Cảm nhận âm nhạc – Giọng Ca Dĩ Vãng (Bảo Thu) – Khúc ca cung lỡ dây chùng…

Trong các sáng tác âm nhạc, các nhạc sĩ có những tác phẩm viết thật về tâm sự và tình yêu của mình. Vì viết thật không vay mượn tình cảm của ai nên nhạc phẩm từ tâm huyết đã trở nên bất tử. Ca khúc Giọng Ca Dĩ Vãng của nhạc sĩ Bảo Thu cũng là một sáng tác về chuyện thật của đời mình.

Nhạc sĩ Bảo Thu sáng tác được khoảng 100 ca khúc trong sự nghiệp của mình, và Giọng Ca Dĩ Vãng đã nhanh chóng được công chúng ái mộ, tên tuổi của nhạc sĩ cũng được mọi người biết đến nhờ nhạc phẩm này, một sáng tác ra đời bắt nguồn từ chuyện tình của ông với cô học trò nhỏ kém ông 5 tuổi – nữ ca sĩ Phương Hoài Tâm.

Ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát,
Thì anh tay phiếm nắn nót cung đàn.

Từng nhịp nhặt khoan anh ru hồn theo tiếng tơ
Nhẹ dìu lời ca em thăng trầm theo từng lúc
Và rồi hờn yêu em khi nào em hát sai
Em nũng nịu cười nói sai là tại anh.

Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai,
Hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi.
Rồi em đành chối tiếng giao hoà.
Từ ly là tiếng thét đau lòng sầu đơn lối.

Ai đang xây lập gác vàng cao sang.
Ai đem cung nhạc tiếng đàn gieo hoang.
Lời ca ngày đó đã xa rồi.
Mà ai còn chuốt mãi cung đàn vọng về tim.

Giờ đây mỗi lần em buông tiếng hát,
Thì ai thay thế nắn phím cung đàn.

Từng nhịp nhặt khoan ai sẽ dìu theo tiếng em
Và lời hờn yêu em nay còn như ngày trước,
Và rồi tại ai trong mỗi lần em hát sai,
Cung lỡ dây chùng mấy ai đàn đừng sai.

“Ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát. Thì anh tay phím nắn nót cung đàn” – Chuyện tình yêu là chuyện muôn thuở thường tình ai cũng đều trải qua, mà chuyện tình nhờ câu ca tiếng đàn nối duyên đôi lứa lại với nhau thì không phải ai cũng có, đó là những mối tình nghệ sĩ được thăng hoa qua những giờ dạy nhạc, qua tiếng hát phím đàn du dương lãng mạn.

“Và rồi hờn yêu em khi nào em hát sai. Em nũng nịu cười nói sai là tại anh” – Anh là thầy dạy nhạc thì làm sao mà đánh đàn sai nhịp được? Chỉ tại em là học trò nên thường hát sai những ngày đầu mới vào lớp học hát thôi. Và những lần như vậy, anh chỉ là “hờn yêu” thôi chứ thầy nào mà đi trách mắng một cô gái nhỏ vừa là học trò vừa là người mình yêu?

Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai,
Hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi.
Rồi em đành chối tiếng giao hoà.
Từ ly là tiếng thét đau lòng sầu đơn lối.

Ai đang xây lập gác vàng cao sang.
Ai đem cung nhạc tiếng đàn gieo hoang.
Lời ca ngày đó đã xa rồi.
Mà ai còn chuốt mãi cung đàn vọng về tim


Nghe ca sĩ Giao Linh hát Giọng Ca Dĩ Vãng trước năm 75

Nhưng đường đời ít khi là lối đi chung cho hai người dẫu đường tình thắm thiết nhưng cũng còn lối rẽ lo toan cho phận làm con gái nhiều ước mơ quyền quí cao sang. Em nuôi mộng ước cao sang về tương lai, người em mơ có “hoa mai” hứa hẹn đường đi ngày mai công danh rỡ ràng: “võng anh đi trước võng nàng theo sau”. Còn anh chỉ là anh nhạc sĩ nghèo cả đời tìm vui bên phím nhạc tơ đàn.

“Rồi em đành chối tiếng giao hòa. Từ ly là tiếng thét đau lòng sầu đơn lối” – Chia tay là một kết thúc buồn, mà buồn lắm, đau lắm tác giả mới cho là “tiếng thét đau lòng” làm vỡ nát con tim mình. Lời từ chối tiếng giao hòa của em cũng đã đưa anh vào lối sầu đơn lẽ riêng để ngậm ngùi với cuộc tình không tròn mộng ước với nhau.

“Ai đang xây lập gác vàng cao sang. Ai đem cung đàn tiếng nhạc gieo hoang” – Giấc mộng xây lập gác tía lầu son của em đã làm tiếng đàn anh dang dở cung thương, và lời em hát ngày xưa đã trở thành giọng ca thương hoài theo năm tháng, là “Giọng ca dĩ vãng”.

Lời ca xưa xa rồi, hình bóng cũ xa rồi. Còn anh mãi chuốt cung đàn từ đó vọng về tim yêu một thời hoa mộng, vọng về tim đau một lần đắng cay dang dở cuộc tình. Đau thì đau chứ không hề một lời trách móc, đó là vẻ đẹp tâm hồn của lớp người xưa đi trước đã đem vào thi ca âm nhạc những ý tình nhân văn cao đẹp.

Giờ đây mỗi lần em buông tiếng hát,
Thì ai thay thế nắn phím cung đàn.

Từng nhịp nhặt khoan ai sẽ dìu theo tiếng em
Và lời hờn yêu em nay còn như ngày trước,
Và rồi tại ai trong mỗi lần em hát sai,
Cung lỡ dây chùng mấy ai đàn đừng sai.

“Giờ đây mỗi lần em buông tiếng hát. Thì ai thay thế nắn phìm cung đàn?” – Cũng giống như là giờ đây nếu mỗi lần em đi thì ai thay thế đưa đón bước chân. Hoài niệm về ngày xưa, lo lắng về người xưa hàm thêm ý nghĩ về nhau vẫn còn mãi ở trong anh. Đời em có được hạnh phúc khi sang ngang với người khác trên con đường ngập đầy hoa đăng nguyện ước?

“Và rồi tại ai trong mỗi lần em hát sai. Cung lỡ giây chùng mấy ai đàn đừng sai” – Dẫu gì, giờ đây anh xin nhận hết lỗi lầm của mình ngày xưa về phần mình. Là “Cung lỡ dây chùng” làm lạc phím đàn, cũng như cuộc tình mình không trọn vẹn tơ duyên với nhau, tất cả đều là lỗi của anh!

Câu cuối “Cung lỡ dây chùng mấy ai đàn đừng sai” cũng đã làm cho nhiều người ở trong hoàn cảnh yêu thương quyến luyến nhau mà đành phải xa nhau như trong ca khúc, phải xót xa nhớ tiếc lại một thời quấn quýt chỉ còn lại dư hương tiếng đàn xưa cung lỡ dây chùng.

Trên báo CATP năm 2008, nhạc sĩ Bảo Thu kể lại câu chuyện tình trong bài Giọng Ca Dĩ Vãng như sau:

“Dạo ấy, P.H.T sinh hoạt trong ban văn nghệ thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức, tôi dạy ảo thuật nhưng thỉnh thoảng cũng đến tham gia sinh hoạt và phụ thầy Đức dạy nhạc lý, nên tôi và T. quen nhau. Sau đó tôi mở lớp nhạc tại nhà riêng trên đường Trần Hưng Đạo, trong thời gian này tôi thường đến nhà T. dạy hát và giới thiệu T. diễn ở một số phòng trà tại Sài Gòn.

Khi T. đã có tên tuổi trong làng nhạc thì chúng tôi nảy sinh tình cảm. Trớ trêu thay, T. báo tôi biết là gia đình đã đính hôn cho cô từ lâu rồi! Cả hai chia tay. Trong nỗi tuyệt vọng và nhớ thương hình bóng người xưa, tôi đã sáng tác Giọng Ca Dĩ Vãng, tái hiện hình ảnh “anh đàn em hát” ngày nào nay đã trở thành dĩ vãng nhạt nhòa”.

Bài: TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN

Viết một bình luận