100 ảnh hiếm về Tết ở Hà Nội 100 năm trước và tập quán ngày Tết của người Hà Nội xưa

Mời các bạn xem bộ ảnh 100 tấm chụp Hà Nội ngày Tết vào thập niên 1920, tức là khoảng 100 năm trước.

Bộ ảnh lột tả rõ nét văn hóa ăn Tết của người Việt (cụ thể là người Hà Nội) từ ngàn xưa với những cành đào, câu đối, chậu thủy tiên, tranh tứ bình, cây nêu,… Tất cả những nét văn hóa đó có thứ còn, có thứ đã không còn hiện diện trong những ngày Tết của thời hiện đại nhưng tất cả chưa từng mất đi trong tâm trí, trong ký ức của rất nhiều những thế hệ người Việt, trong những câu chuyện kể và đặc biệt trong bộ ảnh đặc biệt quý giá này.

Với mỗi gia đình người Việt từ xưa đến nay, khu vực ban thờ gia tiên luôn là phần được quan tâm nhất, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Bàn thờ lúc nào cũng phải được đặt ở gian giữa, khu vực trang trọng và sạch sẽ nhất trong nhà.

Khu vực ban thờ gia tiên được trang hoàng đẹp đẽ và gọn gàng

Vào những ngày Lễ Tết, khu vực ban thờ càng phải trang hoàng kĩ lưỡng hơn, với các loài hoa trái tươi tắn và ngon đẹp nhất, những món đồ phong thủy, bình phong, câu đối,… cũng được sửa soạn, trang hoàng để cầu cho một năm mới an khang, nhiều may mắn sẽ đến với gia đình.

Cây nêu là hình ảnh quen thuộc trong những ngày Tết xưa. Ngày nay, việc dựng cây nêu trước nhà trong những ngày Tết không còn phổ biến nhưng phong tục này vẫn còn xuất hiện rải rác trong nhiều gia đình ở nhiều nơi, đặt biệt là ở khu vực phía Bắc.

Một người đàn ông chuẩn bị cây nêu vào chiều 30 Tết

Thông thường, cây nêu được chuẩn bị vào lúc chiều tối của ngày 30 Tết (thường tầm 7-8 giờ tối). Người ta sẽ chặt lấy một cây tre (hoặc tầm vông) cao khoảng 5-7m, có ngọn hơi rủ xuống, đem róc những cành lá phía dưới chỉ chừa lại phần ngọn rủ; rồi lấy một lá bùa bát quái, cùng một chiếc giỏ nhỏ đựng lá vàng bạc, vôi và trầu cau buộc lên phần sát ngọn. Một số nơi sẽ buộc thêm những chiếc khánh nhỏ hoặc đèn lồng.

Tập tục này xuất hiện dựa theo những quan niệm duy tâm của người xưa rằng: Trên thế gian, mỗi nơi chốn đều có một vị thần trấn nhậm trị yêu quỷ. Tuy nhiên, từ chiều 30  Tết, các chư thần đều bận về chầu trời nên không có ai trị yêu. Ma quỷ nhân dịp này sẽ đi phá phách làng xóm. Và cây nêu được dựng nên với mục đích để trừ ta ma yêu quỷ phá phách, cầu bình an và dẫn đường cho ông bà tổ tiên trở về ăn Tết với con cháu.

Cây nêu sau khi chuẩn bị xong sẽ được đem dựng ở trước nhà.

Người Việt ngày nay vẫn truyền tụng câu nói của ông bà từ ngàn xưa: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Đây là câu nói vắn tắt thể hiện tầng bậc lễ nghĩa trong văn hóa chúc tụng ngày Tết của người Việt, đồng thời khẳng định 3 thứ lễ quan trọng nhất mà mỗi người đều cần phải thực hiện trong những ngày lễ Tết là cha mẹ, nội ngoại và những người Thầy. Có thể nói, văn hóa chúc tụng, lễ lạt là thứ văn hóa quan trọng bậc nhất, không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt trong 3 ngày Tết chính.

Thanh niên trong nhà quần áo chỉnh tề xếp hàng chúc Tết người lớn tuổi

Những đứa trẻ được dạy về văn hóa chúc Tết ngay từ khi vừa bập bẹ biết nói.

Những người lớn đến nhà nhau để thăm hỏi chúc Tết.

Những lời chúc tụng sẽ được hai bên lần lượt, vui vẻ nói ra ngay khi những người khách và những người chủ nhà gặp gỡ nhau ở trước cửa nhà.

Từ xa xưa, người Việt đã có truyền thống đốt pháo vào mỗi dịp Tết, đặc biệt là trong đêm giao thừa và sáng mùng một Tết. Nguồn gốc ban đầu của tập tục này là do người ta tin rằng tiếng pháo có thể làm ma quỷ sợ hãi mà bỏ trốn, gia đình nhờ đó sẽ được ăn Tết yên ấm.

Những tràng pháo nhỏ được chuẩn bị để đem ra đốt

Một người đàn ông đang đốt pháo ở sân

Cho đến ngày nay, nhiều người Việt vẫn hoài niệm về những cái Tết rộn ràng tiếng pháo, với xác pháo nhuộm đỏ sân nhà và cái mùi khét khét thân thuộc của thuốc pháo tràn ngập trong không khí mùa Xuân.

Cả đại gia đình quầy quần và háo hức xem đốt pháo

Từ hàng trăm năm trước, khi máy ảnh được người Pháp mang đến Đông Dương, các gia đình giàu có bắt đầu hình thành thói quen chụp ảnh gia đình ngày Tết.

Một gia đình giàu có chuẩn bị chụp ảnh Tết bên tiểu cảnh hòn non bộ

Ngày Tết là dịp tốt nhất để có những bức ảnh gia đình sum họp đông đủ và đẹp nhất. Ai cũng quần là áo lượt còn nhà cửa thì được trang hoàng đẹp đẽ.

Nhắc đến Tết, không thể không nhắc đến đình, đền, chùa chiền,… Người Việt từ xưa tới nay, ngoài thời gian đi chúc tụng bà con, họ hàng, bạn bè luôn dành một phần thời gian trong những ngày đầu năm mới để đến những nơi chốn tâm linh vừa để vãn cảnh, vừa để cầu nguyện cho một năm mới tròn đầy, may mắn.

Khách bộ hành nườm nượp kéo đến Chùa Đông Quang

Trước đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn xưa
Đền Ngọc Sơn là một địa điểm du Xuân không thể thiếu của người Hà Nội từ xa xưa

Dù là từ hàng trăm năm trước thì Tết vẫn là thời điểm người Việt tiêu pha, mua sắm nhiều nhất. Và dĩ nhiên, nơi nhộn nhịp, ồn ào nhất trong những ngày giáp Tết chính là những khu chợ. Dù giàu dù nghèo, mỗi gia đình Việt đều luôn cố gắng sắm sửa, trang hoàng, để các thành viên trong gia đình đều được hưởng một cái Tết ấm no đầy đủ nhất.

Cảnh mua bán đi lại nhộn nhịp diễn ra ở khắp các khu chợ

Hàng hóa chất đầy các gánh hàng, chờ người mua đến mang về

Một người phụ nữ mang theo con nhỏ ngồi bán những bình cây, hoa trang trí ngày Tết

Một góc chợ bán đào, quất nhộn nhịp kẻ mua người bán

Nhắc đến Tết Hà Nội, nhất định phải kể đến chợ Đồng Xuân. Khu chợ nổi tiếng và sầm uất bậc nhất xứ Hà Thành xưa:

Những nải chuối đẹp nhất được bày bán để mọi người mua về bày mâm ngũ quả

Người xe chen chúc ra vào khu chợ chính

Những bó lá giong lớn còn tươi nguyên được gói buộc cẩn thận bày bán khắp nơi trong chợ để mọi người mua về gói bánh

Những sạp hoa đủ loại khoe sắc thắm

Những cành đào lớn được vác đi bán rê trong chợ

Ngày Tết ở Hà Nội nói riêng và ở vùng phía Bắc nói chung, không thể thiếu hoa đào, cũng giống như ở miền Nam không thể thiếu một nhành mai. Hoa đào không chỉ là loài hoa đặc trưng của mùa xuân miền Bắc mà còn mang ý nghĩa về sự tươi mới, sinh sôi nảy nở báo hiệu một năm may mắn, tài lộc thịnh vượng.

Năm 1936, nhà thơ Vũ Đình Liên đã viết một bài thơ nổi tiếng về nghề “viết chữ, câu đối” của những ông đồ trong mỗi dịp Tết với những câu thơ vô cùng xúc động:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Ngay từ thời điểm bài thơ ra đời, nghề “ông đồ” với những câu đối đỏ đã trở thành ký ức vàng son trong tâm tưởng của những người hoài cổ. Bởi thời điểm này, chữ nho hầu như đã mất chỗ đứng, không còn được trọng dụng; hệ thống thi cử cũ cũng bị bãi bỏ. Những câu đối đỏ bằng chữ nho đã không còn được ưa chuộng.

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Nhưng ở thập niên 1920, thầy đồ vẫn còn rất được trọng dụng. Và ngày Tết nhất định không thể thiếu những câu đối đỏ chữ Hán mực Tàu treo trong nhà. Có thể nói đây là những hình ảnh cuối cùng của thời cực thịnh của ông đồ.

Tết nhất cũng là dịp “ăn nên làm ra” của những sạp hàng vàng mã. Thứ vật phẩm tâm linh không thể thiếu trong văn hóa cúng bái của người Việt từ xưa tới nay.

Một quầy hàng bán vàng mã

Có thể thấy, ngay từ thập niên 1920, những vật phẩm vàng mã đã rất phong phú, đa dạng.

Những sạp hàng vàng mã đầy ụ thể hiện sức mua của người dân trong các dịp Tết là rất lớn

Văn hóa Tết của người Việt, ngoài phần Lễ nhất mực quan trọng còn có phần Hội vô cùng phong phú, thể hiện qua các trò chơi dân gian, những lễ hội chỉ xuất hiện duy nhất trong những ngày đầu năm.

Chơi đấu roi
Người dân háo hức tham gia và cổ vũ trong các trò chơi của lễ hội

Một số hình ảnh khác:

Một ông quan trẻ về ăn Tết cùng gia đình

Chơi cờ ngày Tết

Một gia đình tứ đại đồng đường

Ăn cỗ ngày Tết

Những đứa trẻ bận đồ ngày Tết

Đi tảo mộ

Cảnh chia đồ ăn khi xong một bữa ăn cỗ ngày Tết

Tiệm bán nhang

Bài: Đông Kha – chuyenxua.net
Ảnh: manhhai flickr

1 bình luận về “100 ảnh hiếm về Tết ở Hà Nội 100 năm trước và tập quán ngày Tết của người Hà Nội xưa”

  1. Tranh quý. Nhưng tranh toàn các gia đình giàu có. Giá có tranh của người nghèo nữa thì đầy đủ hơn. Các cụ ngày xưa quả là thanh lịch. Cảm ơn WEB.

    Trả lời

Viết một bình luận