Khách sạn Caravelle được xây năm 1957, khai trương vào dịp Noel năm 1959 và vẫn còn cho đến ngày nay. Ngay từ ban đầu, tầng trệt của khách sạn có văn phòng thương mại của hãng Air France (đến ngày nay vẫn còn sau 1 thời gian gián đoạn sau năm 1975).
Khách sạn Caravelle nằm ở vị trí rất đẹp, trên đường Tự Do nằm sát bên cạnh Opera House, khi đó đang được sử dụng làm trụ sở Quốc Hội
Vị trí xây khách sạn này, trước đó vốn là quán Grand Cafe de la Terrasse, một trong những quán cà phê đầu tiên và nổi tiếng của Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hòa, quê ở Cần Thơ, từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tu nghiệp tại Hoa Kỳ, đã được mời thiết kế tòa khách sạn này. Ông Hòa cũng là người thiết kế nhà nghỉ của vua Bảo Đại ở Ban Mê Thuột. Vào đầu thập niên 1950, ông Hòa đã cùng hai người bạn thành lập một công ty xây dựng và đã xây dựng nhiều biệt thự, viện bào chế dược phẩm ở Sài Gòn.
Khách sạn Caravelle được xây dựng với cổ phần của hãng Catinat Foncier, hãng hàng không Air France và Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Khi việc xây dựng khách sạn bắt đầu vào năm 1957 thì hãng hàng không Pháp đã bay thử nghiệm loại máy bay dân dụng tầm trung hiệu Caravelle (thuyền buồm).
Khi khách sạn hoàn thành thì cũng là thời điểm mà hãng đưa loại máy bay ấy vào sử dụng. Vì là đồng sở hữu khách sạn và Air France cũng đặt trụ sở chính tại đây nên cái tên Caravelle được lựa chọn làm tên khách sạn.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hòa nhận lời xây dựng công trình này với thỏa thuận ông được toàn quyền quyết định thực hiện các ý tưởng của mình và sử dụng tất cả những kỹ thuật hiện đại nhất thời đó để xây dựng khách sạn, đó là hệ thống phân phối nước nóng, nước lạnh, hệ thống điện, thang máy vận chuyển hàng hóa… Tất cả các vật liệu dùng trong việc trang trí nội thất đều là hàng ngoại nhập.
Khách sạn Caravelle ban đầu gồm 2 khối A và B. Khối A được điều hòa không khí toàn bộ từ tầng trệt đến tầng 9, kể cả thang máy. Khối B cao năm tầng là khu nhà cung cấp các tiện nghi cho khối A, chỉ có hệ thống điện và nước lạnh, nóng.
Khách sạn bao gồm tầng trệt, nơi có sảnh văn phòng của Air France. Tầng hai đến tầng sáu là khách sạn, mỗi tầng 13 phòng, tổng cộng là 43 phòng, đều là phòng thượng hạng.
Hầm khối A gồm có phòng chứa hành lý của khách và hệ thống thoát nước, vệ sinh. Phía trên đó là tầng trệt rộng có lối ra phòng khách, thang máy, phòng tổng đài điện thoại, sân, phòng điện thoại, phòng làm lạnh, hầm rượu và một phòng chứa thực phẩm dự trữ cho nhà hàng ở tầng 9.
Lầu một có 4 phòng ngủ với sảnh chờ, phòng tắm và chín phòng làm việc, một phòng rộng hình bầu dục và một phòng chứa thực phẩm. Từ tầng 2 đến tầng 6, mỗi tầng đều có 13 phòng ngủ, một phòng chứa thực phẩm và một phòng bầu dục.
Tầng thứ 7 dành riêng cho Tòa đại sứ Úc, gồm 2 căn hộ. Một căn hộ rộng lớn chỉ có một phòng ngủ. Căn hộ còn lại có ba phòng ngủ. Tầng nầy còn có một khu vực gồm 6 phòng làm việc ngó mặt ra đường Tự Do.
Tầng thứ 8 có sáu phòng khách. Nhà hàng, khu vực làm bếp, phòng thực phẩm đông lạnh và các cơ sở phụ trợ khác nằm ở tầng 9. Tầng 10 là sân thượng rộng có thể nhìn bao quát thành phố. Đã có rất nhiều hình ảnh Continental, tòa Hạ Nghị Viện và công trường Lam Sơn được chụp từ đây.
Ban đầu, người ta dự kiến khách sạn sẽ hoàn thành trong năm 1957 và đầu năm 1958 thì bắt đầu giao tầng 7 cho phía ngoại giao Australia.
Tuy nhiên vì các vật liệu trang trí đều là đồ nhập nên việc hoàn thành bị chậm trễ, mãi đến trước ngày Giáng Sinh năm 1959 thì khách sạn mới chính thức được khai trương. Trong khoảng thời gian một năm sau đó, nhiều hạng mục của khách sạn vẫn còn phải tiếp tục được điều chỉnh. Đến giữa năm 1960, hãng hàng không Air France vẫn còn đề nghị sửa đổi một vài chỗ ở tầng trệt, nơi hãng này đặt làm nơi giao dịch và bán vé máy bay của hãng.
Ở tầng 7, luật sư của phái bộ ngoại giao Úc đề nghị rằng, những đối tượng cư ngụ ở tầng 6 và 8 phải là đối tượng được thỏa thuận của họ. Riêng ở tầng 7 thì bọc lưới sắt bên trên bộ phận điều hòa không khí và cửa sổ, còn ổ khóa cửa ra vào thì phải là loại đặt riêng theo yêu cầu. Phòng riêng của vị trưởng phái đoàn phải được cách âm hoàn toàn.
Dù có nhiều chậm trễ như vậy, nhưng sau khi khai trương, khách sạn Caravelle vẫn được xem là một công trình biểu tượng đại diện cho sự sang trọng. Người ta bị choáng ngợp bởi những trang thiết bị thể hiện sự đẳng cấp của khách sạn, như là hệ thống điện thoại mà vào thời ấy là một xa xỉ phẩm ở Sài Gòn. Tòa nhà cũng sử dụng một cách hào phóng đá hoa cương Ý lót sàn nhà, và sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam loại kiếng chống đạn an toàn của Pháp, ngoài ra còn có một máy phát điện dự phòng khi cúp điện hiệu Berliet…
Có vị trí ngay sát bên cạnh những công trình cổ mang phong cách Pháp là Opera House, Continental Palace, xa hơn một chút là Tòa Đô Chánh, Nhà Thờ, nên khách sạn Caravelle xuất hiện cuối thập niên 1950 trở nên nổi bật vì là tòa nhà hiện đại và cao nhất Sài Gòn thời điểm đó, với giá một đêm là $17, lầu thứ 8 có nhà hàng, có thang máy, máy lạnh, nước nóng, điện thoại. Vì lý do an ninh, cửa kính dùng loại kính chống đạn.
Trong những năm thập niên 1960, Caravelle Hotel là nơi đặt trụ sở của Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán New Zealand, và văn phòng đại diện của các hãng thông tấn lớn của Mỹ là New York Times, NBC, ABC và CBS. Đó là thời gian mà khách sạn này được xem là trung tâm của báo chí nước ngoài, nơi nhóm họp của các ký giả kỳ cựu quốc tế, vì nó nằm ngay bên cạnh trụ sở Quốc Hội (thời kỳ 1967-1975 là Hạ Nghị Viện), là trung tâm chính trị của chính quyền miền Nam, đồng thời từ trên sân thượng của Caravelle có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, khách sạn Caravelle còn là địa điểm họp mặt của nhóm trí thức và chính khách thời Đệ Nhất Cộng Hòa khi họ soạn thỉnh nguyện thư đòi Tổng thống Ngô Đình Diệm cải tổ chính trị để mở rộng nền dân chủ. Bản văn kiện đó được công bố rộng rãi năm 1960, tác động nhiều đến chính trường Miền Nam. Nhóm người đó sau được gọi chung là Nhóm Caravelle.
Sự thành công của khách sạn Caravelle đã thu hút sự chú ý của những đại gia trong ngành khách sạn trên thế giới. Tháng 7/1962, tờ Times of Vietnam loan tin rằng đã có một hợp đồng xây dựng khách sạn Hilton được ký giữa khách sạn Caravelle và tập đoàn khách sạn Hilton. Khách sạn mới này được mở trên cơ sở mở rộng khách sạn Caravelle, xây thêm 159 phòng mới và sẽ có hồ bơi trên tầng thượng. Người thiết kế và thực hiện công trình cũng vẫn là ông Nguyễn Văn Hòa, mới tu nghiệp ở Hoa Kỳ về, và ông Lâm Ngọc Huân, nguyên biên tập viên tạp chí kinh tế Information Economique du Vietnam sẽ nhận nhiệm vụ quản lý.
Dự kiến cuối năm 1962 việc xây dựng sẽ bắt đầu, nhưng có lẽ do có những lo lắng về tình hình chính trị ở Việt Nam nên dự án không được thực hiện.
Sau năm 1975, khách sạn Caravelle bị chính quyền quốc hữu hóa và đổi tên thành khách sạn Độc Lập, thuộc Tổng công tu du lịch Thành phố.
Đến năm 1992, Tổng công ty du lịch thành phố hợp tác với Chains International Hotels Management Singapore Pte. Ltd để thành lập công ty Liên doanh Chains-Caravelle, lập dự án nâng cấp khách sạn Độc Lập thành một khách sạn quốc tế cao 25 tầng và lấy lại tên cũ Caravelle.
Ban quản lý mới đề nghị phá tòa nhà cũ, xây lại mới, nhưng Giáo hội Công giáo Việt Nam – với tư cách là một cổ đông lớn – phản đối và xin chính quyền hoàn lại cơ sở này cho Giáo hội nếu phá hủy công trình cũ, với thông điệp: “Nếu nhà nước thấy không cần sử dụng khách sạn nữa thì trả lại cho giáo hội”.
Cuối cùng các bên thỏa thuận xây một tòa nhà cao 24 tầng xây sát bên cạnh tòa nhà cũ năm 1959 vẫn giữ nguyên.
Mời các bạn xem lại hình ảnh khách sạn Caravalle trước 1975:
–
–
Hình ảnh trên sân thượng Caravelle:
Những hình ảnh được chụp từ trên Caravelle nhìn ra xung quanh và nhìn xuống dưới đường Tự Do, phía công trường Lam Sơn, Quốc Hội/Hạ Nghị Viện, Eden, Continental…
–
–
–
–
–
–
–
–
–
Đông Kha – chuyenxua.net
Hình ảnh: manhhai flickr