Chuyện tình ngang trái của nữ thi sĩ Lệ Khánh trong “Em là gái trời bắt xấu” và “Vòng tay nào cho em”

Vào những năm thập niên 60, trên thi đàn xuất hiện một nữ sĩ làm xôn xao dư luận trong giới văn nghệ cũng như ở ngoài giới độc giả, đó là Lệ Khánh. Sống ở thành phố sương mù mộng mơ Đà Lạt, thành phố của tình yêu, nhưng tình yêu ngoài đời của Lệ Khánh đã đem lại cho nữ thi sĩ nhiều khổ lụy, ngang trái. Và cũng chính nhờ vào nỗi éo le bi thiết của mối tình “Yêu một người không phải là của mình” này mà Lệ Khánh đã có những bài thơ để lại cho đời:

Tác phẩm đã xuất bản:

  • Em là gái trời bắt xấu (thơ tập 1, 2, 3, 4, 5) – Khai Trí Sài gòn xuất bản: 1964- 1965- 1966.
  • Vòng tay nào cho em (thơ 1966)
  • Nói với người yêu (thơ 1967)

Nhà thơ Đinh Hùng đã từng nhắc đến Lệ Khánh với sự quý mến đặc biệt: “Khi những người tuổi trẻ yêu, đừng bắt họ nhân danh nghệ thuật hay chân lý để làm thơ!”

Nhà thơ Lệ Khánh tên thật là Dương Thị Khánh sinh năm 1944 tại Thừa Thiên Huế. Tựa đề tập thơ Em Là Gái Trời Bắt Xấu đã gây hấp dẫn cho bạn đọc và càng làm cho Lệ Khánh nổi tiếng thêm. Người ta tìm đọc thơ của Lệ Khánh để xem thử tác giả “xấu cỡ nào”. Nhưng thật ra nữ sĩ không xấu, trái lại nhan sắc của bà đã làm bao nhiêu chàng trai thuở ấy ngẩn ngơ, chân bước không đành.

Sau này Lệ Khánh nói về tập thơ Em là gái trời bắt xấu như sau: “Đó là năm tôi mới 18, 19 tuổi, là nữ sinh trung học, chúng tôi rất nhiều mơ mộng. Tình yêu là hái hoa ép vào trang vở, là chiếc khăn tay đan hình hai con chim đang bay; hai trái tim lồng vào nhau, là con đường mòn mộng my, dốc phố quanh co… đi bên nhau mà không dám nắm tay nhau, không dám dành cho nhau một nụ hôn, cho dù hôn trên má, trên tóc… Tình yêu ấy cứ tràn vào thơ của tôi, lúc nào không hay biết.

Thật ra tôi không xấu, không đến nỗi nào. Nhưng chính những tập thơ này đã làm cho cuộc đời tôi lao đao, điên đảo. Có người bảo tôi là kẻ tàn tật. Người khác “phê bình” tôi có dáng đi như thế này, thế kia. Nhưng có người bảo Lệ Khánh điệu đàng lắm. Mặc áo dài không chịu khoác thêm áo lạnh. Đúng, thời đó tôi điệu lắm, “điệu” nổi tiếng luôn đó. Có mấy bài thơ tôi viết, họ bảo tôi nói láo.

Nhưng không phải, tôi nghĩ sao tôi viết vậy. Vì trong tình yêu, mình thường thua thiệt là vậy. Có người bảo: Chuyện tình yêu chỉ làm mấy câu thơ là xong, ngắn gọn, không cần trình bày. Còn tôi thì lê thê đến 5 cuốn mới hết một chuyện tình”.

Nếu như 5 tập thơ mang tên Em là gái trời bắt xấu được nữ thi sĩ Lệ Khánh viết cho mối tình đầu dang dở, thì tập thơ tiếp theo cũng được bà viết cho chính mối tình của mình, một mối tình oan trái và mang lại nhiều thống khổ: Vòng tay nào cho em. Bài thơ chủ đề mang tên Vòng tay nào cho em còn được đông đảo người yêu nhạc biết tới khi được phổ thành ca khúc nổi tiếng, với nội dung nói về những ân tình chất chứa dành cho người con gái mang phận trái ngang, lỡ yêu một người đã có vợ hiền và một đàn con:


Vòng tay anh đã lỡ ôm cả một đàn con
Ôm cả người vợ hiền
Còn vòng tay nào nữa anh dành lại cho em
Như lời anh thường nói khi chúng mình yêu nhau

Anh hãy về đi với vợ hiền
Và đàn con nhỏ còn ngây thơ
Phần em chỉ sống bơ vơ
Tình ta đành lỡ duyên nhau
Thì xin hãy hẹn mai sau…

Nguyên tác bài thơ Vòng Tay Nào Cho Em của Lệ Khánh:

“Lỡ yêu người có vợ con
Thì đừng nói chuyện sắt son mà buồn”
“Vòng tay này ôm vợ
Còn vòng tay nào anh ôm em?”

Mấy ngày đi qua trong hạnh phúc êm đềm
Chừ trả lại để mai về xứ lạnh

Vẫn vòng tay với tình yêu hiu quạnh
Buốt giá nào trong tâm sự nhớ thương
Còn gì đâu ngoài những nụ hôn buồn
(Cho nhau đó, có bao giờ miễn cưỡng?)

Em chợt hiểu nhưng bằng lòng tận hưởng
Ái ân này sao ngắn ngủi yêu đương?
Đây, cho anh nguồn hạnh phúc trong hồn
Đẫm nước mắt nhưng tròn câu chân thật

Vòng tay anh chắc giờ đây quá chật?
Ôm vợ hiền, ôm con dại còn đâu
Vâng, còn đâu người con gái đến sau
Thương, nhớ, tiếc sao ngỡ ngàng biết mấy?

Lê Khánh vốn là một tiểu thư con của phó thị trưởng Đà Lạt, một nhà thơ nổi tiếng, lại là hoa khôi của xứ sở sương mù. Sau mối tình đầu dang dở lúc còn đi học, thời gian sau đó Lệ Khánh lại vướng vào mối tình ngang trái năm 20 tuổi (1964), khi phải lòng với nhạc sĩ đã có gia đình là Thục Vũ, tên thật là Vũ Văn Sâm, là sĩ quan công tác ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung, sinh năm 1932 tại Nam Định.

Nhạc sĩ Thục Vũ

Vốn cùng là nghệ sĩ, họ đã đồng cảm đồng điệu nhau qua lời thơ tiếng nhạc. Mối tình ngang trái nhưng đẹp và thơ mộng của hai người đã dấy lên cơn bão dư luận của một thời. Sau này, Lệ Khánh kể rằng lúc đó bà không hề biết rằng ông Thục Vũ đã có gia đình. Sau này sinh con, bà đặt tên là Vũ Khánh Thục.

Lúc đó, giới yêu nhạc yêu thơ xôn xao, có người thì thương cảm cho cặp nghệ sĩ này, còn có người thì khắt khe lên án không tiếc lời.


Nghe Thanh Tuyền hát Vòng Tay Nào Cho Em

Người vợ của nhạc sĩ Thục Vũ tuy biết nhưng không làm lớn chuyện, ngược lại bà còn đến bệnh viện để thăm nom và chăm sóc trong ngày Lệ Khánh sinh đứa con đầu lòng.

Vượt ra ngoài vòng luân lý và dư luận của xã hội, tình yêu của họ quyện vào nhau như thơ với nhạc, những bài thơ diễm tình của Lệ Khánh được viết lên trong khung cảnh thơ mộng của Đà Lạt:

“Hôm nay trời vào thu
Đà Lạt lắm sương mù
Cây khô buồn trút lá
Gió ven hồ bay xa

Mây thu lờ lững trôi
Lồng lộng gió lưng đồi
Xin anh đừng giận dỗi
Viết thư về thăm em…”

Nhạc sĩ Thục Vũ đã phổ nhạc bài này lấy tên là “Tình Người Hậu Tuyến”. Riêng bài hát Vòng Tay Nào Cho Em, có nhiều người nói rằng cũng do nhạc sĩ Thục Vũ phổ nhạc, nhưng sau này chính bà Lệ Khánh cho biết đó không phải là Thục Vũ, mà là nhạc sĩ khác là Hoàng Lê Vũ đọc được bài thơ in trong sách nên đã phổ nhạc.


Nghe Thanh Tuyền hát Tình Người Hậu Tuyến

Sau năm 1975, nhạc sĩ Thục Vũ – Vũ Văn Sâm đã đi học cải tạo và đã bị bịnh mất năm 1976 tại Sơn La, để lại cho bà vợ chính thức 5 người con, và Lệ Khánh 1 người con.

Đã gian nan với cuộc tình, Lệ Khánh còn gian truân nhiều với cuộc đời sinh kế. Nhà thơ đã từng tảo tần ngược xuôi buôn bán ở Sài Gòn, đã từng đi kinh tế mới, kiếm từng gánh củi về bán lấy tiền nuôi con. Sau này khi con đã lớn khôn, Lệ Khánh quay về Đà Lạt, quay về với nơi một thời đã chứng kiến tình yêu của “Em Là Gái Trời Bắt Xấu”.

Mọi thứ đều bể dâu, còn tình yêu và thơ thì mãi ở lại. Những bài thơ da diết tình sầu của Lệ Khánh nếu có lần tìm đọc lại thì cảm xúc về mối tình yêu ngang trái của người Đà Lạt, đã bất chấp thời gian để đưa chúng ta về lại với những ngày thơ mộng đẹp đẽ tha thiết yêu đương. Nỗi đam mê như mây hồng tuổi trẻ vẫn quấn quýt với núi đồi sương khói, như nắng chan hòa vẫn tô thắm màu môi hoa anh đào của thiếu nữ Đà Lạt.

Dù là trái ngang, nhưng mối tình của Lệ Khánh và Thục Vũ được giới văn nghệ cho là đẹp và nên thơ. Tình yêu nghệ sĩ của họ kết tinh từ những giọt sương mai lóng lánh sau sương mù của trời Đà Lạt để đi vào thi ca và âm nhạc.

“Bao giờ em hết làm thơ
Để mà đừng khóc duyên hờ chị ơi
Mấy lần… bài cuối đây rồi
Mà sao chưa cuối những lời thơ đau”

Và tất nhiên là nét đẹp tuyệt cùng của nghệ thuật cũng kết tinh từ đoạn trường khổ ải của mối tình nghệ sĩ, đã được vận vào tình duyên của nữ sĩ, trước đó đã lấy bút danh là Lệ Khánh, nước mắt nhiều hơn nụ cười.

Bài thơ “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” cũng được Thanh Ngọc & Hồng Lâm phổ nhạc thành bài hát cùng tên và nổi tiếng trước 75 qua tiếng hát danh ca Thanh Thúy.


Nghe Thanh Thúy hát Em Là Gái Trời Bắt Xấu

Bài thơ Em Là Gái Trời Bắt Xấu của Lệ Khánh:

Chiều chúa nhật đợi chờ anh mãi mãi
Sao trễ giờ cho chua xót anh ơi
Hẹn hò chi? Chừ lỡ dở cả rồi
Tình mới chớm đã vội vàng lịm tắt

Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Liệu người ta đáp trả lại hay không
Đến bao giờ dẫm được xác pháo hồng
Áo cưới đỏ cười vui cô dâu mới

Anh hẹn đúng hai giờ anh sẽ tới
Nhưng sao chừ trời đã tối… anh đâu
Mưa hôm nay êm như tiếng mưa ngâu
Anh lỗi hẹn nên chiều buồn rứa đó

Tôi gục mặt khóc thầm bên cửa sổ
Mà cô đơn trời hỡi vẫn cô đơn
Nơi xa xôi, anh có biết tôi buồn
Anh có biết tôi cười mắt ngấn lệ

Anh lỗi hẹn hay là anh đến trễ
Cho chiều nay đường phố lạnh mưa thu
Và đêm nay thành-thị ướt sương mù
Người con gái gục đầu thương mệnh bạc

Chuyện thủy-chung biết lấy gì đổi chác
Khi tôi nghèo, bằng cấp trắng bàn tay
Sao yêu anh cho đau khổ thế này
Thà câm nín như ngày xưa anh nhỉ ?

Vì Thượng-Đế đày tôi làm Thi-Sĩ
Nên tâm tình trào ngọn bút thành thơ
Dâng riêng anh anh nhận lấy, hững hờ
Tôi hổ thẹn bực mình đem đăng báo

Thiên hạ đọc bảo nhau rằng tôi láo
Đẹp như tiên vờ nói xấu vô duyên
Buồn không anh? Một số kiếp truân chuyên
Làm con gái không bạc vàng nhan sắc

Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Người ta sao? Không nói chuyện ân tình
Hẹn hò rồi còn nỡ để một mình
Tôi đứng đợi suốt chiều mưa chúa nhật

Lần sau nhé bận gì anh cứ khất
Xin sẵn sàng đứng đợi vạn mùa đông
Bạn bè đi qua trao vội thiếp hồng
Tôi vẫn mặc để chờ anh trọn kiếp.

Có thể nói rằng tên tập thơ/bài thơ là Em Là Gái Trời Bắt Xấu, đã tạo nên “thương hiệu” cho nữ thi sĩ Lệ Khánh, và cũng đã gợi lên nhiều sự tò mò của độc giả, góp phần giúp 5 tập thơ trở nên nổi tiếng khắp miền Nam. Sau này, chính Lệ Khánh tiết lộ lý do bà chọn câu đó làm đầu đề tập thơ: “Ngày ấy, có một câu vọng cổ mà nghệ sĩ Thanh Nga hay ca: “Em là trời bắt đẹp, vì em đẹp nên phải gian truân”. Nếu đẹp mà gian truân, sao mình không lấy tên tập sách là “Em là gái trời bắt xấu”, cho hết gian truân nhỉ? Vậy là tôi đặt tên tập sách như vầy cho rồi.

Chuyện tình trong 5 tập thơ Em là gái trời bất xấu với hàng trăm bài đều được viết cho mối tình đầu lúc Lệ Khánh còn là nữ sinh trường nữ Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt, chuyện đó được chính bà kể lại trong cuộc trò chuyện mà tác giả Trần Ngọc Trác ghi lại sau đây:

Thật ra bây giờ người ta công khai trên báo, trên mạng nhiều về chuyện tình của tôi rồi. Tôi không muốn nói nữa. Bây giờ mình già rồi, chuyện cũng không còn gì phải giấu giếm. Anh ấy và gia đình đã định cư ở Mỹ. Người chồng của tôi cũng đã vào cõi vĩnh hằng. Tôi nghĩ rằng, đó là một tình yêu đẹp. Anh ấy tên thật là Phạm Hữu Thành, người Hà Nội, sinh viên Trường Sĩ quan Võ bị Đà Lạt, đẹp trai, cao lớn, dễ thương. Ngày đó chúng tôi đi bên nhau, anh ấy không dám ôm tôi; không dám ngoái đầu lại, không dám công khai ra ngồi quán cà phê bên đường. Tình yêu đẹp như vậy đó.

Tôi viết về Phạm Hữu Thành cho đến khi Thành mang lon cấp tá thì dừng lại. Vợ của Thành là Tuyết Lành – bạn thân của tôi. Tôi và Tuyết Lành quen nhau khi còn đi học và thường “chia điểm” cùng nhau. Ví dụ, tháng nay tôi có con điểm 10, Tuyết Lành điểm 7; thì tháng sau tôi làm bài chậm lại để Tuyết Lành có điểm 10, tôi điểm 7.

Tuyết Lành biết tôi quen Thành, làm thơ cho Thành ngay từ đầu, nhưng không ngăn cản, làm cho tình yêu của tôi ngày càng sâu nặng. Mẹ của Tuyết Lành rất thương chúng tôi. Một lần ra Huế về, bà cho 2 đứa tôi, mỗi đứa một chiếc nón bài thơ, khi soi về phía mặt trời, thấy rõ bên trong có dán chữ Tuyết Lành – Lệ Khánh”.
Tình yêu đến nhanh và ra đi cũng vội vã. Vội vã mà nhà thơ Lệ Khánh dành cả tâm huyết, tình yêu để cho ra đời đến 5 tập thơ làm xao xuyến bao người. Hệ lụy bắt đầu từ đây.

Chị tâm sự:

“Em là gái trời bắt xấu” tập 1 được Nhà xuất bản Khai Trí in mấy ngàn cuốn, trong một tuần bán sạch. Tập thơ đầu tay này, tôi được ba tôi cho tiền để in. Các tập thơ sau đều do Nhà xuất bản Khai Trí độc quyền in ấn và phát hành hàng ngàn bản. Có cuốn vừa in xong mới chuyển về đến Đà Lạt, hai ngày sau không còn cuốn nào. Các tập thơ này đã gây bão táp cho tôi. Có người từng tuyên bố: Chàng trai nào mà phước lớn thế, được Lệ Khánh viết liền một lúc 5 tập thơ. Riêng Nhà sách Khai Trí thì được mùa in thơ và phát hành rầm rộ.

Sau này lớn lên, tôi gặp ông chủ Nhà sách Khai Trí, tôi nói: – Ông khinh dễ em. Ông bảo: – Ngày xưa em nhỏ chút xíu, làm sao giao cho em ký được? Nói thì nói vậy thôi, nhưng sách ra hàng ngàn bản tràn khắp miền Nam Việt Nam là vui lắm rồi.

Hồi đó tôi yêu sớm, nên học xong đệ nhị cấp là nghỉ học. Tôi cũng có nhiều người yêu tôi lắm. Đếm không hết. Họ yêu, họ đến nhà. Nhiều cái vui không tưởng tượng được.

Có một ông công chức – nhân viên của ba tôi đem lòng yêu tôi. Ông ấy yêu tôi, nhưng không dám tỏ bày.
Một hôm, ba chở tôi ra chợ, ghé tiệm Shangai ở khu Hòa Bình. Tôi xuống chợ Đà Lạt. Ba ngồi chờ tôi, thì ông nhân viên của ba tôi sà tới hỏi chuyện.

Dạo đó ba tôi mang cấp hàm đại úy. Ông ấy bảo:
– Thưa đại úy, sao đại úy chở được Lệ Khánh đi vậy? Con nhỏ đó phách lối, chảnh chọe lắm!

Ba tôi bảo:
– Ờ kệ nó. Nó phách lối, chảnh chọe thì mặc nó. Nó sai tôi chở thì tôi cứ chở.

Ba tôi “khèo” thêm:
– Tôi còn quen cả má Lệ Khánh nữa đó.

Ông ấy bảo:
– Làm sao đại úy quen được vậy?

Ba tôi chậm rãi trả lời:
– Vì tôi là chồng của má nó. Má nó đẻ ra nó.

Ông ấy quýnh quáng, vội vàng xin lỗi:
– Con xin lỗi bác, bác cho con đến nhà chơi được không ạ?

– Ừ, anh cứ tới, có cả mẹ nó ở nhà. Nó không chảnh đâu, nhưng vì có nhiều bạn “tán tỉnh” quá nên thế thôi”.

Tôi ngắm chị hồi lâu rồi bảo:
– Chắc ngày xưa, chị rất đẹp?

Chị nhìn xa xăm rồi trả lời:
– Không đẹp lắm đâu, nhưng không đến nỗi xấu.

Chị kể thêm:
– Thật ra ngày đó người ta đọc thơ mình, người ta cảm, người ta yêu, chớ thấy mặt mũi mình đâu. Nhiều người ở xa cũng lặn lội lên Đà Lạt thăm mình. Có một chàng trai, cứ cuối tuần mua vé bay lên thăm một lần.

Đó là thời “Em là gái trời bắt xấu”. Đến khi, tập thơ “Vòng tay nào cho em”, Lệ Khánh viết cho người tình, người bạn đời Thục Vũ – Vũ Văn Sâm, thì hệ lụy không thể nào tả hết.

Sau khi chia tay mối tình “xinh như mộng”, năm 1965, Lệ Khánh đi tìm tình yêu mới cho mình. Chị quen anh Vũ Văn Sâm, một nhạc sĩ có nghệ danh Thục Vũ, là sĩ quan công tác ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung của quân đội VNCH. Anh sinh năm Nhâm Thân (1932) tại Nam Định.

Thục Vũ là bạn thân của nhà thơ Duy Năng – cậu ruột của Lệ Khánh. Thông thường thì Lệ Khánh gọi Thục Vũ bằng chú. Lệ Khánh làm thơ, Thục Vũ mê thơ và phổ nhạc từ những bài thơ của Lệ Khánh.

Đến khi Duy Năng biết tin, tìm mọi cách cho hai người ít gần gũi nhau hơn. Nhưng trời đã định, phải chấp nhận thôi.

Nhà báo, nhà thơ Quỳnh Như, thư ký tòa soạn của một tờ báo ngày đó – bạn thân của Lệ Khánh, từng thốt lên: Lệ Khánh nói là 30 năm đoạn trường, không biết nước sông nào mới rửa được. Tôi nghĩ là 60 năm đoạn trường không có nước sông nào rửa sạch. Giờ lao xuống thì đi luôn.

Anh Thục Vũ đã có gia đình từ ngoài Bắc và di cư vào Nam năm 1954, Lệ Khánh không hề hay biết. Khi biết tin, thì chuyện đã xong. Lệ Khánh có một người con với nhạc sĩ Thục Vũ.

Nhà thơ Lệ Khánh kể: “Ngày 13 tháng 8 năm 1968, tôi sinh một cháu trai bụ bẫm. Tuy không nói ra, nhưng gia đình bên anh Thục Vũ đều thừa nhận và làm khai sinh cho cháu, đặt tên cho cháu là Vũ Khánh Thục. Người vợ cả cũng rất tội nghiệp. Những ngày tôi ở cử, chị vẫn đến thăm và chăm lo cho cháu.

Khi tôi sinh cháu, bà Nguyễn Thị Vinh – người tình của nhà văn Nhất Linh, và nghệ sĩ Thúy Nga – vợ anh Hoàng Thi Thơ – đều chăm nom cho tôi và cháu rất nhiệt tình. Tháng 11 năm 1976 nhạc sĩ Thục Vũ mất ở Sơn La trong trại tù cải tạo.

Khi hỏi về tập thơ “Vòng tay nào chọ em”, nhà thơ Lệ Khánh tâm sự: Tôi viết tập thơ này là dành tặng riêng cho anh Thục Vũ. Nhưng khổ nỗi, cuốn thơ trở thành sự kiện gây sốc lúc bấy giờ và mang theo nhiều chuyện buồn. Khi tập thơ được xuất bản, phát hành, sách bán chạy như tôm tươi. Nhiều người đàn ông đều mua cho mình một cuốn gối đầu giường. Nhiều bà vợ điên lên vì nghĩ tôi là bồ của chồng họ, cướp chồng của họ.

Một lần đi làm về vừa đến nhà, tôi bị một bà vợ ông chuẩn tướng gọi điện thoại xài xuể tôi xối xả. Lúc đó, ở nhà cha mẹ tôi cũng có điện thoại bàn. Tôi chẳng hiểu ất giáp gì. Tôi như trên trời rơi xuống. Cả đêm tôi không làm sao ngủ được. Sáng sớm, tôi tìm đến nơi ông chuẩn tướng làm việc, nhưng lính gác không cho vào. Tôi bảo là có “nhà thơ” Lệ Khánh muốn gặp ông. Nghe tên tôi, ông cho lính đưa xe jeep ra đón vào.

Gặp ông, tôi thưa rằng:
– Chuẩn tướng yêu con hồi nào vậy?

Ông ngạc nhiên hỏi:
– Sao cô nói gì kỳ vậy, cô Lệ Khánh?

– Dạ con không biết. Tối hôm qua, bà điện thoại bà la con quá trời.

Ông bình tĩnh, nói:
– Tui lớn vầy, cô thế kia, yêu gì kỳ cục vậy?

Rồi ông chuyển sang thân mật hơn:
– Chú chưa gặp con làm sao mà yêu con được?

Rồi bảo:
– Thôi, đừng gọi chú là chuẩn tướng nữa nghe.

Cứ gọi bằng chú là được rồi. Hóa ra, cuốn thơ “Vòng tay nào cho em” của con, chú hay để dưới gối, khi nào rảnh, chú đọc.

Hú vía. Đó mới là một ông chuẩn tướng, bà nào cũng ghen như thế này chắc tôi giải nghệ sớm thôi.

Rồi ông Hoàng Lê Vũ nào đó, phổ nhạc, “Vòng tay nào cho em, anh hãy về đi với vợ hiền”… mấy bà nghe được cũng nó tam bành… bà nào cũng ghen hết. Tập thơ này tôi chỉ viết tặng riêng cho anh Thục Vũ.


Nghe Thanh Tuyền hát Vòng Tay Nào Cho Em (sáng tác Hoàng Lê Vũ)

Tôi hỏi nhà thơ Lệ Khánh:
– Chị có ân hận khi chọn cho mình làm thơ không?

Chị bảo ngay: Không. Số phận của mình đã định đoạt như vậy rồi. Có lẽ kiếp trước mình vay tình nhiều quá, nên kiếp này phải trả thôi (cười). Tình là vậy đó. Năm 1975 mình gian truân, mua đầu sông, bán cuối chợ vẫn có người yêu mình, thì thua luôn. Thôi chấm dứt. Xin lỗi, thời đó áo quần chưa có để mặc cho đàng hoàng nữa chứ, lấy đâu ra mà yêu.

Tôi hỏi thêm chị về chuyện làm thơ của chị có bị cha mẹ hay người thân trong gia đình ngăn cản không?

Chị cho biết: “Ba mẹ tôi thông cảm về vấn đề làm thơ của tôi lắm. Không thông cảm thì ba tôi đâu có cho tiền in thơ. Hồi xưa tôi rất mê tiếng Việt. Không mê thì làm sao làm thơ. Nhưng tôi vẫn làm thơ được. Tôi cũng giỏi về các niêm luật, các điển tích và học thuộc làu Cung oán ngâm khúc, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều… nhờ thế mà tôi có kiến thức để làm thơ”.

Ngồi nói chuyện với nhà thơ Lệ Khánh một buổi sáng ở Đà Lạt sương mỏng mảnh bay, tôi biết bên ngoài chị gượng vui, nhưng thực ra trong lòng chị đang chất chứa những nỗi buồn của ngày tháng cũ.

Tôi đưa chị về căn nhà ngày xưa của chị ở đường Duy Tân (nay là số 149 đường 3/2, Thành phố Đà Lạt) và biết rằng cả cuộc đời làm thơ, chị dành viết cho tình yêu say đắm của mình, tình yêu ngang trái, chia lìa và đẫm đầy nước mắt. Viết như không viết. Tất cả tuôn trào thành một dòng sông, thành cơn bão lớn xô đấy cuộc đời chị. Một thời những bài thơ của chị làm rung động biết bao người.

Với 5 tập thơ “Em là gái trời bắt xấu”, 148 bài thơ với nhiều thể thơ. Và rồi “Vòng tay nào cho em” càng gây thêm sóng gió và tạo nên “thương hiệu” Lệ Khánh – một cô gái Huế trôi dạt lên Đà Lạt và có một mối tình đặc biệt với một chàng trai đến từ một vùng quê khác. Tình yêu đã đốt cháy trái tim của họ và đưa họ trở về miền ký ức một thời nóng bỏng yêu đương. Tôi cảm thương chị vô cùng khi nhớ về bài thơ “Cũng đành” của chị:

Bao giờ em hết làm thơ
Để mà đừng khóc duyên hờ chị ơi
Mấy lần… bài cuối đây rồi
Mà sao chưa cuối những lời thơ đau

Vẫn từng khuya, vẫn nghẹn ngào
Xót thương nằm đếm từng sao để buồn
Bao giờ cho hết nhớ thương
Để đừng nước mắt trong hồn quanh năm

Em về gặp chị mấy lần
Mấy lần định sẽ phân trần lại thôi
Đời em rứa đó chị ơi
Không bao giờ nhận những lời ấm êm

Gạt lừa dần tới cho em
Thôi thì thơ viết chị xem đủ rồi
Phải chi em đẹp như người
Thơ tâm sự chẳng mang lời xót thương

Chị ơi cay đắng trong hồn
Trọn đời em chị vẫn buồn hay sao?
Bao giờ mới hết thương đau
Để em đừng khóc nhạt màu mắt xanh

Nhiều lần chợt nghĩ: “Cũng đành
Mình vô phước quá nên thành dở dang.

Thời gian trôi đi đã hơn nửa thế kỷ, nhưng tập thơ “Em là gái trời bắt xấu”, “Vòng tay nào cho em?” của chị in năm nào vẫn còn hẳn mãi trong trái tim của những chàng trai những năm 60-70 của thế kỷ trước ở miền Nam. Gặp chị bây giờ – chị không còn trẻ nữa, nhưng trên khuôn mặt chị – một nét riêng của cô gái Huế vẫn còn đọng lại nét thanh tao xứ sở kinh kỳ.


Nói thêm về tiểu sử của nữ thi sĩ Lệ Khánh:

Bà tên thật là Dương Thị Khánh, sinh năm 1944 (Giáp Thân) trong một gia đình 9 chị em; chị là con gái đầu. Ba của chị là ông Dương Mân, sinh năm Kỷ Dậu (1921), quê làng Kim Long, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, làm công chức thời Bảo Đại và chế độ Sài Gòn. Mẹ của bà là Nguyễn Thị Thạch, sinh năm Quý Hợi (1923), người gốc Cam Ranh, Nha Trang, Khánh Hòa.

Năm 1950, sau khi sinh được 4 người con, cha mẹ của Lệ Khánh chuyển cả nhà từ Nha Trang lên định cư ở Đà Lạt. Tại Đà Lạt, cha mẹ của Lệ khánh sinh thêm 5 người con nữa. Cô bé Đặng Thị Khánh vào học ở trường Couvent des Oiseaux (Đức Bà Lâm Viên – nay là Trường Trung học phổ thông Chuyên Thăng Long bây giờ); Trường tư thục Việt Anh, Trường Bùi Thị Xuân – Đà Lạt. Tốt nghiệp đệ nhị cấp chị theo học trường Ecole Nationle d’Administration (Trường Quốc gia hành chánh) và được phân công về làm việc tại Tòa hành chánh tỉnh Tuyên Đức cho đến năm 1968. Sau khi sinh người con Vũ Khánh Thục, bà chuyển về Gia Định vẫn làm công vụ trong Tòa hành chính, cho đến 1975 thì nghỉ việc.

Và bắt đầu từ đây, Lệ Khánhtiếp tục một cuộc đời “ba chìm bảy nồi chín lênh đênh” mà theo bà đó là một kiếp “phong trần”: “Tôi làm bất cứ thứ gì không ngại khó khăn miễn sao kiếm được tiền để nuôi mình, nuôi con. Gặp chi mua đâu bán đó, thượng vàng hạ cám, không chừa gì hết. Ngoại trừ là chưa… móc túi”.

“Tôi tên là Dương Thị Lệ Khánh. Khi còn nhỏ tôi hay đi xem đám ma và theo đoàn người ra đến nghĩa trang. Cả nhà tôi ai cũng đi tìm. Ba tôi đi coi bói, kêu thầy về cúng cho tôi, bắt tôi mang một cái khăn trùm trên đầu. Ông thầy “phán” vì tôi mang chữ Lệ nên vất vả. Vậy là khai sinh của tôi chỉ còn lại là Dương Thị Khánh. Nhưng thư từ, quà tặng, ai gửi đến có tên Lệ Khánh, tôi vẫn nhận được”.

Để hiểu hơn về cuộc đời Lệ Khánh, mời các bạn đọc thêm những dòng này của các thân hữu viết về bà:

Tác giả Nguyễn Mạnh Trinh:

“Qua những tập thơ kế tiếp nhau như những phân đoạn của một khúc trường ca chưa dứt, trước sau, Lệ Khánh vẫn chỉ là một con người duy nhất, với một tâm trạng duy nhất, một giọng nói duy nhất.

Chính đó là điều đáng quý, đối với một người thơ thuộc lứa tuổi trẻ dễ dàng dao động dễ dàng chuyển mình theo cái nhịp sống nhiều biến thái bất ngờ hiện thời. Giữa cái vô thường của cuộc sống và của lòng người, Lệ Khánh đã dám có một lẽ sống thường trực một thái độ không đổi rời. Lẽ sống của riêng mình và thái độ cũng của riêng mình mặc cho dòng đời luân lưu và lòng người chuyển biến.

Nếp sống tình cảm trước sau như một đó và thái độ chuyên nhất kia, có lẽ Lệ Khánh không dụng ý tạo nên nhưng từ trong bản chất người con gái “trời bắt xấu”, không ngờ chính đó lại là cái “duyên thầm” riêng biệt của Lệ Khánh, cái phong phú khác người của kẻ làm thơ mà cũng chính là cái vẻ đẹp riêng của người thiếu nữ tự nhận mình là xấu”.

Tác giả M.H.Hồi Linh Phương kể lại:

“…Những buổi sáng sương mù co ro trong hơi lạnh đi đến lớp, nhìn hoa hồng rực rỡ trong vườn nhà ai, tôi bỗng nhớ Đà Lạt đến thắt lòng, đến một nơi chốn thân quen, như một quê hương êm ấm để tìm về.

Ở đó… có những vạt hoa vàng trên đồi cao, lũng thấp, có những kỷ niệm một thời gắn bó, dấu yêu, và ở đó, còn một điều xé lòng để nhớ, Lệ Khánh, người chị văn nghệ đây bất hạnh của tôi.

Tôi quen Lệ Khánh thật tình cờ. Thuở ấy tôi chưa đến 15 tuổi, mắt tròn xoe với hai bím tóc, còn ngậm ô mai, áo đầm trắng trường soeur, mang sandale như các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, thường đăng thơ hằng ngày trên nhật báo Chính Luận, thì Lệ Khánh đã là một nhà thơ tên tuổi lúc bấy giờ, rất nhiều độc giả muốn làm quen, ái mộ. Chị làm việc ở Tòa hành chánh Đà Lạt, mỗi năm thường về thăm quê ngoại ở Nha Trang. Ở đó, chị có những người bạn văn nghệ học lớp Đệ Nhất C Võ Tánh như Sao Trên Rừng, Sương Biên Thùy, Trăng Thệ Hải và… anh Duy – con nuôi của ba mẹ tôi.

Đến một ngày chị khám phá ra anh Duy, bạn chị, có một cô em làm thơ vớ vẩn là tôi – rất chân tình, chị mừng rỡ, viết cho tôi chung cùng trong lá thư gửi cho anh Duy, khuyến khích tôi hãy làm nhiều thơ hơn nữa, từ nay chị sẽ có thêm tôi, một cô em nhỏ… Và chúng tôi liên lạc thư từ thường xuyên với nhau kế từ ngày đó…

Hầu như lần nào từ Đà Lạt về Sài Gòn chị cũng ghé thăm tôi. Hai chị em lăng quăng đi phố, ăn quà vặt và kể chuyện đất trời. Chị thường mặc áo dài đen ẩn hoa tuyn mỏng. Ở chị có một cái gì hút xa, sâu thẳm. Chị có một thân hình đẹp, nếu không nói là hấp dẫn. Tôi nhận ra chị rất mượt mà, có gì là “Em là gái trời bắt xấu” như chị thường than thở đâu, mặc dù cái mũi bị gãy gập lại. Hay là tại tôi thương chị nên nhìn khuôn mặt chị, tôi không cảm thấy một điều gì bất ổn.

Trong cái đầu ngây ngơ của tôi lúc ấy, chị cái gì cũng hay và giỏi. Kinh nghiệm, từng trải, từ chuyện thơ văn mơ mộng đến cả chuyện đời thường. Những lần vui đó, tiếng cười khua vang một góc phố, còn có Ngô Kim Thu, nhỏ bạn văn nghệ cũng tập tành viết văn, làm thơ con cóc như tôi. Thu cũng mê thơ Lệ Khánh, lên Đà Lạt đi tìm chị, và chúng tôi trở thành ban tam ca Ba Con Chí Mén hăng say sáng tác tưng bừng gởi thơ đăng các báo.

Nhưng có phải, không ai có thể đứng lại hoài bên một dòng sông cũ. Năm tháng đã trôi. Nụ cười đã tắt. Tôi được tin Lệ Khánh về hẳn ở Sài Gòn, thuyên chuyển về làm việc ở Tòa hành chánh tỉnh Gia Định.

Chị liều lĩnh đắm mình trong một mối tình ngang trái. Chuyện một màu alpha đỏ xưa đã là quá khứ và cháu Vũ Khánh Thục ra đời. Chị không có ai là họ hàng thân thuộc ở Sài Gòn. Mỗi ngày tôi vào thăm chị ở Bảo sanh viện Đức Chính, mang cho chị những thứ cần thiết, ru cho cháu Thục ngủ… Chị sống một mình với con trên một căn gác nhỏ lợp tôn thuê ở một con ngõ sâu đường Nguyễn Huệ, Gia Định. Căn gác nóng hầm hập vào mùa hè đó lửa. Chị bươn chải cô đơn trong cảnh đời phồn hoa xa lạ, xót xa nhìn con trẻ khóc, để thơ chị chỉ còn là những tiếng thở dài:

Bây giờ mẹ chỉ có con
Con thơ thơm sữa, mẹ mòn tuổi yêu.

Tôi thương cảm sự nhẫn nhục của chị. Cơn mê đã tàn. Tình yêu đã tắt. Từ một cô con gái tiểu thư, với nhà cao cửa rộng, chị đuổi theo một hạnh phúc mong manh, để bắt đầu một đời bạc phận, long đong…”.


Nói thêm về nhạc sĩ Thục Vũ, ông sinh năm 1932 vùng Non Côi Sông Vị (làng Nam Lạng, Trực Ninh, Bắc Việt). Ông tốt nghiệp khóa 4 phụ Đà Lạt năm 1954, đúng vào năm ký kết hiệp định đình chiến Geneve chia đôi đất nước. Do đó, Thục Vũ kẹt lại ở miền Nam Việt Nam, bỏ lại phía bên kia bờ Bến Hải người vợ chưa cưới. Lúc còn học ở trường Chu Văn An, ông đã sáng tác bản nhạc đầu tiên có tên là “Duyên Em” để tặng người yêu. Đến năm 1955, người vợ chưa cưới này di cư được vào miền Nam và họ chính thức tổ chức lễ cưới vào năm 1956. Nhạc sĩ Thục Vũ có một bài hát nổi tiếng khác nữa là Tình Mùa Chinh Chiến, được Minh Hiếu, Anh Khoa… hát trước năm 1975.


Click để nghe ca khúc Tình Mùa Chinh Chiến – Anh Khoa thu âm trước 1975

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận