“Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng và giai thoại về những chuyện tình trong đời

Bất kỳ một tình tiết, câu chuyện, giai thoại nào liên quan đến Bùi Giáng và các tác phẩm của ông đều nhuốm màu hư thực. Ông đi qua đời sống như một cuộc dạo chơi, cách ông viết, dịch sách, hay làm thơ đều nhẹ nhàng, bay bổng, lãng đãng như chuyện thần tiên. Giai thoại về những chuyện tình của ông cũng vậy.

Xưa nay, gắn liền với những thi nhân tài hoa luôn là các giai thoại liên quan tới các người đẹp. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì hình bóng của người đẹp luôn là nguồn khởi phát lớn nhất cho cảm hứng sáng tác của các nhà thơ, nhạc sĩ… Bùi Giáng không là ngoại lệ.

“Mẫu thân Kim Cương”

Giữa Bùi Giáng và “kỳ nữ” Kim Cương tưởng như chẳng thể gặp nhau ở bất kỳ điểm chung nào, nhưng lại tồn tại một thứ lương duyên kỳ lạ, gắn bó suốt 40 năm. Dù điên hay tỉnh, dù lúc còn khoẻ mạnh đi dạy học hay lang thang khắp nơi đầu bù tóc rối, Bùi Giáng luôn dành cho Kim Cương thứ tình yêu thuỷ chung, bền bỉ và trong sáng nhất. Còn với Kim Cương, tuy không phải là tình yêu, nhưng có lẽ ẩn sâu trong bà là thứ tình cảm vừa thương cảm vừa ngưỡng mộ, vừa gần gũi, lo lắng cho Bùi Giáng như một người thân tới tận cuối đời.

Bởi vậy, dù thi sĩ Bùi Giáng đã qua đời hơn 22 năm và kỳ nữ Kim Cương thì đã bước qua tuổi 80 từ lâu, người ta vẫn còn kể về những câu chuyện kể về mối tình kỳ lạ và đặc biệt này.

Kim Cương và Bùi Giáng

Tình yêu sét đánh

Bùi Giáng và Kim Cương gặp nhau lần đầu tiên ở đám cưới của một người bạn chung tên Thuỳ. Khi đó Kim Cương chỉ mới 19 tuổi nhưng đã bắt đầu nổi danh trên sân khấu. Hôm đó, Kim Cương mặc áo dài lụa trắng, Bùi Giáng ngẩn ngơ ngắm nhìn người đẹp và ông như thấy người cô phát ra hào quang. Ấy là lúc, Bùi Giáng phải lòng Kim Cương. Đến tận cuối đời, những giây phút đầu tiên đó vẫn in hằn trong trí nhớ của Bùi Giáng và ông đã viết:

“Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ”

Sau đó, Bùi Giáng nhờ người bạn chung tên Thuỳ mai mối cho ông gặp người đẹp. Kim Cương kể:

“Một hôm, Thuỳ bảo tôi: – Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị. Tôi trả lời: – Ừ, thì mời ổng tới.”

Từ đó, Bùi Giáng bắt đầu lui tới thăm Kim Cương. Lúc này, Bùi Giáng còn đi học dạy nên áo quần chải chuốt, gọn gàng chứ không phải là râu ria xồm xoàm, áo quần kỳ dị như một gã ăn mày mà người ta vẫn thường hình dung về ông những năm sau này. Tuy nhiên, càng tiếp xúc với Bùi Giáng, Kim Cương càng thấy ông không được… bình thường. Bùi Giáng mời Kim Cương đi uống cafe nhưng nhất định không đi xe hơi của gia đình ông hay gia đình bà, hay đi bằng bất cứ xe gì khác mà phải đi bằng xe đạp do ông chở.

Bùi Giáng thời trẻ

Nghệ sĩ Kim Cương kể lại trong hồi ký:

“Tôi hỏi ông sao ông chưa bao giờ xem tôi diễn mà lại ái mộ tôi quá mức bình thường. Ông nói với tôi ngày đầu tiên gặp tôi mặc áo dài lụa trắng trong đám cưới của Hạnh – Thùy, ông nhìn thấy hào quang tỏa ra xung quanh tôi. Do đó mà tình cảm ông dành cho tôi có sự thiên vị và trọn vẹn. Bất cứ những gì tôi nói ông đều tin”.

Có lần Bùi Giáng ngỏ lời cầu hôn nhưng Kim Cương tránh né vì sợ tính cách “dị thường” của ông. Tuy nhiên, ông không hề hằn học hay tỏ thái độ vô lễ. Sau nhiều lần lui tới mà không thể cưa đổ người đẹp, Bùi Giáng thở dài nói với Kim Cương: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô, vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”. Kim Cương nghe vậy liền trả lời: “Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính…”.

Tưởng nhà thơ nói cho vui nên sau đó Kim Cương quên mất chuyện này, cho đến một ngày không ngờ là Bùi Giáng dẫn cháu trai tới để cho Kim Cương coi mắt thiệt. Nhưng ngặt nỗi, cháu trai Bùi Giáng chỉ mới… 8 tuổi.

Bùi Giáng – yêu cả một đời

“Anh yêu em như Bùi Giáng yêu Kim Cương” – Đó là câu nói của một nhà thơ muốn dùng “tấm gương” Bùi Giáng để chứng minh cho tình yêu chung thuỷ, nhiệt thành, không vụ lợi. Bởi vì Bùi Giáng dù mê hay tỉnh, trẻ hay già, cũng đã dành cả đời mình để yêu Kim Cương, không đòi hỏi sự đáp lại.

Trong suốt những năm quen biết, yêu Kim Cương nhưng Bùi Giáng luôn chỉ xưng “tôi” và gọi “cô”, chứ không bao giờ gọi Kim Cương là “em”. Ông cũng chẳng bao giờ suồng sã nắm tay hay đụng chạm người đẹp. Có lẽ vì vậy mà dù không thể đáp lại tình yêu của Bùi Giáng, Kim Cương luôn dành cho ông một thứ tình cảm đặc biệt cũng kỳ lạ không kém.

Trong thơ của Bùi Giáng có rất nhiều giai nhân người đẹp xuất hiện, nhưng Kim Cương vẫn luôn được trân trọng, yêu thương nhất. Ông thường gọi Kim Cương là “tiên nữ”, “nương tử”, “công chúa”,… Mỗi lần đến thăm Kim Cương, Bùi Giáng lại viết một bài thơ để tặng người đẹp. Ông có thể viết lên bất kỳ tớ giấy, tờ lịch nào. Thơ như nằm sẵn đâu đó trong đầu ông, chỉ trực tuôn ra mỗi khi ông cầm bút. Suốt mấy chục năm, những lá thư, những bài thơ, những cuốn sổ tay đầy ắp thơ ông viết tặng, được kỳ nữ Kim Cương cẩn thận cất giữ.

Thật khó có thể tưởng tượng, một người đàn ông điên điên tỉnh tỉnh, đầu bù tóc rối, nhặt lá đá ống bơ khắp đầu đường, góc phố lại có thể viết ra những dòng thơ tuyệt đẹp như chính tên của người mình yêu để đem tặng cho người đẹp:

“Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân

Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay”

Với những lời tỏ bày thắm thiết yêu thương:

“Kính thưa công chúa Kim Cương
Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây
Tờ thư rất mỏng mực dày
Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?”.

Dù dở điên dở tỉnh, Bùi Giáng vẫn nhớ rõ bốn mươi năm lẻ ông đã phải lòng Kim Cương:

“Yêu nhau từ bấy tới nay
Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên”

Bùi Giáng cũng đã dùng mọi cách biểu đạt kỳ quái nhất để nói về Kim Cương. Bài thơ sau đây hẳn sẽ làm cho một số bạn cảm thấy “kỳ kỳ”, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy tính cách khác thường của một kỳ nhân. Trong bài Cô Kim Cương Ơi, in trong tập Sa Mạc Phát Tiết, có đoạn như sau:

“Nếu ngày sau tôi chết đi, mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt
Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được
(Nhớ giỏ ngay trên nấm mồ)
Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận
(Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)”

Thật là một bài thơ không thể nào tưởng tượng nổi với một người bình thường.

Có nhiều cô gái yêu thơ, ái mộ nhà thơ và tìm tới nhà thăm hỏi Bùi Giáng thì đều bị ông đuổi đi, kèm theo lời tuyên bố: “Chỗ này chỉ để dành cho Kim Cương được tới mà thôi”.

Có người nói rằng, cái “điên” của Bùi Giáng là cái điên tình, vì yêu Kim Cương không được đáp lại mà hoá điên, càng ngày càng điên nặng hơn. Không ai dám chắc điều đó. Chỉ biết rằng Bùi Giáng – từ một giáo sư dạy học có thể thông thạo nhiều thứ tiếng, dịch và viết hàng trăm đầu sách nghiên cứu, học thuật khó nhằn bỗng trở thành một ông già kỳ dị lang thang khắp nơi, không gia đình, con cái. Cách Bùi Giáng yêu Kim Cương cũng vô cùng kỳ quái. Thỉnh thoảng, ông lại tìm đến nhà thăm Kim Cương, bất kể khi đó bà đang có chồng con ra sao, có nhà hay không, bận hay rảnh. Mỗi lần đến, người nhà chưa kịp mở cửa là ông đập cửa, la hét làm náo động cả khu. Có lẽ vậy mà thơ tình của ông đôi khi khó hiểu vô cùng:

“Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên”.

Thỉnh thoảng, khi Bùi Giáng không điên, ông viết thư cho Kim Cương (Lá thư được trích trong tập thơ Cuối đời của thi sĩ Bùi Giáng 1988), chữ viết xiên xẹo, gạch xoá nhưng lời lẽ thì vô cùng rành mạch, lịch thiệp:

Cô Kim Cương yêu quý

Kể cũng gần 50 năm quen biết và yêu mến cô. Đó là hạnh phúc lớn đi suốt đời tôi. Sau này cô cao hứng đến nhà viếng thăm tôi. Ấy thật bất ngờ. Rủi ro lần đầu tôi say rượu chẳng biết gì cả. Lần thứ nhì, tôi tỉnh táo. Tâm hồn thoải mái như được cùng tiên tái ngộ.

Mấy ngày rày cứ giở mấy tấm ảnh chụp chung với cô. Gương mặt cô càng ngày trông càng lạ. Mấy đứa cháu gái, cháu ruột, cháu dâu chúng xúm xít trầm trồ: “Cô Kim Cương ngoài đời trông đẹp hơn trên tivi… Lạ quá! Lạ quá!…” Gương mặt cô có nét hồn hậu, trung hậu dịu dàng. Ai ai cũng nhận thấy thế. Hình như sau này cô gặp hạnh phúc lớn hay sao mà bỗng nhiên trông cô càng trẻ hơn xưa nay?

Lúc trước đọc báo nghe cô nói có ý mua cho tôi một cái nhà. Tôi cảm động đến ngẩn ngơ. Giữa đêm tỉnh giấc, còn âm ỷ khóc lóc một mình. Nhưng cô nghĩ xem? Làm sao tôi dám chấp nhận? Tôi vốn già điên say rượu… Ở với tụi cháu sum vầy sum vầy mấy chục năm nay, chúng quen thuộc tính nết tôi rồi. Chúng vui vẻ hân hoan chịu đựng. Nhiều lúc tôi lại có ý chọc cho chúng la ngầy để nghe cho vui vẻ cái lỗ tai… đỡ buồn hiu quạnh… Tuổi già tôi có được đôi ba bạn thân và còn giữ được tình nghĩa của cô thì thử hỏi còn gì tốt đẹp hơn nữa?

Xin mời cô thỉnh thoảng ghé lại nhà coi như đi nghỉ mát. Chỗ tôi ở có thể gọi là một thôn xóm thơ mộng. Ai ai cũng vui vẻ, thân mật hiền lành. Ít xảy ra ồn ào náo động. Đúng là nơi sinh hoạt lý tưởng. Được nhìn thấy cô là tự nhiên hết buồn, hết điên, hết say rượu.

Chúc cô suốt đời sung sướng

Bùi Giáng 98 (Mậu Dần)

Bùi Giáng cứ vậy mà yêu, hồn nhiên và bản năng không e dè, kiêng kị. Yêu cho đến tận cuối đời. Khoảng nửa tháng trước khi qua đời, Bùi Giáng viết cho Kim Cương nhưng lời thơ đầy dự cảm:

“Thương yêu có lẽ như là
Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương
Ông đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu”.

Đời thực không thoả, chỉ ở trong thơ, Bùi Giáng mới gọi Kim Cương là “em yêu” và xưng “anh”. Dự cảm giờ phút ly biệt sắp tới, đành hẹn “em yêu” đến kiếp sau:

“Kiếp sau gặp lại, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”

Kim Cương – trọn vẹn ân tình

Nếu Bùi Giáng dùng cả đời mình để yêu Kim Cương bằng thứ tình yêu kỳ lạ, không mệt mỏi, thì kỳ nữ Kim Cương cũng dành cho ông một thứ tình cảm đặc biệt chan chứa yêu thương, bao dung và đầy kiên nhẫn dành cho một người điên.

Mấy chục năm đã trôi qua, ngay cả sau khi Bùi Giáng đã mất, Kim Cương vẫn giữ kỹ những bài thơ mà ông đã viết tặng cho mình. Cả đời bà cũng được coi là sống trọn vẹn ân tình với người thương mình. Dù không thể yêu một người đàn ông như Bùi Giáng, nhưng Kim Cương đã thực sự xúc động trước tình cảm của Bùi Giáng dành cho bà. Bà tâm sự: “Vì lẽ đó tôi mới tiếp ông ấy mỗi khi ông ấy tới đập cửa đó chứ. Nhiều người nói Bùi Giáng mắc nợ tôi, tôi bảo chưa biết ai mắc nợ ai”.

Dù điên hay tỉnh, ông luôn nhớ rất rõ số điện thoại và số nhà của Kim Cương. Bất kỳ lúc nào gặp rắc rối với công an, bệnh viện, hay mắc kẹt chỗ nào đó,.. ông đều chỉ đọc địa chỉ nhà và số điện thoại của Kim Cương. Bởi vậy, Kim Cương cũng không ít lần phải đứng ra giải quyết rắc rối cho Bùi Giáng. Bà nhớ lại:

“Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay làm “chim bay, cò bay” la hét làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: “Mẫu thân của tôi là Kim Cương, ở số… Hoàng Diệu, điện thoại 844…”.

Thế là công an réo gọi tôi để đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông té bị thương, người ta chở vô bịnh viện, ông cũng chỉ “khai báo” y như vậy.

Bịnh viện lại réo tôi đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, tôi bị người ta gọi điện đến đưa ông về.

Thậm chí có một buổi ông xuất hiện trước nhà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh. Tôi hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu nhưng ông không chịu.

Ông nói: “Chừng nào cô chịu lên xích lô đi với tôi thì tôi mới đi”. Tôi đành phải gọi một chiếc xích lô đi cùng ông, vừa ngồi xe vừa nghe ông nói chuyện trên trời dưới đất không một cảm giác đau đớn nào. Những lúc tỉnh táo, ông nói với tôi: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!”.

Kim Cương kể là mỗi năm Bùi Giáng đến nhà bà vài chục lần, chẳng cần biết bà đang có chồng, có con, hay đang sống với ai, có khi một hai tuần lại đến một lần, có khi cả tháng. Mỗi lần như vậy, nếu ở nhà bà đều mở cửa cho ông vào. Khi tỉnh thì ông ăn bận lịch sự đến thăm bà, còn khi điên thì đầu bù tóc rối trên người lủng lẳng đủ thứ nào ống bơ, cờ quạt, vòng hoa,.. đôi khi treo cả nải chuối trước ngực. Có lần, con trai 5 tuổi của Kim Cương thấy Bùi Giáng tới thì ngây thơ reo lên: “Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá?”

Tháng 8 năm 1998, Kim Cương bàng hoàng nhận được tin báo từ gia đình Bùi Giáng. Ông bị té chấn thương nặng, nằm hôn mê trong bệnh viện chợ Rẫy. Kim Cương lập tức thu xếp chạy vào thăm ông, dù chỉ còn 1% hy vọng, bà bàn với gia đình để bác sĩ phẫu thuật cho ông. Nhưng tiếc rằng, Bùi Giáng không thể qua khỏi.

Kim Cương trong đám tang Bùi Giáng

Đám tang được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm. Bạn bè, thân hữu hầu hết đều có mặt đưa tiễn. Theo ý nguyện của gia đình Bùi Giáng, Kim Cương nhận lời làm chủ lễ tang. Trước giờ hạ huyệt, bên lĩnh cữu Bùi Giáng, Kim Cương mới có dịp bộc bạch lòng mình cùng ông:

“Thưa ông Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, chỉ biết yêu thương mọi người và mong được mọi người yêu thương lại. Mấy hôm nay, với bao tình cảm thương tiếc của bạn bè cũng như mọi người dành cho ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có ba điều cảm ơn ông:

Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ ca ẩn mật cho muôn đời sau.

Thứ hai, cảm ơn mối tình đơn phương 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất.

Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người đều phải có một mối tình chân thật để sống”.

Dù danh vọng đủ đầy thành tựu, con đường tình yêu của Kim Cương lại trắc trở, không trọn vẹn. Chẳng có người đàn ông nào dành cả đời trọn vẹn để yêu bà bằng thứ tình yêu thuần khiết, không vụ lợi như Bùi Giáng. Có lẽ bởi vậy nên dù không thể đáp lại tình yêu đó, Kim Cương vẫn luôn trân trọng tình yêu của chàng thi sĩ điên dành tặng cho mình suốt 40 năm ròng. Bà tâm sự: “Trong cuộc đời tôi, cái hạnh phúc có được tình yêu của Bùi Giáng là hạnh phúc chưa bao giờ bị hụt hẫng. Tình yêu kỳ dị của ông là duy nhất của nhân loại thì cái hạnh phúc tôi có được từ tình yêu của ông cũng là một thứ châu báu có một không hai”.

Trong cuốn hồi ký của mình, Kim Cương đặt Bùi Giáng ở một vị trí trang trọng, yêu thương, và thấp thoáng cả lòng biết ơn dành cho ông. Xin phép mượn lời bà để khép lại câu chuyện tình kỳ lạ, lạng mạn và vô cùng thuần khiết này.

“Trong cuộc đời tôi, cái hạnh phúc có được tình yêu của Bùi Giáng là hạnh phúc chưa bao giờ bị hụt hẫng. Tình yêu kỳ dị của ông là duy nhất của nhân loại thì cái hạnh phúc tôi có được từ tình yêu của ông cũng là một thứ châu báu có một không hai.

Nhiều người không hiểu tại sao ông Bùi Giáng điên mà lại thương tôi gần 40 năm và cũng không hiểu sao ông ấy điên mà tôi lại tử tế với ông ấy suốt thời gian đó trong khi tôi không hề đáp lại. Đối với tôi, trên thế gian không có gì đẹp và thiêng liêng bằng tình yêu, miễn là yêu chân chính”.

Hoa hậu Thu Trang

Hoa hậu Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, là hoa hậu đầu tiên của VNCH năm 1955, được biết đến như là 1 cán bộ nằm vùng với bí danh Tư Nghĩa. Bà là “nàng thơ” của Bùi Giáng trong nhiều bài thơ khác in ở tập Mưa Nguồn xuất bản khoảng năm 1962, như là:

“Không biết trời tròn hay méo
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay
Trời bên kia – nhan sắc ở bên này”

Bùi Giáng còn có bài thơ mang tên Thu Trang chưa công bố bao giờ, sau này được hoạ sĩ Bửu Ý chép lại cho Thu Trang:

“Trang của tờ giấy cũ
Của vầng tóc ban đầu
Trang của hồi vàng tụ
Về mệt mỏi mai sau

Anh nhớ em vô cùng
Đất sầu không xiết kể
Anh kêu gọi mông lung
Trang ồ Trang rất tệ”.

Trong bài thơ mang tên Mắt Buồn, Bùi Giáng đã cố ý lồng tên người đẹp Thu Trang vào câu thơ: Ấn TRANG sử lịch THU triền miên trôi.

Bài thơ như sau:

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông

Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng
Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

Nhiều người biết đến Thu Trang như là Hoa hậu đầu tiên của miền Nam Việt Nam sau hiệp định Genéve (trước đó, thời Pháp thuộc, đã có nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức).

Bà Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932 trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội. Năm 1942, cha của bà vốn là một công chức chính quyền thuộc địa được điều động vào Sài Gòn làm việc, cả gia đình theo ông vào miền Nam và định cư ở Sài Gòn.

Đầu thập niên 1950, Thu Trang tham gia phong trào Trần Văn Ơn và được Việt Minh móc nối để trở thành thành viên của tổ điệp báo hoạt động trong nội thành khu vực Sài Gòn – Gia Định với bí danh Tư Nghĩa, bà cũng từng vào chiến khu.

Tháng 7 năm 1952, Thu Trang bị thực dân Pháp bắt giam. Trong phiên toà tháng 6 năm 1953, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ và giải thoát. Năm 1954, Thu Trang viết báo với bút hiệu Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu… trên các báo Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống… với đủ thể loại từ thơ đến truyện ngắn, truyện dài…

Từ sau đó, bà được biết đến nhiều nhất với tên gọi Thu Trang, là bút danh khi làm nhà báo, sáng tác văn chương và viết sách nghiên cứu về lịch sử.

Đầu năm 1955, Tổng trưởng Thông tin Trần Chánh Thành và Tổng trưởng Xã hội Nguyễn Mạnh Bảo của chính quyền miền Nam đã họp bàn với nhau tổ chức lễ hội kỷ niệm Hai Bà Trưng (6 tháng 2 âm lịch), trong lễ hội đó sẽ có cuộc thi hoa hậu đầu tiên.

Cuộc thi hoa hậu này nhằm tôn vinh hai nữ anh hùng dân tộc, đồng thời lấy tiền bán vé để ủng hộ cho Tổng uỷ di cư tị nạn – một cơ quan để hỗ trợ những người di cư vào Nam trong thập niên 1950.

Nhà báo Thu Trang lúc đó mới 23 tuổi đến gặp ban tổ chức cuộc thi để lấy thông tin viết bài về cuộc thi hoa hậu, không ngờ ban tổ chức vừa thấy cô phóng viên xinh đẹp sắc sảo liền thuyết phục cô đăng ký thi hoa hậu.

Cuộc thi Hoa hậu này được tổ chức vào ngày 20-2-1955 tại rạp Lido, rạp lớn nhất Sài Gòn thời đó với sức chứa cả ngàn người.

Mặc dù ban đầu Thu Trang chỉ định đi thi cho vui, không tin tưởng lắm vào việc trúng giải, rốt cuộc cô lại giành ngôi vị cao nhất. Nếu so với các thí sinh hoa hậu thời nay, chiều cao của cô thấp hơn nhiều. Cô chỉ cao 1,61m, nặng 53 kg, số đo là 86 – 62 – 88. Ở thời điểm hơn 60 năm trước thì đây là số đo lý tưởng vì vậy mà khi công bố kết quả, Thu Trang thậm chí còn vượt xa đến vài chục điểm so với á hậu 1 và á hậu 2.

Á hậu 2 là sinh viên Ngô Yên Thu, người Cần Thơ; Á hậu 1 là Nguyễn Thị Ninh, sinh viên người Hà Nội mới di cư vào Nam.

Khi tên Hoa hậu Thu Trang được tuyên đọc, hội trường vang dậy tiếng vỗ tay, sân khấu tràn ngập mấy chục nhiếp ảnh gia, quay phim và nhà báo. Ca sĩ đang rất nổi tiếng dạo đó là Tâm Vấn – cũng là một người vừa mới di cư – đã đại diện khán giả nữ lên sân khấu tặng hoa chúc mừng.

Ra khỏi rạp Lido, Hoa hậu được mời lên xe hơi mui trần màu xanh bóng loáng nước sơn mới để đi diễu hành trong khoảng hai tiếng đồng hồ qua các đường phố chính của Sài Gòn.

Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu mà Hoa hậu Thu Trang nhận được là một chiếc xe 2 bánh hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác. Lambretta thời điểm đó rất có giá trị, nó thuộc loại xe hai bánh cao cấp bậc nhất. Vì chiếc xe này mà Thu Trang được nhiều người gọi đùa là “Hoa hậu Lambretta”.

Sau khi đạt giải Hoa Hậu, Thu Trang bước vào lĩnh vực điện ảnh, với cuốn phim đầu tay là Chúng Tôi Muốn Sống (1956) nhưng chỉ tham gia vai phụ. Sau đó bà đóng vai nữ chính trong phim Lục Vân Tiên của đạo diễn Tống Ngọc Hạp, và đó là bước ngoặc lớn của cuộc đời.

Phim Lục Vân Tiên được đề cử mang đi dự Liên hoan phim châu Á 1957, rồi mang đi giới thiệu qua nhiều quốc gia khác. Toàn bộ hậu kỳ của phải làm ở Nhật, thời gian ở nước ngoài khá lâu nên kinh phí không đủ, đoàn từ bốn người đã rút lại còn mỗi đạo diễn và nữ chính Thu Trang.

Chỉ có 2 người ở với nhau một thời gian dài như vậy nên việc nảy sinh tình riêng là không tránh khỏi. Thu Trang trở thành tình nhân và mang trong mình đứa con của vị đạo diễn đã có gia đình này ngay trong tháng đầu tiên ở Tokyo. Dư luận xã hội lúc bấy giờ không dễ gì tha thứ cho một sự việc như thế. Thu Trang kiên quyết giữ lại đứa con của mình và sẵn sàng chấp nhận tất cả búa rìu dư luận.

Mùa thu năm 1957, cả hai trở về Sài Gòn, sau đó sinh con và đặt tên Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm tình yêu đầu tiên (đặt theo tên phim Lục Vân Tiên), và sau này bà cũng chưa bao giờ trách móc đạo diễn Tống Ngọc Hạp bất cứ điều gì.

Câu thơ “còn hai con mắt khóc người một con” trong bài thơ Mắt Buồn của Bùi Giáng chính là nhắc tới câu chuyện cuộc đời của Thu Trang, khi bà trải qua chuyện tình buồn đó và trở thành “người một con” phải chạy trốn dư luận.

Thu Trang và con trai Tống Ngọc Vân Tiên tại Pháp

Năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, Thu Trang đã nhận lời và cùng con trai nhỏ sang.

Khi biết Thu Trang chuẩn bị đi Pháp, Bùi Giáng đến nhà thăm bà trong một ngày mưa. Bà Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ quặc” của ông hôm đó: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!”.

Ở Pháp, Thu Trang không làm điện ảnh mà tiếp tục đi học và định cư luôn tại đây, có lẽ vì lúc đó bà đã lo sợ bị lộ thân phận là một điệp viên. Tại đây, bà Thu Trang kết hôn với một người Pháp là bác sĩ nha khoa tại Paris.

Năm 1978, bà trở thành Tiến sĩ Sử học tại ĐH Paris VII với đề tài Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp.

TS Thu Trang, hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, giảng dạy tại ĐH Duy Tân năm 2000

Sau 1975, Thu Trang về Việt Nam thăm nhà và nhận thấy ngành du lịch còn chưa phát triển đúng mức ở nhiều địa phương, bà trở lại Paris tìm học về nghiên cứu du lịch để góp ý phát triển du lịch Việt Nam và nhiều lần về nước giảng dạy cho các sinh viên các trường đại học về du lịch.

Nói thêm trở lại về bài hát Con Mắt Còn Lại nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có thể ông chỉ mượn duy nhất 1 câu thơ của Bùi thi sĩ để thi triển thêm thành bài hát có nội dung tâm sự về cuộc tình, cuộc đời, mang một ý nghĩa khác, không còn nghĩa gốc là “khóc người (có) một con” nữa.

Còn hai con mắt khóc người một con.
Còn hai con mắt một con khóc người.
Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi.
Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp.

Nữ danh ca Hà Thanh

Thi sĩ Bùi Giáng và ca sĩ Hà Thanh, 2 cái tên tưởng như không liên quan gì đến nhau đó đã từng sống chung 1 thời, dưới cùng một bầu trời của nghệ thuật miền Nam trước 1975. Ít người biết rằng Bùi Giáng đã dành cho nữ ca sĩ Hà Thanh một tình cảm đặc biệt. Khác với mối tình có nhiều điều ly kỳ với nghệ sĩ Kim Cương, tình cảm dành cho Hà Thanh của Bùi Giáng được tiết chế hơn, ít ồn ào hơn.

Vào một ngày mùa thu năm 1993, thi sĩ Bùi Giáng đã đến chùa Pháp Vân ở Sài Gòn và cầm giấy bút viết bài tóm lược cuộc đời mình.

Ở giai đoạn mà tác giả ghi là 1971-75-93, ông viết:

“Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô)” 

3 người phụ nữ được nhắc tới trong những phút giây tỉnh táo đó của Bùi thi sĩ là diễn viên điện ảnh và kịch nói Kim Cương, ca sĩ Hà Thanh và Ni sư Trí Hải, tức học giả Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh.

Những người phụ nữ này được Bùi Giáng tôn vinh như là “mẫu thân sinh đẻ ra mình”, tuyệt nhiên không có chút gì là quan hệ nhục thể của tình yêu nam nữ, không có nhớ mong, hờn ghen, đau khổ, hẹn hò, mộng mơ như trong thơ tình của những nhà thơ khác.

Trong bài Quốc Sắc Việt Nam, ông đã tả chân ba người phụ nữ ấy như sau:

“Kim Cương Nương tử đẹp một cách thoải mái, Hà Thanh Công chúa đẹp một cách cởi mở, Trí Hải Ni cô đẹp một cách không lời”.

Những dòng thơ Bùi Giáng dành cho ca sĩ Hà Thanh và Ni sư Trí Hải đều có một điểm chung là nửa hư nửa thực, lơ lửng giữa cõi thanh và cõi tục. Một điểm chung khác nữa là cách trộn lẫn giữa sự thu hút giới tính lẫn lòng ngưỡng mộ bản năng làm mẹ tiềm tàng trong một phụ nữ, dù là trong vô thức.

Bùi Giáng từng viết về ca sĩ Hà Thanh như sau:

  • Hỡi mẫu thân Hà Thanh, mẫu thân tên thật là gì?
  • Tên thật của tao là Lục Hà.
  • Hỡi mẫu thân Lục Hà, lúc mẫu thân đẻ con ra đời, mẫu thân cảm thấy thế nào?
  • Tao cảm thấy rất đau lòng.
  • Tại sao đau lòng?
  • Vừa mới sinh mày ra đời, mày đã già nua đến thế, làm sao tao còn có thể ẵm mày vào lòng cho mày bú, hử con!

Trước sự ngưỡng mộ đặc biệt của một bậc kỳ tài như Bùi Giáng dành cho mình, ca sĩ Hà Thanh hầu như chỉ im lặng, bỏ ngoài tai, hoặc có thể là đã có hình thức tế nhị nào để đáp lại một cách trân quý tình cảm của Bùi Giáng.

Hà Thanh – ngoài việc được biết đến như là một nữ ca sĩ huyền thoại của dòng nhạc vàng, bà còn là một giai nhân nổi tiếng, một nàng thơ của nhiều văn nhân. Bà là cảm hứng để nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác bản nhạc Nhớ Nhau (mang âm điệu Huế) và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác bản nhạc Áo Lụa Vàng, nhà văn Mai Thảo là một người rất si mê Hà Thanh, ông đã từng từ Sài Gòn ra Huế để xin cưới Hà Thanh nhưng không thành. Hà Thanh cũng là người đẹp đã từng gắn nó rất thân thiết với đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Vì vậy Bùi Giáng chỉ là một trong những người dành cho Hà Thanh những tình cảm đặc biệt mà thôi.

Ngay từ nhiều năm trước, Bùi Giáng đã thấy ở Hà Thanh một nét thoát tục:

“Ði về phố rộng mà ra
Đi tu giản dị cô Hà Thanh ôi”

Quả thật vài chục năm sau, năm 1988 Hà Thanh đã ghi tên theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi hành hương 3 tuần lễ ở Ấn Độ. Khi đoàn lên núi Linh Thứu, Hà Thanh xin được quy y lại với Thiền sư và được cho pháp danh mới là Tâm Ca Lăng Tần Già. Từ những năm 1990 cho đến cuối đời, Hà Thanh dành mọi tâm lực dành cho thể loại nhac Phật đạo ca.


Click để nghe nhạc Hà Thanh hát trước 1975

Người vợ xinh đẹp và xấu số của Bùi Giáng thuở đôi mươi

(câu chuyện này được cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ghi lại)

Đọc thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho vợ. Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm.
Đọc thơ Bùi Giáng, người ta nghĩ ông chỉ có những tình yêu viễn mộng. Ít ai biết ông đã có một người vợ đẹp và những bài thơ tình hay nhất của ông là dành cho vợ. Người phụ nữ ấy chỉ sống với ông trên đời có 3 năm.

Hình tượng của người phụ nữ đó và tình thương yêu, tiếc nuối Bùi Giáng dành cho vợ là nội dung chủ đạo trong 4 tập thơ của ông: Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột và Màu hoa trên ngàn (in tại Sài Gòn từ năm 1962 – 1964).

Theo gia phả nhà họ Bùi còn lưu lại ở làng Thanh Châu, xã Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam, Bùi Giáng cưới vợ năm 1945, khi ông vừa 19 tuổi. Hôn nhân ngày xưa thường do cha mẹ đôi bên sắp đặt, và có lẽ cuộc hôn nhân của Bùi Giáng thời gần 80 năm trước cũng nằm trong quy luật đó.

Vợ chồng Bùi Giáng được cha mẹ cho một khu vườn đẹp ở làng Trung Phước để lập nghiệp. Trung Phước là thung lũng trù phú ven sông Thu, kế cận mỏ than huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Bà Vạn Ninh cũng là người Duy Xuyên, về làm vợ Bùi Giáng vào năm 18 tuổi. Theo lời kể thì bà rất đẹp, tóc dài da trắng… Tất cả thành viên trong gia đình đều quý yêu nàng dâu trẻ. Ông Bùi Luân – em ruột Bùi Giáng – tỏ lòng quý mến của mình với người chị dâu trong tập thơ Chớp Biển của Bùi Giáng in tại Canada năm 1996, với lời nhận xét như sau:

“Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký ức tôi. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận ra ngay: Chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài hai mươi tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản”.

“Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát, về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số. Trên chiếc đò bé nhỏ, chàng trai nói với người vợ trẻ: Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò! Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức anh mình gieo xuống giữa dòng sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng nước hết chỗ mấy chục cây số đó, tới tận bến nhà”.

“Bỏ qua chuyện cũ” mà ông Bùi Luân nhắc tới là một chuyện khá hài hước và có phần trẻ con: “Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi: Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá mua thịt…”

Thì ra, Bùi Giáng đã đi trước thời đại chúng ta về chủ trương… ăn chay bảo vệ sức khỏe và môi trường. Ông hiểu một cách tuyệt đối thế nào đó về ẩm thực dưỡng sinh, nên chỉ thuận cho cô vợ ăn rau cải, củ quả mà không cho phép bà ăn gà, bò – hai món thịt ngon nhất của vùng Trung Phước.

Người vợ qua đời năm 1948 khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân kể: “Phút lâm chung, chị không thấy mặt chồng… Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng – anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng trên đầu”.

Bùi Giáng yêu vợ nhưng vẫn muốn… bỏ nhà đi chơi. Cũng bình thường như bao nhiêu người đàn ông Quảng Nam lãng mạn khi xa vợ, Bùi Giáng có thể gặp gỡ, giao lưu với những người phụ nữ khác và nhận ra họ vượt trội vợ ông về một vài phương diện nào đó. Thế nhưng, tình yêu và nỗi xót xa dành cho người vợ ở quê nhà thì rất đỗi mặn mà, vô cùng tha thiết: “Mình ơi, tôi gọi bằng nhà/Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”.

Hai năm sau sự ra đi của người vợ trẻ, Bùi Giáng dẫn một bầy dê lên Nông Sơn chăn thả, ngao du qua những đồi núi, suối khe mơ màng để nhớ thương vợ. Hai năm sau đó nữa, ông gửi bầy dê lại cho… chuồn chuồn và châu chấu, bỏ quê nhà đi chơi tiếp. Ở đâu, ông cũng phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Bài thơ nhớ vợ có một không khí rất đỗi bi ai, tràn đầy hoài cảm:

“Em chết bên bờ lúa.
Để lại trên lối mòn.
Một dấu chân bước của.
Một bàn chân bé con!

Anh qua trời cao nguyên.
Nhìn mây buồn bữa nọ.
Gió cuồng mưa khóc điên.
Trăng cuồng khuya trốn gió.

Mười năm sau xuống ruộng.
Đếm lại lúa bờ liền.
Máu trong mình mòn ruỗng.
Xương trong mình rả riêng.

Anh đi về đô hội.
Ngắm phố thị mơ màng.
Anh vùi thân trong tội lỗi.
Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang”.

Bùi Giáng bỏ cố quận ra đi biền biệt. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ, đến tha thiết não nùng. Nhớ nhưng ông không dám trở về bởi nơi nào ở cố quận cũng nhắc ông nghĩ đến tình yêu của người vợ đoản mệnh.

Ông gọi bà với nhiều tên gọi khác nhau. Đầu tiên, bà được gọi là “gái trần gian”. Ông có thể gặp gỡ, cười đùa, tán tỉnh cả trăm người phụ nữ khác, nhưng lòng ông vẫn yêu và nhớ về vợ, đặc biệt những khi ông còn lại một mình, đối mặt với chính tâm thức cô đơn của mình:

“Đùa với Tuyết, giỡn với Vân.
Một mình nhớ mãi gái trần gian xa.
Sương buổi sớm, nắng chiều tà.
Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu?”.

Thứ hai, ông gọi bà là “con mọi nhỏ”. Người Duy Xuyên có lệ thương yêu ai thì gọi người ấy là “con mọi”, “thằng mọi”:

“Mọi em là mọi sương xuân.
Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh”.

Thơ ông viết cho “con mọi nhỏ” của mình tràn đầy nỗi thương xót và tình yêu dấu:

“Giờ ly biệt, ta xin em đừng khóc.
Nào phải không? Lệ chảy có vui gì?
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc.
Nước xuôi dòng, ngàn thu hận ra đi”.

Ông phong tặng người vợ của mình – con mọi nhỏ, lên thành mẹ của giang san:

“Em thành Mẹ của giang san.
Em là thần nữ đoạn trường chở che”.

Thơ ông viết cho vợ càng lúc càng trang trọng. Tất cả cái mẫu tính dịu dàng, hồn nhiên, tươi đẹp, đôn hậu toát lên từ con người của bà Bùi Giáng khiến ông cảm phục vợ. Từ một con người cụ thể, mảnh mai, bà vụt trở thành hình tượng cao quý nhất trong lòng ông, trong thơ ông: “Em thuyền quyên ban mưa móc xum xuê. Em rắc gieo khắp xứ sở bốn bề. Suốt địa hạt tình quê hương ba ngõ. Anh quỳ xuống gọi em: Em mọi nhỏ”.

Nhiều khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Qua mấy mươi năm, hình ảnh người vợ trẻ, hiền ngoan ấy vẫn sống trong lòng ông. Ông uống trà giữa Sài Gòn mà hình ảnh của bà ngày xưa ở Quảng Nam như hiển hiện trước mắt:

“Trung niên thi sĩ uống trà.
Thưa em mọi nhỏ, em đà uống chưa?”.

Một nửa cuộc đời ông, một nửa trái tim ông dành để nhớ bà.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận