Sự tập hợp đông đảo những lưu dân từ khắp các miền đất nước và sự chung đụng với những dân tộc khác, cuộc sống tương đối dễ dàng và cái chân trời luôn luôn mở rộng ở phía Đông cũng như phía Tây, mời gọi đến những vùng mênh mông khác, cái bến cảng tấp nập tàu thuyền từ bốn phương trời: tất cả những lợi thế đó chỉ có tại Sài Gòn – Gia Định, dần dần tạo thêm cho người dân Sài Gòn một số tính cách riêng.
Người Sài Gòn trước hết là những lưu dân từ khắp các miền đất nước đến đây lập nghiệp, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.
Ra đi là nhìn về phía trước, tìm một cuộc sống mới, một quê hương mới. Nhưng do sự gắn bó sâu đậm với quê hương cũ, người lưu dân nhìn về phía trước mà không bao giờ tách khỏi cội nguồn ở phía sau. Cội nguồn không phải chỉ là tổ tiên, họ hàng, làng mạc, mà cốt yếu hơn nữa là những gì khiến cho họ là người Việt Nam chứ không phải người Chàm, người Khmer hay người Hoa, những dân tộc mà họ sẽ phải chung sống trên con đường Nam tiến. Những cái đó là văn hóa và đạo lý, nền tảng của bản săc dân tộc. Cuộc sống mới sẽ không hoàn toàn giống cuộc sống cũ, nhưng đó phải là một cuộc sống Việt Nam.
Trên đường xa ngàn dặm, người lưu dân chỉ có thể mang theo những gì thiết yếu nhất và phải bám chặt vào đó để có thể vượt qua những thử thách ghê gớm đang đợi ở phía trước.
Những người Việt Nam đầu tiên đã tới vùng đất phía Nam từ giữa thế kỷ 17, nhưng phải đợi tới năm 1679, chúa Nguyễn mới cho thiết lập đồn Tân Mỹ, và năm 1698, phủ Gia Định và huyện Tân Bình được thành lập. Người dân đi tiên phong ít khi được triều đình giúp đỡ, đã quen tự mình giải quyết các vấn đề của cuộc sống mà không mong đợi nhiều ở chính quyền. Với tinh thần tự lực đó, họ đã khai phá vùng đất này, dựng lên một đô thị trù phú mà Trịnh Hoài Đức đã mô tả vài khía cạnh trong thời Gia Long là:
“Các con đường xuyên giáp nhau như hình chữ điền, phố xá liên tiếp nhau, người Tàu và người ta ở chung lộn dài độ 3 dặm… Hàng hóa trong các phố có: gốm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu, sách vở, thuốc thang, trà bột… Những hóa vật ở Nam Bắc theo đường sông biển chở đến không thiếu món nào”.
Về người dân Sài Gòn trong thế kỷ 19, các tác giả của Đại Nam Nhất Thống Chi dưới triều vua Tự Đức đã nhận xét:
“Tục chuộng khí tiết, khinh tài trọng nghĩa, sĩ phu ham đọc sách cốt yếu để hiểu rõ nghĩa lý, nhưng vụng về văn từ, nông phu siêng năng khi khởi công gieo cấy, sau lại ít hay bón xới gì, cứ tùy theo thiên thời để được hay mất mà thôi. Bách công kỹ nghệ thô sơ, những đồ dùng tuy vụng mà bền chắc, hay dùng đồ ngoại hóa… Người tụ ở đủ cả tứ phương, mỗi nhà đều có tục lệ. Dân ở thôn dã thì chất phác, dân ở thị thành ăn chơi phóng túng”.
Sự chung sống của những nhóm lưu dân có tục lệ khác nhau buộc mọi người phải thỏa thiệp trên một số điểm chung nhất để dần dần tạo thành những phong tục tập quán rất giống nhau của các tỉnh Nam kỳ. Người ta tuân theo những phong tục chung, những tục lệ riêng của mỗi gia đình, không gây ngạc nhiên hay khó chịu cho người lối xóm.
Khả năng di chuyển của người dân là một đặc điểm của đất Nam kỳ, như Lucien de Grammont – là một trong những người Pháp đầu tiên đến xứ này đã nhận xét vào năm 1861:
“Tại Nam kỳ, một làng có thể tan rã với tốc độ nhanh như lúc nó hội tụ lại… Một gia đình ra đi với đàn trâu đi trước, mang theo những đồ dùng ít ỏi của mình trên một chiếc xe đẩy hoặc thuyền. Vì khắp nơi đều có đất để trồng trọt và cây cối để dựng nhà, họ ít khi bị khó khăn trong vấn đề ăn ở”.
Hiếu khách là một đức tính nổi bật của người dân Gia Định, như Trịnh Hoài Đức đã viết trong Gia Đinh Thành Thông Chí:
“Ở Gia Định, có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều khoan nạp khoản đãi. Cho nên người đi chơi không cần đem tiền gạo theo, mà lại có nhiều kẻ lậu xâu trốn thuế cũng đến xứ này ẩn núp, bởi có chỗ dung dưỡng vậy”.
Truyền thống hiếu khách này vẫn tồn tại tới ngày nay, tuy nó không còn quá rộng rãi như thời Trịnh Hoài Đức. Nghĩ một cách sâu hơn, nó có thể bắt nguồn từ niềm tin nơi bản chất tốt lành của con người: tính bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy của người Sài Gòn cũng bắt nguồn từ niềm tin đó.
Sau cùng, một đặc điểm chung của tất cả các tầng lớp người dân Sài Gòn là tính phóng khoáng. Trong giới sĩ phu, đặc điểm này một phần nào đó có thể bắt nguồn từ ảnh hưởng của triết học Lão Trang, nhưng trong các tầng lớp khác, nó phát xuất từ khả năng tự túc bằng lao động của người dân Sài Gòn ở bất cứ nơi nào. Đất rộng sông dài, vui ở buồn đi, người Sài Gòn không thích sự gò bó, lệ thuộc vào người khác, những ràng buộc của lễ nghi, cảnh bon chen của vòng danh lợi. Tính phóng khoáng của họ bắt nguồn từ lòng yêu tự do, một thứ tự do đặt cơ sở trên sức lao động của mình.
Cụ Đồ Chiểu đã mượn ông tiểu, ông ngư, ông quán để nói lên sở thích cuản đa số sĩ phu Gia Định, những người ham đọc sách nhưng cốt để hiểu nghĩa lý, do đó lại vụng về văn từ như Đại Nam Nhất Thống Chí đã nhận xét. Mà văn chương không trau chuốt cứ lổm chổm xù xì, thì cũng khó đỗ đạt, và nếu có đỗ đạt thì cũng khó tiến xa trên hoan lộ. Đại Nam Nhất Thống Chí chỉ liệt kê được 26 “nhân vật” của tỉnh Gia Định, tính từ thời Gia Long, trong đó có 13 võ tướng, 12 nhà nho làm quan đến cấp cao và một nhà nho nổi tiếng, thầy của hầu hết các nhà nho khác nhưng lại nhất định không ra làm quan: Võ Trường Toản. Giới sĩ phu ở đây không tiêu cực trước cuộc sống, nhưng họ có thể sống có ích và sống thảnh thơi bằng cách dạy học hơn là làm quan. Xu hướng không thích làm quan của giới sĩ phu sẽ tiếp tục, sau này, trong giưới trí thức tân học.
Ngày nay, người Sài Gòn “chính gốc” chắc chỉ còn rất ít, còn lại hầu hết là dân từ các nơi khác đến, kẻ đến người đi trong một dòng luân lưu bất tận. Nhưng dù từ phương trời nào, hễ ở lại đó ít lâu – có lẽ chỉ cần một thế hệ – là có thể trở thành “người Sài Gòn” với những đặc điểm đã manh nha từ lúc khởi nguyên của thành phố này.
Lý Quý Chung
Bài viết rất đúng dù tôi không là cư dân ở đây nhưng qua đây vì công tác hoặc thăm thú nên cũng cảm nhận được