Chuyện tình và chuyện đời đầy sóng gió của nữ minh tinh Kiều Chinh

Minh tinh Kiều Chinh được xem là nữ diễn viên thành công nhất của điện ảnh Việt Nam. Trước năm 1975, tài năng của bà vượt lên tầm Á Châu, được mời đóng phim ở khắp nơi, từ Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, đến Singapore, hầu như năm nào bà cũng được mời dự các liên hoan phim quốc tế. Từ thập niên 1980, Kiều Chinh tham gia nhiều phim ở Hollywood.

Từ xưa đến nay, nhắc đến Kiều Chinh, người ta thường nhắc đến tài năng của bà trong lĩnh vực phim ảnh cùng sắc vóc được xưng tụng là 1 trong tứ đại mỹ nhân của làng nghệ thuật. Riêng về cuộc sống tình cảm lại luôn là một góc khuất ít người biết tới, cho đến khi được chính Kiều Chinh kể lại trong hồi ký.

Gia đình Kiều Chinh có 3 anh chị em. Anh cả tên Lân, chị gái tên Tĩnh, rồi đến Kiều Chinh. Dưới bà còn có một người em út, mất chung với mẹ khi vừa lọt lòng, còn nằm trong bệnh viện thì bệnh viện bị trúng bᴏm của quân đồng minh năm 1943.

Kiều Chinh lập gia đình khi chưa tròn 18 tuổi, với mối tình đầu của mình là Nguyễn Năng Tế. Gia đình Nguyễn Năng Tế là ân nhân của Kiều Chinh, đã bảo bọc và yêu thương bà như con ruột khi bà một thân một mình từ Hà Nội vào Nam lúc mới hơn 16 tuổi. Mối tình êm đềm tưởng như mỹ mãn, cuối cùng lại trở thành cuộc hôn nhân đầy bão tố của Kiều Chinh, giống như số phận của rất nhiều các mỹ nhân khác.

Nguyễn Năng Tế là bạn học của anh cả Lân ở trường Albert Sarraut (nay là trường Trần Phú – Hoàn Kiếm). Lân mê thể thao, chơi bóng bàn rất giỏi, nhà có tận 2 bàn ping pong nên các bạn thường xuyên tới nhà cùng tập luyện, trong đó có Năng Tế. Kiều Chinh khi đó hãy còn ở tuổi 14,15, chớm biết rung động và ít nhiều có dành tình cảm cho Năng Tế.

Kiều Chinh và chị ruột khi còn ở Hà Nội

Những năm đầu thập niên 1950, Hà Nội không còn yên ả, những người bạn của Lân vẫn thường đến nhà, nhưng không phải là để chơi bóng bàn nữa, mà tính toán, thảo luận với nhau về chuyện thời cuộc.

Một buổi tối năm 1953, Năng Tế đến nhà Kiều Chinh, không phải để gặp Lân, mà để gọi Kiều Chinh ra dưới giàn nho để nói chuyện về việc Tế đã quyết định nhập ngũ, đăng lính theo quân lực của Quốc Gia Việt Nam, theo học trường sĩ quan Thủ Đức ở tận miền Nam xa xôi. Kiều Chinh kể: “Anh sẽ đi xa một thời gian. Tôi im lặng nhìn anh. Anh cầm tay tôi rồi cúi xuống hôn tôi, nụ hôn đầu đời của người con gái”.

Những ngày sau đó, Kiều Chinh nhận được nhiều lá thư nồng đượm yêu thương và nhung nhớ mà Năng Tế gửi từ quân trường Thủ Đức. Tình yêu bắt đầu từ tuổi mới lớn, thuở học trò, nở giữa mùa ly loạn trong lúc Hà Nội không còn thanh bình nữa. Cũng giống như hàng triệu gia đình khác, càng gần tới thời điểm năm 1954, gia đình Kiều Chinh càng gần với sự ly tán.

Người chị đi lấy chồng, rồi theo gia đình chồng di cư sang Pháp. Kiều Chinh cùng anh Lân và cha là ông Nguyễn Cửu cũng tính đường di cư vào Nam.

Một buổi sáng, tất cả đồ đạc trong nhà được mang ra sân để thanh lý. Khi 2 cánh cổng sắt vừa mở ra, người mua ùa vào rất đông thành 1 cái chợ nhỏ. Mọi đồ đạc trong nhà được bán đi, chỉ để lại cái xe đạp của anh Lân vì anh kiên quyết không chịu bán.

Kiều Chinh và anh Lân

Kiều Chinh kể lại: “Tối hôm đó ba bố con giăng màn nằm ngủ dưới sàn đất. Nửa đêm anh Lân đánh thức tôi dậy, ra dấu im lặng và kéo tôi ra ngoài cổng sắt. Phía ngoài cổng, anh Hiệp Cao (bạn đánh bóng bàn thân nhất của anh Lân) đã ngồi trên xe đạp chờ sẵn, một tay anh giữ một chiếc xe đạp khác, là xe của anh Lân.

Anh Lân ôm tôi, nói: “Chinh, anh với Hiệp phải đi ra chiến khu bây giờ. Anh không đi di cư đâu. Em đi với bố và chịu khó chăm sóc bố giùm anh”.

Tôi hoảng hốt: “Không, anh không được đi, anh phải xin phép bố”.

“Bố sẽ không cho phép, bọn anh phải đi”.

Anh Hiệp nhìn tôi, nói ấp úng: “Chinh, anh đi… em ở lại giữ gìn…” Đoạn anh nói thật nhanh: “Anh yêu Chinh”.

Tôi như không nghe anh Hiệp nói gì. Anh Lân buông tôi ra rồi trèo lên yên xe. Tôi nắm chặt ghi đông xe:

“Không, anh không được đi”

Anh gỡ tay tôi ra, nắm chặt: “Chinh, em…”

Tôi giật tay ra khỏi anh rồi chạy vào nhà kêu to: “Bố ơi, bố ơi, anh Lân…”

Khi bố chạy ra, con đường Lê Trực đã vắng tanh. bố lao người ra đường gọi lớn:

“Lân ơi, Lân ơi, con ơi…”

Nhưng tiếng gọi của bố tan loãng vào khoảng không, không thấy hình bóng hai chiếc xe đạp và hai người thanh niên đâu nữa, cả hai đã mất hút trong đêm tối.

Trong bóng tối của căn nhà trống trải, bố ngồi tựa lưng vào tường. Ánh lửa từ điếu thuốc chập chờn lóe lên. Bố hút hết điếu nọ tới điếu kia. Tôi nằm xuống sàn cạnh bố, im lặng. Bố cầm tay tôi và lấy ra từ túi áo một chiếc lắc vàng đeo vào tay tôi, nói: “Con giữ. Phòng khi cần”

Tôi xúc động, giữ chặt tay bố.

“Con cố ngủ sớm một chút đi, mai mình đi sớm”.

Những tôi nào ngủ được. Và bố cũng không ngủ.

Sáng hôm sau bố con tôi vào phi trường Hà Nội. Tôi không biết phải diễn tả thế nào để nói rõ cảnh hỗn loạn của phi trường trong thời điểm ấy. Bố nắm chặt tay tôi cố gắng tìm một chỗ trống đủ cho hai cha con có thể đứng và chờ. Khi nắng trưa lên cao, những chiếc máy bay vận tải DC-3 nhà binh khổng lồ bắt đầu lên xuống. Mối lần máy bay đáp, người ta lại ồ ạt lao mình chạy tới. Cứ như thế, từng đợt, từng đợt xô nhau tới máy bay. Quá trưa thì trời nắng và nóng vô cùng, bố lấy bàn tay để lên đầu tôi như thể cố che nắng cho con.

Lẫn trong đám đông, bất ngờ bố tôi nhìn thấy bác Nguyễn Đại Độ, một người bạn của bố, và là bố của anh Tế. Không như gia đình chúng tôi chỉ có 2 bố con, gia đình bác Độ đông tới mười mấy người, gồm cả cháu nội, cháu ngoại, người làm cũng chở máy bay ra đi. Hai gia đình chụm lại đứng chung. Trong lúc chờ đợi, bố nói chuyện với bác Độ. Mãi tới khi mặt trời lặn, chuyến bay cuối ngày đáp xuống, “cửa há mồm” ở đuôi máy bay mở tung. Người ta ồ ạt chen lấn, réo gọi nhau trèo lên. Bố theo sát bác Độ. Gia đình bác đã trèo lên. Thình lình bố ôm tôi, nhấc bổng khỏi mặt đất và ném tôi lên phi cơ. Lẫn trong tiếng động cơ là tiếng người réo gọi nhau, tôi nghe tiếng nói như gào lên của bố:

“Chinh, con đi trước, bố ở lại tìm anh Lân. Bố sẽ vào Nam sau”.

“Không, không, bố ơi…”

Đó là lần cuối cùng Kiều Chinh, một thiếu nữ 16 tuổi, được nhìn thấy bố, được nghe tiếng của bố, và cô cũng chỉ được gặp lại người anh trai sau 41 năm, lúc trở νề Việt Nam νàᴏ năm 1995.

Kiều Chinh chụp cùng cha, mùa xuân năm 1954, những ngày cuối cùng ở Hà Nội

Máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, Kiều Chinh và đại gia đình ông Độ được xe bus chở về trại tạm cư ở đối diện trường Petrus Ký. Đoàn người xếp hàng lãnh đồ ăn sáng do Tổng ủy di cư tị nạn tổ chức. Khi ghi tên vào thành phần gia đình, ông Độ đề nghị ghi tên Kiều Chinh vào gia đình ông, sau đó đại gia đình được một người cháu họ của ông Độ đón ra khỏi trại tạm cư về ở căn nhà nhỏ đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai).

Gia đình ông Độ có 3 trai, 2 gái, anh cả là Nguyễn Giáp Tý, sau đó là 2 người con gái tên Mùi, Dậu, tiếp đến là Nguyễn Năng Tế – người yêu của Kiều Chinh, cuối cùng là con trai út Nguyễn Chí Hiếu, cũng là bạn học của Kiều Chinh.

Trong căn nhà mới ở chung với gia đình ông Độ, Kiều Chinh được sắp xếp ở trên một căn gác xép nhỏ, vừa đủ trải 2 chiếc chiếu nhỏ gọn, ngủ chung với chị Sâm – một người làm trong nhà. Trên chiếc chiếu đó, Kiều Chinh đã lặng lẽ thắp lên cây nến nhỏ đánh dấu tuổi 17, sinh nhật lần đầu tiên không có bố bên cạnh. Tại đây, Kiều Chinh sống trong căn nhà được gia đình ông Độ yêu thương, cưu mang, trong tình thương và nỗi nhớ về cha, về anh mà không biết bao giờ mới được gặp lại. Nàng thiếu nữ đó vẫn nuôi hy vọng cha tìm được anh rồi cùng nhau vào Nam đoàn tụ, nhưng niềm hy vọng nhỏ lại dần theo ngày tháng, rồi biến thành nỗi tuyệt vọng.

Vài tháng sau khi vào đến Sài Gòn, vào một buổi chiều đầu năm 1955, khi Kiều Chinh đang quét dọn sân thì bỗng thấy một chiếc jeep mui trần chạy tới đậu ngay trước cửa nhà. Một người mặc quân phục, tay xách ba lô nhảy xuống trước mặt cô gái và gọi: “Chinh!”.

Đó là thiếu úy Nguyễn Năng Tế. Họ vui mừng gặp lại nhau. Chàng trai không còn là chàng sinh viên non trẻ như xưa, mà đã ra vẻ là một thanh niên tuấn tú, quân nhân thời loạn trong bộ quân phục dù với mũ beret đỏ đội lệch.

Chỉ vài tháng sau đó, Năng Tế báo tin là được chọn đi theo học một khóa huấn luyện tại Fort Benning, tiểu bang Georgia ở Hoa Kỳ, thời hạn một năm. Hồ sơ đi du học đã hoàn tất, chỉ chờ ngày lên đường. Tin này làm cho ông bà Độ lo lắng và có những tính toán nhanh chóng.

Kiều Chinh kể lại: “Một buổi trưa, tôi đang giặt thau quần áo ở nhà bếp thì chị Sâm hăm hở tìm tôi. Vừa thấy tôi, chị nói ngay, giọng mừng rỡ như thể đó là tin vui, chị bảo:

“Cô Chinh này, cháu nghe cụ bà đang lo sợ chuyện chú Tế có thể sẽ lấy vợ Mỹ trong thời gian chú ấy đi học ở bên Mỹ đấy, cô Chinh à…”

Không nghe tôi nói gì, giống như bị cụt hứng vì thấy tôi hờ hững trước tin sốt dẻo này, chị nói thêm, tựa như đảm bảo cho nguồn tin mà chị có, khi chị nhấn mạnh:

“Chuyện có thật đấy cô Chinh. Cháu nghe nói chỉ còn vài tuần nữa thôi, chú Tế sẽ đi Mỹ. Ở luôn bên ấy, một năm mới được phép về lại nhà. Vì thế ông bà phải làm đám cưới gấp cho chú Tế. Nếu không thì không thể nào kịp được”.

Chị ngừng lại nhìn tôi, làm ra vẻ như thăm dò phản ứng của tôi, trước khi buông thêm một câu nói có độ hé mở vừa đủ, để tôi tự hiểu:

“Cháu cũng nghe hai cụ khen cô Chinh hết lời đấy, cô Chinh ạ”

Vài ngày sau, cũng vẫn chị Sâm lại tìm tôi trong bếp, thì thào: “Cô Chinh, cụ ông và cụ bà bảo cháu mời cô lên nhà trên…”

Khi đó, nhà vắng vẻ. Ông bà Độ đang ngồi trên giường, trước ấm trà. Cụ bà nói, bằng một giọng nghiêm trọng, không giống như những lần dặn dò tôi trước khi xách giỏ đi chợ, theo thói quên tôi vẫn ngồi bệt dưới nền nhà. Lần này cụ bà chỉ tôi ngồi lên mép giường, ngay cạnh cụ. Cụ ông nhìn cụ bà rồi quay sang tôi, nói chậm rãi từng chữ:

“Hai bác có chuyện quan trọng muốn cho con biết. Sỡ dĩ ít lâu nay hai bác còn nấn ná chưa nói ra vì cố ý chờ ý kiến của bác Cửu, bố con. Bác đã cố gắng bằng mọi cách, nhờ đủ mọi cửa ngõ để liên lạc, mãi tới hôm nay bác mới nhận được thư hồi âm của bố con. Đây là thư của bố con, bác mới nhận được. Thư viết cho riêng con. Con đọc ngay ở đây, rồi cho hai bác biết ý kiến”.

Hai tay tôi run lên. Trời ơi! Có tin của bố! Tôi lạy trời xin đó là thư bố viết về ngày hai cha con gặp lại nhau. Tim đập mạnh, tôi hồi hộp đọc thư bố:

“Chinh con

Hai bác Độ có lòng thương muốn cưới con cho anh Tế. Bố đã bằng lòng. Bố biết con còn nhỏ dại, chưa học hành tới nơi tới chốn, cũng chưa đủ khôn lớn để dựng vợ gả chồng. Nhưng hoàn cảnh không thể khác hơn được. Bố không thể gặp con, không lo lắng gì cho con được, trong tình cảnh người Bắc kẻ Nam này! Trăm sự bố trông cậy vào bác Độ. Từ nay, hai bác là bố mẹ của con. Con phải vâng lời, chu toàn bổn phận làm dâu, phụng dưỡng thờ kính gia đình chồng, như gia đình mình vậy.

Con biết bố thương yêu con, lo lắng cho con tới mức nào. Hãy nhớ lời bố, Chinh ạ. Bố không thể viết dài hơn. Bố thương con lắm.

Bố Cửu của con”

Lá thư ngắn ngủi ít dòng của bố tôi, không chỉ dập tắt hoàn toàn mọi hy vọng mơ hồ của một ngày được gặp lại bố. Nó cũng như một quyết định dứt khoát của bố, ném tôi vào ngả rẽ, một cảnh đời khác, khi tôi chỉ mới bước vào tuổi 17.

Tôi biết chắc trong lúc tôi hồi hộp, run rẩy đọc lá thư thì hai bác Độ cũng không ngừng quan sát từng biến chuyển trên khuôn mặt tôi. Tôi cố gắng không biểu lộ tình cảm xúc động. Vì hai bác muốn tôi phải có ý kiến ngay, nên vừa gấp bức thư nhỏ chỉ bằng nửa trang giấy học trò tôi vừa lí nhí nói: “Con xin vâng”.

Tôi chấm dứt đời con gái để trở thành vợ, thành mẹ như thế. Nó cũng bất ngờ, cũng hoang mang, ngơ ngác, y như hôm chia tay bố ở phi trường Hà Nội.

Đám cưới diễn ra rất đơn giản, vì cô dâu đã ở sẵn trong nhà nên không có màn rước dâu theo truyền thống. Ngày cưới được ấn định là mùng 3 tháng 7, đến đầu tháng 9 thì chú rể lên đường sang Mỹ. Trong 2 tháng ngắn ngủi đó, niềm vui của cô dâu trẻ là thỉnh thoảng được chồng dẫn đi xem xi-nê ở rạp Eden. Sau đó họ nắm tay nhau đi dạo quanh khu thương xá, ai nhìn họ cũng khen đẹp đôi, một sĩ quan dù cao lớn đẹp trai bên cạnh một thiếu nữ Bắc kỳ.

Vợ chồng Chinh – Tế khi vừa mới cưới

Sau khi Năng Tế đi Mỹ được hơn 3 tháng thì Kiều Chinh biết mình mang thɑi. Đứa con trong bụng lớn rất nhanh, trong khi người mẹ không có tiền mua quần áo thích hợp, người làm là chị Sâm thương tình cho quần áo cũ để mặc. Lúc này Kiều Chinh mới nhận ra rằng mình không có bất kỳ khoản tiền riêng nào. Một người chị họ bên chồng biết hoàn cảnh khó khăn đó và khuyên bà mẹ trẻ nên đi làm trước khi cái bụng trở nên quá to. Cũng nhờ sự tư vấn của người chị này, Kiều Chinh nộp đơn xin vào làm ở cơ quan MACV (Military Assistance Command Vietnam), một phái bộ cố vấn quân sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Vì biết tiếng Anh nên Kiều Chinh được nhận ngay, nhưng vấn đề khó nhất là thuyết phục được mẹ chồng cho đi làm. Khi đó mọi việc trong nhà, từ cơm nước, dọn dẹp đều là Kiều Chinh làm. Kiều Chinh cố gắng nhờ chị họ thuyết phục mẹ chồng, và nói sẽ thuê người làm để thay mình làm việc nhà. Nhờ có thêm cha chồng ủng hộ, Kiều Chinh chính thức thành nhân viên công sở.

Khi đứa con trong bụng được 7 tháng, Kiều Chinh nhận được thư mời đích danh từ bộ Quốc Phòng tới làm việc. Tại đây một sĩ quan lớn tuổi đưa cô xem thư của thiếu úy Nguyễn Năng Tế, chính thức xin bộ Quốc Phòng cho gia hạn ở lại Mỹ thêm một năm nữa, và đặc biệt là giấy xin phép được thành hôn với một phụ nữ Mỹ!

Nhìn thư của chồng xin ở lại Mỹ, để cưới vợ khác, Kiều Chinh như hóa thành đá, mắt hoa lên như không tin vào sự thật. Sau cùng, nhìn cái bụng đã lớn của người thiếu phụ mới hơn 18 tuổi, vị sĩ quan lớn tuổi an ủi bằng một giọng thông cảm:

“Cháu có giấy giá thú chính thức với thiếu úy Tế, phải không?” 

“Dạ, có”

“Vậy cháu yên tâm về nhà lo cho đứa con sắp chào đời. Luật lệ quân đội không cho phép bất cứ quân nhân nào được lấy hai vợ, tức song hôn”.

Hai tháng sau đó, ngày 19/4/1956, trời mưa tầm tã, người con gái đầu được ra đời, đặt tên là Mỹ Vân. Ban đầu Kiều Chinh định đặt tên là Bích Vân, để nhớ về người bạn thân nhất thời thiếu nữ. Nhưng ông nội đứa bé nói cháu ra đời trong lúc bố ở Mỹ, nên đặt là Mỹ Vân.

Khi Mỹ Vân biết lật thì cũng là thời gian hết hạn một năm ở Mỹ của Năng Tế.

Vào ngày những sĩ quan thụ huấn ở Mỹ trở về, Kiều Chinh xin nghỉ làm, bồng con ra tận phi trường đón chồng. Giữa những tiếng cười đoàn viên hội ngộ của vợ chồng gặp nhau, con cái được gặp cha, Kiều Chinh buồn tủi ôm con lạc lõng trở về với cõi lòng tê lạnh, vì chồng đã xin ở lại Mỹ thêm 1 năm mà không nói với gia đình.

Ảnh TL của huyvespa

Vài tháng sau, Kiều Chinh được cho xem một lá thư mà Năng Tế gửi cho anh họ, trong đó có câu: “…tội nghiệp Chinh. Nhưng em không thể bỏ Majorie”. Kèm thêm đó là tấm ảnh màu, Năng Tế ôm con người Mỹ.

Cuộc hôn nhân bất ngờ, chóng vánh, cũng đã kết thúc một cách bất ngờ, chóng vánh.

Kiều Chinh trở về nhà, trình bày vắn tắt mọi chuyện với cha mẹ chồng và xin phép cho mang con đi. Tuy nhiên bà nội của Mỹ Vân nói:

“Có phép nhà nào lại như vậy hả con? Ba me còn đây. Chỉ riêng con và con của con là vợ cái con cột. Làm sao anh ấy không về được. Ba me sẽ không nhận ai khác làm con dâu của dòng họ này. Con đừng nghĩ ngợi vẩn vơ nữa”.

Kiều Chinh vẫn tạm thời ở lại nhà chồng, sau đó tình cờ được biết có một đường dây đưa người tập kết từ Nam ra lại Bắc. Xe sẽ đi Nam Vang của Cao Miên rồi chạy thẳng ra Hà Nội, giá là 3 lạng vàng. Điều đó như là một liều thuốc hồi sinh cho Kiều Chinh. Lúc này người mẹ đau khổ chỉ có 1 tâm niệm duy nhất: Về lại với cha, con sẽ có ông ngoại. Với chiếc lắc vàng được cha trao cho vào ngày định mệnh năm 1954, Kiều Chinh hy vọng sẽ hoàn thành tâm nguyện được về lại quê hương, một hy vọng hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Tuy nhiên, như là sự sắp đặt của số mệnh, vào một ngày đầu tháng nhận được lương để chuẩn bị cho “ngày trở về”, Kiều Chinh leo lên căn gác xép của mình và phát hiện trộm đã bẽ gãy song cửa sổ và khoén sạch gia tài của Kiều Chinh, trong đó có chiếc lắc vàng và số tiền dành dụm để trong va li. Không chỉ mất đi toàn bộ tài sản ít ỏi, Kiều Chinh còn bị mất đi mơ ước sớm được về với bố và thoát khỏi cuộc hôn nhân tuyệt vọng. Cô như bị điên loạn, gào khóc.

Thêm 1 năm sau nữa, là tròn 2 năm ở Mỹ, người chồng Năng Tế cuối cùng cũng trở về. Vì chuyến vượt tuyến bất thành mà Kiều Chinh buộc phải nối lại cuộc hôn nhân thời vị thành niên, kéo dài thêm 25 năm nữa, Mỹ Vân có thêm 2 em là Hoàng Hùng và Tuấn Cường.

Vợ chồng Kiều Chinh và 3 người con

Những ngày đầu Năng Tế trở về, mọi sự thật ngỡ ngàng, có phần ngại ngùng, nhưng rồi mọi chuyện lại bị cuốn trôi theo dòng nước chảy. Dòng nước của đời sống, định mệnh. Đời sống của một quân nhân như Năng Tế là nay đây mai đó, sống ở khắp nơi. Kiều Chinh vẫn ở lại Sài Gòn với cha mẹ chồng, thỉnh thoảng đi thăm chồng ở vùng đóng quân.

Năm 1972, mẹ chồng qua đời sau nhiều năm đau ốm, lúc này Kiều Chinh đã gia nhập làng điện ảnh được 15 năm, trở thành nữ minh tinh nổi tiếng nhất miền Nam và tên tuổi vang xa ra đến khắp Á Châu.

Kiều Chinh trong phim Từ Sài Gòn Đến Điện Biên Phủ

Đanɡ ở trên đỉnh νinh quanɡ thì một bước ngoặt lớn lại xảy đến.

Kiều Chinh ᴄhᴏ biết thời điểm thánɡ 3/1975, bà đanɡ thựᴄ hiện quay ᴄuốn phim ᴄuối ᴄùnɡ νới tựa đề là Full Hᴏusе tại Sinɡapᴏrе, sau đó quay νề Sài Gòn ɡiữa lúᴄ nơi đây đanɡ hỗn lᴏạn.

Tờ báo Singapore đăng ảnh Kiều Chinh trên trang bìa, sau khi bà đóng phim Full House

Trên chuyến bay từ Singapore về Sài Gòn ngày 16/3/1975, chỉ có 1 hành khách duy nhất là Kiều Chinh, vì lúc đó hầu như ai cũng muốn đi theo chiều ngược lại. Khi ở Singapore, tin tức từ Sài Gòn sang dồn dập, người nhà từ Canada, từ Sài Gòn gọi sang liên tục khuyên Kiều Chinh tuyệt đối không được về nước. Lúc đó 3 người con của Kiều Chinh – Năng Tế đã được gửi sang Toronto ở với người bác (chị ruột của ông Tế) để du học, và mẹ chồng thì đã qua đời, nhưng ở Sài Gòn vẫn còn lại chồng và cha chồng, nên Kiều Chinh vẫn quyết định về, ngay sau khi kết thúc ngày quay phim cuối cùng.

Về tới Tân Sơn Nhứt, số tiền thù lao đóng 3 phim (2 ở Thái Lan và 1 ở Singapore trong đợt đó) của Kiều Chinh vốn là ngoại tệ, nhưng khi về Việt Nam bị buộc đổi thành tiền Việt Nam. Kiều Chinh mang 1 bao bố tiền về nhà trong sự ngỡ ngàng của chồng và cha chồng, vì đã dặn đừng về, và phải giữ lại tiền dollars.

Những ngày sau đó Sài Gòn trong cơn hấp hối, vô số cuộc điện thoại từ Canada hối thúc gia đình Kiều Chinh rời Việt Nam ngay lập tức. Ngay cả chồng và cha chồng của Kiều Chinh cũng nói bà nên ra đi, vì lúc đó bà vẫn còn giấy thông hành ngoại giao, ra đi lúc nào cũng được. Kiều Chinh bị giằng co, vì lúc đó không thể mang theo gia đình chồng, chỉ có thể ra đi một mình. Sự ám ảnh năm 1954 trở lại, một lần nữa bà bị cắt lìa khỏi gia đình.

Vì sự thúc giục của gia đình, và sự giúp đỡ tận tình của người bạn thân lúc đó đang là phó giám đốc Air Vietnam, Kiều Chinh đã lên đượᴄ một ᴄhuyến bay trở lại Sinɡapᴏrе, không mang theo được một vật dụng nào, ngoài túi xách nhỏ và vài chục Mỹ kim sót lại.

Máy bay của Air Vietnam đáp xuống phi trường Singapore, nơi Kiều Chinh chỉ vừa mới đi khỏi đúng 1 tuần lễ trước, nhưng lúc này bà ở một tâm thế hoàn toàn trái ngược. Lúc rời đi, bà là một minh tinh điện ảnh vừa đóng vai chính trong 1 bộ phim của Singapore. Đến lúc quay lại, bà bị cảnh sát áp giải vào tù, với lý do là giấy thông hành ngoại giao của bà được cấp bởi một chính phủ không còn hiệu lực. Dù lúc đó VNCH chưa chính thức sụp đổ, nhưng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức.

Sau đó nhờ sự trợ giúp của đoàn phim Full House νà đại sứ ᴄủa VNCH tại Sinɡapᴏrе là Trương Bửu Điện, Kiều Chinh được bảo lãnh ra khỏi tù sau mấy ngày bị tạm giam, nhưnɡ νới điều kiện là phải rời ngay khỏi Singapore trᴏnɡ νònɡ 48h. Lúᴄ đó, khônɡ một quốᴄ ɡia nàᴏ trên thế ɡiới ᴄấp visa nhập ᴄảnh νì passpᴏrt Việt Nam của Kiều Chinh là của một chế độ đang sắp sửa bị sụp đổ. Cách duy nhất để bà rời được Singapore là lấy 1 vé máy bay rồi bay đi chỗ khác. Bất kể là máy bay đến đâu, cứ xuống máy bay bà lại phải leo lên máy bay khác bay tiếp, từ Đông sang Tây, chờ cho Sài Gòn đổi chủ thì bà mới có thể xin tị nạn chính trị ở nơi mà máy bay đáp xuống.

Vì vậy, Kiều Chinh trải qua một chuyến bay có thể là độc nhất vô nhị cho đến nay, cứ vòng vòng trên trời để chờ cho Sài Gòn sụp đổ vào 1 ngày cận kề, nhưng không ai biết chính xác là khi nào. Suốt 3 ngày đêm sống vất vưởng giữa trời cao trong tâm trạng hoang mang tột độ, từ Singapore đến Bangkok, Hongkong, Seoul, Tokyo, Paris, New York, điểm đến cuối cùng là Toronto, là nơi 3 người con của Kiều Chinh đang du học, cũng là thời điểm chiều ngày 30/4/1975, bà thành người Việt Nam tị nạn đầu tiên ở Canada.

Tại Toronro, Kiều Chinh và 3 con sống tạm ở nhà chị chồng trên một căn gác nhỏ. Bỏ lại sau lưng tất ᴄả nhữnɡ hàᴏ quanɡ νà danh νọnɡ ᴄủa một “Nɡôi saᴏ Á Châu”, Kiều Chinh phải νươn lên trᴏnɡ khó khăn νà nướᴄ mắt. Bà làm νiệᴄ rất ᴄựᴄ khổ tại một trại ɡà với công việc dọn sạch chuồng, làm laᴏ độnɡ tay ᴄhân bình thườnɡ như baᴏ phụ nữ kháᴄ để kiếm tiền tranɡ trải ᴄuộᴄ sốnɡ. Sau 3 tuần, Kiều Chinh nhận được tin chồng là ông Tế đã tới được đảo Guam, nhưng chỉ đi 1 mình mà không mang theo được người cha đã già yếu. Kiều Chinh làm thủ tục để bảo lãnh chồng sang Canada diện đoàn tụ, cả gia đình 5 người lại được ở bên nhau.

Ở Canada một thời ɡian nɡắn, Kiều Chinh quyết định sanɡ Mỹ để bắt đầu lại ᴄuộᴄ sốnɡ. Thánɡ 7/1975, nhờ sự bảᴏ lãnh ᴄủa nɡười bạn ᴄũ là tài tử Tippi Hеdrеn – “Kiều Chinh đã ɡặp bà νàᴏ năm 1965 khi bà sanɡ Việt Nam νà là kháᴄh mời trᴏnɡ một TV Talk Shᴏw, ᴄhính bà ấy đã mở ᴄánh tay νà trái tim ra để bảᴏ lãnh”.

Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Tippi, Kiều Chinh thuê được một căn hộ nhỏ để đưa chồng con sang sống cùng. Từ ngày lấy chồng, đây mới là lần đầu tiên vợ chồng con cái được ở riêng trong một căn nhà, một gia đình đúng nghĩa.

Tại Mỹ, Kiều Chinh gặp khó khăn bước đầu trong việc tham gia trở lại điện ảnh. Bà cùng chồng làm cho Cơ quan cứu trợ Công Giáo Hoa Kỳ (USCC), sau đó tìm cơ hội đóng phim, dần dần được mời tham gia nhiều phim Hollywood, sau nhiều năm lăn lộn với các vai quần chúng thì cũng được giao cho những vai chính đầu tiên.

Kiều Chinh cùng chồng và đồng nghiệp ở USCC

Cuộc sống gia đình Kiều Chinh – Năng Tế dần ổn định trên xứ người, cũng là lúc một lần nữa Kiều Chinh đón nhận cú sốc: Năng Tế có bồ.

Kiều Chinh kể lại: “khi nhận được lời khẳng định của Tế, tôi hiểu lòng tôi. Tự biết mình sẽ không thể tiếp tục kiên nhẫn như xưa. Hoàn cảnh đời sống tôi nay đã khác. Bố mẹ chồng không còn. Lời hứa của tôi với bố ruột sống sao cho bố không bị mang tiếng với hai bác Độ, sau nhiều chục năm vâng lời phụng dưỡng bố mẹ chồng, tôi cảm thấy tôi chưa bao giờ làm ngược lại lời bố dặn. Thêm nữa, thời gian trước, các con tôi còn quá nhỏ, chưa hiểu biết sâu xa, và quan trọng hơn, tôi không muốn các con lớn lên trong hoàn cảnh không có người cha trong gia đình. Nhưng nay chúng đã trưởng thành, tôi quyết định có một buổi họp riêng với các con để lấy quyết định chung. Và quyết định sau cùng mà các con tôi cũng đồng ý là, khi không giữ được nữa thì nên buông bỏ. Thật ra quyết định đó không những chỉ giải thoát cho riêng tôi mà còn cho cả gia đình nữa.

Ngày ra tòa, Tế không xuất hiện, tôi ra hầu tòa với luật sư Dave Garen. Khi tòa giải thích theo luật California thì người chồng sẽ phải cấp dưỡng cho người vợ mỗi tháng $300 cho tới khi người vợ có chồng khác, và $300 cho mỗi đứa con cho tới khi 21 tuổi hoặc không đi học nữa.  

Dave bảo tôi chấp nhận. Tôi lắc đầu: “Không, tôi không muốn nhận tiền của Tế, anh ấy sẽ không đủ tiền sống nếu phải chu cấp cho vợ con”.

Đoạn tôi nói tiếp: “Phải chia tay nhau sau 25 năm chung sống, với tôi đã là một điều quá đau khổ, tôi không bao giờ tưởng tượng nó có thể xảy ra cho đời mình. Nhưng thôi, tôi xin trả lại tự do cho anh ấy và hãy để anh ấy sống”.

Dù chính thức ly dị nhưng Năng Tế vẫn sống chung nhà, không chung phòng, ai làm việc nấy, ngay cả nhiều người quen cũng không biết họ ly dị.

“Tôi vẫn thương Tế, người đàn ông đầu đời của tôi, không biết Tế sống ra làm sao, ai nấu cho ăn, chưa kể những thứ khác mà tôi là người quen lo cho Tế suốt mấy chục năm chung sống, kể cả những chuyện nhỏ nhặt nhất như đính chiếc khuy áo đứt, ủi áo sơ mi đi làm, giày dép sao cho tươm tất. Nhưng sau ít lâu, tôi nghĩ nếu tôi không cương quyết bằng cách bán căn nhà vợ chồng mua từ những ngày khốn khó nhưng hạnh phúc, thì tình trạng trên của chúng tôi sẽ không có ngày chấm dứt”.

Căn nhà bán được $30.000, chia thành 3, Năng Tế 1 phần, Kiều Chinh 1 phần, phần còn lại cho các con. Họ chính thức đường ai nấy đi.

Sau khi li dị, có thời gian Kiều Chinh sinh hoạt với hội từ thiện United Way, thường là những bữa tiệc gây quỹ cho hội tại một tư gia sang trọng ngay cạnh khách sạn Bel-Air trên đại lộ Sunset nổi tiếng của Hollywood. Kiều Chinh được ông chủ nhà dẫn đi coi tư gia tuyệt đẹp này, giới thiệu từng đặc điểm của ngôi nhà. Ngoài ra ông chủ nhà cũng giới thiệu với Kiều Chinh con gái của ông mới ở London về thăm. Mấy ngày sau đó, Kiều Chinh vô cùng ngạc nhiên khi nhận được lá thư viết tay của ông, một lá thư cầu hôn:

“Cô Kiều Chinh thân mến!

Bố tôi có nói khi gặp một người đàn bà đẹp, ưng ý thì hãy tiến tới, đừng để cơ hội tuột khỏi tầm tay. Vì trong đời không dễ gặp người ưng ý.

Từ khi gặp cô, tôi nhớ điều bố tôi nói.

Tuy nhiên, tôi không muốn làm cô hiểu lầm, nếu tôi chỉ xin hẹn hò với cô.

Hiểu được văn hóa Á Đông, tôi muốn bày tỏ sự kính trọng người tôi ưng ý, nên viết thư này để chính thức nói với cô là tôi muốn xin cưới cô làm vợ, không phải chỉ xin hẹn hò làm người tình.

Tôi mong cô không nghĩ thư này là một lời tỏ tình sỗ sàng, mà xin cô xem đó là sự kính trọng đối với một người đàng hoàng.

Với lòng kính phục và quý trọng.

Ký tên”

Nhận được lá thư, trong sự bối rối, Kiều Chinh trả lời rằng bà vừa mới ly dị chồng sau 25 năm chung sống, hiện nỗi buồn vẫn chưa nguôi, vẫn còn đang “để tang” nó, hiện vẫn đang sống bình yên với con trai út và không có ý định đi thêm bước nữa.

Người đàn ông có gửi thêm bức thư nữa và mời đến nhà dùng cơm chiều cùng bố con ông để hai bên gặp gỡ. Kiều Chinh cảm ơn và từ chối lời mời gặp gỡ. Sau đó bà còn nhận dược một bó hoa hồng rất lớn, nhưng vẫn im lặng.

Là một mỹ nhân toàn sắc toàn tài, Kiều Chinh có không ít các chàng trai ngưỡng mộ. Nhưng vì nàng lấy chồng sớm, nên các chàng trai đó chỉ dừng lại ở mức bạn bè thân quen, trong đó có nhà văn Mai Thảo. Kiều Chinh kể lại rằng khi còn ở Sài Gòn, có lần ông Thái Thúc Nha chủ hãng phim Alpha Films mở tiệc đãi đoàn làm phim, khách tham dự có tòa đại sứ Mỹ với đầy đủ quan khách và giai nhân của Sài Gòn. Tại đây, Kiều Chinh lần đầu gặp Mai Thảo. Sau đó Mai Thảo đã viết trên một trang báo chuyên về điện ảnh như sau:

“Nhớ lại lần đầu gặp Kiều Chinh.

Trong một buổi tiệc tiếp đoàn làm phim ngoại quốc tới Sài Gòn, ngay trên sân thượng của phim trường Alpha Films, khách Việt, khách Mỹ tưng bừng nhộn nhịp, bỗng nhìn thấy một thiếu nữ, một mình đứng tựa lan can, dáng dấp thật đẹp, tới làm quen, đó là Kiều Chinh, tài tử chính của phim Chuyện Năm Dần (tên gốc là A Yank in Vietnam). Một thiếu nữ Hà Nội, rất Hà Nội, dịu dàng, nghiêm trang.

Kiều Chinh trong phim A Yank in Vietnam

Khi tiệc tan, nói với Thái Thúc Nha, để tôi đưa nàng về, và được biết nàng đã có chồng…”

Vài năm trước khi qua đời, nhà văn Mai Thảo cho in tập thơ duy nhất Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, trong đó có một bài ông viết tặng Kiều Chinh, đó là Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại:

Con đường thẳng tắp con đường cụt
Đã vậy từ xưa cái nghĩa đường
Phải triệu khúc quanh nghìn ngả rẽ
Mới là tâm cảnh đến mười phương

Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta

Chế lấy mây và gây lấy nắng
Chế lấy, đừng vay mượn đất trời
Để khi nhật nguyệt đều xa vắng
Đầu thềm vẫn có ánh trăng rơi

Em đã hoang đường từ cổ đại
Anh cũng thần tiên tự xuống đời
Đôi ta một lứa đôi tài tử
Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi

Đừng khóc dẫu mưa là nước mắt
Đừng đau dẫu đá cũng đau buồn
Tâm em là Bụt tâm anh Phật
Trên mỗi tâm ngời một nhánh hương

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận