Nguồn gốc tên gọi địa danh ở Sài Gòn: Phần 16: Đồng Ông Cộ ở tỉnh Gia Định xưa

Đồng Ông Cộ là địa danh nổi tiếng và quen thuộc với nhiều người dân Sài Gòn Gia Định. Ngày nay, nếu tới gần chợ Bà Chiểu hỏi về Đồng Ông Cộ, người ta sẽ chỉ về phía đường Bùi Đình Túy. Đó là trung tâm của Đồng Ông Cộ xưa, còn khu vực Đồng Ông Cộ thì khá rộng lớn xung quanh đó bán kính tới hàng chục cây số, chiếm gần hết quận Bình Thạnh ngày nay.

Trước 1975, Đồng Ông Cộ thuộc xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, nơi đặt tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định. Dù chỉ cách chợ Bà Chiểu khoảng 3km, nhưng trái với khu Bà Chiểu phố xá sầm uất, xe cộ đông đúc, còn Đồng Ông Cộ như vùng sâu vùng xa, nhà cửa thưa thớt. Còn ngược về thời thế kỷ 19, nơi này đất rộng người thưa, đường sá đi lại khó khăn, dân cư trong vùng sinh sống bằng nghề ruộng nương, bắt cá dọc theo sông Sài Gòn, gần cầu Bình Lợi và Băng Ky hiện nay. Phần còn lại của khu Đồng Ông Cộ đa số là đất hoang chưa được khai phá, rừng cây rậm rạp.

Về sau Pháp chiếm Gia Định và mở mang đường quốc lộ đi Thủ Đức, đất Đồng Ông Cộ ở rìa sát quốc lộ khoảng 5-7km được trồng cao su, phần còn lại vẫn là một khu đồng ruộng mênh mông, hoặc là rừng rậm, dân cư ít nên không có đường mòn, việc di chuyển của dân vẫn rất khó khăn. Mỗi khi có người muốn ra tỉnh lỵ, hoặc có việc cần kíp như trị bịnh, tải hàng trên rẫy, gạo lúa ra chợ bán… đều bất tiện. Chỉ có trai tráng khỏe mạnh mới có thể di chuyển được hàng mấy chục cây số đường lồi lõm, nhiều chỗ lên xuống dốc chẳng khác nào lênh thác xuống ghềnh. Mỗi lần băng rừng như vậy phải mất ít nhất 2 ngày (1 ngày đi 1 ngày về, thời gian đó ruộng nương bị bỏ bê không ai làm lụng.

Đến một ngày, bỗng dưng người ta thấy trước cổng nhà ngói 3 gian của một phú hộ trong vùng treo cao tấm bảng đề mấy chữ lớn:

“Đảm nhận ‘Cộ’ người và hàng hoá đi khắp nơi”.

Người dân trong vùng gọi phú hộ này là ông Ba Phú Hộ. Ông đã thâu dụng tất cả thanh niên trai tráng có sức khỏe làm nghề “cộ hàng”.

Theo từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, “Cộ” cùng nghĩa với Xe, Xe Cộ là tiếng đôi, còn chữ “Cộ lúa” nghĩa là xe chở lúa. Dần dần chữ Cộ được dùng như là một động từ, mô tả hành động vận chuyển hàng.

Phương tiện để cộ hàng hóa được ông phú hộ chia làm 2 loại: Loại chở người làm bằng những tấm tre đan, với hai cọc tre ló đầu ra cho hai người trước sau cùng khiêng, còn hành khách ngồi ở giữa, thò chân lủng lẳng phía dưới.

Loại còn lại là để chở hàng hóa, thì khúc giữa là miếng ván phẳng và dày để chất được nhiều đồ mà không sợ bị oằn xuống.

Ai muốn dùng dịch vụ “cộ hàng” này, chỉ cần cho ông Ba Phú Hộ biết nhà, đến sáng sớm khi gà vừa gáy là có dân phu mang “Cộ” đến tận nhà mà rước người, hoặc “Cộ” hàng đi ra thành Gia Định. Từ đó, dân cư bắt đầu di chuyển dễ dàng, nhanh chóng khi mang hàng ra ngoài thành để mua bán trao đổi.

Dịch vụ cộ hàng này còn giải quyết được việc làm cho số trai tráng không thích làm vườn, đánh cá, cho nên được dân trong vùng ưa thích, rồi dần dần, cái tiếng tăm của ông “Cộ” trở nên nổi nhất vùng. Khu cánh đồng bát ngát ấy được người dân gọi là đồng Ông Cộ cho dễ nhớ.

Dần dần, hàng trăm năm sau vùng này được mở mang, nhưng là một vùng rộng lớn, dân chúng quy tụ về càng ngày càng đông lại không có địa danh, nên người ta nhớ ơn ông Ba “Cộ” lập thành vùng này thành địa danh gọi là “Đồng ông Cộ” cho đến ngày nay.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận