Khi nhắc đến hiện tượng Mùa Thu Lá Bay trong âm nhạc Việt Nam, người ta thường nhắc tới ca sĩ Kim Anh nổi danh ở hải ngoại từ thập niên 1980. Tuy nhiên ca khúc này đã nổi tiếng từ năm 1973-1974 ở Sài Gòn qua tiếng hát của Hương Lan trong băng Shotguns, với phần lời Việt của nhạc sĩ Nam Lộc (ký với bút danh là Lệ Thanh).
Click để nghe Hương Lan hát Mùa Thu Lá Bay năm 1974
Lần đầu tiên Kim Anh hát Mùa Thu Lá Bay năm 1979, tuy nhiên cô hát lời tiếng Hoa của bài hát gốc có tên là Thiên Biến Vạn Hóa của nữ diva người Đài Loan là Đặng Lệ Quân. Thời điểm đó Kim Anh vẫn chưa biết có phần lời Việt, vì cô đã rời Việt Nam từ năm 1969. Bài hát Mùa Thu Lá Bay này cũng đã gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Kim Anh như là một định mệnh.
Kim Anh thuộc thế hệ ca sĩ trưởng thành sau năm 1975 tại hải ngoại, sở hữu giọng ca khàn nhưng đặc biệt truyền cảm, sự nghiệp đạt đến đỉnh vinh quang vào khoảng giữa thập niên 1980. Tuy nhiên cuộc đời cô cũng từng phải chạm đến những đau khổ đến tận cùng.
Ca sĩ Kim Anh tên thật là Mạch Kim Anh, sinh năm 1953 ở vùng Lai Vung, Sa Đéc, nguyên quán ở Quảng Châu – Trung Quốc. Cha của cô sống ở Chợ Lớn, sau đó xuôi xuống miền Tây làm ăn và tạo dựng gia đình tại đây. Vùng Lai Vung có đặc sản nổi tiếng là nem Lai Vung, và gia đình Kim Anh chính là nơi đầu tiên sản xuất món ăn truyền thống này.
Thuở nhỏ Kim Anh rất thích nghe nhạc từ đài radio và tập hát theo, khán giả đầu tiên của cô là người cha hết mực yêu thương con. Kim Anh kể rằng mỗi lần ông gặp chuyện buồn là ông nói cô hát cho ông nghe bất kể loại nhạc gì, từ nhạc Hồ Quảng cho đến cải lương Văn Hường, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn…
Năm 1969, Hạm đội của Hải Quân Mỹ có đề xướng một chương trình bảo trợ cho những học sinh trung học thuộc một số quận thuộc tỉnh Sa Đéc sang Mỹ học theo diện trao đổi du học sinh. Kim Anh lúc đó 16 tuổi, có tư chất thông minh và được nhận học bổng và sang Hoa Kỳ học tại thành phố Greenbelt của tiểu bang Maryland.
Trong một dịp tình cờ đi làm phiên dịch tiếng Việt cho những ban nhạc người Việt sang Mỹ biểu diễn ở nhà hàng của người Hoa, Kim Anh ngẫu hứng hát chơi một vài bài, những người trong ban nhạc nghe thấy hay nên khuyến khích cô theo nghiệp hát. Từ đó Kim Anh trở thành ca sĩ chính của nhà hàng và thường hát nhạc bằng tiếng Anh – tiếng Hoa.
Năm 1978, trong một đêm đi hát về, Kim Anh đã gặp một tai nan khủng khiếp vì gặp phải bão xoáy, xe bị va vào thành cầu. cô bị nặng nhất trong 3 người có mặt trên xe, bất tỉnh 3 tuần sau mới tỉnh lại. Toàn thân cô bị nhiều vết thương đau đớn, thời gian này cô đã phải tìm đến “nàng tiên nâu” để giảm đau và bị vướng vào đó một thời gian dài mới cai khỏi.
Thời gian sau đó cô vẫn đi hát ở nhiều vũ trường, nhưng tên tuổi Kim Anh chỉ thật sự trở thành một hiện tượng từ khoảng năm 1983, sau khi ra mắt cuốn băng nhạc mang tên Mùa Thu Lá Bay.
Vào thời điểm năm 1982, khi điện thoại vẫn chưa phổ biến, và gửi thư tín về Việt Nam thì rất lâu mới đến, một hôm Kim Anh nhận được thư của cha ở Việt Nam như sau: “Bà Bá rất nhớ tiếng nói và giọng hát của con gái yêu, nhớ giọng đứa cháu ngoại nữa”.
Đọc thư xong, cô có linh cảm là cha đang bệnh nặng, muốn về nước ngay nhưng thời gian đó không được phép về Việt Nam. Vì vậy Kim Anh có ý định thu âm một bài hát để gửi về cho cha nghe.
Sau khi nhận được lá thư của cha, ban đầu Kim Anh chỉ muốn thu duy nhất một bài hát là Mùa Thu Lá Bay bằng tiếng Hoa để gửi băng về Việt Nam, nhưng thời điểm đó khó tìm phòng thu, và các studio không thu bài lẻ, mà bắt buộc thu đủ băng nhạc có 11 bài. Vì vậy Kim Anh phải chọn ra 11 bài hát để thu thành cuốn băng mang tên Mùa Thu Lá Bay, điều đặc biệt là băng nhạc này được nhạc sư Lê Văn Thiện hòa âm.
Ở phần đầu băng nhạc có một đoạn lời giới thiệu ban đầu được chính Kim Anh viết bằng tiếng Anh, sau đó nhờ Elvis Phương dịch ra lời Việt và Khánh Ly xếp chữ lại thành một đoạn văn để Kim Anh đọc. Trong 11 bài hát này, có bài Mùa Thu Lá Bay được Kim Anh hát cả lời Việt lẫn lời Hoa.
Thời điểm đó, việc gửi băng nhạc có tiếng hát về Việt Nam vẫn chưa được phép, nên Kim Anh phải nhờ người quen dùng kỹ thuật để đảo ngược băng làm cho mất tiếng giống như là băng trắng, sau đó về tới nơi thì mới đổi ngược lại cho có tiếng.
Tuy nhiên khi cuốn băng cassette về đến được Việt Nam thì cha của Kim Anh đã mất được ba ngày, và vẫn chưa thể nhắm mắt. Với phong tục của người Hoa thì đó là điều chẳng lành. Khi người nhà mở cuốn băng lên và nghe bài hát Mùa Thu Lá Bay, nghe phần lời Việt thì vẫn bình thường, nhưng có một điều kỳ lạ là khi những câu tiếng Hoa đầu tiên của bài hát được cất lên thì mắt của người cha mới bắt đầu nhắm lại và từ khóe mắt trái một giọt nước mắt từ từ chảy ra…
Trong cùng thời điểm đó, tại Hoa Kỳ, Kim Anh kể lại rằng cô đang hát ở Texas, đứng trên sân khấu nhìn xuống, dường như đã nhìn thấy cha của mình đứng ở dưới nhìn, cô vội chạy xuống thì không thấy đâu nữa. Sau này nhận được thư của gia đình gửi từ Việt Nam sang, so lại ngày giờ thì mới biết cùng lúc đó, ở tại quê nhà, người cha đã từ từ nhắm mắt lại khi nghe được giọng hát của con qua cuốn băng Mùa Thu Lá Bay.
Click để nghe băng nhạc Mùa Thu Lá Bay
Sau hiện tượng đặc biệt này, ca sĩ Kim Anh bắt đầu có được những hào quang trong sự nghiệp ca hát. Vì vậy, Mùa Thu Lá Bay đã trở thành ca khúc gắn liền với sự nghiệp của cô như là một định mệnh.
Nói thêm về nguồn gốc của Mùa Thu Lá Bay, là xuất phát từ tiểu thuyết ngôn tình tên là Thái Vân Phi của nữ văn sĩ nổi tiếng người Đài Loan là Quỳnh Dao, được dịch giả Liêu Quốc Nhĩ chuyển sang tiếng Việt thành tựa đề Mùa Thu Lá Bay, trở thành 1 trong 2 cuốn truyện Quỳnh Dao bán chạy nhất ở miền Nam trước 1975.
Liêu Quốc Nhĩ kể về cuốn truyện dịch bán chạy nhất của ông như sau: “Tôi dịch xong, giao cho nhà xuất bản Lá Bối của thầy Từ Mẫn. Sách in ra, chỉ trong vòng 1 tuần thôi, thị trường đã hút 7000 ngàn cuốn. Xin nhắc lại là Bảy ngàn cuốn bán hết vèo trong vòng một tuần. Chính thầy Từ Mẫn của nhà Lá Bối cũng phải kinh ngạc”.
Sức hút của Mùa Thu Lá Bay còn lan sang cả sân khấu cải lương từ đầu thập niên 1970 qua “hóa thân” của Bạch Tuyết – Minh Phụng (trên sân khấu cải lương và trong băng đĩa), Mộng Tuyền – Thành Được (trên đài truyền hình Sài Gòn) vào vai Mẫn Vân Lâu và Hàn Ni – là 2 nhân vật nam – nữ chính trong truyện.
Khi tiểu thuyết Thái Vân Phi được chuyển thể thành phim năm 1973 và công chiếu ở miền Nam Việt Nam, người ta cũng dịch tựa đề phim thành Mùa Thu Lá Bay để chiếu ở rạp Lệ Thanh, trở thành cuốn phim ăn khách nhất ở Sài Gòn thời điểm đó.
Click để nghe diva Đặng Lệ Quân hát Thiên Ngôn Vạn Ngữ (Mùa Thu Lá Bay)
Ca khúc chính trong phim tên là Thiên Ngôn Vạn Ngữ do diva Đài Loan – Đặng Lệ Quân hát được nhạc sĩ Nam Lộc viết lời Việt cũng rất được yêu thích qua giọng hát Hương Lan năm 1974. Đó chính là bài Mùa Thu Lá Bay mà sau này Kim Anh đã hát. Đằng sau ca khúc này là một câu chuyện khá thú vị được chính nhạc sĩ Nam Lộc kể lại.
Khi cuốn phim điện ảnh Mùa Thu Lá Bay trở thành một hiện tượng của rạp chiếu bóng Sài Gòn vào khoảng cuối năm 1973, nhạc sĩ Ngọc Chánh (ông chủ của hãng thu âm Shotguns và nhà xuất bản Khai Sáng) muốn ăn theo hiện tượng này nên nhờ nhạc sĩ Nam Lộc viết lời Việt cho ca khúc chính trong phim và vào trong băng nhạc Shotguns. Để cho nhạc sĩ Nam Lộc biết nội dung phim và có cảm hứng sáng tác, Ngọc Chánh 3 lần mua vé cho Nam Lộc đi xem phim, tuy nhiên vì không thích phim Tàu nên cả 3 lần Nam Lộc nhờ các cô em gái đi xem rồi về kể lại nội dung phim để ông soạn lời nhạc.
Theo nhạc sĩ Nam Lộc kể lại, sở dĩ Ngọc Chánh phải mua vé những 3 lần là vì muốn Nam Lộc sửa đi sửa lại nội dung bài hát nhiều lần, để đổi lời nhạc từ trừu tượng lãng đãng thành thành chân thật, giản dị và mang tính thời trang, vốn không phải là sở trường của Nam Lộc. Ông Ngọc Chánh đã kiên nhẫn thuyết phục Nam Lộc đến 3 lần thì mới hoàn thành xong lời nhạc Mùa Thu Lá Bay nổi tiếng mà chúng ta đã được nghe hiện nay.
Click để nghe Kim Anh hát ca khúc Mùa Thu Lá Bay
Bài: Đông Kha – chuyenxua.net