Tài liệu lưu trữ thời Pháp có nhắc tới việc Thiên Địa Hội ở Chợ Lớn đầu thế kỷ 20 đã chiêu mộ thành viên bằng cách cưỡng bức. Nạn nhân là một thư ký mõ tòa tên Nguyễn Văn Khuê sống ở gần chợ Lớn đã kể lại với công tố viên như sau:
“Ngày 17 tháng Mười (ngày 25 tháng 11năm 1912), tên Tư Trâu (thành viên Thiên Địa hội), trú tại An Phú Tây (Chợ Lớn), đến gặp tôi và yêu cầu tôi tham gia một hội kín gọi là Thiên Địa Hội (có nghĩa là ‘Trời và đất’). Tôi từ chối. Tư Trâu, đi kèm với khoảng ba mươi người An Nam vũ trang, ra lệnh cho một trong số họ trói tôi vào cột nhà. Dưới áp lực đe dọa, tôi phải chấp nhận tham gia hội cách mạng này và tôi ghi tên mình vào sổ đăng ký được đưa ra. Tôi đã phải góp khoản tiền là 25$, gồm 5$ cho vợ tôi và 20$ cho tôi. Ngay sau đó tôi được thả, Tư Trâu đã bỏ đi với đồng bọn, tôi vội đi khiếu nại với công tố viện ngay.
Vào dịp Tết năm 1913 (khoảng ngày 6 tháng 2) Tư Trâu cùng băng nhóm quay lại và trói tôi. Lần này, lấy cớ là tôi đã tố giác họ, họ muốn trả thù tôi. Nhưng, nhờ lời nói và tiền bạc, tôi đã thoát, họ tha tôi mà không làm gì hại tôi.”
Mặc dù đánh giá Thiên Địa hội tại Nam Kỳ chưa đến nỗi nguy hiểm như ở Trung Quốc, nhưng người Pháp thỉnh thoảng cũng tổ chức các cuộc truy bắt và trục xuất những Hoa kiều không đăng ký trong sổ bộ. Tuy vậy, Thiên Địa hội vẫn không ngừng phát triển.
Thiên Địa hội ở các tỉnh miền Tây
Trong Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca được viết năm 1909, khi nói về vùng đất Bạc Liêu, tác giả Nguyễn Liên Phong đã viết:
Đạo thánh hiền xưa ham hố ít,
Dân Thiên Địa Hội lén theo nhiều.
Thói quen háo thắng mà gan ruột,
Nghịch ý ngàn muôn cũng đánh liều.
Sau đó nữa là:
Bởi Thiên Địa Hội rần rần,
Gốc con cháu khách lẫy lừng đánh nhau.
Cho nên nhập với Cà Mau,
Lập riêng môt hạt khỏi âu dân loàn.
Với cách nhận xét như vậy về Thiên Địa Hội. có thể thấy người xưa coi hội kín này là nhóm những người bất hảo, thường tổ chức đánh nhau, làm những việc ngoài vòng pháp luật. Trong bài báo phóng sự điều tra năm 1935 sau đây, Thiên Địa Hội còn được gọi chung trong nhóm “Du côn Annam”:
Theo điều tra của chính quyền thuộc địa thời ấy, vào tháng 5/1882, ở tổng Định Chí, tỉnh Sóc Trăng, hầu như tất cả người Hoa, người Minh Hương và người Việt ở 18 làng trong tổng đều theo Thiên Địa hội. Ở Cần Thơ, làng nào cũng có Thiên Địa hội mà người đứng ra tổ chức là những người Hoa từ Chợ Lớn về.
Lúc đó ở Nam kỳ lục tỉnh, tỉnh nào cũng có Thiên Địa hội, nhưng gây được ảnh hưởng lớn nhất vẫn là tại Long Xuyên với hai nhóm là Nghĩa Hưng và Nghĩa Hòa.
Nhóm Nghĩa Hưng hoạt động dưới lớp vỏ bọc thương mại, gọi là Nghĩa Hưng công ty, chuyên vận chuyển lúa gạo, hàng hóa gia dụng bằng những chiếc ghe bầu. Ở cái vành gỗ đầu tiên ngay trước nóc mui ghe, họ cho sơn màu xanh. Vì vậy, dân Long Xuyên thường gọi họ là nhóm “kèo xanh”. Bên cạnh đó, họ còn có một số nhà máy xay lúa và một đội ngũ chuyên đi đến những làng mạc xa xôi, thu mua lúa gạo. Ở đâu xuất hiện nhóm thu mua này là ở đó, những thương buôn khác phải tránh xa. Những người lãnh đạo nhóm “kèo xanh” hầu hết là người Hoa gốc Phúc Kiến.
Nhóm thứ hai xưng tên Hòa Xuân – dân Long Xuyên gọi là nhóm “kèo đỏ”. Về thực chất thì nhóm “kèo đỏ” tách ra từ nhóm “kèo xanh”, phần lớn vẫn là người Phúc Kiến. Bởi vậy nên ngoài cái vành mui ghe thứ nhất sơn màu xanh thì vành thứ hai họ sơn màu đỏ.
Thực lực không bằng “kèo xanh, kèo đỏ” nhưng lại nổi danh là nhóm “kèo vàng”, tên chính thức là Nghĩa Hòa gồm đa số người Hoa gốc Triều Châu và một số ít là người Minh Hương (là những người theo nhà Minh, khi bị Mãn Thanh cai trị đã bỏ xứ chạy sang Việt Nam rồi thành lập một cộng đồng gọi là Minh Hương). Cũng hoạt động dưới lớp vỏ thuyền buôn nhưng “kèo vàng” chuyên về tổ chức cờ bạc với những sòng me, tài xỉu, xập xám.
Những sòng bạc này mọc lên ở khắp nơi: Từ một manh chiếu trải xuống đất bên cạnh chợ Mỹ Luông chuyên đánh tài xỉu đến những sòng mạt chược lênh đênh trên những chiếc ghe bầu hoặc trong những ngôi nhà cửa nẻo kín mít. Theo ước tính vào đầu thế kỷ XX, hội viên chính thức của nhóm “kèo vàng” chỉ khoảng 300 người nhưng nó chi phối hệ thống cờ bạc từ Cần Thơ xuống Sóc Trăng, từ Bạc Liêu, qua Long Xuyên về Rạch Giá.
Trong một báo cáo viết năm 1879 của Sở Mật thám Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, họ đã báo động như sau: “Tỉnh Long Xuyên gồm 60 làng nhưng chỉ 5 làng là chưa xác định được có hội kín hoặc có người dân theo “kèo xanh”, “kèo đỏ” hay không. Số còn lại thì 35 làng chịu ảnh hưởng rất nặng của hai nhóm này, 17 làng chịu ảnh hưởng tương đối. Cũng trong 60 làng thì 52 làng có người của “kèo vàng”, chuyên tổ chức đánh bạc bằng nhiều hình thức, lôi kéo hàng nghìn con bạc tham gia. Trong số 12.484 dân Triều Châu ở toàn cõi Nam Kỳ – trừ Sài Gòn, Chợ Lớn – thì chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng và một phần của Bạc Liêu, tổng số người Triều Châu là 5.300 người – nghĩa là gần một nửa. Ngoài ra, còn có khoảng 6.000 người Triều Châu khác không chịu đăng ký, ghi tên vào sổ bộ…”.
Mặc dù sáng lập và xây dựng tổ chức, nhưng là thiểu số nên người Hoa chỉ nắm vai trò lãnh đạo, vạch kế hoạch cho mọi hoạt động của nhóm mình, còn đa số hội viên hoặc những thủ lĩnh cấp thấp là người Việt. Ngay từ năm 1877, mật thám Pháp đã nhận ra sự hoạt động của Thiên Địa hội nhưng thời điểm ấy, họ cho rằng Nghĩa Hưng, Hòa Xuân, Nghĩa Hòa lập ra chẳng qua là để cạnh tranh trong lĩnh vực làm ăn, cờ bạc.
Báo cáo của mật thám Long Xuyên viết: “Sự liên kết giữa người Việt và Hoa kiều nhất định sẽ có hại cho nhà nước thuộc địa, tuy hiện nay chưa thành vấn đề lớn nhưng trong tương lai sự liên kết ấy sẽ mạnh hơn vì có sự thông đồng ngấm ngầm giữa Hoa kiều chủ chứa sòng bạc và bọn công chức An Nam ăn hối lộ…”.
Tuy nhiên, từ năm 1880 trở đi, tình hình trở nên biến động khác thường. Nhiều làng xóm liên tục xảy ra những vụ cháy nhà, chặt phá vườn cây ăn trái, đánh bả chó, cắt chân trâu, bò… mà nạn nhân nếu không phải là hội viên của nhóm “kèo xanh” thì cũng là người của “kèo vàng”.
Tháng 9/1880, tại Sóc Trăng, lần đầu tiên “kèo xanh”, “kèo vàng” dàn quân đánh nhau công khai giữa ban ngày. Tổng cộng hai bên có khoảng 60 người, hầu hết là người Hoa giỏi võ, trang bị gậy gộc chứ không dùng đao kiếm vì không muốn rắc rối với chính quyền thuộc địa, chưa kể hàng trăm người khác của cả hai bên đi theo để cổ vũ tinh thần. Kết quả có 3 người bị thương nặng phải đưa lên Chợ Lớn điều trị.
Khi trận giao tranh xảy ra, theo lệnh của viên chủ tỉnh, hương chức làng và lính mã tà không can thiệp, cũng như không xuất hiện để giải tán hay bắt bớ. Đến tháng 11, hai bên lại đánh nhau nhưng trận đụng độ có quy mô lớn nhất xảy ra vào ngày 17/12/1880. Hơn 400 người thuộc Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa lao vào hỗn chiến ngay trên đường phố cạnh chợ Sóc Trăng. Lần này, theo đề nghị của chủ tỉnh, Thống đốc Nam Kỳ chấp thuận xử phạt, nhưng chỉ phạt bằng tiền.
Nguyên nhân của những xung đột này bắt nguồn từ thời xa xưa, giữa người Hoa gốc Phúc Kiến và người Hoa gốc Triều Châu. Đến khi nhóm Nghĩa Hòa mở ra những sòng bạc, nó đã lôi cuốn không ít “phu thuyền” – là người làm công trên ghe bầu của nhóm Nghĩa Hưng lao vào cuộc đỏ đen, mà thói cờ bạc thì thua nhiều hơn thắng. Để gỡ gạc, “phu thuyền” Nghĩa Hưng ngoài sự chểnh mảng trong công việc, có người còn ăn cắp lúa đem bán lấy tiền. Sau nhiều lần phát tín hiệu cảnh báo nhưng nhóm Nghĩa Hòa vẫn làm lơ, nhóm Nghĩa Hưng quyết định một còn một mất.
Và sở dĩ nổ ra những trận chiến bởi nhóm Nghĩa Hưng xưa nay vẫn thiên về hoạt động chính trị. Dựa vào khẩu hiệu “phản Pháp phục Nam”, những người cầm đầu Nghĩa Hưng toan tính lật đổ chính quyền thuộc địa để thay thế bằng một nền quân chủ, trong lúc nhóm Nghĩa Hòa lại chủ trương làm ăn kinh tế thông qua cờ bạc, nha phiến. Bên cạnh đó, cũng do đa số nông dân, thợ thuyền người Việt ít học, không phân biệt nổi đâu là “kèo xanh”, đâu là “kèo vàng”, mà họ chỉ gọi chung là “hội kín” khiến thanh danh của Nghĩa Hưng ít nhiều tổn hại nên họ phải đánh để phân định “chính”, “tà”!
Vụ bạo loạn này đã gây rối loạn trị an, làm cho nhà cầm quyền lo ngại về sự lớn mạnh ngoài tầm kiểm soát. Từ lúc đó chính quyền Pháp cấm hội kín Thiên Địa hội và xử phạt nặng những người tham gia. Trong tháng 6 và tháng 7 năm 1882, Thống đốc Nam kỳ Lе Myrе dе Vilеrs đã ký một loạt sắc lệnh nhốt ở Côn Đảo các hội viên của Thiên Địa hội bị bắt ở Sóc Trăng, Chợ Lớn, Cần Thơ và Sa Đéc, trong đó có người cầm đầu nhóm Nghĩa Hưng ở Chợ Lớn là Tran-Tang, và trưởng bang Triều Châu ở Bãi Xàu (Sóc Trăng) là Trần Xương.
Số nhà 127-129 đường Larеgnеrе ở Chợ Lớn (nay là đường Lương Nhữ Hộc) là nơi hội họp của nhóm Nghĩa Hòa bị tịch biên, tất cả người họp bị đày ra Côn Đảo, khi mãn hạn tù sẽ bị trục xuất về Trung Hoa, tài sản bán được sẽ đưa lại cho bang Triều Châu ở Chợ Lớn.
Tuy nhiên các hội kín ở Nam kỳ không vì vậy mà chìm xuống, ngược lại nó càng phát triển mạnh mẽ. Lúc này, số đông người Việt ở Nam Kỳ có tham gia “hội kín” hoặc có cảm tình với các “hội kín” nhìn thấy một sức mạnh tiềm tàng nơi Thiên Địa hội, có thể dựa dẫm được. Phương cách hoạt động thần bí của Thiên địa hội lại rất phù hợp với bản tính liều lĩnh, can đảm, sùng bái thần quyền, ưa phiêu lưu mạo hiểm, tin vào bùa ngải của họ. Vì vậy, khi gia nhập Thiên Địa hội, họ vẫn giữ các truyền thống do người Hoa lập nên, như trộn lẫn phép thuật, bùa chú, uống máu ăn thề với việc dùng tiếng lóng, dấu hiệu riêng để liên lạc…, nhưng thay đổi mục tiêu “phản Thanh phục Minh” của người Hoa thành “phản Pháp phục Nam”.
Thiên địa hội ở Sài Gòn – Chợ Lớn
Để chiêu binh mãi mã, khởi đầu những người lãnh đạo Thiên Địa hội ở Sài Gòn, Chợ Lớn nhắm vào số phu xe ngựa và thành lập “Hội Vạn Xe”. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, “vạn” là một hình thức nghiệp đoàn, như “vạn chài”, “vạn cấy”. Người trong một “vạn” liên kết với nhau rất chặt chẽ dưới sự chỉ huy, điều động của “vạn trưởng”. Nếu một người trong “vạn” bị ức hiếp, đánh đập hoặc tài sản bị chiếm giữ thì lập tức cả “vạn” ồ ạt kéo đến bênh vực, trả thù. Khi bị chính quyền Pháp bắt, hầu như họ không bao giờ khai báo về tổ chức của “vạn” hoặc chỉ khai phần ngọn. Nếu phải ở tù, gia đình người tù sẽ được “vạn” giúp đỡ rồi khi ra tù, “vạn” lại tiếp tục giao cho họ công việc và phương tiện mà trước đó họ đã làm.
Địa bàn hoạt động của Hội Vạn Xe khi ấy kéo dài từ bến Bình Đông ra khu vực Phú Lâm, từ đình Minh Phụng sang cầu Xóm Chỉ, từ chợ Nancy xuống khu An Bình, Chợ Lớn. Ở vùng Sài Gòn, Hội Vạn Xe làm chủ rạch Bến Nghé, bến sông Sài Gòn, các kho hàng bên Khánh Hội và các con đường trung tâm Sài Gòn là Charner, Bonard, Catinat.
Hội Vạn Xe rất doàn kết và thống nhất với nhau về giá cả. Sự đoàn kết đó được thể hiện trong 1 sự việc cụ thể là là khi một thủy thủ người Pháp say rượu từ ga xe lửa Sài Gòn về bến cảng, đã chẳng những không trả tiền mà còn tát tai người phu xe khiến cả chục “vạn phu” kéo đến và đánh cho gã thủy thủ một trận thừa sống thiếu chết. Dù sự việc được báo cáo lên cảnh binh, nhưng những phu xe không bị chính quyền kết tội vì cho rằng “đây chỉ là hành động tự phát của một nhóm phu xe khi thấy đồng nghiệp bị hiếp đáp”. Cuộc điều tra chẳng khai thác được gì nơi những người “Vạn Xe”, vì tất cả đều “không biết, không nghe, không thấy, không tham gia”.
Dần dần, Thiên Địa hội ở Sài Gòn còn kết nạp thêm hội viên từ nhiều thành phần khác, đa số là tầng lớp lao động, những lãnh đạo đã ra cho mỗi hội viên phải kết nạp thêm 3 người, đa số từ giới bồi bếp, người phục vụ ở các nhà hàng, quán ăn, công nhân các xưởng sản xuất thủ công, làm thuê cho các hiệu buôn…, những hội viên mới này cứ đóng tiền “hội phí” hằng tháng là được Thiên Địa hội che chở… Việc kết nạp thêm hội viên còn diễn ra bằng hình thức cưỡng bức, như đã nhắc tới ở đầu bài viết này.
Theo báo cáo của mật thám Sài Gòn, cuối năm 1889, số lượng thành viên của Hội Vạn Xe vào khoảng 6.000 người, được tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới.
Việc đóng “hội phí” trong Thiên Địa hội trở thành một gánh nặng đối với các hội viên. Để có tiền nộp, phu xe phải nghĩ ra những trò bất lương như chở khách đi vòng vèo rồi đòi thêm tiền. Nếu khách có nhiều hành lý, giữa đường phu xe than nặng, ngựa kéo không nổi rồi tăng giá. Gặp khách phản ứng, phu xe quăng hết hành lý của khách xuống và đợi một xe khác chạy ngang qua rồi ra dấu là chỉ một lúc sau, sẽ có hàng chục chiếc xe ngựa kéo đến gây áp lực.
Với những người làm nghề bồi bàn, bồi bếp, thợ thủ công, hình thức thu tiền hội phí được Thiên Địa hội nói thẳng với chủ tiệm, chủ nhà hoặc chủ xưởng. Cuối tháng, người của Thiên Địa hội đến gặp chủ tiệm rồi sau khi thu tiền bảo kê cho tiệm, chủ tiệm phải trả luôn tiền bảo kê cho những bồi bàn, công nhân làm trong tiệm, xưởng của mình. Phần tiền này sẽ được trừ vào lương. Một nhân chứng thời xưa, sống ở quận 6 cho biết: “Hồi đó tôi nghe ba tôi kể là mỗi lần đình Minh Phụng có gánh hát bội về hát là Thiên Địa hội cử người đến thu tiền bảo kê. Có lần, một gánh dưới Lục tỉnh lên, nghe Thiên Địa hội đòi tiền thì họ không đưa, mà họ báo “mã tà” (cảnh sát). Tới hồi gần đến giờ mở màn, bà con chuẩn bị vô xem thì ngay ở cửa, hàng chục phu xe ngựa đứng dồn cục, tay cầm roi bện bằng da, cố tình chắn lối. Mã tà chỉ có một người nên bất lực. Cuối cùng, chủ gánh phải bấm bụng xì ra một ít tiền mới xong”.
Thế lực ngầm ngày càng phát triển và do không đủ nhân lực nên dần dà, một số người Việt trở thành lãnh đạo Thiên Địa hội, người Hoa chỉ còn đóng vai trò cố vấn, phụ trách nghi lễ. Thành phần tham gia Thiên Địa hội đông nhất là nông dân và dân nghèo thành thị, hầu hết ở tuổi thanh niên. Khi gia nhập hội, họ phải đọc 36 lời thề, nội dung hết lòng với huynh đệ, sống chết không phản bội, không lấy công làm tư, không tham lam gian tà, không dụ dỗ vợ của hội viên khác… nếu sai lời sẽ bị muôn đao phanh thây xẻ xác. Trích máu ăn thề xong, hội viên sẽ được cấp cho một lá bùa “Hồng môn hộ mạng”, vừa để bảo vệ thân thể trước súng đạn, lại vừa dễ nhận ra nhau…
Cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long và Thiên Địa hội
Như đã nhắc tới, hội kín Thiên Địa hội từng có những thủ lĩnh mang chủ trương bài Pháp phục Nam, hoặc có một số người đã lợi dụng tổ chức này để chống Pháp, khôi phục chính quyền của người Việt, trong đó có nhân vật lịch sử là Phan Xích Long.
Tuy nhiên phong trào của Phan Xích Long nhanh chóng thất bại, ông bị bắt khi trốn ra Phan Thiết năm 1913, khi mới 20 tuổi. Sáu người đứng đầu phong trào bị án chung thân, giam ở Khám lớn Sài Gòn.
Thời nhỏ, cậu bé Phan Phát Sanh (tên thật là Phan Xích Long) vốn lười học, làm giúp việc cho một viên cảnh sát người Pháp ở Chợ Lớn. Sau rời quê nhà để đi rong chơi, đến Tân Châu rồi Bảy Núi (Thất Sơn) tìm học bùa phép, cách chế tạo những quả bom cỡ nhỏ.
Khoảng năm 1911, có Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Hiệp là hai thanh niên có chủ trương chống Pháp, tình cờ quen được Phan Phát Sanh, rồi cùng mưu cuộc đánh đuổi thực dân. Để vận động và tuyên truyền cho sự nghiệp chung, Phan Phát Sanh tự xưng mình là Phan Xích Long, con vua Hàm Nghi và cũng tự phong mình là Hoàng đế.
Buổi đầu, Phan Phát Sanh đặt cơ sở đầu tiên ở Cần Vọt (Cao Miên), nhờ tiền quyên góp, ông cho cất một ngôi chùa ở đó để làm nơi tụ họp, lập hội kín, chế tạo lựu đạn, trái phá, in truyền đơn đưa ra tuyên cáo Phản Pháp phục Nam, kêu gọi mọi người chống Pháp… Sau này khi về nước, ông lập căn cứ ở vùng núi Thất Sơn (Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Tháng 7 năm 1911, tại Tân Châu, Châu Đốc, Phan Phát Sanh gặp Nguyễn Hữu Trí (Hai Trí) và Nguyễn Văn Hiệp để cùng bàn lập hội kín và khởi nghĩa chống Pháp. Trí và Hiệp rước một ông già tên là Nguyễn Văn Kế ở làng Đa Phước (Chợ Lớn) và tuyên bố đây là một vị “Phật sống”. Chưa được bao lâu, chức dịch làng Đa Phước đã bắt cả ba người nộp cho quan Tham biện. Tuy nhiên, do không có chứng cớ buộc tội nên cả ba đã được thả. Tháng 11 năm 1911 “Phật sống” được đưa về thành phố Chợ Lớn, ngụ ở đường Thuận Kiều. Tại đây, Hai Trí đã dùng “Phật sống” để thu hút mọi người lui tới nhằm quyên góp tiền bạc.
Tháng 2 năm 1912, “Phật sống” Nguyễn Văn Kế qua đời. Nhân cơ hội này, Nguyễn Hữu Trí lập mưu nói rằng khi sắp lìa trần, “Phật sống” dạy phải tôn Phan Phát Sanh lên làm hoàng đế. Hai Trí và Hiệp đã lãnh trách nhiệm qua Cao Miên đón Phan Phát Sanh về Chợ Lớn để lên ngôi.
Phan Xích Long và Nguyễn Hữu Trí định rằng sẽ dùng lực lượng lớn (đa phần là hội viên hội kín Thiên Địa Hội ở Chợ Lớn và Long An) để đánh chiếm các cơ quan đầu não của Pháp tại Sài Gòn. Theo đó, nhiều hội kín ở các tỉnh cũng sẽ nổi dậy giành lấy chính quyền.
Chuẩn bị xong, đêm 23 rạng sáng 24 tháng 3 năm 1913, ông cho người đặt 6 trái bom tự tạo có hẹn giờ ở một số cơ quan chính quyền tại Sài Gòn và Chợ Lớn, đồng thời chia nhau đi rải truyền đơn và dán bản hịch trong thành phố.
Chẳng may chưa tới giờ bom nổ thì bị chính quyền phát hiện. Đó là ngày 27/03/1913, cảnh sát đã vô hiệu hóa 6 trái bom đặt ở Sài Gòn và Chợ Lớn cạnh dinh Thống đốc, toà án và trạm cảnh sát, sau đó quân khởi nghĩa bị lùng bắt. Không nghe tiếng bom nổ, nhiều toán quân đã kịp rút đi, nhưng cảnh sát vẫn bắt được một số đông khi họ đang đi vào Chợ Lớn, vì kiểu đồng phục “quần đen, áo trắng, khăn trắng quấn cổ” mặc dù tay không cầm vũ khí. (chi tiết về diễn biến cuộc khởi nghĩa sẽ nhắc rõ hơn ở phần dưới)
Kết cuộc, Nguyễn Hữu Trí chạy thoát, Phan Xích Long chạy ra Phan Thiết và bị bắt ở đó, bị đem về giam ở Khám lớn Sài Gòn. Từ ngày ngày 5 đến ngày 12 tháng 11 năm 1913, Tòa án Sài Gòn xử tha bổng 54 người, kêu án 57 người (đều là người Việt ở Chợ Lớn và Long An, chỉ có 1 người Hoa kiều), trong đó có sáu người bị án chung thân khổ sai là: Phan Xích Long, Nguyễn Tri, Nguyễn Hiệp (án hiện diện), Nguyễn Màng, Trương Phước, Nguyễn Ngọ (không bắt được, bị án khiếm diện).
Lãnh án, Phan Xích Long bị giam ở Khám lớn Sài Gòn. Theo Vương Hồng Sển thì việc làm của ông khiến “chấn động những trái tim yêu nước và giới giang hồ mã thượng”. Lý do cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long bị thất bại nhanh chóng, theo tài liệu của Pháp ghi lại, là thực ra mật thám của Pháp đã theo dõi tất cả hoạt động của nhóm Phan Xích Long từ năm 1911.
Trở lại với cái ngày Phan Xích Long bị bắt ở Phan Thiết, đó là một trường hợp hy hữu. Những thông tin dưới đây được đăng trong bài của công tố viên trong phiên xử vụ án Phan Xích Long, với tựa đề là Le Complot de Saigon – Cholon (Âm mưu ở Sài Gòn – Chợ Lớn), trên tạp chí luật Revue dé grands proces contemporains (phê bình về các vụ án lớn hiện đại) năm 1914. Đây là những thông tin và nhận xét từ phía chính quyền Pháp về một người chống Pháp là Phan Xích Long, bị chính quyền xem là phản loạn, nên sẽ không tránh khỏi những ngôn từ mang tính chủ quan từ phía thực dân Pháp.
[…]
Từ Sài Gòn ra tới Phan Thiết để trốn sự truy lùng của cảnh sát, Phan Xích Long mặc bộ đồ sang trọng với nhiều trang sức đi trên đường phố và có rất nhiều tiền tiêu xài, điều này làm cho cảnh sát nghi ngờ và phải hỏi giấy tờ Phan Xích Long. Trên người Phan Xích Long lúc đó chỉ mang một tờ giấy thông hành với tên giả là Lạc. Lúc đó viên cảnh sát tên là Benoit không biết Long có phải thuộc giới ăn chơi nhàn rỗi hay không, thì một người đi đường nói lớn lúc đi ngang qua là anh Long quên mang theo lệnh, Long chỉ mỉm cười trả lời là người đi đường phóng đại.
Nhưng sau đó cảnh sát đến khách sạn khám xét thì thấy rằng Long thực sự không phải là một người vô hại. Họ tìm thấy bên trong vali của Phan Xích Long, ngoài các bộ đồ lộng lẫy, còn có các đồ trang sức bằng vàng to lớn có khắc các chữ mang ký hiệu hoàng gia. Những chữ khắc này, lúc thì đề cập đến hoàng đế Phan Xích Long, lúc thì có đoạn nói về đế chế nhà Minh. Phan Xích Long có mang theo một thanh kiếm với các chữ khắc đặc trưng, ghi trên đó là: trước hết phải đánh đổ ông vua bất công, kế đó là đánh các thượng thơ phản loạn. Còn có một con dấu khác mang tên hoàng đế Phan Xích Long, ghi là trời đã ban con dấu ngọc thạch này cho ông. Ngoài ra còn có một vòng tay đeo khắc tên Phan Xích Long trị vì nước Trung Quốc, vòng tay đeo này được nhân dân dâng tặng. Tất cả thứ này đều rất bất thường và đáng ngờ.
Trong các giấy tờ tịch thu từ Phan Xích Long, ngoài những câu thần chú nhằm mang lại chiến thắng trong các trận đánh, có sự hỗn lộn thông tin về vương quốc An Nam, hoàng đế Phan Xích Long và triều đại nhà Minh trong các tư liệu này. Triều đại nhà Minh không hề có liên quan gì đến những đồ trang sức và các dấu ấn này. Điều này chứng tỏ có sự liên quan hay ảnh hưởng từ Thiên Địa hội, phản Thanh phục Minh, những hoạt động và tư tưởng của Phan Xích Long thể hiện qua những thông tin trong các tư liệu trên mình Phan Xích Long.
Khi bị tra hỏi, Phan Xích Long không nói mình muốn chiếm đoạt ngai vàng nhà Nguyễn, và nói rằng các thứ đồ quý báu trang sức này được đào lấy từ các mộ đào được ở Huế. Tiếp theo khi bị tra hỏi cặn kẽ, Phan Xích Long nói là ông đã tìm thấy các đồ này ở trong một hang động. Phan Xích Long khai mình là anh của vua Duy Tân (Khi còn ở Kampot, Phan Xích Long nói mình là con vua Hàm Nghi).
Ngay sau khi Nguyễn Văn Hiệp bị bắt ở Cần Vọt (Kampot) và Phan Xích Long bị bắt ở Phan Thiết, ngày 24 tháng 3 năm 1913, sáu quả bom được đặt ở các nơi trong Sài Gòn và Chợ Lớn. Nhưng chúng được phát hiện và vô hiệu hoá. Các bom này được đặt ở các điạ điểm trọng yếu: cạnh tường của công viên dinh Thống đốc, ở trại lính đầm Ô – ma (Camp des mares), ngay góc bến thương mại (Bạch Đằng) và đại lộ Charner (Nguyễn Huệ), bom đặt khoảng 10cm cách đường rầy xe điện tramway, ngay ngã tư gần khám lớn Sài Gòn, ở thành phố Chợ Lớn bom đặt ở dinh kiểm tra (Inspection, dinh tham biện, cạnh bên toà thị sảnh thành phố Chợ Lớn) và ở các chợ.
Mỗi quả bom này chứa khoảng sáu ký thuốc súng, một ký đạn, ngòi thuốc nổ bằng chất Ferro-cerium và nặng từ 14 đến 16 ký, mặc dầu không hoàn hảo nhưng không kém nguy hiểm. Các trái bom ở Chợ Lớn vì ướt nên không nổ được. Đại uý Madec đã cho làm nổ một quả bom, còn các bom khác được tháo gỡ. Theo ông Madec thì những quả bom này rất nguy hiểm, “không còn nghi ngờ gì về sự nghiêm trọng của các hiểm hoạ tai nạn làm chúng nổ, nhất là giữa đám đông”.
Từ ngày ngày 5 đến ngày 12 tháng 11 năm 1913, Tòa án ở Sài Gòn xử tha bổng 54 người, kêu án 57 người (đều là người Việt ở Chợ Lớn và Tân An, có 1 người là Hoa kiều), trong đó có sáu người bị án chung thân khổ sai là: Phan Xích Long, Nguyễn Tri, Nguyễn Văn Hiệp (án hiện diện), Nguyễn Văn Mang (Tư Mang), Trương Văn Phước, Nguyễn Văn Ngọ (không bắt được, bị án khiếm diện).
Từ năm 1913-1916, thủ lĩnh chủ chốt của phong trào vẫn còn tự do là Nguyễn Hữu Trí (Hai Trí) đã tập hợp lực lượng, lôi kéo thành viên để tìm cách giải cứu Phan Xích Long bị giam ở Khám Lớn (vị trí ngày nay là Thư viện Tổng hợp). Từ lúc này, Hai Trí chính là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, tập hợp được nhiều hội kín cùng tham gia.
Không chỉ cứu Hoàng đế Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí đã lên kế hoạch giải thoát tất cả tù nhân trong Khám Lớn và dự định đưa họ tới kênh Tàu Hũ, nơi những chiếc thuyền được che phủ bằng lá chuối được vũ trang đang chờ sẵn. Ý nghĩa của kế hoạch đó là tập hợp được những người sẵn sàng đứng lên chống lại chính quyền để giành lại tự do cho bản thân, vì họ là những phạm nhân không còn gì để mất. Đó là sự bổ sung rất cần thiết cho hội kín, cũng như lực lượng khởi nghĩa.
Cuộc cướp ngục diễn ra vào tháng 2 năm 1916, thì trong tháng 1, mật thám Pháp đã phát hiện ra những cuộc hội họp bí mật được tổ chức thường xuyên, và cảnh báo với Chánh tham biện về một cuộc bạo động có thể xảy ra. Tuy nhiên nhà cầm quyền đã không lường trước được mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tại các tỉnh, các biện pháp ngăn ngừa đã được thực hiện, tăng cường thêm các đồn lính canh, tổ chức tuần tra thường xuyên, nhưng ngay tại Sài Gòn thì không có sự phòng bị nào. Không ai nghĩ là những thành viên hội kín có khả năng tổ chức bạo động vũ trang ngay tại Sài Gòn.
Diễn biến cuộc tấn công vào Khám Lớn ở Sài Gòn năm 1916:
Vào 3 giờ sáng ngày 14 tháng 2 năm 1916, khi trăng vừa lặn, khoảng 300 người đi trên những chiếc thuyền mành và tam bản cập bến đậu ở bờ kinh Tàu Hủ, kéo dài từ chợ Cầu Ông Lãnh đến Cột cờ Thủ Ngữ. Họ đều mặc đồng phục áo khoác ngắn đen và quần trắng, quấn khăn trắng quanh cổ, trang bị giáo, mã tấu và những thanh gươm thô sơ. Đi đầu nhóm có giương lá cờ biểu trưng của thủ lãnh cuộc khởi nghĩa năm 1913 là Phan Xích Long.
Họ ngay lập tức tập hợp thành ba nhóm trên bến Belgique (Bến Chương Dương, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) tại lối vào đường MacMahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đường Némésis (nay là đường Phó Đức Chính) và đường Marchaise (nay là đường Ký Con), lặng lẽ đi về phía nội thành.
Nhóm ở đường Mac-Mahon có khoảng 80 người, dừng ở số nhà 36 và có cuộc đụng độ đầu tiên với một chiếc xe hơi chở ông Bailly, nhân viên thương mại, ông Gachereau và người tài xế bản xứ tên Trần Văn Lên. Người lái xe trốn sự truy đuổi, họ có súng trường nhưng không may lại không nạp đạn. Nhóm nghĩa quân tấn công xe hơi, một bánh xe bị nổ và chạy chậm lại.
Ông Bailly bị dao chém bị thương rất nặng, còn ông Gachereau thì đỡ được đòn mã tấu nhờ cái cầm súng trường không đạn. Tài xế tăng tốc và thoát khỏi nhóm người, chạy hết tốc độ tới Sở Cảnh sát trung tâm, thông báo cho cảnh sát về tình hình.
Thời điểm đó, nhóm nghĩa quân cùng tiến lên phía trước và hét lớn tiếng Hoa là “Tiềm-Tài” (Giết người Pháp!) và “Đại-Ca” – ám chỉ giải cứu thủ lãnh Phan Xích Long.
Sau khi chiếc xe hơi vừa chạy thoát, nhóm người đi tiếp tới ngã tư đại lộ Canton và đường Mac-Mahon (nay là Hàm Nghi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa), một đội tuần tra cảnh sát đi xe đạp gồm viên cảnh sát người Âu Amielh và nhân viên bản xứ Nguyễn Văn Nghiêm. Đội tuần tra này ngay lập tức bắt đầu cuộc đụng độ với nghĩa quân bằng những phát súng và hạ gục tại chỗ hai người, còn những người khác dù bị thương nhưng đã chạy thoát và trở lại thuyền tam bản. Viên cảnh sát Amielh bị thương ở tay do một nhát mã tấu; nhân viên bản xứ Nguyễn Văn Nghiêm bị đánh nhiều cú và bị thương nặng và đã bị tước khẩu súng lục.
Những người không bị thương của nhóm đã nhập đoàn với 2 nhóm còn lại để thành một đội quân đi trên đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), qua đường Filippini (nay là Nguyễn Trung Trực) về phía Khám Lớn, tại đây một nhóm 50 người lại tách ra và đi đường tắt theo đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) và định xông vào cửa sau Dinh Thống đốc Nam kỳ có cổng chính trên đường La Grandière (nay là Bảo tàng TpHCM trên đường Lý Tự Trọng). Tuy nhiên họ không thể vượt qua được cánh cổng sắt cao lớn, nên đành quay lại đường Mac-Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và lại nhập hội với 2 nhóm kia ở ngay trước Khám Lớn. Người dẫn đầu đoàn quân lúc này chính là Nguyễn Hữu Trí.
Đây mới là mục tiêu chính. Tiếng kêu la “Đại-Ca” và “Tiềm-Tài” vang dội. Cuộc đụng độ diễn ra ở đồn lính canh ngay góc Filippini và La Grandière (nay là Nguyễn Trung Trực – Lý Tự Trọng), gần sát Khám Lớn và Tòa Án.
Sau phút đầu mất cảnh giác và vài lính canh bị thương nặng, súng bắt đầu được xả vào đoàn nghĩa quân đông đảo. Hai trong số họ gục ngay tại chỗ, trong đó có người đi đầu là Nguyễn Hữu Trí; người thứ ba bị thương nặng không qua khỏi sau đó. Những người khác, mặc dù bị thương nhưng vẫn tháo chạy được. Đám đông trở nên hỗn loạn, họ vội vã quay về bến Belgique, một phần rút từ đường Mac-Mahon, phần từ đường Marchaise.
Trên bến, nhóm nghĩa quân bắt đầu tổ chức lại, dù số lượng giảm xuống vì nhiều người cảm thấy sợ hãi và quay lại thuyền tam bản để bỏ trốn.
Nhóm người còn lại sau đó tiến về phía Chợ Lớn theo đường Dưới dọc kênh Tàu Hũ (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt). Tuy nhiên trên đường đi, nhiều người lại tách ra khỏi đoàn và quay trở lại thuyền tam bản neo đậu dọc kênh.
Cuối cùng nhóm nghĩa quân chỉ còn lại khoảng 80 người, đã bị đội hiến binh do Trung úy Vermeren chỉ huy đuổi kịp khi đến trước trạm xe điện gần nhà máy xay lúa ở bờ kinh. Thêm 4 người trong nhóm gục tại chỗ, những người khác rút theo hướng Chợ Lớn và chạy về vùng quê hoặc nhảy xuống kênh. 12 người bị bắt tại chỗ; những người khác trốn trong nhà dân, nhưng sau đã bị cảnh sát lùng bắt được.
Những người bị bắt hoặc bắn đều mặc quần trắng và áo khoác ngắn màu đen; quấn một chiếc khăn vải trắng mới quanh cổ và có mang trong người một cái bùa bằng lụa hoặc vải trắng, với các chữ đỏ, theo cấp bậc. Trong mỗi tay áo khoác đã tìm thấy bùa hộ mệnh bằng giấy màu vàng trên có chữ đỏ. Những bùa này, khi được giải mã, ghi các câu sau:
1. Bùa bằng vải hoặc lụa quấn cổ, có cấp bậc của người mang, sau đó là phù hiệu của hội kín Nghĩa Hòa; biểu tượng hình thoi, ở những góc tận cùng là những quả cầu – tức dấu hiệu của sức mạnh chiến tranh.
2. Bùa được khâu vào tay áo gắn chữ “chống đạn”, cùng với biểu tượng hình thoi và châm ngôn khác nhau khích lệ sự gan dạ và lòng dũng cảm trong chiến đấu.
Tất cả những người bị bắt tại chỗ, trừ một người bị thương không thể đưa ra xét xử, đều bị Tòa án quân sự xét xử tại các phiên ngày 20 và 21 tháng 2, 13 và 14 tháng 3 năm 1916.
Ngoài những người mang vũ khí trong cuộc đụng độ ở trạm xe điện, cuộc điều tra đã tiết lộ rằng toàn bộ quân khởi nghĩa ở Sài Gòn cũng như các tỉnh giáp ranh, Gia Định, Thủ Dầu Một, Chợ Lớn, Biên Hòa, đều đã được kêu gọi và tập hợp ngay trong đêm đó để hành động.
Kết quả sau cuộc khởi nghĩa và tấn công Khám Lớn, tòa kết tội tử hình 38 người tại Đồng Tập Trận vào ngày 22 tháng 2 năm 1916, trong đó có Phan Xích Long (mới 23 tuổi). Ngày 16 tháng 3 năm 1916, tử hình thêm 13 người nữa, cũng tại địa điểm trên. Tổng cộng sau 2 lần bắn, cộng thêm 6 người tử vong tại trận, có tổng cộng có 57 thi thể được chôn tại nghĩa địa Đất Thánh Chà ở giữa đường Võ Thị Sáu và chợ Tân Định hiện nay. Đây là 1 nghĩa địa nhỏ dành cho người gốc Ấn Đô, nay đã mất dấu.
Cuộc tấn công vào Khám Lớn tuy bị dập tắt nhanh chóng, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một loạt hành động kéo dài đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, với chương trình như sau, theo điều tra của nhà cầm quyền:
Vào đêm 14-15 tháng 2, tất cả thành viên nghĩa quân tụ họp tại vùng phụ cận Sài Gòn ở những nơi được định trước. Nhóm đầu tiên lên thuyền tam bản cập bến Belgique và lên đường, hợp với một nhóm từ khu Bồ Rệt (Boresse, khu gần chợ Bến Thành ngày nay) để tuần hành và tấn công Khám Lớn. Theo dự định, tù nhân được thả ra sẽ được dẫn về bến Belgique, nơi có những chiếc tam bản chở vũ khí đang đợi sẵn. Lúc này, nhóm được vũ trang sẽ tấn công Kho đạn. Người ta nhận thấy nhóm Mỹ Hòa (ở làng Mỹ Hòa) đợi sẵn ở sau Vườn Bách thảo; làm nổ tung kho thuốc súng, hoặc trong trường hợp thất bại thì họ sẽ đốt tòa nhà. Ánh sáng của đám cháy hoặc thuốc súng nổ này chính là tín hiệu cho các nhóm khác từ tỉnh lân cận đang chờ đợi và sẵn sàng tiến lên dưới sự chỉ huy của các thủ lãnh, tiến về Sài Gòn giành chính quyền. Hoàng Đế Phan Xích Long sau khi được giải cứu sẽ di chuyển từ nhà tù đến Dinh Thống đốc và đoạt lấy quyền lực từ tay chính quyền thuộc địa.
Tổng cộng có tới 172 người là những thủ lãnh của tất cả các nhóm đã đến từ vùng phụ cận Sài Gòn, theo báo cáo của mật thám, đã chờ đợi tín hiệu từ Sài Gòn, nhưng tín hiệu đó đã không thể được phát động.
Trước, trong và sau khi vụ việc này xảy ra ở Sài Gòn và các khu vực phụ cận, các phong trào khởi loạn khác được ghi nhận đã diễn ra ở hầu hết 20 tỉnh Nam kỳ lúc đó.
Phong trào diễn ra đầu tiên là tại Biên Hòa, vào ngày 25 tháng 1, một cuộc nổi loạn nổ ra trong nhà tù tỉnh. Các phiến quân đoạt súng của lính gác, tấn công bất thành Tòa công sứ. Song vụ việc vẫn lập tức lan đến vùng quê, như thể là đã nhất loạt cùng tuân theo một mệnh lệnh nào đó, các hội kín tổ chức các nhóm vũ trang, tập trung và hành động dưới sự chỉ huy của ba thủ lãnh: Lê Văn Hồ, Tiết và Vang.
Ở Tây Ninh, dưới sự chỉ huy của một người mới 20 tuổi là Vương Văn Lê, một nhóm người được kỷ luật theo kiểu quân đội đã đi khắp các vùng của làng Gia Bình và Gia Lộc ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 2, thông báo rằng vào khoảng giữa tháng, những người cách mạng sẽ làm chủ đất nước. Thủ lãnh và những người đứng đầu đã bị truy bắt vào ngày 24 tháng 2.
Tại Bà Rịa, ngày 3 tháng 2, đúng ngày Tết, một nhóm vũ trang tấn công Cap Saint-Jacques (nay là Vũng Tàu). Họ nhận lệnh từ Nguyễn Văn Huê, người đã bị bắt năm 1913 trong vụ mưu loạn của Phan Xích Long (nhưng đã được tha bổng sau đó). Cuộc tấn công diễn ra bất ngờ vào ban đêm, nhưng vì đã được mật thám cảnh báo trước nên nên lực lượng cảnh sát đã tăng cường thêm hai đơn vị bộ binh thuộc địa và mai phục sẵn và dễ dàng bắt được những người nổi dậy.
Bùa của quân nổi dậy Bà Rịa giống hệt những lá bùa được tìm thấy trên các phiến quân đến từ tất cả các tỉnh của Nam kỳ, và có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương làm ở Núi Cấm.
Tại Vĩnh Long, một hội kín dưới sự lãnh đạo của “Nghĩa Hòa Đoàn” cũng gây nên những cuộc nổi loạn. Vào ngày 14 tháng 2 năm 1916, những vụ cướp phá bắt đầu và nhóm người đến tận trước Tòa công sứ tỉnh. Nhóm lính bảo an được gửi đến để khôi phục trật tự. Cơ quan chức năng đã phát hiện ở nhà một nhà sư tên Phùng một kho bùa hộ mệnh giống với những lá bùa ở nơi khác, liên quan tới Bửu Sơn Kỳ Hương (Phật thầy Tây An).
Tại Long Xuyên, các băng nhóm tổ chức tụ họp ngày 14 tháng 2, bắt đầu cướp bóc và tống tiền dân cư. Lính bảo an được gửi đến để thiết lập trật tự đã bị tước vũ khí, bị trói và đả thương. Phải tới ba ngày sau đó thì trật tự mới được tái lập, nhờ sự can thiệp của biệt đội lính khố đỏ. Tại Long Xuyên, người ta đã thấy cùng phương pháp, cùng một tổ chức và cùng một loại bùa hộ mệnh với những nơi khác.
Ở Cần Thơ, một băng nhóm được tổ chức tại khu vực giáp giới với tỉnh Vĩnh Long, nơi khởi xuất các mệnh lệnh. Nhiều cuộc họp bàn bí mật đã diễn ra, nhưng nhờ mật thám, cơ quan chức năng đã bắt giữ được tất các thủ lãnh trước khi họ kịp làm gì. Các cuộc điều tra cho thấy vụ việc ở Cần Thơ liên quan mật thiết với vụ việc ở Vĩnh Long.
Tại Thủ Dầu Một, giáp giới với tỉnh Gia Định, một phù thủy tên Ba Mỹ nhận một khẩu lệnh của “nhà sư trên núi” và, theo hướng dẫn này, ông đã tổ chức một nhóm, trong đêm 14-15 tháng 2 đã trang bị vũ khí tiến về Sài Gòn nhưng đã tự giải tán chứ không tham gia vào cuộc tấn công Khám Lớn. Mặc dù vậy họ vẫn bị một biệt đội lính thuộc địa số 11 trực ở Gò Vấp bắt lại. Bùa hộ mệnh bị tịch thu, những bản tuyên thệ của những kẻ mưu loạn, một lần nữa, giống hệt với những cái được tìm thấy ở nhiều nơi khác.
Những chứng cớ thu được từ các cuộc khởi loạn này cho thấy các vụ mưu loạn này đều liên quan tới nhau, liên quan tới bùa chú của thầy pháp, đó là loại bùa chú hộ thể như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, tòa án quân sự đã xử án từng vụ riêng lẻ.
chuyenxua.net biên soạn