Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới 90 năm trước đã ảnh hưởng tới người Việt như thế nào?

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 là cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới bắt nguồn từ Mỹ sau đó lan rộng ra các quốc gia khác, kéo theo nhiều tác động tiêu cực cho toàn thế giới, trong đó có xứ thuộc địa Pháp ở Đông Dương là Việt Nam.

Tháng 9 năm 1929, cuộc khủng hoảng bùng nổ ở Mỹ, nước Mỹ đã lao vào chạy đua sản xuất ồ ạt nhiều mặt hàng nhưng không thể tiêu thụ được, ế tràn lan. Đây được gọi là cuộc “khủng hoảng thừa”.

Kết quả dẫn tới là sản lượng công nghiệp sụt giảm 50%, trong đó, gang thép giảm 75%, ô tô giảm gần như tuyệt đối 90%, các xí nghiệp lớn thi nhau phá sản, nông dân thất thu, tỉ lệ thất nghiệp cao chóng mặt.

Các nước tư bản khác cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chẳng hạn như nước Anh, vào năm 1931, sản lượng gang giảm 50%, thép cũng ở tình trạng tương tự, giảm 50%, thương nghiệp giảm 60%.

Tại Pháp, khủng hoảng kéo dài từ năm 1930 – 1936, thu nhập quốc dân chỉ còn 70%, công nghiệp cũng còn 70% và nông nghiệp giảm 40%.

Khủng hoảng tại Pháp dẫn tới việc các nhà tư sản rút hết vốn đầu từ về lại chính quốc, nền kinh tế vốn phụ thuộc hầu hết vào Pháp của Việt Nam tất yếu trở nên trì trệ:

– Việc thiếu nguồn vốn trầm trọng khiến sản xuất công nghiệp đình trệ;

– Lúa gạo mất giá không thể xuất khẩu, ruộng đất bỏ hoang, dân thiếu ăn, nông dân bị bần cùng hóa;

– Công nhân thất nghiệp tràn lan, lương giảm từ 30 – 50%;

– Viên chức bị sa thải, nhà buôn nhỏ phải đóng cửa, học sinh sinh viên ra trường không có việc làm;

– Các thương gia, nhà tư sản bản xứ cũng lâm vào thế khó khăn, không thể kinh doanh thương mại và sản xuất, phá sản trên quy mô lớn;

Không chỉ người Tây về lại châu Âu, mà Hoa kiều cũng dắt díu nhau rời Sài Gòn về nước. Theo báo Phụ Nữ Tân Văn (PNTV) số 21/9/1933 cho biết:

Hai năm nay, vì kinh tế khủng hoảng, buôn thua bán lỗ, nên khách Hoa kiều ở Nam kỳ lần lần kéo về nước hết bộn. Coi như dân Phước Kiến ở Chợ Lớn trước kia là 6.000 người mà nay còn có 1.200; còn ở Sài Gòn cũng chỉ còn có 500 người mà thôi”.

Còn PNTV số ra ngày 9/7/1931 thì đưa tin:

Cái ảnh hưởng của nạn kinh-tế thật là nặng nề khốn khổ cho người ta quá. Mấy tháng nay chẳng những anh em lao-động ta bị sụt lương mất sở rất nhiều, mà thậm chí cho đến người Tây là hạng làm mướn sang trọng, cũng không thiếu chi người chung chịu một số kiếp ấy.

Từ hồi đău năm đến giờ, có nhiều ngưôi Tây làm việc ở các sở cao-su, các hàng huôn bán ở Cao-mên và Nam-kỳ, bị đuổi, hay đã mãn giao-kèo, hãng không dùng nữa, phải dắt vợ bồng con về Tây nhiều lắm.

Người Việt cũng tương tự, một số lui về các vùng ven như Gò Vấp, Phú Nhuận hoặc về quê để chờ cuộc khủng hoảng qua đi để làm lại từ đầu. Dân số Sài Gòn vì thế giảm đi rất nhiều.

Báo PNTV tường thuật về hiện tượng phố trống ở sài Gòn năm 1933 như sau:

“Từ hai năm trở lại đây, ở Sài Gòn, Chợ Lớn và luôn các châu thành Lục tỉnh, đi đến đường lớn đường nhỏ nào cũng thấy treo đầy những bảng Phố cho mướn, Nhà cho mướn’, nhứt là trong mấy tháng gần đây, phố, nhà lại càng bỏ hoang để trống nhiều hơn. Thật, có nhiều con đường, phố đóng cửa gần hết. Phố để buôn bán cũng đóng cửa, mà nhà và phố để ở cũng bỏ hoang!…”

Hai tháng sau, báo PNTV viết tiếp: “Chợ Lớn là một cái thành phố chết”.

“Mọi người đều công-nhận như thế, vì nhiều tiệm, nhiều hiệu cao-lâu đóng cữa, mất vẻ sanh hoạt đi nhiều.

Saigon nay cũng bày ra quang-cảnh buồn. Nhà “à louer” của S. I. D. I., Crédit foncier, công-ty chú Hỏa vân vân, nhiều quá; tuần nào cũng có nhà bị bán giảo giá. Lạ nhất là trưởng-tòa và thầy-kiện cũng ế!”

Những người trụ lại ở thành phố còn công ăn việc làm thì chấp nhận giảm phụ cấp và nhiều lần bị giảm lương để san sẻ trách nhiệm với giới chủ trong lúc khó khăn chung.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp công nhân đình công, như sự việc thợ nhà in Ardin đình công vào ngày 9/11/1931, và thợ nhà in Portail đình công ngày 10/11/1931 vì bị chủ nhà in giảm lương nhiều quá, thợ nhà in Đức Lưu Phương đình công ngày 9/1/1934 vì chủ nhà in là ông Trương Văn Tuấn giảm lương công nhân mà lại tăng thêm giờ làm việc…

Giảm chi tiêu mua sắm, sống thắt lưng buộc bụng giữa thành phố lớn là việc họ phải nghĩ đến và làm trước tiên nếu muốn tồn tại và quyết tâm bám trụ ở Sài Gòn. Báo PNTV cho biết viên chức nhà nước cũng chịu giảm phụ cấp, còn Ngân hàng Đông Pháp thì giảm lương nhân viên từ 12-50%. Dù đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần khó khăn nhưng họ vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác.

Những người thất nghiệp vì chủ doanh nghiệp phá sản, hoặc bị công ty cắt giảm nhân sự buộc phải chuyển nghề, chấp nhận làm những công việc thời vụ kiếm sống qua ngày như kéo xe, bốc vác. Sinh viên nhiều trường danh tiếng, thậm chí là du học sinh về cũng phải chấp nhận ra đường tìm kế sinh nhai, hoặc là chịu cảnh thất nghiệp.

Báo PNTV ngày 21/9/1933 dẫn lại tin từ tờ Impartial để nói về hiện tượng người trí thức phải làm phu kéo xe để kiếm sống:

Báo Impartial có thuật chuyện một người cựu học sanh trường cao đẳng Hà Nội đi kéo xe ở Chợ Lớn, làm cho các báo quốc ngữ xôn xao.

Cái hiện tượng người ‘trí thức’ (intellectuel) thành ra người vô sản không phải riêng cho xứ mình đâu, mà cũng không phải mới có ngày nay. Có điều này là chắc: cuộc khủng hoảng lan tràn và sâu xa trong xã hội An Nam làm cho người trí thức ‘vô sản hóa mỗi ngày mỗi đông thêm.Thứ nhứt là người trí thức An Nam ở các giai cấp trung lưu đi làm thuê ở Pháp và Sài Gòn cũng nhiều lắm. Những sự mâu thuẩn trong xã hội ta mỗi ngày mỗi thêm dữ dội.

Phòng Thương mại Sài Gòn cho biết từ tháng 6 đến tháng 12.1931, ở Nam kỳ có đến 2.721 người mất chỗ làm, riêng ở Sài Gòn con số này là 1.853.

Cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế mà sự học hành của người dân cũng sa sút hơn, nhiều trường học đóng cửa làm gia tăng tỷ lệ thất học, vốn đã rất cao, trong dân chúng.

Nhiều nông gia điển chủ suy sụp nguy vong, người buôn to bán lớn lâm cảnh khánh kiệt, lớn thuyền thì lớn sóng là cái lẽ xưa nay. Các xưởng, các hãng sa thải nhiều nhân viên khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hạng thầy ở các thành phố lớn bị mất việc cũng nhiều. Những trí thức có bằng cấp đại học, trung học nghèo ra “vì gia quyến không nuôi nữa mà lại tìm được việc làm ít tiền”, lao động thất nghiệp, trí thức cũng thất nghiệp.

Trung Hòa nhật báo tháng 11 năm 1933 nêu vấn đề:

“Cứ những tình trạng hiện thời, dù khiến cho tôi phải chán ngán, không còn muốn cho đi học làm gì. Kìa, xem trong làng tên văn học: có nhiều ông đã đỗ đạt một cách rực rỡ hiển hách lắm, nào tiến sĩ văn chương, nào cử nhân luật học, nào kỹ sư cầu cống, kỹ sư hóa học, y khoa bác sĩ, ông nghè ông cống đủ hết mọi khoa. Dưới các ông Đại học, Cao đẳng ở Tây về, còn nhan nhản những tú tài, những thành chung tốt nghiệp; lại riêng mấy khoa chuyên môn kia, như cao đẳng sư phạm, cao đẳng kiến trúc, cán sự chuyên nghiệp, ý sĩ, dược sĩ v. v. học mãn niên khóa, trúng tuyển kỳ thi ra rồi, nay vẫn còn ngồi nhà, đợi việc hết năm này sang năm khác, có người đợi đến mấy năm không có việc làm. Rút cục, sau lại phải tự mình mày mò lấy công việc mà làm. Nếu tìm không được việc xứng đáng với tài học của mình, bấy giờ biết làm sao? Kìa, ở Hải cảng, vừa rồi đã nhiều người nom thấy thày ký bị sở kia thải về không việc, phải mượn càng xe, để lấy của độ thân. Báo Sài-gòn mới thuật một tin, người học sinh cao đẳng kia, vì nỗi không công việc, cũng phải nhờ xe kéo để nuôi miệng…”

Ngoài ra, nghị định của Toàn quyền Đông Dương sửa đổi ngạch lương quan lại khiến nhiều học sinh đang theo học thất vọng, nhiều gia đình vốn không khá giả nhưng cố cho con ăn học mong đổi đời về sau thì thôi cho con học tiếp. Ở một thời khác, giai đoạn khác, có thể người ta đi học vì tri thức vì muốn trở thành trí thức, làm quan. Bấy giờ, khủng hoảng kéo dài chưa thấy vùng sáng, không ít người lo trước hết về kế sinh nhai, môi lợi về sau buộc họ phải suy tính, lựa chọn.

Khủng hoảng cũng gây ra những ảnh hưởng xấu trong các gia đình từ thượng lưu đến thợ thuyền. Nhiều gia đình đang êm ấm xảy ra lục đục, cãi vã vì đời sống kinh tế bỗng dưng khó khăn.

Khi khủng hoảng diễn ra, thất nghiệp và đói kém tràn làn, thì đó là lúc các hoạt động thiện nguyện bắt đầu. Báo PNTV kêu gọi Viện Dục Anh như sau: Hãy nuôi giùm cho anh chị em lao động và thất nghiệp.

Viện Dục Anh có trụ sở ở Cầu Kho, do chính tờ tuần báo Phụ Nữ Tân Văn sáng lập đầu năm 1932, được xem là Viện Dục Anh đầu tiên ở Miền Nam do người Việt thành lập và điều hành bởi người Việt, là cơ sở thiện nguyện xã hội lớn nhất thời đó.

Chi tiết bài kêu gọi như sau: Hội Dục anh của phụ nữ Việt Nam đã thành lập hơn 2 tháng nay rồi. Người vào hội đã đông. Nhưng mà đông cho mấy, chúng ta cũng nên coi là còn ít. Bởi cái công cuộc nầy không phải là nhỏ; nguyên-ý của hội định bắt dầu lập nhà nuôi trẻ từ các xóm ở Saigon đây, chớ sau càng ngày rồi cảng khoách-trương ra thêm hoài.

Làm việc gì cũng cốt ở hai cái vấn-đề “của” và “người”. Hễ giải quyết xong hai cái vấn-đề ấy thì việc gì cũng sẽ thành công được hết. Mà của thì do đâu mà có? Phải có người trước, rồi mới có của sau. Người vào hội càng đông chừng nào, của sẽ càng nhiều chưng nấy, những tiền vào hội lần đầu, tiền dóng hằng tháng, ấy là cái căn-bổn, nhờ đó mà hội mới làm việc được vậy.

Vậy thì hội Dục-anh chúng ta cũng phải cần có hội-viên cho thiệt đông, đông chừng nào, hay chừng nấy, chớ chẳng hề thừa ra bao giờ. Vậy thì những người đã có chưn trong hội rồi, nên chịu khó cổ động giùm cho người ngoài vào thêm; mỗi một hội viên ít nữa cũng kiếm cho được năm bày hội viên mới, ra sức chung nhau mà gánh vác công việc thì mới thành hiệu được… […]

Cũng trên cùng số báo này, báo PNTV đã kêu gọi thành lập viện Tế Bần, giống như viện Tế Bần do Hội Hợp Thiện vừa thành lập ở Hà Nội trong đầu năm 1932.

Viện Tế bần Hà Nội nằm ở phố Graffeuil (phố Bích Câu ngày nay), là nơi thu nạp những người cầu bơ, cầu bất, ngủ đường, ngủ chợ, cho họ chỗ ngủ qua đêm, sáng dậy phát cho mỗi người một bát cháo để họ ăn lót dạ trước khi ra phố kiếm sống. Cũng trong đợt đại khủng hoảng này, Hội Hợp thiện ở Hà Nội đã cưu mang rất nhiều người nghèo khổ ở các tỉnh phía Bắc.

Đối phó với tình hình xã hội như vậy, báo chí và các hội nhóm người Việt đều chung tay vượt qua khủng hoảng. Còn về phía chính quyền thì như thế nào?

Tin trên báo PNTV cho hay: Trong lúc có nạn kinh tế, quan Toàn quyền Pasquier thật là lo tiết kiệm đủ điều: Bớt lương quan lại, bớt tiền giấy mực trong các văn phòng, bớt tiền tiếp khách của các quan…, thế mà mới đây quan Toàn quyền lại ghé mắt vào các sở San đầm, sở Cảnh sát nữa.

Ngoài ra một cái nghị định từ nầy về sau, những người trong hai sở nói trên, không còn được xài xe hơi Nhà nước như xưa nay vậy nữa.

Ngoài ra, Toàn quyền Đông Dương cũng ra nghị định goảm 10% lương công chức, các công cuộc đầu tư bị ngưng trệ.

Báo PNTV ngày 3/11/1972 đưa tin:

Năm nay nghèo nên giảm hết cuộc chơi trong những ngày lễ

Ban ủy viên coi các cuộc lễ của Thành phố Saigon xét vì năm nay kinh tế quẫn bách, có nhiều người thất nghiệp đói khát, nên định giảm hết các cuộc vui chơi trong những ngày lễ sẽ tới, để lấy tiền ấy giao cho các hội phước thiện phân phát cho kẻ nghèo khổ trong ngày lễ Đình chiến 11/11.

Cũng vì ảnh hưởng từ đại khủng khoảng, trang báo này còn ghi tiếp:

Cái nhà thương săn sóc con nít ở Chợ Đủi đã đóng cửa rồi.

Mình có của, nhiều khi không biết của ấy là quí, đến lúc của ấy vì một lẽ gì mà mất đi, mình mới biết nó quí rõ ràng. Chúng tôi tưởng cái nhà thương con nít (Institut de Puériculture) ở đường Chasseloup Laubat chẳng khác nào món của quí mình làm mất.

Ông đốc tơ Bourrguin, người cai quản cái nhà thương ấy, đã xuống tàu về nghỉ bên Pháp. Ông đi thì cửa nhà thương đóng lại. Đóng cửa không biết chừng nào mới mở lại, vì năm nay nhà nước không có đủ tiền châu cấp nữa. Bốn mươi đứa con nít mồ côi bấy lâu nay được cái phước có người nuôi đở ở đó sẽ giao cho các bà phước lãnh về. Nhưng còn điều này ta nên mừng: quan thầy coi bịnh cho con nít vẫn còn ở tại đó. Xin nhắn với ai là người có con hay đau, và mong rằng chẳng bao lâu đây, nhà thương con nít sẽ mau mau mở cửa như cũ, dân sự nhà nghèo lấy làm may mắn lắm.

chuyenxua.net biên soạn

 

Viết một bình luận