Bài báo năm 1944 về vấn đề an cư cho người nghèo ở Sài Gòn: “Những xóm nhà lá mới”

Mời các bạn đọc lại một bài báo khá đặc biệt, đăng trên Nam Kỳ Tuấn Báo cách đây tròn 80 năm (1944), nói về vấn đề quy hoạch Sài Gòn, lo việc an cư lạc nghiệp cho người nghèo. Điều đặc biệt nhất là đây là bài báo này dùng tử ngữ rặt kiểu Nam Kỳ, với nhiều phương ngữ mà đến nay ít người biết tới. Điều đáng nói tiếp theo là qua bài báo này, chúng ta phần nào tìm hiểu được vấn đề dân sinh ở Sài Gòn cách đây 80 năm, biết được cách nhà cầm quyền thời đó tổ chức cuộc sống cho người dân ra sao, đặc biệt là vấn đề người nghèo, các khu nhà lá nghèo nàn, rách nát, xập xệ ở nơi được gọi là “hột Trân châu Viễn đông” (chứ không phải cách nói Hòn ngọc Viễn đông mà chúng ta vẫn thường nghe).

Tờ Nam Kỳ Tuần báo này là của Hồ Biểu Chánh (giám đốc, chủ bút), nên cách hành văn trong tất cả các bài báo đều mang dấu ấn đặc trưng của tiểu thuyết gia nổi tiếng này.

Địa phương ta được người ngoại quốc tặng là hột Trân châu Viễn đông. Tiếng khen tặng ấy do những nguyên nhơn vật chất: đường sá rộng rãi, dinh thự nguy nga, chợ búa sạch sẽ; cả châu thành ban ngày đều nhờ tàng cây che mát mẻ; tối lại, bằng vạn ngọn đèn điện theo hàng ngũ sáng soi không chừa một đường hẻm nào. Cách tổ chức công đường, công quán cùng các tửu lầu đều hạp thời kỳ và vệ sanh; trên bờ những mối lộ nối với các xứ nội và ngoại Liên bang; dưới thì sông sâu nước chảy; lại thêm đường hàng không; nói tóm tắt: Địa phương Saigon – Cholon ta có đủ mọi điều kiện đứng vào một thị trấn tân thời. Địa phương chẳng những là trung tâm điểm của xứ ta mà thôi, hơn nữa lại là một căn cứ địa cho thương cuộc khách du lịch Á Đông.

Theo đó chúng ta thấy Địa phương có một địa vị rỡ ràng trong các thành thị ở châu Á nầy.

Biết vậy mặc dầu, song giải quyết vấn đề nhà lá theo ý kiến của nhà đương cuộc chẳng phải do một nguyên nhơn duy nhứt là trau dồi hột Trân châu mà thôi đâu!

Theo chúng tôi thấy, nhà cầm quyền lấy lẽ dân sanh làm yếu lý.

Cái quang cảnh xinh đẹp của một thị trấn, dầu sao đi nữa, cũng là một điều kiện phụ thuộc đối với lẽ dân sanh ấy.

Khi Quan Thống Đốc Nam kỳ Ernest Hoeffel còn ngồi ghế Quận trưởng Địa phương ngài đề khởi giải quyết vấn đề nhà lá thì các bạn đồng nghiệp của chúng tôi lúc ấy đã bàn đến việc quan trọng nầy nhiều phen rồi. Lại mới đây, Quan Vệ sanh Viện trưởng Địa phương là bác sĩ Hérivaux có đọc một bài diễn văn tại nhà chớp ảnh Majestic trước một cử tọa gồm những nhà tai mắt xứ nầy

Quan Bác sĩ không nói dông dài, nhưng mà giản dị, rõ ràng. Ông trình cho thính giả các sự tai hại của những xóm nhà lá trước kia; những phương châm cải tạo của người có phận sự lo cho dân nghèo và sau rốt các đều kiến trúc hậu lai. Kế đó, nối theo bài diễn văn của Bác sĩ, một lớp chớp ảnh của ông Lhuissier nhắc lại từ đoạn những lời của diễn giả, làm cho cử tọa cả thảy hài lòng.

Vì là ở trong một thành thị lớn, vấn đề nầy có tánh chất quan trọng và nhờ những tài liệu của Quan Vệ sanh Viện trưởng nên chúng tôi có phận sự nhắc lại cho độc giả và tất cả công chúng Sài thành cùng là ai vắng mặt bấy lâu nay và không có dịp nghe các báo giãi bày.

Tình hình các xóm nhà lá lúc trước

Kể từ giữa năm 1942 lại trước, Địa phương ta có ít nữa trên hai vạn nóc nhà lá ở nội châu thành và cất trên những khoảng đất tổng cộng có 150 mẫu. Dân cư ngụ trong các xóm ấy, gồm những gia quyến lao động kể ra có từ 120.000 đến 140.000 con người, nghĩa là có trên một phần tư dân số ở đây.

Những nhà lá nầy cất từ chòm, từ khóm, mỗi chòm có cả năm, bảy chục, có khi đến cả trăm nóc gia. Mạnh ai nấy cất không hàng ngũ và dày bịt trên những miếng đất ước át, dơ dáy. Thế mà, dưới những chòm nhà thiếu vệ sanh ấy, hằng ngàn, hằng vạn lương dân chen lấn nhau cư ngụ với gia đình của họ.

Mặc dầu ở giữa một thành thị lớn, họ phải đành ở dựa một bên những ao, những vũng đọng nước hôi mãn năm; họ đành phải chịu lăn lóc gần gũi những bầy bò, bầy dê hoặc là heo cúi, gà vịt. Bao nhiêu cỏ rác, bao nhiêu phân súc vật, có khi đến của con người, đổ lầy những nẻo hẻm quanh co, làm cho ai không quen hơi bước chơn đến đây phải khó chịu.

Không trách sao những cảnh trạng như vậy, nếu không làm mồi cho lửa trong mùa nắng, thì cũng là chỗ chứa những bịnh hiểm nghèo như trái trời, dịch hạch, ban cua, kiết và thiên thời.

Vả lại, trên mười vạn lương dân nầy là tay chơn của các chi ngánh hoạt động của Địa phương; như thế mà sau những giờ cần lao mệt nhọc, họ lại còn phải len lỏi vào trong chỗ tối tăm; nhà không số, đường không tên. Nhiều khi những bọn gian giảo ẩn dật vào đó phá khuấy họ thì ty Cảnh sát cũng khó ngăn ngừa. Nói lẽ ngay, họ có gia trụ mà cũng như không: trên những sở đất ấy, họ không có đến cái quyền ở dài hạn, đừng nói chi vĩnh viễn; chủ đất chỉ cho họ ở tạm thời mà thôi.

Những xóm nhà lá mới

Vì những điều bất tiện ấy đáng tiếc cho dân nghèo nên nhà cầm quyền đã nhiệt thành giải quyết vấn đề nầy: dời dân cư đến một nơi nào mà người ta có thể thiết lập các cơ quan và điều kiện cần ích cho một cuộc sanh hoạt hàng ngày.

Trước hết, người ta chọn lựa những khoảng đất nào rộng rãi và ở được vững bền, rồi phải bồi đắp cho bằng phẳng và cao ráo. Những nhà lá cất trên đất ấy đều phải tùy theo cách kiến trúc của Chánh phủ, nghĩa là phải chừa đường sá rộng và ngay thẳng, mỗi nhà đều có một cái sân để trồng bông hoa, rau cải tùy ý. Từ nhà nầy đến nhà kia, phải có một khoảng trống: như không may, một ngọn lửa phát ra thì cũng dễ cứu chữa những nhà lân cận. Nhờ đường sá ngay thẳng và thông thương, những xe chở rác, chở phân của thành phố đến được thường ngày. Nhiều chỗ đã được sở Y tế phát thuốc cho trẻ em đã có trường tiểu học. Nhà cầm quyền lại có nhã ý để tên các đường và cho số mỗi nhà. Ai đến ở trong xóm tự nhiên có một địa chỉ đành rành chẳng khác nào ở những đường lớn trong châu thành.

Chỗ dân cư đông đảo ấy, người ta lập nhà lồng chợ có đủ đồ vật thực và dẫn nước máy đủ dùng, lại cũng không quên làm sân vận động cho người hâm mộ thể tháo cùng là phát cơm thí cho trẻ em nghèo do nhiều hội phước tiện.

Cứ theo những điều kiến thiết trên đây, hơn một ngàn nóc gia đã cất sẵn sàng tại Phú Thọ trên một miếng đất rộng đến 30 mẫu; trong Cholon, có cả 80 mẫu để dời cả ngàn nhà lá ở hai bên mé đại lộ Galliéni, từ Saigon đến Cholon. Tại Thạnh Mỹ An, 40 mẫu nữa đương sửa soạn, và có lẽ hoàn thành trong năm 1944 nầy.

Chúng ta đã thấy cuộc cải tạo nầy có một ý nghĩa về xã hội nhiều hơn một sự trau dồi bề ngoài. Sau khi dời tất cả nhà lá vào xóm riêng đã định cho họ rồi các khoảng đất trống tự nhiên sẽ thành của tư. Cất phố xá, lầu đài lên đó là do phương pháp riêng của mỗi chủ đất.

Điều tối cần là lo cho dân nghèo cho có chỗ ăn ở yên tịnh và nếu chưa gọi là đặng lẽ sống vui, thì ít nữa cũng đủ điều kiện để sống.

Tác giả: Ngô Thành Tâm

Giải nghĩa 1 số chữ xưa trong bài báo này:

  • Châu thành: Trong bài báo này nhiều lần nhắc tới chữ “châu thành”, nghĩa là “nội thành” theo nghĩa hiện tại.
  • công đường, công quán: tức là đường sá, cơ quan nhà nước
  • tửu lầu: trong bài này ý nói là quán xá
  • mối lộ: các ngả đường
  • liên bang: ý bài viết này là Liên bang Đông Dương
  • Saigon – Cholon: Thời xưa báo chí thường viết địa danh Sài Gòn, Chợ Lớn, Đà Lạt, Mỹ Tho… là Saigon, Cholon, Dalat, Mytho…
  • rỡ ràng: rạng rỡ
  • đương cuộc: đương thời
  • Quan Thống đốc, Quan bác sĩ, Quan vệ sanh…: Thời đó, thường gọi những người có chức vụ là Quan, gần với chữ “cán bộ” của hiện tại. Quan bác sĩ và Quan vệ sanh trong bài viết này có chức vụ tương đương với Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Sở Môi trường ngày nay. Còn chức vụ Thống đốc Nam Kỳ cai quản toàn cõi Nam Kỳ, nhưng dưới quyền ông Quan Toàn Quyền, và cấp trên của Quan Toàn quyền là Bộ trưởng Bộ Thuộc Địa của chính phủ Pháp.
  • Nhà chớp ảnh Majestic: Là rạp chiếu phim bên trong khách sạn Majestic đường Catinat.
  • Chòm, khóm: đơn vị hành chính gần với Ấp của ngày nay.
  • nóc gia: Căn nhà
  • Dày bịt: Dày đặc
  • Mãn năm: Ý trong bài này là quanh năm suốt tháng
  • Heo cúi: Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của thì “heo cúi” là tiếng đôi, “cúi” cũng có nghĩa là heo. Trường hợp tương tự là “xe cộ” cũng là tiếng đôi, vì cộ cũng có nghĩa là cỗ xe.
  • phá khuấy: phá quấy
  • Ty cảnh sát: Sở cảnh sát
  • Thể tháo: Thời trước thập 1930, báo chí có chuyện mục tên là Thể Tháo, sau mới đổi thành Thể Thao như hiện tại.
  • đại lộ Galliéni nối Saigon với Cholon, nay là đường Trần Hưng Đạo.

Ngoài ra, bài viết này còn sử dụng nhiều chữ mang tính phương ngữ của người Nam Kỳ, như hạp (hợp), vệ sanh (vệ sinh), nguyên nhơn (nhân), nhứt (nhất), hột (hạt), dân sanh (sinh), chơn (chân).

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận