Câu chuyện về những tỷ phú Sài Gòn xưa – Kỳ 3: Quách Đàm – người xây dựng chợ Bình Tây (Chợ Lớn mới)

Khi nhắc đến những thương nhân người Hoa giàu có và nổi tiếng ở Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người ta thường nhớ đến câu nói: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”, và cũng có câu khác nữa chỉ nhắc tới những đại phú gia người gốc Hoa ở Chợ Lớn là “Nhất Hoả, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích”. Trong đó, nhân vật “nhì Đàm” ở đây chính là Quách Đàm, thương nhân giàu có gắn liền với vùng Chợ Lớn.

Quách Đàm sinh năm 1863, quê ở làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu (Trung Quốc). Khi mới lưu lạc tới Nam kỳ từ thập niên 1880, ông làm đủ nghề để mưu sinh từ làm bồi, culi, bán hủ tiếu dạo, mua bán ve chai,…

Khi đã tích góp được một số vốn nhỏ, ông dồn tiền mua một chiếc tàu hơi nước nhỏ để đi buôn gạo. Trải qua nhiều thăng trầm trong công việc kinh doanh, ông trở thành một thương nhân giàu có nức tiếng trong vùng. Giống như nhiều thương nhân người Hoa khác, khi đã gầy dựng được một cơ nghiệp vững chắc, làm ăn thuận lợi, Quách Đàm định cư luôn tại vùng Chợ Lớn.

Theo nhiều tài liệu báo chí để lại, không chỉ làm ăn ở Sài Gòn, Quách Đàm còn mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, trong đó có Singapore, Cambodge. Trong giao dịch kinh doanh, Quách Đàm (phiên âm sang tiếng Anh là Kwek Tam) còn sử dụng nhiều tên khác như Quách Xiêm Chi (phiên âm ra tiếng Anh là Kwek Siêu Tee),… và mang nhiều quốc tịch khác nhau để thuận lợi đi lại, làm ăn, cũng như tận dụng tốt nhất các chính sách của các nước dành cho thương nhân ngoại quốc.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá Vương Hồng Sển, sinh thời Quách Đàm rất tin bói toán và phong thuỷ. Tương truyền, khi bắt đầu mở hiệu buôn vào khoảng năm 1906, 1907, Quách Đàm đã đến xin tên bảng hiệu ở một ông thầy Tàu và được cho hai chữ “Thông Hiệp”, cùng với hai câu liễn:

Thông thương sơn hải
Hiệp quán càn khôn

Ban đầu, công ty Thông Hiệp đặt trụ sở ở số 55 quai Gaudot (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông), là một khu shophouse 2 tầng nhìn thẳng ra con lạch Chợ Lớn. Tuy nhiên thầy phong thủy nói rằng nơi tốt nhất để xây trụ sở ở khu vực này nằm ở địa chỉ 55 quai Gaudot, ở vị trí “đầu rồng” vươn ra biển nên việc làm ăn sẽ vô cùng phát đạt. Vị trí “đầu rồng” lúc này là văn phòng của các nhà sản xuất xà phòng Nam Thái, Trường Thanh.

Năm 1910, Quách Đàm cho dời trụ sở về số 45 Gaudot, sau nhiều lần nài nỉ mua lại toà nhà nhưng chủ nhà từ chối bán, ông phải chấp nhận bỏ ra 300 đồng bạc mỗi tháng để thuê toà nhà, một số tiền khá lớn khi đó. Năm 1929, rạch Chợ Lớn bị lấp, bến Gaudot trở thành đường Gaudot, sau đổi tên thành đường Khổng Tử, rồi trở thành đường Hải Thượng Lãn Ông như ngày nay.

Sau này trở nên giàu có hơn, Quách Đàm vẫn tiếp tục sử dụng toà nhà thuê này làm trụ sở chứ không dời đổi đi nơi khác.

Trụ sở công ty Thông Hiệp của thương gia Quách Đàm 100 năm trước, ở số 45 quai Gaudot (nay là số 45 Hải Thượng Lãn Ông)

Ngày nay, khi đi trên con đường này có thể thấy toà nhà cổ màu vàng, trụ sở nhà buôn Thông Hiệp xưa với hai chữ viết tắt thương hiệu T và H nằm ở phía trên.

Trong những năm sau đó, ngoài nhà máy ở Cần Thơ, Quách Đàm đã xây dựng hai nhà máy xay xát gạo lớn tại Chánh Hưng (nay là Quận 8) và Lò Gốm (nay là Quận 6). Ông cũng thành lập công ty vận chuyển Quach Dam et Cie ở Phnom Penh để quản lý bốn tàu hơi nước vận chuyển gạo của mình.

Công việc kinh doanh của Quách Đàm thực sự trở nên thành công rực rỡ là khi ông quyết định mua lại Nhà máy Yi-Cheong vào khoảng năm 1915, là nhà máy gạo lớn nhất và có tăng trưởng cao nhất ở Chợ Lớn. Đến năm 1923, thống kê do Revue de la Pacifique công bố cho thấy cứ sau 24 giờ, lượng thóc được chế biến trong các nhà máy của Quách Đàm lên tới 230 tấn ở Chánh Hưng, 250 tấn ở Lò Gốm và 1.000 tấn ở Yi-Cheong, đưa Quách Đàm trở thành thương gia buôn gạo thành công nhất Nam Kỳ.

Tiền bạc đi kèm với uy tín và quyền lực. Ngay từ năm 1908, Quách Đàm là một trong số ít doanh nhân người Hoa trở thành thành viên của Hội đồng thành phố Chợ Lớn, và trên cương vị này, ông đã nhiều năm làm Phó Thị trưởng thứ 3 của Chợ Lớn, đóng vai trò tích cực trong các công việc quản lý của thành phố. Ông đã xây dựng một dinh thự rộng rãi cho gia đình tại số 114 quai Gaudot, trên bờ bắc của con lạch.

Chính trong giai đoạn này, Quách Đàm trở thành một trong những thương gia làm từ thiện nhiều nhất, ông tích cực ủng hộ tiền và của cho các bệnh viện, trường học và những người nghèo.

Trong phần lớn thập kỷ cuối cùng của cuộc đời, dù sức khỏe yếu và bị liệt một phần, Quách Đàm vẫn tiếp tục đóng một vai trò tích cực trong các công việc kinh doanh và cộng đồng của Chợ Lớn. Ngày nay, ông vẫn được biết đến nhiều nhất với vai trò quan trọng trong việc thành lập Chợ Bình Tây.

Trong giới kinh doanh người Hoa, Quách Đàm nổi tiếng với những chiêu trò kinh doanh dùng đồng tiền của mình để chi phối, khuynh đảo chính quyền. Sự kiện nổi bật nhất là vào ngày 02/05/1927, báo Écho Annamite đã đăng bài phanh phui việc một nhà máy xay xát lúa của Quách Đàm ở Mỹ Tho đã xả khói buị thái quá ra môi trường thông qua một ống khói cao 32m, gây ô nhiệm nặng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt của khoảng 2/3 dân cư thành phố. Không chịu nổi cảnh nhà cửa, đường xá, đồ đạc, quần áo luôn bị phủi một lớp bụi rất dầy và bệnh tật thường xuyên hành hạ, người dân trong vùng đã nhiều lần gửi khiếu nại lên chính quyền địa phương nhưng luôn bị phớt lờ.

Năm 1924, Quách Đàm đã bắt tay với văn phòng cảng Sài Gòn và thống đốc Nam Kỳ Maurice Cognacq, dự định nắm giữ độc quyền cho thuê cảng Sài Gòn và độc quyền chở gạo, ngô cho tổ hợp thương mại Pháp Homberg – Candelier. Tuy nhiên, điều này đã không thể thực hiện, do các đại biểu Việt Nam trong Hội đồng quản hạt, cùng với các thương nhân người Hoa khác đã đồng loạt đứng lên, mở chiến dịch chống lại thương vụ độc quyền này.

Khác với những thương nhân yêu nước khác, luôn chống lại các chính sách độc quyền, bất lợi cho thương nhân người Việt và cả người Hoa của chính quyền đô hộ, Quách Đàm luôn được thống đốc Nam Kỳ Cognacq chống lưng. Năm 1926, ông được thống đốc Nam Kỳ trao huân chương Bắc đẩu bội tinh ở dinh phó sứ.

Ngày 14/05/1927 Quách Đàm qua đời ở tuổi 65. Theo báo chí thời đó, dù phải nằm liệt giường suốt mười năm trước khi mất, Quách Đàm vẫn rất tỉnh táo, thường chỉ đạo công việc kinh doanh từ giường bệnh.

Đám tang của Quách Đàm được tổ chức vô cùng xa hoa, trở thành một sự kiện nổi bật, thu hút sự chú ý của dân chúng và rất nhiều các đầu báo lớn ở Sài Gòn và cả ở nước ngoài. Tin tức về cáo phó, về đám tang, đời tư của Quách Đàm xuất hiện hầu khắp trên các mặt báo nhưng ở những góc nhìn và quan điểm khác nhau. Có thể kể đến một số bài báo đặc biệt dưới đây.

Ngày 18/ 05/ 1927, tờ Écho Annamite (Tiếng Vọng An Nam) đã đăng Cáo Phó cho lễ tang với nội dung như sau:

Cáo phó

Bà Quách Đàm, ông Quách Tiến, ông Quách Chi, ông Quách Hộc;

Đau đớn báo tin về sự mất mát lớn lao của chúng tôi là chồng và cha chúng tôi. Ông Quách Đàm, Thương gia, kỹ nghệ gia, huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng hiệp sĩ, huân chương Sao Đen hạng hiệp sĩ (các nước Phi châu Dahomey tức Benin ngày nay), huân chương hiệp sĩ Hoàng gia Cam Bốt. Được thưởng bởi chính phủ Cộng Hoà Trung Hoa huân chương Chia Ho. Đã từ trần ngày 14 tháng 5 năm 1927, thọ 65 tuổi tại tư gia ở số 114 đại lộ Gaudot, Chợ Lớn.

Nghi lễ đám tang sẽ được tổ chức vào ngày thứ bảy và chủ nhật 21 và 22 tháng 5 năm 1927.

Chúng tôi kính cẩn mời quý ông bà đến giúp đỡ đưa tiễn đoàn đám tang rời Chợ Lớn lúc 8h sáng ngày chủ nhật 28 tháng 5.

Tại Paris (Pháp), tờ Le Journal, xuất bản ngày 18 tháng 7 năm 1927 đã cho đăng bài viết của phóng viên Georges Manue với tựa đề “Le Bouddha de la richesse” mô tả tương đối chi tiết về cuộc đời và đám tang của Quách Đàm bằng quan điểm ủng hộ và đề cao nước Pháp:

“… Lúc thuở ban đầu, ông làm bồi, culi, bán súp hủ tiếu, tiểu thương kiếm lời từng xu đến chủ tiệm sang trọng, một nhà doanh nghiệp khôn khéo và biết bao nghề khác đã mang lại cho ông một tài sản khổng lồ mà chỉ trong vòng vài giờ ông đã mất hết trong trò chơi thương mại mà trước đó đã phục vụ ông rất tốt.

Hôm qua giàu, sáng nay nghèo giống như ngày ông từ Hồng Kông ở trần từ hầm tàu bước xuống chợ Lớn, ông không một mảy may tuyệt vọng hay nao núng.

Nghèo tiền, nhưng giàu kinh nghiệm. Cũng chịu cực, cũng trau chuốt, cũng mềm dẻo từ một tinh thần dày dặn như trước kia, chỉ trong vòng 20 năm ông đã làm lại sự nghiệp và vượt quá đến nỗi đã làm ngạc nhiên nhiều người Âu Khi ông có cả chục triệu tiền piastres nhân lên 12 hay 13 lần để chuyển thành tiền franc.…

Ông làm ra tiền chỉ vì mê trò chơi thương trường. Ông có nhiều ruộng lúa và nhiều nhà máy xay xát. Ông có cả ngàn hecta cao su, trước khi cao su trở thành mối làm ăn, và cả đất trồng trà, cà phê và một đội tàu thương mại đi các cảng Singapore, Hồng Kông.
Ông đứng đầu cả trăm triệu, cơ ngơi thương mại, và điều khiển nhiều chục công việc, xây dựng nhiều khu hoàn toàn nới. Nước Pháp đã tặng ông huy chương Bắc đẩu bội tinh mà ông lấy đó làm hãnh diện.

Trong nhiều ngày thi hài đã được đặt dưới tán lều để tất cả Chợ Lớn – từ điền chủ và nhà thương mại đi bằng 40 con ngựa đến các cu li bụng trần – đến cúng viếng. Ngồi hàng dài, mặc đồ tang trắng là các con ngồi bất động, nhận chia buồn và phúng điếu của bá tánh.

Đám tang không những làm ngạc nhiên đối với người Hoa, với họ không hoành tráng nào là đủ, và người Việt, kém xa hoa hơn, mà ngay cả với người Âu.

Hai ngàn cờ hiệu bằng lụa, hình chữ nhật dài 3m và ngang 2m, màu hồng, xám, xanh da trời, vàng và xanh lá cây được trang hoàng bằng những chữ vàng ca ngợi công đức của người đã mất. Gió làm chúng phồng lên như những cánh buồn con tàu có gân vàng, những người mang chúng – dân Chợ Lớn – già có thể được như vậy và trẻ ngày mai muốn trở thành Quách Đàm, lưng tròn bám vào các cột tre. Để người mất không bị đói ở thế giới kia, cả trăm culi mang trên kiệu những hàng kiến trúc hoa quả đáng phục, các kim tự tháp rau quả, các ma quỷ tạc vào bí rợ hay trái ớt, các con rồng được tạc hình trên các trái cây đẹp mắt, và nón để dành cao vị nhất là mười con heo to lớn, nằm dài trên đệm bằng giấy, bụng chúng mổ ra, mõm chúng nướng đỏ tươi sáng. Những “biểu tượng bề ngoài cho sự giàu có” đi trước xe tang: một xe hơi lộng lẫy tự nhiên làm giống như xe hơi của người đã khuất, xe kéo, xe ngựa buộc vào hai con ngựa kéo nhún nhẩy, và sau cùng một con tàu dài hai thước mang cờ hiệu Pháp – Hoá, một công trình tuyệt vời bằng giấy, bằng dây sắt và lụa mà những người nghèo khó rất tự hào mang trên vai trần của họ.

Trước xe tang là thập tử Bắc đẩu bội tinh cao như người bằng giấy cạc tông do một người cầm trên hai tay.

Xe tang là xe vận tải camion trang trí đầy hoa và quả, ngay trước xe là di ảnh chụp của ông Quách Đàm, trang trọng một cách tự nhiên đầy uy quyền, mỉm cười và trên ngực các huy chương.

Quan tài bình thường nhưng bằng gỗ quý. Đằng sau là 50 xe hơi sang trọng thuộc tinh hoá của Chợ Lớn, theo sau.

Đám tang kéo dài hai tiếng với âm nhạc kỳ lạ. Dân chúng người Hoa ở đầy vỉa hè, các cửa sổ, trên các cành cây, nóc nhà xem đám tang đầy cảm phục nhưng không ngạc nhiên.

Sự đau buồn, không có một dấu hiệu ở những người mà cái chế t không đáng sợ gì khi mà người đó không con buộc các con tưởng nhớ họ.

Người hướng dẫn viên nói với tôi: “Anh thấy đó đây là một bằng chứng mà người Hoa có thể làm được khi họ sống dưới một chính phủ vững vàng, bảo đảm được an ninh cho họ làm ăn”.
[….]

Ngay sau lễ tang, Tờ L’Impartial (quan điểm trung lập), đã đăng một bài phóng sự khá chi tiết về đám tang cầu kỳ và choáng ngợp, của Quách Đàm với những nghi thức đậm đặc văn hoá Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tờ Écho Annamite (Tiếng Vọng An Nam) đã cho đăng lại bài phóng sự này trên bản báo ra ngày 31/05/1927 với mục đích đả kích chính quyền vì chính sách nhập tịch mị dân. Trong lời dẫn giải phía trên bài phóng sự, tờ Tiếng Vọng An Nam vạch rõ việc chính quyền thực dân đã từ chối nhiều người xin nhập quốc tịch Pháp với lý do họ không xứng đáng vì vẫn còn mang đậm văn hoá khác, không thấm nhuần văn hoá Pháp, trong khi Quách Đàm đã có một đám tang hoàn toàn quay lưng với văn hoá Pháp lại dễ dàng được nhập tịch và ưu ái.

Nội dung bài phóng sự như sau:

Đám Tang Quách Đàm

“Chợ Lớn hôm qua đã làm một lễ tang hoành tráng cho ông Quách Đàm. Sau bình minh, đại lộ Gaudot đã đen nghẹt kín người. Nhiều xe hơi di chuyển đến rất khó khăn. Nhiều hàng rào đã được thiết lập liền sau đó bởi một lệnh phục vụ công cộng quan trọng do ông Massei, uỷ viên trung ương, điều hành được trợ giúp bởi ông Costa, phó uỷ, ông Pétra, thuộc sở kỹ thuật của thành phố Chợ Lớn,…

Những sửa soạn cuối cùng

Trên đại lộ, hai nhà tranh to lớn được dựng lên, một gian để chứa các đồ quan trọng mà khi chôn cất một người Hoa giàu luôn phải có, gian kia bên ngoài giăng các vải đen và trắng và bên trong là quan tài cùng rất nhiều băng hiệu vòng hoa (có hơn 1.500) đến từ khắp mọi nơi ở Nam Kỳ và một số từ Bắc Kỳ, Cam Bốt và cả Trung Hoa nữa.
Các toán cu li khuân vác rối rít chung quanh xe tang và đủ loại xe đưa đám. Đằng trước đoàn, chúng tôi để ý một xe mang một ảnh lớn của người đã khuất, bàn thờ tổ tiên và hai xe khác mang đầy loại giấy linh thiêng và các loại biểu tượng khác đủ loại.

Không lâu sau đó, ở chính giữa một đám đông chật kín, quan tài nặng được mang ra ngoài. Một ban nhạc An Nam khởi xướng âm nhạc, các cồng phát ra tiếng đau buồn. Ban quân nhạc bản xứ dưới sự điều khiển của ông Perulli, đứng thẳng hàng trước xe tang. Thi hài người đã khuất được đặt trong quan tài làm bằng chì, quan tài này được bao quanh bởi một quan tài khác rất cao làm bằng gỗ quý, tất cả được phủ bởi nhiều vải. Hai ngọn đèn to lớn ở phía trên cháy chầm chậm. Một toán quân lính, lấy từ Đại đội Chợ Lớn của binh đoàn 1 lính khố đỏ (Tirailleur Annamite), do trung uý Monet chỉ huy, đứng vào vị trí để làm vinh dự, vì người đã khuất là hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh.
Sau đó, trong lúc người quay phim của hãng Indochine Films chăm chú quay, quan tài được mang lên xe tang, hoàn thành hết các thủ tục cuối cùng. Rất nhiều quan khách bắt đầu đi tiến dồn vào.

Rất có phương pháp trật tự, các cờ hiệu đã được đánh số kỹ lưỡng, đi chậm rãi trên đường Lareynière (đường Lương Nhữ Học ngày nay) và đường Marins (đường Trần Hưng Đạo nối dài ngày nay), cũng như vô số vòng hoa, bó hoa và ngay cả các thú vật đẹp đẽ làm bằng hoa.

Tất cả thành viên gia đình trong đoàn tang, chịu tang, đàn ông mặc áo dài trắng, đầu phủ một loại mũ khá lạ rất chắc màu nâu đỏ, hay xanh da trời đậm nếu là họ hàng xa. Tất cả những người công bộc giúp việc cũng trong bộ đồ tang màu xanh lạt, và đàn bà thì màu đen.

Bây giờ đến những biểu tượng cuối cùng: hai xe kéo được trang hoàng rất cẩn trọng, một vài xe ngựa làm rất giống như thật, một tàu kéo sà lúp (chaloupe) hơi nước – thể hiện là người đã khuất là chủ tàu và các xe, rất thành công. Ở chính giữa rất nhiều những vật như vậy là một cái kiệu nhỏ làm bằng lụa vàng và xanh da trời, ngay trước xe tang và dưới kiệu là một cái gối dựa màu đỏ sậm trên đó có gắn 10 huy chương của người đã khuất, với huy chương chữ thập Bắc đẩu bội tinh ở hàng đầu. Kiệu này được cung kính khiêng đến nghĩa trang bởi những người thân nhất của người đã khuất.
Trong lúc đó, nhiều người nói chuyện.

Những người lớn tuổi ở Chợ Lớn cho đến những người trẻ, hay những người khác chưa biết về cuộc đời lao lực tận tâm và những hoạt động phi thường của ông Quách Đàm, từ hơn 40 năm ở Nam Kỳ, bắt đầu từ một tình huống tầm thường khiêm tốn, nhưng nhờ nghị lực chuyên tâm hiếm có, đã thay đổi vận mệnh ông. Ban đầu là tiểu thương sau đó buôn bán gạo, rồi chủ tàu, buổi đầu của chiến tranh thế giới 1914 đã làm phá sản hoàn toàn sản nghiệp rất lớn của ông. Ông không bị sóng đánh chìm mà trở lại thành công còn hơn trước.

Nhưng lúc nào cũng nghĩ đến thuở hàn vi, và mặc dầu do bịnh liệt từ 10 năm, hạn chế trầm trọng hoạt động của ông, ông đã can đảm chịu đựng cho đến phút cuối cùng, vẫn biết giúp đỡ uỷ lạo làm nhẹ bớt sự khốn quẫn trong xã hội, luôn hỗ trợ các bệnh viện, trường học và các hội thợ thuyền, và không bao giờ thờ ơ đến sự đau khổ của người khác cũng như công việc của mình.

Đoàn đám tang

Hiển nhiên chính là để tỏ lòng kính trọng cuối cùng đến tất cả các đặc tính xuất sắc rực rỡ này mà rất nhiều nhân vật Sài Gòn và Chợ Lớn đã hiện diện sáng hôm qua, sau 7h rưỡi chung quanh quan tài.

Chúng tôi nhận thấy những nhân vật, mà ngòi viết không viết hết đầy đủ được: ông Gazano, thị trưởng Chợ Lớn; Ông Gazano, thị trưởng Chợ Lớn; ông Lefèvre, thị trưởng Saigon; ông Merle, tổng thư ký thị sảnh Chợ Lớn ; ông Thomas, giám đốc Hãng rượu Bình Tây (Distilleries de Binh Tay) ; ông Levillain, des Services du Port; những hội viên của Phòng thương mại người Hoa (Chambre de Commerce chinoise); ông Brandela, của nhà Bank Đông Dương (Banque de l’Indochine) ; bà Lasseigne và Soulet, của Banque Franco-Chinoise ; bác sĩ Massias, bác sĩ trưởng bệnh viện Hopital Drouhet, và phu nhân; bác sĩ Pradal ; ông André, trưởng phòng tòa thị sảnh Chợ Lớn: ông Kerjean, thư ký tòa án; ông Dété, quản trị viên công ty Société Commerciale ; ông Mathieu ; ông Béziat ; ông Gonon; ông Cavillon và hầu như tất cả thương kỹ nghệ gia ở Saigon và Chợ Lớn; Dr Ferrey, bác sĩ hải quân; ông Magnien giám đốc đường lộ ; bà hiệu trưởng trường nữ sinh Chợ Lớn (Ecoles de filles de Cholon) ; ông Denome, kỹ sư ; ông Robert, hiệu trưởng trường lycée Franco-Chinois ; đoàn đại biểu báo chí Hoa ngữ ở Nam Kỳ, tất cả các bang trưởng các bang người Hoa và rất nhiều trưởng các khu phố; ông Autret, giám đốc L’U. C. I. A. ; ông Scotto, cu/a công ty Société Commerciale française d’Indochine; đoàn đại biểu nhân viên phòng Thương mại; ông Caffort; ông Poulet, của công ty Courtinat; giám đốc nhà máy cung cấp nước và điện (Usines de la Cie les Eaux et Electricité); ông Génis, công ty Denis Frères; các đại diện Hải quân; Sở Y tế etc. etc.. và rất nhiều các nhân vật khác mà chúng tôi xin lỗi là không nêu tên hết được vì một cột báo không đủ và cũng rất là khó khăn, hôm qua, đi được nhanh khắp nơi để ghi nhận.

Hành trình cuối cùng

Lúc này là 8 giờ.

Ba người con trai của người đã khuất, trong y phục tang trắng, đến đứng sau xe tang, cũng như các con dâu, cháu và những họ hàng, mỗi người được hổ trợ dìu đi bởi hai người giúp việc, ở đây không có những người “khóc mướn” chuyên nghiệp.

Một lệnh ngắn được đưa ra: Sửa soạn nghiêm! Kế đó là tiếng lệnh mạnh mẽ: Gác súng lên! Những nốt nhạc đầu tiên của bài La marche funèbre của Chopin được chơi bởi

Ban quân nhạc bản xứ, và từ từ, đoàn đám tang bắt đầu di chuyển.

Thời tiết lúc đầu thì bất định, lúc này thì lại sáng hơn chút. Một vài tia sáng mặt trời ấm xuất hiện chỉ trong chốc lát.

Trước xe tang, các cờ hiệu nối nhau như tranh vẽ, một dải lụa nhiều màu sắc dài đến gần 2km. Chỉ có màu đỏ, màu của sự vui mừng là không có thôi. Vải lụa bóng sáng khắp nơi, ca tụng những công trạng của Quốc Triệu Chi – tên thật của ông Quách Đàm – với tất cả sự nuối tiếc của những người Hoa ở Đông Dương về sự ra đi của ông.
Không tránh khỏi có vài lúc đi rồi lại phải dừng, đoàn đám tang đi trong lộ trình đã định sẵn: đường rue Lareynière (Lương Nhữ Học), rue des Marins (đường Thủy binh, nay là Trần Hưng Đạo nối dài), avenue Jaccaréo (Tản Đà), quai de Mytho (bến Lê Quang Liêm, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt), quai de Gaudot (nay là Hãi Thượng Lãng Ông), rue de Canton (Triệu Quang Phục). quai de Mytho — trở lại lần nữa — và rue de Paris (Phùng Hưng)..

Kế đó, từ đại lộ Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm ngày nay) và đại lộ Thuận Kiều, đám tang đi chậm rãi đến nghĩa trang Phú Thọ.

Tất cả cờ hiệu lóng lánh, lung linh dưới ngọn gió hay dưới sự ve vuốt của mặt trời, tạo nên một quang cảnh ấn tượng. Chợ Lớn, ngày thường thì rất ồn ào, nhưng lúc này thật yên lặng, dường như bị rơi vào trạng thái sững sờ. Tất cả mọi người muốn xem, nhưng không có tiếng kêu than, hay xô đẩy chen lấn. Ông Quách Đàm ngay cả lúc mất vẫn luôn tạo được sự kính trọng.

Một vài ban nhạc An Nam hay Trung Hoa, xen kẽ trong đoàn rước tang. Sáo, cồng, trống và đờn kéo được thay phiên nhau dạo lên. Trên nhiều cáng khiêng, có các con heo rô ti hay phết bóng, con dê, trái cây, bánh, hai con heo bụng mổ, đồ cúng, giấy bùa ngải linh và những hình tượng khác. Tất cả những thứ này đi rất thứ tự và trong yên lặng dọc theo bến quai de Mytho, rue de Paris (đường Phùng Hưng) giữa sự kính trọng của người dân.

Sau gia đình và những nhân vật như đã kể trên, nhiều đoàn thể quan trọng cũng đi trong đám tang. Đây, trước tiên là học sinh trường tiểu học Nghĩa An, trường Văn hóa thể dục, và nhiều trường nữ, và đại diện của rất nhiều nghiệp đoàn công nhân, mà ông Quách Đàm là ân nhân bảo trợ: nghiệp đoàn Tiên Quan, nghiệp đoàn Won Quan, nghiệp đoàn Lit-Yut, nghiệp đoàn Đức Hòa, nhóm quan trọng có thế lực là nghiệp đoàn Si-Trac (công nhân rơm sợi) và nghiệp đoàn Si-Koc với ban nhạc của họ. Tất cả mọi người mặc đồ trắng biểu hiện tang lễ hay đồ màu xám “quốc gia”, với các huy hiệu và hoa gắn ở lỗ nút áo, đứng chung dưới các băng rôn to lớn hay các cờ hiệu, mà đặc biệt trong đó có một cờ hiệu gây sự chú ý với hàng chữ “kính chào lần cuối từ tất cả nghiệp đoàn ở Chợ Lớn”.

Đúng vậy, cái chế t không tha ai kể cả những người may mắn có tài. Ở Phú Thọ, lúc rất trễ gần đến hết buổi sáng, dưới bầu trời âm u, sau khi chôn cất còn có quan tài thứ ba, đợi lúc bốc xác ông Quách Đàm. Bởi vì trong một năm, sau khi “hết hạn cơn gió lốc”, người Tàu giàu nhất ở Chợ Lớn sẽ lại lên đường đi Hồng Kông, để đến nơi an nghỉ thật sự vĩnh viễn ở đất tổ tiên và cuối cùng, sau một cuộc đời thật trọn vẹn, hưởng sự bình yên tuyệt đỉnh mà đức Phật đã hứa hẹn và đạt được hạnh phúc trong cõi Niết bàn”.

Câu chuyện “công dân Pháp” lại một lần nữa được lật lại trên tờ Écho Annamite (Tiếng Vọng An Nam) số ra ngày 04/06/1927. Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Phan Long đã kể lại câu chuyện giữa hai ông Celestin Miche và ông Jean Boudot.

Khi cùng nhau tham dự đám tang, hai người đàn ông này đã có cuộc tranh luận về các nghi thức văn hoá Trung Hoa liệu có hợp hay không hợp với vị trí công dân Pháp của Quách Đàm.

Bài báo cũng tiết lộ một chi tiết khá đặc biệt trong tang lễ của Quách Đàm là tất cả những người tham dự lễ tang đều được tặng một phong bao tiền. Trong khi ông Boudot không muốn nhận vì thấy không phù hợp thì ông Miche lại nói đó là phong tục của người Hoa, đến lễ tang của người Hoa thì phải theo phong tục của họ.

Sự kiện tang lễ của Quách Đàm lắng xuống chưa bao lâu thì năm 1929, con trai cả của Quách Đàm là Quách Khôi cũng qua đời và được đưa tiễn bằng một lễ tang hoành tráng, xa hoa không kém.

Ngày 14/03/1930, gia đình Quách Đàm cùng nhiều quan chức chính quyền như ông Renault, thị trưởng thành phố Chợ Lớn; ông Eutrope, đại diện thống đốc Nam Kỳ và một số thương nhân, viên chức khác đã có mặt tham dự buổi đặt tượng Quách Đàm ở sân chính giữa chợ Bình Tây.

Tượng Quách Đàm được đúc bằng đồng đen, mặc triều phục Mãn Thanh, đội chiếc nón nhỏ, áo ngắn phủ phía ngoài áo thụng, tóc thắt bím, tay cầm những cuộn giấy và bản đồ. Tượng được đặt trên bệ đá trắng, xung quanh gắn giao long bằng đồng.

Sau năm 1975, tượng Quách Đàm bị tháo gỡ, đưa về lưu giữ trong Bảo Tàng Mỹ Thuật.

Ngày nay, để tưởng nhớ người đã dựng lên ngôi chợ, người dân đã làm một pho tượng bán thân nhỏ, đặt vào chỗ cũ, ngày ngày nhang khói.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận