Thập niên 1950 là lúc giao thời của lịch sử. Đó là thời điểm chiến tranh Đông Dương diễn ra khốc liệt và đi đến hồi kết vào năm 1954, sau đó là cuộc phân chia ranh giới lịch sử, hàng triệu người di cư. Cùng thời điểm đó là quốc trưởng bảo Đại bị truất phế, VNCH được thành lập, chiến tranh lại tiếp diễn… Rất nhiều sự kiện đã xảy ra trong thời gian này.
Sau đây là những hình ảnh chụp đường phố Sài Gòn trong thập niên 50 của thế kỷ 20, phần nào phản ánh những biến đổi của thành phố này, từ vị thế là thủ đô của Quốc Gia Việt Nam (thuộc liên hiệp Pháp) trở thành đô thành Sài Gòn của nền đệ nhất cộng hòa.
Đầu năm 1955, sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, ông Ngô Đình Diệm – thủ tướng chính phủ Quốc Gia Việt Nam (sau đó thành tổng thống VNCH), đã lệnh cho Tòa Đốc Lý ở các tỉnh, thành phố khắp miền Nam gấp rút đổi tên đường phố từ tên người Pháp sang tên danh nhân người Việt. ở Sài Gòn, Tòa Đô Chánh đã giao việc này cho nhà văn Ngô Văn Phát, trưởng phòng hoạ đồ. Chỉ 1 mình ông phải làm việc miệt mài suốt 3 tháng để đổi toàn bộ tên đường ở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn. Nhiều tên đường do ông Ngô Văn Phát đặt ở Sài Gòn vẫn còn cho tới nay.
Tuy nhiên trong nửa sau của thập niên 1950, người Sài Gòn vẫn quen gọi tên đường bằng tiếng Pháp vì nó đã thành quen miệng do đã tồn tại vài chục năm, có một số tên đường đã có trên 80 năm (tính tới năm 1955) như đường Catinat, Charner, Bonard…
Đường Catinat, năm 1955 đổi tên thành đường Tự Do, năm 1975 đổi thành đường Đồng Khởi.
Đầu đại lộ Bonard năm 1950 (từ 1955 tới nay đổi thành đường Lê Lợi). Đây là công trường Francis Garnier, sau 1955 là công trường Lam Sơn, nằm đằng trước Nhà hát (Municipal Theatre). Trong hình này vẫn còn xe kéo tay, phương tiện giao thông đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Tháng 7 năm 1950, xe kéo tay chính thức bị khai tử, sau khi đã có nhiều nghị quyết hạn chế phương tiện này của chính quyền từ những năm thập niên 1930.
Góc ảnh khác của công trường Francis Garnier (công trường Lam Sơn), nghiêng về phía bên trái. Tòa nhà trong hình này sẽ bị phá bỏ sau đó không lâu để xây một công trình khác hiện đại hơn, được gọi là Phòng Thông Tin Đô Thành. Tòa nhà này có thể nhìn thấy ở bên phải của hình phía dưới.
Đường Catinat phía trước Nhà hát. Tòa nhà bên trái sẽ bị đập bỏ năm 1958 để xây dựng Caravelle Hotel.
Bên trái là khách sạn Majestic (số 1 đường Tự Do) đã được xây dựng từ năm 1925, ban đầu có kiến trúc art-nouveau, nhưng trong hình này là đã được sửa lại theo phong cách kiến trúc Art deco. Tòa nhà bên trái là số 2 đường Tự Do (Catinat cũ), tòa nhà đã được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, ban đầu là The Grand Hotel de la Rotonde. Thời điểm này tòa nhà này có thể đã được chính quyền mua lại, vì không còn bảng hiệu tòa nhà.
Hình ảnh khác của Majestic Hotel thập niên 1950, lúc này đã được doanh nhân Franchini Mathieu mua lại quyền kinh doanh. Franchini cũng là chủ sở hữu của Continental Palace.
Dinh Norodom, vốn là dinh Thống Đốc Nam kỳ, sau đó thành Dinh Toàn quyền Đông Dương. Từ năm 1955, tổng thống Ngô Đình Diệm đổi thành Dinh Độc Lập, nơi làm việc của Tổng thống. Năm 1962, dinh này bị phe đảo chính ném bom làm sập 1 góc, nhân đó Ngô Đình Diệm cho phá hoàn toàn dinh để xây dựng Dinh Độc Lập mới với thiết kế của Ngô Viết Thụ.
Bên cạnh sự phồn hoa, rực rỡ của đường phố nội thành Sài Gòn, thì cũng có nhiều khu nhà lá mọc lên ở ven đô. Trong hình này là khu nhà lá tạm bợ trên kinh Tàu Hũ.
Hình ảnh đường Kitchener, sau 1955 tới nay là đường Nguyễn Thái Học.
Lề đường Lê Lợi (Bonard cũ), trên vỉa hè sát thương xá Eden. Góc bên trái thấy được 1 phần của thương xá TAX.
Một ảnh khác với cùng một góc chụp. Bên trái là Thương xá TAX, lúc này đã được sửa lại theo kiến trúc Art deco, khác với phong cách tân cổ điển lúc nguyên thủy.
Cảnh sát công lộ ở phía trước Nhà hát, lúc này đang là trụ sở Quốc Hội.
Hình ảnh trên đường Catinat (Tự Do), góc đường Vannier (Ngô Đức Kế). Tòa nhà trong hình là khách sạn Saigon Palace, ngày nay vẫn còn.
Dinh Xã Tây thời Pháp thuộc, lúc này được gọi là Tòa Đô Chánh. Đó là tên gọi khác nhau của tòa nhà có chức năng của một tòa thị chính, nơi làm việc của hội đồng thành phố. Trong hình này là 1 chiếc xe hơi hiệu Chevrolet Master chạy ngang qua Bùng binh Bồn Kèn. Bên trái là auto-hall – cửa hàng bán xe hơi Bainier. Hình này được chụp trước năm 1953, bởi vì sau năm này thì tòa nhà Bainier đã được ông bà Ưng Thi mua lại để xây khách sạn REX vẫn còn cho tới nay. Bên phải hình này là thương xá Eden đã được nâng lên thành 5 tầng.
Tòa nhà này cũng được gọi bằng cái tên Tòa Đô Sảnh.
Tòa Đô Chánh để hình Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Thương xá Eden được xây từ thập niên 1930, nhưng lúc đó mới xây 3 tầng. Tới năm 1950, tòa nhà này được xây lên thành 5 tầng, rồi bị phá bỏ hoàn toàn năm 2010.
Thương xá Eden nhìn từ phía Thương xá TAX.
Đường Tự Do nhìn từ trên Carravelle vừa được xây dựng năm 1959. bên trái là Eden, bên phải là Continental Palace, xa xa là Nhà thờ.
Đại lộ Lê Lợi, tên cũ Là Bonard, đoạn nhìn về phía Nhà hát (năm 1955 đổi công năng thành trụ sở Quốc Hội). Bên trái là Thương xá Eden.
Trên con đường Maréchal de Lattre de Tassigny, từ 1955 đổi thành đường Công Lý, nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Con đường này còn có một cái tên nổi tiếng khác là Mac Mahon (từ 1870-1945), người Việt gọi thành đường Mặc Má Hồng.
Ngân hàng Quốc Gia ở bên dòng kinh Tàu Hũ, dưới chân cầu Mống. Trước đó, đây là ngân hàng Đông Dương của Pháp.
Đại lộ Marins, từ 1955 đổi thành đại lộ Đồng Khánh, năm 1975 nhập vô đường Trần Hưng Đạo, nay thường được gọi là Trần Hưng Đạo B. Đây là tuyến đường nối Sài Gòn với Chợ Lớn.
Đại lộ Charner, từ 1955 đỏi thành đại lộ Nguyễn Huệ, nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Lúc này 2 bên đường có những kiosk bán hàng.
Đại lộ Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao.
Đại lộ Nguyễn Huệ nhìn về phía Tòa Đô Chánh.
Bưu điện trung tâm, một trong những công trình kiến trúc lâu đời nhất vẫn còn lại ở Sài Gòn tới nay.
Đường Testard, từ 1955 là đường Trần Quý Cáp, từ 1975 đổi thành Võ Văn Tần. Góc ảnh này được chụp từ phía Công trường Chiến Sĩ (từ 1972 tới nay đổi thành Công trường Quốc Tế), chỗ hồ Con Rùa ngày nay, nhìn về phía đường Testard. Tòa nhà trong ảnh nằm ở số 1 Testard, ngày nay là số 1 Võ Văn Tần, trụ sở EVN.
Cầu Pont des 3 arches ở Chợ Lớn, xây bởi công ty Brossard et Mopin (công ty này cũng xây chợ Bến Thành năm 1914). Trước đây, cầu có một số tên khác như Khâm Sai – được quan khâm sai người Pháp đứng ra xây dựng hoặc cầu Ba Miệng, cầu Ba Chưng (chân). Nhưng dần chẳng ai nhớ đến cái tên nguyên thủy mà đều gọi theo thói quen, đúng với hình dáng thiết kế của nó là Ba Cẳng.
Cắt tóc ở chợ Thị Nghè
Ce điện trên đại lộ Gallieni, từ 1955 đổi thành Trần Hưng Đạo. Tòa nhà trong hình nằm ở góc đường Galliéni – Bourdais, nay là tòa nhà Sinco góc đường Trần Hưng Đạo – Calmette.
Quán cà phê nổi tiếng La Pagode nằm ở góc đường Catinat – Espagne (từ 1955 đổi thành đường Tự Do – Lê Thánh Tôn). Trong ảnh có ghi đây là đường Lê Lợi, nguyên do là từ năm 1947, chính quyền Cộng hòa tự trị Nam Kỳ (thuộc liên hiệp Pháp) đổi tên đường Espagne từ đoạn Catinat tới ngã 6 (nay là Ngã 6 Phù Đổng) thành Lê Lợi (lúc đó đường Lê Lợi hiện nay vẫn mang tên là Bonard). Năm 1955, đường Lê Lợi mới nhập trở lại với đường Espagne và đổi tên thành Lê Thánh Tôn cho tới ngày nay.
Đường Colonel Grimaud, từ 1955 đổi thành đường Phạm Ngũ Lão cho tới nay.
Bên xe khách Sài Gòn nằm ở khu vực trước chợ Sài Gòn (chợ Bến thành).
Con đường nằm giữa Nhà hát (Municipal Theatre) và Continental Palace. Đi thẳng sẽ đụng Thương xá Eden, đường Catinat (Tự Do).
Khách sạn Continental Palace được hoàn thành năm 1880, vẫn còn cho tới nay sau hơn 140 năm. Đây là Khách sạn hạng sang đầu tiên và hoành tráng nhất của Sài Gòn xưa.
Đường Pasteur. trước 1955, đường này tên Pellerin.
Bán hàng rong ở phía gần sông Sài Gòn (từ 1955 đổi thành Bến Bạch Đằng)
Chợ Bến Thành (người Sài Gòn xưa thường gọi là chợ Sài Gòn) được xây dựng tuwd năm 1912.
Nhà thờ Đức Bà – công trình kiến trúc tôn giáo lâu đời và nổi tiếng của Việt Nam, được hoàn thành năm 1880.
Bia tưởng niệm và Bảo tàng Pacha Đa Lagos. Đây là bảo tàng thuộc quyền kiểm soát khoa học của Viện Viễn Đông Bác cổ, được xây năm 1927, nằm bên trong Thảo Cầm Viên. Ngày nay đây là Bảo tàng lịch sử.
Hội Trường Diên Hồng là tên gọi của tòa nhà từng là Trụ sở Thượng Nghị Viện của Đệ nhị Cộng Hòa. Thời Pháp, đây là toà nhà mang tên Chambre de Commerce được xây năm 1927 trên đường Quai de Belgique, góc ngã 3 với đường Mac Mahon. Góc đường này sau năm 1955 đổi tên thành Bến Chương Dương – Công Lý. Hiện nay đổi thành Võ Văn Kiệt – Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sau 1975, có một thời gian nơi này trở thành trụ sở của công ty thương mại Imexco. Đến năm 1996, toà nhà được Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp quản.
Tòa nhà Sở Hỏa Xa nằm ở gần chợ Bến Thành, cuối đại lộ Hàm Nghi.
Xe điện đi trên đại lộ Hàm Nghi. Lúc này chính giữa lòng đường là đường ray xe lửa. Tòa nhà trong hình lúc này là trụ sở của đài phát thanh Pháp Á.
Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn