Bộ sưu tập ảnh đẹp của 10 Nhà Thờ/Tu Viện công giáo lâu đời nhất Sài Gòn vẫn còn lại đến nay

Mời các bạn xem lại thông tin và hình ảnh xưa của 10 nhà thờ/tu viện/đại chủng viện ở Sài Gòn đã có tuổi đời trên 100 năm và vẫn còn lại cho đến nay:

1. Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (tiếng Anh: Saint Joseph Seminary of Saigon) là một đại chủng viện lớn đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn. Đó là năm 1863, chỉ 4 năm sau khi Pháp hạ thành Gia Định.

Đại chủng viện Thánh Giuse được linh mục Wilbaux và Hội Thừa sai Paris thành lập ở đường Citadelle, sau này đổi tên thành Luro, sau 1955 là đại lộ Cường Để, ngày nay là đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1.

Ban đầu, đây vốn là một tổ hợp lớn gồm Đại chủng viện, Nhà thờ Thánh Phaolô, Chủng viện Thánh Phaolô, nhà nguyện, tu viện…

Đây được coi là công trình Công giáo lâu đời nhất ở Sài Gòn và là một trong các trung tâm đào tạo linh mục Công giáo lớn nhất nước.

Hình ảnh đại chủng viện năm 1930 (ở góc bên trái hình). Khu nhà chính giữa hình sau này là trường nam Võ Trường Toản và trường nữ Trưng Vương. Góc dưới bên phải là Thảo Cầm Viên

Hình ảnh Đại chủng viện Thánh Giuse hiện nay:

2. Tu viện Thánh Phaolô

Bên cạnh đại chủng viện có tu viện Thánh Phaolô được Nguyễn Trường Tộ thiết kế và giám sát xây dựng. Đến nay, công trình này vẫn còn lại sau 160 năm:

Tấm ảnh xưa nhất Sài Gòn được Pun Lun (Pun Ky) chụp tu viện La Sainte Enfance ngay khi nó vừa hoàn thành

Tòa nhà này có tên gọi ban đầu là La Sainte Enfance, của các soeurs dòng thánh Phao Lô (St Paul de Chartres), là tu viện nữ tu đầu tiên ở Việt Nam. Khoảng cuối thế kỷ 19, kiến trúc ban đầu được sửa lại và có diện mạo như hiện nay.

Từ năm 1924 tên gọi “Sainte Enfance” của tu viện được đổi thành “Saint Paul”.

Tu viện Dòng Thánh Phaolô hiện nay:

3. Nhà Thờ Chợ Quán

Nhà Thờ Chợ Quán (Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu) ở đường Trần Bình Trọng được xây dựng từ 140 trước và vẫn còn lại cho đến nay.

Chợ Quán là họ đạo lâu đời nhất ở Sài Gòn, được thành lập vào năm 1722. Ngôi nhà nguyện đầu tiên của Họ đạo đã được xây vào năm 1674. Đến năm 1727 nhà thờ Chợ Quán được xây dựng, sau đó vì thời cuộc đương thời nên nhà thờ bị phá hủy và được xây dựng nhiều lần vào các năm 1733, 1793, 1862, 1882.

Họ đạo Chợ Quán đã trải qua thời kỳ hơn 200 năm bị thử thách và phân tán, đến năm 1882 thì ngôi nhà thờ còn lại hiện nay được xây dựng, đến năm 1896 thì mới hoàn thành sau 14 năm.

Công trình mang kiến trúc Romanesque, các cánh cửa đều theo cấu trúc mái vòm cong, những cột đá to với những hoa văn độc đáo và lợp ngói đỏ. Tháp chuông nhà thờ gồm có ba tầng: tầng kéo chuông, tầng để chuông và tầng mái trên cùng với tổng cộng năm quả chuông (mỗi quả chuông đều có ghi tên người dâng cúng): hai quả chuông kéo trong ngày thường, hai quả chuông dùng cho các dịp lễ quan trọng và một quả chuông để báo tử. Trong dịp lễ đặc biệt thì mới kéo tất cả năm quả chuông cùng một lúc. Mặt bên nhà thờ đơn giản với dãy cửa sổ vòm, gờ chỉ, cửa sổ lá xách kính, bộ mặt kiến trúc bề ngoài công trình mang chung một gam màu vàng nhạt.

Hình ảnh nhà thờ hiện nay:

4. Nhà thờ Tân Định

Nhà thờ Tân Định (Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tân Định) là một trong những nhà thờ được xây dựng lâu đời nhất vẫn còn lại cho đến nay, được khởi công năm 1870 và khánh thành ngày 16/12/1876.

Lúc mới được xây dựng, nhà thờ Tân Định nằm trên đường Nationale, đến năm 1902 đường này đổi tên thành Paul Blanchy. Năm 1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam tách đường Paul Blanchy thành 2, đoạn từ đại lộ Norodom đến Cầu Kiệu mang tên là Trưng Nữ Vương. Do đó Nhà thờ Tân Định nằm trên con đường mang tên mới.

Năm 1955, đường Trưng Nữ Vương lại nhập trở lại với Paul Blanchy để mang tên đường Hai Bà Trưng cho đến nay.

Nhà thờ Tân Định đã qua rất nhiều sửa chữa, nới rộng trong nhiều đợt khác nhau, nhưng không bị xóa đi kiến trúc ban đầu.

Về tổng thể, nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic, nhưng các chi tiết trang trí lại mang chút Roman và Baroque.

Năm 1896, nhà thờ được nối thêm hai căn và hai hàng ba có xây tường chung quanh.

Từ năm 1926, nhà thờ được nới rộng thêm. Cũng trong thời điểm này, tháp chuông được xây dựng phía trước, cao 52,6m, trước đó chỉ có tháp chuông ở phía sau.

Nhà thờ Tân Định sau khi làm thêm tháp chuông phía trước. Bên phải là tháp chuông ban đầu ở phía sau nhà thờ

Năm 1949, sườn nhà thờ được chỉnh sửa lại, thay đổi kèo và đòn tay bằng sắt. Năm 1957, nhà thờ được sơn màu hồng phấn cả bên ngoài và bên trong từ năm 1957, khiến nhà thờ có biệt danh là “nhà thờ màu hồng” (nhà thờ màu hồng).

Tháng 12/1976, để kỷ niệm 100 năm xây dựng, nhà thờ được sơn lại, gỡ bỏ các hàng rào sắt. Đồng thời cung thánh cũng được đổ cao hơn, tráng lại bằng đá mài màu xanh cho hợp với các cột chung quanh. Một công trình khác cũng được thực hiện vào thời gian này là sửa và sơn lại tháp chuông, tô lại trần. Với màu hồng đặc trưng, tháp chuông cao vút của nhà thờ Tân Định luôn nổi bật trên nền trời xanh thẳm trông rất đẹp mắt. Tháng 7/1999 và tháng 9/2000, nhà thờ tiếp tục được sơn lại cả bên ngoài lẫn bên trong.

Nhà thờ Tân Định hiện nay

5. Nhà Thờ Đức Bà

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có tên chính thức là Vương cung thánh đường Chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tên tiếng Anh là Immaculatе Concеption Cathеdral Basilica, tên tiếng Pháp: Cathédralе Notrе-Damе dе Saigon. Đây được xеm là một “phiên bản kiến trúc” của Nhà Thờ Đức Bà Paris.

Nhà Thờ Đức Bà được xây dựng ở vị trí gần như là ở trái tim của Sài Gòn, giao lộ của nhiều con đường, trong đó có 2 đường nổi tiếng là Catinat và Norodom (Tự Do – Thống Nhứt),

Công trình được hoàn thành năm 1880 chỉ sau 2 năm rưỡi xây dựng, tất cả kinh phí xây dựng đều do nhà nước Pháp cung cấp với số tiền 2,5 triệu francs Pháp thеo thời giá lúc bấy giờ.

Phần cao nhất của nhà thờ là hai tháp chuông. Khi mới hoàn thành công trình vào năm 1880, hai tháp chuông cao khoảng 37m. Năm 1895, thеo thiết kế bổ túc của kiến trúc sư Fеrnand Gardеs, hai tháp thép dạng chóp nhọn được lắp dựng thêm bên trên tháp chuông, làm cho tháp chuông nhà thờ vươn cao trên bầu trời với chiều cao mỗi tháp khoảng 60m. Để đỡ bộ chuông nặng gần 30 tấn với 6 quả chuông, tường nhà thờ được xây rất dày, khoảng 1,4m.

 

Ngày 30-4-1975

6. Nhà thờ Cha Tam

Nhà thờ Cha Tam (Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê) được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20 ở Chợ Lớn, thuộc giáo xứ Chợ Quán.

Nhà thờ này được người Pháp xây dựng từ công quỹ, dành cho cộng đồng công giáo người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn có nơi cầu nguyện, đi lễ.

Được sự hỗ trợ của chính quyền, Giám mục Dépierre (Giáo Phận Sài Gòn) đã cử linh mục Pierre d’Assou có tên Hoa là Đàm Á Tố (Tam An Su), đọc sang âm Việt là Cha Tam, đứng ra mua một khu đất rộng 3 hecta ở xóm Lò Rèn, mặt tiền đối diện đường Thủy Binh (Rue des Marins, nay là đường Trần Hưng Đạo), gần Lệ Châu hội quán, ngay trung tâm Chợ Lớn để xây dựng.

Nhà thờ Cha Tam được xây dựng năm 1900 và hoàn thành năm 1902, mang tên chính thức là Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê. Tuy nhiên, vì linh mục Pierre d’Assou là người đứng ra xây dựng nhà thờ và cũng là vị cha sở đầu tiên, nên dân gian quen gọi là nhà thờ Cha Tam.

Nhà thờ có lối kiến trúc Gothique, giống như các nhà thờ ở Châu Âu, nhưng yếu tố văn hóa Hoa vẫn được coi trọng. Như cổng nhà thờ xây kiểu tam quan, tên nhà thờ ghi bằng chữ Hán, mái lợp ngói âm dương, các đầu đao cong, hai bên cây thánh giá, có hai con cá chép. Trên nóc nhà thờ còn gắn hoa sen, hai bức liễn ở hai bên cửa ra vào cũng viết bằng chữ Hán, bốn cây cột nơi chính điện sơn đỏ, là màu không phổ biến trong nhà thờ Công giáo.

Nhà thờ Cha Tam gắn liền với sự kiện anh em ông Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu vào tạm lánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 trước khi bị bắt.

Nhà thờ Cha Tam hiện nay

7. Nhà thờ Chí Hòa

Nhắc đến ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, người ta thường nhớ đến Nhà thờ Huyện Sỹ được ông trích 1/7 tài sản để đóng góp xây dựng. Tuy nhiên đây không phải là nhà thờ duy nhất mà ông đóng góp, mà trước đó đã có Nhà thờ Chí Hòa.

Nhà thờ Chí Hòa (tên chính thức là Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi) được xây dựng và khánh thành năm 1890 trên khu đất do ông Huyện Sỹ hiến tặng, rộng tới 600 ha. Từ thập niên 1950, vùng lân cận Nhà thờ Chí Hòa đa số là các họ đạo di cư từ miền Bắc, nên thường được dân ông Tạ gọi là nhà thờ Chí Hòa Nam, để phân biệt với những ngôi nhà thờ sau này của người Bắc 54.

8. Nhà thờ Huyện Sỹ

Nhà thờ Huyện Sỹ được khởi công xây dựng năm 1902 và hoàn thành năm 1905, tọa lạc trên một khu đất cao và rộng hơn một mẫu, nằm ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng).

Vì nhà thờ này của họ đạo Chợ Đũi, nên người ta cũng thường gọi đây là Nhà thờ Chợ Đũi, tuy nhiên tên chính thức là Nhà thờ Thánh Philipphê Tông đồ.

Tiền thân của nhà thờ Huyện Sỹ là một nhà thờ bằng lá được Giám mục Dominique Lefèbvre (Đức Cha Ngãi) dựng từ năm 1862, đến khoảng năm 1885 thì được thay bằng một nhà thờ bằng ngói.

Nhà thờ Huyện Sỹ lúc đang xây dựng với dàn giáo bằng tre

Năm 1900, nhà thờ ngói bị hư hỏng nặng, họ đạo Chợ Đũi được ông bà Huyện Sỹ (Lê Phát Đạt) hiến tặng một khoản tiền lớn để xây dựng nhà thờ mới. Tuy nhiên cũng trong cùng năm 1900 thì ông Huyện Sỹ qua đời, đến năm 1905 thì nhà thờ mới được khánh thành. Đến năm 1920, bà Huyện Sỹ là Huỳnh Thị Tài qua đời, người ta đưa cả hai ông bà an táng ở gian chái sau cung thánh của nhà thờ này. Trên mộ là tượng toàn thân ông Huyện Sỹ kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo, đầu chít khăn đóng quay về cung thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày.

Đối diện bên phải là tượng bà Huyện Sỹ với tóc búi, cũng dựa trên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài. Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu ông bà.

Nhà thờ Chợ Đũi được xây theo kiến trúc Gothic, là một trong số hiếm công trình sử dụng vật liệu đá granit Biên Hòa ở mặt tiền. Đó vốn là loạt đá rất cứng, nên đằng trước Nhà thờ không có các chi tiết trang trí truyền thống như thường thấy.

Ban đầu, nhà thờ nằm trên con đường mang tên Frère Guilleraut, đến 1955 đổi tên đường thành Bùi Chu (tên của giáo phận nổi tiếng liên quan mật thiết đến lịch sử hình thành Công giáo tại Việt Nam), sau 1975, đường mang tên là Tôn Thất Tùng.

Bên trong nhà thờ Huyện Sỹ

9. Nhà thờ Hạnh Thông Tây

Năm 1921, nhà thờ Hạnh Thông Tây tròn 100 năm xây dựng, toàn bộ chi phí xây dựng đều được vợ chồng ông Denis Lê Phát An (con trai trưởng của Huyện Sỹ Lê Phát Đạt) tự nguyện đóng góp, nằm trên ba thửa đất rộng 2,1 mẫu của ông Giuse Hồ Văn Chua hiến cho nhà thờ trước đó.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây được xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine ở châu Âu. Nguyên mẫu của nhà thờ chính là Vương cung thánh đường Thánh Vitale ở thành phố Ravenna, Italia.

Trần nhà thờ có hình vòm cung, phết nhũ vàng. Trên cùng là tranh khảm theo phong cách Byzantine mô tả cảnh Chúa Giêsu trên Thập Giá.

Ban đầu tháp chuông của nhà thờ có hình tháp nhọn, nhưng vì đây là vùng có nhiều máy bay quân sự bay qua nên cơ sở Hàng không Đông Dương đã xin cho hạ thấp tháp chuông nhà thờ Hạnh Thông Tây theo văn thư đề ngày 29/10/1953. Từ đó, tháp chuông có hình vuông như hiện nay.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây hiện nay

10. Nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc

Nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc, tên thường gọi là Nhà thờ Ngã Sáu, tọa lạc ở ngay ngã 6 Hùng Vương ở quận 5, là nhà thờ “trẻ tuổi” nhất trong số các tu viện đã nhắc đến trong bài, khởi công năm 1922, cách đây 99 năm, được xây trên khu nghĩa trang Hoa kiều.

Thế kỷ 19, giáo dân gốc Hoa ở Chợ Lớn rất thưa thớt, chưa có nhà thờ riêng nên thường đi lễ ở Nhà Thờ Chợ Quán cũng ở Chợ Lớn. Đến năm 1865 thì cộng đồng giáo dân người Hoa ngày càng đông, từ đó có một thánh đường tại đường Phùng Hưng được xây dựng, mang tên là Nhà Thờ Tổng Lãnh Thiên thần Micae.

Năm 1919, linh mục Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng về tiếp quản nhà thờ Micae. Vì nhà thờ đã xuống cấp và hư hỏng nặng, ông quyết định chọn một địa điểm khác rộng rãi hơn để cất một ngôi thánh đường mới với tên gọi Jeanne d’Arc, có phong cách kiến trúc Romanesque giống như Nhà Thờ Chợ Quán. Ông mua một miếng đất nằm trong khu vực nghĩa địa của người Hoa, vì giá rẻ, lúc đó giáo xứ không có nhiều tiền. Sau này nghĩa địa này được giải tỏa thành một công viên, nhà thờ nằm giữa một khu đất sầm uất, nằm giữa những con đường nhộn nhịp đan chéo nhau vây quanh nhà thờ như một bông hoa sáu cánh, cho nên người dân thường gọi là “nhà thờ Ngã Sáu”.

Nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc hiện nay

Đông kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận