Những công trình/tòa nhà được xây từ hơn 100 năm trước ở Sài Gòn, hầu hết đã bị thay thế tháo dỡ. Những công trình nào còn lại cho đến nay thì đều rất quen thuộc với những người từng sống ở Sài Gòn, có thể kể đến Bưu Điện Sài Gòn, Dinh Gia Long, Tòa Pháp Đình (nay là Tòa Án trên đường NKKN), Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, đầu đường Hàm Nghi ngày nay), và một trong những tòa nhà xưa nhất vẫn còn lại cho đến nay của Sài Gòn là Dinh Thượng Thơ – nay là trụ sở của Sở Thông tin truyền thông trên đường Lý Tự Trọng, được xây dựng năm 1875.
Điểm chung của những tòa nhà/công trình kiến trúc được kể bên trên, đó là chúng đều là tác phẩm của một người, là tổng kiến trúc sư đầu tiên của thành phố Sài Gòn, ông Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892). Có thể nói rằng ít có quan chức thuộc địa nào đã ghi dấu ấn đậm nét đối với kiến trúc đô thị Sài Gòn nhiều như Foulhoux.
Trong loạt bài viết về những công trình có tuổi đời trêm 100 năm ở Sài Gòn, ở bài này sẽ nhắc về những tòa nhà là tác phẩm của Foulhoux.
Marie-Alfred Foulhoux được sinh vào ngày 23 tháng 9 năm 1840, tại Mauzun thuộc tỉnh Puy-de-Dôme – vùng Auvergne-Rhône-Alpes miền trung nước Pháp. Ông học kiến trúc tại École des Beaux-Arts ở Paris từ 1862 đến 1870, sau đó trở thành Kiến trúc sư tại Compagnie des Chemins de fer de Paris à Lyon et à la Méditerranée (PLM), một trong những công ty đường sắt tư nhân lớn nhất ở Pháp thời bấy giờ.
Năm 1874, ông đến Saigon làm việc, một năm sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc phụ trách xây dựng công trình công cộng. Năm 1879, sau khi chế độ dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ được thành lập dưới thời Thống đốc Charles Le Myre de Vilers, Foulhoux được bổ nhiệm làm Tổng kiến trúc sư, từ lúc này ông có thể chuyên tâm hoàn toàn vào những gì mà ông làm tốt nhất – đó là thiết kế các tòa nhà dân sự.
Với vai trò này, ông là tác giả của những công trình lớn của Sài Gòn, đã tồn tại bền bỉ với thời gian sau đây:
Hôtel de L’Interieur – Dinh Thượng Thơ
Công trình lớn đầu tiên ở Sài Gòn mà Foulhoux phụ trách là Dinh Thượng Thơ (Hôtel de L’Interieur).
Tòa nhà nằm ở góc đường Catinat – Grandière thời Pháp, thời VNCH đổi tên thành đường Tự Do – Gia Long, nay là Đồng Khởi – Lý Tự Trọng, lâu nay thường được gọi là Dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở của Sở Thông tin – truyền thông.
Tòa nhà này từng là trung tâm quyền lực của toàn cõi Nam kỳ, chỉ xếp sau Dinh Thống Đốc. Vào năm 1864, chỉ 2 năm sau khi chiếm được Gia Định, người Pháp bắt tay vào quy hoạch, xây dựng thành phố Sài Gòn và xây dựng một trong những cơ quan hành chính đầu tiên của chính quyền ở thuộc địa, đó là Hôtel de la direction de l’intérieur (Nha giám đốc Nội vụ). Lúc này con đường trước trụ sở này chưa mang tên Grandière, mà còn tên là Gouveneur.
Nha giám đốc Nội vụ có vai trò điều hành trực tiếp của các thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Một thời gian sau, khi Sài Gòn bắt đầu đông đúc, tòa nhà trụ sở cũ của Nha Nội vụ trở nên nhỏ bé, vì vậy vào năm 1875, Giám đốc xây dựng công trình công cộng vừa mới được bổ nhiệm là Foulhoux đã được giao cho việc thiết kế, xây dựng một trụ sở mới, với tổng chi phí là 108.000 francs,
Công trình chính thức được hoàn thành năm 1881, với kiến trúc hình chữ U vẫn còn lại đến tận ngày nay, sau hơn 130 năm.
Đến năm 1888, chức năng của Nha giám đốc Nội vụ được nhập vào Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ ở góc đường Catinat – d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) sát bên Dinh xã Tây (Tòa Đô Chánh). Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng Chính phủ.
Năm 1946, Dinh Thượng Thơ trở thành dinh Thủ hiến Nam Việt, rồi Tòa Đại biểu Nam phần.
Từ sau năm 1955, trụ sở cơ quan của bộ Nội vụ VNCH được chuyển sang đường Tự Do, ở bót Catinat cũ, còn tòa nhà Dinh Thượng Thơ trở thành trụ sở Bộ Kinh tế.
Ngày nay, tòa nhà này nằm ở địa chỉ số 59-61 Lý Tự Trọng, trụ sở của Sở Thông Tin – Truyền Thông., và một phần của Sở Công Thương.
Palais de Justice – Tòa Công Lý
Đây là công trình lớn thứ 2 mà Foulhoux phụ trách, khi ông đã nhậm chức Tổng Kiến trúc sư ở Nam kỳ. Với công trình này, Foulhoux chỉ phụ trách phần trang trí mỹ thuật, còn thiết kế phần công trình là kiến trúc sư Bourard.
Palais de Justice (Tòa Pháp Đình/Tòa Công Lý) mang phong cách tân cổ điển được xây dựng từ năm 1881 đến 1885, có 2 tầng với hành lang 2 bên và một tầng hầm, nằm ở góc đường Mac Mahon và la Grandiere (nay là NKKN và Lý Tự Trọng).
Cũng vì Tòa Công Lý nằm ở đường này nên sau năm 1955, con đường đi ngang qua được đặt tên là Công Lý, trước khi đổi lại thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ năm 1975. Điểm nổi bật của công trình này là các bức phù điều được kiến trúc sư Jules Bourard thực hiện (Jules Bourard cũng là người xây Nhà Thờ Đức Bà). Sau năm 1954, Tòa Công Lý trở thành Tòa Án Quốc Gia, sau năm 1975 là Tòa Án Thành Phố.
Tòa nhà này là trụ sở thứ 2 của Palais de Justice ở Sài Gòn, được xây dựng để thay thế cho một tòa nhà khác có quy mô nhỏ hơn đã được xây từ gần 20 năm trước đó, nhưng bị đập bỏ để nhường lại vị trí cho tòa nhà Dinh Thống Đốc (sau này là Dinh Gia Long) ở bên đường Grandière (sau này là đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng). Dinh Gia Long được xây năm 1885 trên phần nền cũ của trụ sở đầu tiên của Palais de Justice, và cũng là một tác phẩm khác của Foulhoux sẽ được nhắc đến cụ thể hơn ở bên dưới.
Vị trí của tòa nhà Palais de Justice mới nằm ngay bên cạnh trụ sở cũ, cùng ở góc ngã tư đường Grandiere và Mac Mahon (nay là Lý Tự Trọng – NKKN). Đối diện bên kia đường là Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon), là nhà giam lớn nhất Sài Gòn thời điểm đó, thuận tiện trong việc xét xử phạm nhân.
Sau này khi xây dựng Khám Chí Hòa thì Khám Lớn được đập bỏ, sau đó trở thành phần đất xây dựng trường đại học Văn Khoa, rồi sau đó nữa là tòa nhà Thư viện Khoa học tổng hợp.
Tòa nhà Palais de Justice có bố cục hình chữ U với 1 trệt và 1 lầu, mỗi tầng cao 6,2m. Mái lợp ngói với độ dốc lớn, kết cấu đỡ mái gồm khung thép và gỗ. Ngoài ra tòa nhà còn có tầng bán hầm để làm kho lưu trữ và phòng lưu phạm nhân trong quá trình xét xử.
Mặt bằng tòa nhà với 4 mặt đều có dãy hành lang chạy xung quanh để cách ly, che mưa che nắng, tạo không gian thoáng mát cho các phòng làm việc, đồng thời tạo không gian đi lại giữa nội bộ Tòa án và người ngoài liên hệ công việc. Các chi tiết hành lang, lan can, con triện, cầu thang gỗ, cột tròn Ionic vẫn thường thấy ở các công trình của Pháp xây dựng ở Sài Gòn.
Bố cục hình chữ U với khoảng sân phía trước làm cho công trình này không mang tính phô trương nhưng có sự uy nghiêm, tạo các không gian tiếp cận giữa các bộ phận được thuận lợi.
Kiến trúc bên trong của Palais de Justice không phải ai cũng được nhìn thấy, vì vậy diện mạo quen thuộc nhất của tòa nhà này đối với công chúng là vẻ bên ngoài, đặc biệt là phần cổng được thiết kế ấn tượng.
Cổng vào là một cổng sắt 4 cánh được nhập từ Pháp bằng thép đúc rất nặng, có thể mở vào trong hay ra ngoài linh hoạt bởi một trụ thép nằm giữa. Trên đầu trụ thép có đèn chiếu sáng cho lối vào ban đêm.
Hai bên cổng là hai trụ cột vuông mỗi cạnh 1m. Đập vào mắt là một đầu tượng nữ giới, tượng này thể hiện biểu tượng cuộc cách mạng 1789 của Pháp, đó là nàng Marianne.
Chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh nàng Marianne xuất hiện trên mọi tài liệu, văn bản chính thức của Chính phủ Pháp, trên tem thư và các đồng tiền xu. Trên đầu tượng là hình một con nhân sư ngự trị có đôi cánh thể hiện sức mạnh của pháp luật có thể vươn tới bất cứ nơi đâu.
Đầu tượng được đặt trên một cuốn sách thể hiện một văn bản luật, một bộ luật, một kế ước xã hội đặt ra để quản lý con người và mọi hoạt động chi phối trong xã hội. Phía dười cuốn sách là các bông hoa, chi tiết hoa văn thể hiện những bàn tay nâng đỡ cuốn sách (bộ luật) ý nói con người viết nên những bộ luật để quản lý xã hội chứ không phải thần thánh.
Bên dưới nữa là tượng đầu con sư tử, chúng ta bắt gặp hầu hết trong các cơ quan công quyền của Pháp và châu Âu. Tượng đầu con sư tử với miệng sư tử bị xích lại ý nói quyền lực phải cần được kiểm soát. Dưới cùng là hệ thống họa tiết hoa văn trang trí trong đó có nổi bật hai chi tiết.
Bên ngoài trái là một thanh kiếm thể hiện công lý phải được thực thi. Đối xứng thanh kiếm là một cành cây thể hiện sự mềm dẻo trong việc ứng xử của pháp luật (pháp luật có tính khoan hồng).
Chi tiết còn lại là hàng chữ RF (Republic France – Cộng hòa Pháp). Tất cả các chi tiết đều đăng đối qua một trục thể hiện tính chính nghĩa, nghiêm minh.
Nổi bật nhất là hệ thống tượng phù điêu trên đỉnh mái đón lối vào tòa nhà hình tam giác với hệ thống các hoa văn, họa tiết, phù điêu.
Tiêu biểu là tượng thần công lý tay phải cầm kiếm, tay trái để lên cuốn sách luật (CODE – bộ luật). Tượng hai người ngồi hai bên trong đó người phụ nữ búi tóc cao, tay cầm nón thể hiện người phụ nữ Việt Nam với phong thái nhẹ nhàng, nữ tính. Tượng người đàn ông đầu đội khăn đóng với nét mặt nghiêm trang chăm chú thể hiện tính chính trực, thẳng thắn, nghiêm trang là những đức tính của người đàn ông.
Qua tác phẩm cụm tượng này tác giả muốn nói lên pháp luật ngoài tính nghiêm minh, cần có tính khoan hồng, ngoài việc vận dụng các quy định của pháp luật, trong xét xử cần phải có người dân tham gia.
Năm 1961, một phần mở rộng phía sau của Tòa Án được kiến trúc sư Đỗ Bá Vinh thực hiện theo một thiết kế hài hòa hoàn hảo với công trình nguyên bản.
Công trình tiêu biểu thứ 3 mà ông Foulhoux phụ trách nằm ở góc đường Catinat và Amiral Dupré (nay là Đồng Khởi – Đông Du), như trong hình bên dưới, tiếc là nay đã không còn. Vị trí đó ngày nay là khách sạn 5 sao Sheraton.
Trong hình bên trên, có thể thấy rõ dòng chữ: Maison Fondee en 1885, dịch nghĩa là tòa nhà được xây dựng năm 1885. Đó chính là năm mà Foulhoux được giao xây dựng một tòa nhà dành cho Bureau des Traductions à la Direction de l’Intérieur de Saigon (sau đổi tên là Direction du Service local: Phòng Phiên Dịch Dinh Thượng Thơ Sài Gòn), cơ quan mà Paulus Huình Tịnh Của từng làm việc.
Từ đầu thế kỷ 20, tòa nhà này được tư nhân mua lại, trở thành một cửa hàng bách hóa chuyên bán hàng nhập dành cho nhà giàu. Từ thập niên 1960, tòa nhà này trở thành Trung tâm bách hóa tổng hợp nổi tiếng mang tên Saigon Departo.
Tòa Nhà Thuế Quan
Ở đầu đường Hàm Nghi ngày nay, án ngữ ngay bờ sông là một tòa nhà có tuổi đời hơn 100 năm, thường được gọi là Tòa nhà Thuế Quan, là cơ quan quản lý thuế suốt từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay.
Tòa nhà này cũng có thể là một công trình của kiến trúc sư Foulhoux, vì ông là người đã thiết kế để nó có diện mạo giống như ngày nay, bằng việc sửa chữa nó vào năm 1887 từ một tòa nhà đã có sẵn. Vì vậy, lịch sử hình thành tòa nhà này có nhiều thông tin thú vị, nếu quay ngược thời gian về trước thời của Foulhoux khoảng vài chục năm.
Tòa nhà này đã được xây dựng năm 1867, ban đầu mang tên Maison Wang-Tai, là tư dinh của Wang Tai, lớn hơn cả dinh Thống đốc thời đó. Ban đầu một phần của tòa nhà được cho người Pháp thuê làm văn phòng, sau đó thì bán lại cho chính quyền với giá 254,000 francs để làm tòa thị chính.
Tòa nhà Wang Tai này có thể xem là trung tâm hành chính đầu tiên của Sài Gòn, vừa là cơ quan hành chính, có phòng Thương mãi, phòng Chứng khoán để cấp môn bài, chứng nhận giấy tờ mua bán bất động sản…
Có thể thấy diện mạo nguyên thủy của tòa nhà này khác với kiểu dáng mà chúng ta thấy hiện nay, vì gần như là đã bị đập hoàn toàn để xây lại ngay từ năm 1887 theo thiết kế của Foulhoux.
Ban đầu, ông Wang Tai và gia đình ở tại đây, nhưng phần lớn của tòa nhà là khách sạn mang tên là Cosmopolitan, là một trong những khách sạn đầu tiên của Sài Gòn. Bên trong khách sạn được ông Wang Tai cho thuê một phần làm văn phòng. Theo tư liệu ngân sách do chính phủ Pháp ở Sài Gòn in năm 1876, thời đó ông Wang Tai có 3 căn nhà cho chính quyền thuê lại, ngoài tòa nhà Maison Wang-Tai này còn có một căn ở đường rue de Canton (nay là đường Triệu Quang Phục) cho thuê làm văn phòng điện tín, và một căn khác ở Bình Tây làm bốt cảnh sát.
Năm 1874, gia đình ông Wang Tai dọn ra khỏi Maison Wang-Tai, đến năm 1880 ông đề nghị bán lại tòa nhà này cho chính quyền với giá 225.000 francs. Theo bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, chính quyền lúc đó đã xem xét kinh phí đang mướn và tiền quản lý bảo trì tòa nhà cùng số tiền đang còn nợ chưa trả, Hội đồng quản hạt đã đồng ý bỏ ra 254.000 francs để mua lại tòa nhà vào năm 1882.
Trong một cuốn sách xuất bản năm 1883, tác giả Antole Petiton đã có nhắc đến tòa nhà Wang Tai, lúc này là Tòa thị chính, như sau:
“Khi tàu đến cảng Sài Gòn, du khách có thể thấy 2 nhà nổi bậc là Cảng Nhà Rồng và nhà của ông Wang Tai ở khu vực rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn.
Cả Sài Gòn ai cũng biết đến ông Wang Tai, nhà của ông có 3 tầng rất lớn với cột cửa vòng cong và mái hiên nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Đây cũng là Tòa thị chính thành phố Sài Gòn và là nơi ở của ông thị trưởng. Ông thị trưởng quả là người công chức được chu cấp chỗ ở tốt nhất”.
Sau khi mua lại tòa nhà này, chính quyền đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để tu bổ lại. Cuối năm 1884, bản tường trình của kiến trúc sư A. Foulhoux cho biết tòa nhà được xây dựng không đủ chất lượng để có thể nâng cấp, sửa chữa. Vì vậy vị kiến trúc sư này đề nghị có phương án sửa chữa lại với chi phí dự trù là 30.000 piastres (tiền Đông Dương, 1 piastre tương đương khoảng 10 francs), hoặc phá bỏ hoàn toàn và xây lại với chi phí 75.000 piastres.
–
Cuối cùng, hội đồng quản hạt biểu quyết thông qua ngân sách 37.000 piastres để sửa chữa. Chính ông Foulhoux là kiến trúc sư trưởng sửa chữa lại maison Wang Tai vào năm 1887 để trở thành tòa nhà Hôtel des douanes có kiểu dáng còn lại đến ngày nay sau hơn 130 năm.
–
Palais du Lieutenant Gouverneur (Dinh Thống Đốc) – Dinh Gia Long
Công trình lớn tiếp theo, và là là công trình lớn nhất của Foulhoux tại Sài Gòn chính là Dinh Thống Đốc Nam Kỳ, khỏi công xây dựng năm 1885, hoàn thành năm 1890, thường được gọi bằng cái tên Dinh Phó Soái (vì nó dành cho phó Toàn quyền Đông Dương), sau này được chính quyền Quốc trưởng Bảo Đại đổi tên thành Dinh Gia Long.
Trong lịch sử hơn 130 năm tồn tại, Dinh Gia Long đã rất nhiều lần đổi chủ, được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ban đầu nó được xây dựng với mục đích để làm Bảo Tàng Thương Mại, trưng bày sản phẩm của người bản xứ, nhưng khi chưa được sử dụng đúng công năng được một ngày nào thì đã được các Thống đốc Nam kỳ, sau đó là Phó toàn quyền Đông Dương sử dụng.
Từ sau đó cho đến gần 100 năm sau, Dinh Gia Long chủ yếu là một cơ sở chính quyền phục vụ chính trị, cho đến tận năm 1978 thì mới được trở lại với công năng của ban đầu xây dựng, đó là một bảo tàng triển lãm (museum).
Vì có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cái tên quen thuộc nhất của dinh này vẫn là Dinh Gia Long, được cựu hoàng Bảo Đại đặt tên từ năm 1952, khi đó Bảo Đại đang là quốc trưởng của quốc gia Việt Nam. Vì vậy, trong bài viết này xin gọi chung tòa nhà này là Dinh Gia Long, trong mọi thời kỳ.
Tòa nhà có diện tích mặt bằng rộng hơn 1.700 m², gồm hai tầng với một tòa nhà chính và hai dãy nhà ngang, thiết kế theo phong cách cổ điển – phục hưng, kết hợp Âu – Á.
Mặt tiền tòa nhà được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Ngay phần chóp trên mái tam giác ở mặt phía trước được trang trí bằng một tượng đầu người nghiêm trang. Hai bên trang trí bằng các họa tiết đắp nổi như cành dương liễu, tràng hoa lá bao xung quanh, rắn khoanh tròn…
Nhiều họa tiết đắp nổi khác là sự kết hợp giữa các biểu tượng thần thoại Hy Lạp và hình tượng cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới.
Nội thất của dinh thự rất tráng lệ với những chùm đèn pha lê, hốc tranh tường, các trụ cột, gờ trần phong cách cổ điển sang trọng.
Giữa sảnh chính của tòa nhà là một cầu thang gỗ uốn cong về hai bên để dẫn lên tầng hai.
Năm 1887, khi tòa nhà đang xây dựng dang dở thì Liên bang Đông Dương được thành lập, lấy Hà Nội làm thủ đô. Lúc này vì Hà Nội vẫn chưa xây Dinh toàn quyền Đông Dương (đến tận năm 1906 mới xây dựng xong, nay là Phủ chủ tịch nước), nên ông toàn quyền Đông Dương nhiệm kỳ đầu tiên là Ernest Constans đã sử dụng Dinh thống đốc Nam kỳ ở Sài Gòn (tức dinh Norodom, nay là dinh Độc Lập) để làm trụ sở làm việc. Vì vậy ông Thống đốc Nam kỳ (là chức vụ đã có từ năm 1879) lúc đó là Henri Éloi Danel phải nhường lại dinh Norodom để chuyển sang sử dụng Dinh Gia Long khi nó được xây dựng xong năm 1890.
Kể từ năm 1888, chức vụ Thống đốc Nam Kỳ bị bãi bỏ, thay bằng chức Phó toàn quyền Đông Dương, nên kể từ sau đó Dinh Gia Long được sử dụng hẳn làm dinh Phó Toàn quyền, thường được dân chúng gọi là dinh Phó soái.
(Thực ra chức vụ Phó toàn quyền Đông Dương này quyền hạn cũng không khác gì chức vụ Thống đốc Nam kỳ cũ, nên trong nhiều văn bản, người ta thường ghi lẫn lộn 2 chức vụ này với nhau).
Đến năm 1906, phủ toàn quyền được xây xong ở Hà Nội, toàn quyền Đông Dương rời dinh Norodom để di chuyển ra Bắc làm việc, nhưng các Phó toàn quyền vẫn tiếp tục sử dụng Dinh Gia Long, còn Dinh Norodom trở thành nơi làm việc của ᴄáᴄ ᴄơ qᴜan thᴜộᴄ Phủ Tᴏàn qᴜyền (ᴄơ qᴜan liên banɡ) đặᴄ tɾáᴄh ở Nam Kỳ.
Sau ông Henri Éloi Danel, các Phó toàn quyền người Pháp thay nhau tiếp tục làm chủ Dinh Gia Long. Từ năm 1892 đến năm 1911, đã có thêm tất cả 14 vị Phó toàn quyền khác (trong số 14 vị này có một số vị đảm nhiệm chức vụ này 2 hay 3 lần) cư ngụ trong Dinh.
Năm 1912, chính quyền thuộc địa lại bãi bỏ chức vụ Phó toàn quyền, quay trở lại sử dụng chức danh Thống đốc Nam kỳ.
Từ 1912 cho đến ngày 9/3/1945 đã có thêm tất cả 16 vị Thống đốc Nam kỳ sống và làm việc trong Dinh Gia Long.
Do được xây làm Bảo tàng Thương mại nên ban đầu ở hai bên cửa chính tòa nhà có hai cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp. Năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel cho phá bỏ hai tượng này để xây dựng một mái hiên.
Trước đó, từ năm 1905, cựu Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã viết trong hồi ký:
Dinh Thống đốc Nam Kỳ được xây dựng với mục đích làm bảo tàng. Như thường thấy, Dinh này hẳn là đáp ứng khá kém với mục đích ban đầu; trái lại, nó đáp ứng mục đích làm dinh thự cho một quan chức cấp cao và văn phòng của ông ta đẹp hơn bất kỳ một nơi nào khác. Đó sẽ là một tòa dinh thự đẹp với những nét độc đáo nếu ai đó không nảy ra cái ý tưởng kỳ lạ tô điểm mặt tiền bằng những pho tượng giả đá to lớn và dị dạng.
Năm 1945, dinh Thống đốc nhiều lần đổi chủ. Sau khi quân Nhật nắm quyền tại Đông Dương, vị thống đốc người Nhật là Yoshio Minoda sử dụng tòa nhà làm dinh thự.
Ngày 14 tháng 8 năm 1946, người Nhật giao lại dinh thự cho chính quyền Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam để làm dinh Khâm sai Đại thần Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm.
Đến ngày 25/8/1946, Việt Minh giành được chính quyền, dinh lại trở thành trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ.
Ngày 10/9/1946, Trung tá B. W Roe (phái bộ quân sự Anh) chiếm dinh làm trụ sở Phái bộ Đồng minh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam Bộ phải dời về dinh Đốc lý.
Đến ngày 5/10/1946, dinh được tướng Leclerc dùng làm Phủ Cao ủy Cộng hòa Pháp tạm thời. Sau khi Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Đông Dương là Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu chọn dinh Norodom làm Phủ Cao ủy, thì dinh lại trở thành nơi làm việc của tướng Leclerc, nhưng lần này với danh nghĩa chính thức là trụ sở của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam.
Sau khi tái chiếm Đông Dương, ngày 23 tháng 5 năm 1947, chính quyền Pháp đã bàn giao dinh cho Thủ tướng Lê Văn Hoạch để làm trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại được thành lập và dinh được sau đó chuyển thành dinh Tổng trấn, (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần dưới quyền sử dụng của Thủ hiến Trần Văn Hữu.
Thời thủ tướng Nguyễn Văn Tâm của chính phủ Quốc Gia Việt Nam (nhiệm kỳ 1952-1953), ông từng sử dụng Dinh thự này.
Đây cũng là thời điểm quốc trưởng Bảo Đại đặt tên cho dinh này là dinh Gia Long, và con đường đi ngang qua dinh thự này mang tên Lagrandiere cũng được Bảo Đại đặt tên là Gia Long (là niên hiệu của vị vua khai sinh ra triều Nguyễn). Điều này khác với lầm tưởng của nhiều người, cho rằng tên đường Gia Long chỉ được đặt sau năm 1955, thời VNCH. Tuy nhiên, thực ra là từ đầu thập niên 1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đã bắt đầu “Việt hóa” nhiều tên đường Sài Gòn. Ngoài đường Gia Long còn có đường Trưng Nữ Vương (là một đoạn của đường Hai Bà Trưng hiện nay), Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi…
Sau Hiệp định Genève năm 1954, tổng thống Ngô Đình Diệm về Sài Gòn nhận chức thủ tướng. Vì dinh Norodom còn do Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely đang sử dụng, nên dinh trở thành dinh Thủ tướng tạm thời từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 7 tháng 9 năm 1954.
Từ năm 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống, ông dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, dinh Độc Lập bị hư hại, Ngô Đình Diệm dời phủ tổng thống sang đây làm nơi ở và làm việc đến ngày bị lật đổ vào tháng 11 năm 1963.
Thời gian ở đây, ông Ngô Đình Diệm đã giao cho KTS Ngô Viết Thụ thiết kế một căn hầm đặc biệt để trú ẩn. Hầm được đào sâu xuống đất 4m, đúc bằng ximăng cốt thép (170 kg sắt trên một m3 bêtông), có tường dày đến một mét.
Biến cố ngày 1/11/1963, Dinh Gia Long cũng là một mục tiêu bị tấn công và hư hại nghiêm trọng:
Trong thời gian 1964–1965, dinh được dùng làm dinh Quốc trưởng. Ngày 31 tháng 10 năm 1966, khi dinh Độc Lập mới (theo đồ án của Ngô Viết Thụ) được xây lại xong, Dinh Gia Long có lúc được sử dụng là nơi làm việc của thủ tướng hoặc phó tổng thống, trước khi được là trụ sở chính thức của Tối cao Pháp viện cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sau 1975, tòa nhà tạm thời không dùng cho mục đích cụ thể nào. Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Ủy ban Nhân dân TpHCM đã quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng, đến ngày 13 tháng 12 năm 1999 thì đổi tên thành Bảo tàng TpHCM như hiện nay.
Như vậy, sau gần 100 năm xây dựng, Dinh Gia Long mới trở lại được (gần) đúng với công năng ban đầu của nó. Dự định là trở thành một bảo tàng, đúng hơn là nơi để triển lãm sản phẩm, qua thời gian dài trở thành trụ sở chính quyền, cuối cùng đã trở thành một viện bảo tàng lịch sử.
Một số hình ảnh khác của Dinh Gia Long theo từng thời kỳ:
Trước thập niên 1950:
Thời VNCH:
Hôtel des postes – Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn
Công trình tiêu biểu sau cùng của Foulhoux chính là Bưu Điện trung Tâm Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1886 đến 1891, nằm ở ngay đối diện Nhà Thờ Đức Bà, là địa điểm mà không du khách nào không ghé thăm khi tới Sài Gòn. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là nhiều hướng dẫn viên du lịch, vì học kiến thức trên mạng nên đã thuyết minh nhầm lẫn rằng tòa nhà này là tác phẩm của Gustave Eiffel, xuất phát từ thông tin sai đăng trên wikipedia. Một số bài viết trên các trang mạng cũng trích dẫn từ đó mà không tìm hiểu kỹ nên đã đăng thông tin sai.
Có thể nói tòa nhà Bưu Điện Sài Gòn là một trong số ít những công trình có tuổi hơn 100 năm vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay, nếu xét về mặt kiến trúc tổng thể.
Chỉ một năm sau khi Bưu Điện Sài Gòn được hoàn thành (1891) thì kiến trúc sư Foulhoux qua đời (1892), ông được an táng tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Vì vậy đây là công trình cuối cùng của kiến trúc sư tài ba này.
Đây là công trình kiến trúc kết hợp giữa 2 nền văn hóa Đông – Tây, được trang trí đường nét đặc trưng của tân baroque xen kẽ họa tiết truyền thống của phương Đông.
Đặc biệt là phần mặt tiền của Bưu điện được trang trí những bảng tên những danh nhân, những nhà khoa học thế giới, trong đó đa số là có công trong lĩnh vực điện tín, viễn thông và năng lượng. Một trong số đó vẫn còn sống thời điểm bưu điện được xây dựng.
Nội thất bên trong bưu điện được thiết kế nhiều vật liệu bằng sắt, vì vậy trong nhiều tấm bưu thiếp xưa đã ghi nhầm đây là một nhà ga xe lửa:
Đến nay, tòa nhà này đã hơn 130 năm tuổi, nằm bên cạnh Nhà Thờ được xây dựng trước đó 10 năm (1880). Vì vậy vẻ đẹp cổ điển của bưu điện Sài Gòn càng được tôn lên vì trước mặt nó là một công trình lộng lẫy, bề thế, với tháp chuông cao vút.
Màu sắc nguyên thủy của tòa nhà là màu vàng đất nhạt, kết hợp với những đường gờ và phù điêu màu trắng cùng các ô cửa lá sách màu xanh lá. Màu sắc và kiến trúc của công trình hòa hợp với cảnh quan xung quanh, tạo thành một điểm nhấn trong không gian đô thị.
Nội thất không gian giao dịch tòa Bưu điện Trung tâm gây ấn tượng với những hàng cột thép trang trí chi tiết tinh xảo cùng hệ vòm mái khung thép. Hệ vòm mái này tạo nên những ô cửa sổ lấy sáng ở đỉnh tường trên cao và từ mái. Đặc biệt, ở đây còn lưu giữ hai tấm bản đồ lịch sử là Saigon et ses environs, 1892 (Sài Gòn và vùng phụ cận, 1892) và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge, 1936 (Bản đồ đường dây điện tín của miền Nam Việt Nam và Campuchia, 1936).
Những hình ảnh khác của Bưu Điện Sài Gòn xưa:
Đông Kha – chuyenxua.net