Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là thời gian mà Hà Nội có sự thay đổi mạnh mẽ nhất về diện mạo. Bên cạnh một phố cổ ở phía Bắc hồ Gươm đã có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, người Pháp đầu tư xây dựng hạ tầng ở phía Nam hồ với trung tâm là phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) với nhiều công trình, dinh thự nguy nga, và có nhiều tòa nhà vẫn còn lại cho tới nay. Sở dĩ như vậy là bởi vì Hà Nội được chọn làm thủ đô của Liên bang Đông Dương năm 1902, sau khi thể chế này được thành lập vào năm 1887.
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Bảo hộ Bắc kỳ ngày 2/5/1886 nêu nội dung: Hà Nội sẽ càng ngày càng trở thành một thành phố châu Âu, phải mau chóng xây dựng cho nó các công trình giao thông, nhà cửa, chợ búa, lò mổ. Để chỉ huy các công việc này, cần phải có một chính quyền chăm sóc đặc biệt cho Hà Nội. Chính quyền này chỉ có thể là một Ủy ban thành phố”. Ngay sau đó thành phố Hà Nội được thành lập, bộ máy chính quyền nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho Hà Nội.
Bộ ảnh này được chụp vào những năm đầu thập niên 1910, chủ yếu chụp những công trình được xây dựng trong thời kỳ này.
Quang cảnh phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), chụp từ trên Nhà hát thành phố nhìn về phía Hồ Gươm. Đây là con đường được người Pháp quy hoạch và xây dựng từ một khu đặt xưởng đúc tiền của triều Nguyễn trở thành trung tâm của Hà Nội thời là thủ đô của liên bang Đông Dương, nơi mà tất cả các nhà ở hai bên đường đều được xây dựng mới theo kiểu nhà Tây. Các cửa hàng sang trọng và đắt đỏ nhất đều hiện diện trên con phố này, các tòa nhà ở đây liên tục được đổi mới, tôn tạo
Hình này được chụp tại cùng 1 vị trí với hình trên, nhưng góc ảnh thập hơn. Tòa nhà hình chóp nhọn bên trái là cơ sở kinh doanh của H. CHARPANTIER, được xây cùng thời điểm với Nhà hát
Tòa nhà Godard nổi tiếng Hà Nội nằm đầu đường Paul Bert (nay là Tràng Tiền) bên Hồ Hoàn Kiếm. Lúc này tòa nhà mang tên Grands Magasins Charner (GMC), là trung tâm thương mại sang trọng đắt đỏ ở Hà Nội dành cho người Pháp. Vị trí này ngày nay là Tràng Tiền Plaza
Một số cột mốc thời gian của Hà Nội thời Pháp thuộc thời kỳ này:
1882: Pháp chiếm thành Hà Nội
1887: Liên bang Đông Dương được chính thức thành lập theo Sắc lệnh của Tổng thống Cộng hoà Pháp với ba thuộc địa là Nam Kỳ (Cochinchine), Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) (sau đó có thêm Cao Miên, Ai Lao, Quảng Châu Loan), thủ đô đặt tại Sài Gòn.
1888: Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội (tách biệt với tỉnh Hà Nội đã được thành lập từ thời Minh Mạng). Từ lúc này Hà Nội được đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng.
1902: Thủ đô Liên bang Đông Dương được chuyển ra Hà Nội.
Phủ thống sứ Bắc Kỳ, ngày nay là trụ sở của Bộ LĐ-TB-XH ở góc phố Đinh Lễ – Ngô Quyền. Đây là một trong 4 công sở đầu tiên do người Pháp xây dựng vào năm 1887, trên bờ phía đông của Hồ Gươm, xung quanh Quảng trường Paul-Bert (nay là Quảng trường Lý Thái Tổ), đó là Kho bạc, Dinh Đốc lý, Bưu điện và Phủ thống sứ ở Bắc Kỳ. Đây đều là những công trình của kiến trúc sư Auguste-Henri Vildieu, người tốt nghiệp trường kiến trúc danh giá Ecole des Beaux-Arts ở Paris. Sau thời điểm chụp tấm hình này, từ năm 1917 đến 1919, phủ thống sứ mới được xây dựng ngay bên cạnh tòa nhà này.
Dinh Đốc Lý (Tòa Thị Chính) Hà Nội, nằm ở góc đường Dominé – Garnier. Tòa nhà này ngày nay vẫn còn, là trụ sở UBND Hà Nội ở đường Đinh Tiên Hoàng
Nhà Hát Lớn Hà Nội (Theatre Municipal) là công trình quan trọng nhất trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng có quy mô nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương
Cũng giống như phố Paul Bert, đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền) cũng là 1 khu phố Tây
Tượng đài Paul Bert trong vườn hoa mang tên Paul Bert. Ông là thống sứ Bắc Kỳ năm 1886, và đó cũng là năm ông qua đời vì bệnh. Tượng đài này bị chính quyền Trần Văn Lai giật đổ năm 1945. Ngày nay vị trí này là tượng đài vua Lý Thái Tổ ở quảng trường Lý Thái Tổ
Vườn hoa Paul Bert
Vườn bách thảo Hà Nội. Sau khi chiếm được toàn bộ Việt Nam làm thuộc địa, người Pháp rất quan tâm tới việc cải thiện môi trường sống để chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết miền viễn đông. Họ chủ trương tạo ra một thành phố xanh khi xây dựng Hà Nội với rất nhiều cây xanh, và vườn bách thảo chính là nơi nghiên cứu, thử nghiệm cây cối
Hồ nước trong vườn bách thảo
Bưu điện Hà Nội, ngày nay vẫn còn sau hơn 100 năm. Đây là 1 trong 4 công trình lớn đầu tiên được người Pháp xây dựng ở Hà Nội
Cầu Thê Húc dẫn ra đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm
Hồ Gươm, người Pháp gọi là Petit Lac (Hồ nhỏ), phân biể với Grand Lac (Hồ Tây). Bên phải hình là Tháp Rùa
Tháp Rùa và hồ Hoàn Kiếm
Phố Jules Ferry, nay là phố Lê Thái Tổ. Tòa nhà cao trong hình là Tòa soạn báo “Tương Lai Bắc Kỳ” trên đường Jules Ferry (nay là tòa soạn báo Hà Nội Mới số 44 phố Lê Thái Tổ)
Đại lộ Gia Long, nay là Phố Bà Triệu (góc tây-nam Hồ Hoàn Kiếm)
Công nhân làm đường trên đại lộ Đồng Khánh, nay là phố Hàng Bài. Có thể thấy đường ray xe lửa ở giữa đường
Đại lộ Puginier được đặt tên từ năm 1909, tới năm 1945 đổi thành phố Dân Chủ Cộng Hòa, năm 1949 đổi thành đại lộ Nguyễn Tri Phương (nhưng dân chúng vẫn quen gọi là đường Cột Cờ). Đến ngày 7/5/1964, kỷ niệm tròn 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đường được đổi tên thành đường Điện Biên Phủ cho tới nay
Đại lộ Gambetta, nay là đường Trần Hưng Đạo
Dinh Toàn Quyền Pháp, nay là Phủ Chủ tịch nước. Năm 1887, Liên bang Đông Dương được thành lập, Toàn quyền Đông Dương làm việc trong dinh Thống đốc Nam kỳ (Dinh Norodom ở Sài Gòn), còn Thống đốc Nam kỳ chuyển qua sử dụng Dinh phó soái (sau là Dinh Gia Long). Năm 1902, thủ đô Liên Bang Đông Dương chuyển ra Hà Nội. Năm 1906, Dinh Toàn quyền được xây dựng xong sau 5 năm, Tòa nhà trở thành nơi làm việc của Toàn quyền Đông Dương. Dinh toàn quyền được xây dựng trên khu đất rất rộng và nhiều cây xanh trước đó vốn thuộc vườn Bách Thảo, án ngữ tuyến phố La République (nay là phố Hoàng Văn Thụ) và nhìn ra quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình)
Thành Hà Nội cũ
Cung đấu xảo Hà Nội được xây dựng năm 1901, từng là công trình kiến trúc to lớn và tráng lệ bậc nhất Hà Nội. Sau triển lãm, nơi đây trở thành Viện Canh Nông (còn được gọi là bảo tàng Maurice Long). Khu triển lãm này bị phá hủy hoàn toàn vì bom của quân đồng minh năm 1945. Sau năm 1954, nhà hát Nhân Dân được xây dựng tại vị trí này, nhưng sau đó bị phá đi để xây dựng Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô, do Công đoàn Liên Xô xây tặng Việt Nam
Bến trong nhà đấu xảo (triển lãm)
Tòa án Hà Nội được xây từ năm 1900 tới năm 1906, là 1 trong những công trình lớn đầu tiên của Hà Nội vẫn còn cho tới nay sau hơn 100 năm
Đưởng ray xe lửa trên avenue du Grand Bouddah, nay là phố Quán Thánh
Trụ sở Công ty đường sắt Đông Dương và Vân Nam (Compagnie des Chemins de fer de l’Indochine et du Yunnan) Kiến trúc theo kiểu Néo-classique. Tòa nhà này ngay nay vẫn còn, là trụ sở Tổng liên đoàn Việt Nam ở góc phố Quán Sứ – Trần Hưng Đạo, trước mặt tòa nhà ngày nay là quảng trường 1/5.
Hồ Tây, người Pháp gọi là Grand Lac (hồ lớn)
Grand lac
Cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) được khởi công xây dựng cầu vào ngày 12/9/1898, lúc đó dự kiến xong trong 5 năm, nhưng đã hoàn thành chỉ sau hơn 3 năm và đã tồn tại suốt 120 năm qua. Thời điểm đó, 3 cây cầu bắc qua 3 con sông lớn ở 3 thành phố được xây dựng gần như cùng lúc, ngoài cầu Doumer còn có cầu Thành Thái (cầu Trường Tiền) qua sông Hương ở Huế và cầu Bình Lợi qua sông Sài Gòn
Cầu Doumer/Long Biên
Quang cảnh bờ sông Hồng, chụp từ cầu Paul Doumer (nay là cầu Long Biên).
Quai du Commerce, nay là đường Trần Quang Diệu
Phía trước chợ Đồng Xuân (người Pháp gọi là Grand Marché)
Tòa nhà Sở Công Chánh Hà Nội nằm ở ngã ba rue Felonneau và rue des Bambous. Tòa nhà này ngày nay vẫn còn, là trụ sở Ban Quản Lý Trung Ương các Dự Án Thủy Lợi tại số 23 Hàng Tre, góc ngã ba Lò Sũ
Chú thích ảnh này ghi Musée d’Extrème-Orient, nghĩa là Bảo tàng Viễn Đông. Không xác định được vị trí tòa nhà này, nhưng có lẽ nó thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ
Sở Thuế quan Đông Dương, đối diện bên kia đường của Bảo tàng Louis Finot trên đường Paul Bert (nay là Bảo tàng lịch sử trên phố Tràng Tiền). Tòa nhà Sở thuế quan này ngày nay vẫn còn, là Bảo tàng cách mạng Việt Nam, trực thuộc Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Quảng trường Chavassieux, nay là vườn hoa Diên Hồng. Ở trung tâm có một đài phun nước nhỏ vẫn còn cho đến ngày nay
Câu lạc bộ giải trí Đoàn kết (Cercle de l’Union). Tòa nhà này ngày nay vẫn còn, Nay lá Cung Văn Hóa Thiếu Nhi, nằm ở góc Trần Nguyên Hãn-Lý Thái Tổ
Chú thích hình này ghi đây là trường nữ sinh. Tuy nhiên có sự nhầm lẫn, vì có thể đây chính là trường Petit Lycée ở đại lộ Rollandes, xây năm 1907, và cơ sở trường học này chính là trường Trần Phú ở đường Hai Bà Trưng ngày nay
Trường Paul Bert ở góc đường đại lộ Đồng Khành và Carreau, được xây năm 1898. Từ năm 1917, cơ sở này trở thành một trường nữ sinh, sau này là trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng Hà Nội. Ngày nay, đây là trường THCS Trưng Vương
Lycée du Protectorat, Trường Trung học Bảo hộ, thường được gọi với tên tiếng Việt nổi tiếng là Trường Bưởi. Năm 1945, trường được đổi tên thành Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim và giữ cái tên này từ đó cho tới nay. Cơ sở của trường ban đầu được đặt tại làng Thụy Khuê (nay là phường Thụy Khuê) bên cạnh hồ Tây, sau một thời gian phải sơ tán đi nhiều nơi do hoàn cảnh chiến tranh, trường chuyển về địa điểm cũ từ năm 1955 và cố định ở đó đến hiện tại.
Chú thích hình này ghi là Đại học Y, chưa xác định được vị trí tòa nhà này
Bót Hàng Trống nằm ở góc đường Borgnis Desbordes – Rue de la Mission, nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, số 2 Tràng Thi
Một doanh trại cảnh sát
Phòng Thương mại và Nông nghiệp. Năm 1917, tòa nhà này trở thành Thư viện Trung ương của Liên bang Đông Dương, sau đó đổi tên thành Thư viện Pierre Pasquie. Từ 1954 tới nay, đây là Thư viện Quốc gia Việt Nam
Hình ảnh khác của thư viện Pasquier, nay là Thư viện quốc gia
Tổng cục Nông nghiệp, Thương mại và Lâm nghiệp
Một doanh trại lính An Nam
Khu vực vườn hoa Neyret (thường được gọi là vườn hoa Cửa Nam). Chính giữa hình này có thể thấy tượng Nữ Thần Tự Do (người Việt gọi là Bà Đầm Xòe) phiên bản thu nhỏ, cao 2.85m, là bản sao tỉ lệ 1/16 của phiên bản chính ở New York. Trước đó, bức tượng được đặt ở khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ ngày nay, sau đó đưa lên trên đỉnh Tháp rùa, cuối cùng là ở vị trí này trước khi bị giật đổ năm 1945 dưới thời thị trưởng Trần Văn Lai
Nhà thờ Lớn Hà Nội được khánh thành vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1887, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12, dựa theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm cuốn nhọn, hướng lên bầu trời
Quang cảnh Hà Nội nhìn từ tháp chuông Nhà thờ Lớn
Ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) được khánh thành và đưa vào khai thác năm 1902 cùng với cầu Doumer (nay là cầu Long Biên)
Bệnh viện phụ sản nội trú
Hình ảnh khác của bệnh viện phụ sản
Một trạm y tế ở Hà Nội
Bên trong một bệnh xá
Một nhà máy nước
Hồ lọc nước của nhà máy nước
Hồ lọc nước của nhà máy nước
Các khu nhà của Bệnh viện Quân đội Hà Nội, tên chính thức lúc đó là bệnh viện Lanessan, dành cho công chức và binh lính Pháp. Lanessan là tên của Toàn quyền Đông Dương, người đã cho xây dựng bệnh viện năm 1891. Đây là một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Dương với 1.500 giường bệnh và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Ngày nay, đây là Bệnh viện Quân Đội 108
Trên bức tường có dấu vết của phát đại bác trong cuộc chiếm thành Hà Nội vào tháng 4 năm 1882
Nhà máy chế tạo xe điện, các loại xe này chạy trên khắp đường phố Hà Nội đến tận những năm đầu thập niên 1990
Hệ thống máy móc trong Nhà máy điện Hà Nội
Tháp Hàng Đậu nằm ở phố Hàng Đậu. Tòa tháp được xây dựng vào năm 1894 cùng với Tháp nước Đồn Thủy và đóng vai trò là nơi cấp nước cho thành phố những năm Pháp thuộc, sau này trở thành một di tích lịch sử. Vị trí của tháp Hàng Đậu được đánh giá là một nơi rất thuận lợi cho việc phân phối nước mà không cần bơm hỗ trợ. Áp lực từ độ cao của tháp Hàng Đậu có thể đẩy nước tới những vòi nước công cộng đúc bằng gang đặt rải rác ở đầu các phố, rồi chảy về các tòa công sở, biệt thự, nhà riêng trong nội thành.
Hôtel Métropole là khách sạn 5 sao đầu tiên của Hà Nội, được xây dựng năm 1901. Ngày nay đây là một trong không nhiều công trình kiến trúc quý hiếm thời Pháp thuộc còn sót lại. Khách sạn có một bề dày lịch sử và một truyền thống lâu đời tiếp đón các vị khách quan trọng, các đại sứ, nguyên thủ quốc gia và những nhân vật nổi tiếng của giới giải trí.
Máy phát điện của nhà máy điện Hà Nội