẳng vào buồng thấy cô Ba nằm thiêm thiếp, đắp mền như ngủ. Trên bàn bên cạnh, có hộp thuốc Indien nắp mở nhưng không có thuốc phiện. Hiểu rõ tự sự ngay, thấy Sáu Ngọ liền xốc nách cô Ba Trà ra xe hơi, rồi tự mình cầm lái tới thẳng Clinique Hui Bon Hoa (Bịnh viện Chú Hỏa, nay là Bịnh viện Sài Gòn, gần nhà hàng Thanh Bạch trước năm 1975, đối diện với chợ Bến Thành). Cô Ba Trà được khiêng ngay vào phòng cấp cứu. Bác sĩ, nhân viên y tế trực tận tình cứu chữa, bơm rửa ruột. Khoảng một giờ sau, cô Ba hồi tỉnh. Thấy cơn nguy hiểm đã qua, thầy Sáu Ngọ vội vàng lên xe lo công chuyện riêng là chạy tuốt vào Chợ Lớn để thâu tiền xâu các sòng bạc.

Sáng hôm sau, bác sĩ Án trở vào làm việc, mới biết tin một người đàn bà đẹp tự tử được cứu sống chính là cô Ba Trà, nhơn tình nhơn ngãi khi trước. Bác sĩ Án xuống thăm cô. Cũng từ lúc đó, ông săn sóc cô Ba như một người thân trong gia đình. Nằm bịnh viện hơn một tuần, cô Ba đã hồi sức Bác sĩ án rước cô về một căn nhà khác yên tĩnh để tiếp tục chữa trị, ròng rã hai tháng trời. Lẽ ra đối với những người tự tử được cứu sống, chỉ mất sức chừng vài tuần lễ bình phục ngay. Nhưng đối với cô Ba Trà, ông Án tận tâm, hàng ngày đều tới thăm bịnh. Khi thì chục cam, khi thì xí mụi… và mỗi lần như vậy, trước khi ra về, ông còn kín đáo nhét dưới gối cô Ba tờ giấy bộ lư (giấy 100 đồng). Mối tình cao thượng của ông lương y đối với cô Ba vẫn không thay đổi. Tuy vậy, cô Ba cũng không cảm động. Khi đã về nhà đứa tớ, cô Ba cảm thấy đã bình phụ hẳn.

Mấy hôm sau, cậu em nuôi mới lãnh lương về, được 250 đồng đem khoe và đưa hết cho cô Ba. Lại ngựa quen đường cũ, cô như bị ma lực quyến rũ, lại cầm 500 đồng bỏ túi, chỉ để dành 20 đồng mua gạo, còn bao nhiêu cô đến sòng xì-dách đánh ăn thua nhỏ. Cũng như những lần trước, sau vài ba ván bài, số tiền 500 đi đứt. Lần đó, cô không khóc nhưng nước mắt tự nhiên trào xuống má. Là một người từng có trong tay tiền rừng bạc biển, ăn xài xa xỉ chưa từng biết đến giá trị, nhưng lần này thua mất đi 500 đồng tiền lương của đứa em nuôi mới khoe với mình, cô cảm thấy hối hận. Cô tự cảm thấy giận mình và tiếc rẻ . Phải chi đừng tới sòng này, đâu có thua nữa. Nỗi buồn chỉ thoáng qua rồi cô lại cương quyết, vì trong đầu óc mới lóe lên một ý nghĩ mới: “Xưa nay mình từng ăn thua bạc chục ngàn nhiều lần. Còn đánh bài là còn ăn thua, tội gì phải lo buồn”. Cô trở về nhà, tìm đến một người chuyên môn cầm đồ cho cô là bà Bảy, mà cô hay gọi là Má Hai. Chính Má Hai đã cầm cho cô nhiều mối rất xộp như vàng, vòng, cà rá, hột xoàn với giá hời. Cô tự nghĩ mình cứ đến đó năn nỉ, biết đâu Má Hai lại không động lòng, lòi ra cho mình bạc chục để xài qua cơn túng ngặt.

Vừa bước vào nhà Má Hai gặp sòng hốt me đang ăn thua lớn. Máu mê cờ bạc nổi lên mà không biết vay mượn ai. Cô lần soát lại trong túi: “Còn 20 đồng mà nãy giờ mình quên”, cô Ba Trà nói thầm. Nhưng không lẽ cô đặt một tụ bài có 20 đồng để làm mất danh dự của một người từng giỡn với tiền hay sao? Đứng lóng ngóng coi một hồi, cô bị thôi thúc. Cầm lòng không đậu, cô liền móc tờ giấy “hoảnh” (vingt: 20 đồng) đặt vào. Không biết vận may thế nào, cô trúng liền mấy ván. Vốn lời cô cứ chồng thêm, nên bây giờ đã có bạc trăm trong tay. Cô mỉm cười, “Biết đâu tổ đãi mình lần nữa”. Nghĩ như vậy, nên cô sa vào sòng quyết tìm cơ hội ăn thua. Bài đang hên, chỉ hơn 1 giờ, cô gom sòng được 15.000 đồng. Nhiều người sạch túi đứng.lên, trong khi sòng me như muốn sên vì không ai còn tiền để tiếp tục Má Hai liền cho mời mấy tay giàu xụ, nổi tiếng tới. Đó là ông Ba Đồng và Ba Khương, một người làm mái chính cho hãng Charner, một người làm tài phú. Hai ông đến liền xà vào sòng bài giành làm cái. Sòng bài tiếp tục trong nhiều ván hồi hộp. Từ đầu hôm cho tới sáng, cô Ba Trà đặt đâu trúng đó như có bùa. Cô lại gom sòng lần nữa. Tới 8 giờ, hai ông nhà giàu sạch túi, đứng dậy, thì cô Ba cũng kiểm điểm “chiến lợi phẩm”: ăn hơn 80.000 đồng ! Năm đó giá vàng 60 đồng một lượng, với số tiền ấy mua được hơn 1.000 lượng vàng.

Bây giờ vào những năm giữa của thập niên 1930. Cô Ba Trà đã bước qua tuổi 30, nhưng nhan sắc vẫn mặn mòi. Hơn mười năm qua, cô có hàng tá tình nhơn. Họ đến cũng dễ mà chia tay cũng không bịn rịn, chỉ vì hai bên lợi dụng lẫn nhau. Cô đẹp, cần tiền, còn những người tình tuy có si mê cô, tung tiền cho cô xài như nước, nhưng cô là kẻ gần như không tình cảm. Xưa nay xã hội thường có thành kiến rằng những người gái điếm không biết yêu. Đối với họ chỉ có tiền là trên hết. Sau nhiều lần bồ bịch với nhiều người, cô Ba Trà vẫn dửng dưng trước những lời âu yếm của họ, trước những đề nghị chung sống của họ nhưng cô vẫn lãnh đạm.

Bây giờ, khi cô lại có tiền bạc phủ phê, dễ dàng thì cũng chính là lúc cô cảm thấy cô đơn. Có lẽ cô có mặc cảm tuổi đồi chồng chất mà dung nhan sẽ không giữ được những nét kiều diễm, nên cô bắt đầu lo sợ. Bấy giờ cô Ba Trà là người từng trải, lăn lóc, có tiền nhưng thiếu thốn tình yêu thật sự. Phần lớn đàn ông đến với cô chỉ để mua vui Chỉ có một số nhỏ muốn củng cô xây dựng tổ ấm gia đình thì cô lại hững hờ. Bây giờ nghĩ lại, cô cảm thấy ân hận như vừa lở tay làm bể một cái ly thủy tinh quý giá, một món đồ cổ khan hiếm? Nhớ lại những người từng chung tình với cô như ông bác sĩ Án, ông mái chính họ Lương, một ông hội đồng góa vợ ở Rạch Giá, một công tử mới lớn, nhỏ, chỉ đáng làm em cô, quê ở Bạc Liêu, yêu cô say đắm… nhưng cô dửng dưng làm cho họ đau khổ. Hồi tỉnh lại, cô thấy mình tàn nhẫn.

Dĩ nhiên trong những người theo đuổi cô, có nhiều người dành cho cô tình cảm cao thượng (như bác sĩ Án) nhưng cô đâu có chịu làm lẽ , yên phận sống với một người chồng luống tuổi. Bây giờ có tiền nhiều, cô lại mua xe, mướn nhà mới, kẻ ăn người ở phục dịch như xưa, nhưng đó không phải là một gia đình như cô ao ước. Hiện cô đủ điều kiện vật chất, cô lại cảm thấy thiếu thốn một mối tình chân thật. Trong lúc tới lui sòng bài thầy Bảy Phương ở đường Caribelli (nay là Nguyễn Thiếp), hay sòng bạc ở đường Testard (nay là đường Võ Văn Tần), cô gặp một thanh niên nhỏ hơn cô chừng ba tuổi, khá đẹp trai, gia cảnh hạng trung cỡ thông phán, thông ngôn, thường có lương 80 đồng một tháng, mà cô chê trước đây, thì bây giờ cô thấy có cảm tình với người ấy, cảnh đời mâu thuẫn không lường.

Tuy biết cô Ba Trà vẫn đẹp, vẫn sang mà mọi người đang thèm muốn, nhưng người thanh niên ấy, tên Thìn, lại hờ hững với cô. Cô Ba bị tiếng sét ái tình chăng? Thanh niên nào gặp gái đẹp mà không ham, nhưng Thìn vì quá biết cái danh tiếng của cô Ba, người được giới ăn chơi coi như thần tượng, như bà hoàng, nên Thìn thủ phận, không dám đèo bồng. Điều tra gia cảnh, lý lịch anh Thìn, cô Ba cũng biết anh con một công chức hạng trung, đang làm thầy giáo dạy trường bá nghệ (nay nằm trên đường Hồng Thập Tự), thì quả không phải là đối tượng của cô.

Nhưng ái tình có những lý lẽ riêng. Rõ ràng cô Ba muốn chọn anh Thìn không vì tiền bạc hay vật chất. Thìn càng lạnh nhạt, cô Ba càng theo đuổi. Bấy lâu cô được mọi người săn đón, chiều chuộng, bây giờ chính cô lại săn đón, theo đuổi một người khác mà họ không chú ý đến cô. Sự đời thật trớ trêu. Nhưng ngạn ngữ Tây phương có câu: “đàn bà muốn là trời muốn”. Cô theo đuổi Thìn là muốn tìm một người chồng ăn đời ở kiếp, chớ không phải vì tự ái. Gặp nhau trong sòng bài, cô Ba liếc mắt đưa tình mà Thìn vẫn lạnh nhạt. Thói thường trâu tìm cột chớ nào phải cột tìm trâu.

Tuy nhiên lần này cô Ba quyết chinh phục cho được Thìn làm chồng. Là thanh niên mới lớn, tập tễnh ăn chơi, Thìn cũng đa tình, mê gái nhưng quả tình đối với cô Ba Trà anh không dám mơ ước. Anh tự coi mình như con gà làm sao sánh đôi với con phượng? Cô Ba đổi chiến thuật. Dọ hỏi biết Thìn làm trong phòng Lục sự, dưới quyền người xếp là ông Đỗ Hữu Bửu. .Vốn từng quen biết ông Bửu, nên cô Ba định nhờ ông Bửu làm mối. Sợ cô nói đùa, ông Bửu còn do dự.

Một hôm cô Ba giả vờ đi làm khai sanh, tìm đến nơi làm việc của Thìn, nói với ông Bửu giúp đỡ. Vừa gặp Thìn, cô Ba long lanh với cặp mắt ướt rượt, nói:

– Anh Thìn ơi, làm ơn giúp giùm em một việc?

– Thưa cô cần việc gì? Thìn hỏi lại như bao nhiêu người khác.

– Anh làm ơn giúp em làm tờ thế vì khai sanh. .

Vừa nói cô vừa liếc mắt cười tình với Thìn. Lần này Thìn nhìn cô, thoáng chút xao xuyến. Tuy lần ấy được việc, nhưng mối tình si với Thìn, cô Ba chưa đạt được. Chúa Nhật tuần sau, cô Ba đi đón tìm Thìn tại sòng bạc thầy Bảy Phương. Lần đó sòng này đang ăn thua lớn, có mấy tay chơi hạng gộc như ông Huyện Được, ông Ba Khương, Ba Đồng. Thay vì nhập bọn với họ, cô Ba ngồi chầu rìa đợi Thìn. Rồi Thìn lại đến. Cô Ba đề nghị hùn với Thìn đặt chung một tụ bài, để ngồi kế bên anh ta. Rồi kề vai cọ vế, liếc mắt đưa tình, thỉnh thoảng cô Ba thỏ thẻ tiếng ngọt ngào bên tai, Thìn như bị thôi miên, không cưỡng lại được cái ma lực ái tình, sập bẫy người đẹp.

Hai tuần lễ sau Thìn đang bị bịnh trĩ, nằm nhà thương Chú Hỏa, cô Ba đóng vai người vợ hiền, chiều chiều vô thăm với cam sành, sữa hộp, trái vải tươi… Khi Thìn mới bớt, cô Ba Trà tới đề nghị mời Thìn đi Chợ Lớn ăn cơm Tàu. Rồi người ta thấy Thìn với cô Ba mướn phố mới xây tổ uyên ương như bao chuyện tình yêu khác. Hạnh phúc nhứt đối với cô Ba là những ngày đầu chung sống với Thìn. Đôi khi cô nhớ lại những ngày trăng mật với Toàn, người chồng thứ hai. Tháng sau, cô Ba dắt Thìn về Cần Được để ra mắt mẹ cô. Không nói ra, nhưng mẹ cô Ba thầm chê Thìn nghèo, không xứng đáng. Bà thất vọng, lạnh nhạt làm cho Thìn tủi phận. Vì là người tự trọng, sanh trong một gia đình lễ giáo, dù đang làm chủ một bông hoa đẹp, sực nức mùi hương, nhưng Thìn đâu có hãnh diện khi ăn xài bằng tiền của vợ.

Một hôm, mẹ cô Ba bịnh nặng. Hay tin cô Ba và Thìn ngồi xe về thăm và ở chơi với bà suốt ngày, đến tối mới quày xe về Sài Gòn. Khuya hôm ấy, mẹ cô Ba mất. Được hung tín, vợ chồng cô Ba Trà về thọ tang mẹ. Trớ trêu thay, trước khi mất bà mẹ viết di chúc, mời Toàn, người chồng đã cưới hỏi cô Ba Trà hồi trước về đây làm lễ phát tang. Người nhà của bà tức tốc ra Phan Rang gọi Toàn về làm đám tang cho nhạc mẫu, coi như bà không biết Thìn là ai. Trước cảnh éo le đó, vợ chồng cô Ba bẽ bàng, nhưng đám tang cũng quàn đến hai tuần lễ mới chôn, để khách khứa xa gần đi điếu. Không ai dám chê cô Ba Trà là người tầm thường, vì đối với mẹ, cô đã làm một cái đám ma rất long trọng, mà tiền đi điếu cũng rất nhiều, hơn cả đám ma của ông Hội đồng Ca cùng quê với mẹ cô.

Hạnh phúc đâu được chừng non nửa năm, cô Ba vẫn lánh nào tật nấy: Bài bạc, hút sách. Ngoài ra còn tiền kẻ ăn người ở, sai vặt, cho nên với số tiền cô ăn bài cộng với số tiền khách quen đưa đám, cô ăn xài cứ vơi lần. Ăn xài lớn, lại không phải là người vợ hiền, không nấu được bữa cơm, luộc chín cái trứng, thì làm sao cô quán xuyến gia đình? Cuối cùng, cô cùng Thìn dắt nhau qua Xiêm làm ăn, lại định tìm chuộc ngải lần nữa.

Hết tiền cũng đồng nghĩa với hết tình? Sau đó, vợ chồng cô Ba trở về Sài Gòn, và cô lại. bước vào con đường sa đọa cũ. Cô cặp bồ với vài người có địa vị, tiền bạc còn mê cô. Trong số đó có ông Toà áo đỏ, tên Trần Văn Tỷ. Ông Tỷ là bạn thân với luật sư Dương Văn Giáo, tuy có vợ chính thức, nhưng cũng có nhiều nhơn tình. Tuy nhiên cuộc sống công và tư minh bạch. Ông ăn chơi, lấy vợ người khác, nhưng làm trọn thiên chức của một người xử kiện có lương tâm. Cô cũng đi chơi với bác sĩ Trinh, vẫn ngồi xe thầy Sáu Ngọ… Thấy tình nhơn mới của vợ là người có thế lực, Thìn đành chịu lép vế, tự rút lui, trả tự do cho cô Ba. Nghe đâu sau đó Thìn ôm hận sang Pháp tiếp tục học để sau này trở về, nở mặt với đời. Sài Gòn ăn chơi mất Thìn từ ấy. Cô Ba Trà chính thức ăn ở với ông toà Tỷ như vợ chồng. Một hai năm đầu cũng tình nghĩa mặn nồng. Người ta thấy “ông toà” cũng tình nguyện theo vợ vào các sòng bài.

Ông toà Tỷ tên thật là Trần Văn Tỷ, quê quán ở Vĩnh Long, nhưng xuất thân làm Thông phán ở toà bố Bạc Liêu. Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, ông cùng Dương Văn Giáo qua Pháp làm thông ngôn cho toán lính Việt Nam tình nguyện. Sau khi chiến tranh chấm dứt, ông Tỷ tiếp tục học, đậu Cử nhân Luật, trở về làm Thẩm phán vì có quốc tịch Pháp và vợ đầm. Cũng như luật sư Giáo, ông Tỷ là dân chơi thanh lịch, đắt mèo. Con người đầy quyền lực với cuộc sống xa hoa là mồi câu nhử đàn bà đẹp. Đang lúc cô Ba ngặt nghèo về tiền bạc, ông toà Tỷ săn sàng bao cấp, rồi cung phụng cho cô đầy đủ, nên Thìn tự ái rút lui là phải. Trước cô Ba, ông Tỷ tuy có vợ, vẫn còn ăn ở với một con đại điền chủ họ Huỳnh (Hoàng), quê ở Trà Ôn. Năm 1946, ông Tỷ làm Bộ trưởng Tư pháp kiêm Phó Thủ tướng của chánh phủ Nguyễn Văn Thinh.

Cô Ba Trà không phải là người chung tình. Những ai quen biết, từng là bồ bịch, ăn ở như vợ chồng với cô đều xác nhận điều đó. Các cuộc chung sống với bất cứ ai cũng không kéo dài, vì cô ăn xài quá lớn, núi cũng lở. Sau già hai năm, ông toà Tỷ cũng đành chia tay với cô. Khi nói đến ông toà Tỷ, tôi nhớ đến một ông toà khác cũng là dân ăn chơi lịch lãm, hào hoa, sống độc thân. Đó là ông toà Trác, từng ngồi ghế Chánh án, xử vụ cô Quờn đốt chồng vì ghen vào năm 1956, mà dư luận xôn xao một thời. Ông toà Trác thường lái chiếc xe Bel Air màu đỏ tới các nhà hàng, vũ trường sang trọng ăn chơi. Cuối năm 1956, không hiểu có chuyện riêng như thế nào, ông toà Trác dùng súng lục tự tử giữa lúc danh vọng đang lên.

Trong hồi ký “Hơn nứa đời hư” của Vương Hồng Sển có kể lại một chi tiết khá ly kỳ: Cô Ba Trà đi hầu toà tại dinh Phó Soái! Cụ chỉ nói vắn tắt, không nêu rõ danh tánh, khiến cho độc giả thắc mắc thêm. Nay tìm hiểu chúng tôi được biết câu chuyện ấy, mà người kể lại không ai khác hơn là cụ Nguyễn Văn Vực.

Bây giờ là cuối năm 1938 bước sang 1939, nhan sắc cô Ba Trà đã chớm thu (33 tuổi), nhưng vẫn còn mặt hoa da ngọc, chưa có triệu chứng già. Hàm răng đầy đủ vẫn trong như ngà, cho nên, mặc dầu trải qua nhiều đời chồng với hàng tá tình nhơn tạm bợ, và biết bao ong bướm đã tỏ đường đi lối về, nhưng bất cứ ai, già trẻ bé lớn gặp cô, đều chết mê trước sắc đẹp của cô. Một năm trước, cô còn mặc áo dài Le Mur kiểu Cát Tường sáng chế, quần lai thêu ren, áo màu nào quần đó, khăn choàng cổ phất phơ như cánh bướm, ngồi xe mui trần, có tài xế mặc đồng phục lái, lượn trên đường phố Sài Gòn, Chợ Lớn trước cặp mắt thèm thuồng và thán phục của mọi người. Tuy có tuổi, nhưng nhờ cô biết cách xài son phấn, lại biết cách lăng xê “mốt” khiến vợ thầy thông, vợ ông huyện đều chạy theo cô cũng mệt. Các ông huyện trẻ, các ông cò-mi, các cậu công tử cũng còn ngấp nghé với cô, nhưng vì thời cuộc các năm gần tới Thế Chiến Thứ Hai, ai cũng lo phòng thủ, không đám ăn xài xa xí như trước nữa. Nhiều điền chủ có con đang du học bên Pháp, cũng đánh điện kêu về, sợ có chiến tranh thất lạc. Tuy cô vẫn còn đẹp và sang, nhưng cô cặp với ai, người đó cũng suýt vỡ nợ, hay phá sản… Cuộc tình với ông toà Tỷ cũng phải chia tay sau hơn một năm.

Cô Ba Trà gặp một cậu ấm, trai tơ, mê gái rước về mướn phố, bao ăn ở như vợ chồng. Chẳng bao lâu, tiền bạc hết, cậu lấy của cải trong gia đình cầm cố cho Chà chetty. Cậu ấm đó là Trương Vĩnh Trường, con ông Trương Vĩnh Tống và cháu nội của cụ Trương Vĩnh Ký. Lúc đó cụ Trương Vĩnh Tống đang làm trong dinh Phó Soái (tức dinh Gia Long trước năm 1975), là một người đang có thế lực. Xót của, lại răn dạy con không nghe, nên khi thấy cậu Trường quá mê cô Ba, làm tán gia bại sản, cụ Tống tìm cách nhờ luật pháp ngăn chặn. Dưới con mắt của những gia đình đạo đức, hành động mê đàn bà đến bán cả đồ đạc để cung phụng là có tội với gia đình, làm hại tới xã hội. Cô Ba Trà, theo gia đình kết án, đã quyến rũ Trương Vĩnh Trường ăn xài phá của. Về pháp lý, cậu ấm Trường đã trưởng thành, làm thông phán, cho nên không thể kết tội cô Ba được. Dùng quyền gia trưởng không được, cụ Trương Vĩnh Tống muốn nhờ luật pháp can thiệp, có lẽ cụ nương vào địa vị hiện tại.

Không biết do ai tố cáo mà hồ sơ cô Ba Trà “hoạt động bí mật chống Pháp” lên tới sở mật thám đường Catìnat. Sự thật cô Ba Trà giao du mật thiết với luật sư Giáo, người bị Pháp theo dõi từ lâu. Sau chiến dịch tổng ruồng, quét sạch các nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo từng chống đối, Pháp bắt bớ gần 4000 người tai mắt, đủ mọi thành phần giam vào khám lớn, hay đày Bà Rá, Côn Nôn với lý do mơ hồ, cô Ba cũng phải đến sở Mật Thám trình diện để lấy lời khai. Nếu gặp ai khác, cò Bazin, chánh sở Mật Thám chỉ lấy khẩu cung, rồi tống giam, hoặc cho đi Bà Rá. Khi gặp cô Ba Trà, một người đẹp nổi tiếng, con dê xồm Bazin hết sức lịch sự và rộng lượng với cô. Hắn đồng ý lời yêu cầu của cô, là lên gặp Chánh văn phòng Phó Soái để cô minh oan. Cô nói:

– Tới đó, tôi sẽ trình bày, nếu có tội, tôi sẽ chịu ở tù !

Defour, Chánh văn phòng “Phó Soái” cho Thống Đốc Nam Kỳ Rivoal, là người mê gái, nhất là gái đẹp, nhưng được tánh cương trực, biết binh vực lẽ phải.

Đích thân cò Bazin đồn cô Ba vào phòng Defour. Rất lịch sự, Defour mời cô Ba ngồi vào phòng khách để hỏi tự sự Mặt hoa ủ dột, mắt lưng tròng đỏ hoe, hai khóe mắt cũng đo đỏ… làm cho Defour mê mẩn tâm thần. Sau khi nghe người đẹp trình bày vắn tắt, Defour đồng ý rằng người đẹp như cô không làm “quốc sự”. Còn vụ có người khiếu nại cô quyến rũ trai tơ, ăn chơi đến phá sản, luật pháp không xử được, vì người ấy đã qua tuổi vị thành niên. Vừa nói, Defour tươi cười nhìn cô làm mắt cô chớp lia lịa, quên hết mọi việc. Kết cuộc Chánh văn phòng Defour đích thân tiễn cô ra cổng. Lúc vô cửa quan, mặt cô Ba Trà ủ dột, có tên mật thám đi kèm như áp tải. Lúc trở ra, cô là kẻ chiến thắng, và cò Bazin trở thành kẻ hộ tống, mời cô lên xe để đưa về nhà. Câu chuyện lạ lùng cũng vì sắc đẹp.

Tháng Chín năm 1945, Nam Kỳ vừa trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu cũng vì tham vọng của Pháp. Sài Gòn bị tàn phá nhiều nơi. Nhà cửa, phố xá buôn bán cũng bị hư hao. Chợ Bến Thành cũng bị đốt cháy xém một phần. Chỉ ăn Tết năm 1946 vừa xong, Pháp tạm ổn định Nam Kỳ. Thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn được hồi phục. Nhiều sinh hoạt thương mại, ăn chơi như trước. Hai năm sau, Sài Gòn trở nên sầm uất, đông đảo thêm dân chúng từ các vùng quê lên lánh cư. Kim Chung, Đại Thế Giới là những nơi cờ bạc công khai ra đời. Sống sót qua thời. loạn lạc, cô Ba Trà cũng mất phong độ. Lúc này nhan sắc cô đã vào thu, nét mặt có nhiều vết nhăn, mệt mỏi, vì cô đã 41 tuổi. Có lẽ độc giả muốn biết con người của cô còn đẹp như xưa hay không, và cuộc sống của cô khi vắng bóng các công tử, các anh nhà giàu chu cấp tiền bạc?

Một nhơn chứng sống động, gần gũi với cô Ba Trà là cụ Vương Hồng Sển kể lại:

“Bỗng mấy chục năm sau, y như giấc chiêm bao, cô Ba Trà và tôi tình cờ gặp lại nơi sòng tài-xỉu ở Đại Thế Giới sau trận phong ba. Tôi thì đầu đã điểm sương nhưng rắn rỏi, già dặn. Cô Ba thì mất phong độ năm nào, nhưng sau khi tay bắt mặt mừng, cô hỏi nhỏ:

– Anh thấy nhan sắc tôi kém hơn trước ra sao?

Tôi đáp tỉnh bơ:

– Đối với tôi, tôi chỉ biết cô là người như hình chụp treo trong tủ kiếng của “photo Khánh Ký” đường Bonard. Lúc tôi còn học trường Chasseloup Laubat, mặc dù trời mưa gió, chủ nhật nào tôi cũng phải ra trường, đến ngắm tiên dung, rồi mới trở về trường ăn ngủ được, và đã khiến tôi thành… thi sĩ.

Nhờ câu ấy cô cười. Hai hàm răng vẫn trắng đẹp như xưa Cũng từ đó, cô thâu nhận tôi làm bí thư không nhận lương suốt một thời gian dài. Khi thì nhơn danh cô để viết thư cho bà toà Trần Văn Tỷ, khi thì mượn danh bà thầy trị bịnh trĩ Lê Minh Đường, cũng gởi thư khẩn thiết nhắc chuyện cũ, tiền ân cựu ngởi… khi thì gởi cho đôi ba người khác, và lần sau cùng, tôi gặp cô vào năm 1952…”

Đoạn trên tiết lộ cho chúng ta biết đời sống cô Ba Trà sau năm 1945. Bây giờ cô Ba Trà đã trở thành kẻ nô lệ cho hai kẻ thù mà trước kia cô làm bạn với nó: Thuốc phiện và cờ bạc. Trên cõi đời nay, không một người nào vướng vào hai cái nghiệp ấy mà không nghèo khổ. Khi túng tiền, cô nhờ “bí thư” viết thư cho các nhơn tình cũ, nhắc nghĩa xưa xin giúp đỡ. Thư đi cũng có thư lại. Nhờ đó thỉnh thoảng cô có tiền và lại vào sòng tài-xỉu làm nghề “cho vay bạc nóng”. Cũng có lúc cô đánh ké vào tụ bài đang hên. Nhà cô ở trong một con hẻm sâu gần chợ Hòa Bình, nhưng cô sống âm thầm, không cho ai biết. Khi túng quá, cô thự thuật tiểu sử của mình cho “bí thư” chép, bán cho nhà báo Trần Tấn Quốc, đăng liên tục 26 kỳ trên báo “Tiếng Dội”, để lấy tiền mua cơm đen. Khi cụ Vương hỏi cô cho vay nóng” (có nghĩa là vay 2000 đồng mỗi ngày trả 200 đồng tiền lời) mà không sợ các công tử, các thầy giựt sao?

– Các cậu bao giờ giựt tiền của một con đĩ như tôi làm vậy.

Cô Ba Trà từng có trong tay một số tiền non 100.000 trong ba lần. Với số tiền ấy, nếu biết lo xa, mua ruộng đất, lập sự nghiệp, xài tới mấy đời con cháu cũng chưa hết. Một đại điền chủ có từ 500 mẫu ruộng trở lên, cô từng có gần 250.000 đồng, có thể mua tới 3000 mẫu ruộng, vượt xa một đại điền chủ.

Cụ Vương kể tiếp:

“Mấy năm sau, tôi gặp Ba Lưu, một bạn cố tri quen nhau từ Sóc Trăng, lên đứng đầu phòng luật sư Nguyễn Văn Lộc, rồi luật sư Đoàn Ý Lưu, cho tôi hay: “Trà đã mất từ lâu Chết trong tăm tối. Đạm Tiên có khác”.

Còn cậu Tư Phước George theo lời ông bà Thái K.C. trong những năm cuối cuộc đời, cậu Tư mang bịnh ghiền rất nặng. Bây giờ thân hình cậu tiều tụy. Bạn bè năm xưa xa lánh hết. Những ai quen biết với cậu mười năm trước, nhìn không ra. Năm 1952, ông bà Thái K.C. còn đang ở bên Pháp, có đọc được bức thư của cậu Tư Phước George viết cho ông cựu Đốc phủ sứ Thái Minh Phát để xin tiền. Nhớ tình nghĩa xưa, lần nào ông Phát cũng gởi cho cậu ít nhiều. Sau đó cậu Tư mất trong cảnh cơ hàn, trước sự lãng quên của bè bạn, những người thọ ơn cậu và những kẻ ái mộ cậu.

Cậu Ba Qui mất trong thập niên 1960. Tuy gia cảnh không còn giàu nữa, nhưng cậu vẫn còn biệt thự, nhà phố ở Sài Gòn. Riêng thầy Sáu Ngọ “chết không có hòm chôn” đúng như lời tiên đoán của thầy Tư Nên. Thật ra thầy Sáu Ngọ chết nghèo trong viện dưỡng lão Thị Nghè, được tẩn liệm trong cái hòm cây tạp, lặng lẽ đưa đi chôn, chỉ có vài người chứng kiến. “Tọa thực sơn băng”, ngồi không ăn, núi cũng lở, ông bà ta thường nói. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm cho thế hệ đời sau.

Tác giả: Hứa Hoành

Viết một bình luận