Bộ sưu tập ảnh phố Tràng Tiền xưa – Dấu ấn kiến trúc Pháp giữa trung tâm Hà Nội

Tràng Tiền là con phố nổi tiếng của Hà Nội, dài chỉ 400m nhưng là con phố đắt đỏ nhất Hà Nội hiện nay.

Phố Tràng Tiền nằm ở khu trung tâm, có từ lâu đời, chạy từ đông sang tây. Thời thuộc Pháp, phố này có tên là Rue Paul Bert, đặt tên theo Thống sứ Bắc kỳ Paul Bert. Phố Tràng Tiền bắt đầu từ khu vực Hồ Hoàn Kiếm ở phía tây, nối với phố Hàng Khay, còn phía đối diện, phía đông thì kéo dài tới Nhà hát Lớn Hà Nội.

Phố Tràng Tiền năm 1989

Mặc dù phố Tràng Tiền không dài nhưng nó có một vị trí rất quan trọng, tương tự như đại lộ Nguyễn Huệ ở Sài Gòn. Nếu như Nguyễn Huệ nối tòa thị chính và nhà hát với bờ sông Sài Gòn, thì phố Tràng Tiền nối Nhà Hát Lớn tới bờ hồ Hoàn Kiếm.

Đường Nguyễn Huệ có Thương Xá Tax thì phố Tràng Tiền có Tràng Tiền Plaza. Cả 2 đều là những tòa nhà lớn được xây từ đầu thế kỷ 20.

Trung tâm thương mại Grands Magasins Reunis thời Pháp thuộc, nay là Tràng Tiền Plaza

Phố Tràng Tiền thập niên 1970, phía trước Nhà Hát Lớn

Có rất nhiều hiệu sách và cửa hàng bách hoá lớn trên phố Tràng Tiền. Nửa đầu thế kỷ 20, không có con phố nào ở Hà Nội tập trung nhiều cửa hàng, hiệu buôn, hiệu thuốc, nhà hàng như ở rue Paul Bert, tức Tràng Tiền ngày nay. Nơi này có thể xem là khu phố Tây sầm uất với nét văn hóa đậm chất phương Tây được du nhập từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.

Phố Tràng Tiền đầu thập niên 1950

Người đến mua sắm ở các cửa hàng trên con phố này đều là người giàu có, sành điệu và thời thượng. Những kiến trúc đẹp và quan trọng nhất mà Pháp xây ở Hà Nội đều tập trung ở phố này và khu vực lân cận.

Tên gọi Tràng Tiền xuất hiện từ thời vua Gia Long. Phố Tràng Tiền trước đó vốn là một con đường dài, phía tây giáp phủ Chúa Trịnh, phía đông giáp với cửa ô Tây Long (tức là Nhà hát Lớn Hà Nội ngày nay) thông ra căn cứ Đồn Thủy và bến sông Hồng. Con đường này đi qua đất của ba thôn Tây Long, Thạch Tần, Cựu Lâu, thuộc tổng Phúc Lâm (Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ. Khoảng năm 1808, vua Gia Long cho lập ra ở đây một xưởng đúc tiền, đặt tên là Bảo Tuyền Cục, dân gian quen gọi là Tràng Tiền. Ngày nay, Phố Tràng Tiền thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Phố Tràng Tiền lúc Pháp vừa mới chiếm được Hà Nội

Ngày 20 tháng 11 năm 1873, Francis Garnier chỉ huy quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất. Sau trận chiến, dải đất dọc đê sông Hồng dài khoảng 1 km từ chỗ Bảo tàng Lịch sử trở xuống Viện Quân y 108 đã bị triều đình Huế cắt làm khu nhượng địa Đồn Thủy. Pháp xây doanh trại và bệnh xá trong khu này cùng một chiếc cổng ở chỗ Nhà hát Lớn bây giờ, đặt tên là Porte de France (Cổng Pháp quốc).

Năm 1882, chiếm xong toàn thành Hà Nội, chính quyền thực dân lập quy hoạch đô thị, lấp sông Tô Lịch và xây công sở.

Nằm ở số 1 Tràng Tiền ngày nay là bảo tàng thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ (Musée Louis Finot – nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), được xây dựng cách đây tròn 100 năm, là nơi chuyên nghiên cứu về văn hóa Đông Dương.

Bảo tàng được xây dựng trên khu đất phía sau Nhà hát Lớn, chạy dọc theo bờ đê sông Hồng và là điểm kết thúc của tuyến phố Quai Guillemoto (nay là phố Trần Quang Khải), một vị trí có thể tạo ra điểm nhấn kiến trúc cho tuyến đường ven đê.

Tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc pha trộn phong cách Châu Âu với phương Đông. Bên ngoài được sơn màu vàng đặc trưng với một sảnh chính trưng bày hình bát giác làm điểm nhấn.

Nằm ngay bên cạnh Bảo tàng là Nhà Hát Lớn Hà Nội, là công trình quan trọng nhất trên phố Paul Bert, được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng có quy mô nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Ngay từ khi hoàn thành, Nhà hát Lớn đã giữ vai trò là một trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật suốt hơn 1 thế kỷ qua.

Mít tinh trước quảng trường nhà hát lớn năm 1954 để phản đối chia đôi đất nước

Không ảnh Nhà Hát Lớn, nhìn ra phía sông Hồng

Ban đầu trước Nhà hát có tượng đài, nhưng đã không còn từ năm 1946

Trong các ảnh đường phố Paul Bert xưa, có thể thấy phía trước Nhà Hát Lớn, ngay góc phố Paul Bert và Boulevard Bobillot (phố Lê Thánh Tông ngày nay) có một tòa nhà có chóp hình củ hành:

Tòa nhà này được xây gần như cùng thời điểm với Nhà hát lớn, là cơ sở kinh doanh của H. CHARPANTIER, được ghi tên trên chóp toà nhà như hình bên dưới:

Liền kề với tòa nhà hình chóp là toà nhà cửa hiệu CHARRIERE & Cie (bên phải hình này), chuyên bán thực phẩm và rượu tây

Cửa hiệu CHARRIERE & Cie có từ năm 1900, khi Felix Charriere, một Pháp Kiều sinh sống tại Hải Phòng cùng với hai đồng nghiệp là Poinsard và Veyret thành lập công ty mang tên CHARRIERE & Cie. Tới năm 1910 công ty đổi tên thành Poinsard et Veyret. Công ty này phát triển nhanh chóng tại Đông Dương và mở rộng sang cả vùng Vân Nam, Trung Quốc thông qua việc nhập khẩu các sản phẩm thép, đồ ngũ kim, vật liệu xây dựng, máy nông nghiệp, nước khoáng, rượu vang, rượu mạnh và xuất khẩu các loại sản phẩm thuộc địa.

Lúc này, những chiếc xe hơi đầu tiên đã đến Đông Dương, lưu thông trên phố Paul Bert

Thời gian sau đó, tòa nhà có chóp nhọn ngay góc đường thay biển hiệu, trở thành cơ sở chuyên bán xe hơi và xe đạp hiệu PEUGEOT của Charles Boillot.

Dưới đây là tấm ảnh từ “kho tư liệu hành tinh của Albert Khan”, chụp khoảng 1915. Bên dưới biển hiệu CHARRIERE & Cie đã bổ sung thêm tên công ty Poinsard et Veyret:

Nhìn vào tấm ảnh phía trên, có thể thấy sau một thời gian dòng chữ thương hiệu Peugeot được chuyển lên trên vòm mái, nhường chỗ cho biển hiệu GARAGE BOILLOT. Ngay phía dưới biển hiệu có thể nhìn rõ con số 1900, năm xây dựng toà nhà, được khắc lớn và rõ nét. Việc thay đổi biển hiệu chính từ Garage Peugeot thành Garage Boillot cho thấy ở thời điểm đó công ty của Charles Boillot không chỉ phân phối sản phẩm mà còn bao thầu các dịch vụ hậu mãi và kinh doanh khác. Cha của nhà văn Vũ Trọng Phụng là ông Vũ Văn Lân từng có thời gian làm thợ điện ở garage này.

Ảnh chụp năm 1945 cho thấy toà nhà này vẫn là garage bán xe Peugoet, nhưng biển hiệu chính đã được thay đổi.

Tấm ảnh chụp ngày 16/09/1945, cảnh người dân Hà Nội hưởng ửng Tuần Lễ Vàng ủng hộ cho ngân khố quốc gia. Dấu vết của Pháp được đục bỏ khỏi các tòa nhà, không còn tên trên các bảng hiệu

Ngày nay, ngang qua góc phố này có thể thấy toà nhà trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội có thiết kế kiến trúc mặt trước khá giống với toà nhà bán xe Peugoet xưa nhưng thực chất đây là toà nhà mới được xây dựng sau này ngay tại vị trí cũ với lối kiến trúc cũ.

Nằm đối diện bên kia đường với tòa nhà bán xe Peugoet là tòa nhà IDEO (Imprimerie d’Extrême-Orient), được mệnh danh là toà nhà cao nhất Hà Nội vào thời điểm nó được xây dựng, với khối giữa 6 tầng, hai bên là hai khối nhà 5 tầng. Toà nhà được xây dựng lần đầu vào năm 1907 và xây sửa lại lần hai vào 1928.

Sau năm 1954, nhà in IDEO chuyển thành nhà in báo Nhân Dân. Đến tháng 9 năm 2003 chuyển thành Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace).

Bên cạnh toà nhà IDEO là cửa hàng bách hóa MAG CHAF (Magasins Chaffanjon), trước đó là trụ sở của nhà xuất bản Scneider.

Magasins Chaffanjon, sau này là hiệu sách Hà Nội

Tòa nhà Nhà xuất bản Scneider (sau đó là Magasins Chaffanjon) nằm ngay góc ngã 4 Paul Bert – Henri Riviere (nay là Tràng Tiền – Ngô Quyền), đối diện bên kia đường là khách sạn Hà Nội Hotel nằm ở góc ngã 3 đường Paul Bert và Dutreuil des Rhins (nay là đường Nguyễn Khắc Cần). Hà Nội Hotel là một trong những khách sạn lâu đời nhất Hà Nội.

Dãy bên phải là Hà Nội Hotel. Cuối đường là Nhà Hát Lớn
Hà Nội Hotel kéo dài từ Dutreuil des Rhins cho đến tận ngã từ Paul Bert – Henri Riviere (nay là Tràng Tiền – Ngô Quyền)

Một số hình ảnh được chụp từ Paul Bert – Henri Riviere (nay là Tràng Tiền – Ngô Quyền):

Cây cột đèn nằm ngay chính giữa ngã 4, góc ảnh nhìn về phía khoảng đất Nhà Hát Lớn (lúc này chưa xây). Bên phải hình là Hà Nội Hotel, bên trái là Nhà xuất bản Schneider
Cùng góc ảnh với hình trên, lúc này Nhà Hát Lớn đã được xây xong

Bên trên là hình ảnh Hà Nội Hotel vào cuối thế kỷ 19 (khi Nhà Hát Lớn chưa được xây). Góc đường bên trên là Paul Bert – Henri Riviere (nay là Tràng Tiền – Ngô Quyền). Đến khoảng năm 1915, khối nhà Hà Nội Hotel ngay ngã 4 bị dỡ bỏ, thay vào đó là tòa nhà lớn hơn, vẫn còn đến ngày nay, đó là tòa nhà Ngân Hàng Pháp Hoa như hình bên dưới:

Ngã 4 Paul Bert – Henri Riviere (nay là Tràng Tiền – Ngô Quyền) thập niên 1940. Bên phải là Ngân hàng Pháp Hoa, số 29 Paul Bert (nay là 31 Tràng Tiền). Bên trái là Mag Chaf đã nhắc tới ở trên.

Tòa nhà ngân hàng Pháp Hoa ngày nay vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn, thuộc về Bộ Công Thương

Góc ảnh khác của ngã tư này.

Với tấm ảnh bên trên, bìa bên phải của hình là một khách sạn/cafe sẽ nói đến ở phần sau, còn bìa trái của hình này là rạp chiếu phim Le Cinéma Palace. Một số hình ảnh của rạp này:

Năm 1940, theo trào lưu cách tân kiến trúc, các nhà quản lý đô thị ở khắp Đông Dương đổi lại diện mạo các tòa nhà công theo kiến trúc Art deco, và cinema Palace cũng bị đổi. Cũng từ năm này, tên rạp chiếu phim này cũng đổi thành Eden Cinema.

Diện mạo mới của rạp chiếu phim, lúc này mang tên Eden (địa đàng). Một kiến trúc sư người Việt nổi tiếng là Hoàng Như Tiếp đã cộng tác với một số kiến trúc sư người Pháp được giao nhiệm vụ thiết kế chỉnh trang mặt đứng rạp chiếu phim Eden.

Sau 1954, rạp Eden đổi tên thành Rạp Công Nhân cho tới nay:

Ngay bên cạnh rạp Palace/Eden là Nhà xuất bản G. Taupin et Cie nằm ở ngã ba Rue Paul Bert – Boissière (nay là Tràng Tiền – Nguyễn Xí), có địa chỉ số 50 Paul Bert.

Sang đầu thập niên 1950 toà nhà nhà xuất bản G. Taupin et Cie bị đổi biển hiệu thành MAGAZIN PACIFIC, bao gồm cửa hàng vải, tiệm may và tiệm chụp hình. Mặt trước toà nhà này cũng bị sửa lại theo kiến trúc Art deco giống với các tòa nhà khác ở lân cận.

Quay lại phía đối diện bên kia đường, ở dãy nhà số lẻ, nếu như Ngân hàng Pháp Hoa như đã nhắc bên trên nằm ở số 29 Paul Bert (nay là số 31 Tràng Tiền), thì cũng ở ngay góc ngã 4, bên kia đường, ở số 31 Paul Bert (nay là 33 Tràng Tiền) là Jean Blanc – hiệu thuốc Tây đầu tiên của Hà Nội được mở từ năm 1886:

Ngã 4 Paul Bert – Henri Riviere (nay là Tràng Tiền – Ngô Quyền) nhìn về phía Hồ Gươm. Bên trái là tiệm thuốc tây Jean Blanc, đối diện bên kia đường tiệm thuốc là tiệm ảnh P. Dieulefils
Sát bên tiệm thuốc tây là Khách sạn và cafe Cafe de la Paix ở só 33 Paul Bert (nằm đối diện bên kia đường của rạp cine Palace/Eden). Chóp nhọn cuối đường chính là Grands Magasins (Tràng Tiến Plaza hiện nay)
Hotel và Cafe de la Paix thập niên 1940

Từ đây đi một đoạn nữa sẽ tới Maison Debeaux Frères (Cửa hàng bách hóa anh em nhà Debeaux, ngày nay là Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền).

Dòng chữ trên nhà: MAGASINS GENERAUX (Bách hóa tổng hợp) và DEBEAUX FRERES (Anh em nhà Debeaux)

Đối diện bên kia đường của tòa nhà này là một hiệu thuốc tây số 54 Paul Bert với dòng chữ PHARMACIE CENTRALE. Ngôi nhà này ngày nay là dãy cửa hàng kính thuốc Tràng Tiền, nằm sát với dãy nhà của rạp Eden (nay là rạp Công Nhân) như đã nhắc tới bên trên.

Khoảng đầu thập niên 1940, cùng với rạp Eden thì tòa nhà này số 54 Paul Bert này cũng được sửa lại theo kiến trúc Art deco tân thời (bên phải hình này).

Trở lại với tòa nhà DEBEAUX FRERES (Anh em nhà Debeaux) ở bên kia đường, thời gian sau đó nó trở thành 1 cơ sở của Viện Đại học Đông Dương, chuyên ngành Sư phạm và Luật (Université indochinoise)
Viện Đại học Đông Dương là nơi tướng Võ Nguyên Giáp nhận bằng cử nhân luật (Licence en Droit), kinh tế chính trị (économie politique) và lịch sử (histoire)
Hình ảnh góc Tràng Tiền – Nguyễn Xí năm 1954. So với ảnh ở ngay bên trên hình ảnh này chụp cùng 1 vị trí, nhưng có thể thấy kiến trúc của thập niên 1950 rất khác so với thời đầu thế kỷ 20

Ngay sát bên cạnh Viện Đại học Đông Dương chính là Tràng Tiền Plaza ngày nay, một tòa nhà có lịch sử thú vị. Phố Tràng Tiền đến đây là kết thúc, tuy nhiên phố Paul Bert ngày xưa nối sang cả phố Hàng Khay ngày nay.

Tòa nhà nằm ở đầu phố Tràng Tiền này (Tràng Tiền Plaza ngày nay) được người Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1901 với tên gọi Maison Godard (Nhà Godard). Maison Godard, nơi chỉ phục vụ cho khách hàng người Pháp và người Việt giàu có, được xem là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống.

Tòa nhà này thuộc sở hữu của công ty Société Coloniale des Grands Magasins (SCGM), nên sau đó nó được đổi tên là Grands Magasins Reunis (GMR).

Đây cũng là công ty sở hữu Grands Magasins Charner (GMC), tức thương xá TAX ở Sài Gòn. Vì vậy có thể thấy sau đó toà nhà được sửa lại với diện mạo khác, với chóp nhọn rất giống với thương xá Tax.

Từ thập niên 1940, tòa nhà được sửa lại theo phong cách Art Deco:

Hình ảnh đầu thập niên 1950 cho thấy nơi này từng có vũ trường. Trên tòa nhà ghi chữ Opera Dancing. Lúc này tòa nhà cũng đã được sửa lại vẻ bên ngoài

Sang đến thập niên 1960, tòa nhà này trở thành cửa hàng Mậu Dịch Quốc Doanh, tên là Bách hóa Tổng hợp, là cửa hàng bách hóa lớn nhất toàn miền Bắc.

Tàu điện đi trên phố Hàng Bài năm 1960. Bên trái là cửa hàng Mậu Dịch Quốc Doanh (nay là Tràng Tiền Plaza)

Đến năm 2002, tòa nhà được xây dựng lại và đổi tên thành Tràng Tiền Plaza.

Cũng ở đầu phố Tràng Tiền, đối diện bên kia đường của Tòa nhà Godard (GMR hay Tràng Tiền Plaza ngày nay) là tòa nhà Lacaze. Tòa nhà này cũng trải qua nhiều lần xây sửa và thay đổi chức năng khác nhau.

Thời kỳ tòa nhà Lacaze mang tên khách sạn Terninus
Tòa nhà được sửa lại theo phong cách Art Deco. Diện mạo này vẫn còn lại cho tới ngày nay

Thời kỳ tòa nhà mang tên Taverne Royale (Tửu Quán Hoàng Gia)

Taverne Royale đầu thập niên 1950
Cafe vỉa hè ở Taverne Royale
Tàu điện tuyến số 1 đang đi trên rue Francis Garnier, nay là phố Đinh Tiên Hoàng, ngang qua tòa nhà Taverne Royale. Trước đó, đây là phố Hàng Chè, nối liền với phố Hàng Bài (chỗ người chụp hình đang đứng, lúc này mang tên đại lộ Đồng Khánh). Bên trái hình này là Hồ Hoàn Kiếm, bên phải là rue Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền)

Ở ngay góc tòa nhà này, phía đầu phố Paul Bert có ghi bảng tên đường, ghi cả bằng tên Pháp lẫn tên Việt là phố Tràng Tiền

Hiện nay, nơi này trở thành Nhà thông tin – Triển lãm, 93 Đinh Tiên Hoàng.

Đứng từ nhà Godard nhìn qua bên kia đường, bên phải là Hồ Hoàn Kiếm

 

chuyenxua.net biên soạn

2 bình luận về “Bộ sưu tập ảnh phố Tràng Tiền xưa – Dấu ấn kiến trúc Pháp giữa trung tâm Hà Nội”

  1. Trữ về thời xưa trích lục lại mới biết mùi vị của mặn mà chua chát thẻ thảm đau thương mất mát rất lớn cho tôi phải xử thẳng thắn công bằng minh bạc công khai có làm thì phải có chịu !!! Quy luật sống !!!

    Trả lời

Viết một bình luận