Vấn đề đốt vàng mã (giấy tiền vàng bạc âm phủ) hiện nay đang thu hút dư luận với 2 ý kiến trái chiều. Ít người biết rằng hàng trăm năm trước, trên báo chí quốc ngữ đã có nhiều bài viết, đa số là những phân tích khoa học để khuyên người dân bỏ tục lệ này. Đây là 1 trong những bài viết như vậy, đăng trên tạp chí Khoa Học tháng 9 năm 1933.
Ai đã quan sát về đồ mã, hẳn phải khen thầm rằng kỹ nghệ ấy ít lâu nay tiến bộ lắm. Mà tiến bộ thật: Ngày xưa thì các bác thợ hoa man mới đóng được những bánh xe gỗ, bây giờ họ đã chế ra được những chiếc ô tô rất hợp thời trang; họ còn làm được tê lê phôn, máy hát, đèn điện, cùng nhiều thứ khác.
Sở dĩ đồ mã được tinh xảo như thế là vì hai lẽ chính: một là đỗ mã dễ làm; hai là đồ mã tiêu thụ được nhiều.
Đồ mã dễ làm: Chẳng nói thì ai cũng biết cái ô tô, máy nói, máy hát, bóng đèn điện,… đều được làm bằng giấy với nứa, chẳng phải cần đến những khí cụ tinh xảo, đắt tiền và nhân công có chuyên môn như ô tô, máy nói, máy hát, đèn điện của người Âu Mỹ.
Đồ mã tiêu thụ nhiều: Ai thờ ông bà ông vải lại không dùng vàng mã. Dù giàu, dù nghèo, cũng phải sắm những đồ “vô dụng mà cần dùng” ấy. Vô dụng, vì là đồ giả; khi đốt rồi dù thực có giữ được nguyên hình ở dưới cửu tuyền chang nữa, nhưng cũng vẫn là giả kia mà. Cần dùng vì lòng tin, tin một cách mơ hồ, chẳng có gì làm căn cứ: tin rằng xe ô tô không máy đốt xuống Âm phủ sẽ hoa ra có động cơ, bóng đèn điện giấy đốt xuống đấy sẽ thành ra thật…. Nhưng đời này là đời khoa học, những chuyện tin nhảm ấy liệu có làm mê được những người học thức nữa không? Hẳn mọi người đã biết rằng xe ô tô chạy bằng máy, máy hoạt động nhờ dầu xăng, xy lanh, bít tông,… không thể nào tin được việc dùng ô tô giấy. Những người dùng đèn điện cũng vậy, đã biết rằng cái bóng đèn phải có sức điện thì mới sáng được, không thể tin chuyện anh thợ mã có tài gì mà làm cho giấy hóa pha lê.
Đã không tin mà bị cưỡng bách phải dùng, thiết tưởng thật có hại cho việc thờ cúng tổ tiên, là một việc ta chẳng muốn cho hạng thiếu niên lãnh đạm. Hại vì rằng họ đã biết đồ mã là đồ giả, dùng đồ mã là một việc tin nhảm; thờ cúng tổ tiên là ở lòng thành thực muốn ghi ơn người trước; nếu đem đồ giả dùng vào việc thực thì sao khỏi có hại.
Nay triều đình Huế đã cải đổi việc tế lễ: Nào là bỏ tam sinh, nào thôi vàng mã, tuy đó chưa phải là một việc cải đổi bắt buộc ai cũng phải tuân theo, nhưng cũng là một tấm gương sáng, ta há lại chẳng nên soi vào.
Người Tầu sinh ra đồ mã, nay đã bỏ rồi, ta bắt chước Tầu sao ta lại vẫn dùng. Chắc ta chưa tỉnh ngộ.
Ai là người biết xin thử nghĩ xem: Đồ mã, nên để hay nên bỏ?
Hữu Sào