Bài báo về “dâng sao giải hạn” của người Việt 90 năm trước: Không nên mê tín dị đoan (1933)

Cứ tới mỗi ngày rằm tháng Giêng, thiên hạ lại bàn tán về câu chuyện “dâng sao giải hạn”. Có người nói vui rằng trong khi thế giới đang cố gắng chinh phục sao Hoả, mặt Trăng, hay các vì sao xa xôi ngoài Thái Dương hệ… thì Việt Nam đã sớm “chinh phục” được các chòm sao khác như Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch…

Theo quan niệm về “sao hạn” thì tuỳ vào tuổi từng người mà mỗi năm sẽ có một sao chiếu, sao tốt thì không sao, nhưng sao xấu như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch mà chiếu là năm đó kiểu gì cũng bị gặp hạn, cách hoá giải duy nhất là làm lễ dâng sao giải hạn. Việc bài trừ mê tín dị đoan là câu chuyện quen thuộc của thời hiện đại, và ít người biết rằng từ 100 năm trước cũng đã có rất nhiều trí thức người Việt viết bài đăng báo nói về chủ đề này, mà bài báo năm 1933 sau đây là một ví dụ tiêu biểu:

Nói rằng dân ta phần nhiều mê tín dị đoan nhất hoàn cầu tưởng cũng không phải là nói ngoa vậy. Những sự mê tín ấy nguyên do từ cổ chí kim lưu truyền lại. Giở lịch sử nước ta từ đời Lạc Long Quân dựng nước cho đến bản triều, đời nào cũng có những chuyện hoang đường, lấy lý thuyết khoa học mà xét thì ta nhất quyết mà cho là những chuyện bịa chuyện nhàm. Đến ngày nay, Âu-Á đua chen, ánh sáng khoa học đã soi khắp mặt trái cầu, nhiều dân tộc mê muội dị đoan phần nhiều đã dần dần tỉnh ngộ; trái lại, dân mình phần nhiều cứ mỗi ngày một mê mộng trong giấc ngủ triền miên thoái bộ, nói cho đúng ra, dân mình còn bị con quỷ dị đoan thu hồn nhiều lắm; bởi thế dân trí chậm khai thông.

Những người mà óc đã bị yểm nhiễm những quan niệm dị đoan thì phần nhiều có những nết hư tật xấu như trí tuệ kém, tinh thần suy, mất hết cả thiện tính. Giá Pascal tiên sinh còn sống, thì tiên sinh phải gọi những người ấy là người thế nào, chứ tôi dám cả quyết rằng tiên sinh không thể gọi là động vật có tư tưởng như tiên sinh thường chỉ loài người.

Bởi có những thói, nết xấu ấy nên mới sinh ra những chuyện tướng số, bói toán, xem dò, xem thẻ, gọi dí, gọi hồn, trừ tà, yểm quỷ v.v..

Kẻ viết bài này không bài bác, báng bổ gì tôn giáo đâu, xin độc giả chớ nhầm. Đã gọi là tôn giáo chính thức, cao xa, không bao giờ dạy người ta làm những việc ngu xuẩn, ngông cuồng. Kia như đạo Phật, đạo Cơ đốc cao thượng, tinh vi nghĩa lý biết là nhường nào.

Người nước ta theo cũng nhiều đạo, nhưng theo là theo, mấy ai chịu xét đến căn nguyên cội rễ. Họ thường nhầm ma quỷ quàng xiêng với thánh thần, nên chỉ 2 tiếng tôn giáo và dị đoan họ vẫn dùng nhầm, đã dùng nhầm nên thường xẩy ra những sự đáng tiếc; bởi vậy tôi phải phân trần:

Trước hết, sự xem số tử vi là một sự hão huyền. Người ta ở đời, mọi việc đều do hành vi mà ra cả. Hành vi tốt đẹp là vì nghị lực bền vững, gặp được sự may mắn; hành vi dở là vì nghị lực kém hèn hay cũng có khi gặp sự rủi ro. Số phận rất không nên tin mà rất nên tin rằng có may rủi. Những người hy sinh cho khoa học, cho chân lý thì không bao giờ chết vì số phận, như hai phi tướng Nungesser và Coli cưỡi con đại bàng sắt “Oiseau Bleu” rất mạnh rất to, tưởng khoảnh khắc thể nào cũng thắng nổi Đại Tây dương, ngờ đâu chưa bay khỏi bờ bể nước Pháp, một trận cuồng phong làm mất tích cả người lẫn chim sắt, cái chết ấy là chết vì rủi ro.

Gã Allain Gerbault mang nghiên giắt bút (vì gã cũng viết sách) cùng với con thuyền mỏng mảnh 2 thước đi hết dương kia biển nọ, thật là bầu trời nửa túi, non sống một thuyền, gặp biết bao nỗi gian truân gió dập sóng vùi thế mà vẫn sống, cái sống may mắn.

Một cái bào thai sắp sửa oe oe tiếng khóc ra đời thì người cưu mang nó hơn chín tháng đã vội lìa trần. Ai cũng tắc lưỡi nói: “Thôi, thế là số nó chết!”. Nhưng may sao, một bác sỹ lấy khoa giải phẫu cứu được nó ra, nó sống cái sống ấy là nhờ về nghị lực bền của quan bác sỹ.

Việc xem tướng tuy không bí hiểm như xem số, nhưng chẳng qua cũng là giả dối. Những anh thày tướng hay tán vượn tán hưu để cho tế toái; thường chúng hay giải thích chân dung hoặc dáng điệu người ta bằng những cái “thuyết” quá ư kỳ quái.

Phỏng thử có hỏi: “Nếu tin tướng, thế sao một gã thiếu niên kia trông có vẻ mi thanh mục tú, quắc thước anh hùng thế mà tư cách hèn hạ, ngu đần; một ả nọ nhan sắc bằng quỷ dạ xoa thế mà bước giang hồ lận đận như cô Lan cô Huê?” Họ lại tìm kế đáp: “nhưng mà đó là những người ấy có ẩn tướng, và còn có số phận nữa chứ”.

Cách ít lâu nay từ Trung Quốc truyền nhiễm sang ta một số khá đông thầy tướng thầy số phần nhiều gọi là “quỷ cốc tử” học đạo chính tông, xem số hà lạc, xem tướng xem bói, tướng pháp như thần! (?) Nào âm phần dương trạch, quá khứ vị lai, thọ yểu biết hết (!) Xét ra cách xem của họ cũng không hơn gì thầy bói, thầy tướng Annam, chẳng qua họ đánh lừa đánh bả những người yếu vía non gan tin nhảm tin quấy. Việc gọi di gọi hồn cũng là một sự thậm ư vô lý mà sự đánh đồng thiếp cũng là mánh khóe, người có óc thực tế chẳng ai tin.

Ngoài việc người sáng hỏi người mù, đứa dại làm thầy người khôn, phần nhiều người mình còn tin cả đến những vật vô tri vô giác nữa, như xem chân dò, xin âm dương, xem thẻ… Không gìn giữ vệ sinh để đau mắt, đổ cho thổ công; đẻ năm hợi, sợ hổ tha, vội thờ “thần” cọp: cái não dị đoan còn bắt những người si ngốc để lại hướng nhà, quay lại ngôi mộ…

Những sự nghi, với chẳng nghi ở những cuốn lịch của chú con Trời đã gieo rắc vào óc một số nhiều dân ta những sự mê tín quá ư quái gở vô lý mà người rợ Celte, rợ Gaule thủa xưa không bao giờ tin nhàm đến cực điểm như cưới vợ phải chọn ngày, so tuổi; quét nhà làm cửa phải xem giờ. Mấy năm nay cái nạn ấy càng ngày thấy bánh trướng, báo chương thường ta thán, dư luận đã xôn xao, thế mà vẫn chưa thấy bớt.

Tôi đã nói trên rằng tôi không đả động gì đến tôn giáo, vì tôn giáo là đạo lý chân chính; cái gì đã gọi là giả dối hão huyền, bỉ tiện thì không thể gọi là tôn giáo được. Tôi muốn nói việc dâng sao giải hạn của người mình thật là một chuyện thậm ư vô ý thức. Nào ông này nguyên trước kia sinh ở nước Lỗ nay giáng sinh đầu thai vào cửa họ Trần, mình sao “la hầu”. Nặng! nào bà kia, vốn trước sinh ở nước Tề, nay giáng sinh đầu thai vào họ Nguyễn, mình sao “kế đô”. Nặng! Đã nặng thì phải sửa đàn to, sắm lễ lớn, nào thuyền, nào mũ, nào hình nhân, giấy, mã… Viết đến đây tôi lại sực nhớ ra rằng ở bên Âu Tây cũng có những hạng bói toàn dùng những quân bài mà xem số, tiếng Pháp gọi là voyanles cùng những người dùng thiên văn học mà xem cung số tiền vận hậu vận (horoscope), những người ấy tiếng Pháp gọi là astrologues.

Nhưng họa hoằn mới thấy có, chứ không nhan nhản như ở bên ta, từ nhà quê cho đến kẻ chợ.

Tuy họ có một chút dị đoan thật, nhưng họ không tin rằng tuổi mình hỏa lấy tuổi mình thủy thì chết hay cái nhà này có “dớp”, ở thì bị “xúi quẩy”, thất tài… Trong phần nhiều gia đình ta có lắm kẻ tin rằng có bà cô thiêng, ông mãnh dữ, nay kêu mai cúng mà đổ tội cho ông mãnh bà cô tác tai cho cháu.

Nhiều nhà thờ “thần Tài” ở dưới gầm cầu thang hay xó vách. Ôi! đã gọi là thần thì phải thông minh có đâu lại ẩn nấp vào những nơi ô uế; đã gọi là thần thì phải chính trực thanh liêm có đâu lại đòi của kia vật nọ?

Nhà đại hiền triết Khổng phu Tử nói: “Nên kính quỷ thần, nhưng phải nên xa”. Chỉ lý thay mà cũng đáng tiếc thay cho phần nhiều con Lạc cháu Hồng mấy mươi thế kỷ theo đòi Nho giáo mà không thực hành được lý thuyết tốt của đức Thánh.

Không kể những ngôi đền miếu mà ta thấy những mụ đồng quan lợi dụng lòng mê tín của “con công đệ tử” mà ở chung với thần với thánh, đến như những nhà ở thành thị chật chội, ta thường thấy họ kê cả bàn thờ với giường ngủ, rồi cũng kiều kiều, cúng cúng, thịt thịt xôi xôi, uế khí xung thiên nghĩ mà ghê gớm!

Ở các thành phố đô hội, thường thấy nhiều cái đền miếu lẩn khuất trong những chỗ dân cư đông đúc, trông không có vẻ mỹ quan mà thật ra lại bẩn thỉu, ô uế vô cùng. Có nhiều gốc đa bị những tia nước tiểu vô tình phóng uế, hỏi “thần” bình vôi hay “thần” cây có linh thiêng còn ngồi chi mãi đấy?

Thường thấy nhiều người kể chuyện gặp “các bà, các cô” hiện lên khi thì hóa ra người nhà quê, khi thì hóa ra người giang hồ giang há, khi thì hóa ra vật nọ hình kia, tựa trung là những chuyện bịa đặt để mê hoặc lòng người.

Tôi đã bàn trong báo Khoa học số 7 rằng ta nên yêu cầu các nhà có trách nhiệm đến dân trí nên bài trừ riết cái nạn dị đoan.

Ở chốn hương thôn, các hương lý, ký dịch cũng nên để tâm đến sự tín ngưỡng chân chính cho dân sự. Nhiều làng còn thờ tà thần như một làng ở gần thành phố Hà Nội, có cái tục dị kỳ là đệ niên lúc làng vào đám, họ lấy chuối giã nhỏ ra rồi nhét vào ống tre, lèn ra rồi bầy vào trong những tầu lá chuối.

Ở miền bể, có một làng nọ, cách tỉnh lỵ Kiến An chừng 15 cây số thờ một người hành khất với cái bị và cái bát! dân sự làng ấy phải cắt phiên nhận đi ăn mày ở các nơi xa lạ. Ôi! kẻ mà lúc sinh thời sống nhờ thiên hạ, có công trạng gì với dân gian mà cũng thờ cúng một cách mờ tối thế?

Lại trên thượng du ở miền Phú Thọ, người ta còn thấy họ thờ cả vị thần gọi là “36 cái nõn nường” (?)… Còn biết bao nhiêu quỷ thần nhảm nhí nữa lẩn khuất trong óc đại đa số người mình, được người mình thờ phụng ở những gốc đa gốc đề hay ở những gò đống ở quãng đồng không mông quạnh.

Muốn bài trừ nạn mê tín dị đoan này, trước hết phái trí thức phải nên giác ngộ đã rồi dần dần cảm hóa bọn bình dân thất học bằng những phượng pháp phổ thông. Tôi xem trong phái trí thức hãy còn lắm người bị những tập quán dị đoan làm mất cả những đức hay nết tốt. Đừng nói đâu xa, nói ngay như trong làng văn này ngoài những đức văn sĩ chuyên trước dịch chuyện dị đoan, thường thường trên báo trương ta thấy nhan nhản những tiếng “tiền định”, “tiền kiếp”, “thời vận”, v.v..

Ông K., bạn tôi có quan niệm khoa học, nhưng cái trào lưu dị đoan nó bắt ông phải tin một phần tư (!) rằng có số phận – Ông ở phái hoài nghi.

Bà Q, một tối tân nhân vật nhưng tân ở bộ mã, đầu năm xuân thủ bà đi lễ xin thẻ để xem việc cầu con; cuối năm bà phải đội bát nhang. Bà thấy vị sao đổi ngôi bà phải “thủy thui”, bà thấy cái đồng hồ không chạy bà cấm người nhà đừng kêu là nó chết, vì kiêng! Bà dị đoan.

Không gì khả ố bằng trông thấy những kẻ mượn tiếng thánh thần mà lòe đời rằng những là thánh ốp với đồng lên, múa may quay cuồng làm lắm trò rơ giáng đê tiện.

Tôi còn nhớ cách đây vào khoảng 11, 12 năm, vợ một quan Tây kia ở Cảng có máu mê đồng bóng, chồng can thế nào cũng không được. Một hôm chồng lập kế nói dối đi chơi xa, vợ ở nhà lẻn đi “hầu giá”. Đường hò hét múa may, các “cong công đệ tử” đương tâu tâu, lạy lạy, đàn đương ngọt hát đương hay, bỗng thình lình quan tới vác roi gân bò đến, mụ trông thấy hoảng hồn mà hoàn cung thánh giá.

Tuần kia, tiết nọ, nhật tiêm nguyệt tý, bà con ta mỗi năm làm giầu cho con cháu vua Hoàng đế biết cơ man nào là vàng là giấy. Tôi nghĩ đến những gánh vàng ngũ sắc và những kiện giấy kia mà họ dùng để đốt ra tro từ tối giao thừa cho đến cái mũ ông táo qua những mã dâng sao tháng giêng, mã quan ôn mùa hạ, đồ mã rằm tháng bẩy mà lòng tôi càng thêm ngao ngán.

Nói tóm lại, cái nạn mê tín đã làm cho nhân loại nhiều khi không hiểu nhau, cái nạn mê tín đã làm cho dân tộc ta phải bước thoái lùi, nó làm cho bao nhiêu người xẩy chân nhỡ bước, tiền mất tật mang, làm cho tính tình đê tiện, bỉ ổi, ngu đần.

Vì áng công tâm, kẻ viết bài này mong những ai kia đã lầm lỡ nên mau mau cải quá; những ai kia chưa bị thím dị đoan đánh bả bùa yêu thuốc dấu nên theo ngọn đuốc của cô khoa học đã nhận cái thiên chức thiêng liêng đưa đường chỉ lối cho nhân loại.

Tác giả: Hoài Giang Thủy
Tạp chí Khoa Học, số 42 ra ngày 15/3/1933

Viết một bình luận