Tiếng An Nam ở Đàng Trong với Đàng Ngoài – Bài viết hơn 100 năm trước về giọng nói ở 3 miền Việt Nam

Bài viết này của tác giả Phan Khôi đăng báo năm 1921, tức là đã hơn 100 năm trước. An Nam là tên gọi của người Pháp gọi chung người Việt thuở ấy. Còn Đàng Trong với Đàng Ngoài, theo nguyên chú của tác giả thì từ Bình Trị (Quảng Bình – Quảng Trị) trở vào trong là Đàng Trong, còn Đàng Ngoài là từ Nghệ An trở ra.


 

Nước ta vẫn là một nước ngôn ngữ thống nhất, văn tự thống nhất. Trong ba kỳ, người Nam, Bắc Kỳ nói, người Trung Kỳ nghe hiểu được; người Trung, Bắc Kỳ viết, người Nam Kỳ xem hiểu được. Một nước mà tiếng và chữ như thế, tưởng cũng đã giản tiện lắm. Những người thức giả trông thấy thế mà có lòng mừng cho cái tiền đồ tấn hóa nước ta, vì thường nghiệm những nước nào văn ngôn hợp nhất thì sự tiến bộ trong nước có cơ dễ và chóng.

         Người nước mình được cái hạnh phúc tự nhiên như thế, lẽ đáng vui mừng mà hưởng thụ lấy mới phải. Thế mà hiện nay phần nhiều người dường như có ý chia rẽ tiếng Đàng Trong với tiếng Đàng Ngoài. Nhất là tiếng Nam Kỳ với tiếng Bắc Kỳ, người ta cho là khác nhau xa lắm. Lâu nay có mấy người Bắc vào viết báo trong Nam thì người Nam không hoan nghênh; còn xuất-bản-vật của người Nam thì người Bắc không thích đọc. Ấy là một cái chứng cớ cho sự chia rẽ. Vả người Nam kẻ Bắc sở dĩ thông đạt tình ý với nhau, giao hoán tri thức cho nhau, là chỉ nhờ có tờ báo quyển sách; mà nay gây ra cái hiện tượng như thế, há chẳng là đáng lo đáng buồn lắm sao?

         Có người ngoại quốc học tiếng ta, từng bảo tôi rằng: “Tôi ở quý quốc đã lâu, ở khắp cả ba xứ, song đến một xứ nào phải học tiếng xứ ấy, thành thử sự học tiếng của tôi cứ bị thay đổi mãi mà không giỏi được”.

         Người ngoại quốc đó chưa hiểu cái tình thế về tiếng nói nước ta, nên nói như vậy là phải. Nhưng chính người nước ta cũng lại tự chia rẽ tiếng nước ta, thì tôi cho là lạ lắm!

Cứ theo lời tôi thì tiếng nước ta vẫn hợp nhất, không chia rẽ được. Thế thì cớ sao lại có cái hiện tượng chia rẽ như thế? Vậy tôi xin tìm cho cùng tận cái nguyên nhân ấy và có mấy lời thiển luận chất chính cùng các nhà văn học ngoài Bắc trong Nam, ngõ hầu phá được cái mậu kiến đương thời, làm môi giới cho văn tự nước ta được Bắc Nam nhất trí. Ấy là cái mục đích tôi viết bài này.

Tiếng nước ta vốn không khác, mà có 4 điều sau này làm cho người ta hiểu lầm mà cho là khác. Đó là cái nguyên nhân chia rẽ.

1/ Vì giọng nói khác mà cho là khác.

Nay có một người thuần nhà quê ở Trung Kỳ mới ra Bắc Kỳ, hay là một người thuần nhà quê ở Bắc Kỳ vào Nam Kỳ, thì nghe tiếng nói chắc là có khó hiểu. Nhưng ở ít lâu thì tự nhiên nghe hiểu ngay. Ấy chỉ là tại giọng nói có khác. Về giọng nói thì không những ba kỳ mới có khác nhau, từ tỉnh này sang tỉnh kia đã thấy khác nhau rồi: tỉnh thì nói giọng cao, tỉnh thì nói giọng trầm, tỉnh thì nói giọng nặng, tỉnh thì nói giọng nhẹ. (2) Điều đó tưởng ở nước nào cũng vậy, chẳng một chi nước ta.

Những người rành tiếng đều công nhận rằng chỉ có giọng Nghệ An Hà Tĩnh nói đúng hơn hết. Tức như vần với vần gi khác nhau thể nào, toàn quốc không có tỉnh nào phân biệt được; duy có người Nghệ, Tĩnh phân biệt được mà thôi. Cho nên tương truyền rằng xưa kia ông cố đạo đặt ra vần quốc ngữ là ở tại Tĩnh hoặc Nghệ, lấy tiếng hai tỉnh ấy làm chuẩn mà đặt ra vần quốc ngữ. Việc đó nay không lấy gì làm chứng cứ, song có thể tin được, vì nếu không phải lấy tiếng Tĩnh, Nghệ thì không tài nào đủ giọng như vần quốc ngữ được.

Ngoại giả hai tỉnh ấy, tỉnh nào nói cũng có sai cả, không ít thì nhiều. Đại để từ Quảng Bình Quảng Trị giở vào hay nói sai về vần ngược, không phân biệt an với ang át với ác, v.v. và chỉ dùng có bốn dấu, nghĩa là thiếu đứt đi một dấu ngã. Còn từ Thanh Hóa, Ninh Bình sắp ra hay nói sai về vần xuôi, như lẫn tr với chs với xr với d, với gi.

Ấy, cái đặc biệt thì như thế. Còn riêng một tỉnh hoặc một miền thì lại sai ra cách khác. Như người Huế thì lẫn nh với gi nhà thì nói ra giànhẹ nhàng thì nói ra giẹ giàng. Quảng Trị có nơi nói vần ăm ra im trăm năm thì nói ra trim nim. Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thì không nói vần uân được; quan tuần Bình Thuận thì họ nói thành ra quan từng  Bình thựngNam Kỳ phần nhiều lẫn vần úc với út. Cho nên bổng chúc thì nói bổng chútchủ bút thì nói chủ búc. Ra đến Bắc Kỳ, nhiều nơi nói ra n, như ông lý làng tôi thì nói ra ông ní nàng tôi ; cũng có nơi nói tr ra l như ở sách vở đạo Thiên Chúa: Đức Chúa Lời là đứng lọn lành. – Những giọng sai lệch như vậy, nghe qua hơi trái tai mà cũng không thể nhịn cười được!

Tuy nhiên, những giọng sai đó chỉ sai trong lúc nói mà thôi; còn viết ra thì xứ nào cũng phải viết cho đúng. Như tan tác mà viết ra “tang tát”, xe châu (3) mà viết ra “se trâu”, da thịt  ra “gia thịt”, v.v., thì dẫu chính người viết cũng phải tự nhận là lầm. Nếu có người nói: giọng xứ tôi thế nào thì tôi viết thế ấy, không cần phân biệt, thì là lời nói liều, xin thức giả đừng chấp.

Về giọng nói khác nhau đã kể trong điều thứ nhất này là một cớ cho người ta phân rẽ. Song xét ra thì nói dẫu khác mà viết ra không khác, thì cũng không bảo là khác được.

2/ Vì phương ngôn khác mà cho là khác.

Tiếng nước nào cũng vậy, có phương ngôn và văn ngôn. Phương ngôn là tiếng riêng của mỗi xứ; cùng một sự vật mà mỗi xứ gọi tên nó một khác. Văn ngôn là tiếng dùng để viết, người có học thì dẫu ở xứ nào cũng hiểu, vì là tiếng chung. Như tiếng “cha” thì có chỗ gọi là bố, hoặc là tía, là bọ, là pa, v.v. “Mẹ” thì có chỗ gọi là u, hoặc là cái, là đẻ, là , là mạ, là mệ, là me, v.v. (4)  “Hùm” thì có chỗ gọi là cọp, là cọt, là ông kẹ, là ông năm mươi, v.v. Ấy những tiếng bố, tía, bọ, pa, u, cái, đẻ, má, mạ, mệ, me, cọp, cọt, kẹ, ông năm mươi, là phương ngôn, còn những tiếng cha, mẹ, hùm, là văn ngôn. Vậy nên dẫu người Bắc Kỳ có gọi cha là bố, gọi mẹ là u, người Nam Kỳ có gọi là tía, là má, song viết ra thì vẫn viết là cha, mẹ. Ở Quảng Bình, Quảng Trị, miền thượng du dẫu gọi hùm là ông năm mươi, song xem sách mà thấy chữ “hùm” thì cũng đều hiểu nghĩa.

         Trên đây chẳng qua lược kể một ít về văn ngôn và phương ngôn; nếu chiếu theo lệ này mà kể ra nữa thì còn nhiều lắm. Trong phương ngôn kể trên này là đồng một sự vật mà khác danh; ngoài ra lại còn vật dẫu đồng mà hơi khác, cho nên tên khác, người ta thường không xét đến. Như người Đàng Trong phần nhiều nhận rằng Bắc Kỳ gọi con vịt là con ngan. Song không phải, ngan nhỏ hơn ngỗng, lớn hơn vịt, chỉ ngoài Bắc có mà trong Nam không có. Ngoài Bắc vẫn có vịt, chứ không phải gọi vịt là ngan đâu. Lại còn, người Bắc nhận tiếng cái nốt ở Huế tức là cái thuyền, song kỳ thực cái nốt là một hạng thuyền khác, người ta mới đặt tên riêng nó là cái nốt. Những tiếng như thế trích hết ra thì bộn bề lắm; nếu mình xét cho đến nơi đến chốn thì mới biết nó là khác vật khác tên, chứ không phải cùng vật khác tên.

Người mình ít hay đi ra, lại có tính lười, không chịu nghiên cứu. Người là người thiểu kiến đa quái, tài nào thấy những phương ngôn khác nhau như thế mà không rối trí, chẳng biết đường mà giở, rồi gắt ầm lên rằng: “Nói cái quái gì, nghe không hiểu!‟ Ấy cái nguyên nhân thứ hai cho sự phân rẽ. Giá mà biết phân biệt phương ngôn với văn ngôn thì có lạ gì.

3/ Vì nói trại mà cho là khác.

Tiếng nói cũng như mọi sự khác, phát nguyên từ một chỗ rồi truyền đi các nơi; truyền đi càng xa đàng, càng lâu ngày thì càng sai. Nay ta dẫu không tìm chính quán của một tiếng ở đâu, rồi di trú nơi nào, biến hoán làm sao, song cứ hiện tượng mà suy đến nguyên nhân, thì cái lẽ ấy chắc là không sai được. Trong tiếng ta có nhiều tiếng Nam Bắc nói khác nhau một ít là do lẽ ấy.

Nay thử lấy mấy tiếng này làm lệ. Như Bắc Kỳ nói: giời đất, mặt giăng, con giai, gà sống, nhẽ phải, nhời nói, thì Trung, Nam Kỳ nói: trời đất, mặt trăng, con trai, gà trống, lẽ phải, lời nói. Ấy là những tiếng chỉ sai nhau về chữ vận (consonne)(a).  Còn Trung, Nam Kỳ nói: sông biển, sai biểu, tiêm tất, bỏn sẻn, thì Bắc Kỳ nói: sông bể, sai bảotươm tất, bủn sỉn.  Ấy là những tiếng chỉ sai nhau về chữ âm (voyelle)(b). Những tiếng như thế chắc lúc đầu nguyên có một, sau nhân truyền đi mà nói trại dần dần, hóa có khác nhau, nhưng khác nhau không mấy, chẳng qua nói lệch đi một chút.

Vậy thì tự đâu nói trại? Ai đúng mà ai sai? Nay ta nên nói theo trời, trăng, hay là giời, giăng? Nói theo bể, bảo hay là biển, biểu là phải? Điều đó chịu không đoan quyết được. Có người nói: Dân tộc ta từ Bắc dầu vào Nam, tiếng nói cũng thế. Gốc tiếng từ Bắc, thì Bắc là đúng mà Nam là sai. Có người cãi lại: Đành rằng tiếng ta từ Bắc truyền vào Nam, nhưng chắc là người Bắc ngày xưa muốn cho tiếng mình mỗi ngày một thanh một nhẹ, tập theo giọng nói kẻ chợ, nói trời ra giời, nói sao (5) ra xao, nên càng ngày càng sai, mất hẳn đi vần tr  với vần s. Người Nam vẫn chịu tiếng Bắc truyền vào, song giữ được nguyên bản. Vậy thì Bắc sai mà Nam đúng. Hai lời đó khó đoán cho lời nào là phải, mà cái vấn đề ấy cũng không quan trọng gì lắm trong bài này, cho nên lược mà không luận. Đây chỉ biện bạch cho biết những tiếng nhân nói trại mà thành ra hơi khác, chứ không phải là thật khác vậy.

         Trên này là thuộc về sự nói trại tự nhiên; lại còn có sự nói trại cố ý. Cố ý nói trại nghĩa là kiêng tên. Như Bắc Kỳ nói: ánh sáng, chủng tộc; Nam Kỳ nói: yếng sáng, chưởng tộc; người không biết tưởng ánh và yếng khác nhau, chủng và chưởng khác nhau, nhưng kỳ thật có một. Nguyên đức Thế Tổ (vua Gia Long) ngự danh là Ánh và nhất danh là Chủng; người Nam Kỳ húy tên ngài, nên nói trại ra yếng và chưởng. Đức Thế Tổ là vua cả nước Nam, cớ sao một mình người Nam Kỳ húy tên ngài? Là vì ngài phát tướng tại Nam Kỳ, lòng tôn thân của người Nam Kỳ đối với ngài có mặn hơn. Lại như tiếng thì, có nơi nói là thời. Nơi nói thời là kiêng tên đức Dực Tôn (vua Tự Đức) vì Thì là ngự danh ngài. Suy ba tiếng đó thì có lẽ các tiếng khác cũng vậy. Như lâm tuyền thì người Nam Kỳ gọi là lâm toàn, bốn phương thì gọi là bốn phang, v.v. Những tiếng như thế chắc cũng bởi sự kiêng tên mà ra, song chưa tìm được cái xác chứng.

Người có ý tứ thấy những tiếng khác nhau vì sự nói trại mà ra, thì hiểu ngay mà cho là không khác. Song người không chịu suy nghĩ thì cho là khác. Ấy là nguyên nhân thứ ba cho sự phân rẽ.

4/ Vì Đàng Ngoài nhiều tiếng hơn Đàng Trong mà cho là khác.

Ai đã đi khắp Nam Bắc, giao tế đủ các hạng người, lại đã thiệp liệp các báo các sách của người Đàng Trong Đàng Ngoài biên chép, thì mới biết chắc rằng tiếng Đàng Ngoài phong phú hơn tiếng Đàng Trong. Vì Đàng Ngoài mở mang đã lâu, đất rộng dân nhiều, văn hóa có khai thông hơn, nên càng ngày càng sinh thêm nhiều tiếng. Như nói về việc làng, thì ngoài Bắc có nhiều tục lệ khác trong Nam. Bởi vậy mới có những tiếng lên lão, đương cai, khao vọng, v.v. là tiếng Đàng Trong không có. Nói về việc buôn bán thì ngoài Bắc cũng thịnh hơn, cho nên mới thêm những tiếng bán buôn, bán cất, (6) mặc cả, (7) hàng dong, v.v. là những tiếng chưa truyền vào Đàng Trong. Lại như tục Bắc chuộng đồng bóng, nên thêm được những tiếng lễ bái, trẩy hội, khăn chầu, áo ngự, buôn thần, bán thánh ; tục có hát ả đầu, nên thêm được những tiếng sẩm, hãm, quan viên, chị em, v.v. Nếu đem những tiếng này mà nói với người Đàng Trong, chắc là không mấy kẻ hiểu.

Không những các danh từ (nom) vì có sự vật nên có thêm tiếng; cho đến những tiếng về trạng từ (adjectif), trợ động từ (adverbe), v.v., ngoài Bắc cũng nhiều hơn. Như tiếng gàn dở, trạng người có tính lập dị, bất cận nhân tình; tiếng cát lầm, trạng sự đồ thán cực khổ; tiếng véo von, trạng cung đàn giọng hát thanh tao, – còn nhiều nữa, không xiết kể, – đều là tiếng Đàng Trong tuyệt nhiên không có. Như những tiếng thảo nào, tha hồ, dễ thường, giá mà, v.v.(8) dùng vào văn rất tiện, mà Đàng Trong không có, nên ít ai biết dùng. Lại như những tiếng thuộc về nạn ngữ (terme interrogatif) như tiếng tá ?, ru ?, dư ?, ư ? − dùng vào câu hỏi đắt lắmmà Đàng Trong thì chỉ dùng chữ chăng? chữ sao? mà thôi.    

Tôi nói thế, xin độc giả đừng cho tôi là có ý khinh miệt tiếng Đàng Trong. Đàng Trong vẫn cũng có tiếng Đàng Ngoài không có, nhưng thuộc về số ít. Xin cứ xem truyện Kim Vân Kiều và truyện Lục Vân Tiên thì đủ biết. Truyện Kiều đại biểu cho tiếng Đàng Ngoài, truyện Vân Tiên đại biểu cho tiếng Đàng Trong. Không kể văn chương Kiều hay hơn Vân Tiên, điển cố chữ Hán Kiều rườm rà hơn Vân Tiên; chỉ kể về phần tiếng ta, Kiều vẫn nhiều và lịch sự hơn Vân Tiên lắm. Điều đó tưởng ai nấy cũng phải công nhận.

Ấy thế, tiếng Đàng Ngoài nhiều hơn tiếng Đàng Trong như thế. Thế mà phần nhiều người Đàng Trong không biết là nhiều hơn, chỉ cho là khác! Trong khi họ đọc một quyển sách, gặp nhiều những tiếng như đã kể trên này, thì chắc họ nói rằng: ấy là tiếng Bắc Kỳ đó, mình coi không hiểu! Rồi cứ yên trí rằng tiếng hai đàng khác nhau, chia rẽ hẳn ra, Nam dùng tiếng Nam, Bắc dùng tiếng Bắc. Ấy là cái nguyên nhân thứ tư.

***

Tôi kể bốn điều trên này, chưa biết chắc đã tóm hết những nguyên nhân phân rẽ chưa, hay là còn di lậu? (c) Nhưng tưởng đại khái bốn điều đó cũng tạm là đủ rồi. Lại cứ những lời tôi đã thuyết minh trong bốn điều đây, cũng đủ làm chứng cho tiếng Đàng Trong Đàng Ngoài là không khác nhau; mà cái sự khác nhau là tại người mình vọng tự phân biệt.

Nay muốn trừ khử sự phân biệt ấy, làm cho tiếng Đàng Trong Đàng Ngoài họp một, thì tôi xin nói có ba việc.

1/ Một là về việc học tiếng ta.

Mới nghe nói học tiếng ta, chắc có người lấy làm lạ: sao đã là tiếng ta lại còn phải học? Nghĩ như thế là lầm lắm. Phàm người sinh trong một nước phải học tiếng nước mình đã, rồi mới học tiếng nước ngoài. Người mình ngày xưa học chữ Tàu, ngày nay học chữ Pháp, còn tiếng nước mình thì cứ tập quen mà nói, mà viết, nào ai đã học? Từ ngày chữ quốc ngữ thịnh hành, sách quốc ngữ xuất bản nhiều lắm; nhưng chưa chắc những người trước thuật đó đều là người có học tiếng An Nam! Câu tôi mới vừa nói, hẳn có người lại lấy làm lạ nữa: sao không học lại làm sách được? Song câu ấy đã có mấy nhà trước thuật tự nghĩ lấy mà giả nhời.

Trước kia ta không học, bây giờ ta phải học. Nói đến mà thảm thay! Một nước thế này, một dân tộc to thế này, mà tự vị không có, văn pháp (9) không có; bảo học thì học vào đâu? Song xin ai nấy chớ sợ khó, đừng ngã lòng, chính chúng ta ngày nay là người dọn đường trổ ngõ cho quốc văn về sau, thì tự ta phải tìm lấy lối.

Ta nên xem sách quốc ngữ. Bất cứ sách gì, hay hay là dở, người Nam làm hay là người Bắc làm, ta có thể xem được, nên xem. Điều nên chú ý thứ nhất trong khi xem sách là phải ghi lấy những tiếng mình chưa biết. Người Đàng Ngoài nên tham khảo tiếng Đàng Trong, người Đàng Trong nên nghiên cứu tiếng Đàng Ngoài để mà bổ ích cho nhau. Chữ “học‟ thường đi với chữ “hỏi‟; không gì đê tiện bằng không biết mà không thèm hỏi. Những tiếng chưa biết mà ta đã ghi, hãy hỏi thì sẽ biết.

Hỏi ai? Vậy ta lại nên đi du lịch và giao thiệp với người toàn quốc. Trong khi ta đi du lịch đó tức là trường và thì giờ cho ta học, mà hỏi tức là học.

         Thật cũng không mấy ai vì sự học tiếng mà đi du lịch. Song những người tự mạnh là học giả trong nước ta há lại cả đời không nhân công việc mà vào Nam ra Bắc hay sao? Sao chẳng lợi dụng cái dịp ấy mà học tiếng ta? Nhiều người đã nghiệm: những câu chuyện trên hỏa xa, trong khách sạn, nếu ý tứ mà nghe mà hỏi, thật là vô số những tiếng ta nên học.

Hễ đã xem sách nhiều, du lịch giao thiệp nhiều, thì nghe thấy được rộng, biết được chắc chắn. Những tiếng lạ ngày trước bây giờ trở nên quen. Thôi không còn phân biệt Nam với Bắc nữa, mà chỉ biết là tiếng An Nam, tiếng mẹ đẻ.

2/ Hai là về việc dùng tiếng lạ vào văn.

Các nhà làm văn nước ta phần nhiều có một điều kiêng kỵ là không dám dùng tiếng lạ ngoài xứ mình. Thật vậy, có nhiều người bác thông tiếng ta, song lúc làm văn, dẫu có tiếng hay thích dụng lắm, mà không phải tiếng bản xứ, thì cũng tránh đi không dùng. Họa chăng thỉnh thoảng mới dùng đôi chữ dề dễ. Thế là tại làm sao? Không phải tại người viết văn không muốn dùng, nhưng tại người xem văn không thích xem. Nếu dùng thì văn không ai xem mà văn không chạy!

Cái ẩn tình trong văn giới ta thật có như thế thật. Song tôi tưởng: sự dùng rộng tiếng là sự lợi cho văn tự ngôn ngữ nước nhà; vậy thì ta nên trông vào sự lợi lớn mà đừng quản cái hại nhỏ. Huống chi cứ dùng mãi thì ai nấy sẽ quen sẽ hiểu, cũng vị tất nhân đó mà văn không chạy; thế thì nào có hại gì.

Sự dùng rộng tiếng như thế nào? Tôi xin lược cử vài chữ. Như: Đàng Trong có tiếng “ai … nấy” (khác cách dùng chữ “ai nấy” là “mọi người”) là một đại danh từ để dùng trong khi muốn nói lắp lại. Thí dụ có câu tiếng Pháp rằng: “Celui qui joue, perd son temps, son agreni et sa santé‟. Nếu theo tiếng Đàng Ngoài mà dịch thì phải nói: Người nào đánh bạc thì người ấy mất thì giờ, tiền bạc và sức khỏe. Song nếu dùng chữ “ai … nấy” thì nói: Ai đánh bạc thì nấy mất thì giờ, tiền bạc và sức khỏe. Tôi tưởng chắc là câu sau nghe gọn ghẽ hơn. Lại như: Trong khi ta tìm vật gì mà được, thì dùng chữ gì để chỉ nghĩa sự tìm được ấy? Chắc ai cũng bảo rằng chữ “thấy” hay là chữ “gặp”. Nhưng “thấy” và “gặp” là việc tự nhiên, không phải là chữ để chỉ sự thành công trong khi tìm kiếm. Ở Huế có tiếng rất đúng về nghĩa đó, là tiếng “chộ”. Vậy như câu tiếng Pháp này: “Cherchez, et vous trouverez”; nếu dịch là: “Hãy tìm, sẽ chộ”, thì mới nghe có lạ tai một chút, song chắc là đúng nghĩa và hay hơn chữ “gặp” chữ “thấy”. Đúng và hay thì ta nên dùng. Giá mà dùng được nhiều chữ như thế vào văn, thì không những làm cho tiếng nói Nam Bắc được thông đồng, mà cũng làm cho văn thêm hay ra, và trong bộ tự điển tiếng An Nam sau này cũng có cái vẻ phong phú nữa vậy.

3/ Ba là việc dùng chữ Hán vào văn.

Về việc này, mấy năm trước đây các báo Nam Bắc nghị luận nhiều lắm rồi. Đại để người Nam thì bảo rằng người Bắc dùng chữ Hán thái quá, e rồi tiếng An Nam nhân đó mà “phát ách”. (10)  Điều đó cũng có thật. Vì Bắc Kỳ là cái ổ Hán học, nay dẫu đã suy đồi rồi, nhưng trong xã hội  tiêm nhiễm đã sâu, nên dùng quen đi mà không nghĩ đến rằng làm trở ngại cho kẻ khác. Người Nam Kỳ dẫu không bằng lòng sự đó, song chính mình cũng lại dùng chữ Hán thái quá, mà thái quá một cách khác người Bắc. Như những “Bổn quán đi xe kéo‟, “Con bò du lịch trên đường sắt‟ (!!), v.v. ; chính các báo Nam Kỳ vẫn công kích không tha. Vì vậy nên người Bắc trở chê người Nam dùng chữ Hán lầm.

         Việc này dẫu không ăn với đầu bài của tôi đây, song dùng chữ bất nhất như thế cũng là hại cho tiếng ta, nên tôi phải bàn đến. Vậy tôi xin thuật lại lời của mấy nhà nghị luận năm trước mà giải quyết cái vấn đề ấy rằng: Phàm những tiếng nào về khoa học, triết lý mà tiếng ta không có, hay là tiếng nào có mà không nhã, không gọn, thì nên dùng chữ Hán. Còn như tiếng nào có thể dùng tiếng ta được thì cứ dùng. Ví như: “Mẹ chúa Jésus là bà Maria‟ thì chữ mẹ ấy xin đừng nói là thân mẫu. “Đi khỏi Bình Thuận vào bờ cõi Nam Kỳ‟ thì chữ vào bờ cõi ấy xin đừng nói là nhập cương giới. Vì tiếng “mẹ‟ là tiếng ta có đã mấy nghìn năm nay, cũng như tiếng “mẫu‟ của Tàu, không kém chút nào cả; sao ta đành bỏ của ta mà dùng của họ? Huống chi “thân mẫu‟ là không phải chữ dùng để xưng mẹ người! Còn nói “nhập cương giới‟ thì cũng chẳng thấy gọn hơn hay là nhã hơn nói “vào bờ cõi‟, mà dễ thường làm cho kẻ đọc trái tai, dường như ăn mắc nghẹn!

         Tiếng ta bây giờ đương nghèo, cho nên thấy chữ Hán cũng như thấy đồ cao lương mỹ vị! Dầu vậy, ai biết cách ăn, ăn chừng đỗi, thì nó có bổ cho mình; mà ai không biết cách ăn, ăn ô hợp, thì cũng có ngày phát ách thật, chẳng chơi!

***

         Khắp trên đất, bất luận nước nào, hễ đã có tiếng nói, có chữ viết, thì tất có tự điển, văn pháp của chính người nước ấy làm ra. Nước mình có tiếng có chữ mà không có tự điển, văn pháp; có chăng nữa, thì lại không phải chính tay người mình làm. Nghĩ mà lạ thật! Nghĩ mà nhục thật! Nghĩ mà đáng tủi thay cho văn hóa nước nhà!

         Song cũng không trách gì. Vì tiếng nước ta dẫu có đã lâu, mà chữ thì mới có; mới năm sáu mươi năm nay, mà riết lại chỉ hơn mười năm nay, thì hồ dễ đã nên hoàn mỹ như người ta. Xin từ nay về sau ai là người lưu tâm đến quốc văn, lưu tâm đến tự điển An Nam, văn pháp An Nam, thì nên nghiên cứu tiếng An Nam, nghĩa là nghiên cứu tiếng Đàng Trong và Đàng Ngoài, tiếng cả nước An Nam vậy.

             PHAN KHÔI, CHƯƠNG DÂN (d)

Nguồn:

Hữu thanh, Hà Nội, s. 8 (15.11.1921), tr. 439-445, Lại Nguyên An sưu tầm

Chú thích (nguyên chú của tác giả)

(2)  Tôi nói đại lược như thế, chứ hỏi tôi tỉnh nào giọng cao, trầm, nặng, nhẹ, thì tôi chịu không trả lời được. Tôi tưởng cũng khó, vì không cứ vào đâu mà phân biệt. (nguyên chú)

(3) Câu Kim Vân Kiều: Sắm sanh nếp tử xe châu. (nguyên chú)

(4) Pa và me: hai tiếng này mới thấy, từ tiếng Pháp Papa và Mère mà ra. (nguyên chú)

(5) Sao: Ngôi sao (Étoile) (nguyên chú)

(6) Bán buôn, bán cất tức là bán sỉ; Đàng Trong chỉ có tiếng bán sỉ mà thôi. Người Bắc có tiếng bán sỉ, lại thêm hai tiếng này nữa. (nguyên chú)

(7) Mặc cả hay mà cả, thì Đàng Trong gọi là trả giá. Người Bắc cũng có tiếng trả giá. (nguyên chú)

(8) Thảo nào tức Đàng Trong nói hèn chitha hồ thì nói mặc sứcdễ thường tức là có lẽ, giá mà tức phải chi. Song những hèn chi, mặc sức, có lẽ, phải chi, thì ngoài Bắc cũng có (nguyên chú)

(9) Văn pháp: sách mẹo (grammaire) (nguyên chú)

(10)  Xem thư ngỏ của ông N.H.V. trong “Nam phong tạp chí” kỳ thứ 16. (nguyên chú)

(a) consonne (chữ Pháp): phụ âm; ở đây ý chỉ phụ âm đầu trong mỗi âm tiết tiếng Việt.

(b) voyelle (chữ Pháp): nguyên âm; ở đây ý chỉ nguyên âm đứng làm âm chính trong phần vần của mỗi âm tiết tiếng Việt. (Mỗi âm tiết tiếng Việt gồm phụ âm đầu và phần vần, trong phần vần có : 1/ âm đệm là một bán nguyên âm /đôi khi âm tiết không có âm đệm/ ; 2/ âm chính là một nguyên âm; 3/ âm cuối là một phụ âm hoặc bán nguyên âm)

(c) di lậu: lọt lại, sót lại (theo H.T. Paulus Của, sđd.)

(d) Cách ký cả họ tên thật (Phan Khôi) lẫn bút danh (Chương Dân) này, Phan Khôi cho là một cách làm sai của tòa soạn báo; ông cho là ở mỗi bài đăng báo chỉ nên dùng một trong hai thứ đó – họ tên thật hoặc bút danh; về sau ông sẽ nêu việc này trên báo Thần Chung (1929).

2 bình luận về “Tiếng An Nam ở Đàng Trong với Đàng Ngoài – Bài viết hơn 100 năm trước về giọng nói ở 3 miền Việt Nam”

  1. Theo tôi thì tiếng các miền gom lại chỉ làm phong phú thêm cho tiếng Ta mà thôi, cứ để phát triển theo tính tự nhiên do phong thuỷ (do uống nước nguồn khác mà giọng phát âm khác?) của các miền. Trên đà phát triển của phương tiện truyền thông hy vọng trong tương lai gần thì tiếng Ta sẽ phong phú và bổ sung cho nhau.

    Trả lời

Viết một bình luận