Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan là cái mỹ hiệu do vua Minh Mạng (1820-1840) ban cho Đèo Hải Vân, ngọn đèo cao 496m, hiểm trở nhất Việt Nam, làm ranh giới thiên nhiên giữa Thừa Thiên-Huế với Đà Nẵng…
Mùa Hè năm 1956 tôi được đi qua đèo Hải Vân lần đầu tiên trong đời, trong một chuyến đi chơi Đà Nẵng bằng xe đò An Lợi.
Phải nói là đầy “ấn tượng”, đầy xúc động trước cảnh tượng bao la hùng vỹ của trời cao thăm thẳm, biển cả bao la, rừng núi chập chùng…, tuy rằng lúc đó “Hải” (biển) thì thấy rõ ràng mà “Vân” (mây) thì không, chỉ thấy trời xanh thăm thẳm và nắng chói không gian. Mình là người địa phương mà còn rứa, nói chi tới người phương xa.
Còn nhớ lần đó, mùa Đông năm 1961, trong một chuyến du hành tập thể đi thăm Ngũ Hành Sơn khởi hành từ Huế, mấy ông bạn người Lục tỉnh, xứ sở của ruộng đồng cò bay thẳng cánh chó chạy cong đuôi, đã làm cho ông tài xế xe bus giật mình, tưởng có việc gì xảy ra. Chả là khi xe bắt đầu lên đèo Hải Vân, lần đầu tiên được thấy cảnh núi non và biển cả hòa điệu trong một khung cảnh bao la kỳ vĩ với khói sóng mịt mù ở dưới xa kia, các vị ấy đã khoái chí quá, không nén được nên la ré om xòm.
Ngày nay, trên bước đường xuôi ngược Bắc Nam, khi lên đến đỉnh đèo Hải Vân, nếu có du khách nào tò mò dừng lại để ngắm nhìn cảnh quang chung quanh trong giây lát, có thể họ sẽ bắt gặp một cái cổng thành xưa, đứng chênh vênh trên sườn núi, ngoảnh mặt về phương Nam, nhìn về thành phố và vịnh Đà Nẵng.
Trên cổng còn có tấm bảng bằng đá khắc ba chữ HẢI VÂN QUAN, chữ lớn và còn rất rõ nét, có thể thấy được bằng mắt thường. Nếu được nhìn kỹ hơn và gần hơn sẽ thấy bên góc trái của ba chữ này còn có một hàng chữ viết theo hàng dọc:” Minh Mạng thất niên cát nhật tạo” (làm ra vào ngày tốt, năm Minh Mạng thứ bảy) (1826).
Vậy thì mấy chữ “THIIÊN HẠ ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN” ở đâu? Ở trên tấm bảng đá khắc gắn vào cổng thành phía Bắc, xây mặt về Huế.
Kể từ khi các Chúa Nguyễn làm chủ Đàng Trong, đèo Hải Vân đã được coi là vị trí hiểm yếu về mặt quân sự nhưng chưa có công trình kiến trúc nào đáng kể là quan trọng và qui mô được thực hiện như dưới đời Minh Mạng, vào năm 1826. Trong một nghiên cứu về đèo Hải Vân hồi đầu thế kỷ 20, H.Cosserat đã đưa ra một bản đồ khá chi tiết về vị trí này, giúp cho ta thấy được ý đồ của người xưa trong công tác xây dựng hệ thống kiểm soát và phòng thủ.
Theo đó, ai muốn vượt qua ải Hải Vân cũng đều phải qua hai lần cửa, một cửa xây về phía Nam với bảng đá đề Hải Vân Quan và một cửa xây về phía Bắc với bảng đá đề Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan. Hai cửa này đều xây bằng gạch vồ theo lối vòm cuốn, kiểu như mấy cửa của kinh thành Huế, chỉ có khác là không có vọng lâu, trái lại bên trên cửa là một sân thượng, có lẽ để tiện đứng quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống. Theo Đại Nam Thực Lục đệ nhị kỷ, cửa phía Nam (ngó về Đà Nẵng) là cửa trước (cửa chính) cao 15 thước (khoảng 6m), dài 15 thước (6m), rộng 17 thước 1 tấc phủ bì (6.84m). Còn cửa Bắc (ngó về Huế) là cửa sau, cao 15 thước (6m), dài 11 thước (4.4m) và rộng 18,1 thước phủ bì (7.2m).
Không có lời giải thích tại sao kiến trúc hai cửa giống nhau nhưng kích thước về chiều dài và chiều rộng thì lại khác. Hai cửa nằm vuông góc với nhau, nghĩa là khách qua ải sau khi vào cửa này phải đi vòng theo một hành lang rộng hình chữ L nằm giữa hai bờ thành xây cao và dày, rồi mới đến đựợc cửa bên kia. Làm như vậy để tiện việc theo dõi và kiểm soát chăng? Cũng như cửa của kinh thành Huế ngày xưa, cửa nào cũng có hai cánh cửa to lớn nặng nề làm bằng gỗ lim, đóng mở theo giờ giấc thức ngủ của mặt trời. Vuông góc giữa hai cửa là khuôn viên của bộ phận đồn trú.
Về phía Huế, có lẽ cửa sau được xem là “trong nhà” nên sự phòng thủ không kỹ như cửa phía trước ở phía Nam, nơi địch phải xâm nhập để tiến về kinh đô. Đứng trên cổng trước của Hải Vân Quan không những có thể thấy rõ những ai đang tiến lên đèo mà còn có thể nhìn suốt đến Vịnh Đà Nẵng.
Một bậc cấp xây bằng đá dẫn con đường Cái quan lên cao để tiến vào cửa. Hai bên cửa ải là hai bức tường xây bằng đá tạo thành một góc 155 độ, với mặt thành rộng để dễ đi lại và trên mỗi thành có ba ụ súng đại bác. Khi H.Cosserat đến nghiên cứu nơi này vào năm 1915 còn thấy sót lại ba khẩu bằng gang, đúc dưới thời Minh Mạng, vất lăn lóc bên ngoài thành, còn ba khẩu bằng đồng thì không biết ở đâu, có lẽ triều đình thu hồi rồi chăng, vì đồng quí hơn gang.
Đặc biệt cái thành bên cánh trái kéo dài hơn cánh phải, xuống đến chỗ thấp nhất rồi lại leo lên ngọn núi kế bên một đoạn để chận đứng hẳn con đường hẽm người ta có thể lẻn qua. Khi người Pháp mở con đường Cái quan mới (họ gọi là đường Thuộc địa số 1, tiền thân của Quốc lộ 1 về sau) thì một đoạn thành của cánh trái đã được phá đi để cho con đường mới đi qua, tạo thành đỉnh đèo Hải Vân ngày nay. Nói một cách khác, quốc lộ mới hoàn toàn nằm ngoài phạm vi Hải Vân Quan cũ.
Khi nhìn cái cổng Hải Vân Quan chênh vênh trên sườn núi tôi chợt liên tưởng đến những cửa ải trong truyện Tàu, như Nhạn Môn Quan chẳng hạn. Truyện thường nói rằng trên thành người ta chất đầy gỗ đá để sẵn sàng lăn xuống khi bị Rợ Hồ tấn công biển người từ dưới lên. Không biết ngoài sáu khẩu thần công được triều đình cấp phát đó, bộ phận đồn trú có sẵn sàng gỗ đá trên mặt thành như truyện Tàu chăng? Trong ký sự của những người Pháp đã đi qua đèo Hải Vân trong thế kỷ 19 không thấy nói tới…
Chuyện đời xưa
Năm 1876, Dutreuil de Rhins đi từ Đà Nẵng ra Huế bằng đường bộ, ghi nhận rằng cửa ải này do năm mươi lính phòng thủ dưới sự chỉ huy của một viên quan võ cấp nhỏ. Khi đó thì người Pháp đã đặt nền đô hộ ở Nam Kỳ hơn 10 năm và đang đẩy cuộc xâm lăng về phía Bắc, thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất vào năm 1873. Tháng 11 năm 1885, C. Paris có việc đi qua Hải Vân và thấy nơi này chỉ còn có năm người lính và một đội trưởng trông coi. Lúc đó thì Việt Nam đã ký Hiệp ước Patenôtre 1884 chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, và có lẽ vì thế mà sự phòng thủ không còn cần thiết nữa. Căn cứ vào những tài liệu của người Pháp, H. Cosserat ước tính rằng đèo Hải Vân hoàn toàn bị bỏ ngỏ từ năm 1886.
Theo C.Paris. ông thấy đội trưởng có một sổ nhật ký để ghi lại những việc quan trọng xảy ra trong ngày, đặc biệt là những khách quá cảnh quan trọng. Tuy Đại Nam Thực Lục ghi cấp số súng đại bác của Hải Vân chỉ có 5 khẩu nhưng khi qua đó Paris lại thấy có đến 6 khẩu, và điều này Cosserat cho là hợp lý vì hai bên thành có đến 6 ụ súng. Phải chăng trước thì chỉ có 5 nhưng sau vì Pháp xâm lăng Đà Nẵng đời Tự Đức (1858) nên được tăng cường thành 6 chăng?
Người qua cửa ải phải đóng lệ phí. Giàu thì trả từ 8 đến 10 xu, nghèo thì 1-2 xu. Còn người buôn bán thì có thể trả bằng hàng hóa mang theo, chẳng hạn người bán dầu thì rót đầy dầu cho mấy cây đèn, còn người bán rượu thì đóng bằng rượu để mấy “bợm nhậu” giải khuây. Paris ghi nhận như thế và bình luận rằng điều đó cũng phải thôi, không tiền thì đóng sản phẩm. Có điều không rõ lệ phí ấy là do triều đình qui định hay chỉ là luật riêng của thầy đội (?).
Không biết do niềm cao hứng hay sự tò mò thúc đẩy mà mùa hè năm 1896, vua Thành Thái (1889-1907) và Toàn quyền Rousseau trong một dịp đi từ Huế vô Đà Nẵng đã rủ nhau leo đèo Hải Vân, thay vì dùng tàu thủy đi cho khỏe và nhanh hơn. Phái đoàn rất hùng hậu, gồm có nhà vua, Toàn quyền Rousseau, Khâm sứ Trung kỳ Brière, tướng Lyautey cùng nhiều quan chức Pháp Việt khác nữa và các bà đầm vợ mấy ông lớn. Họ dùng thông báo hạm l’ Alouette đi từ Thuận An đến Lăng Cô, ở lại đấy một đêm và sáng hôm sau, nhằm ngày 30 tháng 8 năm 1896, xa giá của vua khởi sự leo đèo từ 6 giờ sáng, có lẽ đi sớm cho mát. Tướng Lyautey đã ghi lại cuộc hành trình này khá chi tiết trong một ký sự và được H. Cosserat trích dẫn lại.
Xa giá của vua rất rầm rộ, có quân lính tiền hô hậu ủng, quan hầu chầu chực, có nhã nhạc tiễn đưa, có nghi trượng đầy đủ với nào cờ nào quạt, tàn, lọng, võng lụa cán ngà, không thiếu thứ gì. Lyautey đếm có đến 400 lá cờ! Vua mặc áo màu tím, quần trắng, cưỡi một con ngựa nhỏ màu đen để leo đèo. Bên phía Pháp thì Toàn quyền và các bà lên ghế ngồi để lính gánh đi, còn các quan chức khác thì đi ngựa. Hai giờ sau thì cả đoàn lên tới đỉnh và ăn sáng ở đó. Phái đoàn đã lên sân thượng của cổng Hải Vân Quan để ngắm toàn cảnh của Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan. Lyautaey không tiếc lời ca ngợi cảnh trí kỳ vỹ của nơi này và đọc thấy niềm hãnh diện giang sơn gấm vóc trên khuôn mặt của vị vua trẻ.
Ai cũng biết vua Thành Thái là một ông vua yêu nước và chống Pháp, hậu quả là bị truất phế và lưu đày năm 1907, nhường ngôi cho con là vua Duy Tân. Biết đâu trong giây phút lặng ngắm giang sơn cẩm tú đó, lòng ái quốc quật khởi đã nảy mầm trong trái tim của ông vua trẻ.
Khi ban cho đèo Hải Vân cái mỹ hiệu Thiên hạ đệ nhất hùng quan, hẳn là vua Minh Mạng lấy làm đắc ý lắm cho nên ta không lấy làm lạ khi thấy vua cho khắc tên và cảnh trí của nơi này vào trong Cửu đỉnh.
Trong 9 cái đỉnh đồng vĩ đại mà vua Minh Mạng đã cho đúc và dựng trước Thế Miếu, nếu bạn tò mò tìm đến đỉnh số 8, có tên là Dụ đỉnh sẽ thấy phù điêu Hải Vân Quan rất mỹ thuật nằm trên đó cùng với những danh thắng khác của đất nước.
Chuyện đời nay
Khi hải quân Mỹ hoàn tất việc mở rộng đèo Hải Vân (khoảng 1967,1968), có nhiều người vui nhưng cũng lắm người buồn. Tôi thì mỗi lần qua đèo lại thấy lưu luyến một cái gì đó…
Xưa kia, khi “ông Tây qua giăng dây thép, họa địa đồ nước Nam” thì Con đường cái quan bằng đất trải đá được mở rộng, tráng nhựa, làm cầu, trở thành đường Thuộc địa số 1, về sau là Quốc lộ 1. Người Pháp hồi đó có cái lối làm đường và làm cầu hoàn toàn khác kiểu Mỹ. Đường đã hẹp (xe cộ có bao nhiêu chiếc mà mở cho rộng thêm tốn tiền!), hai chiếc xe nhà binh GMC 10 bánh tránh nhau thấy đã khó, ấy vậy mà bề ngang cái cầu lại còn hẹp hơn, chỉ vừa lọt một chiếc xe, bắt buộc xe qua cầu phải đi chậm lại, và nếu có hai xe ngược chiều sắp qua cầu thì phải có một chiếc nhường chiếc kia. Với tình trạng đường sá như thế, với mật độ lưu thông ngày một cao, với ngọn đèo Hải Vân nổi tiếng nguy hiểm nhất nước thì tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên đèo là chuyện thường xảy ra. Bạn thử tưởng tượng chiếc xe bạn đi đang đổ đèo ngon trớn, vừa ló đầu ra một khúc quanh rất ngặt thì gặp ngay một chiếc xe khác đang lên đèo mà chỗ tránh thì hẹp, một bên vực sâu và một bên là vách núi!.
Để giữ an toàn, chính quyền tổ chức ba trạm kiểm soát: một ở Lăng Cô (Thừa Thiên), một ở Liên Chiểu (Quảng Nam) và một ở trên đỉnh đèo. Ba trạm này liên lạc với nhau để quyết định việc lên xuống đèo theo hai chiều Bắc Nam. Nguyên tắc là hai đoàn xe từ hai hướng cùng lên đèo một lần và cùng xuống đèo một lần. Như vậy thì trên đoạn đường đèo hiểm trở dài hơn 20 cây số luôn luôn chỉ có một chiều xe chạy, hoặc cùng lên, hoặc cùng xuống, khỏi lo tránh xe ngược chiều.
Với quy định lưu thông đặc biệt này, đoàn xe từ Huế vào Đà Nẵng, nếu không gặp chuyến thì bắt buộc phải dừng ở Lăng Cô chờ lệnh lên đèo, và đoàn xe từ Đà Nẵng ra Huế cũng phải làm đuôi ở Liên Chiểu. Trên đỉnh đèo cũng thế, xe hai phía khi lên đến đó đều phải dừng lại, chờ đến khi sạch đường sẽ cùng xuống một lần. Biện pháp này làm cho việc lưu thông chậm lại vì người ta phải hai lần chờ đợi, một ở chân đèo và một ở đỉnh đèo, nhưng bảo đảm an toàn. Ai có việc cần đi gấp mà lâm vào cảnh này thì ngồi đứng không yên nhưng người đi lại bình thường thì khoái vì có cơ hội ngắm cảnh và thưởng thức quà vặt địa phương. Khoái nhất là dân địa phương ở hai bên đèo, cơ hội làm ăn bỗng đâu lại đến, dại chi mà không nắm lấy.
Thế là hàng quán mọc lên chi chít ở đỉnh đèo, ở hai trạm kiểm soát Liên Chiểu và Lăng Cô, dọc theo hai bên quốc lộ. Nào quán giải khát bia, cam, nước dừa, nước mía, trà đá, chanh đường, chanh muối… Nào bò tái, bún bò, cơm, phở, mì, bánh bèo, sò huyết nướng… không thiếu thứ chi. Bên cạnh lực lượng kinh doanh cố định này còn có cả một đạo quân cơ động gồm đủ nam phụ lão ấu. Họ bán quà vặt, nước chè, trái cây,nước ngọt, thuốc lá, bánh kẹo… Một số chỉ quanh quẩn làm ăn ở các trạm kiểm soát chân đèo; một số khác phiêu lưu lên tận đỉnh đèo. Dĩ nhiên không bao giờ họ lội bộ và cũng không bao giờ tốn tiền xe để lên xuống đèo. Họ đi nhờ xe nhà binh hoặc bu bám theo các xe đò; buổi sáng, theo chuyến xe sớm nhất để lên cao và buổi chiều đeo theo đợt xe cuối cùng xuống đèo trở về mái tranh xiêu vẹo. Tùy theo hàng họ đắt hay ế, một ngày họ có thể lên xuống đèo theo kiểu này vàl lần. Cái cuộc sống buôn thúng bán mẹt ấy mà cũng bị sinh nghề tử nghiệp. Một lần, như thường lệ, một số người bán quà vặt theo đợt xe đổ đèo cuối cùng trong ngày để về nhà. Một trong các xe đó tuột thắng và xe lăn xuống vực. Người ta lần theo sườn núi tìm đến chỗ xe đổ để cấp cứu. Bình xăng đổ ra lênh láng mà không ai hay. Có người thấy trời đã tối, vô tình bật hộp quẹt để soi tìm nạn nhân thì ngọn lửa bừng lên, gây thành đám cháy. Tội nghiệp, có nạn nhân không chết vì xe lật mà chết vì vết phỏng!
Cũng nhờ những lần dừng lại như thế mà tôi biết quán nào nên vào và quán nào nên tránh. Trên đỉnh đèo có một quán bánh bèo Huế khá ngon. Đừng dại ăn phở, dù là phở trên đỉnh đèo hay dưới chân đèo ở cả hai phía cũng đều dở như nhau. Mùa hè, uống nước dừa tươi là khoái nhất, vừa mát mẻ, vừa ngon ngọt mà khỏi sợ đau bụng. Còn chi nữa hè? À, cơm gà và bún bò. Gặp mùa cam quít thì nhớ lựa mua quít Mỹ Lợi, thua Hương Cần một tí nhưng vẫn còn ngon hơn thứ khác .. Ở trạm Liên Chiểu bạn có thể mua được nước mắm nhỉ (người bán nói thế) nhưng tôi thì không dám thử vì không đủ kinh nghiệm. Ở trạm Lăng Cô, bạn có thể mua sò huyết sống, mắm sò huyết và mắm rò. Mắm rò ở đây mà ăn với thịt phay ba chỉ và khế chua kèm rau sống chuối chát thì thiệt là hết cơm.
Mây phủ Hải Vân
Huế có câu ca dao nhắc đến Hải Vân:
Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá, nghĩ thân, em buồn
Tôi từng qua đèo trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau và nhận ra rằng mỗi mùa Hải Vân có cái nét đẹp riêng của nó, và không phải chiều nào cũng mây phủ Hải Vân để thấy lòng buồn với tâm sự riêng như cô gái kia.
Vào những ngày hè trời trong sáng, bạn có thể nhìn thấy biển xanh mút mắt chân trời. Gần hơn, chỗ núi và biển giao nhau, muôn ngàn đợt sóng nối tiếp vỗ vào ghềnh đá hay liếm bãi cát vàng, tung bọt trắng xóa. Trên đường ra Huế, khi quẹo vào khúc quanh cuối cùng để đổ xuống Lăng Cô, có một cái bia lớn dựng bên đường, trông có vẻ cổ kính như bia đá của vua quan hồi trước lập ra để ghi một chứng tích gì đó.
Sự thật đấy là Bia kỷ niệm ông Albert Armand Pouyanne (1873-1931), Kỹ sư Tổng giám đốc Sở Công Chánh Đông Dương. Cây cầu qua vịnh Lăng Cô do ông chỉ huy xây dựng được đặt theo tên ông: Pont Pouyanne.
Đứng ở đó mà nhìn xuống bãi biển Lăng Cô với cát vàng biển xanh và sóng trắng vỗ bờ tưởng không có cảnh đẹp nào bằng. Vào mùa Đông, gặp những ngày biển động, đứng ở Liên Chiểu mà ngắm cảnh sóng đập vào cửa sông Nam Ô cũng là một cái thú như khi ngắm bãi Lăng Cô vào mùa Hè.
Dù đi lên hay đi xuống, luôn luôn xe của bạn đi trên con đường dốc với một bên là vách đá dựng đứng và một bên là vực sâu, bên dưới là trùng điệp những tán cây rậm rạp của rừng đại ngàn với đủ sắc độ của màu xanh cây lá, từ lục đậm cho đến lục nhạt, từ màu cỏ úa cho đến màu chàm thẩm.
Vào mùa mưa, đường sá sẽ trở thành nguy hiểm hơn, ngồi trong xe nghe dậy nỗi lo vẩn vơ về sự bất trắc có thể xảy ra, nhưng cảnh vật cũng độc đáo hơn và đáng thưởng thức hơn. Có những lúc mây sà xuống thấp như muốn đùa với bạn qua lớp kính xe, có khi mây hung hãn cuồn cuộn đổ từ trên núi xuống đường, rồi mây lao xuống vực, mây trùm lên thung lũng, mây bao kín mặt lộ, chiếc xe như đang đi trong mây, trong một cõi bềnh bồng không thực nào đó.
Huế và Đà Nẵng cách nhau cái đèo Hải Vân mà thời tiết khác nhau một trời một vực. Một buổi sáng mùa Đông, bạn rời Huế đi Đà Nẵng dưới cơn mưa nặng hột và bầu trời xám ngoét màu chì. Khi lên đến đỉnh đèo, bạn như đi vào một cõi giới khác. Cả một bầu trời trong sáng ngập nắng vàng rực rỡ đang mở bung trước mắt bạn với Đà Nẵng phơi mình ở phía xa kia bên vịnh nước xanh mênh mông. Sự khác biệt này đã gợi hứng cho một người thắng cuộc trong cuộc thi nói dốc về nơi mình ở. Người đó kể chuyện rằng anh ở một nơi gọi là đèo Hải Vân, muốn giặt áo quần thì anh xoay qua bên Huế để giặt vì trời bên đó đang đổ mưa, xong quay qua bên Đà Nẵng mà phơi vì bên đó đang có nắng.
Tác giả: Võ Hương An
Hình ảnh: manhhai flickr
Bài hay, đèo Hải Vân nổi tiếng với đường xe lửa, có hầm Sen dài nhất VN, cảnh đẹp góc khác.Xe An Lợi là xe Traction.