Câu chuyện về những biệt thự cổ Đà Lạt có phong cách kiến trúc Pháp – Bộ sưu tập 100 tấm ảnh xưa

Kiến trúc Pháp trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhờ sự đa dạng phong phú ở chính quốc sau hàng ngàn năm phát triển, với nhiều thế hệ kiến trúc sư được xem là những bậc thầy về quy hoạch đô thị.

Khi đi chiếm thuộc địa, các KTS Pháp đã mang theo các tinh túy của mình xây cho các Dinh thự, nhà ở theo kiến trúc của Pháp. Người Pháp sang Việt Nam cũng mang theo phong cách kiến trúc của họ, cho tới nay vẫn còn ở khắp các thành phố lớn, trong đó hàng ngàn biệt thự ở Đà Lạt chính là một trong những di sản kiến trúc đó.

Riêng ở Đà Lạt các KTS Hébrard, Pineau, Mondet, Lagisquet là những nhà quy hoạch đô thị đã có, nhắc mãi ý câu: “Ai đi xa cũng muốn mang màu sắc quê hương, nhất là kiến trúc đến chỗ mình mới đến ở”. Đó là sự thực vì kiến trúc các biệt thự, nhà cửa ở Đà Lạt không tránh khỏi hình ảnh của các kiến trúc các miền quê ở Pháp.

Đà Lạt giai đoạn bùng nổ các công trình dân dụng thời 100 năm trước, từ cái nhà nho nhỏ cho đến biệt thự lớn, bất kể cái nào cũng do các KTS vẽ, và cái nào cũng được thiết kế theo nguyện vọng của chủ nhà, để nó giống với kiến trúc ở quê hương bên Pháp, để gia chủ đỡ nhớ nhà và để khỏi quên quê hương.

Hơn 1.300 biệt thự xây cất trước, sau lớn và nhỏ kiến trúc cũng thay đổi nhưng nhiều nhất là loại kiến trúc miền Bắc nước Pháp. Có lẽ cũng có ảnh hưởng của kiến trúc vùng núi nên các biệt thự đầu tiên, các nhà gỗ lợp ngói, lợp tôn đều giữ nguyên kiến trúc cũ. Nếu có thay đổi chỉ là số ít bố cục.

Nhiều nhất và cũng đặc biệt nhất là loại biệt thự có khung sườn bằng gỗ tốt về sau xây tường vào kiểu Colombage. Sàn bằng gỗ 1 lớp hay 2 lớp hay bằng sàn ghép, mặc dù là xây.

Kiến trúc sàn gỗ, trần gỗ gây khung cảnh ấm cúng cho 1 xứ lạnh. Đó là loại kiến trúc miền Bắc nước Pháp từ Thành phố Rouen về phía Lille. Cột chính cột sườn, xà ngang cây chống xéo để giữ cho nhà vững chắc đều bằng gỗ lựa. Sau đó xây gạch vào và ở xa giống như những bức tường có sơn cột giả.

Các biệt thự có gia chủ người Pháp tập trung đông nhất là ở khu xung quanh Viện Pasteur, các đường Glaieul (Nguyễn Viết Xuân), Hoa Hồng (Huỳnh Thúc Kháng), Nguyễn Tri Phương (3-4), đường Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Quang Trung, khu Chi Lăng. Bên phía khu Việt Nam có các đường Duy Tân, Hải Thượng, Trần Bình Trọng, Hàm Nghi (Nguyễn Văn Trỗi). Tiêu biểu có các nhà ở chung quanh Viện Pasteur, khu biệt thự bên tay phải đường Trần Hưng Đạo, khu biệt thự đường Huỳnh Thúc Kháng.

Ngày trước lúc ciment (xi măng) chưa đưa lên được, nhà xây gạch toàn bằng vôi tôi trộn chất nhớt lấy từ lá giã ra. Thế mà vữa vẫn chắc cứng. Các tường gạch xây ốp vào sườn gỗ vẫn không rớm nứt. Lúc làm, họ chọn gỗ tốt kể cả gỗ thông, có nhà làm đá 7, 8 mươi năm gỗ vẫn còn tốt.

Ở Đà Lạt không bị mối mọt nhiều nên chỉ gặp trường hợp gỗ mục, nhưng khi gỗ mục thì chỉ có thay mà mảng tường cũng không nứt đổ. Các biệt thự đầu tiên có loại 2 mái cân xứng, có loại mái dài mái ngắn có một phòng khách, 1 tầng lợp 2 mái nhô ra trước. Cầu thang lên gác ở các biệt thự sang trọng thì ở trong nhà (cầu thang gỗ hay xây có tay vịn gỗ) ít khi làm bông sắt. Điều dễ hiểu vì vào các năm 1920-1940, ở Đà Lạt chỉ có gỗ là nhiều còn sắt phải đưa từ Sài Gòn lên và phải nhập từ Pháp về.

Các console (tam giác chống mái) của các nhà xây thường đúc theo kiểu tam giác cạnh lớn uốn cong có cây chống lên góc còn các nhà kiến trúc Bắc Pháp (Rouennais) thì console bằng gỗ đục mộng chắc chắn. Những nhà làm bằng gỗ thông đã trên 80 năm chưa hề hấn vì khi làm toàn chọn loại thông già và dầu. Về trang trí nội thất thì các đèn treo (lustre) rất xưa ít nhà có loại quí như ở Pháp. Các đèn tường (applique murale) thường đúc (nhà sang) hay gỗ (nhà thường). Các lò sưởi thường bố trí ở phòng khách, phòng ăn hay phòng ngủ chính. Trong phòng vệ sinh toàn thể bàn ngồi (siège) bàn tiểu (bidet) bồn rửa (lavabo) đều nhập từ Pháp. Còn bồn tấm thì bằng gang đúc.

Sau đây là 1 số biệt thự đặc biệt ở Đà Lạt:

Biệt thự số 14, 18, 20 ở đường Trần Hưng Đạo xây theo kiến trúc Bắc Pháp sườn gỗ tường trám gạch, các nhà này có các kiểu khác nhau về tiền diện và bố trí mặt bằng.

Biệt thự số 16 là nhà của một KTS Pháp Jean Veysserse xây theo kiến trúc hiện đại xinh xắn, nhưng nhìn cột lò sưởi có thể biết là nhà thuộc kiến trúc mới vì không xây thẳng, vuông vức mà xây tô cong 1 phía và có cẩn đá chẻ (moellon taillé).

Nhà số 22 là một biệt thự lớn trước là tư hữu của 1 Thống sứ Nam kỳ. Nhà có vẻ đồ sộ chỉ 1 tầng trệt có garage, nhà bồi, các phòng phục vụ và tầng lầu có bậc thang lên phía trước (2 bên) trên có giàn hoa (pergola) và 1 cầu thang đi ở trong từ tầng trệt lên. Tầng lầu có trần khá cao, có treo đèn chùm (lustre) nay đã mất. Các phòng bố trí ở 2 bên phòng khách rộng, nhưng phòng vệ sinh không có ở trong phòng mà cứ 2 phòng dùng chung một phòng vệ sinh ở cuối hành lang. nhà này xây gạch kiên cố, kiến trúc có vẻ nặng nề. Ở đường Trần Hưng Đạo và Hùng Vương trước là Lê Thái Tổ, các biệt thự mỗi nhà một kiểu, nhưng kiến trúc thì khá xinh và bố cục hợp lý.

Biệt thự Marionet của Công ty Shell trước kia: Biệt thự này xây hết sức kiên cố ở gần cuối đường Lê Thái Tổ do Công ty Shell xây. Biệt thự có kiến trúc hình khối có thẩm mỹ như những biệt thự vùng phía Nam nước Pháp từ Grenoble xuống marseille. Cách bố trí tiền đình rất xinh, mỹ thuật và có vẻ đẹp riêng. Bố cục bên trong chia phòng rộng, sàn gỗ nên các phòng trên lầu đi vào rất ấm cúng.

Với các biệt thự của Pháp thì nhà bếp, bồi, garage ở một nhà riêng (dépendence). Bếp của gia đình thì ở ngay trong nhà luôn với phòng ăn. Biệt thự này cũng có nhiều lò sưởi. Các biệt thự ở Đà Lạt cứ đếm lò sưởi là biết bố cục sang trọng ở bên trong.

Biệt thự đường Quang Trung (nay là trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh): Đây là một biệt thự mà tiền diện có vẻ cầu kỳ. Tuy nhiên cũng thuộc loại kiến trúc miền Nam nước Pháp. Mặt tiền xây uốn nên phòng khách có hình cung. Lối vào lên một bậc thêm bằng bên tay trái. Mái lợp ngói nhưng gần sát mái lại có 1 đường viền bằng ngói cuốn, trông có vẻ cổ kính. Nhà phía sau có tầng lầu.

Biệt thự đường Cô Giang – Nay là cư xá cho Viện Hạt nhân: Biệt thự này xây theo lối xứ Basques ở đông nam nước Pháp sát Tây Ban Nha ở đầu dãy núi Pýrénées. Đặc điểm của nhà là mái dốc. Mới vào trong có vẻ như một góc của lâu đài (chateau). Vì biệt thự này nhỏ nên bố cục bên trong không lớn và không cầu kỳ.

Biệt thự của bác sĩ Lemoine: Sau là bệnh viên tư của bác sĩ Sohier nay là nhà nghỉ của Công đoàn. Nhà này làm vào 1935 cùng lúc với nhà ga Đà Lạt. Bác sĩ Lamoine vào thời kỳ này là rể của Công sứ Cunhac. Khi ông làm biệt thự này chỉ để ở. Chính vị trí này là vị trí mà trong đồ án Lagisquet đã chọn để làm khu nhà cho Phủ Toàn quyền làm việc (cité du Gouveruear général). Biệt thự làm trên đỉnh đồi trông ra hồ núp trong 1 rừng thông dày đẹp và thơ mộng.

Nhà thầu Ưng Thận lãnh xây cất. Năm 1935, biệt thự này đã xây kiên cố bằng ciment cũng là một chuyện khó, vì sự chuyên chở ciment lên Đà Lạt rất nhỏ giọt. Biệt thự có 1 lầu. Phòng khách rộng cầu thang xây sát tường. Đứng ngoài nhìn cả bốn mặt đều trông thấy tuyệt đẹp. Khi bác sĩ Sohier mua lại làm Bệnh viện đã sửa sang lại. Cho đến nay nhà cửa vẫn còn chắc chắn. Bố trí nội thất hiện nay đã thay đổi nhiều.

Khu biệt thự của Sở Hỏa xa cũ: Nay là nhà nghỉ của đường sắt. Khu này có đến 10 biệt thự nằm vây quanh trên một ngon đôi sất đường Quang Trung và cũng sát ga Đà Lạt. 10 biệt thự kiến trúc hoàn toàn khác nhau. Ngày trước Sở Hỏa xa làm cho gia đình nhân viên ở nên các nhà đều nhỏ nhưng 2 tầng. Đứng ngoài nhìn từ phía trường Trung học Yersin thì khu biệt thự này nổi bật phía sau là rừng thông chạy dọc đường Quang Trung.

Khu biệt thự Bellevue: Khu Bellevue này sau gọi là khu Lam Sơn ở cuối đường Trần Bình Trọng, gồm hơn 14 biệt thự xây 2 bên đường Lê Lai từ năm 1938. Sau khi ông Jean Ơ’ neil qua đời, bà Ơ’ neil nhờ KTS Veyssere vẽ và xây các biệt thự này để báo cho các gia đình Pháp từ Sài Gòn lên. Các biệt thự này trước là của gia đình người Pháp giàu có, nên kiến trúc mỗi ngôi mỗi khác. Khu này do nhà thầu Grosse lãnh làm và ông Viên cò làm cai,…

Biệt thự đầu tiên bên tay trái là Villa Alheimar xây năm 1929, theo kiến trúc mới cao 3 tầng (1 trệt, 2 lầu). Các biệt thự nối tiếp, mỗi cái đều nằm trong một diện tích rộng, tất cả nằm trong một khu rừng thông, sở dĩ gọi là cư xá Bellevue là vì từ các villa nhìn xuống thung lũng David (có cư xá David độ 25 cái biệt thự vườn) và nhìn về phía sân bay Cam Ly, cảnh trí khá đẹp mắt và hữu tình. Trong số cả các biệt thự trong khu này nói về kiến trúc khó phân biệt. KTS. Veyssere vẽ theo ý chủ nhân. Trong nội thất sự phân bố về phòng ốc cũng đều khác nhau, nhưng tựu trung lại biệt thự nào cũng đầy đủ tiện nghi: điện, nước, vệ sinh, đường sá khá hoàn chỉnh.

Biệt thự nhà máy đèn: Vào năm 1928, sau khi làm nhà máy đèn lớn xong thì cũng xây luôn biệt thự của giám đốc nhà đèn. Biệt thự này xây theo kiến trúc vùng Bắc Pháp có tường xây trong bộ khung cửa gỗ (kiểu Colombage Rouen) và hiện nay vẫn còn đẹp, chắc chắn. Đặc biệt là các villa này chỉ có cửa kính (ô nhỏ) trét mát tít (mastic) nên kính vẫn không vỡ dù có chọi đá. Các biệt thự này cột gỗ chống thường được sơn màu xanh và màu nâu trong lúc tường gạch sơn vôi vàng, hồng, trắng nên đứng xa nhìn các biệt thự nổi bật hẳn lên.

Đối với các biệt thự Việt Nam thì cũng xây như của Pháp vì do các nhà thầu lấy đồ án của Pháp xây với một ít sửa đổi nhưng cách bố trí bên trong không rộng và nhất là các tiện nghi vệ sinh không sang trọng như biệt thự của người Pháp.

Một câu hỏi thú vị mà nhiều người quan tâm, đó là các biệt thự Đà Lạt được xây dựng ra sao? Trong hồ sơ giấy tờ của Paul Veysseyre, một trong những kiến trúc sư chính làm việc ở Đà Lạt vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940 (là nhà thiết kế của nhiều công trình tôn giáo và hơn 50 biệt thự ở Đà Lạt, trong đó có 2 dinh Bảo Đại), người ta tìm thấy những quyển sách nhỏ, hình cắt từ báo chí, những mẩu quảng cáo từ những tạp chí kiến trúc thời đó. Chắc chắn là ông kiến trúc sư này đã đưa chúng cho khách hàng xem để lựa ra một mẫu nhà ưng ý nhất trong số những thiết kế mới nhất, bao gồm những phong cách vùng miền, và những biệt thự mùa hè ở Côte d’Azur.

Tác giả: Lê Phỉ

Sau đây là những hình ảnh chụp biệt thự cổ Đà Lạt, hình chụp từ thập niên 1950, và những năm đầu thập niên 1960:

                                        

Sau đây là hình ảnh biệt thự cổ chụp khoảng thập niên 2000-2010:

chuyenxua.net biên soạn

2 bình luận về “Câu chuyện về những biệt thự cổ Đà Lạt có phong cách kiến trúc Pháp – Bộ sưu tập 100 tấm ảnh xưa”

Viết một bình luận