Bài báo về tệ nạn trong ngày Tết người Việt 90 năm trước: “Cái lối chơi xuân của bà con ta”

Ngày Tết, mời các bạn đọc lại một bài viết về các tệ nạn ngày Tết đăng trên báo hơn 90 năm trước (Hà thành ngọ báo tháng 1 năm 1933). Dù đã qua gần 100 năm, nhưng những tệ nạn đó của người Việt ngày đầu xuân vẫn chưa qua được.

Các nước trên thế giới, tôi dám chắc không nước nào không có ngày tết; ngày tết có khác chỉ là khác ở chỗ ngày tháng tùy theo Dương lịch hay Âm lịch, hoặc cách ăn tết tùy theo phong tục từng dân.

Xét ra, người ta ăn tết thì không sao, mà bà con mình ăn tết thì bị lắm người ghét, lắm người kêu, thậm chí có người bàn nên bỏ tết.

Lời bàn ngang ấy làm cho nhiều người không hiểu vì sao.

Người thì cho rằng họ ghét tết vì họ muốn theo cái mới.

Người thì bảo họ ghét tết vì họ sợ ngày tết bận, sợ lễ mỏi gối, và sợ ăn tết đến bội thực.

Ý riêng tôi, tôi dám cho rằng, sở dĩ họ ghét tết là vì cái tết của ta nó xa xỉ, phiền phức lắm.

Nhưng đổ tại thế cả cũng không phải, vì cái tết của ta cũng lắm cái hay: như cúng lễ để nhớ cái công đức tổ tiên; cha con, anh em, vợ chồng, con cái xum họp để mừng nhau trong ngày xuân mới.

Nhưng khốn nỗi, ngày tết năm nào cũng vậy, bà con ta cũng cứ kéo dài rai rồi ăn tiêu xa xỉ quá, nào tranh, nào pháo, nào mã, nào vàng, nào cành đào, nào thủy tiên, chỉ toàn sắm những thứ tốn tiền vô ích!

Không những thế, chúng ta lại còn vẽ vời đi đền kia phủ nọ, nói rằng năm mới đi lễ cầu phúc cầu tài; nhưng xem ra, số người thành tâm đi lễ thì ít, còn phần đông là bọn công tử vỏ, tiểu thư vôi, giả dạng đi lễ cầu lộc cầu tài, mà kỳ thực chỉ cốt đi để khoe giòn khoe đẹp. Rồi thì lũ năm lũ bảy, áo quần như nêm, nói nói cười cười, rập rìu lũ lượt. Họ đem nhau đến những nơi đền chùa đình đám làm nơi hò hẹn gió trăng. Chẳng thế mà năm nào cứ trong dạo tháng giêng, cũng sản xuất ra bao nhiêu vãi non vãi trẻ!

Đó cũng là một cái tệ, nhưng chưa tệ như cái lối thưởng xuân bằng lá bạc quân bài!

Nhất là trong dạo tết này, người mình đã bày ra không thiếu gì trò, nào trò tam cúc, tài bàn, tổ tôm, bất rút, chân cạ, đô mười, ích xì, bài cẩu, có nhà quá vui lại giở cả xúc đĩa ra nữa.

Trong dạo tết này, khắp trong nước, có lẽ không mấy nhà không thưởng xuân bằng các cách chơi ấy. Từ nhà sang đến nhà hèn, cho đến cả những người không chơi cờ bạc bao giờ, cũng đâm vào mê man, mài miệt. Trước thì bảo để cầu vui, sau cay cú mới quay ra bóc lột lẫn nhau, bóp hầu bóp cổ. Cho nên năm nào cũng cứ trong ba tháng xuân, ta thấy chán anh thất cơ lỡ vận, mếu máo nhăn nhó, vì đã chót mượn quân bài lá bạc thưởng xuân.

Mà nào có phải chỉ thua tháy mất tiền, trong đám cờ bạc, thì ai còn có lạ gì, gái trai lẫn lộn, thượng hạ bằng đẳng, rồi kẻ chơi đâm ra mất nết hư thân, trăng hoa ong bướm.

Cái hại cờ bạc là một cái hại gớm ghê, thế mà năm nào trong vụ xuân bà con ta cũng cứ say đắm.

Tóm lại, tôi dám nói rằng cái lỗi vui xuân của bà con mình, còn có nhiều cái xằng bậy như thế, nên mới có người chán ghét bàn nên bỏ tết!

Nhưng mà bàn bỏ hẳn thì thực không nên, vì cái dở là tại người làm, chứ nào có phải tết.

Vậy thì ta cứ ăn tết một cách phải chăng, cái gì xa phí, xằng bậy thì nên bỏ đi. Nhất là cái lối suốt ngày đêm quây quần đánh bạc, cái thú liên miên ngày tháng trong các đền chùa, ta phải cần nên khuyên nhau bỏ hẳn, vì hai thứ chơi ấy, thường làm cho gia đình tan nát, trai bỏ vợ gái bỏ chồng.

Cái thói mê man về đền chùa, tôi dám chắc nhiều người đã tỉnh ngộ nên có thể bỏ được dễ dàng. Còn sự đánh bạc thì tôi tin rằng khó bỏ lắm, nếu cứ nói suôn không. Nếu có thể được, tôi xin chịu tiếng là hủ, là gàn, mà nhất định yêu cầu với các nhà chuyên trách trong ba tháng xuân nên lùng bắt hết thảy các nhà chơi bài bạc, bất cứ to, nhỏ, rồi thẳng tay trừng trị cho thì họa chăng có bớt được cái tệ cờ bạc dông dài, bê tha, bệ rạc.

Tác giả: Nam Chân

3 bình luận về “Bài báo về tệ nạn trong ngày Tết người Việt 90 năm trước: “Cái lối chơi xuân của bà con ta””

    • Bỏ Tết? Đó là từ đáng sợ và đụng đến nhiều. Tết là tập tục ông bà để lại sao lại bỏ.
      Khoảng gần 20 năm nay mới thấy xuất hiện ý tưởng này… nó có lẽ bắt đầu từ GS VTX, một người con xuất chúng của miền Nam, trước 75 đã du học và trở thành một trong những người xa trong viện Nghiên cứu và phát triển cây lúa Tg. Đến nay Ô vẫn được Nn ưu ái cấp nhà,xe…. để di chuyển nghiên cứu
      Do đi Nn nhiều,nhất là trong thời hội nhập với quốc tế nên Ô có đề xuất “Dời” ngày Tết để hợp với các nước xài duong lịch, vì trong khi mình đón Tết kéo dài chừng nào càng bất lợi về ký kết,giao ước, hợp đồng v.v…trong kinh doanh chỉ có nắm bắt thời gian và cơ hội, không ai chờ mình được! Từ đó Ô đề xuất dời Tết cổ truyền theo tết dương lịch của các nước không xài âm lịch. Không hiểu sao báo chí lại có những bài viết cho là “BỎ” đó là 2 từ khác âm khác nghĩa xa lắc, nếu không vì lợi ích quốc gia thì GS không đề xuất như vậy.

      Trả lời
      • Bác ơi bác có đọc hết cả bài viết không mà kết luận vậy :))) Tác giả nào có ý nói bỏ Tết đâu, đang muốn nói bỏ bài bạc ngày Xuân cơ mà

        Trả lời

Viết một bình luận