Tục lệ đáng yêu của ngày Tết (Bài viết của Thạch Lam hơn 80 năm trước)

Những tục lệ cổ truyền từ bao đời của người Việt trong ngày tết, hầu như người Việt nào cũng biết tới, qua ngòi bút của Thạch Lam càng trở nên thi vị và đáng yêu vô cùng. Bài này được Thạch Lam viết vào một dịp Tết từ hơn 85 năm trước, đăng trên tạp chí Ngày Nay số Xuân 1939.

HÁI LỘC

Hai chữ “ăn tết” của ta nghĩa đã rõ rệt lắm: mấy ngày tết là ngày của cái miệng, những ngày đầy các món ăn ngon, các thứ mứt thơm, rượu ngọt và bánh chưng mới.

Những ngày tết còn nhiều thi vị khác nữa; cái thú sum họp của gia dình, những đêm thức khuya nói chuyện, những tục lệ xinh xắn và rất có duyên. Có một tục lệ xinh đẹp ý nhị nhất mà năm nào chúng ta cũng phải nêu diễn lại: đi hái lộc. Bởi vì một cành lá tươi hay một búp mầm non, ấy là tất cả mùa xuân mới vui vẻ và may mắn mà chúng ta đem về.

Trong cái với tay ấy, có cả một hy vọng vui đẹp, cả cái liên lạc mật thiết của người với cây cỏ xung quanh. Những năm gặp giờ xuất hành tốt về đêm, người ta đi hải lộc lúc khuya đề về còn xông nhà.

Trong đêm tối dầy hương thơm ngát, các đình chùa là nơi hội họp: lòng hòa tín-ngưỡng với tình yêu, khói hương hòa lẫn với khói pháo. Thật là vui vẻ, ấm cúng và hiền từ.

Ngày lễ Noël, người ta đi nhà thờ dự lễ, rồi trở về ăn tiệc. Sao chúng ta không đi hái lộc đêm ba mươi thật đông và thật vui, rồi trở về đem cành xuân điểm thêm vào bữa ăn thân mật của gia đình? Đó là một tục lệ xinh đẹp và ngây thơ, làm tươi thắm linh hồn và khiến cho chúng ta trẻ lại.

TIỆC GIAO THỪA

Thuở nhỏ, khi tôi làng nghe tiếng pháo giao thừa từ nhà này trả lời nhà khác trong đêm tối, tôi vẫn nghĩ mùa xuân bây giờ mới được chính thức công nhận, mới được mọi người ân cần mời mọc vào nhà. Rồi quanh mâm cỗ đầu năm mới, tôi thấy cảnh gia đình đấm ấm và thân mật quá. Nhưng cái vui đón xuân chỉ vui riêng từng gia đình một.

Sao chúng ta không mời các bạn thân, – nhất là các bạn xa nhà – đến cùng dự cái vui đó? Tôi muốn thấy mở rộng phạm vi buổi giao thừa ra ngoài ngưỡng cửa, bỏ những điều kiêng kỵ phiền phức đầu năm, để bữa tiệc đêm hôm ấy có thể hội họp được đông đủ các người quen xung quanh một bàn đầy hoa đẹp. Hẹn nhau đi hái lộc, rồi cùng nhau trở về uống rượu mừng năm mới; nhà nọ mời, nhà kia đến dự tiệc, người trong gia đình với bạn hữu, có phải cái vui được đầy đủ và rộng rãi hơn không?

BÁNH CHƯNG

Gói bánh chưng là cái tục lệ cũ kỹ nhất của ngày tết, và cũng là cái tục lệ nhiều ý vị nhất của chúng ta. Ồ, chiếc bánh chưng vuông vắn và đầy dặn, mầu xanh như mạ non, gạo nhiễn ra như bông tuyết và giữ trong lòng bao nhiêu quý báu của miếng ngon: lượt đậu mịn và vàng đậm, những miếng mỡ trong như hổ phách, những miếng nạc mềm lấm tấm hạt tiêu. Và thoang thoảng một chút mùi cà cuống, gắt như cô gái chua, sắc như mùi kim lạnh. Biết bao nhiêu kỳ thú và bao nhiêu khí vị lạ lùng! Bánh chưng, cái cốt yếu của ngày tết chính là lương đống của buổi giao thừa. Cho nên nhà giàu hay nhà nghèo cũng đều phải có: nếu không có thì bữa tiệc xuân thành ra nhạt nhẽo mất vui.

Bánh chưng đổi với tết ta cũng như ngỗng quay đối với Noël. Không ai muốn thiếu món ăn chính đó. Đối với nghèo, ở bên Anh (là nơi mà nhiều tục lệ cứ còn được giữ một cách trân trọng) người ta lập ra những “hội ngỗng” (Goose Club). Đó là một hội có từ lâu đời, và chỉ có mục đích là dành sẵn cho những kẻ ít tiền mà không biết lo xa một con ngỗng rất non ăn ngày lễ. Góp một số tiền rất nhỏ, trong mười ba tuần lễ thế là người trong hội chắc chắn đã có ngỗng đề phần mình. Và nếu góp phụ thêm một chút nữa, thì lại được hai chai rượu tốt mang đi. Nhưng có những người nghèo hơn nữa, hay không biết lo xa mà vào hội – Những người đó chiều hôm ấy chen nhau đứng chực ở các cửa hiệu lớn bán thức ăn: ở đây người ta treo từng dẫy hàng ngàn con ngỗng đã quay rán sẵn sàng. Bọn người kia đợi cho chủ hàng tiếp khách sang xong. Người ta bán rất đắt cho kẻ nhiều tiền, nhưng xong rồi, bao nhiêu ngỗng đều hạ giá rắt thấp cho người nghèo. Đó là một cử chỉ từ thiện trong ngày lễ.

Bên ta cũng có những hội gọi là “hội bánh chưng”. Người chơi hội mỗi ngày đóng một xu, hay một tháng ba hào, đề cuối năm lĩnh một tá bánh chưng với ba bốn cân giò. Như thế cũng tạm đủ đề cái tết được tươm tất. Nhưng còn bao nhiêu người nghèo kiếm gạo ăn cũng chưa đủ? Còn bao nhiêu kẻ khốn khó lang thang trên lề đường của thành phố, mà những tiếng kêu xin thảm đạm nổi lên các buổi chiều? Họ ăn tết ở đâu, về ở đâu? Hỡi bạn đọc yêu quy, trong ngày tết này, bạn có nhà cửa, bạn có một gia đình, đoàn tụ hưởng thức ăn ngon và nóng, bạn nên nghĩ đến những người nghèo khổ quanh mình. Bạn nên thương người và rộng lượng: bạn cho đi, làm phúc đi, không tính toán không ngần ngại. Cái tết của bạn chẳng vui vẻ hơn ư vì bạn đã giúp đỡ mấy cảnh nghèo?

THẠCH-LAM

 

 

1 bình luận về “Tục lệ đáng yêu của ngày Tết (Bài viết của Thạch Lam hơn 80 năm trước)”

  1. Bài có nhiều kỷ niệm đáng nhớ về ngày tết, nhưng rất tiếc trong bài có nhiều lỗi chính tả làm cho người đọc khó chịu

    Trả lời

Viết một bình luận