Trả lại chữ “hoang mang” cho nhà văn Thanh Tịnh trong truyện ngắn “Tôi Đi Học”

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Đó là trích đoạn nổi tiếng và vô cùng quen thuộc trong truyện ngắn Tôi Đi Học, được nhà văn Thanh Tịnh sáng tác năm 1941 và đã được ghi vào trong sách giáo khoa tiểu học ở Việt Nam từ hơn 70 năm trước. Lúc đó, các thế hệ trước đều nhớ đoạn văn này là: “…lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”

Với thế hệ 8x, những người học tiểu học vào những năm cuối thập niên 1980 và thập niên 1990, thì chữ “hoang mang” này được Sách giáo khoa in thành 2 chữ “mơn man”, dẫn tới sự nhầm lẫn nghiêm trọng sau này.

Lúc sinh thời, tác giả của truyện ngắn Tôi Đi Học là nhà văn Thanh Tịnh có giải thích 3 lý do khi viết chữ “hoang mang” trong đoạn này như sau:

  • Cậu trò nhỏ nép bên người thân, chỉ dám đi từng bước nhẹ, chốc nữa đây người thân về rồi thì sẽ ra sao?
  • Họ như con chim nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ.
  • Họ ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Tuy nhiên, đoạn văn bất hủ này xuất hiện trong sách tập đọc những năm sau này đã bị các nhà biên soạn bỏ mất 2 chữ “hoang mang” và thay vào đó bằng từ “mơn man”, không phù hợp với văn cảnh và tâm trạng của cậu học trò lớp một.

Dưới đây là đoạn thủ bút và chữ ký của nhà văn Thanh Tịnh, ghi rõ chữ “hoang mang” để đính chính cho việc sách in sai chữ của ông:

Lâu nay, nhiều người nhầm tưởng đoản văn này là 1 đoạn hồi ký của nhà văn Thanh Tịnh, vì nó mô tả quá chân thật tâm trạng của một cậu học trò nhỏ thời 100 năm trước. Tuy nhiên, Tôi Đi Học là 1 Truyện ngắn, và ngôi trường Mỹ Lý trong truyện này là ngôi trường trong trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn. Làng Mỹ Lý cũng được ông nhắc tới trong rất nhiều truyện ngắn in trong tập Quê Mẹ trong cùng năm 1941.

Dù là truyện ngắn nhưng ai cũng hiểu rằng tâm trạng của cậu học trò trong Tôi Đi Học chính là tâm trạng của tác giả, và cũng là tâm trạng chung của hàng tỷ người đã từng có ngày đầu tiên đi học trên thế gian này. Dòng cảm xúc đó chân thật đến nỗi bất kỳ ai cũng thấy nhân vật “Tôi” đó chính là mình, là tâm trạng của mình năm xưa khi ngày đầu tiên bước chân theo mẹ tới trường trên con đường làng thơm tho mùi cỏ dại, trong tâm trạng vừa vui, vừa lo âu, hồi hộp, lại vừa hoang mang khi đứng trước ngưỡng cửa to rộng của cuộc đời.

Nhà văn Thanh Tịnh trải qua tuổi thơ ở Huế, và con đường đi học của ông 100 năm trước ở làng Dương Nỗ, ngoại ô phía đông thành Huế, ngày nay đã được đặt tên là đường Thanh Tịnh.

100 năm sau vẫn bồi hồi Tôi đi học - Ảnh 1.
Ảnh: tuoitre.vn

Sau đây là Truyện ngắn Tôi Đi Học và cảm xúc về bài văn này, bài đăng trên trang revelogue.com:

Xuyên suốt câu chuyện là dòng hồi tưởng với vô vàn những xúc cảm, suy nghĩ trong ngày đi học đầu tiên trong đời. Chính điều đó đã giúp Tôi đi học khơi gợi những kỉ niệm trong lòng người đọc.

Dòng hồi tưởng của nhân vật tôi về ngày đầu tiên đi học

Trang truyện ngắn mang hơi mặn của chất thơ đã khiến độc giả không khỏi bồi hồi trước nhịp điệu êm dịu cùng khung cảnh quen thuộc qua lời kể của tác giả Thanh Tịnh.

Đôi nét về truyện ngắn Tôi đi học

Nằm trong tập truyện ngắn Quê mẹ (1941)Tôi đi học là trang văn ghi lại những xúc cảm trong sáng của tuổi học trò ở buổi tựu trường đầu tiên.

Qua những so sánh đầy thi vị, miền ký ức vui buồn lẫn lộn ấy một lần nữa xuất hiện trong tâm trí Thanh Tịnh theo cách đầy mới mẻ. Nó là dòng cảm xúc, hồi tưởng của nhân vật “tôi” theo trình tự thời gian.

Điều đặc biệt khiến Tôi đi học ghi dấu trong lòng độc giả là lối dẫn dắt, dòng cảm xúc và sự liên tưởng mới mẻ, chúng khiến độc giả không biết liệu mình đang đọc bài thơ trữ tình hay một câu chuyện.

Con đường đến trường quen thuộc nhưng giờ lại thật lạ lẫm

Dòng cảm xúc về mùa tựu trường hiện lên trong tâm trí nhân vật “tôi” là vào những ngày cuối thu, khi vạn vật bắt đầu thay cho mình lớp áo mới để đón chào cái rét của mùa đông.

Con đường đến trường quen thuộc nhưng giờ lại thật lạ lẫm

Đưa mắt nhìn lên bầu trời, thật quang đãng và trong trẻo, một cảm giác dễ chịu xen lẫn tiếng lá rụng xào xạc, một cảm giác mơ hồ hiện lên trong nhân vật này và chính người đọc.

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”

“Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.”

Từ thời gian, thời gian đến cảnh tượng “mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu đến trường”, chúng đều trở thành chất xúc tác và thôi thúc những cảm xúc, liên tưởng về buổi tựu trường.

Qua đó, những ký ức của nhân vật về buổi tựu trường đầu tiên trong cuộc đời dần hiện lên thật trong trẻo:

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Bất chấp cái lạnh của những ngày cuối thu, cái nắm tay âu yếm của người mẹ có lẽ đã khiến trái tim cậu bé được sưởi ấm trước sương thu, gió lạnh. Dù nhân vật đã đi trên con đường này lắm lần, thế nhưng trong lòng vẫn xuất hiện cảm giác lạ lẫm.

Có lẽ vì chính lần này, việc cậu được nắm tay mẹ đến trường khiến nó trở nên thật đặc biệt. Trong tiềm thức mỗi người, khi bước chân đến nơi thân thuộc nhưng với tâm thế khác nhau, khung cảnh ấy lại trở nên thật mới mẻ, kì lạ.

“Tôi” cũng hiểu được những thay đổi ấy khi chiếu soi vào lòng mình, bởi “Hôm nay tôi đi học”. Câu văn như một lời tuyên thệ đầy kiêu hãnh, tự hào nhưng cũng rất hồn nhiên, trong sáng của những đứa trẻ.

Lời khẳng định reo lên trong tiềm thức ấy cũng đánh dấu cho một sự kiện trọng đại của nhân vật này. Ngày bước qua cánh cổng ấy cũng là ngày cậu trưởng thành hơn để khám phá những điều mới mẻ xung quanh mình.

“Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.”

Trong ngày đầu tiên đi học, khi được mặc bộ quần áo mới, cậu thấy mình đã là người lớn nên tất cả mọi thứ đều phải thay đổi. Chính suy nghĩ và cảm nhận ấy khiến cho điệu bộ cậu bé khác hẳn ngày thường. Cử chỉ, hành động của cậu đều trở nên lúng túng, vụng về.

“Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:

– Mẹ đưa bút thước cho con cầm.

Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:

– Thôi để mẹ nắm cũng được.

Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.”

Chính những thay đổi ấy đã thôi thúc sự thay đổi trong lòng nhân vật, cậu muốn khẳng định sự đứng đắn của mình bằng cách thử cầm bút thước. Suy nghĩ nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang, rằng chỉ người thạo mới cầm nổi khiến nhiều độc giả không khỏi mỉm cười trước sự hồn nhiên ấy.

Ngôi trường tưởng như xa lạ nhưng lại hiện lên trong tâm trí thật tráng lệ

Nếu trong những đoạn văn trước, tâm trạng của nhân vật “tôi” được tái hiện trên nền khung cảnh vốn quen thuộc nay lại trở nên mới mẻ, thì khi đặt chân vào sân trường lạ lẫm, cảm thức ấy dường như có sự đảo ngược.

“Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần. Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ.”

Cậu nhớ lại hình ảnh của ngôi trường trong những ngày chưa đi học. Lúc ấy cậu vẫn dửng dưng, dường như chưa quan sát tường tận mọi khung cảnh bên trong.

“Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.”

Thế nhưng, khi bản thân sắp trở thành một học sinh, đôi mắt của cậu đã khám phá ra sự kì vĩ, lớn lao nhưng cũng rất xinh xắn của ngôi trường ấy.

Song, chính cảm giác oai nghiêm nơi trường Mỹ Lý cùng cảm giác nó rộng và cao hơn, khác với hình ảnh của những lần đi chơi ngang qua đã khiến cậu lo sợ vẩn vơ.

Chú chim ngập ngừng trong lần sải cánh đầu tiên ở Tôi đi học

Dường như, nhân vật “tôi” cảm nhận được sự nhỏ bé của bản thân khi đối diện với ngôi trường nghiêm trang, to lớn. Trước sự hoành tráng ấy, những cô cậu học trò chỉ dám rụt rè nép mình bên người thân.

“Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.”

Tạm gác qua chút “lo sợ vẩn vơ”, trước mắt cậu học trò là cả một thế giới mới mẻ. Cậu và đám bạn cùng trang lứa tựa những con chim đứng bên bờ tổ, đây thực sự là so sánh độc đáo của Thanh Tịnh, thể hiện sức hút kỳ lạ của ngôi trường.

Chú chim ngập ngừng trong lần sải cánh đầu tiên ở Tôi đi học

Ắt hẳn, trong lòng cậu luôn canh cánh niềm khát khao được sải cánh trên bầu trời rộng lớn ấy. Đó là một vương quốc mới, là nơi chắp cánh của những ước mơ, cũng là nơi giúp cậu gặp những người đồng hành mới.

Song, mọi thứ quá đỗi mới mẻ khiến chú chim ấy “ngập ngừng e sợ”Nó thèm “vụng và ước ao thầm” được như những đồng loại vốn đã quen thuộc với phút giây sải cánh trên bầu trời rộng lớn, để không rụt rè trước cảnh lạ.

“Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi.… Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi… Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.”

Khi những cô cậu học trò mới bước chân vào lớp học, ai nấy đều “lúng túng” và “run run” theo từng tiếng bước chân. Kết hợp với loạt từ láy, Thanh Tịnh đã thể hiện rõ nét cảm giác hồi hộp của từng học trò theo nhịp điệu câu văn.

“Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng.”

Đỉnh điểm của sự hoang mang là khi ông đốc trường Mỹ Lý gọi tên từng đứa một, dường như lúc ấy nhân vật “tôi” đã cảm thấy tim mình ngừng đập, nặng trịch từng mớ hỗn độn.

Nỗi lo âu, thấp thỏm ấy khiến cho tâm trạng cậu nặng trĩu, bồn chồn. Khung cảnh quá đỗi mới mẻ khiến cậu bé như vỡ òa khi phải rời xa mẹ vào lớp học, đôi chân thậm chí muốn dừng lại trước cửa.

Không chỉ có riêng cậu bé mới có những cảm xúc vỡ òa ấy, người mẹ với “bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi” cũng luôn thường trực lo âu, trăn trở về ngày đầu tiên đi học của con mình.

“Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra.” – Cổng trường mở ra (Lý Lan)

Đối với phụ huynh, họ lo lắng không biết con có thể làm quen với mọi người, hòa nhập cùng thầy cô để bắt đầu chặng đường học tập còn dài phía trước. Là ngày đầu tiên đi học của cậu bé nhưng cũng là ngày đọng lại vô vàn cảm xúc trong tấm lòng người lớn.

“Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.”

Thanh Tịnh đã tinh tế lồng ghép một chi tiết mang tính biểu tượng vào khung cảnh lớp học. Một con chim cất những tiếng hót nhỏ bé trước khi chao liệng trên bầu trời cao rộng.

Chú chim non nớt ấy cũng là những đứa trẻ ngây ngô bước những bước đầu tiên vào cánh cửa lớp, cùng nhau trải qua biết bao cảm xúc. Họ từ xa lạ mà bật khóc, từ thân quen đến quyến luyến.

Tôi đi học là truyện ngắn mang hơi mặn của chất thơ

Thạch Lam, nghệ sĩ của những thiên truyện ngắn nhẹ nhàng và đằm thắm như Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa đã từng nhận xét về ngòi bút độc đáo của Thanh Tịnh:

“Truyện ngắn nào hay đều có chất thơ và bài thơ nào hay đều có cốt truyện.”

Trên cương vị của một nghệ sĩ với sứ mệnh khẳng định cá tính trong nghệ thuật của bản thân, Thanh Tịnh đã không ngừng đổi mới, chuyển mình theo từng giai đoạn của văn học.

Tôi đi học được tái hiện theo dòng cảm xúc tuôn trào của nhân vật trữ tình “tôi” khi bước qua từng khung cảnh, từ con đường quen thuộc, ngôi trường uy nghi đến tiết học trong căn phòng lạ lẫm.

Lối kể chuyện nhịp nhàng của Thanh Tịnh mở ra liên tưởng để dẫn dắt người đọc đến từng chi tiết, sự việc và gợi lên trong miền ký ức những cảm xúc bồi hồi, cả sự lúng túng trẻ thơ thông qua tình huống mà nhân vật phải trải qua.

Song, với ý thức về nghề viết, ông luôn biết tạo cho mình một điểm sáng trên văn đàn, đó là sự kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất tự sự trong tác phẩm.

Để rồi, độc giả cứ thế nghiền ngẫm những câu văn nhịp nhàng mang chất thơ thông qua sự sắp xếp các từ ngữ để tạo nên cảm giác êm ái, du dương khi cất tiếng:

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.”

Sự kết hợp hài hòa ấy cũng được thể hiện qua cách ông lồng ghép những so sánh, liên tưởng đầy thi vị xen kẽ trong những câu văn mang tính tự sự:

“Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như những cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.”

Thông qua những câu văn miêu tả, người đọc cũng hình dung được con người và thiên nhiên nơi quê hương của nhà văn – xứ Huế:

“Những tác phẩm ấy đã mang lại cho tôi những rung động đầu tiên về những người nghèo khổ, những người lam lũ ở quê hương tôi bên cạnh một con tàu, một ga xép xe lửa, một dòng sông hay một làng Mỹ Lý do tác giả dựng lên.” – Nhà văn Trần Phương Trà

Tôi đi học thực sự là một truyện ngắn bất hủ tiêu biểu cho cái tôi độc đáo của Thanh Tịnh. Nhà văn đã thổi vào từng câu chữ trên trang văn một thoáng cảm xúc hồn nhiên từ thế giới tuổi thơ.

chuyenxua.net biên soạn

1 bình luận về “Trả lại chữ “hoang mang” cho nhà văn Thanh Tịnh trong truyện ngắn “Tôi Đi Học””

  1. Tôi đọc truyện “ Quê mẹ “ của Thanh Tịnh “ khoảng 5,6 lần , càng đọc càng hay càng cảm phục tác giả. Sau này ở không đọc truyện của các tác giả được giải Nobel, so sánh tôi thấy truyện Thanh Tịnh hay hơn nhiều, lòng tự hỏi “ sao ông và các tác giả như Khái Hưng, Nhất Linh không được giải Nobel?

    Trả lời

Viết một bình luận