Ca khúc “Xuân Này Con Không Về” (Trịnh Lâm Ngân) – Một bài nhạc xuân kinh điển

Ca khúc “Xuân Này Con Không Về” có thể xem là bài nhạc xuân trước 75 nổi tiếng nhất và được nghe nhiều nhất trong suốt hơn 50 năm qua.

Bài hát này được yêu thích qua nhiều thế hệ, có lẽ là vì lời hát đi vào lòng người, đánh động tới được những cảm xúc sâu thẳm nhất của mỗi người, không chỉ là người lính, mà tất cả những người tha hương, dù đã trưởng thành nhưng hình bóng mẹ hiền và quê nhà lúc nào cũng ở trong tâm tưởng.


Click để nghe Duy Khánh hát Xuân Này Con Không Về trước 1975

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa

ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào

Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân

Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường

Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà

Ca khúc “Xuân Này Con Không Về” được bộ ba nhạc sĩ Trịnh – Lâm – Ngân sáng tác trong khoảng thập niên 60, mở đầu cho một loạt các ca khúc viết về tâm trạng người lính trong mùa xuân.

Trịnh-Lâm-Ngân là nghệ danh ghép của 3 nhạc sĩ: “Trịnh” tức Trần Trịnh, “Lâm” tức Lâm Đệ, và “Ngân” tức Nhật Ngân. Có lẽ sự kết nối âm nhạc của những nhạc sĩ này là một trong những hiện tượng âm nhạc kỳ thú và đặc biệt nhất của làng âm nhạc Việt Nam.

Trên thực tế, trong bộ ba này chỉ có Trần Trịnh và Nhật Ngân là nhạc sĩ, và cả 2 ông đều có những sáng tác riêng, nhiều tác phẩm hay, rất thành công, và được người yêu nhạc mến mộ. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa 2 con người, với 2 trạng thái cảm xúc khác nhau, để đúc kết quy về một mối, cho ra đời một “Xuân Này Con Không Về” thì quả là đã tạo ra cho ca khúc này một số phận rất riêng biệt.

Có lẽ cũng chính bởi thế, bên cạnh vô vàn những bản nhạc xuân vui nhộn, công chúng yêu nhạc vẫn lén tìm cho riêng mình một góc nhỏ, để ngồi lắng nghe “Xuân Này Con Không Về”, một nhạc phẩm luôn được tôn vinh trong những dịp đầu xuân, không chỉ trong thời chiến chinh loạn lạc, mà ngay cả trong thời bình, nhất là khi người ta mượn nó để biểu thị những cảm xúc, diễn tả thay tâm trạng của những người con xa xứ, mỗi dịp Xuân về.

Toàn bài hát không hề có chữ “lính” nào, và chỉ khi đến khúc cuối, người nghe mới lờ mờ nhận ra đây là một bài hát viết cho lính, được lồng ghép vào một bức tranh xuân, với những hình ảnh hoàn toàn đối lập, của một bên là gia đình đoàn viên, bên bếp lửa hồng, trông nồi bánh chưng xanh, chờ trời sáng, với bên kia, là hình ảnh người lính đơn côi nơi chiến tuyến, vì cuộc chiến còn đó, bè bạn đồng đội còn đó, nên người lính không thể trở về với gia đình để hưởng cảnh ấm êm một mình, qua đó phần nào làm toát lên tính vô nghĩa của mọi cuộc chiến, và đó cũng là cách sử dụng những hình ảnh đối lập hết sức tài tình ý nhị của bộ 3 nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, góp phần giảm nhẹ tính đau thương…

Một đặc điểm nổi bật nữa của “Xuân Này Con Không Về” mà không thể không nhắc tới, đó là bài hát này luôn gắn liền với tên tuổi của cố ca sĩ Duy Khánh. Ca nhạc sĩ Duy Khánh hát thành công “Xuân Này Con Không Về” đến mức có nhiều khi, người ta tưởng chính ông là tác giả ca khúc này.

Có một sự tương đồng giữa 2 ca khúc nhạc mà người Việt thường mở nghe vào dịp Tết đến Xuân về, Đó là ca khúc Xuân Này Con Không Về của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân và bài nhạc ngoại Happy New Year của nhóm nhạc Thụy Điển ABBA. Hai ca khúc được ra đời cách nhau hơn 10 năm, đều có nội dung rất buồn, có phần u ám, tưởng như là không thích hợp chút nào cho một dịp đáng để được vui mừng chào đón là ngày đầu năm. Tuy nhiên, hơn 50 năm qua, ca khúc Xuân Này Con Không Về vẫn được yêu thích, tương tự là với bài Happy New Year đặc biệt được người Việt yêu thích nhiều năm qua. Điều đó thể hiện sự đa dạng cảm xúc trong mỗi người, bên cạnh những phút giây vui vầy ngày xuân, thì đằng sau đó còn có nhiều số phận buồn khổ.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận